Những Mảng Đời Thường

Những Mảng Đời Thường

Tôi không phải là văn sĩ để có thể viết nên những dòng văn đẹp cho đời. Tôi chỉ là một con người bất hạnh muốn kể lể nổi muộn phiền của đời mình cho mọi người chia sẻ. Một con người bình thường như mọi người khác đã vô tình sinh ra trong cái bi kịch của chiến tranh. Một mảng đời thường tưởng chừng như thật nhỏ nhoi trong biển đời rộng lớn, nhưng lại là một vết vẻ trong một bức tranh toàn vẹn của bối cảnh xã hội mà mỗi người trong thế hệ chúng tôi đều có dự phần.

Tôi viết như một điếu văn, để khóc cho những bạn trai tôi, đã chết trong cuộc chiến tranh,trong trại cải tạo, trên đường vượt biển, và khóc cho cái chết xuân thì của các bạn gái tôi hiện đang còn ở VN, ở Pháp, hay ở Mỹ. Một cái chết âm thầm không tên gọi, và đồng thời cũng để khóc cho số phận không may mắn của tôi.

Tôi có một người bạn trai, anh ở trọ trong căn phòng đối diện bên kia đường của nhà tôi. Anh quê ở Vĩnh Long, gia đình nghèo, phải vất vả lắm mới có thể nuôi anh học đại học. Chúng tôi học chung trường, nhưng khác chứng chỉ dự bị. Nhưng vì ở gần nhà nên thân nhau. Anh rất hiền, nên khó có người yêu. Tôi thì tính tình nhanh nhẫu, thích làm chuyện tào lao, nên đã giới thiệu anh cho một cô bạn gái cũng học chung chứng chỉ như anh.

Anh nhập ngũ vì cái lệnh tổng động viên sau mùa hè đỏ lửa. Chỉ mới hò hẹn với người yêu chưa được mấy lần. Chúng tôi thường lên thăm anh ở quân trường Thủ Đức những buổi cuối tuần. Nhưng thông thường tôi bỏ mặc hai người ngồi với nhau và đi đến nhóm bạn thân khác của tôi, cũng nhập ngũ đợt này.

Tôi không nhớ khi ra trường anh được đổi về đơn vị nào, chỉ nhớ rằng chúng tôi nhận tin anh tử trận chưa đầy một năm sau. Tôi vẫn còn nhớ rõ hình ảnh hai hàng lính mặc quân phục trắng, đứng dàn chào bên cái hòm có phủ lá quốc kỳ và tiếng kèn tiễn đưa vang lên trên ngọn đồi nhấp nhô những bia mộ trắng.

Đó là lần đầu tiên và duy nhất tôi có mặt trong Nghĩa Trang Quân Đội, nơi có cái tượng người lính ngồi ôm súng một mình buồn bã.

Và anh, một người rất trẻ, chết trong độ tuổi 20.

Cái chết thứ hai, có lẽ là cái chết tôi sẽ không bao giờ quên, bởi nó gắn liền với tình cảm của tôi. Anh tên NPL và là em của một chị bạn tôi quen trên những trang thơ, ở một vài tờ báo nào đó. Tôi vẫn thường hay đến nhà chị hay đến ngân hàng, đối diện chợ Tân Định, nơi chị làm việc, nhưng chưa bao giờ tôi gặp các em của chị.

Một lần, trong căn phòng khách nhà chị, tôi thấy một người con trai có khuôn mặt chữ điền, trạc tuổi tôi, đi ngang qua khung cửa sổ trước mặt tôi, tay bồng một đứa bé. Cái hình ảnh đập vào mắt tôi và làm tôi chết sửng trên ghế, là lúc anh cúi xuống hôn trên trán đứa bé anh bồng. Tôi không biết đã có ai trải qua những cảm giác giống tôi, chỉ biết rằng trái tim tôi dừng đập khoảng mấy giây, cho đến khi cái não của tôi như cái máy chụp ảnh, bắt lấy hình ảnh cái khuôn mặt chữ điền và nụ hôn trên trán đó. Tôi không còn nhớ những gì xảy ra sau đó, chỉ biết rằng khi tôi từ giã ra về, cái hình ảnh đó trở thành một nổi ám ảnh dịu dàng trong trái tim tôi cho mãi đến tận bây giờ.

Tôi không biết đó là do một xúc cảm tâm lý, bởi lẽ cha tôi qua đời cách đó không lâu. Hình ảnh anh hôn đứa bé có thể biểu tượng cho tình cha con mà tôi vừa mất, hay đó là thứ tình yêu qua chớp mắt đầu tiên. Tôi không biết, chỉ biết là tôi nhớ anh trong nỗi đau thầm lặng.

Tôi bắt đầu đến thăm chị anh thường xuyên hơn, và đã đôi lần gặp lại anh ở nhà, chỗ chị anh làm việc hay tại trường Luật, nơi mà vì anh, tôi đã ghi danh học (thuở đó còn có thể xin học hai trường). Cái trường Luật đó luôn luôn không đủ chỗ cho sinh viên ngồi. Nhưng dẫu vậy, tôi vẫn luôn luôn tìm thấy anh trong biển người xa lạ đó. Tìm thấy anh chỉ để ngắm nhìn từ xa, bởi lẽ ở thế hệ chúng tôi, một sự biểu lộ tình cảm từ phía người con gái gần như là điều cấm kỵ.

Tôi bỏ trường Luật vì lệnh mới không cho phép học hai trường, mà tôi vì lời hứa với cha tôi trước lúc lâm chung là thay thế cha tôi gánh vác sự nghiệp gia đình. Tôi bắt buộc phải chọn ngành Hóa để có thể giữ lời hứa của mình. Và tôi chỉ gặp lại anh gần hai năm sau tại căn cứ Củ Chi.

Anh được lệnh động viên trong hay sau năm học. Tôi chỉ nhận được tin tức anh qua chị anh, người chị mà cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hề tiết lộ cái bí mật thầm kín, ẩn dấu sâu trong trái tim tôi. Tôi không biết tại sao tôi giữ kín, có lẽ vì sợ nói ra, cái tình cảm mất đi vẻ đẹp của nó, hay tại tôi sợ phải khơi lại cho chị những kỷ niệm đau buồn mà có thể chị chưa quên,cũng như tôi chưa quên vậy.

Tôi gặp anh lần cuối cùng ở căn cứ Củ Chi, nơi Sư Đoàn 25 trú đóng.Tôi có một người em trai và một người anh họ cũng là lính ở đó.

Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Tôi chỉ lí nhí trong miệng rằng tôi đi thăm em tôi, tiện thể ghé thăm anh. Anh nhìn tôi cười và mời vào chỗ anh uống nước. Nhưng tôi từ chối, nói rằng tôi sợ lỡ chuyến xe.Thật ra, tôi sợ anh sẽ khám phá tình cảm của tôi qua đôi mắt, nếu anh ngồi đối diện với tôi. Thế là tôi từ giả ra về, mà lòng cứ thầm trách mình ngu muội. Đi một đoạn thật xa, tôi mới dám quay đầu nhìn lại, chỉ còn thấy cái dáng cao gầy của anh lủi thủi đi vào.

Một tuần nào đó của năm 74, không biết có phải vì linh tính về cái chết của anh, tôi bỗng dưng buồn bã lạ thường. Tôi ngồi trong giảng đường mà không nghe tiếng giảng của thầy, không nhìn quanh tìm các bạn của tôi, chỉ ngồi trong nỗi bức rức, băn khoăn vô cớ.

Ngày thứ Bảy cuối tuần đó, một người bạn cũng chung trong nhóm thơ văn, đến nhà tìm tôi và báo hung tin. Tôi chỉ nhớ là tôi điếng người, muốn khóc mà không khóc được, bởi lẽ chúng tôi phải cùng đến nhà chị ấy để chia buồn.

Lúc tôi đến nhà, không khí trong nhà im lặng buồn bã, anh chết đã hơn một tuần. Tôi lặng lẽ đến trước bàn thờ anh, nhìn bức ảnh chụp bán thân trong bộ lễ phục, nhìn chiếc nón sĩ quan đặt trên bàn, nhìn ánh mắt nghiêm nghị nhưng buồn bã của anh trong hình, tôi nói thầm rằng tôi sẽ yêu anh mãi mãi.

Những năm về sau, tôi bắt đầu viết nhật ký, tôi viết như để cho anh đọc, tôi kể cho anh nghe về tâm sự thầm kín của tôi. Tôi họa lại hình anh bằng bút chì từ một tấm ảnh gia đình mà chị anh đã cho tôi.

Sau năm 75, dầu đời sống tôi đang trong cơn bão lốc, tôi vẫn không quên anh.

Mỗi buổi chiều từ trường, tôi đạp xe qua Hồng Thập Tự, xuống Đinh Tiên Hoàng, băng qua một cây cầu, qua lăng Lê Văn Duyệt, qua nhà thương Nguyễn Thái Học, để đến cái nghĩa trang nhỏ gần nhà anh, nằm trên đường Chi Lăng. Đến chỉ để nhìn cái mộ bia có hình thánh giá rồi lặng lẽ quay về.

Mãi cho đến cái tuổi 38, khi tôi lập gia đình, tôi mới đốt cuốn nhật ký và tấm hình tôi họa. Chỉ mang theo hình anh chụp với gia đình, cùng với hình ảnh người con trai có khuôn mặt chữ điền và nụ hôn trên trán đứa bé, đi theo trái tim tôi đến vùng đất lạ xa và lạnh lẽo này.

Tình yêu nào không đạt được, đều đẹp, bởi nó không bị vẩn đục bởi sự va chạm với cuộc sống đời thường. Tôi yêu những mối tình tuyệt vọng, bất kể vì đó là sự đơn phương, vì cái suy nghĩ hẹp hòi về môn đăng hộ đối, vì sự chia rẻ bởi tôn giáo, hay bởi những giới hạn nào đó trong nếp nghĩ, trong thói quen. Yêu và nghĩ về nhau với mọi cái tốt đẹp. Đó chẳng là hạnh phúc hay sao?

Có điều, cái hạnh phúc hay đau khổ đó, chỉ mình tôi hay biết. Và anh cho đến ngày ra đi vẫn chưa một lần có người yêu để hẹn hò.

Anh cũng chết ở độ tuổi 20.

Cẩm Vân