Hát Hay Không Bằng Hay Hát

Hát Hay Không Bằng Hay Hát

Phe ta hay nói như dzậy, nhất là trong các bữa tiệc có dzăng nghệ. Tiếng Việt là một trong số tiếng nói có âm điệu trầm bổng như chim hót, khi nói bình thường thôi thì âm điệu nghe như hát (xuống giọng khi hát bài Con Cá Sống Vì Nước, lên giọng khi giảng bài). Chắc tại dzậy mà người Việt ta hay hát cho đời lên hương, nhất là mỗi khi có tí rượu vào (thì lời phải ra). Nói gì thì nói, chỉ cần nghe hay nói tiếng Việt là thấy hạnh phúc quá chừng chừng. Như Cuội ta đây, dù Hằng Nga nói, hay có sai bảo, nhưng chỉ cần nghe hai tiếng “anh ơi” bằng tiếng Việt là đủ phê rồi.

Hôm nọ Cuội đọc báo Người Việt từ phố Sài-Gòn-Nhỏ, có bài phóng sự về chuyến đi thăm làng Cognac bên trời Tây. Cuội tiếc hùi hụi là không được đi ké .

Mọi người được đi thăm ngôi làng Cognac dễ thương, với những cánh đồng nho nhấp nhô, xa tít mù, đẹp như Hằng-Nga tóc vàng đang khoe mình tắm nắng. Được nhìn tận mắt lò chưng cất rượu với thương hiệu mà đa số người Việt biết đến, nhất là những cặp đã từng làm đám cưới theo đúng tiêu chuẩn Bolsa.

Đó là hiệu rượu "Rémy Martin"… Xin giới thiệu với quí vị! (Vỗ tay...)

Hơn 15 năm trước, Cuội về thăm Sài Gòn. Gặp lại bạn học cũ, kéo nhau đi nhậu ngoài Quận 1. Vừa ngồi xuống là có một kiều nữ Sài Thành, xinh đẹp gần bằng Hằng Nga, trong trang phục rất là tình tự dân tộc: áo dài gấm hoa, đầu đội khăn đóng. Hai bàn tay ngọc nhẹ nâng khay sơn mài chạm hình rồng phượng, trên đó chễm chệ chai rượu Rémy Martin VSOP. Người ngọc thỏ thẻ như ngày xưa Đắc Kỷ ngọt ngào với Trụ Vương: "Anh ơi, có 100 đô la thôi các anh ơi, mua dùm em. Các anh uống cho thơm râu". Cuội không có râu mép, nếu có, chắc mấy cọng râu cũng xoắn tít lên khi nghe tiếng “Anh ơi”, “râu” phát ra từ đôi môi người ngọc. Ôi, sao mà hay, ngọt như mía lùi, rượu còn trong chai, đã muốn say rồi.

“Từ hôm ấy”, Cuội hiểu ra rằng Rémy Martin và áo dài cưới là tình tự dân tộc, một cặp phạm trù triết học - nhất là khi đồng lương trung bình hằng năm của người dân Việt Nam lúc bấy giờ là 200 đô la một năm!

Cuội có Cuội em lưu lạc trời Tây, cho biết cách ông Tây bà Đầm uống rượu chát như thế này: cứ làm như sáng súc miệng bằng Scope, chỉ khác là đừng có nhổ ra! Cuội ta mê uống rượu chát, mà không sao uống được như dzậy (?) Tự an ủi là Cuội có “hai Lúa” thì chỉ có Hằng Nga biết, mà thôi kệ, không sao (?) “Yêu nhau trái ấu cũng tròn”.

Hôm nay đọc bài phóng sự, có đoạn mademoiselle hướng dẫn viên chuẩn bị màn thử rượu trong nhà máy, chỉ cho du khách cách uống rượu cognac cho đúng điệu dân Tây. Na ná như uống rượu chát. Đúng dzậy, phải cầm ly trong lòng bàn tay, mân mê, xoay nhè nhẹ, từ từ đưa gần lên mũi, hít thở động tác dưỡng sinh vài lần rồi mới uống vào miệng, nhưng không nuốt mà ngậm lại, súc miệng, để rượu đánh thức tất cả các tế bào trong miệng. Làm dzậy mới thưởng thức hết hương vị bao nhiêu thứ (bí mật) trong rượu, mới có thể phân biệt rượu ngon - rượu không ngon, rượu thập niên - rượu thâm niên, rượu sang - bèo v.v…

Dzậy là xưa nay Cuội ta chỉ biết nốc rượu chứ có uống gì đâu! Cứ cụng ly là cạn ly! Trăm phần trăm. Ủa, mà sao cứ nghĩ đến Lệnh-Hồ-Xung cụng hũ rượu to tổ bố với Điền-Bá-Quang, rượu đổ tràn ra mặt mày, như tắm rượu, say trong rượu, thiệt là quá đã …

Mấy ông Tây bà Đầm rắc rối thiệt, bày vẽ làm chi, rồi ngay chính họ cũng không thèm uống cognac, để dành bán ra nước ngoài, chủ yếu là nơi có nhiều dân da vàng tóc đen. Chợ nào ở Bolsa mà không có VSOP, XO, Louis XIII, hộp vuông, hộp dài, nơ xanh, nơ đỏ, không thiếu. Trong khi bên quê hương Cognac, Cuội em kiếm đỏ con mắt mới ra một chai Rémy Martin hay là Courvoisie, Martell, Hennessey .

Thôi thì Uống Hay Không Bằng Hay Uống .

Dzô đi quí vị!

(Nói Cuội Với Bạn, Cuội SD)