Những Mảng Đời Thường 3

Những Mảng Đời Thường 3

Tôi có rất nhiều bạn trai, bởi tôi học ban Toán (ban B) thời trung học. Cái lớp học gần một trăm học sinh, mà số con gái chỉ vỏn vẹn trên dưới mười người. Nhưng số phận của họ tôi không biết hết, bởi tôi chỉ thân với một ít người. Tôi không biết có bao nhiêu người trong số ấy thi rớt tú tài đôi và nhập ngũ, còn sống, hay đã chết ở một nơi nào đó trên quê hương, hay trên đường vượt biển.

Đám bạn trai thật sự tôi thân, lại là nhóm bạn của một anh hàng xóm của tôi. Anh và cậu em trai quê ở Long An, lên Sài Gòn học, ở trong căn nhà người cô ruột, nằm sát vách nhà tôi. Tôi quen thân với các anh vì các anh hay qua nhà tôi xin nước đá, hay thỉnh thoảng mượn một vài quả trứng. Các anh lớn hơn tôi khoảng hai ba tuổi và học ở các trường đại học khác nhau. Thời ấy chỉ có những người còn đi học mới được hoãn dịch (nếu không được miễn vì lý do sức khoẻ hay gia cảnh).

Tôi quen các anh từ lúc tôi còn học ở bậc trung học cho đến những năm tháng dài sau này. Tôi vốn dĩ nhỏ con, chỉ coi được, nhút nhát với người yêu, nhưng lại hoạt bát với bạn bè. Tôi nói cười thoải mái với các anh, làm mai cho các anh hết người này đến người nọ mà chả có mối nào thành. Có lẽ vì tính tình nhanh nhẫu thích làm mai của tôi mà các anh thân thiết với tôi, bởi chưa có anh nào có người yêu cả.

Căn nhà sát vách các anh hay tụ họp được gọi đùa là bộ chỉ huy tiền phương. Ở đó chúng tôi đã cùng nhau đánh máy, quay roneo tuyển tập thơ văn đầu tiên và cuối cùng của chúng tôi, bởi cũng đúng sau cái lệnh tổng động viên mùa hè đỏ lửa đó, tất cả các anh đều được lệnh động viên. Tôi vẫn hay thăm các anh ở Thủ Đức khi đi cùng với cô bạn gái mà tôi đã làm mai cho anh Đáng. Thỉnh thoảng được phép về thì các anh lại ghé nhà tôi. Sau này khi về phép các anh tụ tập ở nhà tôi chứ không sang nhà kế bên nữa.

Sau khi tốt nghiệp sĩ quan trường bộ binh Thủ Đức, mỗi người đi mỗi nơi, chúng tôi không còn dịp tụ họp nhau như ngày xưa, nhưng tôi vẫn nhận được những lá thư và hình ảnh gửi về từ những địa danh xa lạ. Thỉnh thoảng một vài người vẫn ghé thăm tôi khi có dịp đi phép. May mắn là không có một người nào trong số các anh tử trận trong chiến tranh, để chúng tôi lại gặp nhau tất cả ở Sài Gòn, sau ngày 30 tháng Tư.

Tôi không nhớ nhiều lắm thời kỳ này, bởi lẽ lúc đó đời sống bỗng dưng bị xáo trộn, và không ai muốn nghĩ tới ai nữa. Tôi chỉ nhớ lần cuối cùng chúng tôi gặp gỡ đủ mặt, là cái ngày các anh đến từ giả tôi để hôm sau đi tập trung vì các anh đều là diện sĩ quan.Và mặc dù tôi đã vét hết số tiền tôi có, đưa cho anh Mười, anh bạn nghèo nhất của tôi, cho đến giờ phút đó, vẫn chưa đủ tiền để nộp cho ngày mai (các anh phải nộp gạo hay tiền để có thể sống đủ một tuần hay một tháng gì đó tôi không nhớ), và cho đến nửa đêm, sau khi các anh thay phiên nhau mỗi lần hai người trên một chiếc xe đạp cà tàng chạy lòng vòng tìm người quen mới mượn đủ số tiền cho anh Muời để nộp sáng ngày sau.

Chỉ có anh Quang và anh Mười viết thư cho tôi trong những ngày ở trại tập trung. Anh Quang bị đưa lên tận miền Bắc, mãi sáu năm sau mới đổi về Xuân Lộc, và anh chỉ về được nhà sau 13 năm dài của một thời tuổi trẻ. Sau đó anh và gia đình đi Mỹ theo diện HO .

Anh Mười là người viết thư cho tôi nhiều nhất. Anh may mắn ở chung trại với một người bạn chung nhóm, tên Đức và một đứa cháu tên Hải. Anh Đức là sĩ quan không quân, cao ráo, đẹp trai. Anh nhập ngũ trước các bạn, nên tôi không gặp anh thường ở nhà tôi, nhưng anh là cái người đặt cho tôi cái biệt danh "bà ngoại" ở trong trại tập trung.

Anh Mười viết thư rất hay, tôi vẫn thường nhận những bức thư anh lén lút gởi ra, ngoài lá thư anh được phép viết hàng tháng và phải qua kiểm duyệt, mà phải có lá thư được phép viết này, thì tôi mới có thể cầm thư ra bưu điện trình, mới được phép gửi cho anh một kí lô quà, mà chủ yếu là đường và thuốc lá. Thông thường tôi bán mì gói hay gạo tôi nhận ở trường đại học (tiêu chuẩn sinh viên được mua lúc đó, trích ra từ số tiền 18 đồng học bỗng mỗi tháng ), để có tiền mua quà cho anh. Sỡ dĩ anh Mười gửi thư cho tôi mà không gửi cho gia đình anh, vì Hải, cháu anh đã gửi thư cho gia đình, và bất kể anh gửi thư hay không thì gia đình chỉ có khả năng gửi chung hai chú cháu một ký quà mà thôi. Vì thế anh đã gửi thư cho tôi, và cũng vì thế anh Đức đặt cho tôi cái tên "bà ngoại", vì anh Đức cho rằng tôi thật thà, hay chăm sóc bạn, hệt như một bà ngoại người Nam Bộ.

Anh Mười hay tả về khu rừng nơi anh ở, nơi có cái trại Kà Tum ở biên giới Việt Miên. Tôi vẫn còn nhớ lời anh viết "rừng ở đây không đầy hoa thơm cỏ lạ như trong truyện thần tiên, mà rừng ở đây chỉ đầy muỗi và rắn rít". Anh cũng hay viết cho tôi những bài thơ hay, không biết do ai sáng tác mà các anh truyền miệng với nhau, tôi nhớ một vài câu như :

Vợ tôi như thiếu phụ Nam Xương.

Vợ bán hàng rong đứng ngóng chồng.

Đoàn người gánh củi về ngang ấy.

Lệ ướt dầm mi ai biết không?

Đây là tâm trạng thật của một người vợ, đã giả dạng người bán hàng rong để chờ nhìn thấy mặt chồng trong đám người tù chính trị, trên đường từ địa điểm lao động trở về trại.

Trong những lá thư tôi nhận lén được từ anh Mười, có một lá thư báo hung tin về cái chết của anh Đức, anh chết đuối trong khi tắm tại một hố bom sau những giờ lao động vất vả.

Tôi nhớ thư anh Mười viết "Ngày hôm sau, bọn anh đem nó đi chôn, không có một nén nhang trên đầu ngôi mộ. Thậm chí nó chết, không có một bộ đồ lành để mặc ".

Ôi! Cái ngày này tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, bởi tôi không chỉ khóc cho riêng anh, mà tôi khóc cả cho chính tuổi trẻ chúng tôi .

Thêm một cái chết nữa của bạn tôi. Anh cũng còn chưa qua độ tuổi hai mươi.

Cẩm Vân