Cổng Vườn Mai Thắm

Cổng Vườn Mai Thắm

Chỉ đi hết ngã ba Thông Tây Hội dẫn về xã Thạnh Mỹ, rẽ vào hương lộ năm bắt đầu khu di cư Thọ Truyền là người ta sẽ thấy hiện ra ngôi biệt thự xung quanh che rợp bóng cây xoài trong một khu trại trồng mai bát ngát.

Vườn mai đã trồng lên từ bao giờ, ít ai biết. Chắc phải là lâu lắm rồi, vì từ thời chưa chiến tranh các ông già bà cả thấy đã cái trang trại đầy mai, cứ mỗi mùa xuân những cội mai già gốc to như bắp chân lại rộ lên vàng thắm cả một vùng; các lái hoa đánh xe ba gác xe bò tấp nập ra vào chở những sọt hoa ra chợ bán. Những cội lão mai ở đây nổi tiếng khắp Gia Ðịnh. Chúng đã chiết được ra các chậu danh hoa chiếm giải quán quân Tao Ðàn mùa xuân năm nọ. Nghe đồn là phủ tổng thống ở mãi Sài Gòn năm trước cũng phải đưa người về đây đặt mười mấy chậu hoa từ tận tháng tám ta; để ông chủ trại có thì giờ sửa soạn cắt nhánh, bón thuốc và uốn cành cho kịp lễ tất niên ở dinh Ðộc Lập.

Nhưng, vườn mai ấy cũng còn là một đề tài huyền bí của người dân Thạnh Mỹ.

Theo các bô lão cư ngụ ở đây từ ngày còn Tây, không người chủ nào cai quản khu trại này được lâu. Các bà già đi chầu sớm buổi sáng tinh mơ chưa nhìn rõ đường đất đã quả quyết có các đấng làm chứng trông thấy trên cây xoài cao ngút ở cổng vườn mai, có những bóng đen lay động. Người không tin thì giải thích đó chỉ là những cánh dơi ăn quả chín, bay ra khi thấy động tĩnh hay bóng người. Lại có kẻ cam đoan nghe thấy trong những đêm không trăng tiếng rên rỉ vọng ra từ bụi cây gần gốc xoài đầu cổng. Còn có người thuật rằng thời Tây, hồi trận càn Rạch Chiếc, com-măng-đô đuổi theo du kích về đến Thọ Truyền bắn chết mấy người gốc miệt Cổ Dừa đem chôn ở miếng đất này ngay vào đêm ba mươi tết của một mùa ly loạn, thân nhân chẳng ai hay biết nên cô hồn không nơi nương tựa bèn khuấy phá gia chủ, để hòng được mang hài cốt về quê cũ. Không biết những chuyện ấy thực hư như thế nào, nhưng dù cho nhang khói có luôn nghi ngút trong cái miếu tí hon dưới gốc xoài đầu cổng, thì chỉ chừng sáu tháng một năm người ta cũng đã thấy trại cây đề bảng bán rẻ. Người chủ sau mua lại đến ở, cũng chỉ một thời gian ngắn phải nhượng lại cho người khác, dù bảy cây xoài vẫn xanh um trĩu quả, vườn mai già vẫn xum xuê bông nụ. Cả hơn mươi đời chủ như thế, sau đến lượt ông lang Hợp Hưng, thì đến nay đã được mười mấy năm mà dân Thạnh Mỹ - Thọ Truyền vẫn còn thấy ông ta ở lại. Hay là vì ông ta có đạo khác với những đời chủ trước; siêng năng lần hạt, hay giúp đỡ kẻ nghèo, lại bỏ tiền giúp cha Trọng xây tượng tổng lãnh thiên thần đang dùng ngọn giáo đâm xuống anh quỷ sứ có đuôi nhe răng giẫy chết, đặt cuối nhà thờ xứ Lạng Sơn gần bên, nên có mưa móc hồng ân che chở ?

Lâu mãi, những câu chuyện hoang đường về trại mai cũng phai nhạt đi. Người ta dần dà thêm tin tưởng vào ơn lành của vùng đất công giáo di cư ngoan đạo sớm tối kinh hạt rền vang, vì họ bảo nhau "tổng lãnh Mi-Ca-E mà ngài thương quan phòng cho" thì thiên binh vạn mã cô hồn uổng tử cũng phải khép nép xin tha, chứ đừng nói đến vía mấy anh nhà quê Cổ Dừa, cứ tưởng hễ chết đi là có quyền thành ma làm loạn khuấy phá giáo dân !

Ông chủ trại hoa mai, ông lang góa vợ Hợp Hưng Ðường, là một người khá đặc biệt đối với dân Thọ Truyền. Tiệm thuốc của ông ngoài phố chợ lúc nào cũng nườm nượp khách, vừa bán thuốc bỏ mối vừa chẩn mạch cho toa. Nghe đâu ngày còn trẻ hoạt động trong "hội kín" ở bên Tàu, ông Hợp Hưng tá túc trong nhà một danh sư tỉnh Quảng Ðông, nhờ biết nói viết thông thạo tiếng Hoa và mẫn cán ông được danh sư này truyền cho tất cả các ngón bốc thuốc chữa bệnh, mấy năm sau trở về quê nhà ở Bắc Ninh từ đấy ông thành lương y cho đến ngày vào nam lập nghiệp.

Thoạt tiên ông định cư ở Huế. Nhưng sau mấy năm có lẽ nhớ nhung phong tục giọng nói quê hương, nên ông mang vợ và hai con cùng với gánh đồ nghề vào vùng Thọ Truyền, nơi có dân di cư dựng lên những ngọn tháp nhà thờ cao vút, có tiếng chuông chầu ban sớm, có các xưởng pháo nổi tiếng để mở Hợp Hưng mạch phòng.

Vợ ông lang lâm bệnh mất sau khi sinh cho ông được hai cô con gái, Tố và Quý Phương. Dường như được tẩm bổ bằng những liều tiên dược của ông lang từ khi lọt lòng mẹ hay sao mà nước da cô nào cũng trắng nuột như hoa huệ, làn má cô nào cũng hồng tươi như thoa phấn. Kín cổng cao tường, hàng xóm chỉ thấy tài xế lái xe trắc-xông ra đường cái chở các cô đi chợ, hoặc lên Sài Gòn. Ít khi người ta thấy bóng hai người con gái ông Hợp Hưng đi bộ ngoài ngõ. Ở vùng Thọ Truyền, dân chúng phần lớn sống nghề lao động, ngôi biệt thự của ông lang mọc lên sừng sững trong khu vườn xoài xanh um sai quả sau cánh cổng sắt to tướng là biểu tượng của một sự giầu có, một giai cấp trưởng giả của miền ngoại ô. Dân Thọ Truyền mỗi khi nhắc đến hai cô, người ta thường chắc lưỡi :

- Tội nghiệp ! Tiểu thư nhà giầu như thế mà giời lại nỡ bắt mỹ miều, ở đất này lấy ai cho xứng bây giờ ? Hay lại đến phải ở vậy chịu kiếp gái già ...

Cô Tố đã lấy xong tú tài phần hai, mỗi ngày ra giúp bố ngoài tiệm thuốc. Còn cô em, Quý Phương, mới chuyển từ nội trú trên Sài Gòn về đây học đệ nhị cấp trường Vinh Sơn Liêm, mỗi ngày có xe đưa đón. Trong lớp, tuy đã mấy tháng trôi qua Phương vẫn ít bạn. Có lẽ sự cách biệt về giai cấp đã tạo một rào chắn vô hình giữa nàng với bạn học. Các nữ sinh đang nói chuyện bỗng im bặt khi thấy Phương đi qua, các nam sinh thì đưa những tia nhìn kín đáo về phía nàng; cơ hồ chỉ ngưỡng mộ nhan sắc kia như một bức họa trong tủ kính chứ không có hy vọng gì chiếm hữu. Ðộc có mỗi cái Dậu, đứa bạn học cùng lớp có tật khập khiễng ở chân ngồi cạnh là hay trò chuyện với nàng, hay cùng Quý Phương chia nhau miếng ổi ngâm, học chung bài sử ký, hoặc hái chùm hoa ngâu bẻ chia đôi với nàng để ép vào trang sách. Còn thì tất cả đều giữ khoảng cách như một bức màn lạnh lùng chắn ngang tình thân thiết. Phương đã cố gắng xé bức màn xa lạ ấy để làm quen. Nhưng dù cho nàng có mang cả keo ô mai đến lớp thì cũng chỉ vài người nếm thử; Phương có mở hộp đựng những kẹp tóc đồi mồi đủ hình dáng mầu sắc thì mỗi bạn cũng suýt soa trầm trồ khen ngợi một chút. Nhưng xong rồi họ cũng tản mác hết, chỉ còn mỗi cái Dậu đứng bên cạnh. Ðôi khi Quý Phương cảm thấy cô độc. Có lần nàng thắc mắc hỏi bạn :

- Sao không có ai chơi với mình hở Dậu ?

Cái Dậu ngồi im một lúc. Nó nhìn ra ngoài cửa sổ lớp, rồi quay lại ngó vào gương mặt trái soan của Phương :

- Tại nhà Phương giầu sang khác chúng nó. Với lại Phương xinh quá. Chỉ có mình dám chơi với Phương. Mình tật nguyền như thế này, còn so bì với ai làm gì nữa.

Quý Phương cảm động nắm tay cái Dậu. Bố Dậu chết sớm từ lâu, mẹ nó gánh cháo lòng bán rong nuôi ba chị em nó. Dậu học chăm, nhưng cái chân phải teo quắt lại sau trận sài hồi sơ sanh đã làm nó thu mình lại trong góc lớp. Lớp đệ tam nam sinh chiếm hai dãy bàn, các cô học trò ngồi dãy trong, hôm khai trường cái Dậu được xếp bàn đầu ngồi cạnh Phương. Nó bỏ ra cả buổi hôm ấy lạ lùng ngắm nghía mãi cái hộp ngà đựng bút, cái cặp còn thơm mùi da mới, chiếc nhẫn bạch kim trên đôi bàn tay trắng với những ngón thon da mỏng hẳn chưa hề biết đến sự vất vả của Quý Phương. Hai đứa im lặng suốt buổi sáng cho đến giờ ra chơi, Dậu thấy Phương ngồi lại trong lớp. Nó đánh bạo bắt chuyện : ”- Ðằng ấy không quen ai hết à ?” ”- Không, mình học trên Sài Gòn mới chuyển về đây.” Phương đưa Dậu gói cam thảo. Hai đứa trẻ cô đơn tìm được bạn, soắn suýt lấy nhau từ đó.

Ðôi khi Phương cũng ước ao mình cũng được hồn nhiên như những đứa con gái khác, buộc tóc cuốn áo dài nhẩy dây, hay nghe mấy câu bông đùa của đám nam sinh rồi bá cổ nhau cười ngặt nghẽo. Nhưng mấy tháng trôi qua, đã gần đến tết mà tảng băng ngăn cách giữa nàng và đám bạn lớp vẫn chưa tan. Chỉ có mỗi đứa bạn tội nghiệp tật nguyền duy nhất ngồi cạnh là hay tâm sự. Quý Phương mân mê bàn tay khẳng kheo của cái Dậu. Nàng bảo :

- Ở nhà mình có hai cái vòng đồi mồi. Dậu có thích không ? Mai mình đem cho Dậu một cái nhé !

Cái Dậu nhìn sững một giây. Trong ánh mắt của nó, sự thèm thuồng vừa hơi lóe lên đã biến mất. Nó lắc đầu bảo :

- Mình còn cần đỏm dáng nữa để làm chi… Phương nom như Tây Thi, giữ lấy mà dùng. À này, chắc mai mốt về sau Phương đi lấy chồng chỗ khác, chẳng ở đây mãi đâu, Phương nhỉ ?

Thẹn thùng Quý Phương cười khỏa lấp :

- Chỉ nói hiêu nào ! Phương chẳng lấy chồng đâu. Ở nhà trông vườn mai tiệm thuốc cho bố, đi học chơi với Dậu, thích hơn. Bố Phương già rồi. Chị Tố hai mươi mấy còn chưa chịu lấy ai nữa kia kìa. Mà ai bảo Dậu mình lấy chồng ở chỗ khác ?

Dậu ngập ngừng :

- Cần gì ai bảo. Ở đây … đào đâu ra người danh giá cho Phương lấy ? Chỉ toàn rặc những nhà nghèo như nhà mình …

Rồi nó nhỏ giọng :

- Với lại … người ta đồn hồi trước bố Phương theo đảng Ðại Việt gì ấy chống ông Ngô Ðình Diệm. Ông Diệm đưa dân công giáo vào nam, ở vùng này người ta nhớ ơn lắm. Sao bố Phương lại “chống” ông Diệm ?

Quý Phương không biết trả lời ra sao. Nàng chỉ nhớ lờ mờ trong những ngày còn bé, thỉnh thoảng bố nàng có mấy người bạn hay đến vào ban tối, ngồi ở gian phòng kín đáo ở sau nhà, nói chuyện nho nhỏ, trên bàn để cuốn sách bìa cứng vẽ hình bản đồ Việt Nam với lư hương bốc khói có tựa Dân Tộc Sinh Tồn, các chú hay cho Tố và Phương mấy gói kẹo “mua mãi ở bên Cao-Miên đấy”; và rồi có hôm nàng nghe tiếng bố lo âu bảo một người bạn: ”Việt Huy, Minh Nhật, Phạm Thái Tư Trời Biển đã bị đưa đi trung tâm huấn chính Biên-Hòa. Các anh phải lánh tạm một thời gian. Việc chính trị bề lâu bề dài chớ nên nôn nóng ”.

Lâu lắm, bây giờ ngồi nhớ lại, nghe Dậu nói Phương đâm suy nghĩ. Bố mình xưa nay ăn ở tử tế với mọi người ở đây. Sổ ghi nợ ngoài tiệm thuốc dày đến hơn trăm trang, đặc kín tên họ của các con bệnh không có tiền trả công xem mạch. Chỉ ghi xuống cho có lệ, chứ bố đã từng đòi nợ ai bao giờ. Ðâu có nhẽ vì chuyện làm chính trị hồi xưa ấy mà dân Thọ Truyền lại “kỵ” bố nàng ?

Tết năm nay, ngọn gió đông heo hắt đang thổi về mang cái lạnh nhè nhẹ hiếm hoi đến cho miền quanh năm nắng ấm. Những cánh đồng còn trơ gốc rạ sau vụ cuối thu ở Thạnh Lộc Thôn, những vườn cây sai quả ở An Phú Ðông, Bình Dương như cũng tạm ngưng sinh hoạt để đón chào không khí xuân với mùi khen khét của những tràng pháo nổ đì đùng cả tháng trước tết, với chợ Thông Tây ngập lá dong lá chuối, vựa dưa hấu quả xanh to xếp có ngọn cạnh những quầy bánh chưng bánh tét; các chồng hộp mứt đủ loại dán giấy bóng kính đỏ cao đến đầu người; và lũ trẻ con chạy tung tăng đi nhặt các quả pháo tịt ngòi chưa nổ bên những sạp pháo hồng bán lẻ.

Gia đình của Quý Phương cũng đã sửa soạn gần xong để đón Tết. Ông Hợp Hưng đã thuê được cánh Xuân Trường, bọn thợ nấu cỗ thuê nổi tiếng nhất vùng, để mổ con lợn sữa, xẻ thịt nấu cho đủ số bánh đem biếu cha sở mười hai xứ đạo và các kỳ mục quan viên hương đảng. Di cư vào nam đã gần chục năm, nhưng ngôn ngữ ông lang Hợp Hưng vẫn không thay đổi bao nhiêu. Ông vẫn nhắc đến người vợ quá cố bằng cái tên âu yếm u em; vẫn xưng thày với hai con; vẫn bảo bác tài xế đánh xe ô tô ra cổng. Có lẽ lòng ông vẫn hoài mơ về một thuở niên thiếu trong làng Cẩm tỉnh Bắc Ninh nơi ông gặp người thiếu nữ trên đường ra huyện để rồi nên nghĩa phu thê trước ngày ông theo chi bộ sang Quảng Ðông để lánh nạn Việt Minh ruồng bắt các đảng phái quốc gia.

Buổi sáng hôm ấy, nhóm thợ Xuân Trường đến tề tựu trước sân nhà ông lang. Họ là đám thanh niên bên xã An-Nhơn, thuộc xứ Trung Bắc, chuyên làm pháo, mổ lợn, gói bánh chưng thuê. Con lợn sữa đã buộc vào gốc cây me keo ngoài sân, chỉ thoáng chốc lát là nồi nước sôi to tướng đã đun lên; tiếng mài dao nghe san sát, giọng người quát tháo ồn ào; tiếng eng éc tắt lịm. Khi mặt trời còn chưa lên quá hàng cây me keo ngoài ngõ, thì những đùi thịt nạc, chân giò, những miếng ba chỉ đã được phân ra gọn ghẽ để chờ buổi gói bánh chưng ở sân trước nhà dưới tàn lá xoài rợp mát.

Cơm trưa xong, đám thợ bắt đầu trải chiếu, sửa soạn nếp, đậu xanh và lá dong để gói bánh. Họ vừa làm vừa cười đùa rộn rã. Những chồng bánh vuông vức chặt chẽ lần lượt xếp lên cao, bếp củi than hồng nổ lách tách bốc khói thơm lẫn vào không gian của một ngày gần tết, và tiếng dứt lác pha trò của bọn thợ trẻ át cả tiếng nói chuyện của bố nàng với ông trùm Tuyết và ông chánh Khả ngồi uống trà bên chiếc bàn kê thềm cửa.

Quý Phương ngồi trong nhà cắn hạt dưa nhìn ra cửa sổ xem bọn thợ làm việc. Trong bọn họ, nàng bỗng để ý thấy có một chàng trai tuổi chừng đôi mươi, khoác chiếc áo nâu tay xắn lên để lộ dáng khỏe mạnh, chít chiếc khăn đen ngồi xếp bánh. Người thanh niên từ trưa đến mặt trời xế bóng không nói một câu nào, chỉ yên lặng làm việc mặc cho bạn bè bông cợt nô đùa. Cánh thợ Xuân Trường toàn những cậu tinh ranh. Các cậu vừa gói bánh vừa liếc hai chị em Tố Phương, vừa nhóm củi vừa cố gắng cho ra những câu đưa đẩy bóng gió ý nghĩa nhất mà các cậu nghe được từ những chiếc radio ấp chiến lược hoặc từ trong tiểu thuyết. Thường thì càng cố gắng làm ra vẻ duyên dáng, các cậu lại càng vụng về. Chỉ có anh Ðông trưởng nhóm thợ là người rất năng nổ, đã có vợ nên bạo mồm bạo miệng nhất. Tay làm miệng nói, những lúc Tố và Phương rót nước chè đun cho bọn thợ vào bộ tách trên cánh phản gỗ ngoài sân, anh ngâm nga những lời lục bát theo thể quan họ bóng bẩy bao hàm tình ý chứa chan :

- Cô Tố ơi ! Cốc nước chè rót mãi (ớ là cũng) không đầy.

Ðêm nay sương xuống (ý a là đêm sương xuống) mơ ngày đoàn viên.

Chúng tôi thương (ý là thương) nết (cô ngoan thục) cô ngoan hiền.

Ngày sau (chúng tôi còn ý a) nhớ mãi người tiên (ớ là tiên) kẻ trần, cô Tố ơi !

Lũ con trai reo hò tán thưởng tài thi xuất của anh Ðông. Một đứa ngứa mồm hỏi vặn :

- Anh Ðông đã hai con rồi sao còn dám hát hò quan họ lẳng lơ ? Ðến tai vợ anh, chị ấy mà túm được vả cho một trận thì cái miệng soen soét ghẹo gái không khéo chả còn cái răng húp thuốc bắc …

Ðông trợn mắt :

- Tao đọc vè tình yêu để tán hộ cho đàn em, chứ có phải cho tao đâu. Lũ lực điền chúng mày, có đem tẩn ba năm cũng đố có đứa nào moi ra được một câu “văn chương” làm vốn. Dùi đục chấm nước cáy thế thì đường thê nhi kể như sổ toẹt. Dám chừng đến già cũng chửa ve nổi lấy một con chó mực ! Xem tao đây này... Hồi mới vào nam vợ tao kháu nhất bọn con cái Ðức Mẹ xứ Tử Ðình, vậy mà chỉ nghe tao ngâm bài Cung Oán tim gan đã nhũn ngay ra như nồi cháo tiết ! Ve gái mình phải có tí văn hoa... Quyển thơ Nguyễn Bính tao đã đưa cho để mỗi đứa học thuộc lấy vài bài, mà có đứa nào thèm để mắt tới. Muốn lấy vợ Thọ-Truyền thì phải nghe nhời tao. Cá không ăn muối cá ươn, đám ngu suốt ngày chỉ biết rượu với chè. Hay là chúng mày định mai đây sẽ về Cái-Sắn cầy ruộng chăn vịt mãn đời ?

Tiếng cười nói mọi người lại ầm ỹ vang lên như vỡ chợ.

Chàng thanh niên vẫn im lặng không lên tiếng, thỉnh thoảng chỉ mỉm nụ cười nhẹ khi nghe một câu khôi hài. Khuôn mặt chàng thông minh và cương trực, nửa mang vẻ bướng bỉnh của một kẻ sông hồ nửa có dáng mơ màng của một người nghệ sĩ đang mải tìm ý thơ dòng nhạc.

Người con trai không phải thuộc vùng này, Phương thầm đoán. Vì chàng không có nét gì giống với dáng vẻ bọn thợ địa phương mà nàng đã quen mặt. Khi cả bọn nghỉ giải lao chuyền tay nhau chiếc điếu cầy để kéo những bi thuốc lào ba số tám rền vang ròng rọc nhả khói mịt mù, chàng lắc đầu khi chiếc điếu cầy đưa đến trước mặt. Lúc buổi ăn chiều dọn ra trên chiếc chiếu hoa văn cho mọi người, chàng chỉ gắp mấy miếng dưa chua vàng đậm, dặm thêm củ hành hoa muối đỏ, ăn nhanh rồi đứng lên bước ra trước vườn mai. Quý Phương nhìn theo dáng lừng lững của người con trai. Chàng dừng lại bên gốc xoài, ngồi xuống bốc một nắm đất, vo trong bàn tay ngắm nghía. Rồi chàng rút trong túi ra một tờ giấy đưa lên ánh nắng tà dương vàng úa cuối cùng của buổi chiều, trên tờ giấy có nét vẽ loằng ngoằng những đường xanh đỏ như tấm bản đồ, xem qua rồi gấp lại.

Thấy lạ, Phương định bước ra cửa, muốn đến gần để hỏi cho ra cớ sự. Nhưng nàng ngần ngại. Ai lại đường đột đến hỏi chuyện với giai bao giờ. Bố còn ngồi kia với ông Trùm Tuyết. Nhóm thợ còn đứng rải rác xỉa răng chuyện trò bên mấy chậu mai ở hàng hiên dưới giàn dưa tây. Ðể mọi người trông thấy nàng ra bắt chuyện với gã con trai lạ là điều không nên.

Bỗng gã thanh niên như biết có người đang nhìn mình, nên quay đầu lại. Gặp ánh mắt Quý Phương, chàng lặng lẽ đứng lên xoa hai bàn tay vào nhau, gương mặt vẫn trầm ngâm bí ẩn. Chàng bước về phía cửa nhà chỗ Quý Phương đang ngồi, dừng lại ở bậc thềm nơi ông lang Hợp Hưng và hai ông cụ đang uống trà :

- Xin phép các bác cho con hỏi thăm một việc xảy ra hồi xưa.

Giọng chàng mang thanh âm Nam Bộ của miệt Cần Thơ, Long Xuyên khác hẳn những người thợ kia làm ba ông già ngạc nhiên. Ông lang lên tiếng :

- Cháu là ai ? Muốn hỏi về chuyện gì ?

- Con tên Ẩn họ Trịnh. Hồi năm Thìn chiến tranh, tây càn vùng Rạch Chiếc phía An Phú, con nghe nói hai người bị bắn chết người ta đem chôn ở đất này phải không mấy bác ?

Gượng mặt ông lang Hợp Hưng hơi biến đổi. Ông nhìn cụ trùm Tuyết và ông chánh Khả, nhấp ngụm nước trà rồi đằng hắng :

- Tôi cũng nghe nói thế. Nhưng mà chẳng ai biết rõ chôn ở đâu. Cậu hỏi chuyện ấy có việc gì ?

Người thanh niên tên Trịnh Ẩn suy nghĩ vài giây rồi đáp, giọng run run :

- Một trong hai người chết năm ấy là thân phụ của con. Lúc đó con mới ba tuổi, má con hay tin tía con chết buồn rầu sanh bịnh rồi mất hơn năm sau đó. Con ở với ông bà ngoại cho tới nay dưới Long An, hồi hổm rồi có ông thầy pháp ổng vẽ cho con đạo bùa để tìm đường đi kiếm cốt tía con mang về quê làng Cổ Dừa, đặng cho vong linh khỏi vất vưởng. Ổng nói, thân phụ con xác chôn ngay khu vườn mai này. Các bác có biết thì thương con chỉ điểm dùm cho ...

Ðã hơn nửa đêm mà Quý Phương còn thao thức mãi. Nàng kéo tấm chăn giạ lên cổ, nhìn ra ngoài bầu trời. Màn đêm đen thẫm lấm tấm những ánh sao lấp lánh, nàng cố dõi mắt tìm dải Ngân Hà có con vịt lội như trong những huyền thoại nàng nghe kể thuở nhỏ, nhưng chỉ thấy chằng chịt những tinh tú trong không gian rộng ngát.

Cố xoay trở để dỗ giấc ngủ, Quý Phương nằm ôn lại hình ảnh ban chiều. Nàng như cứ thấy gương mặt chàng trai Long An tên Trịnh Ẩn với ánh mắt cương nghị dường đang mỉm cười với nàng. Một cảm giác ấm áp chưa từng thấy bao giờ vừa len lỏi trong lòng người thiếu nữ đương xuân. Giọng miền nam của Ẩn vẫn như còn đọng bên tai. Âm thanh ngộ nghĩnh đáng yêu như vậy ! Sao lại có người mang dáng dấp dễ mến đến thế nhỉ ? Anh ta có trông thấy mình đang ngó sau lưng anh không ? Mí mắt nàng bắt đầu chĩu xuống ...

Quý Phương đứng dậy bước ra mở cửa buồng. Làn gió đêm thổi mát lạnh, nàng khoác lên người chiếc áo len rồi bước ra ngoài sân. Bếp củi đun bánh chưng vẫn còn than hồng nổ tanh tách, chiếc nồi đại vẫn sôi sùng sục tỏa khói trắng. Nhưng ô hay, sao quá nửa đêm rồi mà đám thợ vẫn còn quanh quẩn bên nồi bánh ? Sao bố nàng, ông trùm Tuyết và ông chánh Khả vẫn còn ngồi nói chuyện bên bình trà Chính Thái ? Sao con lợn sữa bị làm thịt hôm trước vẫn còn buộc gốc cây ?

Nàng nhìn ra phía cổng. Trong ánh sáng mờ mờ của bếp củi, nàng trông thấy hai người đàn ông đứng bên cây xoài đầu cổng. Một người vẫy nàng lại. Quý Phương muốn cưỡng lại nhưng chân nàng vẫn bị kéo đi về phía hai người lạ mặt. Không hiểu tại sao, nàng không thấy sợ, chỉ thấy hồi hộp như sắp sửa khám phá ra một điều bí mật.

- Cô nhắn dùm thằng Ẩn con trai tui.. Một trong hai người lên tiếng.

Phương đứng lại cách hai người một quãng. Bỗng nghe có tiếng hát ru, nàng quay lại nhìn về phía khung cửa sổ phòng. Ô kìa, sao lại có bóng một người đàn bà, trông nhang nhác giống khuôn mặt của mẹ nàng, đang ngồi tươi cười đưa võng dưới mái hiên trước cửa, tay cầm cuộn len đang đan dở. Lại nghe tiếng người đàn ông lạ mặt :

- Tui nằm gốc xoài hai chục năm lạnh lắm hổng chịu nổi cô à... Biểu nó mang tui ví chú Tư dìa Cổ Dừa nghen cô...

Phương lùi lại. Nàng nghe thấy lời mẹ nàng ngân nga một bài ru trẻ con, như tiếng ru mà nàng còn mang máng nhớ được từ lúc lọt lòng. Phương dợm vùng chạy. Nàng thấy mình nhảy qua bếp lửa bánh chưng, qua cả con lợn sữa, nó đăm đăm nhìn nàng tia mắt đỏ ngầu như oán hận, rồi nàng vấp vào cây me keo ngã xuống đất.

Quý Phương dần hồi tỉnh. Ðầu nàng nặng chĩu, bên tai nghe lao xao nhiều âm vang mơ hồ. Không hiểu mê man đã bao lâu, nàng chỉ biết mình đang nằm trên giường, mùi thuốc xông thơm ngát trùm kín gian phòng, Phương chỉ thấy chập chờn bóng người trước mặt, hình như cái Dậu đang ngồi mép giường nét mặt lo lắng. Chợt thấy giọng ông lang :

- Mộc dược hai chỉ, hoành quả một lượng, tố liên bảy phân, kim cương nhũ một thìa, hoắc diên hương ba nhúm, nhanh lên con ! Em nó sắp tỉnh.

Có tiếng chị Tố dạ mau mắn. Phương cựa quậy, miệng đắng ngắt. Mắt nàng chưa mở ra đã nghe cái Dậu khấn vái thì thầm :

- Lạy tổng lãnh thiên thần con bằng lòng chịu hết đau đớn bệnh tật thay cho bạn con được chóng qua ...

Rồi nó kêu lên :

- Phương tỉnh rồi !

Quý Phương mở mắt ra. Bố nàng đứng đầu giường nhìn con gái nét mặt lo âu đã thoáng vui mừng. Ông trùm Tuyết, ông chánh Khả cũng đứng bên. Lại có mấy người mặc sắc phục cảnh sát ngồi ghế không biết đang bàn bạc chuyện gì.

Cái Dậu nước mắt vòng quanh, lắp bắp nghẹn ngào :

- Thày Phương bảo nửa đêm Phương mộng du đi ra vườn phải sương ngộ cảm, ngã xỉu ở ngoài sân. Sáng sớm ra người ta mới trông thấy mang vào nhà... Phương cứ nằm mê man từ sáng làm Dậu sợ quá. May mà thánh Mi-Ca-E thương nhậm lời Dậu cầu xin ...

Bàn tay nó cứ nắm chặt lấy cổ tay Phương, cái miệng khóc méo xệch đi nom xấu quá. Phương mỉm cười nói nhỏ trong cổ họng :

- Mồng một Tết Dậu nhớ đến chơi với Phương nhé.

Chợt nhớ ra chuyện đêm trước, nàng ngước lên hỏi ông lang Hợp Hưng :

- Người thợ ... ở Long An hôm qua nói là đi tìm hài cốt bố anh ấy, đâu hở thày ?

Ông Hợp Hưng chưa kịp đáp, ông chánh Khả đã cướp lời :

- Cháu đừng lo. Nó vào khám rồi, cháu ạ.

Phương ngồi bật dậy, thảng thốt kêu lên :

- Anh ấy làm gì mà bắt anh ấy ?

Ông chánh vuốt chòm râu, mỉm cười ung dung :

- Người ta chưa tìm ra bằng chứng tội danh, chỉ mới tạm giam để điều tra thôi. Nhưng mà cháu xem, cha nó chết trận tây càn thì cha nó hẳn là Việt Minh rồi còn gì. Việt Minh tức là Việt Cộng. Bố theo Việt Cộng thì con giai ắt cũng Vi-Xi. Hôm qua nó vừa ra khỏi đây là bác cho người chạy báo lên bót, họ mang nhân viên xuống còng ngay. Cứ để nó nằm bót cảnh sát ít hôm, người ta "giã" cho vài trận là ba bốn đời họ hàng bao nhiêu đứa làm loạn cũng khai ra cho bằng hết.

Ðầu Quý Phương lại lên cơn nhức. Nàng nằm vật xuống. Cái siêu sắc thuốc bằng sành bốc khói nghi ngút chị Tố đưa đến bên cạnh. Vẫn nghe tiếng ông chánh Khả :

- Nó bảo tía nó chôn trong vườn ông lang ... Hừ hừ. Chỉ được cái láo toét ! Bằng chứng ở đâu ra ? Mà dù cho tía nó có chết vùi chết dập ở đất này, giáo dân ta quyết không sợ. Bác sẽ thưa chuyện với cha Trọng để ngài rảy cho ít nước thánh ngay gốc cây xoài ngoài cổng, là đến tiên sư mấy con ma vặt cũng phải một khuôn một phép ...

Ngoài sân, vừa có cơn gió thoảng về. Bầy bướm đã bắt đầu đua lượn quanh những cội lão mai, cành hoa vàng khoe sắc thắm mừng đón mùa xuân ngoại ô Thọ Truyền.

Nguyễn Cường Andy