Tai Bay Vạ Gió

Tai Bay Vạ Gió

Thế là vợ chồng tôi đã giận nhau được ba hôm, và kẻ bị thiệt thòi nhất cố nhiên là tôi.

Như thường lệ, cứ mỗi lần giận nhau là Ngọc Sương cắt giảm khẩu phần ăn trưa của tôi để trừng phạt, theo kiểu áp dụng biện pháp phong tỏa kinh tế mà Liên Hiệp Quốc hay dùng để cấm vận các quốc gia ngỗ ngược. Sáng hôm đầu, Ngọc Sương còn nhét vào cặp táp đi làm của tôi cái bánh bao nguội ngắt kèm chai nước lạnh. Hôm sau thì chỉ còn gói đậu phộng. Ðến trưa nay khi tôi mở box ra giờ nghỉ trưa, thì chẳng còn thấy có gì ăn, ngoài tấm giấy nàng viết nguyệch ngoạc :

"Anh là đồ sở khanh. Anh không đứng đắn, anh lạc lòng, không xứng đáng làm rể của má em. Những lời ngày xưa hứa với má là sau khi lấy em sẽ cưng vợ hơn cưng trứng, anh đâu còn có nhớ ..."

Gọi chồng là sở khanh, trên thế giới chắc chỉ có vợ tôi là một. Sử dụng chữ nghĩa râu ông nọ cắm cầm bà kia là chuyện cơm bữa của Ngọc Sương. Ðối với nàng, sở khanh chỉ có nghĩa là một người đàn ông không đứng đắn. Thư nàng còn dài nữa, nhưng nét viết tay gà bới trong lúc giận dỗi cùng với cách dùng chữ lộn xộn cố hữu của nàng làm cho tờ giấy trách móc trở thành vô cùng khó đọc. Giòng mực trước mặt bỗng hoa lên vì bụng bắt đầu cồn cào, tôi xếp mảnh giấy lại bỏ vào túi, đếm lại mớ coins và lững thững bước đến tủ vending machine ngắm nghía những miếng tuna sandwich đông lạnh chán ngắt nằm bên trong; nhớ và thèm một tô bún riêu ốc mầu mỡ nổi gạch vàng óng bốc hơi thơm nghi ngút Ngọc Sương mới khao tôi tuần trước ở quán Thiên Vị nhân ngày sinh nhật của bé Ti con gái đầu lòng.

Ôi cái hôm ăn bún riêu ốc vô duyên đầy sự cố tai hại đã là nguyên nhân trận chiến cold war xẩy ra làm tiêu tán cả một không khí vui tươi của tiểu gia đình chúng tôi đang tràn đầy hạnh phúc ! Cổ nhân bảo "Vận mồm miệng tai bay vạ gió, Ách giữa đàng đừng vác vào thân" Nguyên văn là "Khẩu thiệt hạn phi nhĩ phong oan, Trung lộ trái thùy nhân hắc kiểm (?)" thật đúng không sai. Phải chi hôm đó Hoàng Hải người tình năm xửa năm xưa đừng thình lình xuất hiện, để vợ chồng tôi được thanh thản enjoy một buổi sáng chủ nhật yên lành thì đâu có nên nông nỗi.

Hải là người yêu cũ của tôi vào những ngày còn ở chốn quê hương. Năm ấy, nàng mới đệ nhị. Gặp Hải qua sự giới thiệu của cô em họ, tôi và nàng đã có những ngày vui ngắn ngủi trước khi Sài Gòn đổi chủ. Hoàng Hải với khuôn mặt khá duyên dáng bầu bĩnh tóc ngắn, da nâu tràn đầy sinh lực, là một trong những mối tình thoáng qua của tôi trong những năm mới bước vào đời. Thực ra chúng tôi chẳng có chi sâu đậm, trừ vài bận đi Vũng Tầu hay Long Hải mướn hotel ở qua đêm. Trai mới lớn, các luồng chân khí testosterone luôn luôn ngọ nguậy, anh thiếu niên nào chẳng thấy lòng rạo rực khi gặp gỡ các bóng hồng. Cho nên, mối tình với những người con gái như Hải chỉ là một nhu cầu tự nhiên bất khả kháng, tựa hồ chùi súng thông nòng hay khai kênh thoát lũ.

Cho đến khi tôi hoàn tất chứng chỉ cuối cùng của khoa sinh vật, bóng dáng Hoàng Hải đã biến mất trên radar, "bầu nhiệt huyết" đã bớt sục sôi thì Ngọc Sương xuất hiện. Ngọc Sương, người đẹp vùng Nguyễn Tri Phương - Lý Thái Tổ, đã biết khá nhiều về quá khứ lăng nhăng của tôi sau khi mở nhiều cuộc điều tra về lý lịch của ý trung nhân. Sương có hình chụp của Hoàng Hải do một đội ngũ bạn bè rất thân của nàng cung cấp, đứa nào cũng hăng hái trong vai trò mật thám xung phong đi dò la tìm "thông tin về quá khứ của anh Nguyên để Ngọc Sương sau này không phải ghen phải khổ". Tuy biết về chuyện Hoàng Hải, nhưng Sương tỏ ra rất khoan hòa độ lượng. Nàng chỉ nghiêm giọng hôm tôi ngỏ ý đưa thân mẫu đến dạm ngõ nhà nàng :

- Anh bồ với bao nhiêu cô trước kia, em không cần biết. Chỉ cần từ nay anh hứa sẽ không còn biết đến ai ngoài em ra là đủ.

Lẽ đương nhiên tôi trả lời ngay không nghĩ ngợi :

- Xin hứa có đức mẹ làm chứng anh mà có lòng gì thì anh sẽ gặp phải những sự ...

Sương bịt vội miệng tôi lại như sợ tôi sẽ phun ra những điều không hay. Tôi cũng khoan khoái vì câu thề thốt chưa complete, có nghĩa là ta chưa thề gì cả. Cũng may, cũng khỏe !

Kết hôn xong, tôi và Sương cùng mua vé lên đường ra cửa Bà Rịa. Ghe chúng tôi trôi sóng biển đông, dạt đến Phi Luật Tân và cuối cùng ghé bến Cựu Kim Sơn thuộc Á Mỹ Lỵ Gia Quốc. Trong những năm đầu cuộc sống khá vất vả, tôi chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến gì khác ngoài việc cày bừa trang trải cho những tờ bill đáng ghét không biết từ đâu cứ bay đến đầy mail box nhà tôi một cách hỗn xược. Ngọc Sương cũng bù đầu cặm cụi ngày mười tiếng trong tiệm uốn tóc, nơi có mụ chủ tiệm người Mễ đanh đá và tham lam theo đúng chính sách tư bản bóc lột người nghèo. Nàng không hề than thở, vẫn chăm chỉ làm việc ngày này tháng nọ mặc dù khi xưa ở Việt Nam nàng thuộc bộ tộc đại lãn, không hề bao giờ mó tay vào việc gì từ ngày còn tấm bé.

Sự thay đổi về "phong cách lao động" của Sương dù không muốn thừa nhận tôi cũng vẫn phải thầm phục con người quả cảm. Nhưng nói cho ngay, cũng vì nàng biến thành chăm chỉ nên cũng muốn chồng trở nên siêng năng. Ôi đó mới là cái khổ cho bần tăng là một gã công tử chân yếu tay mềm ! Mỗi ngày từ tám giờ sáng Sương sửa soạn xong là cầm xách tay bước ra xe đi làm, sau khi dúi vào má tôi mấy cái hôn ngọt lịm :

- Ở nhà nhớ đổ rác anh nhé. Cho bé Ti ăn xong, nhớ giặt thật sạch hai thúng quần áo nhé. Nhất là mấy cái khăn lông, hôm trước con nó ói ra ấy. Cỏ nhà mình lại sắp cao gần đầu gối rồi, phải cắt đi đấy kẻo hội gia cư nó lại gửi cho mấy cái giấy phạt.

Tôi chưa kịp nhẩm lại để nhớ hết cái list công tác dài dằng dặc như một tờ inventory đó thì nàng đã nói tiếp :

- Chợ Fiesta nó đang onsale cá bông lau. Mua lấy con bự bự kho cho em một tộ ngon thật là ngon y như lần trước nghe, tiêu ớt đàng hoàng chiều về mình ăn...

Ban phát nhật lệnh xong, nàng nhoẻn cười tươi bước vào xe, giơ tay vẫy tôi trước khi bóng chiếc Corolla khuất dạng, để lại một gã chồng sầu bi với hai vai nặng chĩu gánh sơn hà, suy nghĩ để làm cách nào hoàn thành sứ mạng vào bảy giờ tối trước khi nữ thủ trưởng trở về căn cứ.

Mươi năm sau, khi bé Ti đã lớn, chúng tôi đã dọn ra một căn nhà khác khang trang hơn, và tôi tìm được việc làm dù là vặt vãnh để giã từ phần nào kiếp nội trợ bất đắc dĩ. Bé Ti càng lớn càng giống mẹ. Cũng đôi mắt tròn và hàng mi đã bắt đầu cong, cũng cái miệng chu ra mỗi khi bất bình, và cái trán bướng bỉnh hay ngước lên nhìn tôi mỗi khi tôi cấm nó vào bếp lục lọi trước giờ ăn, hay lúc nó vớ được cây son môi của mommy quệt tèm lem lên má. Nhưng giống mẹ nhất ở bé Ti, vẫn là bản tánh leadership, nghĩa là tánh hay sai vặt. Thế là bây giờ tôi có đến hai thủ trưởng, một mẹ một con. List công tác bây giờ dài thêm ra với những mục mới, như chở little boss đi tập múa ballet, mùa đông thì ice skating mặc dù cho đến nay hễ bước trên mặt băng là nó lập tức cứ ngã oành oạch có hôm sưng vù đầu gối, làm bố nó xót xa tiếc khoản học phí, nhẩn nha tính thầm giá mẹ nó đừng cho con đi học cái môn trượt băng quái quỷ thì bố nó có thể dùng khoản chi tiêu ấy đi nhâm nhi với chúng bạn một tháng ít nhất cũng được nhị kỳ sảng khoái...

Còn về màn cho con học vũ ballet mới thật là nản. Cứ mỗi sáng thứ bảy, trong khi bạn bè tôi hân hoan xách vợt ra sân tennis thì tôi phải đau khổ chở con đến khu thương xá Tam Ða lầu hai, nơi có một lớp dạy cái môn nghệ thuật của những kẻ rỗi hơi nhất trên thế giới. Còn nhớ hôm đầu tiên tôi vừa dắt con bước vào lớp để hỏi thể lệ ghi danh và đóng học phí, gặp ngay mụ người Tầu vũ sư với thân hình mập mạp bước ra tiếp khách. Mụ đưa mắt khinh khỉnh nhìn tôi, tiếng Mỹ trọ trẹ còn khó nghe hơn giọng thằng Quý bạn tôi gốc Quảng Ngãi :

- You... you want stully pallet ?

Tôi suýt phì cười :

- No, not me. My daughter.

Bé Ti mở to tròn mắt nhìn xung quanh. Các cô bé vũ sinh đang tập uốn mình, dẻo cánh tay, có đứa đang tập đứng trên những mũi ngón chân tí xíu. Còn tôi vẫn dương mắt ngắm nghía trọng lượng của vũ sư - sư mẫu, thầm nghi ngờ khả năng ballet của Người, nặn óc suy nghĩ không hiểu làm sao với tấm thân bề thế như vậy Người có thể biểu diễn được các động tác múa dẻo cho môn sinh đệ tử bắt chước.

Ðường Sơn đại tỷ dường như đoán được ý nghĩ của tôi nên cũng tỏ vẻ bực bội, vả lại trông dong mạo y phục của tôi, gã Nam man ốm yếu không hứa hẹn gì có thể là một client báu bở, chắc chỉ hỏi han suông làm mất thì giờ của Người :

- You duyệt nàm há ? Stully pallet expensive áh ! Not cheap àh !

Tôi chưa sắp sửa phản ứng thì bé Ti đã nắm tay bố :

- Daddy cho Ti học ballet nghe...

Vừa nói con gái vừa ngước mắt nhìn tôi, hai hàng mi cong chớp nhẹ. Thôi chết rồi, cũng đôi mắt lá răm này ngày xưa mẹ mày dùng làm món vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD – Weapons of Mass Destruction) để làm cho bố mày nhũn lòng ra mà trở thành tên hầu cận cho y thị, bây giờ con lại đem ra áp dụng, để cho bố sắp sửa phải hao gần hai bớp mỗi tháng cho con đây phải không con ơi ?!?

Thế là quên bẵng chuyện sắp gây sự với mụ vũ sư kỳ thị chủng tộc có thân hình của một defensive tackle, tôi đành ngậm ngùi viết check trả học phí gối đầu cho con, xé tờ check mà lòng đau quặn thắt như ngắt đi một khúc ruột, phân vân tự hỏi sao mình dễ mềm yếu trước đôi mắt của những sinh vật mà thượng đế tạo nên chỉ để gây ra cho nhân gian trăm vạn nỗi ưu phiền !

Từ đó hàng tuần tôi thả bé Ti vào lớp học vũ rồi đi lang thang trong Tam Ða Mall, ngồi bên cốc cà phê đọc báo chờ con, hoặc ra cổng nhìn vẩn vơ người ra kẻ vào thương xá. Hai tiếng đồng hồ dài thậm thượt, nhưng Sương dặn tôi ... không được đi đâu, phải chờ để đón con về cho an toàn. Có những hôm trời mưa rỉ rả, ly cà phê cạn dần và mẩu thuốc trong chiếc gạt tàn dâng cao, tôi nhớ đến những ngày vui đã mất kể từ ngày dại dột đưa cho Sương xem mục quảng cáo về lớp dạy ballet của Ðường Sơn Sư Mẫu. Tôi nhớ nhóm bạn tennis giờ này đang tung hoành ngoài sân với những đường banh ngoạn mục, những tiếng cười rộn rã, nhớ thằng Quý giọng the thé rất khó nghe chuyên kể chuyện tiếu lâm đen, nhớ ông Xuân Ðức chuyên bắt độ nhưng lúc thua game mặt sưng lên như cái thớt, nhớ lão Sáng chuyên ăn gian, nhớ cả mụ Hiền Thục chuyên chửi chồng ngoài sân mỗi khi bại trận.

Tôi cứ miên man nhung nhớ những tháng ngày còn rảnh rang sung sướng. Suy ngẫm dần dà, từ từ tôi mới thấu hiểu ra được một chân lý: Những điều mà trước kia vì sẵn có nên người ta xem thường như tự do, công lý hay dân chủ, khi bị mất đi thì những thứ ấy mới trở thành cực kỳ giá trị. Hồi trước mỗi thứ bảy tôi đâu biết mình đang sống những tháng ngày may mắn ít ỏi còn sót lại của một kiếp người. Vì nếu hôm nào chán không đi chơi quần vợt, tôi cũng rủ anh Vũ Bản đi câu cá. Anh Vũ Bản là bạn trong club bóng bàn (lại thêm một interesting hobby nay đã tàn phai của tôi), có năng khiếu về môn sát cá, và rất khỏe mạnh. Nhìn vóc dáng nhỏ con của anh, không ai tin được là đã có lần một mình anh câu được hơn một trăm pounds cá speckle trout, red fish đủ loại rồi một mình khuân thùng cá từ bờ sông về chiếc xe truck ở parking lot. Lần nào đi câu với anh Bản, tôi cũng dựa hơi oai linh "sát cá" của anh để lượm đỡ vài chú cá hồng, cá diếc đem về nướng trui sau patio, hai anh em nhè nhẹ hai cặp six-pack và đĩa đậu phụng, râm ran bàn tán chuyện đời. Khi được biết tôi sắp cho con gái đi học ballet, anh lắc đầu mỉm cười :

- Nó còn bé tí, tập nhiều không tốt, ảnh hưởng đến chiều cao. Muốn có hobby sao mày không cho nó học vẽ ?

Tôi lắc đầu cho anh biết là về khoa mỹ thuật con gái tôi đã được di truyền từ gene của mẹ nó, tức là vô cùng hậu đậu.

- Thế còn piano, violin ? Hay là học thanh nhạc, tập hát? Không lẽ nó không có năng khiếu thứ nào à?

- Về music nó cũng trực thuộc gene bên mẫu hệ luôn. Mẹ nó không thích nghe nhạc, lâu lâu buồn lắm y thị mới mở băng cũ ra nghe vài bản Chế Linh hay Giang Tử. Hỏi anh thế thì con gái tôi còn hy vọng cóc gì trở nên một tương lai văn nghệ ?

Chán chuyện vợ con, chúng tôi đổi qua đề tài thời sự. Tôi là cảm tình viên đảng Cộng Hòa với lập trường cực hữu, tiếng Mỹ gọi là ultra-right, còn anh Vũ Bản tánh nết ưa tự do như hạc nội mây ngàn nên chuộng đảng Dân Chủ. Chúng tôi trong những buổi la-ve như thế thường cãi nhau vung trời vì không hợp chính kiến. Thí dụ như năm ngoái, anh Bản tỏ vẻ bi quan khi được biết Mỹ sắp sửa định mang quân đi "thịt" Saddam, tôi ngược lại cổ võ nồng nhiệt :

- Phen này cho "thằng" Hussein đi đứt. Phe ta chỉ uýnh chừng hai tuần là xong ! Dân Iraq sẽ kéo đèn kết hoa ra đầy đường chào đón quân đội Hoa Kỳ cho mà xem, ông anh đừng có lo...

Anh Bản trợn mắt với khuôn mặt khó ưa cố hữu :

- Mày có mà biết đếch ! Ngây thơ vừa vừa... Thằng mạnh đem quân vào đánh, thằng yếu dù thua nó cũng phải tìm cách cắn trộm lại vài phát. Chiến tranh trực diện thì hễ hỏa lực mạnh là ăn; nhưng gặp du kích với lại khủng bố thì Mỹ đối phó làm sao được ? Nhớ hồi chiến tranh Việt Nam không ? Ðó là chưa kể việc một quốc gia nhào vô xâm phạm chủ quyền của một quốc gia khác. Chính nghĩa ở đâu ra ? Ví dụ như nước Nga hay Ðức mang quân đến xứ này, dùng vũ lực lật đổ chính quyền đương nhiệm của Mỹ rồi lập lên nhóm khác, thì mày có chịu không nào ?

Tôi khoa tay, thương hại cho anh Bản kém hiểu biết về sức mạnh vô địch và xu thế tất thắng của Mỹ:

- Tôi nói thiệt anh nghe anh Bản... Tôi tiếng Anh tiếng Mỹ dầu gì cũng hơn anh. Tôi đọc báo nghe TV hàng ngày. Mấy thằng đạo Hồi là mấy thằng chuyên khủng bố, cần phải "bụp". Anh thấy mấy thằng Rệp ở bên đây không ? Thằng nào cũng láu cá số một. Rồi anh coi, quân Mỹ tiến vào Baghdad, tổn thất của lính Mỹ chỉ chừng vài mạng là cờ năm mươi sao cứ thế mà tung bay phất phới...

Anh Bản xem chừng không coi khả năng văn hóa của tôi đóng một vai trò nào trong kiến thức chính trị. Ực thêm một hơi, vệt bia trắng còn hằn trên mép trông anh như già thêm mấy tuổi, anh Bản chùi miệng mắt đăm chiêu nhìn ra cửa sổ :

- Tổn thất có vài mạng thôi à ? Hừm. Tao cũng chỉ cầu mong thế. Chỉ sợ lại sa lầy chết dài dài ...

Tới đây không nhịn được nữa, tôi hằn học dằn ly bia xuống bàn :

- "Thằng" Mỹ không phải là đầu sỏ thế giới à ? Vũ khí tối tân như thế nước nào còn dám ngo ngoe ? Một Iraq chứ mười Iraq Mỹ "nó" cũng làm cỏ. Gớm... Sợ Mỹ sa lầy... Anh nói nghe giống luận điệu Cộng Sản !

Nói xong tôi đứng dậy đá cái ghế rồi ra về. Thế là tôi và anh Bản giận nhau gần một tuần vì lập trường chính kiến dị biệt. Anh Bản là người luôn luôn đứng về phe của các quốc gia nghèo, luôn luôn đặt mình vào hoàn cảnh của các nước nhược tiểu thuộc thế giới thứ ba, vậy mới đáng ghét. Hay có lẽ anh vẫn còn mang nặng thân phận lưu vong, vẫn còn cho rằng mình chỉ là người Việt Nam đang sinh sống trong cái mà ai cũng gọi là melting pot, chỉ có riêng anh là cứng cổ không melted được nên vẫn cứ stick out like a sore thumb, vẫn cứ ngậm ngùi với dĩ vãng ?

Tôi quan niệm đơn giản. Ðối với tôi, thì các nước nghèo và chậm tiến trên thế giới đều là tập hợp của những sắc dân lười biếng, hay kém thông minh, hay cả hai thứ, nên đáng bị nghèo. Tôi còn nhất trí với ý kiến cho rằng các cường quốc phương Tây có bổn phận mang quân đội và văn minh đến các nước nhược tiểu để khai hóa cho dân tộc của họ ra khỏi đêm dài u mê tăm tối ! Cứ xem như Việt Nam mình, nếu như không có Pháp mang quân sang chiếm Nam Kỳ, không có quân Pháp ra Bắc bắn đại bác vào thành Hà Nội khiến Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương phải tuẫn tiết thì làm sao nước mình được khai phóng, được biết đến ánh sáng văn minh của nhân loại !

Quan điểm tôi là, hễ ai chỉ trích Mỹ, là người ấy thể nào không phải là Cộng Sản thì cũng thân Cộng. Anh Bản tuy cựu tù nhân cải tạo, tôi cho là đôi khi vẫn không "vững lập trường". Ngặt một nỗi tôi biết anh là người bạn tốt của vợ chồng tôi, nên không tiện chụp cho anh cái mũ cối mỗi khi thấy lập trường anh chao đảo. Do đó trong mọi buổi đàm luận, chúng tôi chỉ nói chuyện văn thơ, thể thao hay gia đình và cùng cố tình tránh né pô-li-tích. Nhưng khi men bia bốc lên, anh Bản và tôi đôi khi quên béng đi sự đối chọi giữa hai quan điểm nên thường vẫn có đụng độ lớn.

Hôm ấy, tôi nổi dóa vì anh cho rằng tôi đoán mò, lại còn đả phá lòng thần phục của tôi đối với đại cường quốc. Mấy hôm liền sau đó bực bội tôi không thèm ra club bóng bàn nữa. Ðáng lẽ còn giận anh lâu hơn nhưng vì trót ái mộ ngón ping-pong độc đáo quá hấp dẫn của anh nên cuối cùng tôi đành phải "gác thù riêng" để được thưởng thức những phút sóng gió trong game với anh, một danh tài trong làng banh nhựa...

Ở trên đời, hễ tù túng bó buộc là thế nào cũng có lúc bộc phát. Mất thú chơi tennis, lại còn phải mang con đi tập cái môn nghệ thuật trưởng giả cho mất ngày mất giờ, tôi đâm ra mơ mộng. Ngồi không biết làm gì cho hết hai tiếng đồng hồ sáng thứ bảy, tôi nguyệch ngoạc lên mấy vần thơ. Thơ tôi sử dụng vần điệu tự do cho dễ làm. Ðôi khi viết ra được câu đắc chí, tôi gật gù tự thưởng lãm thi tài của mình, và tiếc rằng mình đã không quyết tâm đi vào con đường văn nghệ. Tức cảnh sinh tình, "dòng mực tha hương" của tôi lan man chảy ra trong một bài thơ viết về môn ballet dancing của bé Ti như sau:

Ba Lê là một thành phố Pháp

Không hiểu sao điệu vũ lại lấy tên

Ai thấy hay ? Mình vừa dòm vừa ngáp

Giá con đừng học bố đỡ tốn tiền.

Ngọc Sương em có nghe lòng anh tan nát

Ngồi chờ con anh uổng cái weekend

Tiếc nuối quá ngày độc thân lãng mạn

Lúc chân chưa tra vào kềm kẹp xích xiềng

Hôm tôi sáng tác bài thơ trên là một buổi trời nắng đẹp, thành phố tôi ở đang tưng bừng khí thế tổ chức ngày quốc hận 30/4. Thương xá Tam Ða treo đầy cờ quốc gia, các gian hàng nhộn nhịp người ra kẻ vào, chiều nay có mít tinh quốc kháng, những tà áo dài của các bà các cô trong ban tiếp tân bay phất phới. Tôi thì không còn lòng dạ nào để nghĩ đến chuyện gì khác ngoài nỗi trầm uất cố hữu : không được đi chơi tennis với bạn bè.

Viết xong bài thơ phản kháng nói trên, tôi đang tần ngần đọc lại thì trong đám phụ nữ mặc áo dài trước mặt có tiếng quen quen :

- Anh Nguyên !

Nhìn lên, tôi nhận ra Lan Anh, cô em họ con ông chú, đang hớn hở trong chiếc áo tơ bóng màu hồng, mặt mũi son phấn lòe loẹt.

- Làm gì mà cái mặt như đưa đám thế kia ? Mua cho em ly avocado smoothie em sẽ cho anh hay một tin mừng đặc biệt. Anh mà nghe xong là bảo đảm yêu đời ngay lập tức.

Hôm nay thứ bảy cuối tuần, tôi biết tiệm smoothies trong mall không có promotion mua một tặng một như những ngày khác trong tuần. Do đó tôi hững hờ đáp :

- Mày thì làm gì mà có tin mừng cho tao. Muốn tiết lộ thì cứ việc, đây không yêu cầu, cũng không cấm cản.

Lan Anh có lẽ biết tính cương quyết của ông anh họ nên nó cũng chẳng muốn hoài công ra giá. Nó nhìn quanh, rồi ghé tai tôi nói nhỏ :

- Anh còn nhớ Hoàng Hải bạn em bồ cũ của anh ngày xưa không ? Nó ly dị, cũng ở thành phố này đấy ! Vẫn còn xinh lắm. Em mới gặp nó tuần trước, nó hỏi thăm anh mãi. Em bảo nó ...

Nghe tên người xưa, gương mặt tôi biến mất ngay vẻ lạnh lùng vì cảm thấy khí huyết bắt đầu nhộn nhạo trong huyệt đan điền như vừa uống nhằm Âm Dương Hòa Hợp Tán, lật đật hỏi dồn :

- Hoàng Hải ở đây à ? Vùng nào ? Ðông Tây Nam Bắc hay trung tâm?

Ðến đây thì tôi đã lộ ra vẻ non giơ. Cô em họ Lan Anh mỉm cười tinh quái vì nhận ra ông anh đã không ngăn được làn sóng dâng trào. Nó không trả lời, chỉ nheo mắt đưa ngón tay trỏ hướng về phía cái tiệm smoothies đáng ghét thiên hạ đang bao vây vòng trong vòng ngoài chỉ để mua được vài ly sinh tố nhão nhoét của lão chủ quán có đôi mắt cá ươn. Nhìn theo ngón tay trỏ của Lan Anh, tôi biết nó sẽ không đổi ý, và sẽ không giảm giá. Thế là không còn sự chọn lựa, tôi phải đứng lên xếp bài thơ mới sáng tác vào túi áo, tay nắn lại quần để biết chắc mình còn ít bạc lẻ, lừ đừ tiến tới tiệm smoothies để mang về chút lễ vật trao đổi lấy những nguồn tin sốt dẻo về người tình cũ.

Cả một tuần lễ liền sau đó, tôi không thiết ăn thiết ngủ vì cái tin Hoàng Hải cư ngụ ở thành phố này đã đảo lộn dòng tư tưởng và tính lười biếng cố hữu của tôi. Trong thâm tâm tôi nửa mừng nửa lo. Tôi muốn gặp lại Hải, thú thực mà nói không biết để làm gì vì ván tôi đã đóng thuyền, nhưng trong lòng vẫn muốn tìm lại cảm giác tâm hồn của một ngày còn trẻ tuổi, khi trần gian còn thắm tươi những mẩu chuyện yêu đương, và tim còn nồng cháy những bình minh rạo rực. Có lúc ban đêm nằm gác tay lên trán tôi cố phân tích tâm lý của chính mình, và nhận ra sự mâu thuẫn trong ý nghĩ. Ngày xưa Hoàng Hải đâu có làm tôi si mê bao nhiêu so với những người con gái khác ? Vậy tại sao tôi lại phải bâng khuâng khi nhớ đến "những phút sống bên nhau đêm nào, trăng quyến đôi tâm hồn dìu về đâu" với Hải ?

Suy nghĩ kỹ, tôi cho là tại bây giờ vì mất độc lập tự do nhiều quá nên mình khao khát sự không đâu. Cái gì không có trong tầm tay thì đâm ra nhớ tiếc. Nếu hồi đó ta trao nhẫn cho Hoàng Hải, thì bây giờ mình chắc lại bồi hồi nhớ về một hình bóng khác...

Nhưng nằm yên một lúc tôi nhận ra một điều. Cái gọi là "độc lập tự do" đó chẳng qua là những thứ mà khi bắt đầu cuộc hôn nhân, người ta đã tự nguyện tự giác khai tử cáo chung, chứ chẳng bị bắt buộc gì ráo. Ai cũng có một thời tuổi trẻ vô tư lự ăn chơi thỏa thích, đến lúc lập gia đình còn tiếc nuối làm gì những ngày tháng đi hoang. Nếu muốn tự tung tự tác mãi mãi, thì hồi đó chẳng nên quyết định xây dựng một mái gia đình ! Hôn nhân nếu nhận định một cách bi quan thì quả là một trại biệt giam với mụ già cai ngục khó tánh, nhưng nếu ta lạc quan thì hôn nhân lại có thể xem như một cõi bồng lai có nàng thiên sứ dễ thương đứng gác cổng...

Tôi mỉm cười một mình trong bóng đêm, ghé mắt liếc qua bên cạnh. Vợ tôi Ngọc Sương vẫn ngủ ngon, tiếng thở nàng vẫn đều đều, mấy sợi tóc mai lòa xòa trên má. Chú ý thêm một chút nữa, tôi thấy trong ánh sáng mờ mờ của căn phòng ngủ, bé Ti cũng đang yên giấc, hơn mười tuổi thỉnh thoảng vẫn đòi qua ngủ với mẹ, ngày xưa chuyên mút ngón tay, bây giờ tuy lớn nhưng vẫn theo thói quen để lên miệng. Tôi yêu con tôi quá. Hai mẹ con nhà nó ôm nhau ngủ, trông rõ ra một cảnh êm đềm. Tôi bỗng thấy hối hận vì mấy hôm nay tôi đã để hình ảnh một người đàn bà khác lù lù len lỏi vào tâm hồn mình, làm mình phải ra ngẩn vào ngơ một cách vô duyên vô lý.

Không, tôi nhủ thầm. Hoàng Hải là chuyện ngày xưa, là "cuộc tình dĩ vãng đã chôn vào quên lãng". Ngọc Sương và bé Ti mới là hạnh phúc nhỏ nhoi của tôi bây giờ, ngay vào lúc này.

Yên tâm sau khi đã "hồi chánh" trong tư tưởng, tôi lại mỉm cười rồi ngủ thiếp đi, không hề lo nghĩ sẽ có ngày chuyện cũ quay lại để gây thêm rắc rối phiền muộn.

Anh Bản đưa tay với lấy hũ mắm tôm, quệt một thìa bỏ vào tô bún riêu rồi cười khà khà bảo vợ chồng tôi :

- Trong tiểu bang mình tao đã đi ăn bún riêu kể như khắp chốn ! Món ghiền của tao mà. Chỉ có quán Thiên Vị này là chỗ ngon nhất.

Ngọc Sương đón lấy hũ mắm từ tay tôi, cũng "tương" vào tô của nàng một thìa làm bé Ti nhăn mũi. Nó cựa quậy trên ghế nhìn ba người lớn đang say sưa chiến đấu, gương mặt bầu bĩnh của nó có vẻ dường như chỉ mong sao cho bữa ăn của bố mẹ chóng qua nhanh để nó được thoát ra khỏi cái quán ăn ồn ào đầy những mùi vị khó ngửi.

Tôi gật gù quay sang vợ :

- Rất ngon. Cảm ơn em khao anh Bản và anh một chầu bún ốc tuyệt luân nhân buổi birthday con gái...

Ngọc Sương tươi tắn, buông đũa lau mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên chóp mũi. Nàng nhỏ nhẹ nói với anh Bản :

- Mỗi lần đến ngày sinh nhật bé Ti như thế này, em cứ việc cộng bảy năm vào tuổi cháu là thành ra thời gian vợ chồng em quen nhau. Hôm nay bé Ti đúng mười một tuổi; tức là vợ chồng em quen nhau đúng mười tám năm đấy anh Bản ạ !

Nghe vợ nhắc đến kỷ niệm ngày mới quen nhau, tôi bồi hồi cảm động. Ngọc Sương nhớ dai, những chi tiết nhỏ trong ký ức nàng ít khi quên, nhất là chuyện có liên quan đến thời chúng tôi mới gặp nhau như hôm đầu tiên đi chơi ăn ở quán kem nào; mặc áo màu gì; hôm Giáng Sinh đầu tiên đi lễ nhà thờ nào, đến mấy giờ đêm mới về đến nhà v.v... Còn tôi thì chẳng nhớ gì ráo. Ðến cái hình đám cưới chúng tôi, nếu không có mặt cô dâu chú rể trong đó tôi cũng không nhận ra được đó là đám cưới của chính mình !

Tôi đang dịu dàng nhìn vợ để mơ màng về những ý nghĩ mông lung, thì cánh cửa tiệm Thiên Vị xịch mở với tiếng chuông leng keng quen thuộc. Một người phụ nữ bước vào. Trước đôi mắt kinh ngạc của tôi, Hoàng Hải, người xưa mà mới tối ngày hôm qua tôi đã tưởng gạt được hình bóng ra ngoài tâm trí, lộng lẫy (?!) hiện ra với bộ đầm cắt ngắn, mái tóc bom bê nhuộm nâu phơn phớt và cánh tay trần ôm chiếc sắc quàng vai. Nàng đứng ở cửa, quan sát xung quanh rồi khoan thai bỏ cặp kiếng mát vào trong ví, chợt nhìn thấy tôi, sững sờ một giây. Trông thấy vợ tôi nàng hơi lưỡng lự, ngập ngừng nhưng rồi vẫn tiến đến trước mặt chúng tôi. Ngọc Sương cũng nhận ra Hoàng Hải, đưa mắt nhìn tôi và bắt đầu nhận ra anh chồng mình đang đăm đăm không chớp dán vào người đàn bà trước mặt, miệng không ngậm lại được, nước miếng ừng ực, cục Adam trồi lên trụt xuống và da mặt cứ đỏ dần rồi lại hóa thành trắng bệch.

Tôi không cần phải kể rõ chi tiết những gì xảy ra sau đó. Chỉ biết rằng sau hôm bún ốc tai bay vạ gió ấy, từ đây mặt đất bằng sẽ nổi sóng, khẩu phần ăn trưa của tôi sẽ ảnh hưởng, Ngọc Sương sẽ cho tôi ngủ phòng khách, và không biết đến hôm nào thì lệnh cấm vận ấy mới được giải tỏa và tôi sẽ được trả lại tối huệ quốc status.

Trưa hôm nay ăn xong chiếc tuna sandwich vừa tanh vừa nhạt, tôi cảm thấy mình phải mở một chiến dịch ngoại giao để vãn hồi nền hòa bình Trung Ðông. Chán ngủ phòng khách và ăn bánh mì trừ cơm chiều lắm rồi. Chán nhìn cái mặt vợ thường nhật thì xinh tươi bao nhiêu, bây giờ cứ trông thấy tôi thì sa xuống như cái bị lắm rồi. Tôi ngồi xuống bên chiếc bàn ăn trưa của sở, mở sổ tay rút bút hí hoáy.

Ngọc Sương em yêu,

Ðôi lúc có những chuyện ngoài ý muốn xảy ra người ta không control được. Chỉ khi đọc được những dòng chữ này thì em mới hiểu thấu được tấm lòng chung thủy của anh. Anh nào phải hạng sở khanh. Chẳng qua vì hôm ấy rằng thì là ......

Nguyên Cương Andy