Sống Trên Đời

Sống Trên Đời

Không có cái dại nào như cái dại nào, tôi buồn rầu cắn bút nhìn ra ngoài sân thầm nhủ.

Hôm mang về chiếc đùi chó đã thui vàng ươm từ nhà anh Quyết thành quả của hơn tháng trời kế hoạch, tôi đã định dấu nhẹm cô vợ lắm điều của mình và chờ đến weekend y thị đi vắng sẽ thết bạn bè bữa rựa mận thật hoành tráng để những kẻ ly hương được thỏa lòng tương tư một mùi vị đậm đà hiếm hoi trên đất khách. Đã hân hoan nghĩ đến một tối thứ Bảy thần tiên. Đã phân chia công tác đâu ra đấy. Tôi chủ bếp; thằng Hoạt địa ốc sẽ mang chai nếp than tậu bên Việt Nam sang; anh Dư bảo hiểm sẽ nướng chục cái bánh đa vừng; còn thằng Long bail bonds đã nghiêm trang tuyên thệ rằng sẽ liều vặt sạch vườn rau ngổ rau thơm của vợ nó, bất chấp hậu quả.

Nhưng than ôi phi vụ tối mật hứa hẹn nhiều hấp dẫn ấy chưa kịp nhen nhúm thì đã thiên bất thời, địa bất lợi chưa kể đến nhân bất hòa: tảng đùi mộc tồn dễ đến cả chục pounds – anh Quyết kiếm đâu ra được chú Hồng Mao hoàng cẩu nào mà to béo thế nhỉ - tôi dấu kỹ trong chiếc freezer ngoài garage chỉ được có ba hôm rồi bị Cao Ly my boss phát hiện. Thế là mặt nước Thái Bình Dương dậy sóng. Ngày đầu với cái mặt sưng sỉa lên nom xinh tựa Chung Vô Diệm, nàng ra tối hậu thư đòi tôi phải quăng ngay cái đùi chó trong hôm ấy. Khi anh chồng vừa kiên quyết không chịu, lại mang không biết từ đâu về mấy củ giềng với bát mẻ mùi chua tỏa khắp nhà thì Ly lăn đùng ra và gào lên y như các nặc nô đánh ghen thuê ở các khu chung cư Sài Gòn ngày trước. Nào là “Anh nhất định ăn vào cái thứ bẩn thỉu ấy phải không ? Vậy thì đừng hòng đụng đến người em ít là trong ba tháng !”. Nào là “Cảnh sát nó vớ được thì anh cứ tù mà nằm nhé... Ở đây bao nhiêu lâu còn chưa biết luật pháp nước Mỹ à ?”.

Ở tù ư ? Tôi ngẫm nghĩ. Thế thì hai mươi mấy năm nay đời mình còn chưa phải là trong vòng lao lý hay sao ? Trong lòng đang cáu sườn với viễn ảnh sẽ mất một chầu rựa mận vì bị mụ vợ khó chịu chuyên kỳ đà cản mũi, oh yes, ngay lúc này tôi chỉ mong được lập tức vào tù ! Thà tù Mỹ còn sướng hơn tù Việt ! Lại còn hăm dọa “không được đụng” đến người y thị nữa ư ? Ui chao ôi.... Tôi mỉm cười thích thú. Không được đụng. Tạ ơn em, tạ ơn em lắm lắm. Bài hát của Từ Công Phụng ngày thường nhạt nhẽo, bây giờ trở nên cực kỳ ý nghĩa. Tạ ơn em cấm cửa anh ba tháng, cho anh ba tháng thần tiên được tạm xa lánh cái mùi cologne quái dị kia và những tảng mỡ bèo nhèo trong lứa tuổi ngũ tuần, kết quả của mấy chục năm giời chuyên ăn quà vặt sans exercise chỉ thích nằm ườn xem TV sau mỗi bữa tối ! Cái thân hình về chiều bùng nhùng ấy hễ nhìn vào là một tên đàn ông sung mãn vụt biến ngay ra cọng bún thiu thậm chí các liều trị ED cực mạnh vẫn cứ gọi là vô tác dụng ! Thèm vào, gớm.... Sờ với chẳng đụng....

Những ý nghĩ trên tuy rất sôi sục trong lòng nhưng chưa bao giờ biến thành lời nói và hành động. Vì tính tôi ôn nhu vốn chịu đựng đã quen. Tư tưởng phản kháng tuy rất thường hay nổi lên nhưng chỉ nằm yên trong trí óc ít khi phát tiết ra bên ngoài. Viết đến đây tôi mới nghĩ ra là, nếu như dân tộc các nước bị trị ai ai cũng giống thói nhẫn nhục của tôi thì đến muôn đời các nước ấy cũng chưa đánh đổ được ách thực dân nô lệ !

Còn anh Quyết, kẻ tòng phạm và cũng là nguồn cung cấp thực phẩm bất hợp pháp kia, xem chừng không có vấn nạn như tôi. Vì tuần trước khi giao “hàng” anh nheo nheo mắt khi nghe tôi cho biết là có thể sẽ gặp rắc rối với Cao Ly:”- Vợ tao ngày còn ở Việt Nam lúc đầu thấy tao ăn thịt chó nó cũng nhăn mặt nhăn mũi ra cái điều kinh tởm. Mẹ... cứ làm bộ làm tịch cho lắm. Tao cứ tiếp tục rựa mận ướp riềng mẻ xào lên thơm phức chan với bún tươi. Có một lần đến bữa không thấy gì ăn mụ ta bèn hít hà khịt mũi mấy cái rồi chắc lưỡi nếm thử. Nếm vào đâm thích, thế là chịu đèn luôn. Sang bên này bây giờ thỉnh thoảng ghiền quá mụ còn hỏi tao sao lâu rồi chưa thấy ông thi thố lại độc chiêu... Sau vườn nhà tao đầy lá mơ với ngổ chua, mụ trồng chứ ai trồng. Mày thấy chưa, giời sinh ra đàn bà nó là như vậy. In hệt như “cái vụ ấy”. Mới đầu cứ õng a õng ẹo, em chả với lại em không. Quen vào rồi thì bao nhiêu cũng cóc có xuể ...”

Tôi gật gù đồng ý với sự so sánh của anh, và ước ao có một cô vợ dễ chịu như chị Quyết: biết hy sinh, biết chiều chồng, và dám mạo hiểm nếm thử những món bất thường.

Ngày trước tôi ở khu Ông Tạ. Ngoài các sản phẩm đặc trưng của vùng đất di cư như bánh đúc, phở Bắc, mắm tôm và tương bần, Ông Tạ còn là nơi hành hương của những người SG đã lỡ một lần làm quen với món mộc tồn tasty muôn thuở. Ngay từ 54 khu di cư này thương mại đã sầm uất và dân cư đã đông đúc. Chỉ đi xuống con đường Lê Văn Duyệt cách công trường Dân Chủ khoảng vài km, khách thập phương đã thấy khung cảnh bắt đầu nhộn nhịp lên hẳn. Chợ Ông Tạ lúc nào cũng ngập người. Quang gánh kĩu kịt với hàng hóa tấp nập, cùng những tiếng mời chào rôm rả. Và trong những hỗn độn ồn ào ấy, bao giờ cũng có phảng phất một làn hương thơm ngần ngật từ những quán Cây Còn nướng chả bằng lò than quạt ngay ra đường phố; mùi rộn rã thốc vào khứu giác làm cho bọn nam tử đi qua dù có bận việc cách mấy cũng phải chau mày nuốt nước bọt và nhủ thầm mình sẽ quá bộ vãng lai trong một dịp nào gần nhất khả dĩ.

Là thần dân xứ Bắc kỳ, mùi vị cầy tơ đương nhiên đã thấm vào ngũ tạng tôi từ tấm bé với khẩu vị gia truyền. Thường xuyên như gà vịt heo bò bây giờ, thịt chó thuở ấy Bố tôi “choảng” hàng tuần. Món hẩu của ông là món luộc. Bố tôi bảo:

- Phải là luộc mới đúng nguyên hương. Các kiểu quạt chả, rựa mận cho vào nhiều thứ quá mất hết mùi thơm thuần túy. Chó ngon chỉ cần luộc lên, thái mỏng ăn với lá mơ thêm tí giềng tươi là tuyệt hảo.

Thế cho nên cứ vài ngày là trên mâm cơm của gia đình di cư chúng tôi lại xuất hiện một đĩa cẩu nhục đầy ăm ắp mua ở tiệm Xuân Trường, có cả dồi và những miếng gan xắt lát màu nâu nhạt. Mẹ và các chị em không ăn, càng tiện lợi, chỉ có hai bố con tôi rung đùi “triệt hạ” cái món thơm tho mà người ta ân cần đặt thành câu ca dao Sống trên đời ăn miếng dồi chó, Chết xuống âm phủ biết có hay không.

Ngoài thịt cầy, Ông Tạ còn là nơi đánh dấu mối tình đầu đời của tôi với Thúy An, người con gái Bắc Kỳ mộng mơ. Gái Bắc, một sinh vật kiêu sa và kiều diễm đã làm thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên phải khốn khổ tương tư một thuở, ở nơi này có mật độ dân số cao nhất nhì trong tất cả các vùng dưới vĩ tuyến 17. Không đâu lắm gái Bắc bằng ở đây. Ra đường nghe nhan nhản giọng phụ nữ Bắc kỳ từ trong chợ, ngoài phố, hiên quán, hay cổng nhà thờ. Giọng ngọt lịm hay chua ngoa, giọng ấm áp hay xé lụa thì tùy tai, tình huống và sự cảm nhận của từng người. Riêng với tôi thì những âm thanh quen thuộc đó đã đi vào huyết quản, và trở thành một nhu cầu không thể thiếu sau mười mấy năm lớn lên ở Ông Tạ.

Muốn nghe giọng gái Bắc di cư chính cống, hãy đến Ông Tạ vào cuối tuần khi sáu bảy ngôi thánh đường Chủ Nhật ba bốn lễ tan ra lũ lượt những người là người. Các cô gái áo dài trắng vạt ngắn quần loe guốc sa bô tha thướt trên hè, bá vai nhau lượn qua những góc phố, ngừng lại chỗ các xe bò khô đu đủ hay sâm bổ lượng và nói cười rúc rích. Nhưng này, đừng tưởng các cô tươi tỉnh thế mà buông lời cợt nhả. Muốn biết hậu quả, anh nào chơi dại cứ thử dùng lời lẽ du côn chọc ghẹo một cô xem sao. Chẳng hạn như:

- Này em gái đi guốc cao thế phải cẩn thận kẻo ngã một phát là toạc quần đấy.

Tức thì sẽ có một giọng lanh lảnh nổi lên đáp lại:

- Toạc về thay cái khác, nhé. Còn cái quần rách thì “bà” sẽ đem đến treo ngay lên bàn thờ cho cả nhà thằng mất dậy ngày nào cũng phải quỳ mà cầu nguyện, nhé....

Nghe thế, chàng ấy dẫu các vàng cũng sẽ chẳng dại dột thêm lần thứ hai. Cho nên tôi đoan chắc là Nguyễn Tất Nhiên chưa hề có may mắn trêu phải con gái typical Ông Tạ, nếu không chúng ta những người yêu thơ sẽ chẳng bao giờ đọc được các áng thơ lãng mạn phổ thành nhạc của anh ta bởi vì trúng phải một câu như trên thì cỡ đại thi hào Nguyễn Du cũng không còn tâm hồn nào soạn ra được một giòng lục bát chứ đừng nói chi đến thi sĩ Thà Như Giọt Mưa nhỏ xíu.

Thúy An thực ra là một trong những người thiếu nữ hiền lành nhất trong các giáo xứ của vùng đất ấy. Không như đa số females nơi này, nàng chỉ biết mỉm cười khi nghe chòng ghẹo. Hay tại vì nàng theo đạo Phật nên khác với các cô gái xứ đạo kia chăng ? Tôi cũng chẳng biết. Chỉ biết là, nụ cười có hàm răng đều như hạt ngô kia lần nào hé nở cũng làm gã tuổi trẻ là tôi si mê ngây ngất. Năm lớp đệ nhị nàng gặp tôi chàng sinh viên trường Luật, ngôi trường hàng năm cung cấp nhiều nhân sự nhất cho trường bộ binh Thủ Đức. Năm ấy tôi đã thề quyết sẽ không dính vào chuyện yêu đương, chỉ chuyên cần vào việc học vì chiến trường ngoài kia đang vẫy gọi đe dọa các sĩ tử thi rớt năm đầu. Mùa hè đỏ lửa diễn ra; mùa thi vừa đến, mọi người cắm cổ thức khuya gạo bài. Thế nhưng khi nom thấy cái miệng cười răng khểnh của Thúy An nỗi lo thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi – đau lòng ta muốn khóc bỗng dưng tan ra mây khói.

- Mặc kệ, đi lính thì đi. Nàng kháu quá... Ông cứ yêu cái đã.

Chắc lưỡi nhủ thầm xong, gã trẻ tuổi ngu ngốc ngày ấy dấn thân ngay vào khu vườn tình ái bất chấp tương lai. Thế là từ đó cổng trường Nguyễn Bá Tòng người ta thường thấy một thanh niên cứ gần giờ tan lớp lại đứng loay hoay dưới tàn cây phượng vĩ như chàng thi sĩ trong thơ Hồ Dếnh "Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần, Anh tự hỏi gớm sao mà lâu thế."

Nửa năm trời ra công săn đón đã đem về kết quả. Thúy An người con gái vùng Ông Tạ nhưng lại dịu hiền (theo danh từ khoa học, nàng thuộc nhóm động vật quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng) cuối cùng đã cảm động có lẽ vì tính kiên trì bám trụ của kẻ si tình. Thực tế thì đến ngày hôm nay tôi vẫn ngờ lý do làm nàng ngã lòng cho cái gã kia đưa đón có lẽ chính vì hắn ta cả năm trời đứng án ngữ ngay cổng trường với dáng dấp sẵn sàng cà khịa với bất cứ ai, làm chẳng ma nào còn muốn giây dưa với Thúy An người thiếu nữ mặn mòi của một trường nữ trung học có tiếng là nhiều bông hoa hạng nhất nhì thành phố...

Thế nhưng trên đời chẳng có gì vĩnh cửu. Chỉ sau vài tháng sống trong hạnh phúc thần tiên với các buổi hẹn hò ở bờ sông Thanh Đa, các tối gặp gỡ chè kem Hiển Khánh hay các buổi trưa lang thang vườn Tao Đàn, khuôn viên Việt Nam Quốc Tự hay Thảo Cầm Viên, thiên tai đã ập đến như trận hồng thủy làm tên sinh viên ham chơi là tôi lao đao trong hụt hẫng cơ hồ kẻ đắm tàu. Xét cho cùng thì cũng không thể trách ai, chỉ tiếc cho một truyền thống tốt đẹp của vùng Ông Tạ nói chung và gia đình tôi nói riêng không được “người ta” chấp nhận.

Một ngày tháng sáu năm 72, mưa Sài Gòn buổi chiều buồn ủ dột. Con đường Bùi Thị Xuân ướt sũng, các tàn cây trên cao nặng chĩu đứng im, lá cây run rẩy trong cơn mưa. Tôi đứng nép vào một hè đường nhìn các xe cộ hối hả lăn bánh qua các vũng nước bắn lên tung tóe, nhìn tay đồng hồ tự hỏi sao giờ này Thúy An chưa đến. Thỉnh thoảng tiếng sấm ầm vang, ánh chớp vụt hiện. Âm thanh của chiếc radio từ trong tiệm sửa xe phát ra, một bản nhạc nói về đời lính nhắc nhở chiến cuộc đang sôi sục ngoài kia và kỳ thi hỏng của tôi hồi tháng trước.

Nói cho cùng, việc thi rớt năm đầu trường Luật cũng không hoàn toàn do lỗi ở tôi vì tôi cũng chẳng còn siêng năng học tập. Tôi đã hết sợ đôn quân, hết sợ tổng động viên từ hôm Tết khi chú Vọng làm ban quản trị dòng Đà Lạt về Sài Gòn đến nhà ghé tai bố tôi:

- Em có tuy ô xuất ngoại cho thằng Cương rồi.

Bố tôi mừng như kẻ thoát chết, túm lấy tay chú Vọng:

- Thật không ? Tuy ô thế nào ?

- Em quen một ông cha Mỹ ở Vatican. Ông cha này vừa về VN để kiếm một ít sinh viên học sinh giỏi có ý chí tiến thân và hiến dâng, cho “buộc” sang Ý du học...

Giọng bố tôi vẫn còn run:

- Rồi làm sao ?

- Ông ấy nhờ em tìm hộ mấy đứa.... Em chỉ việc nhét tên thằng Cương vào là xong.

Bố tôi nghẹn lời không nói được câu nào. Một lúc sau ông mới hạ thấp giọng như sợ hàng xóm nghe thấy:

- Chú cố giúp, anh chị mang ơn chú lắm. Chú xem, cả họ nhà mình chỉ có nó con giai. Thày U ngoài Bắc sinh ra anh, chú, cô Thanh với cô Định. Chú thì đi tu, còn lại bao nhiêu đẻ ra rặt những hĩm. Cả họ được mỗi một thằng cu Cương nhà anh. Hiếm hoi thế là đã có lỗi với ông cha, nhưng có mười thì tốt có một thì dơ dáng ! Anh thất vọng với nó lắm. Thằng Cương học hành chẳng ra gì, chỉ giỏi đi lăng quăng ghẹo gái. Phúc bẩy mươi đời lấy được cái Tú Tài. Bây giờ nó mà đi lính ngộ nhỡ làm sao thì họ mình thật đúng là tuyệt tự. Sau này anh với chú về nước thiên đàng thì mặt mũi nào mà nom thấy Thày, thấy U !

- Đúng thế anh ạ. Phải “lo” cho nó thôi. Chúa thương, năm sau thằng Cương sang Rô Ma mà thành cha thì họ nhà ta lại càng nở mặt.

- Việc ấy tôi chả chắc. Dại gái như nó vào dòng thì mê dì phước vào chùa thì tán ni cô!

Nghe xong câu chuyện giữa chú tôi và Bố, tôi hơi ức vì bị Bố đánh giá vừa chất lượng kém cỏi vừa thiếu tác phong đạo đức. Nhưng tôi lại bắt đầu yên tâm về tương lai của mình. Thôi kém cũng được dại cũng xong miễn là không phải vào Thủ Đức, lại được dịp xuất ngoại thoát khỏi cái xứ sở tang thương nghèo khó...

Đang nhìn ra ngoài màn mưa suy nghĩ miên man, tôi bỗng trông thấy Thúy An xuất hiện cuối ngã tư. Nàng đội nón, quàng chiếc áo mưa nylon rảo bước nhanh về phía tôi. Khi đến gần tôi mới nhận ra một nét buồn bã vương trên khuôn mặt xinh xắn của Thúy An. Nàng ngước nhìn tôi vuốt vuốt mấy sợi tóc ướt sũng nước. Tôi cố moi óc để phỏng đoán điều chẳng lành trên gương mặt bầu bĩnh kia, nhưng không nghĩ ra được điều gì.

- Tội nghiệp chưa ... Ướt cả rồi hở em ?

Thúy An không đáp, nhìn ra ngoài đường mưa bắt đầu ngớt hạt. Một lúc lâu vẫn chưa thấy nàng nói gì, tôi ấp úng cố mãi mới tìm ra một câu vô duyên:

- Em có lạnh không ?

Nàng xoay người lại nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng nói nhạt và tối không mang chút gì âm thanh âu yếm dễ thương thường nhật:

- Em không lạnh. Mình không nên gặp nhau nữa anh Cương ạ. Hôm nay là lần cuối, em từ giã anh. Thư của em đây, anh đọc sẽ rõ hết mọi chuyện.

Nói xong không chờ cho cái miệng há hốc của người nghe kịp ngậm lại, Thúy An dúi vào tay tôi quyển truyện Đỉnh Gió Hú ướt sũng tôi đưa nàng đọc hôm trước. Rồi không nói gì thêm, nàng tất tả quay bước băng ngang qua đường. Còn tôi tựa một người bị điện giật, toàn thân bất động và trí óc quánh đặc như hắc ín. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không quên được cái cảm giác lúc ấy. Cảm giác bị bồ đá lần đầu tiên trong đời đau như hoạn, chắc còn đau hơn lúc nhận được divorce paper từ bên luật sư nguyên cáo. Chẳng biết các quan bác khi bị vợ quẳng cái giấy ly dị vào mặt thì trong lòng khổ não ra sao, chứ em năm ấy bị Thúy An bất ngờ cho một cước vào bàn tọa ngay thanh thiên bạch nhật ngoài đường như thế thật “buốt” lắm. Bởi trường hợp quan bác, ít ra các bác cũng đã đoán biết được chuyện gì sẽ xảy ra, vì trước đó chắc đã cãi cọ om nhà quăng đĩa đập bát tứ tung cả. Và nhất là đa số lúc ấy cũng đã chán vợ lắm rồi. Quẳng giấy ly dị thì các bà cứ việc quẳng ra đây, “ông” cầm bút ký ngay, ký xong là a lê “ông” về VN ôm cầm sang liền thuyền khác. Cho nên khi nom thấy tờ đơn ly dị, chắc quý bác không có chuyện ngạc nhiên hay shocked gì ráo trọi. Còn Nguyên Cương em ngày ấy lòng còn ngây thơ, đang say đắm tình trường bỗng dưng lãnh cú giò lái trách nào chẳng choáng váng tái tê một đời trai trẻ...

Loạng quạng bước vào quán cà phê như người mộng du, tôi mở cuốn Đỉnh Gió Hú. Một phong thư mầu xanh và những hàng viết tay quen thuộc hiện ra.

Anh,

Khi anh đọc được những giòng chữ này, thì trái tim của em không còn thuộc về anh nữa. Em đã nghĩ cạn mấy tuần nay. Anh không biết em khổ tâm như thế nào đâu anh Cương ạ ! Vừa áp lực của gia đình vừa tương lai cuộc đời đã làm em phải đi đến một quyết định tuy biết sẽ làm tan nát lòng anh.

Tháng trước, bố em mang một người về nhà giới thiệu cho em. Anh ấy tên là Quý, sinh viên du học bên Pháp tuy không nghệ sĩ như anh nhưng bố em bảo anh ấy sau này cơ nghiệp sáng lạng. Nếu em ưng anh Quý thì cưới xong gia đình anh ấy sẽ đưa em sang Pháp. Em nói là em khó dứt tình với anh thì bố em bảo “Con tiếc làm gì một thằng chẳng có tương lai”.

Anh ơi ! Sao anh lại có thể học dốt đến nỗi thế. Bố em bảo năm đầu tiên là năm người ta loại bớt ra bọn sinh viên kém. Thế ra anh học tệ thật. Thi hỏng thì cuối năm nay anh phải lên đường rồi sống nay chết mai, em không muốn trở thành góa phụ như chị Thiết, chị Lụa bên nhà hàng xóm.

Nhưng có một điều còn tệ hại hơn trình độ học vấn của anh, vì học dở thì tạm chấp nhận được chứ còn tội lỗi thì không thể nào. Em vừa phát giác ra là anh chuyên môn ăn thịt chó từ bao nhiêu năm nay. Sao anh nỡ nhẫn tâm dối gạt em? Cái miệng ăn dơ ăn bẩn của anh sao lại nỡ đặt lên đôi môi trong trắng của em? Em đã ngây thơ quá cả tin... Anh phải biết, ai ăn vào thịt chó là kiếp sau không siêu thoát được. Không tin hôm nào anh thử đứng trước một con chó mà xem. Nó sẽ sủa um lên rồi nhẩy xổ vào cắn vì ngửi thấy mùi đồng loại của nó. Gia đình em không muốn có một người con rể lắm tội lắm nghiệt. Không nghe lời em, kiếp sau chính anh sẽ phải làm kiếp chó rồi cũng bị người ta xẻ thịt ...

Lá thư còn dài, kể lể những kỷ niệm cùng với các thói hư tật xấu của tôi nhưng tôi lòng dạ nào mà đọc tiếp. Lời lẽ trong lá thư hằn học đầy oán hận. Ai ngờ đâu từ một người con gái e lệ hiền lành như Thúy An sao bỗng chốc trở nên quá chua cay? Tôi phân vân tự hỏi. Món mộc tồn thơm tho khoái khẩu gia truyền của bố con tôi lại có thể gây ra “sự cố” lắm thế ư? Các lát thịt cầy hiền lành xắt mỏng dính nằm bên từng miếng riềng vàng tươi dịu dàng, chúng đã bao giờ xúc phạm đến ai chưa mà phải hứng chịu sự căm thù như vậy?

Cả năm trời sau đó trái tim tôi vẫn chưa lành vết thương rướm máu. Vẫn cứ nghe lòng quặn đau mỗi khi nhớ đến những ngày vui. Vẫn thương tiếc rưng rưng mỗi lúc nghĩ đến mối tình đầu êm đẹp nay đã bay sang phương trời Âu xa thẳm. Và nhất là phước bất trùng lai họa vô đơn chí, khi cuối năm đó chú Vọng lại bị thuyên chuyển về Saigon trước khi chú nhét được tên tôi vào danh sách ma của các sinh viên “vừa giỏi, có ý chí tiến thân và hiến dâng”. Mộng đi Rome tan tành, tôi lại phải lo tiền trình hoạn lộ thêm một lần nữa, may mà lần này bố tôi xin được cái giấy hoãn dịch lý do sức khỏe cho thằng con sau khi bán miếng đất dưới Bình Dương lấy tiền chạy chọt.

Âu cũng là ý trời đã định không để cho chú Vọng một nhà tu chân chính phạm tội góp phần vào nền tham nhũng cửa quyền COCC của thời đệ nhị cộng hòa. Chắc giờ này trên nước thiên đàng chú Vọng đang nghĩ thầm “Hú vía, chỉ vì muốn giúp cho đứa cháu lười học mà mình suýt nữa phải burned in hell...”

Cao Ly với vóc dáng của bà Túy Hoa trong ban thoại kịch Anh Lân, cầm chìa khóa xe ngúng nguẩy bước ra cửa sau khi ném cho tôi một cái lườm sắc như lưỡi Gillette :

- Tôi cho anh một buổi chiều để quyết định. Còn vợ còn chồng còn gia đình con cái hay không là tùy anh. Giấy tờ hồ sơ ở trên bàn đấy. Bút đấy. Cái tư duy tối tăm của anh đấy. Ráng suy nghĩ cho kỹ. Tôi thì tôi không chấp nhận người chồng man di lạc hậu thế đâu !

Nói xong nàng đóng cửa một cái thực mạnh. Căn phòng khách vắng vẻ chỉ còn có mình tôi. Con cái đi học chưa về. Thằng Tô-Mì giờ này chắc còn đá bóng. Con Mì-Xào chắc còn đang cheerleading. Nghĩ đến con lòng tôi hoang mang trống trải quá. Chúng nó sẽ trả lời ra sao nếu lũ bạn cùng trường hỏi han “Hey, did ya Mom kick ya Dad out ‘cuz he eats dogs ?”

Bỗng tiếng phone reo vang. Một giọng nhừa nhựa cất lên :

- A lô! Cương hả, tao đây! Sao vụ đó tới đâu rồi? Chủ nhật này anh em mình ra quân chứ?

Nghe tiếng thằng Hoạt, tôi gắt lên :

- Ăn với uống cái khỉ mốc! Đại họa rồi. Con vợ tao nó vừa đâm đơn ly dị vì cái vụ này, nói cho mày hay. Nó lục freezer tìm ra cái đùi chó, đòi quẳng đi mà tao không chịu vì đã lỡ hẹn với tụi mày. Cãi nhau một trận tưng bừng, tao còn lỡ động chạm đến dung nhan về chiều của nó... Thế là nó đùng đùng nhờ luật sư khai tao làm cho nó bị “mental anguish”. Bây giờ vấn đề chỉ còn là ký tên vào giấy hồ sơ này thôi. Nó bảo tao mà lằng nhằng, là nó khui ra vụ cái đùi chó với cảnh sát. Rồi chúng mày cũng sẽ liên lụy. Nên chắc tao phải ký.

Giọng thằng Hoạt thảng thốt ở đầu giây bên kia, không còn chút âm vang hào hùng như lúc ngồi trong bàn rượu :

- Ừ đúng rồi.... Ký đi Cương. Để vợ mày làm toáng lên là tụi mình dính hết ! Thôi tao ngưng đây.

Tôi buông máy, thẫn thờ nhìn chồng hồ sơ và cây bút trên bàn, nghĩ đến thân hình mỡ màng của Cao Ly, nghĩ đến lũ bạn chỉ ham nhậu lúc cụng ly thì chén chú chén anh, tình bạn chí cốt cao quý giữa mày với tao là bất diệt, anh em mình sống chết, thế nhưng khi hữu sự là lập tức tính bài rút quân để mặc chiến hữu phơi thây ngoài trận địa. Appetite và hứng thú nhậu nhẹt đã tan biến, tôi thở dài nhớ đến Thúy An người tình năm xưa, nhớ đến lời trách móc khuyên răn của nàng mình bỏ ngoài tai chẳng bao giờ thèm để dạ. Không lẽ mấy mươi năm sau, biến cố ngày trước lại diễn ra lần nữa chăng ? Mất đào rồi mất vợ, ôi cũng chỉ vì cái món tai hại kia ư ? Không lẽ chỉ trong một tuần cả Houston này sẽ biết cái tin sốt dẻo "Nguyên Cương thực cẩu, hiền thê phóng thích" ư ? Sống trên đời ta đâu cứ phải ăn miếng dồi chó...

Một tia sáng vụt lóe lên. Ông cóc ký. Chẳng việc gì chơi dại để rồi phải khăn gói ra đường. Chỉ cần năn nỉ mụ là được. Cao Ly hay giận nhưng cũng dễ chiều, ta cứ thành khẩn sám hối thú nhận “những hành vi chống phá chế độ” của mình với mụ là xong hết. Bỏ thói xực chó cũng chưa chết lão tây đen nào.... Ngoài mộc tồn ra trên đời này còn thiếu gì các thứ exotic khác. Thỏ, dê, nai, quail, ếch đủ tất, việc gì cứ phải vướng vào giống mà cái xứ hypocrite này gọi là human’s best friends. Chạm vào best friends của nó là mình đi bóc lịch. OK, chờ mụ shopping về ta sẽ uốn ba tấc lưỡi, theo công thức “Em đã thành khẩn ăn năn giã từ bóng tối trở về với nhân dân, kính xin sư mẫu mở rộng chính sách khoan hồng đãi ngộ kẻ lầm đường mà giơ cao đánh khẽ” chẳng hạn. Thể nào mụ cũng mềm lòng ra. Mình sẽ nắm bàn tay mum múp của mụ mà xoa nhè nhẹ. Còn “cái vụ kia”, tối nay vì đại nghĩa mình chỉ việc cố gắng thêm lên một chút...

Rút điếu ba con năm châm lên nhả một vòng khói, tôi bình tâm cầm bút phác thảo một bài ai điếu, lời lẽ thống thiết y như trong Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của cụ Nguyễn Đình Chiểu:

Em yêu dấu.

Sau mấy đêm suy gẫm, anh nhận thấy mình thực là có tội với em người vợ yêu kiều. Anh biết anh vừa lắm tật xấu lại vừa ương ngạnh. Thói quen ngày xưa sang đây vẫn còn nguyên, làm em suýt phải chịu đựng cái hơi thở nặng nề mùi thịt chó của anh.

Tha thứ lầm lỗi cho anh, em nhé ! Anh long trọng thề hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Anh sẽ học tập văn minh Âu Mỹ yêu thương loài chó. Sẽ mua một con cún xinh xinh về nuôi. Không chơi với đám thằng Hoạt lưu linh nữa, từ giờ giở đi chỉ biết có em thôi. Nằm đây mà lòng anh bỗng dưng nao nao nhớ đến bao nhiêu kỷ niệm hai đứa mình từ ngày mới quen nhau. Nhớ không em, lúc nào mà anh chẳng nói với em bằng những lời ngọt ngào âu yếm, đâu có chê bai em bao giờ .... Còn cái hôm trước anh bảo rằng em béo, là anh nói đùa đấy ! Em ạ anh nghiệm ra rằng đàn bà ở tuổi ngũ tuần, cứ đẫy đà ra một tí nom lại càng phúc hậu ...

Nguyên Cương Andy