Chuyện Quê Hương

Chuyện Quê Hương

Ngày 27 tháng 12, 2005 - 11 pm

Tiếng rít hãm của chiếc phi cơ xuống mặt phi đạo nghe nhức óc. Hành khách bắt đầu nhốn nháo. Vài người đã bất chấp tiếng cảnh cáo phải thắt dây an toàn của phi hành đoàn, lục tục tháo seatbelt đứng dậy định mở ngăn hành lý. Các tiếp viên JAL nhăn mặt tiến tới ngăn lại sự vi phạm nguyên tắc. Những người phạm lỗi cứ tỉnh bơ như không, giơ tay giơ chân có vẻ bực tức “chỉ vẽ chuyện, máy bay sắp dừng lại rồi còn gì nữa”. Các cô attendant người Nhật lắc đầu cười gượng gạo vẻ mặt bối rối pha lẫn ngạc nhiên. Các cô chưa biết bọn người này đuợc sinh ra ở đất nước có đến những bốn ngàn năm văn hiến. Không muốn nhìn thấy mấy anh việt kiều vô kỷ luật vô văn hóa đã bắt đầu rút thuốc lá ra gắn trên môi, tôi đưa mắt ngó qua cửa sổ phi cơ. Tân Sơn Nhất vẫn nhỏ bé và tiêu điều với một terminal duy nhất. Chuyến nào đỗ xuống hành khách cũng phải đi xe buýt vào phi trường. A, không, bây giờ có tiến bộ rồi đấy chứ. Có “đường ống” từ lầu hai xuống kia kìa. Bỗng thấy vui vui vì một tiện nghi thông thường của thế giới nay đã được nhập cảng.

11:35pm. Tôi và hiền thê lết được đến bàn immigration sau khi xếp một cái hàng dài dằng dặc. Hai gã nhân viên hải quan mặc đồng phục cứt ngựa, khuôn mặt cũng dài như ngựa, khó đăm đăm như ngầm bảo “hải quan chúng tớ không dễ đâu, này muốn tử tế bình yên ăn tết quê hương thì thập nguyên a-lê kẹp vào hộ chiếu”. Tôi nghĩ thầm. Hừm. Khó chịu hả... Nguyên Cương bản tòa cũng đâu phải thứ dễ chơi, mà cũng chẳng phải người hào phóng. Dọa nạt bọn mang hàng lậu, phim sex thì được chứ dọa ta thì kể như bù. Bèn nhíu mày, trình diễn một dung mạo lạnh lùng khó thương còn hơn hai thằng mặt ngựa themselves, và sửa soạn một lô ngôn từ cộc lốc bất lịch sự đến chỗ thượng thừa (di độc trị độc, mình phải trên nó một bậc) như sau :

Hải Quan: Visa anh đâu ?

Nguyên Cương: Đây.

HQ: Về Việt Nam lần thứ mấy ?

NC: Sáu.

HQ: Có mang gì theo không mà chẳng khai vào đây ?

NC: Toàn quần áo cũ. Muốn xem không ?

Đến đây thì hai gã hải quan mặt ngựa bắt đầu thất vọng vì kẻ trước mặt không lộ vẻ "charitable" hay “ready to give” gì sất cả. Hai gã nhìn nhau, thầm trao một tín hiệu bằng mắt "thằng này vừa kẹo vừa bướng, tha cho nó, ta không nên mất thì giờ" và gấp cái visa vào quyển passport lại, ném lên mặt bàn :

- Xong.

Rồi mã diện song xú lại tiếp tục làm việc với người kế tiếp, hy vọng người này sẽ yếu bóng vía hơn gã Nguyên Cương vừa rồi, mịa, việt kiều gì mà keo kiết, mà lại bản mặt dễ ghét còn hơn Hà Bá, bản mặt ấy chắc bên Mỹ cũng chỉ có nước làm nghề hải quan.

Nhét giấy tờ vào túi và quay lại, tôi thấy một chị đàn bà để một tờ màu xanh vào hộ chiếu, giả lả một nụ cười cầu tài và sợ sệt, di sản truyền thống của một sắc dân muôn đời bị trị. Oh well. Càng nghĩ càng chán.

11:50pm. Rời Tân Sân Nhất, anh Kim lái chiếc LandCruiser mượn của hãng xem chừng rất thành thạo. Chị Quý tíu tít nói chuyện với hiền thê ở băng sau, hai chị em ruột lâu ngày xa cách có cả ngàn chuyện hàn huyên. Con đường Nguyễn Văn Thoại ban đêm vẫn hối hả xe cộ. Mệt phờ người. Chỉ muốn ngả lưng xuống một cái trường kỷ, nghe tiếng Thái Hiền hát lên từ chiếc phono nhè nhẹ. Hay nghe một đoạn thơ của Cao Tần đọc bằng giọng thuốc lào nhừa nhựa của thằng Sĩ Trực.

8 am ngày 4 tháng 1, 2006

Ly cà phê Trung Nguyên ở đường Nguyễn Tri Phương đặc sánh. Thơm lừng. Ngon tuyệt. Anh Kim móc gói thuốc. Tôi mồi lửa điếu Dunhill nội hóa. Mùi thuốc nghe tàm tạm. Và hương vị của tô phở Tàu Bay nửa tiếng trước vẫn còn đọng lại trong khứu giác. Tô phở của những ngày xưa tuổi trẻ hai mươi mấy năm trước. Ngày ấy, sáng nào mình có xìn rủng rỉnh mà "phạng" được cái chín nạm vè dòn xe lửa thì cả ngày hôm đó trong lòng yêu đời phơi phới hân hoan, đi xe cũng đạp nhanh hơn, chơi bóng chuyền nhẩy cao hơn, nghe thầy giảng dễ hiểu hơn, và nom người yêu dĩ nhiên cũng thấy xinh xắn hơn dăm ba bậc.

Hôm nay con đường tấp nập đủ loại xe, ồn ào trong buổi sáng đi làm đi chợ. Khu phố đã thấy lác đác có nhà bê những chậu mai ra trước cửa, những bông hoa vàng thắm. Tết đã gần đến. Con gió se se hiếm hoi của mùa đông Sài Gòn thoảng qua, thổi tung mấy xác lá mặt đường.

Bỗng anh Kim lên tiếng làm tôi ra khỏi ý nghĩ mông lung :

- Còn nhớ thằng Đỗ Thiên Ân ngày xưa học Khoa Học với tụi mình, cái thằng công tử đánh bóng chuyền chuyên môn mặc đồ kẻng nhất sân giầy vớ áo thun trong khi anh em mình chỉ độc cái quần xà lỏn ?

Tôi bật cười vì các dữ kiện nhắc về một nhân vật khá độc đáo ngày trước của anh Kim.

- Nhớ chứ. Thằng Ân học bên khoa Vật Lý.

- Ừ nó là bạn thân của anh. Đi lại thường xuyên. Bây giờ nó giầu lắm, bụng to chứ không thon thẻ như hồi đó đâu, mở công ty xuất nhập khẩu. Nó nghe anh nói chú về thăm nhà, nó mới gọi điện mời anh em mình lại nhậu chơi ngày thứ bảy.

Ngừng một lát, anh Kim nói tiếp :

- Cũng tội nghiệp nó. Lấy vợ hồi mới năm thứ hai, vợ chết sau khi đẻ xong được một đứa con gái. Thằng Ân ngày xưa ăn chơi là thế mà sau này lại chung thủy. Vẫn ở vậy nuôi con. Đứa con gái bây giờ hai mươi mấy tuổi khá xinh lại nghe đâu lấy một thằng ngoại quốc, chắc sắp đi Tây bỏ bố lại một mình.

Tôi gật gù nhớ lại thằng bạn năm xưa trên sân banh Khoa Học có nụ cười rộng hàm răng to bản mà các thầy tướng thường cho là người có số sung sướng về đường thê nhi :

- Tội nó nhỉ. Thôi thì thằng Thiên Ân cứ ngồi chờ, con gái nó lấy Tây xong bảo lãnh cho bố sang bên ấy cũng đỡ nhớ con.

Tiếng rao vang vang của một thằng bé bán báo trên đường. Anh Kim mua hai tờ, hàng tít nhà máy dầu Dung Quất đang tiến hành xây dựng ở Quảng Ngãi làm câu chuyện chúng tôi đổi hướng.

- Chú Cương bên ấy có biết mấy công ty Pháp sắp nhận thầu xây cất nhà máy lọc dầu Dung Quất không ?

- Tháng trước em có đọc tin. Nghe nói “thằng” Technip Corporation sẽ xây Dung Quất.

- Thế chú có định về làm việc không ? Chuyển qua Technip mà làm. Làm expat tha hồ tiêu tiền đô, các cô local lại bám theo chú gỡ không ra cho mà xem, vợ chú lại tha hồ mà ghen...

Thở một hơi khói dài, tôi dụi tắt điếu thuốc cháy dở :

- Không, anh ạ.

Câu hỏi của anh Kim về expat, tức expatriate, nhắc tôi nhớ đến một câu chuyện. Tôi nhấp ly trà, dựa vào thành ghế và kể lại cho anh Kim nghe, vì sáng nay cũng không biết làm gì cho hết thì giờ.

Cách đây hai năm, khi lang thang trên mạng internet trong một diễn đàn tiếng Việt tôi đọc thấy có một người con gái còn trẻ ở Sài Gòn, đang phân vân chuyện tình duyên. Nàng có anh bạn trai người Mẽo. Anh Mẽo công tác cho một công ty ngoại quốc ở VN được vài năm, quen nàng thiếu nữ Việt một thời gian và muốn “nâng cấp” mối quan hệ từ good friend, đến lover, rồi thành live-in. Anh thúc dục. Nàng khó nghĩ quá. Nửa muốn đi theo tiếng gọi của con tim, nửa muốn dè dặt sợ ôm hận ngàn thu. Nàng post một message lên diễn đàn “Tâm Sự“ trên mạng như sau:

Chào các bạn. Trong lòng mình hiện nay đang rối bời và cũng chưa biết phải làm sao đây.

Hiện nay mình 27 tuổi, đang sống và làm việc tại một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Cách đây một năm mình có quen một doanh nhân người Mỹ 47 tuổi khi ông ta tới Việt Nam làm Manager cho một công ty nước ngoài. Vì ông ấy bận rộn kinh khủng nên chúng mình ít có cơ hội gặp gỡ nhau mà chủ yếu chỉ là nhắn tin và gọi điện. Ông ấy là một người trầm và lịch sự. Bất cứ đi đâu và làm việc gì ông ấy đều nhắn tin cho mình biết hành trình như thế nào. Mình cũng nghĩ là ông ấy có tình cảm với mình, nhung do có ít cơ hôi gặp nhau nên mình cũng không biết chắc lắm. Cách đây một tháng sau khi chúng mình gặp nhau ông ấy nhắn tin và bảo rằng "You are my love. You shoud just move in and live with me". Do sự khác biệt về văn hoá nên mình cũng không hiểu ông ấy nói “move in and live with me” thế có nghĩa là như thế nào nên mình không có ý kiến gì cả. Nhung ông ấy luôn đề cập đến và hỏi mình có hiểu không ?

Mình đang phân vân về ý nghĩa lời đề nghị ấy và nếu chấp nhận thì mình phải làm gì ?

Những lúc gặp gỡ mình chỉ cho phép hug and kiss và chưa bao giờ đi quá giới hạn. Mình có giải thích đó là do văn hoá Việt Nam không cho phép như vậy thì ông ấy nói rằng “em đừng nói về văn hoá Việt Nam, hãy nói về cảm xúc của em, đó mới là điều quan trọng”.

Mình chỉ sống ở Việt Nam chưa đi ra nước ngoài bao giờ nên không hiểu biết về sự khác biệt văn hoá giữa các nước. Điều đó làm cho mình càng phân vân. Mình tuổi Mùi, ông Mỹ tuổi Dậu. Mình coi bói thấy hai tuổi hợp.

Các bạn giúp mình với nhé.

SaveTheBestForLast.

Nàng thiếu nữ Sài Gòn có nickname là SaveTheBestForLast (trên mạng ít ai lấy tên thật) post xong cái lá thư hỏi ý kiến trên được vài hôm thì vô số thư phản hồi gửi đến. Nội dung của những lá thư ấy là khuyên nàng nên cẩn thận. Có thư bảo nàng coi chừng bị lường gạt, có thư chê anh Mẽo quá già, có cái lại bảo nàng cứ “thử lửa” xem sao. Tôi thì khi xem xong post của nàng bèn nổi máu anh hùng Lương Sơn Bạc. Thương hại cho sự khờ khạo của nàng ta cũng có, mà vì muốn ... ra vẻ thầy đời cũng có. Nên hạ bút như sau :

SaveTheBestForLast,

Đọc những hàng chữ của em tôi thực sự lo ngại, vì tôi sống và làm việc ở USA hơn 20 năm nay nên biết khá rõ bộ mặt thật của rất nhiều expats của các công ty Mỹ khi đi công tác nước ngoài, nhất là đến các nước Á Châu nhu VN ta. Tôi cũng là 1 expatriate đi công tác nhiều lần ở khắp nơi trên thế giới nên có dịp truyện trò tâm sự bù khú nhiều với các dân expats chuyên nghiệp – những người làm việc ở nước khác nhiều hơn ở trong nước – nên đã “được” nghe nhiều về chuyện các thiếu nữ nhẹ dạ với các anh chàng này.

Bọn nước ngoài, khi xa nhà anh nào mà chẳng thiếu thốn về tâm sinh lý. Cái nhu cầu đó cần phải được giải tỏa – điều ấy OK, nếu họ đi nhà thổ. Nhưng đa số không muốn rước lấy những thứ kinh khủng nhu Aids or syphilis nên chỉ có gái nhà lành là chắc ăn nhất, mà lại đỡ tốn tiền. Một tên đồng nghiệp lâu năm của tôi cũng là dân expat chuyên nghiệp, cho biết :”I am specialized in Oriental women.”

Tôi :”Why do you say that ?”

Him :”Because I am Caucasian, and most Oriental women are attracted by Caucasian men. And I ain’t bad looking.”

Tôi :”You have got many relationships with Asian women during your time over there, I guess.”

Him :”I wouldn’t call those the “true” relationships. Just an opportunity to get free pussy and free meals. These chicks treated me pretty nice, and I can teach them English”

Tôi :”Tell me about one of those episode”.

Him :”OK, I‘ll tell you about three episodes, one in Hainoi, another in south China and the lastest one in Thailand. The one in Thailand actually got pregnant just before I finished the company’s project and left. What a timely exit for me, don’t you think.”

Câu chuyện bù khú với thằng expat tiếp tục, bất tất phải dài dòng.

Tuy viết những dòng chữ trên, nhưng tôi không chắc là Savethebestforlast em sẽ nghe lời tôi : Bởi vì, kẻ đang đắm đuối trong bể yêu đương thường mù quáng, tuy hỏi ý mọi người nhưng thực ra đã có chủ ý, vẫn cuối cùng làm theo con tim hơn là lý trí, không cưỡng lại được sự ham muốn, thèm khát, bùi tai và foolishness trong lòng mình. Cho nên tôi vẫn bi quan về hậu vận của em. You are likely to get screwed and discarded like yesterday’s newspapers.

Andy.

Viết xong, bận linh tinh đủ thứ trong mùa Thanksgiving tôi quên lửng cái diễn đàn ảo. Một hôm sau ngày lễ nghỉ tôi đọc lại, thì thấy cô nàng SaveTheBestForLast trả lời :

Cám ơn chú Andy vì bài viết rất thẳng thắn. Cháu bối rối vì suy nghĩ rằng nếu ông Mỹ cháu quen thật lòng yêu cháu mà cháu không đáp lại, thì hóa ra rằng cháu chối bỏ tình cảm của một người thành thật yêu cháu, mà chính mình cũng có cảm tình với người ấy. Trước kia cháu cũng quen với một bạn trai người Việt, nhưng sau đó mối tình cũng tan vì lý do riêng. Nhưng cái cháu sợ nhất ở đàn ông con trai VN là thói gia trưởng. Cái thói độc tài, độc quyền và độc đoán mọi sự. Lại thêm tính trịch thượng và coi thường phụ nữ. Trong khi đó ông bạn Mỹ già của cháu rất chiều chuộng cháu, lúc nào cũng gọi điện thoại báo tin ông ta đang ở đâu, nhớ vanh vách sinh nhật của cháu chỉ sau một lần được cháu cho biết. Mới tháng trước lại mua cho cháu hộp nước hoa, đúng ngay cái mùi mà một lần có một người đàn bà đi ngang qua , cháu ngửi thấy và chỉ nói “I like this scent”. Đấy, những ân cần như thế làm rung động lòng cháu. Cháu hy vọng đây sẽ là mối quan hệ bền vững …

Thấy người liễu yếu đào tơ vẫn loanh quanh trong mê hồn trận, tôi lại ra sức ... thầy đời thêm phát nữa :

SaveTheBestForLast,

Buổi sáng nay tôi mới vào sở sau tuần nghỉ lễ Thanksgiving, chưa làm gì hết, nhưng đọc post của em nên viết reply cho em đây.

Người phụ nữ nào mà chẳng mơ có được mối tình êm đẹp trong vòng tay người yêu, trong hạnh phúc lâu bền khi người yêu trở thành người bạn trăm năm. Nhưng trên thực tế đã có bao nhiêu thiếu nữ nhẹ dạ tin vào lời đường mật của các gã sở khanh để rồi lỡ dại hỏng đời. Nhất là khi các gã sở khanh ấy lại là bọn Tây viễn chinh, là dân hái hoa chuyên nghiệp, là những kẻ xem đàn bà con gái Á Châu như những chiến công về tình dục (sexual conquest). Phụ nữ Á Châu nhà mình lại dễ mềm lòng trước sự ân cần sẵn có của bọn tây vì chúng nó được sống trong môi trường ga lăng với phái yếu từ khi còn nhỏ nên rất nịnh đầm, rất chiều chuộng nào hoa nào kẹo bánh nào quà sinh nhật v.v... chứ không như nhiều anh Việt nhà ta chuyên môn bất lịch sự, ngồi xuống bàn ăn không bao giờ thèm kéo ghế cho nàng, sinh nhật của nàng là cứ lờ tịt, hẹn đi chơi đâu là cứ tự ý quyết định chứ chẳng bao giờ chịu hỏi nàng "Where do want to go, darling ?" như các anh Mỹ anh Tây.

Nhưng SaveTheBestForLast mến, em đừng thất vọng về đàn ông con trai VN, và để bị lòa mắt hay bùi tai bởi những món quà hay những lời sáo rỗng. Đành rằng trong đám expats Mỹ cũng có một vài kẻ thành thật muốn lấy vợ VN hẳn hoi, nhưng con số lừa đảo vẫn là TUYỆT ĐẠI ĐA SỐ. Và đành rằng các đàn ông VN không chiều chuộng ngọt ngào như đàn ông Âu Châu, không cao lớn đẹp mã, nhưng đang sau cái vẻ cộc lốc và thiếu ga lăng, sau cái dáng dấp khiêm tốn kia vẫn là lòng yêu đằm thắm, có cùng sở thích cùng văn hóa với em, cùng yêu nhạc Trịnh Công Sơn cùng thèm ăn phở, cùng thích nghe tiếng pháo Tết dòn dã và cùng cười vui bên đĩa bánh chưng, bát dưa hành, phong bao mừng tuổi mầu đỏ thắm. Liệu em có được những thứ đó khi sống với một anh chồng Mỹ không ? (ở đây tôi đã giả sử là em may mắn được nó mang sang Mỹ và không bị nó quất ngựa truy phong). Còn đàng này, chưa cưới hỏi gì mà nó bảo em cứ về sống với nó. Ngay điều này cũng nêu rõ rằng : Nó không muốn cái gì khác ngoài thân thể em.

Nên cực kỳ thận trọng. Be scared. Be very scared.

Hẹn thư sau nhé.

Andy.

Cô nàng SaveTheBestForlast kia đọc xong post trên của tôi là phản bác ngay :

Thế kỉ này mà vẫn có người theo cái quan niệm cổ hủ "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" thế này à ? Đàn ông VN xấu trai mà còn cộc lốc được với vợ nữa ư ? Tại sao phụ nữ phương Đông lại không được hưởng những sự chiều chuộng và quan tâm mà họ xứng đáng được hưởng ? Làm sao có thể gọi là yêu thương đằm thắm khi mà sinh nhật của vợ lại cứ lờ tịt đi, hành động lại không galant, coi phụ nữ không ra cái gì à? Cái này nghe có vẻ không lọt tai lắm !

Con bé này cứng đầu thật. Tôi hơi bực mình đã định không thèm viết hồi âm nhưng sau một lúc suy nghĩ, lòng trượng nghĩa lại nổi lên. Mình mà không răn "nó", cứ tình hình này thì chỉ ba tháng nữa là cái bụng nó phình chương ra. Bố mẹ nó lại lăn đùng ngã ngửa than giời trách đất, thành phố Sài Gòn lại thêm một em bé lai không cha, và bên Houston xứ Mỹ lại có một người Việt trung niên gàn dở sẽ hối tiếc là đã không kịp thời "phù chính giáo một vài câu thanh nghị". Thôi đã khuyên thì khuyên cho trót.

SaveTheBestForLast,

Tôi biết là em đã có chủ định trước khi vào đây hỏi ý mà. Cho nên khi ý kiến tôi không hợp với chủ định của em, là em không thích nghe. Giá tôi bảo " Em cứ việc sống chung với người ngoại quốc ấy đi, get as much sex as you want and not to worry about tomorrow, the heck with your virginity and future, the heck with your own reputation and honor, the heck with your family" thì chắc em sẽ hài lòng lắm, phải không nào ?

Em cho thiếu ga-lăng là tệ hại, thế thì em chuộng phù phiếm lắm. Cái gọi là sự "thiếu ga lăng" của đàn ông VN phản ảnh một nét văn hóa đặc trưng của phương Đông : nét văn hóa đó là sự KHÔNG QUEN BIỂU LỘ TÌNH CẢM RA BÊN NGOÀI nhiều như người Âu Mỹ. Em tưởng là : Biểu Lộ Ga-lăng = Tình Yêu Chân Thật. Công thức ấy chưa chắc đúng. Vì em chưa sống ở nước ngoài nên dễ bị choáng ngợp bởi những cử chỉ nặng phần trình diễn, show-off. Khi em sang ở bên đây vài chục năm, em sẽ thấy người Mỹ "yêu" vợ và người tình của họ nhiều như thế nào, mặc dù họ rất ga-lăng, siêng năng mua quà cáp và khỏe chiều chuộng. Cho em vài tin tức nhé.

1. Trong 10 năm từ 1976-1985 số người đàn bà bị chồng (hay tình nhân) giết chết là 16,595 người (theo FBI)

2. Năm 1993 số đàn bà bị chồng hay sex partners đánh đập là 1.1 triệu người, đến 1998 thì con số này giảm xuống "chỉ còn" 876,340 nạn nhân, và các giới chức về tư pháp rất phấn khởi về sự tiến bộ này !! (The number of female victims of intimate violence declined from 1993 to 1998. In 1998 women experienced an estimated 876,340 violent offenses at the hands of an intimate, down from 1.1 million in 1993 - according to the Justice Department).

Bây giờ em còn thích được chiều chuộng kiểu đó nữa hay thôi ? Ấy thế là đang nói về tỉ lệ nạn nhân là đàn bà Mỹ, là những người biết luật pháp sẽ bảo vệ họ, họ thông hiểu mọi thứ vì là người bản xứ, English là ngôn ngữ mẹ đẻ v.v... Còn như em, một cô gái Việt bé bỏng chân ướt chân ráo lạc vào giữa một xã hội mà luật pháp soạn ra không nhắm che chở cái mầu da của em, làm thế nào em có đủ kiến thức, từ ngữ, bản lĩnh để tự vệ cho mình em nhỉ, khi có sự không may ?

Ở VN, tôi biết chắc chắn không thiếu những người đàn ông tử tế. Tôi về thăm quê nhà nhiều lần và đã gặp và nói chuyện với nhiều thanh niên có nghị lực, tài năng và nhân cách. Nếu em không quen được những người ấy thì tại số em không may, tôi cũng không biết làm thế nào. Và những người thanh niên tử tế ấy chắc chắn sẽ chỉ đi kiếm những thiếu nữ đức hạnh, không nhẹ dạ, không ham phù hoa, để làm người bạn trăm năm trong một mối hôn nhân bền vững. Em đã lấy nickname là Savethebestforlast thì nên giữ lấy the best for last. Đừng tung hê nó đi, nhé.

Chúc em may mắn.

Andy.

Ngày 7 tháng 1 năm 2006

Chiếc Dream của anh Kim ngừng lại trước một biệt thự ba tầng xinh xắn. Tôi bước xuống, nhìn chiếc cổng cao có giàn bông giấy bắc ngang có hai chiếc bóng điện tròn trắng lớn hai bên trụ cổng lát ốp gạch men trông rất mỹ thuật. Bên trong sân vươn lên bốn cây thông cao vút, biểu lộ sự sành điệu và trưởng giả của chủ nhân. Anh Kim bấm nút chuông. Giây lát, một người đàn bà giúp việc bước ra mở cổng, tiếng ken két của sắt thép va vào nhau cơ hồ tiếng chào khô khan uy nghiêm của gia chủ.

Đỗ Thiên Ân tươm tất đón khách ở cửa. Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Hỏi thăm gia cảnh, làm ăn, nhắc nhau về những bạn cũ, thầy xưa. Trong phòng ăn trang hoàng theo kiểu Âu Châu, dưới ánh sáng của chùm đèn chandellier sáng rực, người bồi bếp tuần tự dọn lên các món đặc sản, buổi tiệc rượu chúng tôi râm ran với những kỷ niệm ngày cũ. Một chai Cordon Bleu đã cạn, chai thứ hai vơi đi quá nửa. Thiên Ân đã ngà ngà. Bây giờ trông nó không còn vui tếu nghịch ngợm như xưa. Mái tóc vẫn bồng bềnh nhưng đã chớm điểm sương; giọng nói vẫn nhận ra chất sang sảng nhưng đã hơi nhão ra; đôi mắt vẫn còn cặp lông mày rậm nhưng đã hơi quầng tối có lẽ do những đêm chơi suốt sáng cần thiết trong các vụ áp phe, các tuy ô làm ăn cấp lớn.

Bỗng tôi để ý đến tấm hình đen trắng chân dung một thiếu nữ trên bàn. Nhìn theo mắt tôi, Thiên Ân thở dài buồn bã :

- Mày chưa biết mặt Yến vợ tao ha Cương ? Mày vừa đi là tao quen Yến rồi cưới luôn. Vậy mà qua được có vài con trăng ... Số tao cô quả thiệt nghe mày.

Rồi nó chỉ vào một tấm hình khác có hai vợ chồng tươi cười ẵm đứa con mới sanh :

- Hình này lúc con nhỏ Diệu Linh mới bốn tháng. Con nhỏ chưa đầy năm là má nó đi luôn. Tao xoay sở mười mấy năm được như vầy bây giờ ai dòm vô cũng tưởng sướng, đâu mấy ai hay mỗi người một số nghe mày.

Tiếng "nghe mày" thật Nam Kỳ và quen thuộc từ thằng bạn cũ nghe vừa ấm áp vừa ray rứt. Nó ném hột đậu phọng vô miệng, chiêu thêm ngụm Cordon Bleu :

- Con Diệu Linh lớn lên đẹp không thua gì má nó. Thanh niên bao nhiêu thằng theo đuổi, nó có ưng ai đâu. Nó lấy được cái bằng ngoại thương, rồi làm cho Seaprodex. Năm ngoái nó quen một thằng Mỹ già gần bằng tao làm manager cho một công ty nước ngoài, rồi hai đứa thuê nhà ở với nhau. Hồi nó chưa quen với thằng Mỹ nó hay tâm sự với tao. Ông già nó ngày xưa tán gái số một nên chuyên nghề “chỉ đạo” để cho con gái rượu khỏi tay sở khanh nghe mày. Vậy mà vụ này tao nói hết đêm này qua đêm nọ cũng vô ích. Cuối cùng thằng kia về nước, còn con tao mang bầu. Chuyện này xóm láng biết hết. Tụi mày bạn thân tao cũng chẳng dấu làm gì.

Đôi mắt Thiên Ân đã hơi đỏ. Nó ngả người ra thành ghế :

- Khi tao phân tích lợi hại, nó nói nó đã viết thư lên diễn đàn mục tâm sự ở internet. Nó hỏi ý kiến mọi người, có thằng cha Việt Kiều nào tên Andy bên Mỹ cũng cho nó lời khuyên như tao nói với nó vậy. Nó cho tao coi, nó biểu thời buổi bây giờ mà còn nói chuyện công dung ngôn hạnh tứ đức tam tòng. Đây nè, mấy bài của thằng cha Andy viết, nó in ra tao còn để trong tủ đây nè ... Mịa, không biết thằng cha Andy nầy là thằng nào đã lấy tên ngoại quốc mà còn bày đặt viết thư giải đáp tâm sự cho Việt Nam. Chỉ được mỗi cái là "giả" viết hơi bị đúng. “Giả” tiên đoán hậu vận cho con Diệu Linh thiệt là trúng mới chết tao chớ ...

Nguyên Cương Andy