Chuyện Văn Chương

Chuyện Văn Chương

Anh có lẽ vừa đọc đã phải chau mày lẩm bẩm "Quái ! Vào mấy bi thuốc lào rồi mà gã Ngô Huy đã lâng lâng như thế kia ?". Không thưa anh, lý do phải mở đầu lá thư một cách bóng bẩy như trên, là vì khác với những lần trước chỉ bàn về thú ăn chơi bên tây bên ta với những trò vui của lũ phàm phu, hôm nay mình sẽ nhắc nhở nhau việc văn chương, là những điều khi nói đến trong tim óc phải sạch đi ý nghĩ của phường tục tử.

Vâng, ta sẽ bàn cái chuyện li-te-ra-tuya, anh Kiên ạ.

Còn nhớ một thuở xa xưa hai đứa tiểu sinh chúng ta nuôi thi hào đại mộng, gửi bài đi các báo ở Sài Gòn rồi hồi hộp chờ đăng (tuy tỉ lệ bị trả lại trên 90% nhưng vẫn bền gan sáng tác không nhụt chí). Thuở ấy tâm hồn ta dào dạt sáng ngời, nét bút ta dòng mực chảy liên miên. Bàn tay viết ra không bao giờ kịp với ý tưởng trong đầu; và ước có phép mầu để biến ý ngay thành chữ. Ðề tài viết lúc bấy giờ cũng hằng hà như tinh tú trên trời, chúng mình như những ông tiên chỉ cầm cây đũa thần thông khua nhẹ là khung truyện được dựng lên, nhân vật lãng mạn với tình tiết éo le gắn vào, điếu Casptan mờ khói rồi cứ thế mà phun châu nhả ngọc. Cho nên anh và tôi, năm thứ nhất Khoa Học hồi đó, ngồi bàn cuối giảng đường hai cứ hí hoáy mộng ra ngoài cửa lớp trải lòng trên trang giấy, quên cả thầy Lý Công Kiệt cô Trần Nguơn Phiêu đang khản cổ trên bục cố nhồi vào đầu học trò những kiến thức tuy bổ ích cho nhân loại nhưng thật chán ngấy cho chúng ta như chu kỳ sinh thái của động thực vật, sự đột biến của quần thể vi sinh ẩn trong bào tử nang hoặc sự di truyền của bệnh huyết hữu.

Than ôi nay đã hương tàn khói lạnh cái văn khí ngút ngàn một thời tuổi trẻ ngày xưa ! Ðã vàng phai quạnh quẽ bao nhiêu yên sĩ phi lý thuần trong lòng thơ tim bút ! Ngày niên thiếu ý tứ sung mãn ấy nay còn đâu ? Thế cho nên, mới biết ta đã đi sai một con đường, bước lỡ chuyến xe hỏa cuộc đời. Với một hồn thơ lai láng văn mạch cuộn tràn lẽ ra chúng ta phải chọn nghệ thuật làm hành trình trọn kiếp, tôi và anh lại yếu lòng ngả theo thói thê nhi thường tình, ghi lấy chứng chỉ SPCN để toan nộp đơn vào ngôi trường tráng lệ do Ngô Viết Thụ vẽ kiểu ở đường Hùng Vương chỉ vì xung quanh ta lúc ấy "phi tu bíp bất thành phu phụ" tiếng đời vang vọng. Vì vậy từ đó ta mới như thể Lã Lương Vĩ năm xưa dù thi phong ngất ngưởng trời cao nhưng bị song thân bắt ép đưa vào chùa Thiếu Lâm học võ, để rồi võ nghệ chẳng nên thân mà văn tài thi khiếu thì sau cũng tàn phai theo tuế nguyệt.

Mùa hè vừa qua tôi từ thành Lộc-An-Ða-Lệ bay sang thăm anh, gã nghệ sĩ bướng bỉnh cư ngụ vùng ngoại ô thành Nữu-Á-Lân thuộc bang Lưu-Xú-Loạn-Ðả. Gặp nhau sáng chủ nhật trong căn phòng bề bộn tạp chí ngổn ngang cùng với tranh ảnh đủ loại treo trên tường trên giá vẽ, dáng anh gầy gò mắt kiếng dầy cộm trong bộ đồ army surplus tay ve vẩy cây cọ sơn, trông thấy tôi anh nhe hàm răng không trưởng lớp (thiếu trưởng lớp tất nhiên vô trật tự) cười tươi: "Thằng Huy ! Vừa nghĩ đến mày xong. Coi bức tranh Chọi Trâu tao mới xuống bút. Bọn Fine Arts Museum ở New Orleans đòi mua bức này nhưng tao không bán, để tặng cho buổi đấu giá cứu trợ đồng bào nạn nhân lũ lụt miền tây ".

Tôi thật chưa muốn nhìn bức sơn dầu vội. Mắt tôi còn dán vào anh khi ngừng bước chân ở ngưỡng cửa vài giây để cho hình ảnh mới của người bạn cũ thấm dần vào cảm quan, để tri giác chấp nhận rằng đây chính là Ðỗ Thái Kiên năm xưa của mình, và không cho phép ký ức vùng lên phản đối nguyền rủa hiện tại. Vì anh Kiên ơi, trông anh bây giờ khác xưa nhiều quá. Kiên "kẻng" của đất Khoa Học, danh hiệu vừa nghe đã thấy rộn rã như một tiếng chuông, Kiên hào hoa chuyên đi LămBrétTít tóc chải bềnh bồng y phục đờ mốt cừ hội họa lại "mả" ghi-ta với giọng hát bay bướm năm xưa của tôi bây giờ in như một ông Tầu già bán lạc rang ở chợ Tân Ðịnh.

- Mày cứ rượu chè cho đẫy vào, trông "hốc" lắm rồi đấy !

Tôi buông một câu khá phũ phàng thay cho lời chào đầu tiên sau nhiều năm xa cách.

Anh cười khà khà :

- Ấy nom vậy mà tao vẫn khỏe ! Vẫn còn khá hơn nhiều thằng lúc nào cũng cữ bia kiêng đàn bà cai thuốc lá mà nghe nói cholesterol lên đến gần ba bớp; đi bộ trăm thước đã than mệt, giời hơi trở gió là allergy; mùa hơi trở lạnh là húng hắng gân nhức cốt mỏi phải nài xin hiền thê ngày đêm thoa bóp ...

Tôi mỉm cười khi nhận ra anh tuy xuống mã nhưng khẩu thiệt công phu vẫn gang thép như xưa không suy suyển. Ngày còn lê la ở sân Sư Phạm, chưa kể đến nghề họa sĩ, chỉ nguyên tài ăn nói của anh đã làm xính vính tâm hồn nhiều tà áo trắng thướt tha dưới những tàn phượng hồng rợp lá. Tôi vẫn chưa quên trong những lần picnic hay vào những buổi trưa đợi lớp bên hành lang giảng đường, ngồi giữa bạn bè giọng anh hay trầm bổng kể chuyện thi ca tiền chiến, các giai thoại của văn nhân, phê bình và so sánh lối viết Tự Lực Văn Ðoàn với những cây bút hiện đại, phân tích nhạc tình của Phạm Duy rồi bằng cây đàn ghi ta trên tay và giọng hát quyến rũ, anh hất mái tóc lên dẫn chứng ngay bằng vài khúc véo von. Thú thực với anh, ngày ấy tôi "ghen" với anh lắm. Vì đời thuở nhà ai hễ đi đến đâu mà có đám đông lắm hồng quần mỹ diện, là y như rằng ở đó anh có một cử tọa phái nữ ngồi yên nhìn anh entertaining họ với những đôi mắt say sưa ngưỡng mộ. Còn tôi và mấy tên bạn khác của anh - trong số đó đặc biệt là tôi - thì bỗng nhiên "mờ" hẳn đi, tay chân thừa thãi, đâm ra rụt rè không dám mở cái miệng ngượng ngập và thầm ao ước mua được phần ba hào quang của anh lúc ấy, anh Thái Kiên ạ...

Thôi, nhắc làm chi đến quá khứ vàng son để ngậm ngùi như thạch sùng tiếc của cho ủy mị chí anh hùng. Tái ngộ chốn này thì ta hãy luận đàm về chuyện sáng tác cho thỏa chí bình sinh mười mấy năm bất kiến. Tôi bèn chú mục ngắm nghía bức tranh anh đặt tên The Bull Fight Melody sơn còn ươn ướt. Họa phẩm anh pha lẫn giữa siêu thực và ấn tượng (hai từ ngữ này tôi mới học được) chằng chịt nom nhức mắt, chỉ thấy những nhát cọ mãnh liệt chẻ ngang chẻ dọc, khó nhận ra dáng hai con trâu nhang nhác mơ hồ với màu sắc hung tợn đỏ quạch phủ kín tấm canvas. Nhìn vẻ bối rối như học trò dốt gặp đề thi hóc búa của tôi, anh cau mày lắc đầu nhưng rồi vẫn bật lên giọng cười mắng mỏ đáng yêu cố hữu :

- Mày bao nhiêu năm mắt điếc vẫn hoàn mắt điếc. Vẫn chưa xứng đáng được gọi là bằng hữu với những bậc họa sĩ như tao. Nhìn một tác phẩm mà cứ đực ra như ngỗng không biết hay đẹp ở chỗ nào, thì đừng có bao giờ vác cái mặt ngơ ngác vào phòng tranh cho hổ mặt tông môn, phí tiền mua vé !

Tôi vốn người thành thật có sao nói vậy, chúa ghét những kẻ nào tuy thanh cầm minh ngưu nhĩ mít đặc về cái hay đẹp của một tác phẩm nhưng lại vẫn ra điều ta dân sành điệu, khen loạn lên về những điểm hắn doesn't have a freaking clue of what the heck it's all about, chẳng khác một anh vừa tịt mũi vừa thông manh cứ nhất định đòi ca tụng hoa hương thơm, cỏ sắc biếc. Bởi tuyệt đối trung thành với cảm quan của mình, nên hễ không hiểu tranh là tôi đứng kiên nhẫn đăm chiêu suy nghĩ chứ chẳng hành động trái với lương tâm, không cổ võ bừa bãi cho ra vẻ thời thượng.

Do đó tôi cãi liền :

- Tranh mày ... làm sao ấy !

- Làm sao là thế nào ?

Cố tìm vài ngôn ngữ nghệ thuật để diễn tả ý mình nhưng nghĩ mãi không ra nên tôi chỉ nói :

- Bức tranh mày vẽ ... tao dòm chẳng ra hình thù gì hết. Trâu bò gì mà mình mẩy mầu xanh lá cây, lại sừng dài sừng ngắn, đuôi mầu da cam mà có đến những năm sáu cẳng như thế này ?! ! Con trâu bên trái sao mày cho nó mỗi một mắt ... Ðộc nhãn còn chọi thế đếch nào ?

Nhớ không anh Kiên, khi nghe tôi nói đến đây thì anh lại lắc đầu quầy quậy và thở dài thêm một lần nữa. Anh nhúng cọ vào bình solvent bay mùi hăng hắc, lau sạch sơn nhỏ vài giọt dầu vào lưỡi cọ và đặt vào ống bút. Rồi như bỏ cuộc vì thấy thằng bạn mình thuộc loại vô giáo dục trong lãnh vực hội họa, nên trầm ngâm một lúc anh đổi đề tài :

- Ở bên Los Angeles mày viết lách ra sao hở Huy ?

À hả, chuyện viết lách thì được, đúng chỗ ngứa. Tôi nói ngay không nghĩ ngợi :

- Vẫn viết đều. Ba bốn tờ báo đem lễ vật đến "thỉnh" tao viết. Toàn là truyện dài ăn khách. Ðộc giả say sưa từng kỳ, các em hâm mộ gọi phone đòi diện kiến hàng tuần đến nỗi vợ tao ghen lồng bắt tao phải gác bút ! Không phải như hồi còn ở Sài Gòn đâu ...

Ðang thao thao tôi ngừng bặt vì thấy anh bỗng trở nên nghiêm nghị. Gương mặt anh phang phác giống thầy Sản dậy Việt Văn khi bắt gặp bài luận của tôi "thuổng" nguyên một đoạn trong sách Trần Trọng Kim năm đệ nhị :

- Mày bây giờ viết về cái gì ? Văn chương dạo này đến đâu ... Ðã thăng hoa lên một bậc chưa hay cứ vẫn còn ba cái truyện tình thời mới lớn ?

Anh Kiên, đến đây thì anh đã đi hơi quá đà trong việc thăm hỏi bạn bè; đã nhẩy bổ vào niềm hãnh diện của người cầm bút. Thế cũng có nghĩa là anh đã vứt tất cả những tờ tạp chí trong đó đăng bài của tôi vào sọt rác, những tờ tạp chí tôi đã cần cù đem ra bưu điện để gửi đi cho anh mấy tháng trước. Vì nếu anh đọc các bài ấy, anh phải biết rằng văn tôi giờ không còn nhí nhảnh bâng khuâng thơ ngây loại Dung Sài Gòn Võ Hà Anh ngày trước nữa, những lãng mạn thời niên thiếu - nguồn cảm hứng bất tận ngày xưa - bây giờ đã hết. Văn tôi hiện nay là những cốt truyện mặn mòi thất tình lục dục, gợi cảm thiết tha. Hãy đọc thử một đoạn trường giang tiểu thuyết "Cành Hoa Bão Tố" của tôi đang đến hồi gay cấn trên báo Người Việt Nam bên Los :

"Ánh nắng hoàng hôn bờ biển xa xa ngoài kia gần tắt. Trong căn phòng ngủ, trên giường Hoàng Lan gục đầu xuống hai bàn tay nấc lên tiếng khóc, bờ vai trần trắng nuột nà rung lên nhè nhẹ. Quốc Dũng đứng dậy đắp lên người nàng tấm chăn mỏng, vuốt mái tóc dịu dàng óng ả của người tình : "- Dù phải xa nhau, anh sẽ vẫn nhớ mãi những ngày mùa hè hạnh phúc ở bên em." Nói rồi chàng cúi xuống xỏ giầy, khoác veston bước ra đóng cửa phòng và đi về phía chiếc Jaguar màu trắng bên kia đường, bóng chàng ngả dài trên lối đi trải sỏi. Ngày mai, chàng sẽ về lại nơi ấm êm với gia đình, trở lại với bổn phận người chồng gương mẫu. Chỉ còn nàng ngồi đây một mình trong nỗi cô đơn lẻ loi tuyệt vọng. ...Giòng lệ còn dầm dề ướt hoen làn má phấn, lòng tan nát Hoàng Lan đặt bút viết vài dòng chữ nguệch ngoạc vào mảnh giấy trắng để trên bàn. Rồi nàng lau nước mắt thở dài đứng lên, kéo ngăn tủ thuốc lấy ra 20 viên Opthalidon loại cực mạnh ..."

Dĩ nhiên là sau đó tôi sẽ "cho" người đẹp Hoàng Lan được thân nhân phát hiện kịp thời cứu sống. Còn Quốc Dũng sau khi trở về nhà bắt gặp vợ chàng phản bội ngoại tình, buồn đời đen bạc đâm hối hận và trở lại thăm Hoàng Lan trong bệnh viện. Thế là mối tình lãng mạn sẽ được tái xum hợp vào đoạn kết, có hậu có hỉ đàng hoàng; everyone's happy, formula ly kỳ như thế mới giữ được sự chú tâm của độc giả hàng tuần mê man theo dõi !

Nhưng xem chừng hôm nay những đoạn văn trác tuyệt của Ngô Huy bút-sĩ tôi không "si-nhê" nổi phê bình gia khó tính Thái Kiên họ Ðỗ. Châm thêm điếu thuốc nữa, anh phì phào giọng gay gắt qua làn khói :

- Bài vở mày tao bảo thực, ít khi tao đủ kiên nhẫn xem đến chương thứ hai. Bài nào thu hết can đảm, thì đọc xong tao cũng không nhớ gì hết. Không tồi lắm mà cũng chẳng hay, plot đơn giản ấu trĩ đầy những đoạn gợi dục, câu cú thì chỉ cóp nhặt toàn những xác chữ nhét vào cho thành truyện, từ ngữ sử dụng nghèo nàn nhạt nhẽo như cả đời chưa hề đọc đến tác phẩm nào có giá trị. Viết kiểu mày thì lối vào cổng văn học sử kể như khóa chặt ... Mày vừa bảo bây giờ mày viết chua cay ngậm ngùi; nhưng có lẽ cái ngậm ngùi ấy chỉ do sự tưởng tượng vu vơ chứ không do xuất phát tự đáy lòng. Vì đã bao giờ mày phải đau khổ đâu mà biết được nỗi khổ đau ? Ðã khi nào mày ngã ngựa đâu mà hiểu được nỗi thất chí ? Nghe bản Ðời Ðá Vàng bao giờ chưa hở con ? Người ta bảo "Có một lần mất mát mới thương người đơn độc - Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu" ...

Anh thuyết cho tôi một hơi liên thanh như AR-15 để nguyên băng. Bị dội nước, tôi bực tức nhìn anh. Bản mặt anh trông gườm gườm như sẵn sàng chờ đón cú phản pháo của tôi, cái miệng trễ ra có gắn điếu thuốc lá nghi ngút chìa mấy chiếc răng chiếc nào cũng trong tình trạng cần đi nha sĩ, cái trán cau cau nếp nhăn đã bắt đầu cày xới, bằng ấy thứ trộn vào nhau làm anh bây giờ có một tấm chân dung thật khó thương.

Bạn Kiên thân mến. Nếu hiền huynh không phải là cố tri hảo hữu người mà tiểu đệ kính phục bấy lâu thì mấy câu bình phẩm tàn nhẫn của huynh vừa xong cũng đủ làm cho mối giao tình ba mươi năm của chúng ta đi vào chỗ boong phi-nan, không còn thuốc chữa. Vì huynh đã biết tính tự tôn vô song của tiểu đệ. Năm lớp đệ nhất Pétrus Ký, hiền huynh nhớ không, thằng trưởng ban báo chí Từ Công Ánh vì chê bài tiểu đệ non kém và không chịu in vào đặc san xuân năm ấy, đã bị tiểu đệ "phơ" cho một trận trước mặt cả lớp, vạch trần thủ đoạn nhơ nhớp của hắn ghen tài toan dìm tiểu đệ một cây bút tương lai của làng văn Việt.

Ðợi một lúc không thấy tôi trả lời, anh nói tiếp, giọng hòa hoãn hơn :

- Hãy chỉ nên viết khi thấy lòng mình rung động, khi nghe trong tim mình thôi thúc muốn gửi gấm tâm sự vào trang giấy trắng. Ðừng nên viết chỉ để mà có bài đăng báo lá cải, hay để được chút hư danh. Vì nếu như thế mình giỏi lắm cũng chỉ là thằng văn nô, lao công xếp chữ. Trong giới cầm bút, có hai lũ thợ viết được kể vào loại mạt hạng : Bọn đói áo cơm và bọn đói tên tuổi. Vì khi đã để "lợi" và "danh" trở thành động lực sáng tác của mình, thì những điều mình viết xuống chỉ còn đáng ba xu. Cũng đừng nghĩ mình hễ "ra" được quyển sách tập thơ là thành văn thi sĩ, khác nào những tên vô lại khi có mảnh bằng là tưởng mình sẽ nghiễm nhiên trở nên người trí thức... Không đơn giản vậy đâu ! Chân danh vị cũa kẻ sĩ khó kiếm lắm. Thước đo của nó là chiều sâu của óc sáng tạo, là bản sắc của văn phong, là ý niệm nhân sinh quan vũ trụ luận bao nhiêu năm thấm vào tinh thần bản thể của một con người...

Cuộc đối thoại giữa anh Kiên và tôi đến đây đi vào chỗ bế tắc. Rõ là anh chỉ dông dài lý thuyết suông, lại quạt ngay vào niềm kiêu hãnh của một kẻ đang bay nhẩy trên đường văn nghiệp. Hừm hừm. Quan niệm viết lách ấy tôi kính cẩn niêm phong hoàn lại, xin anh cứ việc giữ lấy để áp dụng cho tiền trình của anh. Còn tôi, bút lộ thênh thang đã vạch sẵn sáng rực như bình minh mùa hạ chẳng dễ bị lay chuyển bởi ba mớ lý sự gàn.

Thế là mối bất đồng ý kiến trong đường lối sáng tác - một cuộc tranh luận vô bổ - đã làm ô nhiễm không khí buổi sáng tái ngộ của hai ta. Ðể tránh tình hình chiến tranh văn hóa có cơ nổ lớn, anh đứng dậy khoát tay vỗ vai tôi :

- Ngưng đấu, tăng bo. Ra phố kiếm món quốc hồn cái đã.

Anh Thái Kiên,

Huynh đài vừa hóa giải trận khẩu chiến bằng một chiêu thức cực kỳ tinh diệu. Vì nghe nói đến món quốc hồn, tức phở, của bang Lưu-Xú-Loạn-Ðả, nỗi cáu sườn của tại hạ dịu xuống ngay, chuyện chính kiến lập trường văn nghệ cũng tạm dẹp lại để cho các tế bào khứu giác được chuẩn bị khởi động, cho dịch vị nhuần nhã tiết ra sửa soạn đón tiếp một loại chất đạm tuyệt vời.

Vì chưng, ở nội thành Nữu-Á-Lân có một quán nổi danh được thiên hạ ca tụng là hải ngoại đệ nhất. Người ta bảo đây là tiệm Tầu Bay chính gốc đứng nấu bởi truyền nhân của người khởi nghiệp từ Hà Nội, di cư vào nam mấy chục năm lừng lẫy hùng cứ một phương gần khu ngã bảy nhà tôi hồi trước. Xe anh Kiên vừa đỗ parking, tôi đã nhìn thấy tấm biển có hình một chiếc phi cơ lượn quanh quả địa cầu, y hệt cái tiệm ngày xưa đầu ngõ nhà thờ Bắc Hà. Mùi thơm nức nở lan ra trong không gian tuy vẫn còn cách quầy phở vài chục thước. A, thì ra đây là quán phở bán lộ thiên đúng kiểu quê nhà, tô phở làm ngay trước mặt khách, nồi nước lèo sùng sục bốc khói nổi mỡ vàng lườm óng ánh, những khay thịt chín vè nạm gầu thái sẵn cao có ngọn; chậu hành ngò rau thơm xanh ngắt bên những bát xe lửa men sứ trắng. Anh chàng chủ tiệm đứng quầy trông quen quen, thôi thôi nhận ra rồi, thằng Khang con ông Tầu Bay cùng xóm ngày xưa xì ke tưởng chết, không biết sang đây từ hồi nào có lẽ giờ đã tu tỉnh, đang hai tay đều như máy phăm phắp dần những miếng thịt đỏ tươi bằng sống dao phay trên thớt nghe thật dòn tai. Vừa thấy tôi gã nhìn ra ngay, cất giọng oang oang mặc dù thân hình vẫn gầy gò chỉ bằng que củi :

- Huy, Huy ! Lâu quá từ ngày đi đến giờ không gặp. Truyện ông tôi đọc trên báo Cali luôn. Sang tận New Orleans này để tìm tôi chứ gì ? Biết ngay mà. Sao ông biết tôi ở đây ?

Lại một ngộ nhận, tôi nghĩ thầm. Tớ sang tìm cậu thằng Khang "ken" làm cóc gì. Tớ chỉ ái mộ cái hương vị đậm đà của tô Tầu Bay gia truyền nhà cậu, nên ghé đây hy vọng may ra cậu học được ngón nghề ông bà cụ cho dân lưu vong ghiền phở được hưởng chút sái nhì đỡ bị ăn giống phở táp nham hải ngoại, loại phở makeshift của những kẻ thực bất tri kỳ vị không biết thế nào là phở nhưng vẫn cứ hùng hục đòi mở restaurant...

Khang vứt dao bỏ quầy giao cho người phụ bếp vồn vã giới thiệu vợ con :

- Nhà tôi là con gái tiệm Bát Ðàn ở Hà Nội, cháu Lý Quốc Sư danh tiếng ngoài bắc đấy, vậy mà công thức bà ấy mang theo tôi đâu có xài. Làm sao sánh bằng Tầu Bay bên tôi...

Thì ra chín nạm gá nghĩa tái trần, môn đăng hộ đối, như Andre Agassi kết bạn Steffi Graf, hoặc giả như Butaffuocco mà lấy Tonya Harding. Nhưng cái thằng Khang này trước đã có vợ rồi cơ mà ? Con vợ ngày xưa mập mạp khá hung dữ nhờ nó mà Khang chừa được xì ke, bây giờ biến đâu rồi ? Chưa tiện hỏi nên tôi chỉ gật đầu, nhìn chị vợ sau mỗi khi lấy order cất cao giọng xướng tên từng tô cho đầu bếp nghe, âm thanh trầm bổng có cung bậc như một khúc chèo cổ. Tôi cúi xuống tô phở bốc khói nếm một thìa. Cảm giác thơm ngon thấm vào ngay đến lục phủ ngũ tạng, ý nghĩ đầu tiên là sự thán phục con nhà Khang. Mùi vị từ nước đến bánh đến thịt in hệt như của ông bố nó ngày trước không trệch một ly. Khá lắm ! Cái thằng không tang dáng, vô tích sự lười học xí trai nghiện ngập coi vậy mà lại hóa ra có khiếu nấu phở. Có lẽ con người ta, hễ ai bỏ bẵng tất cả các thứ trên đời và chỉ chú đến một việc nào đó thì việc ấy thường xuất sắc (đây chỉ là theory của riêng tôi chưa được kiểm chứng). Hay là vì nó loanh quanh trong tiệm Tầu Bay từ bé nên cái taste ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, khi lớn lên nấu được nồi phở ngon âu cũng chỉ một thứ second nature ?

Khách khứa tan lễ kéo vào đông nghẹt. Khang nói thêm vài câu về ngón ẩm thực của hắn rồi xin kiếu để trở về quầy. Anh Kiên của tôi sau khi tiêu thụ xong bát phở bây giờ trông vui vẻ ra mặt, nét cay cú lúc nãy đã lặn đâu mất. Hương ngưu nhục súp còn phảng phất trong hơi thở, anh lướt cây tăm tanh tách qua kẽ răng nâng ly cà phê phin Du Monde nhấp khẽ giọng sảng khoái :

- Quán này là tụ điểm của văn nghệ sĩ và dân máu mặt đất Nữu-Á-Lân. Chủ nhật như thế này cứ đến là gặp tất. Xem nào... Ngồi ngay trước quầy là thằng Lý Thiển Ý nhạc sĩ mới được vài năm nay rất ăn khách trong giới bình dân vì nó toàn lấy nhạc Hồng Kông tu sửa chút ít rồi đặt lời Việt. Cạnh nó là thằng Võ Cường Lực, con lão Hào xã trưởng xã tao ở Gò Vấp ngày xưa chuyên vác súng đi thâu thuế cho bố nó ở các xóm chị em ta, qua đây bỗng dưng ái quốc, đang là chủ tịch một cái phong trào gì đó... Còn ngồi bàn trong góc kia mặc áo đen tóc đánh rối theo mốt tổ quạ, là con mẹ trông đã chập chờn tuổi hạc thế nhưng giọng còn tốt, ca hát một cây, nhẩy đầm như máy mang hỗn danh Bạch Diện Ma, Cầm Nã Thủ ...

- Sao lại có danh hiệu như thế ? Tôi hỏi.

- Thì mụ chuyên môn trang điểm bằng vôi bột; mà lại còn có biệt tài quơ chồng người. Ở đây người ta đồn rằng mụ chỉ cần sửa dáng lượn ngang tên nào liếc mắt một phát là tên ấy dù cho gia đạo ấm êm đến đâu cũng kể như đi đứt, vợ tên ấy kể như can forget about him. Thằng trẻ măng mặc áo da ria mép lún phún ngồi cạnh là nạn nhân thứ tư, không, hình như thứ năm của y thị ở thành phố này. Bản lãnh chớp giai non nhà nghề như thế không kêu bằng cầm nã thủ thì kêu là gì... Hay là chưa xứng, mày muốn đổi tên mụ thành Tán Gia Nương Nương hoặc Ðoạt Phu Sư Mẫu chăng?

Tôi gật gù nhìn xung quanh. Quán này đúng là một địa điểm thiên hạ tập trung sau tuần lễ làm việc mệt nhọc. Nguyên ở bên trong đã hai mươi mấy bàn, tràn ra parking đến cả mươi bàn nữa, giống như tiệm Tầu Bay ngày xưa ở ngõ Bắc Hà bàn ghế kê ra gần đến cổng nhà thờ (tôi có ông chú cứ sáng chủ nhật ngồi ngay bàn phở vừa ăn vừa xem lễ, rất tiện lợi, chỉ cần phải đứng lên khi cha dâng mình thánh). Quán của chàng Khang xì-ke này nếu không sợ cảnh sát biên giấy phạt có lẽ cũng đã lấn ra đến vệ đường, tôi nghĩ thế.

Anh Kiên thân,

Viết tới đây, tôi chợt nhớ đến cô Mùi con ông Diệm tiệm bánh cuốn ngang ngõ phở Tầu Bay. Xin lỗi anh thư tôi hơi lan man lạc đề, thế nhưng nếu nói đến địa danh Lý Thái Tổ mà không nhắc tới cô Mùi người thiếu nữ đã làm chính anh lao đao tương tư một thuở thì âu là một sự thiếu xót khôn bề tha thứ, cũng tỷ như biên khảo về tổ chức khủng bố Ào Cái-Ðã mà lại chẳng nói đến gã râu dài Bình Lênh-Ðênh gì hết trọi !

Cô Mùi ngày đó, nhớ không anh, lúc nào cũng mồ hôi nhễ nhại trong quán dưới gốc me già xù xì to lớn ngồi tráng những cuốn bánh mỏng dính nóng hổi mọng nhân xếp ngay ngắn bên mấy lát chả quế rắc nắm hành phi thơm vàng dòn rụm được cô mang đến tận bàn thực khách. Tuy uống cà phê ở quán nhiều lần nhưng hồi đó tôi cũng chẳng hiểu vì sao anh lại mết cô Mùi bánh cuốn, trong khi bao nhiêu bóng hồng kiều diễm ở trường Khoa Học và Sư Phạm luôn thấp thoáng bên anh, chỉ chờ nghe anh ngỏ một đôi lời trìu mến. Cho nên chúng tôi rất thắc mắc khi thấy anh hàng ngày đóng đô ở quán cô Mùi, mang cả sách vở học thi đến ngồi nguyên buổi sáng là chuyện thường, trà đặc uống hết bình này sang bình khác. Cả nửa năm như thế mà trước sự ngạc nhiên của chúng tôi, chàng sinh viên hào hoa Thái Kiên vẫn đành phải ôm cột đèn nhìn cô Mùi lên xe hoa một chiều mùa đông mưa phùn bay lất phất.

Có lẽ ngày đó anh cho là cô ta thạo nghề bánh cuốn, nhất nghệ tinh mai sau cuộc đời sẽ vững vàng nên quyết chí cầu thân ? Hay anh mê món chả quế chấm nước mắm cà cuống có một không hai, nên từ chỗ "mến vật" biến thành ra "yêu người" không mấy chốc ? Nếu hai giả thuyết trên không đúng thì chỉ còn giả thuyết thứ ba do bạn bè rỉ tai nhau, anh nghe đừng giận : chúng nó bảo rằng anh ghi sổ thiếu tiền cà phê bánh cuốn cô Mùi nhiều quá không trả nổi, nên đành ra sức "ve" cô ta cho bằng được để toan xí xóa nợ nần ...

Khoan khoan gượm hãy đổ quạu đã anh Kiên thân mến, hãy bình tâm, đừng xé thư tôi. Ta bạn thân quyết chẳng "hạ" nhau. Thật hư gì chăng nữa ngày ấy cũng đã hai mươi mấy năm rồi, việc cà phê ghi sổ chẳng qua cũng chỉ là thói quen dễ thương của văn nhân tài tử, không tin cứ tìm người nhà của Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương hay Bùi Giáng ra mà đối chứng. Tôi chỉ nhắc lại tí ti cho đôi ta vơi sầu viễn xứ, cho nụ cười héo khẽ nở trên làn môi xám ngắt quạnh hiu thôi, anh Kiên ạ !

Well then, để chuyện cô Mùi cà cuống đó hôm khác bàn tiếp. Bây giờ hãy dồn hết ngũ quan vào phần còn lại của tô phở Khang, để khi trở về thành Lộc-An-Ða-Lệ lại tiếc rẻ đã không enjoy hết mức.

Bỗng nghe lao xao tiếng cười nói vang rầm rì cạnh bàn chúng tôi. Quay sang, một ông trạc ngũ tuần người thâm thấp bụng phề phệ đầu thưa tóc trán nhăn mắt đeo kính (tả người kiểu đó thì kể như chẳng diễn tả gì hết, non-descript, vì chín mươi nhăm phần trăm đàn ông trung niên ta đều như thế cả) dường như đang đọc thơ cho ba người bạn nghe. Tôi tò mò lắng nghe kỹ, giọng ngâm Huế ông ta tuy nhỏ nhưng khá rõ ràng mạch lạc :

Anh nhớ mỗi mùa thu trong lòng phố

Mặt đường nằm nghe từng tiếng lá rơi

Bước chân em trên nắng vàng rực rỡ

Tưởng thu trong anh cũng sắp qua đời

Ôi Tràng Tiền tan học gió heo may

Ôi Ðông Ba làn tóc ngất ngây say

Em còn đứng bâng khuâng bên Thiên Mụ

Tịnh Tâm buồn sen trắng vẫn chờ ai

Chưa dứt câu chót, mấy người bạn đã vỗ tay khen ngợi vang lừng. Những từ ngữ sáo được tranh nhau mang ra tặng cho bài bát cú của ông thưa tóc. Ông thưa tóc nói vài câu khiêm tốn, tiếng khen tặng ồn ào lặng dần đi, rồi tới lượt người bên cạnh bắt đầu đọc bài khác.

Anh Kiên ghé tai tôi:

- Hội thơ Cố Ðô đấy, khoảng chục thi sĩ. Ông vừa đọc thơ tên Lê Ðạo Ngữ, ba ông kia cũng là những tay thiện chiến trong làng; sáng tác rất hăng. Họ ra mắt được năm sáu thi tập rồi.

- Mày cũng sính làm thơ lắm phải không Kiên... Sao mày không gia nhập cho vui ?

Tôi nheo mắt hỏi.

Anh ngần ngừ không đáp. Tôi lập lại câu hỏi đến ba lần, anh mới hạ thấp giọng, nhìn vào mắt tôi khuôn mặt e ngại :

- Thơ phú của mấy tay đó cũng chẳng khác chi văn chương của mày, Huy ạ. Ðọc không thấy hay, cũng không dở lắm, toàn chữ người khác đã dùng nát rồi, và không để lại ấn tượng gì cả... Tao mà vào cái hội ấy thì tao hóa điên mất.

Anh lại offend tôi một lần nữa. Nhưng lần này, không hiểu vì sao tôi đã không nhẩy dựng lên để ăn thua đủ với anh. Tôi chỉ thừ người ra suy nghĩ. Có lẽ vì trong thâm tâm tôi nhận ra ở lời nói xóc óc của anh có quá nhiều sự thật, chứa quá nhiều tình bạn chân thành. Tiếng đọc thơ của hội viên ông bụng phệ vẫn đều đều bên cạnh. Quả thế thật, chữ nghĩa của đám này Câu thơ Thi Xã con thuyền Nghệ An mà cả bọn cứ suýt soa tán tụng nhau cơ hồ bút thánh câu thần; thì có khác chi tập truyện diễm tình của tôi mới tung ra hôm nọ được đám ngưu ẩm khen lao đã ngỡ mình Thái Sơn Bắc Ðẩu.

Tôi đang mông lung nghĩ ngợi chợt có tiếng chân người bước lại. Bạch Diện Cầm Nã với gã tình nhân trẻ măng cùng Khang xì-ke đang tiến về phía bàn tôi và các ông hội Cố Ðô. Khang ngồi xuống chiếc ghế trống, đưa tay về phía odd couple, giọng trịnh trọng :

- Ðây là bà bầu show Tiffany Thúy Hằng Nga và cậu Bob Vũ. Ông Ngô Huy văn sĩ bên Los, cất công sang tận bên này để ăn phở tôi và nghe thơ Cố Ðô. Quý hóa lắm đấy! Nhân tiện mời anh chị Tiffany nghe thơ luôn thể... Anh Ngữ đọc bài vịnh phở Tầu Bay đi anh. Bài này hay tuyệt, đã lên báo lên radio đủ cả.

Không đợi yêu cầu lần thứ hai, ông bụng phệ Lê Ðạo Ngữ - có lẽ hội trưởng - hắng giọng ngâm ngay :

Ai bảo món ngon không theo ta sang Mỹ

Vị đậm đà lòng viễn khách vẫn tương tư

Tô chín nạm gầu như cũng biết di cư

Nhấp một muỗng thấy quê nhà dường trước mặt

Ba thi hữu của ông Ngữ lại xuýt xoa hết lời tán tụng. Khang xì-ke giơ hai ngón tay cái lên cao, vẻ mặt thỏa mãn vì tiệm phở của gã đã đi vào văn học. Bạch Diện Ma Tiffany Thúy Hằng Nga thì chỉ nhếch môi nhè nhẹ và kiểu cách như e rằng nếu bắp cơ mặt bị cử động mạnh, có thể sẽ làm nứt lớp vữa trắng. Còn Bob Vũ thì tôi không biết gã đang nghĩ gì sau tròng mắt kiếng râm đen đậm. Có lẽ gã hiểu mình không cùng thế hệ với những người xung quanh nên khôn ngoan ngồi im.

Dụi mạnh mẩu thuốc còn quá nửa vào gạt tàn, anh Kiên đưa mắt nhìn tôi gật đầu ra hiệu. Hai chúng tôi đứng lên bắt tay mọi người xã giao, xua tay gạt đi kiếu bận vì Khang đang cố giữ lại để nghe thêm bài nữa. Trên đường về chúng tôi ngồi im trong xe, một lúc lâu mới nghe tiếng anh nho nhỏ :

- Bữa nay còn khá. Tuần trước ở đây tao còn nghe chúng nó ngâm thơ vịnh thuốc Noni Nhàu Siêu Sinh Lực bổ dương tráng thận...

Kiên ơi,

Hẹn thư sau nhé, tạm biệt anh ở đây. Bản mặt của anh tuy khó ưa, giọng nói của anh tuy nhức nhối nhưng đã cho tôi thấy rõ mình đang đi vào đường ma đạo, suýt nữa luyện lầm phải Tịch Tà Kiếm Phổ. Nếu không có anh, không khéo tôi sẽ (hoặc đã) trở thành một thứ "clone" Nghiêm Lệ Quân hay bà Tùng Long của làng tiểu thuyết phòng the An Nam ta hồi trước. Hú ba hồn chín vía !

Chúc anh luôn dồi dào óc sáng tạo. Với creativity của anh, thì đề tài nào cũng xúc tích, bức tranh nào cũng ngổn ngang ý tưởng như tâm hồn bề bộn và phức tạp của anh, anh có vẽ trâu bò vẽ hươu ngựa gì thì cũng nói lên được điều anh muốn nói. Còn tôi sẽ tạc dạ lần qua chơi hôm ấy, sẽ nhớ về anh như một thằng bạn tuy vô cùng gàn bướng nhưng đầy tình bạn và hùng tâm thanh ý; tuy thất nghiệp kinh niên, bị ly dị năm lần bẩy lượt nhưng không hề buông giọng oán trách thở than trong thi ca của mình, sáng tác hoàn toàn vị nghệ thuật bất vị nhân gian thị hiếu. Làm sao tôi có thể học hỏi nơi anh nhiều hơn nhỉ? Tôi phải làm gì để ngoi lên khỏi vũng nước văn chương ao tù của sự tầm thường tục lụy ?

Có lẽ tôi sẽ phải dành ra một ngày như buổi chiều hôm nay, nhìn thật lâu vào trong mảnh gương tâm hồn để nhận rõ chính mình và xác định lại hướng đi. Lối viết rẻ tiền cỏ dại lẽ ra phải để ở lại cho một Sài Gòn năm xưa trên những tờ Phụ Nữ Mới hay Phụ Nữ Ngày Nay, tôi đem nó sang đây cho tái sinh tràn lan trên mảnh đất nghệ thuật của thành Lộc-An-Ða-Lệ. Thì ra hơn mươi năm nay tôi đã là kẻ tội đồ văn hóa mà không hay biết, tạo ra cả khối liên-tử-độc-giả ái mộ thường xuyên gửi thư về tòa soạn yêu cầu được hội diện, vì họ bảo truyện tôi tình tiết éo le yêu đương loạn xạ như soap opera đã làm họ phải cảm động lệ rơi sướt mướt.

Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi ! Ða tạ các bà các cô say văn tôi suốt mấy năm qua, đã ân cần để sách tôi ở đầu giường và bathroom là những chỗ trong nhà các bà các cô hay đọc nhất. Song le mối duyên nợ phù vân chúng ta đã hết; đến lúc phải chia tay âm dương đôi ngả vì từ nay tôi không còn cảm hứng nào phun ra loại văn rậm rật đó nữa. Cái thứ món ăn tinh thần ấy, hãy để đám thợ viết phơi-ơ-tông đất Lộc-An-Ða-Lệ cung cấp cho các bà. Còn tôi bây giờ là người đã trở lại với chính nghĩa quốc gia, tung cánh chim tìm về tổ ấm. Vì anh, Ðỗ Thái Kiên gã cuồng sĩ thành Nữu-Á-Lân, đã giúp người bạn cũ cải tà quy chánh ra khỏi chốn bát nháo bụi trần..

Viết tại bờ biển Lộng-Bích, Cao-Ly-Phật-Nha Bang, mùa thu 2002.

Ngô Huy tiểu đệ kính bút,

Nguyên Cương Andy

Lộc-An-Ða-Lệ Thành, Ô-Danh Hạt, Cao-Ly-Phật-Nha Bang, Á-Mỹ-Lỵ-Gia Quốc, Nhị Thập Thất Lưu Vong Niên Lịch. Ðỗ Thái Kiên hiền huynh thân mến,

Cứ vào mỗi mùa thu gió sớm nhẹ thổi về như mùa lá rụng năm nay, cứ mỗi lúc nghe tiếng chim đàn về làm tổ sau vườn nhà trong lùm cây đinh hương xanh ngắt, là tôi lại mong ngóng thư anh.