Một Ngày Ở Chốn Quê Hương

Một Ngày Ở Chốn Quê Hương

Phong đứng lên, bắt tay viên phụ tá luật sư, cảm ơn rồi cẩn thận xếp lại chồng giấy tờ bỏ vào trong chiếc cặp táp. Phạm Luật, gã phụ tá, tiễn chàng ra tận cửa, còn dặn dò kỹ lưỡng :

- Nhớ ngày mai đem giấy bank account statement lại cho tôi. Thế là hồ sơ bảo lãnh đầy đủ cả rồi đấy.

Rồi híp mắt lại gã nói tiếp, giọng nhỏ xuống :

- Sướng nhé ! Chỉ vài tháng nữa là ông đã có người đẹp sang để nâng khăn sửa túi. Giúp cho các cậu về Việt Nam lấy vợ nườm nượp, tôi chỉ tiếc đời mình đã lỡ. Ngày mới sang đây trai thừa gái thiếu, tôi quàng ngay lấy bà ấy, vừa già vừa xấu mà lại còn eo xách làm mình muốn khùng luôn. Biết thế sự mà xoay vần như vậy, tôi đã thủ tiết chờ đến giờ này thì gọi là tha hồ vẫy vùng ngang dọc !

Cho là câu tự thán của mình rất có ý nghĩa, gã cười khành khạch rồi vỗ vào vai Phong mấy cái, tỏ ý chúc mừng người thân chủ rồng mây gặp hội đưa duyên. Phong mỉm cười gật đầu, rồi bước ra về phía bãi đậu xe, ngẫm nghĩ về sự trùng hợp oái oăm giữa cái tên họ và nghề nghiệp của gã Phạm Luật. Trời Houston hôm nay gần mùa lễ tạ ơn đã dịu mát, không còn những cơn nắng đổ lửa cố hữu của mấy tháng trước. Chàng khoan khoái nghĩ đến Cẩm Vân, người vợ sắp cưới từ Việt Nam, rồi lẩm bẩm tự nhủ :

- Chỉ tháng sau là trời trở lạnh...

Ba chữ trời trở lạnh, với chàng bây giờ không còn mang một ý nghĩa đe dọa hãi hùng như xưa. Mấy năm trước, cứ đến mỗi mùa đông với những cơn hàn phong thổi từ miền bắc xuống mang theo cái rét run người, là mỗi mùa Phong sầu muộn. Những cuối tuần chàng ngồi cô đơn trong căn apartment nhìn ra đường, khung cảnh ngoài kia trống vắng như một thế giới hoang vu. Những thân cây khô đét chỉ còn trơ cành đã ngả sang màu xám bệch, những ngọn cỏ hoang mọc dài không người cắt tỉa, con đường nhỏ lâu lắm mới có một chiếc xe phóng vụt qua, ánh điện heo hắt trải trên mặt đường nhựa soi trên vũng nước đọng trong những ổ gà đây đó như phản chiếu lại cảnh hiu quạnh của góc đường vắng ngắt. Chàng đã quá quen với nỗi cô đơn để tự biết rằng mình đã chìm sâu trong thân phận gã độc hành trên xứ lạ. Mỗi mùa lạnh mang về niềm nhớ ngày tháng cũ, khi còn ở Sài Gòn. Chao ôi ! Những ngày huy hoàng năm xưa còn đâu nữa. Trốn lính từ hồi đôn quân năm mùa hè đỏ lửa đước ít lâu, một bữa đang nhậu trên lầu Bồng Lai với em út Phong bị tuần cảnh ụp vào, tống ngay lên xe, mặc cho chàng tuổi trẻ run rẩy móc bóp đưa hết số tư trang mang theo để xin của đi thế mạng. Thụ huấn tại Quang Trung xong, chưa đầy hai tháng ngoài đơn vị, vừa nghe tiếng súng là Phong vù về ngay. Lần này thì Phong cẩn thận dấu mình trên gác xép cả ngày, không bao giờ ló ra ngoài. Nhưng vận chàng chưa đến hồi lỡ mạt. Chỉ vài tháng sau, một ngày mùa xuân khói lửa trong lúc dân Sài Gòn đổ về cảng Thủ Thiêm, kho năm để ra đi thì Phong hăm hở theo một nhóm người ra xa lộ hàng xanh đón đoàn xe Molotova xám chở đoàn quân chiến thắng miền Bắc đổ vào thành phố. Thực ra thì Phong chẳng mang một lý tưởng nào, không oán hận gì chế độ cũ mà cũng chẳng ưa gì chế độ mới. Chàng chỉ là người thức thời. Ông thân sinh chàng chắc phải rất thâm nho nên đã chọn cho chàng cái tên Trần Thừa Phong. Thừa gió bẻ măng chính là bản chất sâu sắc của chàng chứ còn gì nữa ? Sài Gòn nay đã đổi chủ, những ngày co mình trên gác xép đã chấm dứt, ta phải dấn thân vào cái thời điểm tranh tối tranh sáng này biết đâu lại chẳng có dịp kiếm chác ! Chàng bèn dấu biệt cái lý lịch, thức trắng mấy đêm viết biểu ngữ, đi đầu đoàn người mít tinh chào mừng ủy ban quân quản thành phố, hô to những khẩu hiệu mới học được mà chàng cũng chẳng hiểu rõ ý nghĩa như thế nào. Từ hôm đó, cả xóm kiềng mặt Phong. Nhất là khi họ thấy chàng đi họp với đội quân quản địa phương. Nhà nào có thân nhân ngày xưa làm việc cho chính phủ, có con đi lính binh chủng nào, thậm chí hồi xưa có dân biểu đến chơi nhà v.v... cũng đều được Phong lưu ý và báo cáo. Hoạt động hăng say mấy năm trời, từ đeo băng đỏ chỉ đường đến vác AK dẹp chợ, từ chiến dịch bài trừ tư sản mại bản đến bài trừ văn hóa đồi trụy, cho đến năm 78 khi chi đoàn thanh niên phát hiện Phong có người chú họ xa lắc làm trưởng ty cảnh sát miền tây có nhiều thành tích chống phá nhân dân trước kia hiện đang cải tạo, lập tức chàng bị trục xuất khỏi chi đoàn.

Nhưng không phải như thế là đời Phong sa vào ngõ hẹp. Trái lại, cơ hội làm ăn ùn ùn kéo đến với Phong. Chàng nhận làm chân gác sòng cho các tụ đỏ đen ở khu Bàn Cờ, khu Sư Vạn Hạnh. Nhờ quen biết với công an khu vực phường khóm qua mấy năm công tác, Phong dễ dàng quan hệ móc nối trong việc bảo vệ các tay chơi nếu bị bắt. Họa hoằn lắm các tụ điểm của chàng mới gặp bố ráp. Dần dà quen việc, Phong không cần phải đứng quanh quẩn suốt ngày ở những khu trác táng. Ðã có năm sáu tay em lo việc giữ an ninh. Chàng chỉ phải hạ giá thân chinh khi cần giải quyết những vụ bắt bớ. Lại còn đường giây tiêu thụ nguyên liệu hóa chất mà các tay tổ cung tiêu từ các xí nghiệp thành phố tẩu tán ra, cũng được Phong tham dự. Dầu đen hắc cảnh chia dùng trong công nghiệp bột giặt, parafin làm đèn cầy, bô rát và dầu dừa làm xà bông bột là những mặt hàng đắc dụng được Chợ Lớn mua lại với giá thật cao. Phong đứng ăn huê hồng, lo kiếm mối và phụ trách bảo vệ chuyên chở. Mỗi chuyến ít nhất cả cây. Cuộc sống thật nhàn nhã, thảnh thơi và đáng sống. Sáng sớm ra tiệm mì khu La Cay ngồi với bọn cung tiêu đồng nghiệp, ngoắc tay là một tô xíu mại bưng ra với ổ bánh mì thơm dòn, rồi điếu Samit đậm đà châm lên tỏa ngát hương bên cạnh ly xây chừng pha phin bốc khói, Phong ung dung ngắm phố phường. Chàng dửng dưng trông những người phu kéo chiếc xe ba gác chở củi nặng chĩu cong oằn đôi vai dưới lớp áo rách mướp, nhìn những chị bán hàng rong tất tả sợ hãi quẳng gánh khoai chiên bột lọc chạy trối chết để thoát khỏi toán trật tự dọn phố, hay với tia mắt bàng quan ngó những em bé lem luốc lang thang ngơ ngác trên vỉa hè, có lẽ gia đình đã từ vùng kinh tế mới trốn về sống lây lất bên lề thành phố. Chàng thấy nổi lên một cảm giác tự tôn kẻ cả của một người gặp vận, nhìn nhân sinh đang chìm đắm trầm luân và thấy mình vươn lên trên khỏi cuộc đời khó nghèo hèn mạt. Phong thường nói với Lê Hoạnh và Phan Tài, hai người bạn ở cùng phường :

- Thời nào cũng ăn thua ở chỗ mình biết cách sống.

Và chàng cho đó là một triết lý sâu sắc nhất trong hậu bán thế kỷ hai mươi.

Ðến năm tám mốt, khi công việc làm ăn của Phong đã lên tới thời điểm phồn thịnh nhất, thì nhóm công an miền tây quen biết trong thời gian chạy mánh khuyên chàng ra đi. Họ bảo đây là chuyến bán chính thức cuối cùng, nhà nước sẽ chấm dứt cái dịch vụ béo bở này nay mai. Chàng bèn cùng với Phan Tài xuống ghe vượt biên, gần năm sau đã sang đến Mỹ. Sang đây, hai người ở chung thành phố, Tài xin được chân bán tiệm, còn Phong vẫn thất nghiệp luôn, chỉ cầm cự bằng ít thứ đồ ăn lặt vặt Tài rinh về từ tiệm. Lâu lâu chàng mới được unemployment commission cần manpower gọi tới để kêu đi làm một vài ngày, thù lao chẳng là bao. Chàng nhớ tiếc những ngày huy hoàng xa xưa day dứt. Càng nghĩ, Phong càng đâm ra oán hận CS đã cho chàng xuống Cà Mau đi chuyến bán chính thức hồi năm đó. Phải chi, bữa xuống bến chúng tóm chàng ngay bãi biển rồi tống vào tù, thì cũng chỉ vài tuần là Phong lại vù về Sài Gòn để tiếp tục làm ăn như trước. Ðàng này, chúng để chàng qua đây bó gối trong một xứ sở xa lạ, một nơi chẳng đào đâu ra những thứ business quen thuộc ngày xưa của Phong để chàng có thể trở về nghiệp cũ. Rảnh rang, chàng hay la cà trên phố ngắm thiên hạ. Những tà áo tha thướt trong những khu thương mại Việt Nam nhất định làm ngơ với Phong, không ai buồn để ý tới gã đàn ông trung niên với khuôn mặt hãm tài hay ngồi trong quán bánh mì Ba Lẹ nhâm nhi tách cà phê nhìn người qua lại. Ngồi đồng trong quán nghe tiếng hát Tuấn Vũ rên rỉ mãi cũng chán, Phong lại tìm tham gia các cuộc biểu tình chống cộng cho đỡ buồn. Có lần chàng còn được đài truyền hình PBS phỏng vấn cảm tưởng nhân ngày 30/4. Thế là Phong bèn đi một màn diễn xuất, cao giọng lên án CS đã áp bức chàng và gia đình tàn nhẫn như thế nào sau bảy lăm. Ðã bảo chàng là người thức thời, người của quần chúng mà lại !

May sao, đến đầu thập niên chín mươi kinh tế Houston dần dà phục hồi trở lại. Phong tìm được một chân assembler thơm phức, tuy lương ít nhưng nhiều overtime, và không còn phải sống nhờ vào những chiếc hotdog nguội ngắt Phan Tài mang về từ convenient store nữa. Chàng bắt đầu dành dụm, và nhất định tìm ra phương án để thoát khỏi cuộc đời cô đơn lẻ bóng. Làm quen bằng thư tín được với Cẩm Vân qua sự giới thiệu của người cô ruột ở Phú Nhuận hôm về Việt Nam năm ngoái, Phong biết là chàng sẽ phải sáng tác cho mình một lý lịch hiển hách thì mới xiêu lòng giai nhân. Khi nghe Phong phịa là đang làm chuyên viên lập trình vi tính cho hãng điện tử Compaq và lái một chiếc Oldsmobile láng coóng, Cẩm Vân đã lặng người đi vì sung sướng. Ðối với một thiếu nữ nhan sắc như nàng, đây là một giấc mơ thành sự thật, bõ công chờ đợi mấy năm trời, đã từ chối bao nhiêu thanh niên giầu sang địa vị ở đất Sài Gòn. Giấc mộng xuất ngoại nàng đã ôm ấp từ năm sáu năm qua, ngay hồi mới bắt đầu có những đợt Việt Kiều về nước. Sau khi thấy hai người bạn gái cùng xóm lên đường nhắm hướng Canada với lang quân, Cẩm Vân bèn quyết định lạnh nhạt ngay với Tuấn, chàng bạn trai cùng sở, đang học chung hệ tại chức, quen từ hồi trung học. Mà cho hắn de cũng là phải, người khuê các ai dại gì lấy hắn để ở lại suốt đời trong cái đất nước khốn khổ này ? Việc đầu tiên trong kế hoạch chuyển hướng cuộc đời là nàng đi kiếm một nơi giải phẫu thẩm mỹ. Phong trào sửa sắc đẹp hiện đang lên ở Sài Gòn. Các beauty clinic tư gia mọc khắp nơi, điều khiển bởi những tay y sĩ nhà nghề có, tay mơ cũng có, từ giấy phép hợp lệ cho đến làm chui. Clinic nào cũng quả quyết là mình uy tín nhất, có chỗ còn nhận là chi nhánh của các trung tâm thẩm mỹ hải ngoại ! Khuôn mặt Cẩm Vân tuy không có khuyết điểm nào trầm trọng, nhưng nàng vẫn quyết định làm một cái gì đó cho dung nhan có thêm phần đặc biệt. Kết quả là sau mấy lần viếng một trung tâm thẩm mỹ ở đường Lê Thánh Tôn, Cẩm Vân bỗng trông lạ hẳn ra với cái vành môi gợi sầu. Một lượng vài gam silicone đã được bơm vào hai cánh môi dưới của nàng làm bây giờ lúc nào nó cũng trễ ra một cách kiêu sa khôn tả. Hôm gặp lại Cẩm Vân với chiếc môi mới tinh mọng chĩu, Tuấn kinh hãi vì đoán rằng một sự thay đổi nghiêm trọng cho cuộc tình của chàng sắp sảy ra. Chàng đã đoán đúng. Mặc cho Tuấn năn nỉ đón đưa để nghe một lời giải thích, nàng từ khước mọi thứ, từ quà tặng, bài chép dùm, ngay cả đến chỗ ngồi trong giảng đường nàng cũng lánh xa Tuấn. Vì lòng nàng đã quyết. Những tấm hình chụp huy hoàng ở Hoa Kỳ của những đứa bạn ra đi hồi bảy lăm gởi về, những thùng đồ đầy ắp quà hứa hẹn một thế giới vật chất thừa mứa làm tim nàng bỗng hóa dửng dưng với những chàng trai trong nước, mà Tuấn là đại diện. Cẩm Vân gọi họ là “hàng lô” hay “đồ nội” để phân biệt với những dân Việt kiều xịn mà thỉnh thoảng nàng gặp khi có dịp ra phi trường, người nào cũng mập mạp phúng phính, có người còn đeo pager ngang hông trông thật hiện đại, xổ tiếng Mỹ cả với mấy anh phu xích lô đạp, và làm cho các gã hải quan phải khúm núm khiêng dùm va-li nặng chỉ bằng một cái bắt tay theo đúng thủ tục đầu tiên. Còn về sự lịch thiệp của các anh Việt kiều, thì không thể chê vào đâu được. Hễ ngồi vào bàn tiệc là kéo ghế cho phái nữ, lên xe là mở cửa cho các cô, chẳng bù cho mấy tên đồ nội bất lịch sự chẳng bao giờ nhường nhịn cho phái đẹp, lại chuyên môn hút thuốc lá đen không đầu lọc nhả khói vào mặt quý vị quần thoa !

Với con mắt sắc bén tinh đời, Trần Thừa Phong đã đánh hơi ngay ra điều đó ở những nàng con gái Sài Gòn. Bước ra từ cửa phòng đợi phi trường Tân Sơn Nhất để tìm người quen ra đón, chàng ngạc nhiên khi thấy rất nhiều bóng hồng đang đứng trong đám đông để chiêm ngưỡng đám du khách về nước từ các phương trời xa lạ. Lòng chàng khoan khoái vô tả vì biết chắc rằng, những chuỗi ngày cô đơn ế ẩm dài hạn của chàng từ mấy năm qua sắp vĩnh viễn chấm dứt. Cái xứ Mỹ kỳ quặc này không phải đất dụng võ của chàng hay của bất cứ anh Mít nào trong bộ môn cua đào theo gái. Ở đây, đàn bà con gái bất luận đẹp xấu già trẻ từ nhị tuần tới ngũ tuần, hễ mình hơi hở miệng làm quen, là lập tức đòi xuất trình bằng cấp, y như thuở xưa ra đường bị cảnh sát bắt trình giấy tờ quân dịch ! Nếu không có bằng cấp, thì savings account phải bằng mọi cách trực tiếp hay gián tiếp hé ra để chứng minh rằng ta đây cũng có chút vốn liếng, hay cũng làm business. Phi mấy thứ căn bản đó thì đừng có mong thành phu phụ... Về nước khai lý lịch ma, Phong cũng không lo lộ tẩy. Gia đình Cẩm Vân cách chi mà kiểm chứng được cái mác programmer giả hiệu của chàng. Ngay chính Phan Tài đã chẳng tự giới thiệu hắn là một phó giám đốc với gia đình của một cựu giáo sư Chu Văn An, có ba cô ái nữ duyên dáng hiện đang sống ngay ở Houston này đó ư ? Ở Mỹ còn chịu thua, huống chi ở Việt Nam cơ quan nào mà lùng ra được. Còn nếu vỡ lở, thì làm gì được nhau một khi ván đã đóng thuyền !??

Không phải anh Việt kiều nào cũng đương nhiên sáng giá. Muốn bắt được tuy ô thơm, trước hết ta phải điệu nghệ y như tây chính cống. Ngoài sự hào phóng bằng tiền típ và quà tặng, ta còn phải tỏ ra người có trình độ. Việc đầu tiên là xổ tiếng Anh whenever you can. Hôm mời gia đình Cẩm Vân ra quán Kim Cương ở đường Lê Văn Duyệt, mẹ nàng, một thương gia có tiệm bán bánh mứt Nam Hương đường Hai Bà Trưng đã tỏ vẻ chịu Phong ra mặt khi nghe chàng biểu diễn ngoại ngữ với một du khách, có lẽ người Úc, bận một chiếc áo thung in hình con kangaroo trước ngực ngồi bàn bên cạnh. Phong thấy hắn cầm điếu thuốc chưa mồi, đoán là hắn đang muốn mượn chiếc hộp quẹt, bèn hắng giọng bắt chuyện :

- You want lighter cigarette ?

Gã ngoại quốc cất giọng ồm ồm Phong không rõ hắn nói gì :

-@#$%^&*() !

Phong đoán mò, cho là hắn định hỏi xem trong tiệm có hút thuốc được không, nên sốt sắng mỉm cười trả lời :

- You go ahead smoke cigarette in right here, no problem, nobody don’t care, you know ? Here is Viet Nam, no America, you know ?

Chỉ thấy hắn lắc đầu quầy quậy tuôn ra một tràng tiếng Hỏa Tinh :

- @#$%^&*() !

Tới đây thì Phong quay lại nhìn ông bà Nam Hương rồi nhìn Cẩm Vân, thở hắt ra nhún vai đưa hai bàn tay lên tỏ ra cực kỳ chán nản cho sự kém cỏi của gã ngoại quốc :

- Tụi Úc dở sinh ngữ thật chứ không chơi. Vậy mà cũng bày đặt đi du lịch làm gì không biết ?

Ngừng một giây để quan sát những con mắt thán phục lẫn ngờ vực của gia đình Cẩm Vân đang hướng về phía chàng, Phong nói tiếp :

- Ở Mỹ không phải ai cũng gút tiếng Mỹ. Ða số người Việt hải ngoại đều talk tiếng bồi, bên đó gọi là boytalk, trăm người mới có một người có khả năng Anh văn như cháu. Giọng cháu Ăng-lê, đúng văn phạm tiêu chuẩn, đã qua mấy lớp hàm thụ, tụi Mỹ dân trí thức còn phải khen là chính xác. Thằng Úc này học ngoại ngữ chắc chắn là chưa đến nơi, đã vội vàng vọt ra nước ngoài du hí.

Bỗng đứa em trai mười lăm tuổi của Cẩm Vân rụt rè lên tiếng :

- Em nghe nói dân Úc với Canada họ cũng xài tiếng Anh mà ?

Phong trợn mắt nạt liền :

- Bậy nà ! Nước nào nói tiếng nước đó. Úc nói tiếng Úc, Canada nói tiếng Canada chớ !

Rồi vỗ vai đứa em, chàng ôn tồn giảng giải :

- Ðừng tưởng thằng nào mắt xanh mũi lõ cũng nói Ăng-lê. Tiếng Canada kỳ lắm, nửa giống Anh nửa giống Pháp. Còn dân Úc có ngôn ngữ riêng của họ, khó học vô cùng.

Vừa lúc đó, một thằng bé đánh giầy quần áo lem luốc ôm một chiếc thùng gỗ tiến đến trước mặt gã ngoại quốc. Nó quay qua nhìn Phong và ông bà Nam Hương, hãnh diện nói :

- Thằng Úc này ngày nào cũng đến đây đúng giờ để con đánh giầy cho nó đó chú Hai, cho tiền sộp lắm. Con có ngón nghề đánh giầy đặc biệt hổng thằng nào khu nầy có hết trơn á. Trưa nay con ra trễ cho nó chờ một bữa chơi.

Rồi không biết thằng nhỏ nói gì với gã Úc mà gã cười hềnh hệch. Nó cũng cười toe toét rồi ngồi xệp xuống, đặt chân gã lên chiếc thùng rồi mở hộp xi, miệng vẫn liến thoắng đùa giỡn với gã. Phong bỗng thấy ghét thằng bé thậm tệ. Chàng lắc đầu quay lại nói với ba Cẩm Vân :

- Thời nào cũng vậy. Trẻ bụi đời tương lai sẽ chỉ là những tệ đoan xã hội.

Rồi chàng đổi đề tài :

- Mùa tháng tám này thành phố Hút Tân bên cháu ở trời mát như Ðà Lạt. Gần chỗ cháu có bãi biển đẹp cát trắng hơn Nha Trang, cảnh nên thơ gấp ba lần bãi Dâu ở Vũng Tàu. Năm tới nếu xin được giấy du lịch, cháu thành thực kính mời hai bác sang chơi vài tháng cho biết xứ người.

Ngừng một chút để quan sát sự lúng túng của gia đình Cẩm Vân, chàng tiếp :

- Căn hộ của cháu bên Hút Tân rộng rãi khang trang ở tầng hai cầu thang đi lên, sẵn sàng để đón tiếp hai bác. Ðầy đủ tiện nghi, có điện suốt ngày, nước không bao giờ bị cúp, máy lạnh máy sưởi đủ cả, mỗi tháng thuê hết tới nửa lượng vàng ! Hai bác qua, cháu sẽ lấy ô tô chở đi thăm trung tâm không gian Nasa và bãi biển, rồi thưởng thức món ăn lừng danh thế giới của Hoa Kỳ ở nhà hàng Mác Ðô Nan.

Phong mời bằng giọng cực kỳ khẩn khoản vì đã biết chắc trong một trăm người nộp đơn du lịch ở bộ nội vụ, chín mươi chín người rưỡi bị bác đơn. Vả lại, chàng nào có hứa sẽ mua vé máy bay ? Nhưng bà Nam Hương đã cảm kích đáp lại :

- Quý hóa quá... Nhưng chúng tôi bận lắm, cửa tiệm hàng họ lúc nào cũng bận chẳng đi được đến đâu.

Ông Nam Hương, dáng người gầy gò với đôi mục kỉnh nãy giờ ngồi im, chợt hắng giọng, suy nghĩ một lúc để cố tìm ra một câu hỏi :

- Ở bên ấy... cuộc sống người Việt như thế nào anh Phong nhỉ ?

Ðược gãi đúng chỗ ngứa, chàng mỉm cười, châm một điếu ba số thở mấy vòng khói lên rồi mới trả lời :

- Tuyệt, thật là tuyệt bác ạ. Ða số dân mình bên ấy đều được trời đãi, đều nhà lầu xe hơi cả. Anh nào cũng giá chót vài trăm ngàn trong băng. Xã hội Mỹ trọng dân ngoại quốc, người Việt trội hơn hết, làm hãng xưởng nào cũng được kính nể, cũng có chức tước. Bởi vì sao ? Vì giỏi giang và chân thật. Không láu cá như cái tụi Mỹ đen với lại Mễ, chuyên môn ăn bám trợ cấp xã hội lại hay chôm chỉa, cứ hở ra một tí là mất ngay với chúng nó !

Dụi điếu thuốc vào chiếc gạt tàn, ngả lưng dựa vào nệm ghế, Phong nhìn khuôn mặt đăm chiêu của ông Nam Hương rồi tiếp :

- Trường hợp thành công như cháu thì còn hiếm, chứ đi làm sở với chức vụ cao, thì nhiều như rươi ! Ngay thằng Phan Tài bạn cháu, sang đấy mới sáu bảy năm là nhẩy lên ngay chức phó giám đốc một đại công ty bách hóa U-To-Tem của Mỹ, bên đó gọi là chân át-xít-tăng ma-na-giơ. Thử hỏi sự vẻ vang dân Việt đó, nếu không trông thấy tận mắt, ai mà hình dung ra được ?

Tuy không có bằng chứng gì để bắt bẻ được Phong, nhưng ông Nam Hương dầu gì cũng đã là một cựu công chức nha thủy lâm Ðà Lạt. Trong câu chuyện của Phong, bộ óc còn rất sáng suốt của ông vẫn cảm thấy vương vướng một điều gì chưa sáng tỏ, chưa khúc chiết. Ông cũng không hiểu tại sao, một người đáo để như vợ ông lại quá hấp tấp trong vấn đề chọn bạn trăm năm cho con gái. Nhưng ông Nam Hương chưa hề cật vấn vợ. Trong gia đình, ông đã quen làm vai kép phụ từ lâu nên ít khi nào ông thắc mắc điều gì, dù cho có nghịch mắt thế nào cách mấy. Ðối với ông, một bà vợ quán xuyến như bà Nam Hương là quá đủ để đối phó với một cuộc đời đầy phức tạp và phiền não. Vui đời công chức từ hồi còn trẻ, vốn tánh suy tư trầm lặng ông dửng dưng với những mưu đồ trong tất cả mọi việc buôn bán, tranh tụng, cư xử cho đến việc hôn nhân của con cái. Ông chẳng thiết các thứ rối ren đó. Thú vui độc nhất của ông là đánh bóng bàn. Ngày còn công tác ở Ðà Lạt, ông đã nổi danh với cây vợt gỗ mặt gai, có gắn thêm mẩu chì để tăng vận tốc cho cú đánh. Thuyên chuyển vào Sài Gòn, nhiều hảo thủ vợt mút trẻ tuổi đã phải thán phục tài nghệ của ông già. Không có mấy chiều ông vắng mặt ở sân Minh Nghĩa. Nơi đây là chỗ tập trung các tay vợt thượng hạng của Sài Gòn, và cũng là nơi để ông gặp những người bạn đứng tuổi đã chia xẻ ít nhiều một thời quá khứ. Sau những buổi so tài thao dợt, các ông nói đủ chuyện. Ông Nam thường chỉ ngồi nghe, thỉnh thoảng mới bàn góp khi thấy đề tài hấp dẫn. Có hôm, câu chuyện chuyển hướng về cơn sốt lấy chồng Việt kiều hiện nay. Ðề tài nóng bỏng được các ông đem ra bàn sôi nổi. Ông Vĩnh Phước lên tiếng :

- Dạo này thấy đám cưới lấy người nước ngoài hà rầm hả mấy ông ! Bộ tụi con trai bên bển không chịu lấy vợ bển sao còn về đây ?

Ông Quyết, một cựu đại úy thủy quân lục chiến ở tù mười năm nhưng nhất định không thèm nộp đơn H.O., kéo vạt áo thung cá sấu để chìa chiếc bụng bự, phe phẩy quạt chiếc vợt cho khô mồ hôi :

- Ai biết đâu được có khi bên ấy âm thịnh dương suy chăng... Bà chị tôi ở bên nớ còn viết thư về nhờ kiếm mối cho thằng con lớn nữa kìa.

Ông Thi sắp có giấy xuất cảnh, cười ha hả, vỗ vai ông bạn tên Vũ Hải ngồi bên :

- Nhà tui ba đứa con gái, qua đó giờ này vậy là đúng gu hợp thời hết sức ha anh Hải...

Dắt chiếc vợt đã mòn vẹt vào túi quần, ông Vũ Hải trầm ngâm nhìn ông Nam Hương :

- Tôi mà có con gái cưng, là tôi chỉ tìm người tử tế nơi quê hương xứ sở mà gả. Người xưa có câu chồng gần không lấy chồng xa, lỡ mai cha yếu mẹ già... các anh không nghe sao ?

Ông Nam Hương im lặng không đáp. Tuấn là con trai lớn ông Hải, hai đứa trẻ quấn quít nhau từ ngày hai ông mới từ Ðà Lạt dọn vào Sài Gòn. Tuấn chỉ hơn Cẩm Vân hai tuổi, nhưng rất phong cách nho nhã. Hai người bố là bạn chí thân cố cựu, có con xứng lứa, xem ra còn gì thú hơn là trở thành người một họ. Nhưng từ dạo Vân đổi dạ làm Tuấn ôm mối hận lòng nghỉ học hệ tại chức và xin thuyên chuyển sang sở khác, những buổi bóng bàn không còn vang tiếng cười dòn dã của ông Vũ Hải. Ông không trách bạn, cũng không đả động gì đến việc xảy ra. Ông Nam Hương cũng không biết phải nói sao để biện minh không phải lỗi ở ông, vì chẳng lẽ lại bảo rằng tất cả những mưu sự quan trọng trong gia đình là hoàn toàn chỉ do bà nhà tôi một tay định đoạt ?

Hôm nay từ quán Kim Cương trở về nhà sau khi đã cho phép Vân ở lại với Phong, buổi tối đến, ông Nam Hương không nhịn được sự lo âu. Ông nói với vợ :

- Bà xem thế nào... Liệu có chắc chọn đúng người cho con mình không đã ?

Thằng Phong này già quá, hơn con mình gần hai chục tuổi, mà lại có vẻ...

Bà Nam Hương xổ tung chiếc khăn vấn trên đầu ra, xếp lại bỏ vào hộc tủ, với lấy chiếc khăn trên đầu giường quẹt đi lớp son đỏ thẫm trên môi rồi nhếch miệng cười nhạt :

- Ông tưởng tôi với con Vân dễ gạt lắm chắc ? Mới gặp nghe ảnh xạo, là tôi điều tra liền. Lý lịch thằng này bây giờ tôi nắm trong tay. Lêu lổng từ nhỏ, cao bồi có hạng vùng cư xá sĩ quan Chí Hòa. Giải phóng vô, làm tài lọt cho công an phường sáu quận mười được mấy năm, bị khai trừ trở thành mặc rô cho khu nghĩa địa. Qua Mỹ từ tám hai đến giờ vẫn khố rách áo ôm, chỉ có mỗi tài nói dóc.

Ông Nam Hương làm rớt cặp kính xuống đất, lượm lên há hốc miệng lắp bắp :

- Thế sao... bà lại còn định gả con Vân cho nó ?

Ngồi xuống đầu giường, bà nhìn chồng, giọng dịu lại như thông cảm cho ông chồng sao quá thật thà ngây thơ giữa thời buổi nhiễu nhương tao loạn :

- Chỉ có cách đó con mình mới đi được. Ông với tôi mất bao nhiêu cây vàng cho nó để vượt biên từ đó đến giờ ông nhớ không ? Hụt sáu chuyến, hết gần ba chục cây cả thảy ! Lại còn tù tội đủ thứ. Thời bây giờ, thấy con người ta lấy Việt kiều nườm nượp, nghĩ mà tủi cho con mình. Cũng danh giá, cũng đẹp đẽ như ai mà lại chịu cảnh cây quế giữa rừng ở cái đất này hay sao ? Hay ông còn tiếc thằng Tuấn nhà ông Hải... Bảnh trai con nhà tử tế thì ăn giải gì ? Lấy nó để chết mòn ở đây hả ! Phải lăn lộn quen biết như tôi, mới câu được cái thằng Phong này cho con gái mình. Lừng khừng như ông để rồi trâu chậm uống nước đục. Làm hôn thú với nó xong, qua được bên ấy là tôi dặn con nó tìm cách ly dị ngay lập tức. Ở thành phố Hút Tân có thằng Phạm Luật con bác Nghị Ðoan làm phụ tá cho văn phòng luật sư, nó đã gọi phôn về cho tôi, dặn khi con Vân sang cứ việc mang hôn thú tới văn phòng nó, đưa bảy trăm đô, nhờ nó xé là cái một !

Cặp kính vẫn còn run rẩy trên đôi má ông Nam Hương. Ông không muốn nghe thêm nữa. Ông bước vội ra ngoài phòng khách, nhưng vẫn còn văng vẳng tiếng vợ vọng theo :

- Con Vân mình thì còn mất cái gì nữa đâu mà lo sợ phải gìn vàng giữ ngọc. Chỉ cần sao nó sang được bên ấy...

Nguyên Cương Andy