Thư Quê Hương

Thư Quê Hương

Houston 13/3/2010

Hà mến,

Lá thư trước Hà viết rằng hôm Tết xem lễ nhà thờ Hoàng Mai tình cờ gặp chị Liên, và nói chuyện về anh - làm anh muốn kể em nghe lại một quãng đời thủa còn đi học.

Hồi năm 1970, thỉnh thoảng đi ngang qua một căn nhà ở cổng xứ Hoàng Mai anh thấy có một người con gái mặc áo bà ba kiểu nhà dòng đứng trước cửa nhà, khuôn mặt hiền hậu có miệng cười rất tươi. Nhưng anh cũng chẳng để ý nhiều. Chỉ biết người con gái ấy tên là Vũ Thị Liên con nhà ông bà tiệm gạo, đang tu ở một dòng nữ trên Bảo Lộc hay Biên Hòa.

Hôm khai trường lớp đệ nhất, vào lớp anh ngạc nhiên khi trông thấy Liên ngồi bên dãy bàn nữ sinh. Không còn trong nhà dòng và đã trở về đi học trường ngoài. Thì ra cô nàng ... tu xuất. Tuy đã xuất nhưng Liên vẫn mặc áo dài kiểu nữ tu, nghĩa là rộng thùng thình chẳng có eo ót gì cả. Mái tóc bây giờ tuy không còn cắt ngắn như hồi trong chủng viện, nhưng cũng chỉ để ngang lưng và kẹp lại đàng sau. Giọng cười khúc khích trong vắt. Hàm răng trắng đều. Cái miệng hay chu ra làm điệu. Liên học giỏi, bài nào cũng được điểm cao. Và đến giữa năm học thì nụ cười và giọng nói dịu dàng của chị Liên đã bắt đầu làm anh chú ý. Chả biết Liên có để ý đến anh không, nhưng còn nhớ một hôm khoảng tháng hai Liên đưa cuốn lưu bút và bảo anh viết vào trang lưu niệm. Mở ra, thấy các bạn gái trong lớp đã viết xong khoảng nửa quyển. Nửa quyển sau dành cho bạn học trai, thì anh là người đầu tiên. Mang về nhà, anh ngồi suy nghĩ một lúc. Vẽ vào trang bên trái chùm hoa phượng vĩ bằng bút chì mầu. Còn trang bên phải, anh nắn nót viết vào những giòng chữ mơ hồ, nửa muốn viết rõ cho Liên hiểu; nhưng nửa xấu hổ lại thôi không dám tỏ bày tâm sự.

Ngày bãi trường đã đến. Hoa gạo nở đầy ngoài cổng trường. Cả lớp lo lắng mùa thi tú tài. Nhưng anh chỉ lo sắp phải lên Sài Gòn vào đại học giã từ đời học sinh. Và phải chia tay với Liên. Trước ngày lên Sài Gòn, anh cặm cụi ngồi viết cho Liên một lá thư dài bốn trang. Chả nhớ anh viết những gì, chỉ nhớ mang máng đó là những lời kể lể nỗi lòng của một người đã yêu thầm cô bạn cùng lớp.

Lên Sài Gòn anh ghi danh Khoa Học. Chiến cuộc vẫn ác liệt. Sinh viên anh nào cũng học mờ người. Rớt năm nào là vào Thủ Đức ngay năm ấy. Và thỉnh thoảng anh về Xóm Mới, ghé chơi nhà Liên. Tiệm gạo bây giờ đã nghỉ bán. Liên ghi danh Văn Khoa, nhưng xem chừng vì nhà quá xa nên khó lòng đeo đuổi việc học. Liên đi dạy lớp mẫu giáo, nhờ anh vẽ vào tấm bìa những con thỏ con gà để dùng làm tranh dạy học cho lũ trẻ con.

Nhưng thời gian cứ trôi qua và những buổi cuốc xe đạp về Xóm Mới ghé thăm Liên cứ thưa dần. Người con trai sau mấy năm làm quen ánh sáng thành thị, đã bắt đầu thấy quãng đường đạp xe từ Sài Gòn về Xóm Mới là quá xa quá ngại. Hay là vì chàng sinh viên bây giờ tâm hồn đã tràn ngập hình ảnh các thiếu nữ tân thời chốn đô hội xa hoa, nên nay đã quên tình yêu đơn sơ của người bạn gái cùng lớn lên nơi vùng ngoại ô thuở nhỏ ? Quên cả bao nhiêu lời êm ái bao giòng chữ nắn nót gửi vào trong lá thư ngày trước ?

Một lần, hai người vào Thảo Cầm Viên. Ngồi yên lặng một lúc trên ghế đá dưới bóng rợp tàn cây, Liên cho biết là anh Quân đã ngỏ ý mang bố mẹ đến nhà Liên xin hỏi. Quân là một thanh niên cùng xứ. Liên nói “Thằng Quân nó cứ theo Liên mãi từ mấy năm nay. Nó bảo mẹ nó cuối năm sẽ sang nhà xin dạm ngõ”. Anh nghe mà suýt phì cười vì Liên gọi anh chàng đang theo đuổi mình bằng “thằng” với “nó” thì còn thơ mộng cái gì nữa. Nhưng anh không cười, vì mặt Liên có vẻ buồn, cơ hồ có ý ngầm nhắc nhở “Sao Đức viết thư tỏ tình mà đến bây giờ vẫn chưa nói động gì đến chuyện hôn nhân? Nhỡ bố mẹ gả Liên cho người ta thì sao ... Đức không sợ mất Liên à ? ”.

Anh không nói gì, chỉ nhìn thoáng vào đôi mắt người bạn gái. Đôi mắt hôm nay nhuộm nét u hoài, như nhẹ nhàng trách móc. Bỗng chốc, anh nghe như cả khung trời trong Thảo Cầm Viên tối lại. Xung quanh hoa lá chợt hết tươi thắm mơ màng, chim muông ngừng thôi ca hát, các tia nắng hết chiếu lung linh. Bước ra cổng, anh vừa nhận ra trong lòng đã có những tàn phai bất chợt. Cậu học sinh ngây thơ của miền tỉnh lẻ giờ đã hết thơ ngây, tâm hồn nay đã nhàn nhạt cảm giác yêu thương vụng dại năm nào.

Anh thôi không gặp Liên từ đó.

Chúc vợ chồng Hà vui mạnh. Hẹn thư sau. Anh.

***************************************

Xóm Mới ngày 18 tháng 4 năm 2010

Anh Đức thân,

Em vừa đi Quảng Trị về đến nhà là ốm ngay một trận. Cả đoàn du lịch ngồi xe đò nguyên một ngày, chịu gì nổi. Khiếp, nắng ngoài ấy như đổ lửa. Nhưng cũng bõ công một chuyến hành hương, thánh địa La Vang rộng rãi và đẹp lắm; em ngồi cầu nguyện cả hai ba giờ đồng hồ ...

Thư anh kể lại thời trung học, đọc cũng vui nhỉ. Em còn nhớ những năm ấy - đời học sinh vô lo chẳng biết gì. Anh học đệ nhất, trên em một lớp. Lớp anh có chị Liên học giỏi, lại xinh. Thế mà anh với chị ấy lại không nên duyên nợ, lúc ấy em cũng không hiểu tại sao, bây giờ mới biết ông anh họ của mình thay lòng đổi dạ, gớm chửa. Sau này anh lại còn làm quen cả con bé Thảo bạn thân của em nữa. Rồi lại cũng không lấy nó. Nó thương anh mãi cho đến khi anh rời Viêt Nam, nó lấy chồng rồi xuất cảnh mà chả quên anh được. Bên ấy ở cùng thành phố, anh có thỉnh thoảng gặp Thảo không ? Bây giờ có gặp nhau chắc cũng chỉ như bạn thôi, anh Đức nhỉ.

Thảo vừa gọi điện thoại từ Mỹ về nói chuyện với em. Nó tâm sự với em nhiều lắm. Nó lưu luyến với anh đến thế, có khi nào anh nhớ tới Thảo mà thấy thương hại không ?

Chúc anh và gia đình luôn bằng an.

Em, Hà.

****************************************

Houston 7/5/2010

Hà thân mến,

Bữa trước Hà gửi thư hỏi anh có bao giờ nhớ đến mối tình của Thảo hay không.

Anh cũng chẳng biết trả lời như thế nào. Cô bạn thân của em vốn mang một cá tính khác thường không như ngàn vạn người khác. Đấy là sự chung tình, có lẽ trên đời này ít ai như Thảo. Hai mươi chín năm trôi qua từ ngày nghe tin anh đi lấy vợ, nàng chẳng thù chẳng hận. Chỉ ngậm ngùi buồn rầu, nhưng lòng yêu dấu khôn nguôi đến nay vẫn chưa tàn lụi nén hương lòng. Dường như Thảo giống các nhân vật nữ trong tiểu thuyết: tâm hồn lý tưởng, cơ hồ trái tim chỉ có mỗi một ngăn mà hễ hình bóng ai đã lọt vào thì mãi mãi sẽ chẳng phai. Thảo là người con gái duy nhất đã yêu anh đúng nghĩa với chữ tình yêu, như trong bản Nỗi Lòng của nhạc sĩ Nguyễn văn Khánh.

Những người khác trong đời anh chẳng ai cực đoan như vậy. Những năm 70’s khi anh đến với những người đó, thì lúc ấy họ cũng đến tuổi lấy chồng. Họ “bồ” với anh, với hy vọng là anh sẽ lấy họ - thế thôi, chứ không phải do lòng “yêu thương đắm đuối” gì sất cả. Nói cho rõ hơn là họ muốn lập gia đình, và lúc đó anh cũng là người khả dĩ để họ lấy được, thế thôi. Chả mơ mộng viển vông gì. Cho nên khi tan vỡ, họ tuy có ghét anh một thời gian, nhưng rồi cũng đi lấy người khác và bỏ lại sau lưng kỷ niệm ngày trước, như chị Liên chẳng hạn.

“Bỏ lại đàng sau” như thế cũng là điều hay, Hà nhỉ. Chứ thương nhớ để mà làm chi ? Lấy chồng xong, mọi người con gái trở thành đàn bà, làm vợ rồi làm mẹ, và dành hết tâm trí vào cuộc sống thường ngày, bận bịu công việc gia đình. Họ sẽ từ từ lãng quên chuyện ngày xưa. Y như bản nhạc Tóc Mai Sợi Vắn Sợi Dài trong đó có câu “Từ đó em làm dâu người ta - Từ đó anh thành anh nghệ sĩ - Em thôi em thôi không làm thơ - Em yên em yên vui chuyện nhà”. Người đàn bà không bận tâm nữa, lòng sẽ yên ổn và bình lặng, để tất cả dần chìm vào dĩ vãng mù khơi. Và khi con gái họ lên mười bảy tuổi hỏi “Mẹ ơi, hồi còn trẻ mẹ có thương ai, có phải lòng ai không ?” họ sẽ suy nghĩ chỉ một giây rồi mỉm cười lắc đầu “Chả thương ai sất. Chỉ phải lòng có mỗi thằng bố mày”. Và hai mẹ con cùng cười vang vô tư lự. Chín mươi chín phần trăm đàn bà người ta, ít ra là những người xung quanh anh, đều bình thường như thế. Chỉ tội cho người con gái nào đi lấy chồng mà không quên được hình bóng cũ. Như Thảo...

Tuần trước nhân dịp lễ kỷ niệm người ta tổ chức văn nghệ ngoài trời ở Houston khán giả đến cả ngàn người. Chiều hôm ấy anh cũng đến dự. Âm thanh của nhạc, tiếng microphone, tiếng đám đông cười nói ồn ào đinh tai nhức óc. Anh bước gần lại sân khấu để nói chuyện với vài người quen. Chợt trông thấy Thảo đang ngồi hàng ghế trước, anh nép tránh vào phía sau mấy người đang đứng để Thảo khỏi nhìn thấy anh. Bỗng có người gọi "anh Đức". Thảo đang ngồi đăm chiêu, vừa nghe tên anh là giật mình ngay, ngẩng lên rồi cúi xuống, không tìm thấy anh Thảo lại dựa vào thành ghế tiếp tục đăm chiêu. Anh nghe trong lòng dấy lên vừa chút cảm động vừa thương hại, vì Thảo đang ngồi lơ đãng tâm trí để đâu đâu giữa hàng ngàn tiếng nói cười la hét hỗn loạn xung quanh; thế mà hai chữ “anh Đức” vừa phát ra là lọt vào tai ngay tựa hồ hai tiếng ấy đã nằm sâu một góc trong tiềm thức của Thảo.

Còn anh - nếu như đang đứng giữa đám đông ồn ào mà có tiếng gọi “cô Thảo”, anh cũng chẳng để ý xem họ gọi ai. Buồn nhỉ ...

Thôi để anh kể chuyện khác cho vui, nghe.

Tuần vừa qua anh đọc trong Internet mục Tìm Kiếm Người Thân, thấy có một ông khoảng trên 70 tuổi viết cái blog thật dài tìm người yêu quen nhau từ năm 1961. Ông kể những chuyện hai người gặp gỡ chuyện trò như thế nào, hứa hẹn ra sao với giọng văn mộc mạc của một người miền Nam bộ chất phác không quen viết lách; thí dụ như “... Năm ấy anh đang dạy lớp nhì, đón em từ Bắc Mỹ Thuận lên xe đò về Long Xuyên em có nhớ không Lài, rồi hai đứa mình vô quán đầu đường uống hai ly nước mía ...” rồi thì “anh chở em vô trường xin cho em học trường quận, một hôm hai đứa đi dạo ngoài bến em thấy tụi con nít chơi đùa ở bờ sông, em nói mai mốt tụi mình cũng có lũ con như vầy” thế rồi sau đó là “em hứa rằng em ra đi ba năm rồi trở lại, nhưng đến nay là đã 48 năm, tức là mười sáu lần cái ba năm đó, mà em vẫn đi bằng bặc, bây giờ là quãng cuối đời anh rồi Lài à, hy vọng em đọc được tin nhắn này, lòng anh thắc mắc chỉ muốn em nói cho anh hay tại sao em ra đi mà không trở lại, có phải hồi đó em chê anh nghèo lương dạy tiểu học không biết tới chừng nào mới mua nổi căn nhà ...”

Anh xem mà cứ mỉm cười vì sự si tình của ông già, nhưng cũng cảm phục tình yêu chung thủy. Chẳng biết cô Lài kia (bây giờ gọi là bà kia mới đúng) có đọc được mảnh tin nhắn đó không.

Chúc vợ chồng Hà hạnh phúc, hẹn thư sau. Anh.

****************************************

Xóm Mới ngày 12 tháng 7 năm 2010

Anh Đức thân mến,

Hôm thứ bảy lễ quan thày họ Lộ Đức xóm Từ Châu của mình, có chị Liên vào xem lễ. Lễ xong gặp em chị ấy kể bao nhiêu câu chuyện. Nào là chuyện anh Quân bây giờ đâm ra uống rượu và cá cược bóng đá, chuyện lũ con chị ấy chuyên môn ăn trộm đồ đạc nhà đem đi bán. Chị ấy bảo đời chị bây giờ chán lắm. Em nhắc đến anh. Chị ấy bảo anh là đồ sở khanh. Em hỏi tại sao chị Liên nói như vậy, thì chị bảo : " Hà còn nhớ lá thư tỏ tình của anh Đức viết do chính tay Hà đem hộ anh ấy đưa cho chị không ? Trong thư anh ấy viết nào là thầm yêu nào là trộm nhớ. Thế mà chỉ có hơn một năm lên Sài Gòn là anh đã thay lòng đổi dạ. Ngày chị còn bé, người ta đều nói thanh niên Xóm Mới hễ lên Sài Gòn là hư hết. Chị lại không tin. Đến khi anh Đức thành ra " như vậy" chị mới sáng con mắt ... Trai Xóm Mới không lấy gái Xóm Mới, mà lại thích đi lấy gái Sài Gòn ! Nói có Chúa làm chứng, hồi xưa chị đã lên tận nhà thờ Fatima cầu Bình Triệu cầu nguyện cho anh ấy sau này lấy phải con bé nào lười chẩy thây thối xác, suốt ngày chỉ biết nằm ườn xem Ti Vi ăn quà ngắm vuốt làm đỏm".

Em nghe thế cũng chỉ biết im. Tại anh hết, em bào chữa cho anh mình thế nào được?

Còn cái Thảo bạn em ở Houston - sáng nay nó vừa nói chuyện phôn với em cả một giờ đồng hồ. Bây giờ nó khác hẳn. Nó bảo nó vừa học xong lớp Thiền một tháng ở trên chùa, có ông thiền sư giảng về cuộc đời, về thuyết nhân quả, về nghiệp chướng, về trần thế phù vân. Nó bảo bên đạo bên lương ai cũng phải công nhận lời thầy là đúng. Học xong khóa Thiền nó nghiệm ra rằng dĩ vãng là vô thường, còn hiện tại mới là cõi phúc. Cứ mãi ôm ấp tiếc nuối mối tình ngày xưa với anh chỉ tổ làm tâm hồn thêm héo úa. Bây giờ nó không còn muốn nhung nhớ gì về anh nữa. Đã giác ngộ rồi, lục căn đã tịnh, thất tình lục dục phải bỏ lại hết cho hư không. Thậm chí nó còn bảo phước đức bảy mươi đời nhà nó đã không lấy anh. Chứ lỡ mà vớ phải anh, thì cuộc đời nó chả được sung sướng như bây giờ. Thảo lấy ông Khoa Trần thầu khoán, ở Houston chắc anh cũng biết. Nhà nó ở cái khu tên Mỹ em cũng chẳng nhớ rõ, hình như Kích Cờ Ri Lô gì ấy, hai thằng con giai đang học bác sĩ. Nó hàng ngày không chơi quần vợt thì đi hát ở quán nhạc, không hát thì đi tập thể dục thẩm mỹ, nhà có người giúp việc chẳng phải làm gì sất. Mỗi lần vợ chồng nó về Việt Nam cả làng Phạm Xá ra phi trường đón. Cái Thảo bảo, may quá chứ hồi xưa mà lấy anh Đức thì bây giờ lại có khi đang nhặt rau ngoài chợ. Đứa nào vướng vào tấm chồng chỉ biết văn chương thi phú như anh thì đời đứa ấy kể như chấm dứt. Anh là dân Bắc kỳ đã khó tính mà lại nghèo, ông Khoa người miền Nam dễ dãi hơn. Cứ nhắc đến tên anh là nó giẫy nẩy. Thảo kể rằng hôm đi xem lễ kỷ niệm ngày 30 tháng 4 vừa rồi, đang ngồi ghế vừa nghe tiếng ai gọi tên anh nó giật nẩy mình làm rơi cả ly nước trên tay xuống đất, y như hú hồn hú vía.

Em cũng không hiểu khóa Thiền có mãnh lực gì mà cái Thảo nó chuyển ngay từ tình yêu sang ... tình ghét nhanh chóng đến thế ? Cho nên em đọc lá thư anh viết về ông già Nam bộ yêu một bà tên Lài cho Thảo nghe; định là cho nó thấy anh cũng viết về những người có tấm lòng chung thủy, hòng gỡ "điểm danh dự" cho anh. Nhưng nghe xong nó bảo anh Đức chỉ viết toàn những chuyện hão huyền. Nó nói “Những mối tình dang dở dĩ nhiên ai mà chả tiếc bởi vì người ta chưa được lấy nhau; chứ hễ được rồi thì lại hết tiếc, lúc ấy lại đâm ra tiếc đời mình. Ông Nam Bộ kia đến giờ này còn lưu luyến là vì ông ta chưa lấy được bà Lài, thế thôi, thử lấy về xem, lập tức biết tay nhau ngay, đi nhậu có một buổi vừa về đến nhà bả vác đòn gánh rượt ổng chạy từ bến Ninh Kiều sang tới bắc Mỹ Thuận cho coi, quần áo thì bả không cho mua, bắt ổng mặc lại đồ cũ của bả, khi đó ổng tha hồ than thân trách phận. Như chuyện tao với anh Đức không thành, tiếc làm gì, lấy nhau vào rồi nhìn nhau lại chán ói. Nhất là phải chịu đựng cái tính nết lừng khừng của anh ấy”...

Em cũng không biết đối đáp với Thảo như thế nào. Chả lẽ cứ biện hộ cho anh mãi. Hay là, anh cũng ghi danh học một khóa Thiền đi ? May ra thì lòng anh bình lặng ...

Chúc anh và gia đình luôn bằng an.

Em, Hà.