Kiếp Hồng Nhan

Kiếp Hồng Nhan

Viết theo tâm sự chán chồng và chán đời của chị Xuân Lan nhân một chuyến thăm Nam Cali - có lẽ cũng là tâm sự u uất của bao khách thuyền quyên phận bạc sinh ra trong thời buổi nhiễu nhương nhưng sắc bất phùng thời, đành đoạn làm một cánh hoa nhài cắm phải bãi phân trâu trên miền đất hứa.

Nguyên Cương Andy

Khum lòng bàn tay sửa lại mái tóc, tôi nghiêng đầu nhìn lại bóng mình trong gương thêm một lần nữa. Tôi mỉm cười vừa ý vì mái tóc mới uốn bồng bềnh rất vừa vặn hợp với khuôn mặt trái soan của mình. Mái tóc này uốn cắt trên phố Bolsa do con bạn thân Michelle Hường chủ tiệm beauty salon đã đích thân ra tay để tặng cho tôi sửa soạn kịp để chiều nay dự buổi party ở nhà nó. Tôi ưng ý lắm. Trông vẫn giống như hồi mày mới hai mươi ba tụi mình còn học trong Sư-Phạm Sài Gòn ! Michelle Hường tủm tỉm cười khi tiễn chân tôi ra cửa tiệm. Thằng Thiết chồng mày có vợ đẹp mà đâu có biết, đồ có mắt cũng như không. Rồi ghé tai tôi, Hường nói tiếp, giọng khuyên nhủ:

- Nó không xứng với mày. Tao như mày đã đá nó từ khuya ! Nghe tao đi. Ở đất Orange County này vô số đàn ông available có địa vị mà lại biết ga lăng. Tối nay tao sẽ giới thiệu mày với Robert Khoa, chủ nhà hàng Golden Dragon... hay là mày chịu dân có bằng cấp ? Thế thì để tao chỉ cho mày thằng Vũ Bắc Ph.D. về kinh tế, có con vợ mới chết năm ngoái.

Tôi cũng mỉm cười khi được nghe lời khen mình còn trẻ đẹp. Tôi biết đó chỉ là những lời khen sáo của các chủ tiệm vải, tiệm quần áo, tiệm nữ trang và tiệm uốn tóc, luôn luôn sẵn sàng tung ra để làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Ai mà chẳng thích nghe một câu nói bùi tai ? Nhưng hôm nay, Michelle Hường tiến xa hơn một bước nữa, huỵch toẹt nói ra điều mà tôi đã thầm nghĩ trong bấy lâu nay. Tôi ngẫm nghĩ lời nó không phải hoàn toàn sai. Quả thực, xét cho cùng chồng tôi không xứng với tôi. Bao nhiêu năm qua, cái dáng gầy ốm lom khom quen thuộc, cái trán bắt đầu thưa tóc, cái nhìn đầy chịu đựng, vẻ mệt mỏi của Thiết mỗi buổi từ sở về - trước kia tôi chẳng bao giờ để ý đến - những lúc gần đây tôi thấy toát ra một sự ngán ngẩm gì đâu. Lại còn dáng điệu rụt rè mỗi lúc đứng trước đám đông càng làm nổi rõ sự tầm thường nơi Thiết. Tôi cũng không biết tự bao giờ, mình bắt đầu nhìn ra những thứ ấy. Chỉ biết, nỗi yêu đương bồng bột lãng mạn thuở ban đầu nay đã tắt ngấm, những mộng ước đầu đời về một mối tình tuyệt đẹp dẫn đến cuộc hôn nhân hạnh phúc như trong truyện thần tiên - nay đã tan theo những ngày chán chường; đi bên cạnh cuộc đời với người chồng quen thuộc đến nhàm như người ta lái một chiếc xe cọc cạch, đề máy chạy thì cũng lăn bánh; nhưng nước sơn xe đã cũ; body nhiều chỗ han rỉ và người chủ xe cảm thấy ngại ngùng khi có ai biết đó là xe của mình. Vâng, bây giờ dưới mắt tôi, Thiết cũng như một chiếc Oldsmobile cà khổ đời 79 chàng đang dùng mười mấy năm nay. Chàng có cái nhìn ngơ ngác buồn phiền của một người sống bên lề xã hội; của một cầu thủ về già ngồi mơ dĩ vãng hiển hách đã qua; hoặc của một kẻ thất chí thường bất mãn về những gì mình không đạt được. Chính thế. Thiết là cả một combination của những thứ đó. Chàng có một thế giới riêng mà tôi không muốn bước vào và cũng chẳng buồn tìm hiểu. Buổi chiều sau bữa cơm, Thiết chỉ thích vợ để mình yên, và ngồi xem TV những phim tài liệu mà tôi ghét cay ghét đắng. Tôi không hiểu tại sao những cuốn phim khô khan như The Ten Thousand Day War lại có sức hấp dẫn để Thiết dán mắt vào màn ảnh như vậy. Lại những hình ảnh chiến tranh. Lại những khuôn mặt quân sự và chính trị năm xưa cả Việt lẫn Mỹ, mỗi anh lên tuyên bố giải thích với nhãn quan riêng vì sao mình thua trận. Lại những từ ngữ khó nghe khó hiểu về một đoạn đời trong một bối cảnh hồi còn bé mà tôi chỉ muốn quên đi trong tâm tưởng. Mỗi lần như thế, khuôn mặt Thiết lại đăm đăm trông phát ghét, đôi mắt mở to rồi nhíu lại như muốn thâu hết những hình ảnh năm xưa, điếu thuốc cháy dở trên chiếc gạt tàn bốc mùi hôi khét chàng không buồn dụi tắt. Chàng như thả hồn về một dĩ vãng hơn hai mươi năm trước trong bối cảnh một quê hương khói lửa loạn ly. Tôi thù những ký vãng đó thậm tệ, những images của năm mười ba tuổi hồi tết Mậu Thân tôi cùng gia đình chạy loạn lếch thếch đi bộ từ Gò-Vấp lên Sài-Gòn giữa những tiếng súng đại bác ầm ì réo ngang đầu, những xác chết mười mấy ngày nằm ngổn ngang dọc hai bên phố làm tôi buồn nôn và bây giờ không còn muốn nhớ tới. Có lần Thiết xem xong một phim tài liệu, đưa remote control cho tôi rồi với giọng u buồn chàng bảo :

- Ðất nước mình phải gánh chịu bao oan khiên nhọc nhằn...

Tôi đang uất ức vì Thiết dành cái remote làm tôi phải nhịn coi chương trình thi hoa hậu thế giới; bây giờ coi xong đã đời thì favorite show của vợ đã chấm dứt từ lâu; mình chưa quạt hắn thì hắn lại còn bày đặt ra cái điều thương dân ái quốc ! Tôi quắc đôi mắt phượng long lanh :

- Yêu nước hả ? Sao hồi đó không vô lính còn trốn ở nhà nằm trên gác xép ?

Nói đến chuyện đó, Thiết như chạm phải nọc. Thế là chàng cái mắt đỏ ngầu, cái miệng phùng ra và cái mũi sần và to - vâng, cái mũi Thiết rất to - phập phồng tức giận như đang bị ai lôi ra trình làng một chi tiết đen tối trong quá khứ của mình.

Hồi đó ở trong xóm Bắc Hà của tôi, ai trốn lính ai đảo ngũ cả xóm đều biết. Nhà Thiết có cái gác xép thông sang được với hai cái gác của hai nhà kế bên bằng một cửa hông bí mật. Ða số những nhà có con trai trong xóm tới tuổi quân dịch gia đình đều remodel căn gác của họ để tiện đường tẩu thoát khi cảnh sát tới bố ráp. Do đó, mạng lưới lẩn trốn nơi đây đã lên tới mức tinh vi như địa đạo Củ-Chi, ít khi lộ tẩy. Thiết là tay trốn cảnh sát tài tình nhất xóm, nên đã hơn ba năm nằm gác mà chàng vẫn an toàn. Thành tích này, tuy nhiên, bây giờ chàng không muốn ai nhắc đến. Vì sang bên đây, chẳng ai muốn nhận mình đã đóng góp một phần trách nhiệm dầu là rất nhỏ trong lý do mình mất nước. Trong những buổi trà dư tửu hậu, Thiết và những gã đàn ông sồn sồn bạn chàng khi có chút bia vào là khoác lác vung trời về cuộc chiến Việt Nam. Anh nào cũng đổ tội mất nước cho Thiệu-Kỳ-Khiêm, có anh đổ cho Mỹ; hoặc do ý trời. Riêng tôi, nghe mãi phát bực, lâu lâu chêm nhẹ một cái tủ đứng, thế là Thiết sửng cồ. Nhưng nào có làm gì được tôi ? Cho đáng đời những kẻ trốn lính lại còn chuyên nói dóc !

Thiết lại còn là một người boring hiếm có. Mỗi khi phải chở tôi đi shopping, thay vì nắm tay vợ đi ngắm hàng và mua sắm, chàng chỉ yên lặng đứng chờ tôi hàng giờ ngoài cửa mall như một gã chauffer trung thành chờ thượng cấp xong công tác để lái xe về nhà. Thiết cũng chẳng bao giờ hỏi tôi mua gì để phê bình. Mốt đầm mới bây giờ phải dưới đầu gối bốn inches thay vì mười inches như trước kia, Thiết cũng không biết. Màu son đang thịnh hành bây giờ phải thật đậm đen, Thiết cũng không hay. Một bữa tô son xong tôi chu mỏ ra khoe thì Thiết lại bảo sao môi em dòm giống như hai miếng tiết heo luộc. Rõ đồ nhà quê đến thế là cùng ! Ngay cả mái tóc mới cắt đẹp tuyệt vời này đây chắc chắn lát nữa khi tan sở về từ xưởng tiện, Thiết cũng sẽ chẳng để ý. Nhiều khi tôi tự hỏi sao ngày xưa mình mặn mòi nhan sắc có nhiều người theo đuổi lại quá dại khờ không biết lựa chồng cho đáng tấm chồng, bõ công đi sửa môi hồng mũi cao ?

Vì khi mới chỉ là cô bé mười ba mười bốn, tôi đã biết mình đẹp. Xung quanh tôi đã bắt đầu vang lên những lời khen tặng của mọi người, từ trong họ hàng đến bà con hàng xóm. Căn cứ vào cặp mắt tròn to như mắt búp bê, cái mũi thanh thanh, và nhất là chiếc hoa hàm tiếu tươi tắn với hàm răng đều đặn trắng ngần, ai nhìn cũng đoán tôi sau này sẽ trở thành người thiếu nữ hương sắc và chắc lưỡi :

- Con bé Xuân Lan mai mốt khối chàng xếp hàng nộp đơn từ cổng ra đến ngoài ngõ cho mà xem.

Còn cụ Trùm Dật ở đầu ngõ, bạn già của ông nội tôi, mỗi khi chống gậy đến thăm, thường hay mượn thơ Dương Khuê để tấm tắc :

- Cháu Lan xinh quá. Hồng hồng tuyết tuyết... Tôi ngày xưa bôn ba đi bắc về nam mấy mươi năm, gặp bao nhiêu tiểu thư khuê các cũng có, nghệ nhân cô đầu cũng có, mà chửa thấy ai được tám phần mười...

Mẹ tôi nghe thế lại xuýt xoa :

- Ấy chết ! Cụ cứ nói thế cháu nó sinh ra kiêu ngạo.

Cụ Trùm Dật lại vuốt chòm râu dài cười ha hả :

- Tôi nói thật đấy. Chỉ ít năm nữa là lửng da giời nhạn ngẩn ngơ sa !

Tuy chỉ hiểu lờ mờ về ý nghĩa câu nói đó, tôi cũng đoán biết đó là một câu ca ngợi mình. Dần dần nghe riết cũng thấy quen, tôi không còn e thẹn khi được tán tụng nữa, chỉ thấy hài lòng vì những lời nói ấy lọt tai; và nhoẻn cặp môi xinh để đáp lại. Ðến năm mười chín tuổi, thì tôi bắt đầu nổi tiếng giai nhân ở xứ đạo Bắc-Hà ở vùng Lý-Thái-Tổ và Nguyễn-Tri-Phương ngã bảy. Cứ buổi sáng Chủ-Nhật khi tiếng chuông nhà thờ rộn rã vang lên, là con ngõ bên hông phở Tàu-Bay lại được cái vinh dự chuẩn bị tiếp đón đôi gót ngọc ngà yểu điệu của tôi bước qua. Hai dãy bàn thấp của quán bánh cuốn bà Diệm gốc me - với những đĩa bánh cuốn độc nhất vô nhị của Sài-Gòn tráng thật mỏng, cuốn tròn, mọng nhân, chấm nước mắm cà cuống ăn với chả quế Thanh-Hương - nơi mà dân thanh lịch sành ăn tụ tập, đầy những khách hàng trẻ tuổi ngồi nhâm nhi ly cà phê phin đậm và hoan hỉ chờ đợi. Vì họ biết chỉ lát nữa đây, bước chân một trang tiểu thư khuynh thành sẽ đi đến nhà thờ qua con ngõ này. Những con mắt dọc theo chiếc ngõ quán cóc sẽ dõi theo từng bước, cho đến khi bóng tôi mất hút ngoài đường lộ. Ðể làm gì ? Trong thâm tâm có lẽ họ cũng chẳng biết để làm gì. Vì chắc chắn họ cũng thừa hiểu, nàng Xuân Lan kiêu sa kia con ông Phán Khương dĩ nhiên phải vượt xa, rất xa ngoài tầm với của họ. Họ là những chàng trẻ tuổi, thích chiêm ngưỡng cái đẹp, và ngày chủ nhật ở hẻm Bắc-Hà là dịp duy nhất trong tuần để mỹ quan họ được cơ hội nhàn lãm.

Gia đình tôi thuộc vào hàng trung lưu của khu Bắc Hà ngã bảy. Bố tôi, ông Phán Khương một công chức từ thời đệ nhất cộng hòa mới về hưu trí, ngày xưa cũng quyền thế một thời, nay chỉ còn thú chơi kiểng, mặc dù chỉ chơi tài tử. Trước cửa nhà tôi dưới giàn bông giấy, là hai chậu hoa sứ thái, bố tôi mua mười mấy năm trước, bây giờ đã lớn bằng đầu người nhưng vẫn để trong cặp chậu cũ vì ông không muốn chúng phát triển thêm. Lớn quá vươn cả ra ngoài ngõ trông mất hay. Ông thường bảo vậy. Mỗi lần nói thế, tôi biết bố tôi lại liên tưởng đến con gái mình. Lòng ông có hai cảm giác trái ngược. Nửa ông muốn tôi nhỏ mãi để đừng ra khỏi tầm tay của bố; nửa ông hãnh diện vì con gái mình xinh đẹp. Nhưng chống thế nào được với quy luật thời gian ? Tôi cứ ngày càng mượt mà óng ả; lũ thanh niên lượn lờ trước ngõ nhà bố tôi mỗi lúc mỗi nhiều ra và ai cũng tin tưởng ông Phán Khương sẽ tha hồ kén rể đông sàng.

Nhưng than ôi có một chiều thu lá thu rơi ! Tháng Tư bảy lăm xảy đến như một trận cuồng phong phũ phàng thổi qua khu rừng già nhiệt đới. Khi cơn gió đã lặng, mây mù đã tan thì bố mẹ tôi đã nhận ra đứa con gái rượu của mình nay đã lạc vận trong một xã hội khác xưa. Những người khả dĩ đáng cho tôi để mắt đến, bây giờ đi đâu mất biệt. Thay vào đó, là một lớp người mới, với những phong thái lạ lùng của một xã hội mới. Vì khi chén bo-bo đã thay cho những bát cơm trắng; bộ bà ba đen đã thay cho những sơ-mi cà-vạt, những giá trị xã-hội không còn nữa thì những kẻ có máu mặt ngấm nghé tôi cũng là một lớp người khác. Họ bây giờ là những chủ nhân của cuộc sống mới. Từ tên Tư Bông cựu du đãng nay làm hải quan kiểm soát cảng Tân Sơn Nhất, hoặc gã Tám Sạn chủ tịch kiêm bí thư chi bộ phường già khú đế có hàm răng giả vàng chói chuyên môn hút thuốc rê Bà Ðiểm khét lẹt, cho đến Phan Kỳ Vũ tên cung tiêu hãng kem Hynos lưu manh mỗi tuần thổi cả xe vận tải ống nhôm đem bán cho xì-thẩu Chợ-Lớn, thậm chí cả đến Paulus Thịnh gã tây lai buôn đô-la chợ Thủ-Khoa-Huân đã có giấy xuất cảnh đi Pháp nay mai, đều là những người mong một ngày được cùng tôi xe tơ kết tóc. Bố tôi nhìn những kẻ mới nổi, lo lắng cho tương lai của đứa con gái xinh đẹp của mình. Ông sợ con gái chờ không thấy người hiền lương quân tử sẽ sau cùng phải vơ bèo gạt tép, vớ nhằm phường túi cơm giá áo. Nhưng ông đã quá lo xa. Xuân Lan tôi nào phải dễ lay. Tôi hờ hững với mấy hạng bờm xơm mách qué. Ðồ sâu bọ lên làm người, tôi luôn nghĩ như vậy và không để mắt tới họ. Thời thế lộn tùng phèo này đã chẳng đẻ ra một lô những giai cấp mới có tiền, có quyền thế một cách bất hợp lý lắm rồi ư? Như vụ tên Tư Bông đầu ngõ chẳng hạn.

Tư Bông là điển hình của loại người mới nổi. Trước bẩy lăm gã làm du côn trộm cắp một dạo, thường hay chọc ghẹo tôi một cách vô cùng nham nhở. Hồi đó mỗi khi đi ngang qua nhà gã, tôi phải nghiêng nón che mặt và bước thực nhanh để khỏi phải nghe những lời chớt nhã hạ lưu của hắn. Thế mà, nay đổi đời, xin được chân thủ kho ở phi trường Tân-Sơn-Nhất, chuyên kiểm soát và kiếm chác bằng cách cho nạy những thùng đồ ngoại quốc gởi về rồi đem rải cho chợ Tạ Thu Thâu, Tư Bông lại cho là gã nay đã lên một bực thang xã hội và trở thành môn-đăng-hộ-đối với gia đình tôi. Gã bèn cả gan nhờ người mang trầu cau tới biệt thự năm hai sáu hỏi tôi làm vợ. Hôm ấy tôi đứng trong buồng sau lén trông ra phòng khách, nghe những lời dạm ngõ của bà mai bên Tư Bông, một mụ béo tròn cười híp mắt nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng thò hai ngón tay móc cái bã trầu ra ngắm nghía một lúc rồi bỏ miệng nhai tiếp :

- Cậu Tư hồi nào tới giờ đem lòng mến thương cô Xuân Lan người thục nữ. Kẹt nỗi hồi đó thời buổi khó khăn, cậu Tư chưa có chỗ đứng trong xã hội. Nay cẩu đã có vai vế địa vị ngoài cảng nên chi mới mạnh dạn đưa lời cầu hôn, chắc ông bà cũng hổng chê bỏ lễ vật của chúng tôi. Cẩu hàng tháng kiếm hai ba cây có...

Tôi muốn xông ra, tát ngay một cái trời giáng vô bộ mặt phì nộn như trái bong bóng của mụ mối ngày xưa hành nghề tú bà khu bến xe miền đông Ngã Bảy, để cho hả tức. Nhưng tôi dằn lại được, vì biết bố tôi dư sức trả lễ. Ðúng như tôi đã dự đoán, ông đáp :

- Thực tình gia đình tui đội ơn cậu Tư Bông và bà Sáu Thập Thành đã có lòng chiếu cố, nhưng tôi con gái tui hẵng còn mắc học đại học nên tôi buộc lòng phải từ khước nhã ý cậu Tư. Bà Sáu à, hồi đó dưới tay bà Sáu vô số em út, sao bà không lựa lấy một đứa gả cho cẩu ?

Mụ Sáu tím mặt ra về. Hai tháng sau gã Tư Bông cũng bị công an thành phố sau khi điều tra về những vụ mất mát ở kho, còng đầu nhốt vô Chí Hòa rồi giải đi Bù-Gia-Mập và tịch biên hết gia sản của hắn. Thế là đâu lại vào đó, cát bụi về với cát bụi, của Xê-Ra trả lại cho Xê-Ra. Tên Bông trở về nguyên hình gã vô lại ngày xưa, nay nằm trong khám. Tôi cũng không còn lo bị chọc ghẹo như trước nữa.

Tuy nhiên, có quyền lực nhất trong những kẻ ngấm nghé lọt vào cặp mắt xanh của tôi, phải kể Huỳnh văn Sạn, bí danh Tám Sạn, biệt hiệu là Tám Lò Xo, chủ tịch kiêm bí thư phường bảy quận mười. Hồi trẻ trong bưng hắn xuất thân là cán bộ hậu cần, thuộc thành phần cốt cán. Năm 1963 lúc còn trong tổ du-kích tiểu-đoàn Ðiện-Biên rừng U-Minh, Tám Sạn để ý tới một cô thôn nữ tên Út Liễu sinh sống bằng nghề nuôi vịt ở xã Vĩnh-An với mẹ già. Khu Vĩnh-An là vùng sôi đậu, ban ngày thuộc quyền kiểm soát của chính phủ, ban đêm là địa bàn hoạt động của tiểu-đoàn Ðiện-Biên. Xã này nghề chính là nuôi vịt. Cứ mỗi nhà lại có một cái lạch ăn thông ra con sông cái, những đàn vịt bơi lội trắng cả vườn trước vườn sau. Tám Sạn phụ trách khâu thâu thuế vùng này. Cứ ban đêm mỗi tháng một lần, hắn viếng từng nhà để thâu phần đóng góp cho ngày cách-mạng thành công. Có nhà đóng tiền, có nhà đóng vịt. Tám Sạn mỗi lần đến thâu thuế nhà Út Liễu lại ân cần bớt đi vài con; Út Liễu cũng đem lòng cảm kích. Một bữa hắn ghé căn nhà lá của mẹ con nàng uống tách nước trà súc miệng xùng-xục rồi tuyên bố :

- Anh công tác vùng này đã hơn sáu tháng, mặt trận đánh giá trình độ giác ngộ của em đây rất cao, nên hôm nay quyết định đề nghị em tham gia công tác đoàn thể và cùng anh đi xây dựng cuộc đời cách mạng.

Phong cách hỏi vợ của gã cán bộ anh nuôi đặc khu U-Minh là như thế. Nhưng thực ra, đây cũng chẳng phải là một vụ nài liễu ép hoa gì ráo. Út Liễu đã ngầm để ý anh chàng Tám Sạn từ lâu, thầm thương gã du kích có hai con mắt lươn ti hí, cái miệng đầy răng sún nhưng nụ cười cực kỳ duyên dáng, hay gọi nàng là em nuôi và mẹ nàng là má nuôi giải phóng. Nàng vờ vĩnh từ chối cho có lệ rồi ưng thuận, và sau đó vô bưng với Tám Sạn. Nhưng chỉ hơn năm, rừng thiêng nước độc đã cướp đi mạng sống người thôn nữ. Tám Sạn buồn bã quên ăn quên ngủ hết mấy tháng trời, thề thốt sẽ không còn biết yêu ai. Nhưng chỉ ít lâu sau, hắn xin sung vào khâu thu mua để có dịp ra chợ, nhằm khuây khỏa nỗi buồn, lại may ra làm quen được với các cô thiếu nữ buôn bán nơi thị tứ. Hiềm một nỗi chị em bạn hàng từ chợ Cái Mơn đến chợ Kẻ Sặt đều quyết tâm làm lơ trước những lời tuyên truyền dụ dỗ đầy lý thuyết Mác cũa hắn, mặc dù bằng tiền thâu thuế được của đám kinh tài cắc chú, Tám Sạn tung ra thâu mua rau cải cá mú rất rộng rãi không cần mặc cả. Vì ở ngoài thị xã, chị em phụ nữ văn minh hơn trong miệt vườn nhiều. Thần tượng của các cô lúc đó là những giọng ca vọng-cổ ngày nào cũng vang rền từ la-dô của các kép Út-Trà-Ôn, Thành-Ðược hay Việt-Hùng trong các gánh hát Sài-Gòn thỉnh thoảng ghé qua quận dựng rạp hát ròng rã cả tuần. Các cô chen chúc say mê ngắm kép đẹp sắm vai Thừa Tướng, mũ mão oai phong, chuyên phò vua giết kẻ nịnh thần, ca mùi xuống xề ngọt lịm, tuồng tan ra về lòng còn mơ mộng xa xôi, sáng hôm sau ra chợ còn bàn tán say sưa về nét lẫm liệt của Triệu Tử Long, Tống Ðịch Thanh hay vẻ tuấn tú lả lơi của Tây Môn Khánh. Ai mà thèm để ý tới cái bản mặt răng sún của Tám Sạn ! Do đó sau hơn năm trời lai vãng chẳng nên cơm cháo gì, hắn ôm hận trở về bưng, thề có ngày giải phóng thành công sẽ đi trồng lại bộ răng bằng vàng hăm bốn và cho cái lũ đờn bà miệt chợ chưa giác ngộ kia một bài học, chứ đừng có ở đó mà coi thường người chiến sĩ hậu cần có công lao đi giúp dân cứu nước !

Bao nhiêu năm sau, mãi đến tháng tư bảy lăm khi tin chiến thắng mùa xuân bay về thì lòng hắn tưng bừng nở hoa khai hội. Tám Sạn theo đoàn đại biểu cấp tỉnh có mặt ngay trong buổi mít-tinh rầm rộ ngày 2/5 ở đường Thống Nhất, mục kích cảnh dân Sài Gòn túa ra đường choàng hoa cho đoàn quân chiến thắng. Có điều gã không nhận ra là, Sài Gòn mới đổi chủ, dân thành phố đang hoang mang bị điều động đi mít tinh, đâu ai dám bất tuân lệnh của ủy ban quân quản ? Gã say sưa ngắm cảnh khải hoàn, hồ hởi nghĩ tới những người thiếu nữ thành-phố lâu nay sống dưới ách kềm-kẹp của bọn tay sai Mỹ ngụy, nay được giải phóng chắc chắn sẽ lăn xả vào vòng tay của những chàng du-kích với chiếc nón tai bèo hào hùng trở về đô thị như hắn.

Tám Sạn lại lầm to thêm một lần nữa. Tụi con gái Sài-Gòn tiêm nhiễm tàn dư văn hóa đế quốc còn quá cỡ hơn tụi đờn bà vùng Cái Mơn. Sau vài tháng đầu sợ sệt, từ từ họ quen dần và rồi tỏ vẻ khi dể đám bộ đội ra mặt. Cô nào cũng nhìn Tám Sạn bằng nửa con mắt, mặc dù uy-quyền của hắn số một địa phương. Tám Sạn giữ chức chủ tịch phường kiêm bí thư chi bộ. Bị thành ủy điều động vào quận mười, ở một phường đầy những diện đối tượng của cách mạng, nghĩa là diện cứng đầu khó quản trị để hướng dẫn tuân theo đường lối nhà nước, hắn bực bội lắm. Trong khi mấy đồng-chí khác cũng từ trong bưng ra như hắn lại được bổ nhiệm vào những quận màu mỡ như quận Năm, quận Sáu đầy ắp các chú gian thương ba tầu không cần gợi ý cũng sẵn sàng đút lót, hắn lại bị đưa về cái phường chết tiệt nơi vừa đầy dẫy bọn phản động tàn dư chế độ cũ, vừa chẳng có ngành nghề thương mãi gì ráo như khu Bắc-Hà của gia đình tôi, vừa nghèo vừa đói chẳng có chi để chấm mút. Họa chăng chỉ có lèo tèo mấy hộ thủ công đan mành trúc, đan cót của vài đứa bé con cái của đám sĩ quan đi cải tạo, hắn hăm dọa bắt đóng thuế mãi mà chúng cứ lì ra. Tám Lò-Xo chán lắm. Nhưng được cái an ủi cho gã là lũ thanh nữ con cháu đám ngụy quân phản động kia không biết ngày xưa ăn giống bơ sữa gì của bọn đế-quốc, mà đứa nào cũng mơn mởn xuân xanh, chứ trông không chán mớ đời như tụi nữ cán bộ hộ lý của gã trong bưng ngày trước. Tấm lòng khô héo của Tám Sạn bỗng phơi phới trở lại. Cho nên dù nay kiếm tiền không được, thì hắn xoay ra kiếm tình vậy. Hắn thường hay rề rà đến nhà tôi thăm dân cho biết sự tình; thực ra để thấy bóng tôi đặng buông lời tán tỉnh. Hai con mắt ti hí của hắn thường phóng ra những tia nhìn rậm-rật hướng về phía tôi, hàm răng vàng nhe ra cười giả lả mong tôi chú ý tới những chuyện vô duyên do hắn kể. Ngặt một nỗi, hắn biết dân Sài Gòn như gia đình tôi chuộng sự học mà đồng-chí bí thư Tám Lò-Xo lại hơi yếu về trình độ văn hóa. Ðọc và viết là hai mặt tiêu cực hạng nặng mà hắn cần phải nâng cao thì mới có hy vọng vờ vẫn được với cái đám phụ nữ phường này, đứa nào cũng trình độ cấp hai giá chót. Việc đầu tiên là phải đánh tan những tin đồn trong phường về khả năng chữ nghĩa của hắn. Vì những chuyện người ta rỉ tai nhau về hắn hiện đang được lan truyền rộng rãi, chẳng hạn như cách ký tên của hắn vào những giấy tờ sổ sách trong phường. Họ tên hắn là Huỳnh Sạn, nhưng nói thì dễ chứ ký thì khó hơn nhiều. Tập mãi hắn vẫn không ký được. Mỗi ngày giấy tờ trên phường phải ký cả trăm cái, ngồi nắn nót viết đúng tên Huỳnh Sạn mỗi lá đơn mất cả mười phút, thì giờ còn đâu mà đi kiếm chác, hoặc đi quan hệ với nhân dân ! Tám Sạn bèn chế ra một lối rất giản dị và hiệu quả : hắn chia chữ ký của hắn ra ba phần : phần đầu, phần giữa và phần cuối. Hắn đặt bút xuống, vẽ phần đầu gồm ba vòng lò-xo xoắn ốc, nhấc bút lên, hạ xuống vẽ tiếp phần hai gồm hai vòng, và sau cùng là ba vòng còn lại. Tổng cộng là tám cái lò xo. Ai xem muốn hiểu ra sao thì hiểu. Chữ ký trông lại càng ra vẻ bí hiểm vì nhìn vô ai mà biết là cái gì ! Biệt danh Tám Lò-Xo được sinh ra từ đấy. Có bữa, một tên nhân viên trong ban thư ký phường thấy chữ ký Tám Sạn dễ bắt chước, bèn giả mạo để ký cho một đơn xin mở quán bánh cuốn của người nhà. Xui cho tên đó không cẩn thận đếm kỹ nên chỉ vẽ có bẩy cái lò xo. Kết quả là Tám Sạn lập tức phát hiện ra cái chữ ký giả mạo không phải của hắn, giao ngay cho quận đội tống cổ tên đó vào Ðại-Lợi, cho y nằm ngẫm nghĩ hậu quả tai hại của sự sẩy một ly - cái lò-xo đếm thiếu - là đi một dặm !

Với bộ óc nhậy bén của một cựu cán bộ hậu cần cấp huyện, Tám Sạn suy tính ra rằng thời bây giờ muốn khởi sự ve vãn con nhỏ Xuân Lan văn minh xinh đẹp kia con nhà ông Phán Khương, thì hắn cần có khả năng viết nổi những lá thư mùi rệu chứa đầy từ ngữ kiểu cách của tụi tiểu tư sản. Vì nắm quyền sinh sát trong tay chưa đủ để thành công. Thời buổi hòa bình, không lẽ tán gái mà lại dùng phương pháp hăm dọa như ngày xưa ở vùng rừng U-Minh. Hắn bối rối lắm. Nhưng khả năng hắn sức gì viết được thư tình ? Vụ đó mới là nan giải. Không thể đi cầu cứu mấy thằng thuộc cấp ! Hắn bèn bí mật đạp xe xuống mãi quận Phú-Nhuận thụ huấn lớp Bình-Dân-Học-Vụ ban đêm để quyết tâm nâng cao chất lượng văn hóa. Một năm sau, khi Tám Sạn tốt nghiệp với trình độ tương đương lớp ba phổ thông, tự đánh giá thấy mình đủ khả năng viết thư cho tôi và do đó, hắn quyết định thôi học. Ðể lấy chất liệu cho lá thư ướt át, Tám Sạn lén vặn cassette ban đêm ngay trong văn phòng ủy ban, lắng nghe hết tám cuốn băng vọng cổ trong vở tuồng Chuyện Tình Lan Và Ðiệp của soạn giả Hà Triều Hoa Phượng. Một tuần sau, khi những lời lẽ bay bướm trong vở tuồng đã nhập tâm gã còn hơn là những huấn thị trong đại hội đảng lần thứ bốn, Tám Sạn bèn mở đầu lá thư bằng những lời thư lâm ly bi đát :

Em Lan kính yêu,

Biết nói làm sao đây khi đường đời muôn lối; lòng người mịt mùng như trăng tàn trên hè phố. Tuy anh đã hiến dâng hai phần ba đời mình cho cách mạng; mái tóc giờ đã điểm sương, nên chi dù tuổi tác hai ta chồng chềnh âm dương đôi ngả, mà lòng anh vẫn bồi hồi rung động khi thấy bóng dáng em mờ khuất trong màn đêm cô tịch .

.............................

Anh không có chi để ra mắt em trong dịp lần đầu làm quen, chỉ có vài hộp phấn Trung Quốc với ít cục sà bông Camay đượm nồng tình nghĩa tặng em xin em hồ hởi thâu nhận. v.v...

Ðọc thư Tám Sạn xong, tôi hãi quá. Ðang lo lắng không biết làm thế nào để cự tuyệt thì may sao hắn được lệnh đổi xuống Minh-Hải để phụ trách quản lý chương trình ra đi bán chính thức do nhà nước thực hiện. Hú ba hồn chín vía ! Tôi vào nhà thờ Bắc Hà xin một lễ cha Thi để tạ ơn đức mẹ. Còn bà vú Năm của gia đình tôi, có đạo Phật thì ra chợ La-Cai, mua một cặp vịt quay đỏ tươi, thêm chai rượu Thiết-Ðầu-Ðà mang về bày bàn cúng cảm ơn chư vị la-hán cùng cô hồn các đảng mười phương đã cho cô tiểu chủ may mắn thoát khỏi đại hung kiếp nạn.

Tháng năm lặng lẽ trôi qua, tôi vẫn đẹp, vẫn kiêu sa nhưng trong nét thanh xuân đã vướng đôi chút vẻ u hoài sầu muộn. Tôi cạn dần hy-vọng gặp được ý-trung-nhân ở đất Sài Gòn. Biết ai người tâm đầu ý hợp ? Ðối với tôi, người đàn ông lý tưởng phải là người quân tử để mình nương bóng. Chàng phải có tâm hồn nghệ sĩ, biết chiều chuộng phụ nữ và có tấm lòng cao thượng. Nhưng tìm đâu ra bây giờ một chàng phong nhã như tơ trời giữa thời xã-hội nhiễu nhương và thiếu thốn này ? Tôi nhìn quanh, thấy cuộc sống tơi tả, ai nấy chỉ lo vật lộn với miếng ăn hàng ngày. Lý tưởng đạo đức xã hội xuống dốc đến cùng tận. Các khoa bảng ngày xưa nay cũng đứng chợ trời, các văn nhân lúc trước giờ cũng biến chất giao du với phường vô lại để trở thành cá mè một lứa. Ai cũng hễ mở miệng ra là bàn đến mánh mung, thi nhau biểu lộ những sự khả ố, trân tráo cho có vẻ hợp thời. Anh nào cũng tự hào mình có nhiều tài láu cá láu tôm về phương pháp hối lộ cán bộ, ăn cắp quỹ sở hoặc tổ chức vượt biên bịp bợm. Làm như hễ còn nhắc tới sự tôn trọng đạo lý, nghĩa là còn chứng tỏ mình nhà quê, mình ngây thơ, mình lỗi thời ! Ở đây, những mẫu người hào hoa trong tâm hồn lãng mạn của tôi bây giờ đã bị thui chột, chôn vùi trong quên lãng. Còn đâu nữa có chàng phiêu lãng đem đàn đến giữa đời ? Xã hội này đã thực đào thải, hủy diệt những hình ảnh người đàn ông tuyệt vời tôi đọc được trong tiểu thuyết : say mê lý tưởng như Dũng trong Ðoạn Tuyệt; anh hùng pha lẫn thi nhân như Phạm Thái trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ; hay khoát đạt nghĩa khí như Lệnh-Hồ-Xung trong Tiếu Ngạo Giang Hồ. Những mẫu người này đâu cả rồi ? Tôi sinh ra chán nản. Giữa lúc đó, Thiết với cây ghi-ta cũ mèm đã đến với tôi. Cái dáng xương xương, mái tóc bồng bềnh, nụ cười hiền hậu đã chiếm được cảm tình của tôi người thiếu nữ trời cho đẹp. Thiết không giàu có, thi rớt tú tài hai ban C, thời trước có biệt danh vua trốn lính, nhưng tôi cần gì. Chỉ một tấm lòng, một tâm hồn nghệ sĩ là đủ. Thế là sau hơn hai năm trời Thiết cần cù nhẫn nại ngồi trước hiên nhà tôi đàn réo rắt bao nhiêu bản tình ca, tôi đã bằng lòng chọn Thiết làm người chung bước trên quãng đường đời mịt mùng còn lại. Bạn bè có người thắc mắc sao tôi chọn một người xoàng xĩnh như Thiết, tôi chỉ cười trả lời nửa đùa nửa thật :

- Nghe ổng ngồi hàng ba quán nước đờn hoài tui cũng tội nghiệp quá, thôi lấy ổng quách cho rồi đặng hết bị làm phiền !

Tuần trăng mật hưởng chưa xong thì Thiết được giấy trình diện đăng ký nghĩa vụ quân sự. Thế là một lần nữa, Thiết phải trở lại đời trốn tránh, ẩn mình trên lầu hai nhà tôi để chờ dịp vượt biên. Ít lâu sau, bố tôi tom góp vàng vòng cho chúng tôi đáp xe đò xuống bãi Bà Rịa, lên ghe nhắm hướng Mã Lai giã từ cố quốc.

Sang bên đây, khi tôi nhận ra mình tứ thập tri thiên mệnh thì đã một gánh ba con, đèo thêm gã chồng ngày xưa đã lấy vì một lý do nào đó chính mình cũng không biết rõ. Tôi còn biết đổ lỗi cho ai bây giờ ? Thiết làm thợ điện, cái bàn tay hồi trước chỉ quen bấm đờn và vén màn gác rình cảnh sát nay cũng dần chai vì sương gió. Cuối tuần, Thiết cũng chỉ muốn nằm nhà. Bạn bè cũ của tôi đến chơi, Thiết tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Như lần tháng trước gặp lại Michelle Hường con bạn học Sư-Phạm, chỉ nói vài ba câu chuyện là Thiết đã tỏ ý không muốn cho tôi tái lập mối quan hệ. Chả là Michelle Hường bây giờ trông lộng lẫy khác hẳn xưa. Nó đã làm chủ ba cơ sở thương mại, và ly dị bốn lần cả thảy. Sáng nay nó bảo tôi :

- Tao đâu có được xinh đẹp như mày, mà vẫn survive ngon lành, nhờ biết xoay sở. Mày tính coi, cứ divorce một phát lại có một màn cưa đôi tài sản. Hai phát là ấm thân, ba phát là làm giầu ngay lập tức. Riêng tao, hơi tham lam nên tao vừa làm phát thứ tư. Lần này ra tòa xong với thằng chồng Ả-Rập, settlement gồm căn nhà bự với lại cái tiệm uốn tóc này. Mày còn chờ gì nữa mà không bái tao làm sư mẫu ?

Tôi đáp khẽ, giọng yếu ớt :

- Không được. Mày khác. Tao không sống thế được... Thiết đâu có phụ bạc gì tao ? Chẳng qua là anh ấy chỉ boring, tầm thường và hơi xấu trai... Nhưng anh ấy là người cha tốt. Lũ nhỏ sẽ sống ra sao khi không có anh ấy ở bên cạnh ? Lương tâm tao không đủ lý do để đá anh ấy...

Michelle Hường ngắm nghía tôi một lúc rồi lắc đầu cười thành tiếng :

- Mày thuộc loại cổ hủ không chịu được.

Ngồi nhà chờ Michelle Hường mang xe tới rước đi dự party, tôi ngẫm nghĩ đến lời chê bai của nó. Tôi cổ hủ thật. Trong tâm hồn mộc mạc của nó thì lẳng lơ chết cũng ra ma, chính chuyên chết cũng tha ra ngoài đồng. Nhưng tôi, con gái ông Phán Khương dù gì vẫn còn lại đôi chút đạo lý trong tâm. Tôi không thể chỉ vì chán Thiết, lại nghe lời khuyên của Hường divorce chồng để bước chân sang một cuộc đời mà tôi không sure sẽ mang lại điều gì mới mẻ thú vị. Gã Robert Khoa nào đó chắc gì với núi tiền kia sẽ đem hạnh phúc đến cho tôi ? Hay tên Vũ Bắc với cái bằng cấp to tướng đó biết đâu chỉ là phường giá áo túi cơm, loại người mà tôi cố tránh trong những năm còn ở chốn quê hương ? Tôi bây giờ như người lạc lối trong màn sương, như Phạm Duy trong bản Thuyền Viễn Xứ đời nhịp sầu lỡ bước, bước hoang mang rồi. Vâng, đời tôi nhịp sầu đã lỡ. Tôi hoang mang lắm. Có còn quay về hướng làng kịp hay không, tôi nào có biết được ?

Bỗng tiếng chuông điện thoại reo vang cắt đứt giòng tư tưởng của tôi. Bỏ thỏi son mầu đen xuống, bắt máy lên tai, đầu giây kia tôi nghe tiếng Thiết, giọng nho nhỏ, vẫn tầm thường, vẫn boring :

- Em ơi ! Thâu vô băng video dùm anh lúc 7 giờ tối ở đài PBS chương trình kỷ niệm hai mươi năm ngày 30 tháng 4. Hôm nay anh về trễ vì phải ghé dự buổi họp của phong trào Những Người Ra Ði Vì Chính Nghĩa...

Nguyên Cương Andy