Thư Cho Vợ Hiền

Thư Cho Vợ Hiền

Dạo này, hễ cứ nhìn vào gương là tôi dường như trông thấy một người nào đó trong tiền kiếp. Mái tóc thưa và bạc, đôi mắt nhiều nếp nhăn cộng với làn da bắt đầu cày sới những đường hằn rõ nét. "Mình đã già rồi ư ?". Câu hỏi cứ vang lên trơ trẽn trong tâm tưởng, ngân ra một cách âm ỉ và tuyệt vọng như tiếng sóng biển đánh mãi vào bờ ghềnh đá mà không có tiếng vọng trả lời.

Ý nghĩ về sự lão hóa ấy mới chỉ nhen nhúm trong lòng tôi có vài năm nay thôi. Tôi còn nhớ, nó bắt đầu từ hôm tôi phải đi khám bệnh đau lưng. Ông bác sĩ Việt Nam vui tính vừa biên cái toa thuốc giảm đau vừa cười khà khà :

- Các cậu tuổi ngoài ngũ tuần mà không kiêng bớt "cái vụ kia", là cứ phải viếng phòng mạch của tôi dài dài đấy.

Tôi cãi ngay :

- Đau lưng là do vác nặng, là do thế ngồi thế nằm, do dinh dưỡng, ông vừa bảo tôi vậy còn gì nữa ?

Ông bác sĩ nghiêm giọng :

- Đồng ý, nhưng nếu đã đau lưng thì nhiều "cái vụ kia" sẽ làm cho lưng cậu bị nặng thêm.

- Thế ông bảo tôi phải kiêng luôn à ?

Đưa tôi cái toa, vị bác sĩ già tên Thông gục gặc cái đầu rồi ngần ngừ như đang tìm lời tế nhị để thân chủ đừng thất vọng :

- Tôi bảo "kiêng bớt" chứ có bảo "kiêng luôn" đâu ? Tôi khuyên cậu đây là khuyên theo kinh nghiệm bản thân chứ không hẳn là theo kiến thức y học. Mấy thằng già hay nuôi ảo tưởng mình hãy còn sức như trai trẻ. Con người mà, ai chả thế. Chỗ quen biết tôi cũng chẳng dấu. Năm bằng tuổi cậu tôi cũng bị đau lưng kinh niên chữa thế nào cũng không khỏi, vậy mà nhờ hãm bớt cái vụ đó nên mới hết đấy !

Ngừng một giây ông tiếp, giọng hạ xuống như sợ cô thư ký ngồi bàn ngoài nghe thấy sẽ về mách với vợ ông :

- Ban đầu vợ tôi dĩ nhiên không hài lòng. Nhưng sau nhờ tôi hết lời giảng giải mới yên. Tôi rất cảm thông nỗi khổ của cánh đàn ông nhà mình. Đến tuổi này tụi mình "yếu" đi; thì mấy con mụ vợ nó lại "mạnh" ra. Mình lại còn sinh chứng đau lưng, mỏi cổ. Nếu không cố gắng chiều chuộng địch thủ y hệt như thời khóa biểu ngày xưa khi mình còn niên tráng lực cường thì các mụ sẽ sưng sỉa lên, trong nhà vung nồi méo sạch, dĩa bát bay bằng hết. Mà cố gắng tuân mệnh thì cũng đến khổ, mình gẫy lưng. Đằng nào cũng chết. Giống như một trận túc cầu, chưa đá mình đã biết là thua trước !

Tôi trả tiền ra về, lái xe trên đường nhớ lại khuôn mặt thiểu não của ông bác-sĩ Thông mà lòng chĩu nặng như mây trời chiều xám xịt. Nguyên Cương ơi, đời mi đã đi vào ngõ hẹp rồi sao ? Mang nặng kiếp tha hương, lại mắc phải chứng đau lưng, ban ngày đi cày sở Mỹ ngày dài đằng đẵng, chiều tối về đến nhà có mỗi thú vui vừa lành mạnh tiện lợi vừa miễn phí mà còn phải kiêng khem. Đời người như thế sống làm cóc gì ? Lên núi tu quách ...

Xe ngừng ở ngã tư đèn đỏ. Một ông già Mỹ đen băng ngang qua, tay dắt con chó cũng đen trũi. Bộ quần áo tả tơi của ông ta làm tôi nhớ tới lão Hoạch ngày xưa cạnh nhà trong khu xóm Từ Châu làm pháo, vừa nghèo vừa đông con mà vẫn "sinh hoạt" vung trời chẳng bao giờ thấy "slow down" gì cả. Lão Hoạch hồi đó đã quá tuổi tôi bây giờ, đã một bầy con mười hai đứa lúc nhúc mà cứ mỗi năm là dân khu xóm Từ Châu lại mục kích bụng vợ lão ấy phình lên như cam tích tán rồi sau đó những tiếng khóc oe oe vang lên từ căn nhà ọp ẹp để hòa âm vào ban đại hợp tấu của gia đình lão ồn ào như ri từ sáng đến khuya. Lão chuyên đạp xe ba gác chở thuê; cái áo lính cũ bạc phếch sờn vai trên thân hình còm cõi nhưng gân guốc là hình ảnh quen thuộc trên các con đường Xóm Mới. Các ông trong xóm thỉnh thoảng vẫn hay tủm tỉm kháo nhau về khả năng thiên phú của vợ chồng lão Hoạch. Ai cũng phục lão lăn quay. Người ta thắc mắc, hay là tại lão làm nghề lao động từ hồi còn trẻ nên phong độ trường tồn không bị đau lưng như dân làm công chức nhàn nhã? Hoặc là hàng ngày trong lúc đạp xe chở nặng, những động tác rướn người lên dùng cả trọng lượng thân hình đè lên cái pê-đan để di chuyển chiếc xe ba gác nặng chĩu kia đã là những phút luyện tập, "thao trường đổ mổ hôi chiến trường bớt đổ máu", nên khi lâm trận lão Hoạch chỉ coi như pha không biết mệt? Hay là tại lão chẳng bao giờ phiền muộn lo âu, không triết lý mà cũng chẳng chua cay gì với cuộc đời nên tâm hồn rất chất phác đơn giản thành thử các luồng chân khí của lão mạnh mẽ đến nỗi dù sấp sỉ lục tuần mà lão vẫn tung hoành ngang dọc, lưng không biết nhức tóc vẫn chưa phai ?

Khi cụ Trùm Tuyết, một vị bô lão trưởng thượng nhất trong xóm đem những thắc mắc ấy ra hỏi lão Hoạch, thì lão chỉ tủm tỉm trả lời :

- Các cụ làm sao, thì cháu với nhà cháu cũng làm như vậy. Bình thường thôi !

Chiều xuống thật chậm, một ngày làm việc dài ngoẵng trôi qua. Xe tôi đã về đến cửa nhà, con chó KiKi chạy ra kêu oăng oẳng. Cao Ly vợ tôi đi đâu chưa về. Chắc là nàng giờ này đang say sưa dí mũi vào các cửa hàng ở Galleria Mall, một địa danh mà mỗi lần nghe thấy là tăng-sông tôi chắc phải lên gấp rưỡi vì nhịp tim chuyển thành nhịp giật nhanh thon thót. Ôi, tôi không hiểu nàng cứ thích đi sắm những bộ lingerie mỏng dính ấy để làm gì ? Những chiếc áo ngủ nhìn xuyên qua đó theo tôi nghĩ, chỉ nên sử dụng bởi bọn rỗi hơi như thằng luật sư Long, hay vợ chồng thằng Thìn (hình như hai đứa này là con cán bộ cao cấp ở Việt Nam mới mang nhau sang đây). Chúng nó rảnh rang nên có thì giờ bắt chước thói đế quốc tư bản. Còn tôi, sáng dậy từ sớm tinh mơ, đi cày gần 10 tiếng đồng hồ thì khi về nhà sức lực cùng với lòng hăng hái còn đâu mà để tâm vào những thứ assessories của quỷ ấy làm chi nữa? Đó là chưa kể cái sự vô lý: ngày xưa còn trẻ thì không mặc; bây giờ các lườn mỡ đã tưng bừng xuất trận, các chùm thịt dư đã lộ diện xung phong thì lại đem thắng vào những bộ mát mẻ để khoe của với chồng mà thằng chồng cứ hễ nom thấy lại muốn ngã bệnh ! Ôi, cái tâm lý xiêu vẹo của đàn bà thế giới. Chả biết đâu mà lần ...

Có tiếng chuông điện thoại. Thằng Long luật sư đầu giây bên kia cười hề hề:

- Xin lỗi nghe, hơi đường đột tí. Ông làm tờ di chúc chưa ?

Tôi chau mày chưa đáp. Thằng bạn luật sư sỗ sàng này lúc nào cũng chỉ nghĩ đến tiền.

- Tôi cứ nhắc ông mãi : nếu không làm, khi hữu sự thì rất phiền phức cho người ở lại. Người Việt mình hay tránh né không muốn nhắc chuyện di chúc, chuyện thừa kế, nhưng cái này quan trọng lắm. Khi mình còn sống cái gì cũng xong, nhưng khi có chuyện không may sẽ để lại bao nhiêu unfinished business. Ai biết trước được ? Tỷ như tai nạn ...

Tôi cắt ngang :

- Thôi đủ rồi. Ông không cần phải diễn tả chi tiết.

Không nao núng, Long tiếp tục :

- Để tôi nói cho mà nghe.... Khi ấy quá trễ, làm sao thực hiện được. Như chuyện tài sản, chuyện nhà cửa, chuyện vợ con. Tuần này tôi rảnh, nếu ông muốn tôi làm hộ ông cái chúc thư. Chỉ lấy thù lao tượng trưng thôi....

Tôi lại cắt ngang, giọng dứt khoát :

- Chưa nghĩ tới, nhé. Để khi khác.

Dằn máy, tôi gieo mình xuống chiếc ghế bành phòng khách và lắc đầu xua đuổi những ý nghĩ hắc ám, ngán ngẩm nghĩ đến thằng bạn luật sư cả ngày chỉ quay cuồng trong những mối manh mánh mung, trong cách tìm ra các thân chủ mồng béo đang tang gia bối rối. Long có một mansion nguy nga ngay bên bờ sông, sau lưng là sân golf hạng sang, ly dị đã ba năm, thỉnh thoảng xuống nhà tôi chơi. Không hiểu vì sao gã luôn luôn thân thiện với tôi, mặc dù tôi chưa bao giờ xem gã là bạn chí cốt. Có lẽ do sự khác biệt về tính tình và lối sống, những kẻ có chút máu văn chương như tôi thường tự cho mình là người "cõi trên", hơn hẳn bọn tài phiệt lặn ngụp trong cõi u minh trần tục.

Tôi tần ngần nhìn sang tủ sách nơi có chồng báo Việt ngữ giữ lại từ mười mấy năm qua. Đây là tờ tuần báo tôi thường xuyên cộng tác, có số lưu hành lớn nhất thành phố. Viết lách cũng là một hình thức giảm stress, và còn là phương tiện giữ gìn ngôn ngữ văn hóa Việt trong xã hội tạm dung mà người ta ngày càng quên tiếng mẹ đẻ.

Thế nhưng khoảng hai năm nay tôi cũng ít viết. Không biết vì cạn hứng, hay vì hết đề tài. Cứ cầm bút lên lại hạ xuống. Không hoàn tất nổi một đoạn văn; không hình dung được cái cốt truyện mình định viết. Đôi khi tôi phân vân nghĩ có thể là do tâm hồn mình bắt đầu lão hóa đi nên óc tưởng tượng trở nên cằn cỗi, khi đặt bút xuống không biết viết gì chăng ? Hay là mình sắp vào giai đoạn "tằm nhả hết tơ" ? Không có nhẽ... Chưa già mấy, tôi nhủ thầm. Người ta đến thất bát thập vẫn còn sáng tác, còn mình mới ngần này đâu đã si-nhê. Hoặc có khi tại bây giờ lòng mình bắt đầu thờ ơ với thế nhân, với cuộc sống ?

Nếu quả đúng vào căn bệnh mà các nhà tâm lý học gọi là indifference syndrome, thì điều này rất ư là đáng e ngại.

Vì chưng, hội chứng thờ ơ với cuộc đời nằm trong nhóm những loại biểu tượng tâm lý có vấn đề trầm trọng nhất. Các nhà tâm lý học bảo là buồn rầu thì chưa sao cả. Thất vọng cũng chưa có gì lo. Bởi nhẽ, buồn rầu và thất vọng tuy là những biểu hiện xấu nhưng điều đó có nghĩa là đương sự vẫn còn yêu đời và ham sống. Có ham sống thì khi gặp sự vấp váp mới thấy buồn rầu; phải chuyện bất như ý mới thấy thất vọng. Tức là, hễ cứ hỉ nộ ái ố bi ai thì vẫn bình thường không thành vấn đề; những thứ ấy chỉ nằm trong thất tình lục dục của con người mà thôi. Nhưng, chán chường mới chính là oan gia đại sự. Vì khi chán nản, người ta chả còn thiết gì cả. Lúc ấy chẳng có gì trên thế gian có thể làm cho người ta vui vẻ, hứng khởi. Mà ngược lại, cũng chẳng có gì trên trái đất làm cho người ấy giận dữ hay buồn bực. Hắn ta trở thành vô cảm trước mọi sự. Ăn vào miếng ngon cũng không thích. Cắn vào miếng dở cũng chẳng chê. Tiên nữ có hiện ra trong bộ đồ thiếu vải hắn cũng không buồn liếc mắt và ngược lại, một Thị Nở với một nhan sắc nham nhở có õng ẹo đi ngang qua trước mặt hay đến gạ gẫm làm quen hắn cũng chẳng buồn nhăn nhó.

Giai đoạn này, người ta bảo là hội chứng chán chường đã bước vào thời kỳ mãn tính.

Nghĩ tới đây tôi đâm hoảng. Vì những triệu chứng nêu trên xem ra khá giống với trường hợp của tôi. Những lúc gần đây, tôi thấy mình không còn lưu ý đến những ưu khuyết điểm của vợ tôi nữa. Ngày xưa, tôi còn thỉnh thoảng nhắc Cao Ly phải chăm lo nhan sắc như làm tóc cho đúng kiểu, thời trang cho đúng mốt, và giữ người ngợm cho thon thẻ. Thế nhưng chỉ khoảng ba năm trở lại đây thôi, tôi - một cách vô thức - đã bắt đầu tống khứ những mối băn khoăn ấy ra ngoài tâm khảm. Vâng, giờ thì cái mid-section kia dù có mấy tầng cũng không còn là điều tôi phản đối như trước nữa. Đầu tóc Cao Ly có bới lên theo mốt tổ quạ, hay màu son giờ tô đen thui theo kiểu Marilyn Manson giờ cũng chẳng là điều làm ngứa mắt như xưa. Đặc biệt, tính nói dai ngày trước tôi chúa ghét đã là nguyên nhân của bao lần thế chiến; ngày nay thói ấy cũng thành ra OK, kệ nàng muốn nói gì thì nói tôi cũng giả vờ đang nghe nhưng thực ra để mọi điều nhĩ ngoại. Khả năng "Vào tai nọ ra tai kia" tôi rèn luyện đã lên đến mức hỏa hậu thượng thừa. Đây chính là khả năng tự biến đổi của muôn loài để thích ứng và đối phó với môi trường sống, nói theo thuyết tiến hóa của nhà sinh vật học Darwin. Khi âm thanh san sát và chan chát vang lên cả hai ba giờ đồng hồ bên tai ta, thì cái tai nó sẽ automatically khép lại theo phản ứng tự bảo vệ. Dại gì mà không khép... Nghe vào để hóa điên à ?

Còn việc đàn đúm bù khú với bạn bè là những dịp thú vị nhất của tôi ngày xưa, bây giờ cũng nghe đã nhạt bớt không còn thiết tha như trước. Những buổi la-de ướt át hay Cordon Bleu cay nồng đã kể như chấm dứt. Những chuyến viếng khu Montrose cũng thưa dần. Bọn thằng Long thằng Hoàng mỗi lần gặp, thường lời thăm hỏi đầu tiên của chúng nó đều là một câu rất vô duyên:

- Sao bây giờ mày tu rồi hả Cương ?

Cứ làm y như rằng tôi từng là tay ăn chơi lẫy lừng thuở trước.

Nhưng mặc cho tôi thờ ơ với thế sự, Cao Ly cứ liên tục giục giã chồng phun châu nhả ngọc. Nàng bảo tôi chẳng có tài gì đáng kể ngoài văn chương, nếu không viết sẽ uổng phí. Tôi tự biết mình chẳng có năng khiếu nào ngoài tính gàn bướng trời ban. Tài chẳng bao nhiêu mà tâm hồn thì hết đam mê, còn viết lách thế nào được...

Vả lại, tôi rất nghi ngờ việc vợ mình giục mình sáng tác. Chắc chắn không phải là do lòng ao ước chồng mình thành nhà văn, hay bởi nàng quý trọng sự đam mê văn chương gì đó của đức lang quân. Mà chính là vì, Cao Ly muốn trong truyện tôi viết sẽ có nàng trong vai một nhân vật nữ vừa xinh đẹp vừa dễ mến như những truyện ngắn đầu tay của tôi cách đây hai mươi năm.

Hồi xưa thì điều đó còn đúng. Cao Ly xuất hiện thường xuyên trong các mẩu truyện, lần nào cũng là một nàng thiếu nữ cực cute cực hot. Ly rất thích - lẽ dĩ nhiên - và cất giữ những số báo có truyện đăng ấy, thỉnh thoảng lại đem ra đọc hoặc đem khoe chúng bạn. Nhưng bây giờ thì khác. Cây bút đang ăn khách Nguyên Cương Andy không thể cứ tiếp tục cốt truyện và giữ nguyên vóc dáng hình ảnh nhân vật năm này qua năm nọ. Ai mà cute với hot được mãi ? Đã viết lách thì phải tôn trọng sự thật. Tôi đâu có thể cứ diễn tả Cao Ly trong dung nhan từ hơn hai thập kỷ về trước mà nay đã một đi không trở lại ?

Điều này, nghĩ đến thì dễ mà nói ra mới thiên nan vạn nan. Làm sao tôi có thể cố gắng giải thích được với vợ mình rằng đến năm 2009 này thì những yếu tố như thời gian, sự tích lũy của các fatty cells cùng với sức hút trọng lực (tiếng chuyên môn là gravity toll), sự ăn mòn kinh niên của hóa chất, và các nếp gấp của tầng biểu bì giãn nhão đã làm nàng không còn sắm được vai đào thương trong văn chương của tôi nữa ? Làm sao tôi dám rụt rè nói ra câu "Giá mà thời gian quay lại 25 năm thì anh sẽ không ngần ngại viết ngay một trường thiên tiểu thuyết về em" ? Một nhà đạo diễn Hollywood thì còn có thể từ chối Liz Taylor đóng phim với lý do năm nay "người" đã quá đát; nhưng kẻ tiểu tử kia thì dù có gan cóc tía cũng xin zip miệng lại và giữ chặt ý tưởng cấp tiến ấy trong lòng; vì nếu dại dột phun ra thì mãnh hổ đại nữ vương kia sẽ lập tức hiện nguyên hình, hạ san và ra chiêu sát tử ngay gã thư sinh ngu ngốc lầm mồm lỡ miệng.

Hôm nay là một buổi chiều Chủ Nhật mùa hạ nóng bức, cảnh vật bên ngoài uể oải. Cây cối héo quắt, thảm cỏ úa vàng. Tôi một mình ngồi trong nhà hai chân gác lên ghế bành, ly bia ngấn bọt nằm cô đơn trên mặt bàn. Chợt có tiếng điện thoại reo lên trong túi áo. Vừa móc cell ra, tiếng Cao Ly đã ở đầu giây bên kia nghe xối xả :

- Anh dạo này lộng hành quá lắm. Dám viết truyện nói xấu em rồi đem lên báo !

Tôi ngồi nhỏm dậy ngơ ngác :

- Anh kể xấu em bao giờ ? Em đang ở đâu vậy ?

- Em đang ở nhà vợ chồng thằng Thìn. Nhờ chúng nó em mới biết bộ mặt thật của anh. Anh mở tờ Tự-Do số mới nhất ra mà xem.

Hoang mang tôi tiến đến kệ tủ sách, rút ra tờ báo chưa đọc. Mở ra lật từng tờ, đến một bài truyện ngắn ký tên Nguyên Cương Andy với nội dung cực kỳ phản động nằm phơi ngay trang giữa. Tôi đọc phớt nhanh qua, nhưng tâm tư không gợi ra được một ký ức nào về bài này. Mình đâu có gửi đăng bao giờ ? Sao trí nhớ mình tồi thế nhỉ ? Hay là, mình viết xong mà không nhớ, cài vào email một cách vô thức, rồi bấm Send cũng như một hành động vô thức ?

Tiếng rít lên từ đầu giây bên kia đưa tôi về thực tại.

- Anh trông thấy cái bài của anh trong báo chưa hử ? Lát nữa em về đến nhà thì anh biết tay. Chỉ giỏi ...

Tai tôi lùng bùng, mắt tôi hoa lên. Những giòng chữ của bài viết trong tờ báo bỗng nhập nhòa ẩn hiện. Mùi thơm của mực in vẫn phảng phất. Hay là có kẻ nào chơi xỏ mình, viết xong ký tên Nguyên Cương Andy đem gửi cho báo ? Hay là mình bị ám ảnh bởi lời đề nghị của thằng luật sư Long về việc làm di chúc ? Nếu không, thì sao nội dung lại "lạc hậu, tiêu cực, xa rời quần chúng và chống phá nhân dân" như thế này ?

CHÚC THƯ CHO VỢ

......Em yêu, ai mà sống ở đời được mãi. Ai chả có lúc phải nói lời vĩnh biệt. Khi anh ra đi, thì đây là di chúc - em hãy nhớ làm những điều sau đây anh dặn :

1. Mang cất ngay dàn Karaoke vào garage. Giọng em mà tối nào cũng rống lên hãi hùng như thế, không có anh, con mẹ Ấn Độ sau nhà nó nhẩy sang nó xé xác.

2. Tính em vốn không thích làm việc nhà việc bếp. Em nên tái giá ngay để có kẻ hầu em thay thế chỗ anh. Trong số bạn anh, anh đề nghị em lấy thằng Long, vì khi còn sống anh ghét thằng này nhất, lúc nào cũng vênh cái mặt lên cho rằng đời nó hơn anh mọi thứ. Lấy em xong là đời nó tàn, thử xem nó còn huyênh hoang được nữa không.

3. Nếu thằng Long không chịu lấy em, thì em lấy thằng Hoàng. Thằng này mang nữ tính, bảo gì nghe nấy, em đỡ phải quát tháo như em đã quát anh.

4. Nhưng em chớ có lấy thằng Dư. Nó có võ Bình Định. Hỗn như em thì nó uỵch chết, không chết cũng u đầu. Tội nghiệp mấy đứa con anh đã mất cha giờ thành không mẹ.

5. Cũng đừng lấy thằng Phú mắc bệnh đau tim. Cứ mỗi tháng credit card của em gửi bill về, nó nom thấy là nó đột quỵ ngay, em sẽ thành góa bụa lần nữa.

6. Nếu cả bốn thằng Long-Hoàng-Dư- và Phú đều không chịu lấy em, thì em chớ có đi mỹ viện sửa sang hòng re-marry. Để dành tiền ấy mà nuôi con vì anh biết chắc là chúng nó sẽ chỉ còn da bọc xương trong vòng một tháng.

7. Em cũng đừng theo tục lệ VN nấu cháo hay nấu cơm cúng giỗ cho anh. Cháo hễ em nấu là khét, mang xuống âm phủ chỉ làm Diêm Vương nổi giận. Còn cơm em thì ... Thôi anh xin miễn. Em muốn cả địa ngục đi tiêu chảy vì ăn phải gạo sống, thì cứ việc nấu....

Nguyên Cương Andy