Hương Thơm Đến Về Đêm

Hương Thơm Đến Về Đêm

Những phiến lá mỏng rung rinh với gió, những búp nụ tim tím hé miệng như mỉm cười với Quân mỗi buổi chiều khi chàng về đến nhà từ sở. Lâu dần thành thói quen, việc đầu tiên khi đi đâu về là chàng cũng phải ra patio ngắm hoa một lát để nghe lòng trầm thư thái, và tâm hồn dịu lại thật bình yên.

Chậu hoa này chàng mang về nhân một chuyến công tác ở Panama hơn hai năm về trước. Dừng chân một buổi chiều tà trên đảo Isle Grande cách Panama City hơn trăm dặm, Quân lặng ngắm những hàng dừa cao vút với buồng trái chĩu cành lòa xòa ra bờ biển Atlantic. Sóng từng đợt vỗ vào bờ cát nghe rào rạt, hòa với tiếng chim hải âu ríu rít đuổi nhau trên các lùm cây và bóng rặng núi xa xa mờ dần sau hàng dừa mang hình ảnh quen thuộc gợi Quân nhớ tới bãi trước Vũng Tàu của chàng ngày xưa. Dựa ngả trên chiếc ghế bố, nhìn lên trần lợp lá dừa nước của căn nhà trọ, Quân lim dim mắt lại và nghe lòng miên man nỗi nhớ mông lung. Bỗng nhiên chàng nghe một mùi hương ngào ngạt nhẹ nhàng len lỏi vào khứu giác. Làn hương vừa quen thuộc và xa lạ, như đánh thức dậy trong trí nhớ chàng một dĩ vãng xa xôi nào đó. Quân nhỏm dậy nhìn quanh khu vườn nhỏ. Tìm mãi một lúc sau Quân mới nhận ra chỗ xuất phát của mùi thơm. Một hàng những chậu kiểng xếp dọc lối đi giữa hai dãy lều tranh cột gỗ, mỗi chậu mọc đầy những bụi địa lan xanh ngắt. Chàng bước lại gần, mùi thơm càng quyến rũ nồng nàn hơn như mời gọi. Quân ngồi xuống bên một chậu hoa. Chùm hoa tím trắng rung lên nhè nhẹ cơ hồ như biết thẹn thùa khi thấy có người tiến lại. Cố hỏi mãi chàng mới mua được một chậu vì chủ nhà không định bán, chỉ muốn để chưng cho dãy lều trọ của ông ta làm cảnh đẹp hấp dẫn du khách. Lại còn phải vất vả nhiều chặng để mang chậu hoa an toàn về Mỹ cho khỏi gẫy, chưa kể phải khai báo và giải thích với customs ở cả hai phi trường Panama City lẫn Houston. Nhưng bù lại từ đó Quân có được một niềm vui nhẹ nhàng mỗi khi mở cánh cửa sổ sau nhà và nghe thế gian tan hết nỗi ưu phiền trong mỗi buổi chiều tối.

Hoa thuộc họ lan, Quân chỉ biết có thế. Còn loại lan gì thì chàng đành chịu. Chàng tra cứu đủ loại sách thảo mộc từ sách Mỹ đến sách Việt như quyển Thực Vật Học và Cây Cỏ Miền Nam của giáo sư Phạm Hoàng Hộ hay quyển Trăm Loài Lan Quý của nữ giáo sư Tô Ngọc Anh cũng không tìm ra loài nào có hình dáng màu sắc tương tự và nhất là cách tỏa hương độc đáo. Quân bèn đặt tên chậu lan là Dạ lai hương theo tựa của một bản nhạc Phạm Duy. Hương đến về đêm, tự nó đã mang niềm thần thoại đầy bí ẩn. Tại sao lại chỉ đến vào ban tối ? Có lẽ chỉ vào lúc không gian u tịch, hoa mới hết e thẹn để cho khách yêu hoa được thưởng ngoạn mùi hương. Quân tin là có lẽ mình có cơ duyên với một nhân vật trong cõi hư vô nào đó, như chàng Tú Uyên thuở xưa. Vì biết đâu mỗi khi chiều xuống chẳng có một nàng giáng tiên, linh hồn của hoa từ năm trước, nghe tiếng đàn guitar dìu dặt của Quân, biết người tài tử có lòng yêu hoa bèn ghé qua cửa sổ thổi vào chút hương xin chàng ghép lại dùm chiếc chén ngọc vô tình làm vỡ năm nào để nàng được rời dương thế ? Hay biết đâu nàng chẳng là kiếp tố tâm mà cô sinh viên Đại Học Sư Phạm ngày xưa tên Diễm ép trong thư gởi Quân, bây giờ hóa thành loài lan tím để đòi lại vài chiếc xương hoa cho nàng được đầu thai thêm lần nữa?

Cánh tố tâm năm xưa bây giờ chắc đã mục nát trong tờ thư vụng dại. Diễm đã yên vui gia đình ở một chốn êm ấm nào đó nơi phương trời Âu. Từ dạo nàng lấy chồng hơn mười năm về trước rồi đi Pháp, Quân chẳng còn nghe ngóng chút tin gì về người yêu cũ nữa. Vì chỉ vài tuần lễ sau cái ngày nhà em pháo nổ - anh cuộn mình trong chăn, là chàng cũng đã vội lên đường rời bãi biển Bà Rịa trong một buổi sớm mai đầy sương để hòng quên được nỗi nhớ thương ray rứt. Sang bên đây, những năm đầu vất vả tạo dựng chút sự nghiệp làm Quân ít có thì giờ tưởng về những ngày hoa mộng cũ. Đến khi học xong mảnh bằng, Quân mới có đôi phút để sống cho mình dù cuộc sống công chức hãng tư đất Mỹ vội vã tất bật như một dòng sông nước lũ. Chỉ khi về đến nhà chàng mới lại có thể ngồi bấm lại vài nốt trên cây guitar, ngâm vài hàng nhạc cũ bên chén trà ô-long mỗi lúc hoàng hôn lịm tắt sau hè, mở cửa sổ vườn sau để nghe dìu dịu mùi hoa rắc đi trong gió.

Quân hài lòng ngắm nghía vị trí chậu hoa. Chàng nhìn đồng hồ thấy còn sớm để đến một buổi khiêu vũ do hội cựu sinh viên Khoa Học tổ chức. Đã lâu lắm chàng mới đến lại những nơi đầy hơi rượu và tiếng nhạc ồn ào này. Lý do là có một điều gì bất ổn trong tâm, một mặc cảm bứt rứt mỗi lần chàng bước theo những đoàn người tấp nập kéo ra sàn nhẩy múa may theo tiếng nhạc. Thường thì mỗi khi được mời đi nhẩy, Quân từ chối ngay. Bạn bè Quân vẫn chế nhạo chàng mang đầu óc thủ cựu không chịu chuyển hướng để thích nghi với xã hội Mỹ. Quân chỉ gật đầu và thừa nhận rằng chàng cứng đầu, như cành cây kiểng đã được uốn theo một định hướng, sẽ chỉ mọc một cách ương ngạnh theo một kiểu riêng không giống bất cứ cây nào khác. Nhưng ít ai biết rõ lý do nào đã làm Quân muốn rời xa một niềm đam mê ngày trước.

Trước bảy lăm, Quân cũng khởi sự tập tành ăn chơi như đa số thanh thiếu niên khác ở Sài Gòn. Chàng làm quen không khí vũ trường qua vài lần cùng bạn bè đến QueenBee. Vừa mới lớn lại mê âm nhạc, Quân không có một lý do nào để không yêu được cái thú kéo bạn bè đến ngồi một góc trong QueenBee, tóc để dài đúng mốt che kín cổ áo, điếu thuốc tỏa khói vật vờ, nghe hồn lãng đãng chơi vơi theo từng phím nhạc với lời ca ái tình than thở. Những mái đầu gục sát vào nhau theo nhịp slow buồn thảm, hay nhún nhảy điên cuồng theo những bản rock thời thượng. Hàng ngày nhóm trẻ chuyên bàn chuyện khiêu vũ, phân tích từng bước, từng động tác để cùng nhau luyện tập cho nhuần nhuyễn. Đứa nào nhẩy hay sẽ được những đứa kia khâm phục như kẻ có thiên tài. Đứa nào ăn mặc đúng mốt hiểu biết theo sát thời trang sẽ được cả bọn lắng nghe và ghi nhớ kỹ. Tỉ dụ như áo chẽn nhưng phải đừng chẽn quá trông rẻ tiền; quần bát bây giờ phải rộng từ trên rộng xuống nhưng chỉ tối đa là 24 phân; giầy mũi u bây giờ đã đề-mốt, chớ có tậu vào v.v... Ở Sài-Gòn muốn làm mất mặt người nào, cách hiệu nghiệm nhất là phê người ấy thuộc loại dân nhà quê. Bị mang nhãn hiệu quê nhục nhã lắm nên ai cũng phải cố làm ra cái vẻ tỉnh ! Ngược lại, nếu muốn khen ai một cách ý nhị và làm cho người được khen thích thú mãi thì bảo : “Trông dáng anh cứ như Tây” hoặc dành cho giới trẻ “mày đúng là dân chơi như Mỹ thứ thiệt”; vì được giống Tây hay giống Mỹ - về bất cứ đặc điểm nào - là một đặc quyền hãnh diện vô biên cho dân thành thị. Ở đây đám con cháu bọn tham nhũng dựa thế chính quyền, của bọn thương gia làm giàu trên xương máu người dân vừa tới tuổi động viên là đã được lo liệu để đi du học, mai mốt trở về nước có degree hay không cũng ăn trên ngồi trốc bởi “thằng ấy là dân ở Tây về”. Vì thế lo cho con được đi Tây là sự chu toàn nhất của cha mẹ đối với con cái. Nếu không lo được đi Tây thì cũng lo được cho con cháu giấy hoãn dịch vì đủ mọi lý do trên cõi đời như gia cảnh, tôn giáo hay sắc tộc; để chúng khỏi ra trận, để chúng được du hí quên đời quên đi chiến tranh khốc liệt vẫn còn đang tiếp diễn từng ngày nơi các miền quê xa xôi; ở đó người dân cùng khốn vẫn đói ăn, vẫn kinh hoàng chui xuống hầm khi nghe tiếng hỏa tiễn gầm lên trong đêm tối. Ôi cuộc chiến này là trách nhiệm của ai đó ở phương xa kia, của những người nghèo đói quê mùa ít văn hóa và kém văn minh, của những thằng bạn học dốt thi trượt bị tổng động viên sau kỳ mùa hè 72; những thằng bạn quá tuổi phải đi Đồng-Đế hay Quang-Trung và giờ này đang chong mắt trên tháp canh hay ngồi trong những giao thông hào đầy bùn lầy ướt nhẹp. Chiến tranh là chuyện của họ lo. Chứ người Sài Gòn dân chơi chính cống theo đúng mốt Hoa Kỳ như Quân và đám bạn của chàng lúc đó thì không việc gì phải bận tâm dính dáng với chuyện chiến tranh. Chàng còn quá trẻ, quá ngây thơ để nhìn thấy cả một quê hương đang vang vọng lời trối trăn hấp hối.

Quãng thời gian truy hoan của Quân tuy thế không kéo dài được bao nhiêu. Chỉ chừng ít năm sau, tháng tư bảy lăm ập đến. Những bộ áo chẽn quần loe bây giờ dấu kín trong tủ, để thay vào đó bằng những bộ kaki hay vải thô, những mái tóc beatles đã được các đường tông-đơ phũ phàng xén gần sát gốc. Các toán băng đỏ đứng đầy các ngã tư gương mặt lầm lì với vũ khí trên tay, chặn xét gắt gao tác phong y phục của thanh niên. Giới hippies thủ đô như Quân bị giam lỏng, đâm ra tiếc nuối ngày tháng vàng son cũ, chỉ mong mau trốn khỏi cái xứ sở ẩm ương này để tiếp tục thú vui chơi cho thỏa chí bình sinh.

Nhưng từ khi rời khỏi Việt Nam, nỗi đam mê ăn chơi đó đã hoàn toàn chấm dứt trong Quân. Ký ức ở trại Bataan Phi Luật Tân đã in quá đậm nét, một ký ức tô những nét thô bạo trơ trẽn lên tâm hồn Quân làm chuyển hướng hoàn toàn quan niệm của chàng để trong một buổi sáng chàng thức giấc mở mắt ra nhìn thấy gông cùm nô lệ vô hình còn đang quàng trên cổ những con người mất gốc mà chàng là một đơn vị trong đó. Chuyển qua Phi từ Mã Lai, sáu tháng trời trong trại Bataan không mấy đêm khu longhouse nơi Quân ở được yên giấc vì tiếng nhạc ồn ào của một “lớp” dậy nhẩy đầm tại căn nhà kế bên do một ông thày khiêu vũ đảm trách. Ông vũ sư này lấy học phí hẳn hòi, có cả trăm học trò đến học nhẩy hàng ngày già trẻ lớn bé đủ tầng lớp. Những lớp dạy nhẩy này mọc lên khắp tám vùng trong trại. Anh thầy nào cũng tự nhận là cựu vũ sư đã từng huấn luyện cho các em ca ve thời phục vụ quân đội Mỹ ở Long Bình, Qui Nhơn hay Đà Nẵng ! Kỳ lạ hơn nữa, những thuyền nhân xơ xác vừa thoát khỏi tử thần từ những vụ hải tặc, bão tố và đói khát đã lập tức ghi danh đi luyện nghề bởi vì một lý do vô cùng quan trọng : Hổng học để mai mốt đi Mỹ không biết nhảy quê lắm ! Họ bảo nhau như vậy. Các nông dân chất phác quê từ Bến Tre, Cà Mau xưa nay chỉ biết luống cỏ nương dâu chưa từng bao giờ nghe qua động từ nhót nay cũng đóng lệ phí để mong trở thành kẻ văn minh với đời, khỏi bị chê là kém cỏi. Trong khi đó các lớp dạy Anh Văn, dạy nghề thì lại vắng như chùa bà đanh. Đi làm thông dịch cho một vocational center Quân ngày nào cũng chỉ thấy lèo tèo hai ba mống người Việt đi học những nghề thực dụng như điện lạnh, máy nổ, và không biết trả lời sao khi instructor người Úc thắc mắc không thấy học viên Việt Nam ghi tên theo học nghề mà chỉ thấy toàn người Lào và Miên trong lớp. Chưa hết, để bảo đảm trình độ khiêu vũ cho cuộc sống ăn chơi của nòi giống Rồng Tiên trong tương lai ở hải ngoại được chu đáo hơn, lâu lâu ở trong trại người Việt di tản buồn còn tổ chức tranh giải xem ai là người có những bước tango hay valse lả lướt nhất. Thanh niên thiếu nữ khắp nơi từ vùng một tới vùng tám kéo nhau về hội trường gần khu Quân ở để quyết giật cúp vua nhót. Cũng có mấy anh “mạnh thường quân” đứng ra bảo trợ đàng hoàng. Rồi vô số các vụ ẩu đả tranh gái đã xảy ra trong những buổi ấy phải có lính Phi mang dùi cui tới dẹp. Những đêm đó Quân chỉ biết thở dài, bước xa khỏi khu nhà ở để không phải nghe thấy tiếng nhạc disco rậm rật vọng ra từ hội trường. Những người này đang ăn mừng vì nhờ trời đã ban cho một đời mất nước họ mới được phủ phê đến thế, Quân thầm nghĩ. Chàng bỗng thấy xấu hổ cùng cực nhớ lại sự đua đòi của chính mình ngày mới lớn. Mang cảm giác phạm tội, Quân lê gót ngồi bên ly cà phê trong một quán nhỏ đầu trại nhìn lên bầu trời đầy trăng sao và nhớ đến thân phận thuyền nhân, nhớ các anh Lâm anh Thăng ra đi biền biệt không còn nghe tin tức. Chàng lại hồi tưởng mới sáng nay thôi, hai chiếc ghe đầy tỵ nạn khởi hành từ Rạch Giá lênh đênh gần một tháng trên biển hết đồ ăn chết cả thảy hai mươi chín người vì đói khát và kiệt sức, được hải quân Phi kéo vào bờ và bỏ cả hai xác ghe ở trong trại. Khi Quân ra xem thì những người sống sót đã được đưa vào nhà thương chỉ còn hai chiếc ghe nhỏ bé rách nát nằm nghiêng trên thảm cỏ và một nhóm người hiếu kỳ bu quanh. Con thuyền chỉ dài chừng hơn mười thước mỗi chiếc bên trong vẫn còn quần áo rác rưởi ngổn ngang, nồng nặc xông ra mùi tử khí. Quân bước về và nghe trong tim mình một nhói đau. Chàng nghĩ đến cái nhóm người đang nhảy tưng bừng rạc cẳng mồ hôi ướt đẫm, những người chỉ mấy tháng trước may mắn thoát khỏi số phận của những đồng hương xấu số ban sáng kia bây giờ đang say sưa uốn éo theo tiếng nhạc mở lớn từ chiếc cassette đặt trong góc hội trường. Vậy mà cũng dám nói với nhân viên của INS là chúng tôi liều chết ra đi để tìm lẽ sống được ư ? Vậy mà cũng ngoác miệng đòi làm tị nạn chính trị được ư ? Một hôm Quân dại dột mang điều đó ra bàn với mấy học viên lớp khiêu vũ khi họ ra nghỉ giải lao thì được trả lời sừng sộ :

- Mình đương nhiên là người tỵ nạn vì mình trốn áp bức đi tìm tự do. Ở Việt Nam làm gì được nhà nước cho phép nhảy đầm ! Đất nước gì mà dân chơi như tụi tui chuyên môn phải nhẩy chui nên tui phải quyết ra đi !

Quân im ngay vì thấy mình vừa chạm phải một bức tường bằng đá, bức tường của sự xuẩn ngốc, quá khích và mê muội. Bức tường bao la tăm tối vây quanh tiềm thức trăm ngàn con dân Lạc Việt. Từ đó, khi sang đến Mỹ, lòng Quân nghe nhạt hẳn thú đi chơi. Sàn vũ trường với những ly cocktails và âm thanh nhộn nhịp không còn mang hình ảnh một chốn vui cho Quân như trước nữa. Bây giờ chàng đủ lớn khôn để biết rằng nơi quê hương, anh em còn quá khốn khổ. Bản nhạc Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa nghe thấm thía triền miên. Bông hồng dành cho anh Thăng, anh Lâm. Các anh, những người ngã ngựa rơi xuống vực tối thảm thê với một mảnh đời tan vỡ. Nhưng bên đây, có cả trăm ngàn những người tim bằng đất, và những búp bê tim bằng nhựa...

Do đó luôn luôn Quân mang một nỗi buồn nặng chĩu mỗi khi cả nể bạn bè phải đến ngồi những nơi nhẩy đầm hay khi phải ở lại dự phần dạ vũ của những đám cưới. Chàng không chỉ trích ai lăn xả vào cuộc vui, nhưng cũng không hưởng ứng vì Quân thực tình không còn thấy thích thú. Chuỗi ngày Bataan đã đến như một lát dao tàn nhẫn cắt đứt trong lòng chàng tất cả mọi đam mê hồi trước. Y hệt như một người sau khi chứng kiến cảnh giết chó trong các lò mộc tồn ở Xóm Mới hay ngã ba ông Tạ, từ đó bỗng mất hẳn cái tuyệt thú thưởng thức món rựa mận chả chìa dù cho lá mơ giềng mẻ có ướp lên thơm lừng thế nào đi chăng nữa.

Tuy thế, đời Quân không phải lúc nào cũng ăm ắp u sầu. Những năm Quân còn ở ngã bảy Sài Gòn học năm cuối trường Khoa Học đường Cộng Hòa là thời gian chàng hạnh phúc nhất. Gặp Diễm một buổi bọn chàng sang Sư Phạm đánh bóng chuyền, lòng Quân tô thêm màu yêu đương rực rỡ. Hôm ấy chàng đang hăng độ volleyball với đám bạn bè cùng lớp. Quân chơi bóng chuyền rất căn bản vì thụ huấn hai khóa với huấn luyện viên Nguyễn văn Hán và Trần Khắc Phục ở sân vận động Phan Đình Phùng. Vào những hôm cáp độ với đại học Sư Phạm ngay bên cạnh Khoa Học, Quân cầm đầu một nhóm bóng chuyền kéo qua sân địch thủ để thi tài, thường là mỗi bên chỉ ba hay bốn người, và đội thắng trận sẽ được "chung độ" những ly cà phê sữa đá và những điếu Samit thơm ngon. Trận volleyball thứ bảy hôm ấy diễn ra thật gay cấn dưới bóng mát của tàn cây phượng vĩ. Phe Quân cố đập bóng mạnh bao nhiêu thì đội Sư Phạm lấy lại service đủ bấy nhiêu. Trường Sư Phạm có bộ ba Đức, Trinh và Tường ăn rơ không thể tả. Đức là tay đập bóng nặng ký nhất, đường bóng luôn luôn cắm mạnh đôi khi xuống trên cả vạch tấn công. Về ba-rê thì Trinh số dách. Hắn giơ cả hai cùi chỏ trên lưới mỗi lần chắn bóng, làm Quân phải đánh tạt ngang để tránh nếu không đường banh sẽ dội ngược lại, không ai lót kịp. Nhưng sau hơn nửa tiếng đồng hồ chiến đấu thư hùng, cuối cùng bọn Quân cũng thắng trận. Đang ngồi cười đùa và lau mồ hôi, nhâm nhi ly cà phê ở chiếc quán cạnh sân banh bỗng Quân nghe Nhã tay phông của chàng gọi lớn :

- Diễm ! Nãy giờ đứng ở đâu đó sao anh không thấy... Hôm nay chỉ có giờ học buổi sáng thôi hay sao?

Quân quay về phía sau nhìn theo hướng Nhã gọi. Một người con gái trẻ trong chiếc áo dài trắng đang ôm cặp bước đến ngập ngừng nhìn mọi người nhoẻn cười xinh xắn. Cả bọn con trai đang ồn ào bỗng im bặt. Nàng vén áo dài ngồi xuống cạnh Nhã :

- Lại thắng rồi phải không ? Các anh chỉ giỏi bắt nạt dân Sư Phạm của tụi em.

Vừa nói nàng vừa đưa bàn tay có những ngón thon nhỏ cầm ly cà phê đá của Nhã đưa lên môi. Ánh mắt trong như hồ thu qua hàng mi dài chớp nhẹ. Bọn con trai quàng vội áo lên để che những chiếc lưng trần đầy mồ hôi và đất cát. Nhã nói :

- Đây là Diễm em họ của tao, mới vô năm đầu học nghề gõ đầu trẻ, không chơi banh nhưng thích coi thể thao nhất là bóng chuyền. Hay đứng trên lầu quan sát từng thằng tụi bay đánh bóng, hỏi tao tên từng đứa mà tao chưa chịu nói vì chưa có dịp.

Rồi hắn chỉ vào từng người giới thiệu :

- Bữa nay gặp đây tao giới thiệu hết nghe: Lê Hữu Chung tự Chung Vô Diệm là thằng cao kều này nghe Diễm, tay đập đang lên, nghịch phá nhất bọn. Còn cái thằng cười cười kia là Lâm Chánh Đạo, học hành có hạng, nhưng chuyên môn bỏ nhỏ rất ma giáo nên anh gọi nó là Lâm Tà Đạo. Ngồi cạnh anh là thằng Trí, nhiều râu mép lại có võ nên mang biệt danh Trí Trần Tinh. Cuối cùng, điển trai và đánh hay nhất thì vẫn là thằng Quân này, tự là Quân Apollo, kiêm nghề nhạc sĩ ghi ta, đứa nào lấy nó sau này không sợ chết đói vì nếu kẹt nó có thể đánh đờn trên xe buýt với thùng tiền để trước mặt! Diễm biết hết tên tuổi cầu thủ của nhóm võ lâm ngũ bá đất Khoa Học rồi nhé. Chiều nay phải khao anh một chầu kem Hiển Khánh...

Bọn trai nhao nhao hưởng ứng. Đạo nói :

- Cho tui đi nữa nghe.

- Cả tao nữa. Trí giơ tay.

Chung càu nhàu:

- Thằng Nhã tệ thiệt. Tui xấu trai cha mẹ tui chịu mắc mớ gì mấy người mà khai bí danh của tui ra cho thiên hạ hay.

Cả bọn khoái chí cười như nắc nẻ. Chung Vô Diệm lại tiếp, giọng càng ai oán :

- Thế là từ đây đời tui kể như rồi. Đất Sư Phạm bữa nay đã biết cái biệt danh khốc hại tụi bây đặt cho tui, còn cô nào mà thèm tui nữa!

Chiều hôm ấy, quán chè Hiển Khánh rộn rã tiếng cười của bọn trẻ. Họ ăn kem và chọc ghẹo nhau, ngồi quanh chiếc bàn tròn bên cạnh chậu mai trong tiệm nở sớm, xác mai rụng lác đác trên thềm. Quân lặng yên nghe từng muỗng kem mát lạnh ngọt ngào tan trong miệng, và khẽ ngắm mái tóc dài của Diễm phơ phất phủ bờ vai thon với chiếc áo thêu viền cổ. Nàng ríu rít như chim vành khuyên ban mai, bá vai Nhã vòi vĩnh đủ thứ. Quân nhìn khuôn mặt trái xoan với chiếc miệng tươi như một nụ hồng hé nở, lòng bâng khuâng tự hỏi sao mình qua trường Sư Phạm của Diễm chơi banh nhiều lần mà lại chưa hề gặp nàng. Chàng muốn đặt tay lên mái tóc mượt mà kia để nghe như có một giòng suối mát len lỏi mãi trong tim.

Hơn một tháng sau, Quân mới gặp lại Diễm trong sân trường. Nàng bảo kỳ thi giữa khóa vừa rồi quá bận; bây giờ lại bắt đầu học bài cho kỳ thi cuối năm nên không ở lại sau những buổi có lớp. Và chỉ còn hơn tuần nữa là Tết. Quân ngập ngừng mời nàng đi xem hội hoa lan mùa xuân ở vườn Tao Đàn. Diễm nhận lời, hai người đạp xe chầm chậm trên đường Hồng Thập Tự. Bóng cây cao đổ dài mát lòng phố. Quân đưa Diễm vào xem rừng lan triển lãm, nơi đây các nghệ nhân trồng hoa lan lừng danh khắp nơi đổ về Sài Gòn mang theo vô số tuyệt tác phẩm của họ về khoa trồng lan. Cả ngàn bụi hoa khoe sắc thắm, từ những chậu địa lan terrestris phalapuis cánh hoa cong vòng úp vào nhau, cochinchinum aloadae nở từng cặp so le một trắng một hồng, cho đến các giò phong lan hiếm quý mang về từ các vùng thượng du Đắc Lắc hay Ban Mê Thuột. Trường Đại Học Nông Nghiệp có một kiosque triển lãm có các thầy cô đứng thay phiên nhau giải thích từng loại lan rừng cho khách thưởng ngoạn. Quân dừng lại bên kiosque Khoa Học của chàng, vẫy tay chào thầy Lý Công Kiệt. Thầy Kiệt dáng khoan thai với nụ cười cố hữu, đang chỉ vào sơ đồ trên bảng để trình bày quy trình tăng trưởng của sự ươm giống và chiết, làm thế nào tạo ra màu và kích thước hoa theo ý muốn.

Hai người rảo bước đến khu lan rừng Pleiku. Diễm đứng bên mấy giò phong lan treo trên cột, tấm tắc khen ngợi nét đẹp của đóa cattleya đơn độc kiêu sa vàng thắm, ngắm nghía cụm epiphytic orchidaceae với hàng trăm bông nhỏ mọc chi chít trên cành. Nàng mua một giò hoa tím, lòng hoa trắng ngần, còn chục nụ chưa hé nở. Đưa giỏ hoa lên ngang tầm mắt, nàng nghiêng đầu hỏi :

- Đẹp không anh ?

Quân không nhìn hoa. Chàng nhìn vào đôi mắt nhung của nàng rồi đáp :

- Tuyệt trần. Không chê vào đâu được.

- Cụm hoa này không thấy đề tên. Trông nó giống như loài hoa trong truyện của Hoàng Ngọc Phách. Em đặt tên là lan tố tâm, nghe có được không ?

Hai người yêu nhau từ hôm ấy. Những năm tháng kế tiếp là thời gian thơ mộng nhất đời Quân. Bờ sông Thanh Đa có hàng dừa xanh lá, đám bè lục bình nở bông trắng êm trôi đã là nơi chàng và Diễm nhiều lần đến, để Diễm nghe chàng nói những lời tình tự. Khuôn viên Sư Phạm dưới bóng cây phượng nở hoa sầu đỏ chót, là nơi hai mái đầu chụm vào nhau kể chuyện yêu đương. Giòng mực tím lả lơi trên tờ giấy trắng trao tay đã phong kín tâm tình của hai người tuổi trẻ đang yêu đắm đuối.

Thế nhưng thời gian chẳng bao giờ báo trước thiên tai. Y như một người tỉnh dậy nửa đêm vì nghe tiếng gió rít qua khung cửa và chỉ kịp thấy cơn cuồng phong xô đến xóa vùi cuộc đời yên tĩnh. Quân cũng vậy. Chàng nào có biết ngày vui qua mau và lòng người thì như chiếc lá vàng khô trong cơn lốc xoáy, vì đến năm Diễm ra trường thì cuộc tình êm đẹp kia tan thành mây khói. Nàng đã quên hết lời thề non hẹn biển với Quân và ưng thuận kết duyên với một gã Việt kiều yêu nước cư ngụ ở Pháp du học từ năm bảy mươi ba, để mặc cho Quân ngẩn ngơ nghe như thế giới của chàng tan rã.

Buổi họp mặt cựu sinh viên bắt đầu, xướng ngôn viên đọc lời khai mạc xong, cử tọa vỗ tay rời rạc. Quân ngồi thu mình một góc bàn xa sân khấu với vài người bạn cùng lớp ngày xưa. Các kỷ niệm cũ hồi còn đi học lại đem ra kể, nghe mãi cũng đâm chán. Hết chuyện cũ lại xoay qua chuyện con cái, insurance, mutual funds, đánh bài, xe cộ. Bên phải Quân, hai người bạn hăng say tranh luận về vấn đề ly dị và quyền thăm con của người cha. Bên trái Quân một người lớn tiếng chê kẻ ngồi bên cạnh :

- Qua Mỹ cả hơn chục năm mà anh chưa biết mùi Las Vegas ? Vậy thì qua làm cóc gì?

Anh kia rụt rè:

- Bận quá ông ơi... mai mốt rảnh đi hồi nào không được.

Chàng nọ bĩu môi, nói lớn cốt cho cả bàn nghe thấy :

- Tôi hả ? Không có đâu là thiếu mặt tôi. Trường đua ngựa Sam Houston, trường đua chó dưới South 45, Capri Casino, Lake Charles tôi có mặt thường xuyên. Đã sang được bên đây, phải ăn chơi trội hơn bọn Mỹ tụi nó mới nể...

Sau lưng Quân, mấy người khác thì thào bàn tán về ban nhạc hôm nay đến từ Cali có tiếng là chơi rất bốc. Ai cũng chỉ náo nức chờ tới tiết mục hấp dẫn, chẳng ai thèm nghe bài đọc của ban đại diện. Không khí nồng nặc mùi thuốc lá, nhìn lên trần khói quyện như sương mù trong ồn ào hỗn loạn. Tiếng người cười nói lao xao. Tiếng trẻ con khóc đòi về. Tiếng giới thiệu người này với người nọ, chức tước địa vị bằng cấp nghe nửa kênh kiệu nửa láo khoét, tiếng cười giả lả của những người không tìm được lời đối đáp cho những câu nói khích bác pha lẫn bông đùa. Lòng chán ngắt, Quân định đứng dậy ra về. Bỗng chàng trông thấy một bóng quen thuộc ở một bàn đàng xa. Chính là Nhã, hắn cũng nhận ra, chạy vội đến, hai người bạn tay bắt mặt mừng. Hắn qua Mỹ tám hai, ở Florida từ đó mới dọn về đây mấy tháng. Xem báo thấy có buổi dạ vũ họp mặt cựu sinh viên trường bèn tìm đến, không ngờ gặp lại bạn cũ. Rồi Nhã ngập ngừng hỏi :

- Mày biết tin về Diễm chưa?

- Chưa. Tin gì ?

- Diễm mất mùa đông năm ngoái. Trên đường về từ vũ trường Ritz ở Ba Lê, xe hơi lạc tay lái rơi xuống đèo ở miền nam nước Pháp. Để lại ba đứa con nhỏ. Một đứa đang ở với tao.

Về đến nhà, đồng hồ đã chỉ gần mười hai giờ khuya. Dù chưa uống một ngụm rượu Quân vẫn thấy say ngầy ngật. Xuống xe, chàng lảo đảo bước lên thềm tra chìa mở cửa, lòng hoang liêu như bãi tha ma. Căn nhà quen thuộc hôm nay bỗng trở nên thật vắng, thật lạnh lẽo như nhà bỏ hoang. Ôi Diễm ngày xưa của chàng, Diễm đẹp như một bông tố tâm bây giờ đã ra người thiên cổ. Dĩ vãng của những năm Sài Gòn trở lại quay cuồng như cơn lốc trong trí nhớ. Còn đâu nữa môi thắm má đào của khuôn viên Sư Phạm năm xưa. Còn đâu những bước chân chim in khắp phố phường thuở nhỏ. Ngồi trong căn nhà lặng lẽ, Quân thờ thẫn một lúc lâu, lòng ngổn ngang trăm mối. Chàng bước đến tủ lạnh, mở chai rượu vang, rót một ly đầy uống cạn. Ngắm nghía chiếc ly không trên bàn, chàng lẩm nhẩm trong miệng mấy câu thoáng hiện em về trong đáy cốc. Quân chợt nhớ đến chậu lan dạ lai hương, niềm an ủi từ bấy lâu nay của chàng. Chắc giờ này mùi hoa đang ngào ngạt. Biết đâu hoa chẳng vì mình mà sẽ nhỏ lệ thương dùm người thiếu nữ năm xưa hồng nhan bạc mệnh?

Quân mở cửa sổ vườn, bật đèn patio lên. Miệng chàng bỗng khô cứng, hai mắt mở lớn nhìn chậu địa lan không chớp. Chàng không thấy chùm hoa quen thuộc đâu cả. Nguyên gốc địa lan đã ủ rũ gục xuống chết khô tự bao giờ. Chàng ngồi xuống bên chậu hoa, tay mân mê mấy cành lá héo. Mùi hương hằng đêm trước kia đã tan đâu mất, chỉ còn vị ẩm mốc của đám đất trồng trong chậu bay lên quyện với hơi sương đêm nhẹ nhàng mát lạnh.

Nguyên Cương Andy

Gửi về các bạn Luận, Toàn, Sơn, Diệp, Thắng của ĐHKH năm xưa

Quân xoay lại chậu địa lan trên sân patio nửa vòng để cho chùm hoa lan hướng về phía cửa sổ, nơi chàng thường ngồi uống tách trà nóng buổi sáng. Những bông hoa trắng đốm tím mọc chen chúc trên cành làm chĩu cả thân cây, tựa như đàn bướm đậu chi chít trên một sợi dây rắc mật. Địa lan và phong lan thường không có hoặc có rất ít mùi thơm, khó lòng ngửi thấy trừ phi đến thật gần. Nhưng chậu địa lan này lại đặc biệt khác hẳn. Cứ mỗi buổi chiều khi hoàng hôn gần tắt, Quân lại nghe ngào ngạt một thứ mùi ngây ngất thoảng vào qua cửa sổ từ chậu hoa. Mùi hương không gắt không nồng, nhẹ nhàng huyền hoặc như bay về từ một chốn xa xôi mãi tận chân mây đầu gió. Kỳ lạ hơn nữa là chậu hoa nở quanh năm, cứ chùm này sắp tàn lại nở ra chùm khác, không bao giờ hết.