Những Mảng Đời Thường 4

Những Mảng Đời Thường 4

Tôi là một người có cá tính rất lạ kỳ. Ngay từ nhỏ tôi đã không thích xa hoa. Có lẽ tôi giống ba tôi ở cách sống giản dị. Ba tôi hồi trẻ, trắng trẻo, đẹp trai, học trường Tây, biết đàn hát. Tôi không biết ông giỏi âm nhạc hay không, bởi thường, tôi chỉ nghe ông đàn mandolin và hát bài" Kiếp nghèo", cái bài hát nghe buồn não nuột, nhất là vào những đêm mưa. Má tôi, ngược lại, học chỉ hết tiểu học đã bị ông ngoại cho nghĩ học, vì theo quan niệm xưa của ông thì con gái học cao làm gì, chỉ cần biết chữ thôi, vì khi lấy chồng thì chỉ lo nội trợ và nuôi con mà thôi. Nhà ngoại tôi ở thị xã Cao Lãnh, nằm dưới dốc cầu ở cạnh con sông nước đục phù sa. Má tôi lớn lên ở miền quê, nhưng tới tuổi cập kê, được người chị may mắn có chồng ở Sài Gòn mang lên ở chung tại đường Nguyễn Cảnh Chân. Má tôi hồi trẻ tuy nước da ngâm đen, nhưng lại có duyên. Ba tôi phải lòng bà nên cứ lẻo đẻo theo sau, mỗi khi bà đi gánh nước. Khi ba tôi hỏi cưới bà, ai cũng cho là bà có phước, bởi ba tôi là cháu đích tôn của ông hộ Vạn ở Cầu Kho.

Ông cưới bà khi bà chỉ có 16 tuổi. 17 tuổi bà sinh chị tôi và 18 tuổi sinh tôi. Chị tôi mặt mày giống bên nội, nên bà nội rất cưng, nhưng chị lại giống tính má tôi, là rất chăm chút bề ngoài. Tôi trái lại giống bên ngoại về hình thể, nhưng giống ba tôi về tính tình. Ba tôi xuề xoà, bình dân. Mỗi lần chở vợ con đi chơi, ai cũng tưởng ông là tài xế. Tôi rất ghét đi xe hơi, bởi tôi có cảm giác rằng, những đứa trẻ kém may mắn hơn tôi, sẽ nhìn tôi và tủi thân.

Khi ba tôi thừa hưởng cái hãng làm bong bóng của ông bà nội tôi, thì tôi là người duy nhất làm việc chung với những người thợ. Ở tuổi 11, tôi vừa làm, vừa học mà vẫn đứng nhất nhì, lại còn làm thơ đăng báo trong cái mục thiếu nhi của báo Ngôn Luận. Mỗi lần có bài được đăng là ba tôi đem khoe hết bạn bè.

Tôi đã trải qua cái thời thơ ấu thật sung sướng. Ở cái tuổi 15,16 tôi trở nên mối tình đầu của nhiều người thợ của ba tôi.

Tôi không bao giờ nghĩ ba tôi sẽ chết trẻ như vậy, ở độ tuổi 40. Và cái thế giới yên bình của tôi bỗng chốc mà sụp đổ. Tôi không bao giờ quên hình ảnh ba tôi nằm trên giường bệnh, sai tôi mang hai đứa em trai út vào,để cho ông xoa đầu lần cuối.

Sau đó ông bảo tôi mở tủ sắt, lấy cuốn sổ ghi đầy những công thức pha chế khác nhau và chỉ cho tôi cái công thức thật sự, được che dấu trong hàng loạt cái giả. Ba tôi xin tôi tiếp tục giữ cái hãng sản xuất của gia đình và tuyệt đối không cho má và chị tôi biết bí mật nghề nghiệp, vì chị tôi đâ có người yêu và má tôi còn trẻ, chắc chắn sẽ bước thêm bước nữa. Ông không muốn rằng sự nghiệp của gia đình sang qua cho người khác. Tôi, chỉ ở cái tuổi sắp bước qua 17, mà phải mang một trách nhiệm quá nặng, khi hứa sẽ theo lời ông dặn.

Và quả đúng như lời ông tiên đoán, chị tôi làm đám hỏi chạy tang và làm đám cưới một năm sau đó, lúc chị mới 18.

Riêng má tôi, sau cái hạn tang chế 3 năm, bà lấy một người bạn của ba tôi, nhà ở phía bên kia đường, làm chồng. Cả hai đều dọn ra riêng và tôi ở lại một mình với 5 đứa em tôi. Dẫu biết rằng bà ở bên kia đường, nhưng với tôi, tôi đã mất cha mà lại không gần với mẹ.

Cái hãng làm bong bóng chỉ tiếp tục thêm một năm. Vì tôi một mình không thể gánh vác hết mọi việc mà không cần đến sự giúp đỡ, rong khi tôi vẫn phải tiếp tục học thi tú tài để vào đại học. Thật ra, tôi chỉ có ý định ngưng tạm vài năm, chờ học xong sẽ mở lại. Nhưng hóa ra đó lại là điều may mắn cho gia đình tôi, bởi lẽ, nếu chúng tôi tiếp tục đến ngày 30-4, chắc chắn đã bị đánh tư sản, bị mất nhà và phải đi vùng kinh tế mới.

Khi con người lâm vào hoàn cảnh khó khăn thì tình bạn đột nhiên trở thành cứu cánh. Cái số phận của tôi sau này gắn liền với nhiều người bạn và cũng vì thế, tình bạn được tôi đặt để ưu tiên, trên cả tình yêu và trên cả gia đình.

Ở đời, có những điều nghĩ không ra. Hồi nhỏ khi học ở trường tiểu học Cầu Kho, tôi học rất giỏi, tôi lãnh phần thưởng hạng nhất với cuốn tự điển Pháp Văn lớn nhất thời ấy, ngay cái năm học lớp Nhất (tức lớp 5 bây giờ). Tôi đậu bằng tiểu học dễ dàng. Nhưng cái kỳ thi tuyển vào trường Gia Long tôi lại thi rớt. Tôi nhớ bài luận văn thi năm đó là đề tài về diễn tả một cây cầu. Vậy mà tôi cứ để cái nguồn tưởng tượng phong phú của tôi đi lạc trên giòng sông ở dưới chân cầu, và tôi sử dụng cái văn chương lai láng của tôi để tả cảnh nên thơ cuả giòng sông và đám lục bình, cũng như cảnh đẹp của hai bên bờ sông và vì vậy cái giòng sông đó, nó cũng cuốn trôi cái mơ ước học trường công của tôi, bởi cái bài tôi viết chẳng thấy bóng dáng cây cầu đâu cả. Mặc dầu tôi giỏi toán, tôi vẫn không làm sao kéo nổi điểm.

Học trường tư đối với tôi chả hề gì, chỉ có phải tốn tiền thôi. Sau đó tôi thi vào trường Phan Sào Nam và nhận được học bổng 50% năm đệ Thất, sau đó mới chuyển về học trường Hưng Đạo cho đến hết trung học. Trường Hưng Đạo thời đó có nhiều thày toán giỏi, nhờ vậy cho đến giờ này tôi cũng không quên và vẫn sử dụng kiến thức toán một cách trôi chảy.

Nhưng cái năm học lớp 12, là cái năm tôi cứ bị kêu réo về tiền trường, bởi lẽ má tôi không mong muốn cho tôi tiếp tục học vì bà nghĩ tôi phải có trách nhiệm phụ bà gánh vác gia đình. Nhưng ba tôi có nói một câu mà tôi không quên rằng: để của lại cho tụi con, dẫu có nhiều như núi, thì khi tiêu xài lâu cũng hết, chỉ có để lại sự học vấn là tồn tại suốt đời, bởi kiến thức sẽ không bao giờ mất. Và chính vì câu nói đó, mà dù hoàn cảnh sau này có thế nào, tôi vẫn muốn tiếp tục học. Và như vậy, tôi phải chờ xem lúc nào thấy bà có vẻ vui, tôi mới dám xin tiền đóng tiền trường. Nhưng làm sao bà có thể vui được khi bà mất chồng chỉ ở tuổi 35. Và số tài sản ba tôi để lại, cứ hao mòn dần theo năm tháng.

Và người cứu tinh cho tôi là một cô bạn học chung lớp và nhà cũng không xa nhà tôi gì lắm, cũng nằm trên đường Cộng Hoà.

Cô bạn đó tên Thanh Hiệp, người ân nhân đầu tiên của tôi và là một trong hai người bạn thân nhất của tôi bây giờ.

Thanh Hiệp học rất giỏi, tôi nghe tiếng từ lâu, nhưng chưa thấy mặt, bởi Hiệp học buổi sáng, tôi buổi chiều. Chỉ năm đệ Nhất, tôi mới đổi ca học buổi sáng và học chung lớp với Hiệp.

Hiệp thấy tôi bị kêu xuống văn phòng nhiều lần thì thắc mắc hỏi thăm và được tôi kể lể sự tình. Thế là ngày hôm sau, Hiệp mang tiền đến cho tôi mượn trước, rồi sau đó từ từ trả lại sau.

Và kể từ hôm ấy, tôi được yên thân học tập.

Chúng tôi cả hai đậu tú tài năm này và cùng học chung một năm ở trường Đại Học Khoa Học. Năm sau, Hiệp thi đậu vào trường Đại Học Bách Khoa, khoa điện tử và tốt nghiệp kỹ sư 4 năm sau. Tôi tiếp tục với ngành hoá và cũng tốt nghiệp không lâu.

Nhưng cái bi kịch chung cho tôi và Hiệp, và một số bạn khác là chúng tôi không thể lập gia đình trong cái hoàn cảnh sau năm 75, bởi lẽ thanh niên đa phần hoặc là đã đi vượt biên, chờ vượt biên hay đang còn trong trại cải tạo và vì thế cả hai đều lập gia đình trể và không thể có con. Hiệp không may mắn vừa mất chồng và đang ở một mình bên Pháp.

Chúng tôi không chết trên biển, nhưng chúng tôi chết tuổi xuân thì và ai có thể nói rằng cái chết này không có nước mắt và nỗi đau.

Tôi gọi cái chết này là cái chết không tên gọi.

Cẩm Vân