Cánh Hoa Lục Bình Tím

Cánh Hoa Lục Bình Tím

Mấy dòng mở đầu lá thư của anh Dậu hàng xóm năm xưa nhắc đến tên người chị ruột bất giác đưa lòng tôi xuôi về những tháng ngày thơ ấu.

Anh là Dậu, tự là Dậu Giang-Tử đây, Vũ còn nhớ anh không ? Ngày xưa Vũ còn bé ở khu Tử-Đình gần cầu xi-măng anh Dậu hay làm diều bầu, nuôi cá xiêm cho Vũ chơi, bây giờ nhận ra anh chưa ? Gặp người quen bên họ nhà Vũ cùng ở trên đảo, mới biết địa chỉ Vũ ở San Diego nên anh viết thư này. Vũ nhớ không, hồi đó anh yêu chị Nguyệt của Vũ tha thiết mà mãi hai năm trời không dám ngỏ…

Vũ,

Pulau Bidong, ngày 16 tháng 3 năm 1985

Dạo đó, chị Nguyệt của tôi mới vừa đôi tám. Chị còn đi học trung học trường cha Tấn ở vùng Xóm Mới mười hai xứ đạo mãi sâu tít trong quận Gò-Vấp.

Vào những buổi chiều gần tắt nắng, sau khi xếp lại bộ khung thêu và hộp kim chỉ, chị thường rủ tôi ra bờ sông cầu Tứ-Quý còn gọi là cầu xi-măng, cách nhà vài con ngõ và một vườn cau, để hai chị em ngồi dưới bóng rặng dừa nước ngắm dòng sông Vàm Cỏ Đông lững lờ trôi xoáy qua vùng ngụ cư của người dân Xóm-Mới. Dừa nơi đây mọc ngút ngàn, tầu lá màu xanh thẫm vươn ra từ các thân cây sâàn sùi nâu nhạt mọc ven bờ sông che rợp cả một khoảng không gian rộng lớn. Tiếng chim chào mào và chim mổ kiến hót rộn vang trên các ngọn dừa, hoà với tiếng nước róc rách từ sông chảy vào mương tạo thành một khúc nhạc thiên nhiên dào dạt. Xa xa, tiếng sáo diều của bọn trẻ con bên kia sông vi vu lan mãi tận từng mây. Đàn cò cánh trắng in hình nổi bật trên nền ruộng xanh, lượn êm băng ngang qua sông từ mấy cánh đồng Thạnh Mỹ Tây vàng ươm lúa chín. Trên sông, những bè lục bình lá to hơn bàn tay, có những chùm hoa tim tím bập bềnh dạt vào chân cầu, gặp cơn nước xoáy ngang cột xi-măng tấp vào bờ, gần chỗ chị em tôi hay chuyện trò hóng mát bên dòng sông nước đục phù sa. Ở chỗ ấy, chúng tôi thường ngồi trên tảng xi-măng to bằng cái tủ đứng, với những cốt sắt thò ra tua tủa - di tích của chân chiếc cầu cũ bị VC giật sập được tầu hải-quân Mỹ kéo vào bờ – để nghe buổi chiều tàn với chút nắng tía còn vương vấn trên mặt sông lăn tăn sóng gợn.

Làm nghề thêu thùa từ khi còn bé, chị Nguyệt tôi khéo tay lắm. Chị mang theo cái kéo, bẻ tầu lá dừa nước, rồi dùng kéo cắt lá kết thành những hình thù đủ loại : con châu chấu với hai càng sau khuỳnh khuỳnh có cả râu mắt vừa dài vừa cong ; con bươm bướm chỉ cần kéo đuôi là hai cánh đập lên xuống ; hoặc con cá vàng có vẩy xếp lớp, với sáu chiếc vi dài thậm thượt. Làm xong con nào, chỉ ngắm nghía một lát là chị lại gắn tác phẩm mới tinh của mình lên một tầu lá dừa rồi nhẹ nhàng thả xuống sông, hồ như để trao lại cho giòng sông chút sản phẩm máu thịt của những lớp phù sa bồi hai bên bờ đất lở.

Tay thoăn thoắt đan những tầu lá dừa, chị Nguyệt hay kể những chuyện tình của đám bạn chị cho tôi nghe. Những chuyện tình vu vơ trong lớp, như chuyện học trò yêu thầy, chuyện các anh nam sinh viết thư bỏ ngăn bàn các nữ sinh, các chị chơi ác đem dán lên bảng cho cả lớp xem, chuyện chị lên tận toà soạn Phụ Nữ Mới để đăng báo tìm bạn bốn phương v.v… đều được chị Nguyệt thuật lại cho tôi tường tận. Kể ra cũng lạ. Nhà chúng tôi có ba anh chị em. Tôi là em trai út ; anh Đắc là anh cả năm ấy mới ngoài hai mươi, chỉ hơn chị có ba bốn tuổi nhưng không bao giờ chị kể cho nghe chuyện gì, không bao giờ được chị Nguyệt ngồi tâm sự. Có lẽ vì anh Đắc giống y hệt bố tôi : anh còn trẻ nhưng đạo mạo, gương mẫu và khó tính. Chuyện ái tình thời trung học, đối với anh là một sự tội lỗi trầm trọng, có thể sa xuống tận đáy hoả ngục như chơi. Vì anh cũng sắp vào nhà dòng trên Đà-Lạt để đi tu sau kỳ thi tú-tài hai, cho nên anh càng cố gắng tập sống cho thật tròn đạo nghĩa. Anh thường lục cặp chị Nguyệt kiểm tra thư từ và nhật ký để thay mặt bố trông nom em gái, đảm bảo cho cô em nữ-sinh trung học đệ nhị trường cha Tấn có được một tâm hồn trong sạch như tờ giấy trắng, để gia đình tôi trong tương lai không một chút tì vết khi anh Đắc trở thành cha và bố tôi trở thành ông cố. Có một lần anh lục thấy lá thư của một tên con trai nào đó cùng với vài trang nhật ký của chị Nguyệt để trong cặp, trong đó có đôi giòng lãng mạn. Anh đọc từ đầu đến cuối và quyết định ngay là cần phải thanh-lý môn hộ. Anh thẳng cánh giáng cho chị Nguyệt một cái tát đau điếng, tịch thu tang vật và đem toàn bộ sự việc báo cáo với bố tôi. Thế là gia đình tôi triệu-tập phiên họp khoáng đại khẩn cấp ngay tối hôm ấy sau bữa ăn, bố tôi vẻ mặt nghiêm trọng cảnh cáo chị nếu tái phạm sẽ bắt chị thôi học và doạ kiếm gả ngay cho chị một thằng cu-li cu-leo hay cù đinh thiên pháo nào đó cho gia đình tôi xong nợ “chứ gia-thế dòng họ nhà này cương quyết không chấp nhận có một đứa con gái hư thân mất nết”.

Sau lần ấy, bố tôi những tưởng mọi việc êm xuôi. Nhưng cha mẹ sinh con giời sinh tính. Ai bảo bố mẹ tôi sinh ra chị Nguyệt đẹp nhất xứ Tử Đình làm gì? Ai bảo trời cho chị có cặp mắt mơ màng và nụ cười chúm chím như hoa nở làm gì? Con gái hễ đẹp là đương nhiên được nhiều người để ý, do đó thường sớm biết chuyện tơ tình. Chị lại vốn đa sầu đa cảm. Trong lòng khát khao những mẩu chuyện yêu đương, chị để dành tiền công thêu, cùng với vài người bạn gái trong lớp mua cả chục quyển tiểu thuyết éo le trữ tình của mấy tay văn sĩ ướt át đang ăn khách thời đó để đọc dần. Những quyển tiểu thuyết dầy đến ba bốn trăm trang, chị đọc thuộc nhiều đoạn, thường tỏ ý thương xót cho nhân vật tiểu thuyết và kể cho tôi nghe mỗi lần chị rủ tôi ra bờ sông cầu Tứ-Quý. Tôi mới lên đệ lục, vẫn còn thích bắt dế đào giun, không hiểu hết những câu chuyện của chị. Có lẽ chị chọn tôi để phơi niềm tâm sự vì trong lòng chị quá nhiều ý nghĩ sôi nổi của người thiếu-nữ mới lớn cần phải được nói ra cho người khác nghe, mà trong nhà không còn ai để cho chị giải bầy niềm ẩn ức một cách an toàn và vô sự bằng thằng em trai khờ khạo.

Ngày ấy, tôi mới mười bốn tuổi nhưng trong trí óc bé bỏng của tôi cũng lờ mờ nhận ra có một sự gì không ổn, một sự nổi loạn đang hình thành ở nơi chị Nguyệt. Khu Xóm-Mới mười hai xứ đạo này có lẽ quá nhỏ bé cho đôi cánh chị bay xa. Ở đây là một thế-giới biệt lập của dân Bắc-kỳ di cư, ngăn cách với Sài Gòn bằng một con đường nhựa dài dằng dặc với những trại lính pháo-binh, quân nhu, thiết giáp ; xen kẽ vào đó là mấy xóm Bình-Khang như Mai-Thành, An-Nhơn và Thông-Tây-Hội lúc nào cũng ra vào nhộn nhịp khách Việt lẫn khách Mỹ, những anh chàng Thúc Sinh tan sở lén vợ đi tìm của lạ vừa đậu chiếc xe gắn máy ngay cửa “động” là có vài em thiếu-nhi dắt tay hướng dẫn vào buồng trong ngồi đợi trong khi chúng lục lạo chạy sâu vào xóm trong đi tìm những nàng Kiều về ngay; chiếc xe được săn sóc đúng kiểu valet parking dấu cẩn thận sau nhà đề phòng bố ráp; những gã lính Mỹ mình trần lông lá mồ hôi nhễ nhại chỉ khoác chiếc áo giáp cười hô hố tay cầm chai bia tay ôm choàng những cô gái điếm son phấn loè loẹt, loạng choạng từ trên những chiếc GMC bám đầy bụi đỏ bước vào khu nhà chứa ; những vỏ chai Cocacola vứt bừa bộn trên những con đường nhựa đầy ổ gà lởm chởm.

Nhưng, khách mua hoa từ thành phố xuống đây đôi khi ngạc nhiên vì sự tương phản trớ trêu: chỉ đi hết một con đường hai cây số từ mấy khu làng chơi nổi tiếng nhất miền Nam, là đã hiện ra một vùng công-giáo với những chóp nhà thờ cao vút, những xóm đạo mà mỗi tối tiếng kinh vang rền đọc lên từ tám giờ cho đến khi đi ngủ. Nơi đây ít ai lấy chồng lấy vợ phương xa, cứ quanh quẩn sống mãi trong một vùng đất quen thuộc. Những phong tục nền nếp cũ vẫn còn giữ nguyên từ 54, những ông già bà cả vẫn thức dậy đi chầu từ năm giờ sáng, những hàng thịt chó rựa mận ngoài phố còn nhiều hơn tiệm phở, nơi mà con số người dân vẫn còn mang những hàm răng nhuộm đen, đội khăn xếp và mặc áo the thâm có tỉ lệ cao nhất Việt Nam phía dưới vĩ tuyến 17. Khoảng cách mười lăm cây số từ Xóm Mới đến Sài Gòn là cả một không gian vô tận đối với các người dân nơi đây. Họ ngại sự thay đổi. Họ không muốn ra khỏi khu di cư đầy hình ảnh và tập quán quen thuộc. Kinh đô với ánh đèn điện sáng, đối với những người an phận thủ thường quen nếp cũ như đại đa số dân Xóm-Mới vẫn là một chốn quá xa xôi, một chốn xa hoa của những người nhà giầu trưởng giả. Ở đây phần nhiều các cô con gái lớn lên chờ người đến hỏi cưới, rồi sang làm dâu nhà chồng ở xứ đạo bên cạnh, cách nhà mình chỉ một vài con ngõ. Chẳng mấy ai thắc mắc là, bên ngoài cái thế giới nhỏ hẹp của đám người di-cư sẽ còn có một khung trời nào nữa. Nhưng chị Nguyệt tôi thì lại khác. Chị luôn tỏ ý không muốn lấy chồng Xóm-Mới. Chị chỉ muốn thay đổi cuộc đời, từ giã vùng ngoại ô quạnh quẽ để lên chốn kinh đô có nhiều tiệm kem, có xi nê và nhiều ánh điện. Chị hay kể cho tôi nghe nhiều sự “văn minh” do các bạn chị nghe ngóng được, như chuyện về các tài tử Mỹ và ca sĩ Pháp mà dạo ấy muốn đi xem các chị phải đón đến ba chuyến xe lam mới đến nơi vì chỉ trên Sài Gòn mới có phim Tây, còn rạp Lạc-Xuân ở Gò-Vấp toàn chiếu rặc phim Ấn-Độ. Đất Sài-Thành với chị quá đỗi huyền hoặc đầy sức quyến rũ, người Sài-Thành đầy chất thanh tao lịch sự.

Tôi còn nhớ một buổi chiều tà nắng sắp tắt, hai chị em ngồi dưới bóng dừa ném những hòn đất vào đám hoa lục bình tim tím tắp vào bờ, chị Nguyệt chợt bảo :

- Vũ này …

Tôi dừng tay ném đất quay đầu lại :

- Gì hở chị ?

- Vũ đừng nói ai biết nhé.

- Nói cái gì chứ ?

Chị Nguyệt chưa trả lời. Chị ngần ngừ một lát rồi mở quyển truyện tiểu thuyết dày cộm, rút tấm hình chụp một thanh niên đầu chải bóng loáng, cổ sơ-mi đeo cà-vạt miệng cười hàm răng đều đặn trông thật duyên dáng.

- Anh Hoàng Lộc đấy. Vũ có biết chị Quyên trưởng lớp đệ nhị A không ? Anh ấy là anh họ chị Quyên mới về chơi tuần trước.

Rồi chị nhìn ra xa dòng sông nước chảy êm xuôi len qua những bè lục bình hoa tím, kể cho tôi nghe về người con trai mới quen tên Hoàng Lộc. Đại khái, anh Lộc dễ thương, vóc dáng dễ nhìn và giọng nói dễ nghe. Anh lại từ Sài Gòn về. Lớn lên ở kinh đô nơi có nhiều dinh thự, nơi có vòi nước máy chảy tự động chứ không phải đào giếng kéo nước lên, nơi có ô-tô réo còi inh ỏi suốt sáng đến chiều làm cho anh Hoàng Lộc có dáng thành thị khác hẳn bọn thanh niên xứ đạo. Với gọng kính râm đen, mái tóc chải bi-ăng-tin bóng mượt và những câu chuyện, những từ ngữ thật thời thượng đã tạo sự chú ý của chị Nguyệt ngay hôm chị đi xem chính-phủ chiếu phim công cộng ở đâàu nhà thờ xứ Trung-Bắc. Chị kể rằng sau đó anh Lộc đến làm quen với chị qua sự trung gian của chị Quyên, khen chị còn kháu hơn những ca sĩ trên đô thành, thuê tắc-xi đưa chị với chị Quyên đi phố Tự-Do “Vũ giữ kín chuyện này đừng để bố với anh Đắc biết”, vào rạp Eden xem phim Ben Hur có Charles Heston và ra Brodard ăn kem va-ni mà “kem nó tan rồi cứ thơm mãi ở trong miệng mình ấy Vũ ơi”.

Rồi chị cho biết anh Hoàng Lộc sắp phải trở lại trường, tết mới về chơi lần nữa.

Tôi nghe đến đấy không nhịn được, buột miệng hỏi một câu ngớ ngẩn :

- Chị … yêu anh ấy rồi hở ?

Chị Nguyệt đỏ mặt. Chị bẽn lẽn tìm lời chống chế để câu đoán bệnh của thằng em trai giảm bớt phần trầm trọng :

- Yêu đâu nào ?.. Chỉ hơi hơi có cảm tình thôi. Anh Lộc kể chuyện Sài Gòn hay lắm. Giá nhà mình dọn lên trên ấy, Vũ nhỉ. Bố mẹ mình cứ bám mãi ở cái đất này …

Rồi ngắm nghía tấm hình thêm một giây, chị nhỏ giọng xuống, thì thào :

- Vũ biết không, anh ấy là dân văn minh thành phố, chứ đâu như bọn thằng Đông thằng Dậu xóm mình, quê bỏ xừ…

Đông và Dậu là hai thanh niên đầu xóm, hàng ngày đi ngang qua nhà tôi để ra ruộng cắt rau muống cho lợn ăn sau khi đi học về, và cũng chuyên môn làm diều cho tôi, những con diều cá mực có đuôi dài xanh đỏ phất phới, “thả” sẵn lên trời đưa cả cuộn dây gai cho tôi để tôi chỉ việc cầm dây ngắm diều bay lượn. Anh Dậu mê chị Nguyệt, nên chăm lo đồ chơi cho tôi rất kỹ lưỡng, mùa nào là thức nấy : diều cá mực diều cánh cốc mùa hè, cá xiêm cá chọi mùa thu, dế than dế lửa mùa đông và pháo đùng mùa tết. Anh Dậu còn có giọng ca mùi ngọt lịm, đã từng lên đài phát thanh Sài Gòn dự thi tuyển lựa ca sĩ được giải khuyến khích. Anh bắt chước giọng của nam danh ca Giang Tử giống hệt đến chỗ thần sầu. Buổi tối anh hay ôm đàn ngồi trước hiên nhà và hát những nhạc phẩm boléro lính chiến với tình yêu của Trần Thiện Thanh hay Trịnh Lâm Ngân, trong khi lũ trẻ con trong xóm trong đó có tôi chen nhau ngồi bu xung quanh để trầm trồ thưởng ngoạn.

Tự tin về tài hoa văn nghệ, anh Dậu đã tính mượn người mai mối để đến nói chuyện với bố mẹ tôi, nhưng anh nhờ mãi trong họ ngoài họ mà chẳng có ai đủ can đảm làm cái việc to gan đó cả. Vì ai cũng khiếp vía bố tôi, ông chánh trùm của họ đạo. Chỉ nội hình dung ra vẻ mặt gườm gườm của bố tôi là ngay những dân mối lái chuyên nghiệp cũng đành lắc đầu bỏ cuộc. Lý do kế tiếp là vì ai cũng nhận thấy rất rõ, anh Dậu nhà nghèo bố anh là ông thợ nhuộm quần áo, ngoài Bắc chuyên môn đi cấy rẽ mà cái chuồng sau nhà từ ngày vào nam đến giờ không bao giờ có được đến hai con lợn. Còn trái lại bố tôi là giai cấp có trình độ học vấn đã từng lên trọ học Hà-Nội, tiếng Tây tiếng Pháp như “luý”, “me-xừ” hay “mắm sốt” cứ trơn tuột ở ngoài cửa miệng lại là con giai ông lý-trưởng ngày xưa tá điền nhiều đếm không xuể thì lẽ nào chịu sánh vai môn đăng hộ đối với bố con nhà anh Dậu. Hạng như bố anh Dậu, bố tôi cho rằng “ ngày xưa có cắn cỏ từ cổng cắn vào cũng chưa chắc đã được ông nội nhà ta thí cho cái chân lực điền ! ”.

Tình hình bi đát như thế, nhưng anh Dậu xem chừng tương tư chị tôi nặng lắm. Anh nhờ mãi không được ai chịu đại diện đi hỏi chị Nguyệt dùm, bèn liều lĩnh đổi chiến thuật chiến lược. Anh cho rằng dùng sứ giả để thương thuyết không ăn thua thì ta nên mở chiến dịch tấn công trực diện. Hôm tết năm ngoái, bố anh Dậu thịt con lợn duy nhất trong chuồng để bán, con lợn anh Dậu đã dày công cắt rau muống cả năm trời nuôi nấng. Anh mang cái đùi sau nặng đến năm sáu ký, gói ghém kỹ lưỡng trong tờ giấy bóng kính mầu đỏ, thắt tí nơ hồng ngay chỗ cái móng chờ tan nhà thờ tối thứ bẩy ôm lễ vật đón chị Nguyệt nơi đầu ngõ để tỏ mối chân tình. Dĩ nhiên chị Nguyệt vừa nghe anh lắp bắp vài câu đã vội nguây nguẩy bước đi để mặc anh Dậu chết đứng với chiếc đùi lợn trên tay nặng chĩu, và thế là cái tết sầu thương năm ấy trên bàn rượu anh thề độc với chúng bạn rằng “có quan thầy Giu-Se làm chứng” là sẽ xung phong đăng lính vào đơn vị chiến đấu để “hễ tao có làm sao là cho cái Nguyệt nó sáng mắt ra” – nhưng anh không chịu cắt nghĩa nó sẽ sáng mắt ra ở cái chỗ nào sốt cả.

Tôi có mặt trong buổi thề thốt long trọng ấy, và lòng bỗng thấy thương hại anh Dậu vô vàn. Tôi ái mộ giọng ca của anh giọng ca nhừa nhựa và nức nở nhất là khi anh ngân nga những câu "Chân nghe lạ từng khu chiến thuật, Áo đường xa không ấm gió phương xa, nghìn đêm vắng nhà !". Tôi ao ước giá anh Dậu mà lấy chị Nguyệt, tối nào anh cũng ôm đàn rên rỉ cho tôi nghe mấy bản, chắc cũng đã đời thoả thích. Nhưng có lẽ số trời định sẵn không cho anh nên duyên với chị Nguyệt để cho tôi mãi được thưởng thức giọng ca của một thiên tài văn nghệ...

Chiều nay bên bờ sông cầu Tứ-Quý nghe chị Nguyệt nói chuyện về anh Hoàng Lộc xong, tôi nhìn chị đăm đăm. Chị cũng nhìn lại tôi, gương mặt lo ngại vì vừa tiết lộ một việc quan trọng trong đời chị. Tôi chưa gặp anh Lộc, nhưng chỉ nhìn vẻ mơ màng của chị Nguyệt với nụ cười chúm chím khi nhắc đến tên anh tôi cũng đủ đoán ra rằng mầm tình ái đã hé nở trong lòng chị tôi, người thiếu nữ mười tám của xứ Tử-Đình và chắc là rồi đây thơ ngây sẽ chắp cánh bay đi và sẽ để lại sau lưng biết bao nhiêu bão bùng giông tố.

Giữ lời hứa, tôi không tiết lộ với ai về việc chị Nguyệt và anh Hoàng Lộc. Mùa xuân năm ấy qua đi, những cánh diều sáo diều bầu lại bắt đầu thả phất phới trên sông cầu Tứ-Quý. Còn vài tháng là đến cuộc bầu cử quốc hội lập hiến, VC vẫn thỉnh thoảng pháo kích vào các khu dân cư để phá hoại bầu cử. Chiến tranh vẫn tiếp diễn ác liệt ở các vùng xa. Và những vụ khủng bố đôi khi cũng mang tang thương về gần khu chúng tôi trú ngụ. Có một buổi sáng trên đường cắp sách đến trường, tôi bỗng nghe một tiếng nổ vang trời rung rinh mặt đất làm cây lá bên đường lay động rào rạt. Tôi vác cặp hồng hộc thở chạy theo các đám người túa ra phía con đường Bắc Tiến trước cửa tiệm thuốc tây Thành-Đạt để xem sự việc. Đến nơi, một cảnh tượng thảm khốc chưa từng trông thấy hiện ra : giữa mặt đường nhựa là một cái hố lõm xuống đen ngòm nơi quả mìn định hướng phát nổ; một cái khung sắt cháy đen mà người ta còn nhận ra được là chiếc khung xe đạp; cách đấy chừng ba bốn thước một người đàn bà áo bà ba trắng quần đen người đầy máu nằm gục dưới đất không hiểu còn sống hay đã chết. Tôi bước loanh quanh thế nào mà dẫm ngay phải một vật mềm nhũn. Nhìn xuống mới biết là mình vừa dẫm lên bàn chân bị mìn tiện đứt văng đi của người đàn bà đang hấp hối. Nhà thuốc Thành Đạt rơi sụp mất cái ban-công, trên cửa sắt lủng lỗ chỗ cả ngàn vết lớn bằng ngón tay.

Người ta kháo nhau rằng, chủ nhật tuần hôm đó có cuộc nói chuyện của tướng Nguyễn Đức Thắng, người tướng nổi tiếng thanh liêm nhất của quân lực VNCH ở sân nhà thờ xứ Thái Bình nên mấy anh VC dở trò đặt mìn khủng bố, ai ngờ “đức mẹ quan phòng che chở cho giáo dân nên kẻ rữ thì gặp điều rữ”, chú VC đang đạp xe chở quả mìn định hướng thì vô ý làm rơi xuống đường nổ tan xác, thế là quả báo nhãn tiền. Nhưng những lời đồn đại đó không giải thích được vì sao người đàn bà vô tội kia lại run rủi đi ngang qua ngay lúc vụ nổ để lãnh hậu quả đau thương !

Tuy thế, các biến động chính trị quân sự trên toàn lãnh thổ miền nam cũng chỉ ảnh hưởng đôi phần đến đời sống hàng ngày của người dân xứ đạo. Sinh hoạt của vùng này đã quen với những nhiêu khê của chiến chinh. Con trai lớn lên, chỉ một vài người lên đại học và một thiểu số khác trốn lính, phần đông là nhập ngũ. Anh Dậu giữ trọn lời thề của kẻ thất tình, đã đăng vào lính sư đoàn 25 bộ binh. Có lẽ bây giờ ngoài đơn vị anh đang u sầu đơn ca bản "tôi là lính xa nhà đi trấn sơn khê - hai mùa mưa mây mù che nẻo đường về - đêm rừng núi lạnh buốt mái poncho, súng cầm canh nhịp từng giờ, trái châu chiếu trên cành lá".

Ở nơi ấy không biết lòng anh đã quên được người con gái xứ đạo chưa, chứ ở phương này chắc chị Nguyệt chẳng bao giờ nhớ tới anh. Chị còn đang bận tâm với mối tình đầu đời vừa chớm. Tôi thấy chị đỏm dáng hẳn lên, với những bộ đồ mới may bằng tơ bóng mỡ gà thay thế cho quần áo cũ bằng hàng vải. Chị cũng bắt đầu kín đáo tô lên vành môi nét son nhẹ, thoa lên làn má chút phấn hồng e ấp, và càng mua nhiều tiểu thuyết diễm tình về đọc. Lúc này anh Đắc đã vào nhà dòng, ở tịt mít luôn trên Đà-Lạt không được về. Còn bố mẹ tôi bận tối mắt với cửa hàng bán tượng ảnh ngoài phố, nên những thay đổi của chị Nguyệt chỉ một mình tôi để ý nhận ra.

Và tôi đã đoán đúng. Một hôm, chị Nguyệt xin phép bố tôi đến nhà bạn của chị để học thi sau giờ tan lớp cho đến chiều, vì kỳ thi đệ nhị lục cá nguyệt đã gần đến. Nhưng trưa hôm ấy khi tan trường tôi thoáng trông thấy chị ngồi trong xe hơi bên một thanh niên ngồi lái chạy ngang cổng trường hướng về phía Sài Gòn, chỉ nhìn sơ tôi cũng nhận ngay ra đó là anh Hoàng Lộc người trong tấm hình hôm trước. Chị Nguyệt thoáng quay đầu trông thấy tôi, nhưng chiếc xe phóng vụt qua trước mặt tôi và biến dạng trên con lộ. Lòng tôi dâng lên cảm giác nôn nao lo ngại của một thằng em thấy chị mình đang tập tễnh leo lên dây đời chông chênh cao ngút, một cảm giác tự vệ thiên nhiên mà chắc ai đã từng gặp cũng khó mà quên được.

Chiều hôm ấy chị về nhà, nét mặt bối rối khi trông thấy đôi mắt dò hỏi của tôi. Chị kéo tôi ra bờ sông, chúng tôi im lặng một lúc lâu. Tôi nghe có một làn gió thoảng bay từ giòng nước cuồn cuộn sau cơn mưa tháng tư, nhưng cũng không đủ để xua tan nỗi ám ảnh nặng nề trong lòng tôi. Giây lâu sau chị Nguyệt nói giọng nho nhỏ cơ hồ như sợ cơn gió sẽ mang âm thanh vọng đi về khu xóm của gia đình tôi :

- Trưa nay xe anh Lộc chở chị ngang trường ngay giờ tan học … Chắc Vũ trông thấy rồi hở ?

Tôi chưa kịp trả lời, chị Nguyệt đã vội tiếp :

- Vũ ạ … Vũ đừng lo cho chị. Anh Lộc là con nhà giầu. Bố anh Lộc có chức to lắm, hình như làm ở trên tổng nha quan thuế thì phải. Anh ấy tốt với chị lắm. Đừng mách bố, Vũ nhé … Bố biết thì chị chết. Anh ấy chỉ mới hôn chị thôi …

Tôi nhìn lên khuôn mặt chị Nguyệt. Khuôn mặt nửa âu lo, nửa sung sướng, lại pha chút mê say của một kẻ vừa khám phá ra điều tội lỗi lại sao quá ngọt bùi ; như một người bước vào vườn địa đàng lần đầu tiên rụt rè mân mê từng chùm trái cấm thơm ngon kỳ diệu.

Đã mấy năm thấm thoát trôi qua từ ngày chị Nguyệt bỏ nhà đi theo anh Hoàng Lộc. Tôi chỉ biết, một buổi sáng thức dậy không thấy chị ngồi bên chiếc khung thêu như thường lệ. Bố tôi sau đó lẽ đương nhiên nổi trận lôi đình thề bắt được sẽ gọt đầu chị, sẽ tẩn cho chị một trận thừa sống thiếu chết và gửi vào viện giáo hoá. Bố tôi nào biết khi bỏ nhà ra đi chị đã có mang hơn hai tháng. Và cái bào thai sau đó cũng đã không ra được cõi trần để làm người chịu đựng những khổ đau của nhân gian : nó đã chết trong bụng mẹ, người mẹ thiếu ăn thiếu mặc và thiếu thuốc khi một trận thương hàn kịch liệt đã xô ngã chị tôi vào dịp giáng sinh Mậu Thân năm đó.

Những năm sau là những năm phiêu linh chìm nổi của chị Nguyệt. Giông tố dập vùi cuốn trôi đời chị qua từng ghềnh đá chênh vênh và vực sâu thăm thẳm. Chị không còn sống với anh Lộc trên căn gác thuê ở hẻm Hoà-Hưng nữa. Vì xẩy thai xong, chị phải ở nhà vì không còn đủ sức bán chè ở chợ Hoà-Hưng. Chỉ một mình anh Lộc chạy lăng quăng tìm sống. Anh mới ngoài hai mươi chẳng có nghề nghiệp gì, lại bỏ học ngang. Tiền nợ thuê căn gác chồng chất, những buổi sáng tối của đôi uyên ương trẻ đã vắng dần tiếng cười tiếng nói yêu đương, thay vào là tiếng cãi cọ và quát tháo của anh Lộc. Sau cùng chuyện đã đến phải đến. Đúng một năm sau khi giã biệt quãng đời thơ ngây ra đi xây dựng tổ ấm, túp lều lý tưởng của chị Nguyệt đã bị cơn giông đời thổi sập. Thì ra, hương tình dù có nồng nàn bao nhiêu nhưng chỉ được bồi dưỡng bằng cháo trắng và bánh mì thì chẳng bao lâu cũng sẽ tàn phai. Anh Hoàng Lộc đã dứt áo trở về với gia đình bố mẹ anh, để mặc cho chị bơ vơ giữa chợ đời. Túng thiếu và bệnh hoạn, chị vào Chợ-Lớn, làm cho một xưởng may do một gã chệt làm chủ, và rồi trở thành phòng nhì của hắn. Không còn lo sinh kế nữa nhưng thay vào đó gánh lấy quãng đời tủi nhục của kiếp chồng chung, chị được gã mướn cho một phòng trong khu chung cư Minh Mạng, suốt ngày lo lắng mụ vợ cả dẫn bọn thủ hạ đến đánh ghen. Còn gã chệt thỉnh thoảng trốn vợ mò đến khi ra về dúi vào tay chị những xấp bạc tanh nồng. Ngồi nhà mãi cũng chán, chị đi học Anh-Văn xin vào làm sở Mỹ ở Tân Sơn Nhất. Rồi cuộc đời chị lại thay đổi thêm một lần nữa. Bỏ gã chệt, làm chiêu đãi viên trong câu lạc bộ sĩ quan Việt-Mỹ, đời chị cứ thế đi dần xuống vùng tranh tối tranh sáng. Chị trở thành gái bao của bất cứ kẻ nào chịu bỏ ra vài trăm bạc.

Những giông tố kể trên đã được chị thuật lại năm tôi học đệ tam hai chị em tái ngộ. Hôm ấy một buổi chiều nóng nực tháng ba đang giờ Vạn Vật, ông giám thị già xuất hiện ở cửa lớp tôi với giọng khàn khàn cố hữu :

- Nguyễn Đình Vũ xuống phòng giáo sư có người nhà cần gặp.

Bước qua cửa, tôi khựng lại khi thấy chị Nguyệt ngồi trên ghế phòng đợi. Tôi ngỡ ngàng nhìn chị. Chị Nguyệt của tôi bây giờ trông già đi đến mười tuổi. Chị gỡ cặp kính đen xuống tiến đến gần tôi. Mùi nước hoa rẻ tiền sực nức khiến tôi đứng lại. Cử chỉ đó khiến chị cau mày. Chị gắt khẽ, giọng nói vẫn quen thuộc như xưa kia khi tôi hay nghịch phá những khung thêu của chị :

- Ơ hay cái thằng Vũ này … Không nhận ra chị hay sao ?

Tôi ngập ngừng :

- Chị Nguyệt … Chị về nhà chưa?

- Chị về rồi. Gặp bố, em ạ. Bố mẹ bây giờ nom yếu quá. Tuần trước chị gặp người quen họ nói gia đình mình lúc sau này làm ăn bết bát, cửa hàng tranh ảnh tượng tràng hạt ế ẩm, bố lại ốm đau luôn nên chị đánh liều đón xe về thăm bố mẹ.

Ngừng một giây chị đưa tay vuốt tóc tôi, những ngón tay vẫn mềm mại như thủa nào :

- Nghe nói Vũ thiếu tiền học nhà trường nữa phải không ?

Tôi chỉ gật đầu nhè nhẹ. Gần một năm nay gia đình tôi sa sút quá. Sau ngày chị Nguyệt ra đi, bố tôi đổi tính kỳ lạ. Lúc thì ông buồn rầu ngồi hàng giờ sau quầy kính tiệm ảnh, khi thì giận dữ bâng quơ không còn để ý vào công việc buôn bán. Do đó cửa hàng càng ngày càng ế ẩm. Đầu óc bố tôi đã bị cơn khủng hoảng tinh thần chiếm đoạt do việc chị Nguyệt bỏ nhà ra đi làm lối xóm chê cười, các cha chính xứ các nhà thờ khu vực cũng đem lời trách cứ rằng bố tôi "làm trùm họ đạo mà không biết dạy con thì còn làm gương lành gương tốt cho giáo dân ở chỗ nào". Thêm vào đó anh Đắc sau hơn năm thử thách trong tu viện trên Đà-Lạt đã quyết định trong lá thư anh gửi về mấy tháng trước “Bố mẹ thông cảm cho con vì con đã nhận ra mình không phải là người Chúa chọn” và cho biết đã sửa soạn xuất viện để gia nhập trường võ bị. Đây là chùy nặng thứ hai giáng xuống đầu bố tôi. Ước vọng to tát của bố tôi – sau này anh Đắc thành cha và người ta sẽ gọi bố tôi là ông cố – đã theo bức thư của anh Đắc tan tành theo mây khói.

Chị Nguyệt bùi ngùi nói nhỏ, hai mắt rưng rưng :

- Bố đang nằm ốm trên giường, mẹ đang sắc thuốc dưới bếp thì chị vào. Vừa trông thấy chị bố chực vùng nhổm ngồi lên để chửi mắng nhưng đang cơn sốt yếu quá lại nằm vật xuống, thở hổn hển. Chị chỉ biết khóc. Chị đưa tiền, bố quăng trả ngay vào mặt chị rồi chửi “tao có đi ăn xin cũng không cần đến thứ tiền làm đĩ “… Xóm láng họ kéo đến xem đông như kiến. Chị xấu hổ quá phải đội nón vơ xách tay bước đi ngay…

Tôi nắm lấy lòng bàn tay chị. Chị tôi sau mấy năm ra đời, tấm hồng nhan nay trông đã vướng bụi trần. Nét thanh tú ngày xưa tuy vẫn còn phảng phất trên khuôn mặt trái soan, nhưng đôi mắt mơ màng năm nao bây giờ đã mang mang một vẻ sầu u uẩn. Hậu quả của trận sốt thương hàn năm trước vẫn còn in trên thân hình gầy gò của chị. Đưa vành tai cho tôi xem chiếc sẹo dài dấu tích một trận đánh ghen của vợ lớn gã tầu chủ hãng may năm ngoái, chị siết tay tôi, chúng tôi đi ra cổng trường rẽ vào đường mòn dẫn ra bờ sông cầu Tứ-Quý. Vừa đi qua mấy luống cau chị vừa hỏi :

- Không có chị, buổi chiều Vũ còn ra chỗ này ngắm hoa lục bình trôi nữa không?

Tôi lắc đầu, tim nghe chùng xuống một nỗi niềm nặng chĩu.

Chị kể cho tôi những việc xẩy ra từ ngày ly biệt, chẳng dấu điều gì. Những oan khiên hờn tủi của những ước mộng thuở ban đầu đã tan tành hôm nay được dịp thả buông bên dòng sông ngày cũ quen thuộc của tuổi thơ chị em chúng tôi. Rồi y như một lời ca của Trịnh Công Sơn “về suối quê hương tắm gội nhục nhằn”, chị tôi yên lặng ngồi trên chiếc thân dừa đổ ngang bờ sông, đong đưa đôi chân khuấy trong làn nước mát rượi cơ hồ muốn gột rửa đi chứng tích bụi bặm tội lỗi của chuỗi ngày phồn hoa đô thị như đứa con hoang trở về quê cũ tìm lại chút dấu thân yêu. Dưới chân chị, vài bè lục bình nụ hoa còn chưa nở buông trôi tắp vào rễ dừa xoay xoay tựa hồ như tìm cách gắn vào một nơi cố định vì đã nghe chán cuộc đời trôi nổi trên giòng sông nước dạt.

- Chị không trở về nhà được đâu, Vũ ạ. Mỗi người sinh ra một số mệnh. Phận của chị là làm kẻ lưu đày … Như là đám hoa lục bình tim tím đương trôi đàng kia, dù muốn tấp vào bờ mà cũng vẫn bị con nước lũ cuốn xô đi mất …

Chị em tôi mất liên lạc từ đó. Không một ai biết chị Nguyệt ở đâu. Chị cũng không bao giờ trở lại vùng Xóm-Mới. Có lẽ trong thâm tâm chị nghĩ rằng mình như manh áo lụa đã vấy bùn, không còn trở lại được khu xóm đạo có đền đức mẹ nến trắng với những bó hoa huệ, có tiếng chuông nhà thờ rộn rã từ sáng tinh mơ cùng với tiếng kinh lần hạt vang vang đều mỗi tối.

Tôi lật trang thư kế tiếp của anh Dậu. Những dòng chữ chợt xiêu vẹo đi trước mắt tôi.

… Vũ mến,

Anh đến Pulau Bidong được hơn hai tháng nay. Vừa lên đảo là nhận được tin sét đánh Vũ ơi ! Chị Nguyệt đi tầu PB918 hồi tháng trước bị hải tặc Thái-Lan chặn cướp, chị Nguyệt với một số phụ nữ khác bị bắt đem đi rồi tầu lại lạc đường hết lương thực, nhiều người chết. Một trăm lẻ sáu người chỉ còn lên đảo được bốn mươi mốt … Một tuần sau tầu cao uỷ tỵ nạn tìm thấy xác của những người bị bắt mang đi trên hòn đảo Cá Mập, hình như có cả xác chị Nguyệt. Họ chôn ở đâu không ai biết. Khi nào có tin tức đích xác anh sẽ báo tin cho Vũ.

Thư này gửi gấp, nhờ người ta mang ra khỏi trại, anh không viết được nhiều. Vài hàng cho Vũ hay. Hẹn gặp lại bên ấy… À này, San Diego chỗ Vũ ở, công ăn việc làm như thế nào ? Dễ kiếm không ? Anh thì chưa biết làm nghề gì. Biết mỗi chăn nuôi. Nghề nuôi lợn hồi xưa của anh, chắc bên ấy không được “thịnh” mấy đâu, Vũ nhỉ! Bên ấy đào đâu ra ruộng rau muống…

Mấy hàng chữ trong lá thư anh Dậu bỗng mờ dần đi, như những trang mực tím thời thơ ấu bị ướt nhoè trong một buổi trời mưa tan lớp.

Nguyên Cương Andy