Bút Ký Quê Nhà

Bút Ký Quê Nhà

Ngày 6 tháng 12 năm 2003

ôi và người bạn dẫn đường tên Tuyển dừng lại ở cuối con ngõ trải gạch vụn. Chiếc cổng gỗ gắn tấm bảng thiếc "Cô Nhi Viện Hoàng Mai" xám nhạt. Vườn cây bên trong xanh lá chuối, tu ma, trứng cá. Chiếc chum sành men vàng sậm với gáo nước mủng dừa để trên. Hai gian nhà hình thước thợ giáp nhau, mái tôn đã bắt đầu hoen rỉ. Gian bếp vách gỗ, bên trong tối om có làn khói trắng lan qua mái dột. Quạnh quẽ và nghèo nàn. Im vắng và buồn tẻ.

Chị Khổng Thị Huyền là nữ tu quản nhiệm ở đây. Giọng chị hồn nhiên như người được trời sinh ra để gánh vác cái trách vụ nhọc nhằn nuôi nấng dạy dỗ chăm sóc sức khỏe cho sáu mươi tám đứa trẻ tật nguyền.

- Chúng em về đây được sáu năm... Ban đầu hai gian nhà lợp lá. Trẻ con đêm ngủ la liệt dưới đất. Sau trận mưa mùa lụt 2001 gió tốc hết mái, dòng bề trên xuống xem thấy ngập cả, nên cấp tôn cho chúng em lợp lại, mới được khang trang như thế này ...

" Khang trang ! ", tôi thầm nhủ. Thế này là khang trang thì lúc trước còn thê lương đến như thế nào ? Bốn cái cọc kia, đang chống đỡ dàn mái tôn nâu sét, chỉ thêm một cơn gió như trận cuồng phong cấp bốn thổi vào miền Trung năm ngoái, là không khéo sẽ bay cuốn lên trời như bốn chiếc que diêm với tờ giấy báo !

Nhưng chị Huyền xem chừng là người lạc quan. Chị kể :

- Tôn này chúng em mua lại của đám cháy nhà dưới xứ Lạng Sơn ... Đây này, giường chiếu bây giờ các em có cả. Ơn trên quan phòng cho hết. Gạo thỉnh thoảng mới bị thiếu một lần ... Rau thì chúng em trồng lấy, đây này, các anh xem, dền, mướp, đủ cả !

Tôi và Tuyển nhìn theo hướng tay chị Huyền. Giàn mướp thấp ngang đầu, ra được hai quả dài khoảng gang tay. Ở bên dưới, ba bốn luống rau dền tím èo uột như không dám lớn thêm vì sợ người ta sẽ ngắt sạch lá.

- Chúa cho, mướp mỗi tháng ra ít nhất cũng được mười mấy quả. Rau dền rau muống chúng em giồng cũng đỡ bao nhiêu tiền chợ các anh ạ ! Chỉ thiếu là thiếu chất đạm ... Tội nghiệp các em ở đây đang tuổi lớn, chẳng mấy khi được miếng thịt miếng cá.

Chị Huyền chỉ vào mấy em nhỏ khoảng mười hai mười ba tuổi đang đứng ngơ ngác nhìn hai khách lạ. Một em trai mặc bộ quần áo bà ba, nước da vàng bủng phủ trên tấm thân còm cõi suy dinh dưỡng, cộng thêm gương mặt của trẻ bại não tất cả làm thành một bức ảnh thương tâm. Tuyển, anh bạn tôi đưa chiếc máy hình lên. Tôi ngăn lại, nói khẽ :"Khoan đã Tuyển ... Chưa chắc các em đã muốn chụp hình". Nhưng đứa bé đã cười tươi, nhìn Tuyển bằng đôi con mắt chờ đợi, hàm răng sún ngờ nghệch nhe ra trên cái miệng rộng, làm sáng cả một khuôn mặt mới lúc nãy tưởng như buồn bã vô hồn.

Ngày 7 tháng 12 năm 2003

Anh Kim chỉ ngôi nhà nằm trên đường Nguyễn Khoái quận 4 :

- Ngày xưa đây là xưởng cưa, bây giờ họ sửa thành nơi nuôi trẻ mồ côi. Vùng này được coi là nơi bị lãng quên của thành phố, bi thảm nhất trong mười hai quận Sài Gòn.

Tôi nhìn quanh. Quả thật vùng Khánh Hội chen chúc bên kia cầu chữ Y dọc theo bến Vân Đồn là khu ổ chuột nheo nhóc xơ xác vào hạng nhất nhì của đất hòn ngọc Viễn Đông. Ở nơi đây xưa nay, du đãng xì ke đĩ điếm trộm cắp không thiếu thứ gì. Các dãy nhà lụp xụp cất hai bên bờ sông in bóng xuống kinh nước đen ngòm, được gọi một cách mỉa mai bằng cái tên lịch sử oai hùng ghi dấu tích chiến thắng quân Mông Cổ của thượng tướng Trần Khánh Dư, bến Vân Đồn. Mùi nước ô nhiễm nặng nề bốc lên thốc thẳng vào đường hô hấp của mọi người. Tôi nhắm mắt ngưng thở, lắc đầu mấy cái cơ hồ làm như thế sẽ tống khứ được vài lít chướng khí vừa chui vào hai lá phổi.

Có tiếng người văng vẳng bên trong căn nhà dùng làm trung tâm từ thiện. Một người đàn bà bước ra, mau mắn tự giới thiệu :

- Tôi là em cùa thầy Thích Từ Giang, y tá của phường lo sức khỏe thuốc men cho các cháu.

Chúng tôi đi lên thang lầu. Cả thẩy có bảy lớp học, mỗi "lớp" có khoảng mười cháu nhỏ, chia làm nhóm tùy theo bệnh trạng. Nhóm chậm trí gồm những em bị hội chứng Dow và bại não. Trong lớp của nhóm tê liệt, bốn em ngồi yên trên ghế với đôi chân bị rút nhỏ lại, ba em khác có cần cổ bị vẹo xuống không giữ nổi cái đầu quá nặng. Tôi và anh Kim đi qua lớp học cuối hành lang. Ở bên trong là hai chiếc máy tập, làm bằng mấy chiếc gọng sắt và những mối hàn thô sơ để cho các em tập vật lý trị liệu. Có hai em đang ngồi tập với một người giáo viên. Một đứa dương cặp mắt lạc thần nhìn ra khi thấy cánh cửa mở, hai cánh tay gầy guộc bám chặt trên gọng sắt, đôi chân đạp vào pê đan lung lay rỉ sét.

Anh Kim nhìn tôi :

- Ở bên ấy làm sao chú xin được tiền của người ta mà đem về giúp cho mấy đứa nhỏ này ?

Tôi suy nghĩ một lúc.

- Em cũng không biết chắc. Có lẽ… khi về em sẽ tổ chức một buổi nhạc thính phòng gây quỹ. Có điều là kinh tế bên ấy dạo này bết, nhiều người mất việc, nên kêu gọi cũng hơi khó.

- Giả sử chú không tổ chức được buổi ấy, hoặc không quyên góp được gì cả thì làm sao ?

- Thì cũng đành chịu vậy.

Chúng tôi leo lên xe đạp máy. Tiếng xe nổ vòng vèo qua Cầu Muối, tôi rút gói thuốc ngồi sau lưng anh Kim châm một điếu, hình ảnh ba đứa trẻ bại não nằm co quắp trong góc phòng vẫn còn in rõ nét trong trí lự.

Ngày 12 tháng 12 năm 2003

Buổi sáng, tôi và anh Kim ra quán cà phê Trung Nguyên gần nhà làm một ly arabica đậm đặc cho tỉnh táo trước khi lên đường đi hỏi địa chỉ chùa lá ở Nhà Bè. Ngồi trước quán cà phê góc phố nhìn ra đường Nguyễn Tri Phương, từng đoàn xe hai bánh phóng vội vã, tiếng máy gầm thét inh ỏi. Người đi kẻ lại tấp nập trên đường trên vỉa hè, không ai để ý tới những đứa trẻ mười mấy tuổi cầm thùng gỗ đi từng bàn xin đánh giày, những ông già bảy mươi cầm xấp xổ số đến ngập ngừng trước từng người khách để hầu như biết chắc chắn sẽ chỉ nhận được sự xua đuổi.

Tôi mở tờ báo thể thao để xem tường thuật trận bóng đá chiều hôm trước. Bỗng một đứa bé trạc mười bốn tay xách thùng gỗ, rụt rè tiến đến trước mặt tôi.

- Chú cho con đánh giày nghe chú.

Tôi còn đang mải xem báo, vừa nghe đã trả lời theo phản ứng tự nhiên :

- Không đánh đâu. Còn sạch.

Nhưng mắt tôi bỗng ngừng lại trên khuôn mặt non xạm nắng của đứa bé. Nó cũng nhìn tôi, đôi mắt như van lơn nài nỉ.

- Con đánh cho giày chú đẹp, chú Hai nghen ?

Vừa nói, nó vừa lấm lét nhìn về phía đầu đường.

- Chú Hai giúp con, con mang ơn chú Hai … Bữa nay con phải nạp hai chục ngàn tiền bến mà từ sáng giờ chưa có khách nào chịu đánh giày hết trơn… Không có tiền đóng tụi nó trấn lột đồ nghề của con … Bữa trước tụi nó đánh con đau quá con phải nghỉ hết nguyên tuần.

Tôi chợt hiểu ra. Ở đầu đường, dưới chân cột điện rỉ sét là một gã thanh niên hơn nó chừng năm sáu tuổi, đứng hút thuốc cạnh một bầy du côn oắt con khác, mắt đăm đăm hướng về phía chúng tôi. Có lẽ, gã là tên đứng đầu cái "bến" đánh giầy mà đứa bé này phải đóng hụi chết. Bến gì ? Ai cho phép chúng nó đặt ra luật lệ tiền bến để ăn không trên mồ hôi của bọn trẻ con bơ vơ không người nương tựa ? Tôi bỗng nghe một phẫn nộ bừng lên. Mắt tôi tối sầm, bàn tay nắm chặt lại. Hình ảnh thằng Danh, thằng Lựa trong tiểu thuyết Luật Hè Phố của Duyên Anh tôi đọc ba mươi mấy năm về trước chợt sống lại như thật, linh động và tàn nhẫn, bẩn thỉu và bôi bác. Những thằng Quý Đen, Quế Bệu có thật của cuộc đời được xã hội sinh ra để mang dây xích xe đạp có gắn ổ khoá đến hè phố giầy vò những kiếp người bé bỏng và tội nghiệp.

Anh Kim có lẽ biết tôi đang nghĩ gì. Anh dúi vào tay thằng bé tờ giấy bạc đỏ, vỗ vai tôi đứng lên.

- Đừng có dại vướng vào mấy chuyện lộn xộn, chú. Mình gây rối, hộ chiếu của chú, công an nó tịch thu một phát là ngày về USA kể như không biết là ngày nào, về Mỹ trễ công ty của chú cho nghỉ việc là a lê đổ nợ. Lúc ấy thì hết có tính chuyện làm việc từ thiện …

Tôi lên xe, đạp máy đi về nhà. Buổi tối hôm ấy nằm vắt tay lên trán, óc quay cuồng hình ảnh thằng bé nằm dưới sự kềm kẹp của bọn lấy tiền xâu độc ác. Sự tàn bạo đối với trẻ thơ là một tệ nạn của nhiều nơi, nhất là ở các nước đang phát triển. Trẻ thơ, những sinh vật bé nhỏ không có khả năng tự vệ bị ném vào dòng thống trị của bọn dã thú mang mặt nạ da người.

Nhưng một lúc sau lòng tôi đã dịu xuống. Vì chiều nay tôi đã hỏi ra đia chỉ của chùa Lá, nơi nuôi và dạy học cho hơn ba mươi em cô nhi đa số là các em mồ côi trước kia đi bán vé số và đánh giầy, để các em có thể có nghề nghiệp hữu ích mai sau.

Ngày 15 tháng 12, 2003

- Tại sao gọi là chùa Lá ? Tôi thắc mắc.

- Lát nữa tới là chú biết. Anh Kim mỉm cười.

Con ngõ từ ngoài đường cái dẫn vào một cây cầu gỗ bắc ngang con rạch có bóng dừa nước xanh xanh, có bè lục bình trôi chầm chậm. Đi qua cây cầu, bóng một ngôi nhà phên tre mái lá hiện ra. Biển vàng chữ đỏ, "Huyền-Trang-Tự". Sư ông tiếp khách bên chiếc bàn lệch chân, bình nước trà sứt vòi được chêm nước sôi hai lần, câu chuyện râm ran, chúng tôi được biết là bảy tám năm nay chùa Lá đi "thu thập" các em bụi đời nhỏ tuổi về để nuôi cho ăn học. Đứa nào thông minh học giỏi có thể học hết phổ thông để lên đại học, những đứa khác được học nghề sửa xe, thợ may, thợ hồ v.v… Hiện giờ đã có vài em lên đại học, mười mấy em ra nghề đã có việc, thỉnh thoảng quay về chùa thăm hỏi và giúp đỡ sư ông chăm sóc mấy đứa đến sau.

Chúng tôi ra "hậu điện" của chùa Lá. Nơi đây là chỗ ngủ của các em. Giường gỗ, chiếu ni-lông, những cuộn màn tuyn cáu bẩn nằm trong góc. Vài em mặc đồ chú tiểu đầu húi tóc sa di đang quét dọn. Tôi nhìn ra xa, bên tàn cây đa trong vườn có vương khói lam của bếp củi cơm trưa toả lên qua tấm phên tre. Ký ức về tuổi ấu thơ nghèo khó của tôi ở vùng di cư bên kia Gò Vấp chợt hiện ra mồn một : khu xóm Từ Châu với những hàng mái tôn rỉ vách đất tô xi măng dựng lên từ ngày bố mẹ tôi vào nam, có lũ trẻ con nô đùa dưới rặng me keo, có hàng tre xanh phủ kín con đường sang bên bờ sông An Phú.

Sư ông thấy tôi không nói gì, nhìn quanh rồi giơ tay chỉ sang bên kia miếng đất trống :

- Năm rồi mưa lớn, lụt hết ráo. Chùa phải nhờ dân vác đi qua bên đó tránh ngập nước… Không có người ta vác dùm, bây giờ chắc hổng còn cái mái …

Tôi nhíu mắt :

- Vác chùa … Vác chùa nghĩa là làm sao ?

Sư ông mở cặp lấy ra tấm ảnh :

- Thày Hai coi nè.

Trong hình, hai mươi mấy người đàn ông đang xăn quần quá gối, nước ngang ống quyển, rảo bước trên vai nặng chĩu những tay đòn thanh gỗ để di chuyển ngôi chùa tất cả từ cột kèo mái lợp.

- Vác như vầy thì đi được bao xa thưa thày ?

- Cũng may, chỉ phải đi hơn một trăm thước là tới miếng đất cao hết sợ lụt. Cứ mười mấy thước lại để xuống nghỉ tay một lần. Bảy tám lần như thế là tới nơi.

- Rồi mấy bữa đó tụi nhỏ ăn ngủ ở đâu hả thày ?

- Tui đưa tụi nó đi xin chánh quyền ngủ đỡ trong trường tiểu học ngoài quận.

Đường về gió con sông Sài Gòn thổi lồng lộng mát. Tôi thấy lòng rộn ràng, nỗi buồn của buổi sáng ở quán cà phê Trung Nguyên vơi đi phân nửa vì sư ông đã ưng thuận lời tôi yêu cầu nhận thêm được hai em bụi đời nữa. "- Hổng nói dấu gì, giường ngủ chỗ tui đây hơi thiếu, đồ ăn hổng sao, mì chay tương đậu bà con cho cũng đủ, nếu thày Hai giúp được vài cái giường tui nhận thêm vài đứa hổng hề chi…" "- Sư ông đừng lo, tuần sau chúng con trở lại mang tụi nhỏ đến sẽ đưa tiền cho sư ông mua giường …"

Thế là thằng Lựa đánh giầy của hè phố Nguyễn Tri Phương tôi gặp ngày hôm trước, may ra thì có một chút tương lai, tôi nhủ thầm.

Ngày 28 tháng 12, 2003

Chiếc xe cà khổ mười tám chỗ ngồi lắc lư đưa tôi và sư cô Huệ Đức vào trại Bù Đăng. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo tung bụi mù mịt, hai bên đường cây cối xanh rì không có dấu vết người ở. Tôi buột miệng :

- Sao dọn vô trong này xa xôi hẻo lánh quá vậy sư cô ?

- Mần răng có tiềng mua đất ngoài nớ chú. Miếng đất tui mua là rẻ nhứt rồi, tuốt vô bên trong mười tám cây số, chừ không mua chờ khi có đủ tiền mua bên ngoài thì tụi nhỏ chỗ mô mà ở …

- Rồi làm sao chúng nó đi học được xa như vậy ?

Sư cô Huệ Đức cười tươi, khuôn mặt nhân hậu thoáng lộ nét sung sướng :

- Năm ngoái chị Thuỷ bên Mỹ gửi tiền mua được mười mấy chiếc xe đạp cũ, tụi nhỏ chịu đạp xe đi học lắm, ngày nào trời mưa đường bùn nhiều không đi được là buồn xo …

Chúng tôi xuống xe, bước xuống con dốc để vào nhà cô nhi Bù Đăng. Đây là một trạm cô nhi mới mở, sư cô Huệ Đức đã phải tậu miếng đất này để giải quyết số lượng trẻ mồ côi ở một trung tâm ở Long Thành trong chùa Diệu Pháp, nơi đã có 152 em đang trú ngụ. Chính quyền nơi đây đã gửi giấy cảnh cáo nếu còn nhận thêm các trẻ mồ côi mà không có hộ khẩu Long Thành, nhà tình thương chùa Diệu Pháp sẽ phải đóng cửa. Sắc lệnh của tỉnh đã về từ năm 2002, nói rõ sẽ thi hành lệnh trong sáu tháng. Do đó hội VOSA của chị Thủy Phạm ở Seattle đã phải cật lực giúp đỡ cộng với lòng từ tâm của tín đồ thập phương đã giúp sư cô mua được miếng đất ở Bù Đăng.

Căn nhà làm trên bờ hồ. Nước trong hồ mùa này hơi cạn, các em mồ côi hàng ngày múc nước lên để tưới rau. Tôi nhìn theo tay chỉ của sư cô. Những luống rau cải mọc trên đất đỏ, những luống khoai lang thẳng tắp chắc sắp được thu hoạch, vài hàng khoai mì cao ngang đầu người.

- Nước hồ cạn quá, hồi hôm tui phải đi mượn máy bơm nước cho các tụi nhỏ, trường tiểu học xã bên kia người ta thương tình cho mượn, mình chỉ phải mua dầu ga-ron đổ vô cho máy chạy thôi. Ai dè đâu chạy được có ít bữa là máy thành hư, bây chừ người ta bắc đền chưa biết lấy tiền mô mà trả.

- Mang đi sửa thì hết bao nhiêu ? Tôi hỏi.

- Chắc khoảng hơn hai triệu.

- Mua máy mới thì giá bao nhiêu ?

- Máy tốt tốt chạy ít bị hư ngang thấy ở ngoài quận mấy tiệm nó để mười một triệu.

Mười ba triệu cả thảy, tôi nhủ thầm. Vị chi vào khoảng hơn tám trăm đô la. Tôi chợt nhớ đến cái đám cưới xa hoa của đứa cháu ruột tổ chức trong một nhà hàng sang trọng nhất ở đường Hai Bà Trưng có hơn trăm chai sâm banh nổ vang trời, có chiếc áo cô dâu quệt đất lê thê từ ngưỡng cửa nhà hàng ra ngoài đường phải có bốn em bé nâng lên, nhớ đến những tiệc tùng của những người trong họ của tôi ở Sài Gòn khoản đãi bà con trước khi lên đường sang Mỹ định cư, nếu để ra một phần nhỏ chắc cũng mua được vài cái máy bơm nước giúp cho những em bé gầy guộc của những nơi như trại Bù Đăng khốn khổ. Và tôi cũng nhớ đến những đồng hương ở Houston có thói quen hàng tuần ném tiền vào các sòng bài ở Lake Charles, phân vân nhẩm tính nếu họ chỉ dùng phí tổn một tuần cờ bạc là có thể làm rạng rỡ trên môi nụ cười của vài chục đứa trẻ lấm lem rách mướp.

Ngồi trên phi cơ bay về Mỹ, tôi cứ miên man về chị Huyền, bà Hậu, chị Phạm Thị Cư, thày Từ Giang, thày Đông chùa Lá, sư cô Huệ Đức, những người cống hiến cả cuộc đời cho việc cứu tế các em bé mồ côi bệnh tật. Từ sáng đến tối, một tuần bảy ngày họ không biết một điều gì khác ngoài việc lo kiếm miếng cơm manh áo cho lũ trẻ con không có chút liên hệ huyết thống với họ. Động lực mãnh liệt nào thúc đẩy họ làm được điều đó ? Làm sao họ có thể chăm sóc chùi rửa cho những đứa bé liệt giường trong những căn phòng ẩm thấp và hôi hám, giặt giũ ba mươi mấy bộ quần áo bằng tay, thức đêm ngoài hành lang nhà thương để chờ cho những đứa lên cơn động kinh được nhập viện ?

Có bao giờ họ mơ ước đến một cuộc đời riêng không nhỉ ? Trong lối suy luận ích kỷ quen thuộc của tôi, câu hỏi ấy được vang lên một cách trơ trẽn. Người tây phương khi thấy những ai chỉ lo quần quật làm việc không bao giờ biết đến những điều thú vị khác của cuộc sống thường hỏi : Do you have a life ? Sometimes you should stop and smell the roses. Nhưng đối với những kẻ quên mình, thì chắc cuộc đời riêng tư kia hay những bông hồng thơm tho đó chính là những lúc họ sống vì người khác, như lời kinh thánh Francis "Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, Chính lúc quên mình, là lúc gặp lại bản thân…"

Tôi bật nghiêng lưng ghế. Tiếng máy phản lực rì rầm. Nhắm mắt lại lòng tôi bâng khuâng tự hỏi đã bao lâu rồi, mình đã quay lưng với những thống khổ của đồng loại. Hai mươi mấy năm viễn xứ mòn mỏi, mình sống như cây cỏ, buồn vui với những kiếm ăn nhỏ nhen, lo lắng với những vị kỷ tầm thường của cuộc sống hàng ngày. Lòng chua xót pha lẫn chút ăn năn xấu hổ, tôi nhận ra gần cả cuộc đời, mình chỉ biết sống vụn vặt ra sức bon chen ngoi ngóp trong vũng lầy của cuộc sống hưởng thụ.

Tiếng nhạc CD của hành khách ngồi bên cạnh nhắc tôi chợt nhớ đến việc sẽ phải làm khi trở lại Mỹ, một đêm nhạc gây quỹ giúp cho Bù Đăng, Xóm Mới, Nhà Bè. Liệu đêm nhạc chủ đề Suối Mơ mà tôi vẫn dự định ấy sẽ thành công không nhỉ ? Liệu giọng ca Kim Khánh sẽ não nuột đủ để diễn tả Buồn Tàn Thu của Văn Cao, tiếng hát Hoàng Trang có mượt mà để ngân vút Đôi Mắt Người Sơn Tây của Phạm Đình Chương, hay tiếng đàn dương cầm của Nguyễn Ngọc Hùng sẽ réo rắt để đưa hồn người nghe đến những bến bờ thương nhớ trong chương trình tối hôm ấy ? Liệu những bằng hữu, những lòng từ tâm có rộng mở để gieo chút ánh sáng vào những kiếp đời đen tối ?

Chìm vào giấc ngủ, mơ màng tôi nghe như đêm nhạc thính phòng sắp thành hình, nghe như trong bạn bè anh em bên kia bờ đại dương nơi Bắc Mỹ hãy còn những đốm lửa yêu thương chưa tàn lụi sau bao nhiêu năm dài lưu lạc.

Nguyen Cương Andy

T