Miền Đất Đỏ (1)

Miền Đất Đỏ (1)

Sáng nào cũng vậy, tiếng chim chóc ríu rít, léo nhéo đánh thức mọi nhà, mọi người trong cái làng nhỏ giữa rừng này. Nhà của tụi tôi chỉ cách bìa rừng không hơn 50 thước, từ chái phía sau nhà theo lối mòn đất đỏ chạy thẳng tới. Bìa rừng bên này có nhiều cây bằng lăng. Cây còn nhỏ, không hơn một vòng tay ôm, vừa đủ cao để những con khỉ ốm, ồn ào, tụ họp trên đó mỗi sáng tinh sương. Có vài con khỉ con nhỏ xíu, bám chặt cổ mẹ nhìn xuống tụi tôi, giương những cặp mắt to tròn. Hình như bọn nó thích theo dõi bọn người chúng tôi bên dưới này. Có thèm ngủ cách mấy cũng phải bò dậy vì tiếng ồn ào bắn nhắn của đám giặc khỉ.

Hôm nay là thứ bảy, những người đàn ông ở chung không phải vào rừng kéo cây, ôm củi. Tôi gọi là chú vì họ đều ở tuổi tứ tuần, đều là cựu sĩ quan quân lực VNCH, bị VC bắt đi tù sau ngày miền nam thất thủ. Nhờ “bày tỏ thiện chí, thành tâm hối cải, học tập tốt” nên các chú được chuyển giao cho Bộ Nội Vụ (Công An) để làm công tác “sản xuất”. Tất cả được ở nhà hôm nay nên dậy rất sớm, pha cà phê, chuẩn bị vào ven rừng bên cạnh nhặt rau, ớt … và la rầy mấy con khỉ. Rừng ở đây có nhiều rau càng cua, mồng tơi, khoai mài, vang rừng, ớt hiểm và vài loại phong lan rất đẹp.

Quần áo xong, hút điếu thuốc vấn với mấy chú, tôi dợm bước ra cửa thì nghe tiếng chú Tư, ba của D., gọi ơi ới trước nhà: “Chú T. ơi, ra quán uống ly cà phê trước khi đi …”.

Mấy ông chú hỏi tôi có về ăn cơm trưa không khi tôi chào các chú, dợm bước cùng chú Tư ra đầu ngõ. Chú Tư trả lời thay cho tôi. Hôm qua ổng cho tôi biết nếu trời không mưa thì chiều tối mới về, trời mưa thì trễ hơn nhiều. Mưa là lý do ông nhờ tôi giúp đi hái bắp trên rẫy, hái cho hết trước khi mưa ập đến. Mưa trên rừng thường kéo dài, nhiều khi ba bốn ngày, và cái ẩm ướt ở lại lâu hơn, rất lâu.

Mới sáng tinh sương mà quán cô D. đã không còn chỗ ngồi, chú Tư và tôi đành phải đứng gần quầy thuốc lá. D. và cô em đang bận rộn lo cho khách, bên này ly cà phê, bên kia ly trà, tô mì gói. Chú Tư và tôi uống vội ly cà phê. D. trao cho tôi điếu thuốc trước khi chúng tôi rời quán, nói với theo "Đừng hút thuốc rê như ba em nghe!". Chú Tư và tôi băng qua con đường đất cao ngang mái lá trước cửa quán, tiếp tục đi tới, len qua những liếp rau lang, khoai mì, bụi chuối, vài cái chòi lá, căn nhà, và cứ tiếp tục đi. Càng đi sâu vào rừng, tiếng chim chóc càng náo nhiệt hơn.

Không nhớ là bao lâu, cuối cùng chú Tư và tôi cũng tới căn chòi, nằm sâu trong rừng, dưới chân cụm núi đá. Thoai thoải, nghiêng nghiêng gần bên chòi là rẫy bắp của gia đình chú Tư. Những cây bắp cao, xanh, đong đưa những ngọn lá màu nâu, những nhúm râu mầu nâu vàng như những lọn tóc nhỏ xiu xíu, long lanh những giọt sương đọng trong nắng sớm, và những trái bắp căng tròn, mũm mĩm một màu xanh tươi trọn vẹn. Xa xa sau rẫy bắp, hướng lên chân núi, thấp thóang một mầu xanh lúa non. Chắc là mảnh ruộng lúa mọi,vài công đất, ngay sát chân núi mà chú Tư rất hãnh diện mỗi khi nói đến.

Chú Tư loay hoay nhúm lửa trong chòi trong khi tôi đứng ngoài chòi nhìn lên núi, nắng chói lòa mắt, đỉnh núi là một mãng xám sậm vươn cao. Lúc sau chú bước ra đưa cho tôi một cái bao giống như bao đựng cát, nhưng to như bao gạo 50 ký lô. Ông cũng cầm một cái, máng lên vai bước ra rẫy bắp. Tôi bước theo, chú ấy cứ thoăn thoắt như con khỉ con, tay trái cầm cái túi to xốc trên vai, tay phải bẻ từng trái bắp trên cây, đưa quá vai, cho vào miệng túi mở to. Có cây được 1, có cây được 2 trái. Bẻ xong trái bắp, ông dẫm ngay lên gốc cây bắp, đạp dí nó xuống đất về phía sau lưng, và tiếp tục bước tới. Tôi chọn hàng cây bên cạnh, làm theo ông, lúc đầu còn hơi loạng quạng. Thỉnh thoảng tôi phải ngừng tay lại, rũ những con kiến chui vào tay áo. Lúc nhìn lên thì chú Tư bước xa rồi, nhìn ông nhỏ xíu, cúi gập xuống vì sức nặng của túi bắp sau lưng. Chúng tôi không còn nhìn rõ mặt nhau, chỉ còn là những cái bóng, hai bóng lầm lũi bước tới và hai bóng trên mặt đất, xiêu vẹo, méo mó chạy qua những gốc cây bắp bẹp dí. Mặt trời bắt đầu lên cao, mồ hôi bắt đầu rịn trên trán, trên lưng, làm nhòa cặp mắt kính của tôi. Không biết ngày mai mưa có đến không?

Quán cà phê đầu ngỏ là điểm quan trọng của cái làng nhỏ Xuân Sơn này. Dân ở đây đa số làm nghề rừng, làm rẫy. Duy nhất một con đường đất đắp cao, rộng chừng 5 mét, thỉnh thoảng có nhiều đọan rộng hơn một chút, là trạm xe đò, hay nơi họp chợ. Con đường đất đỏ, gồ ghề, nhiều dấu tích của những trận mưa rừng nối liền ngôi làng với thị xã Bà Rịa xa ngoài tầm mắt, hàng ngày có một hai chuyến xe đò, vài chuyến xe chở gỗ, những chiếc xe gắn máy trơ trơ những cặp bánh trần trụi không che đậy. Tất cả mọi vật ở đây, kể cả con người đều nhuộm một mầu đất đỏ, trừ cây cỏ thì lại rất xanh. Những chuyến xe đò thường hay ngừng lại ở những quán ven đường để thả và rước khách. Hành khách có chổ dừng chân, uống ly trà, cà phê, ăn tô mì gói, miếng kẹo đậu phọng hay trái chuối. Từ đầu làng đến cuối làng, chạy dọc theo con đường đất đỏ khoảng vài cây số, có ba bốn quán cà phê. Quán cô D. là quán đầu làng.

Gia đình chú Tư có 3 người con, hai gái một trai. D. là con gái lớn, kế là H., con trai út (?) là P. thì còn được đi học tiểu học trường làng. Hai năm trước, chỗ tôi ở có một anh chàng thợ rừng, hình như từ miền Hậu Giang sông nước. Không biết anh ta như thế nào, nhưng được gia đình chú Tư tin tưởng và quí mến, nhất là D. Bỗng một ngày anh từ giã Xuân Sơn, không một lời chia tay. D. ở lại với gia đình, quán cà phê và một tâm sự không vui. Theo lời nhiều người thì D. không còn là D. như xưa. Ngay từ lúc đầu, tôi thấy đôi mắt của cô lúc nào cũng có vẽ oán trách, căm hận đàn ông con trai. Còn cô em thì lộ ra mặt, khuôn mặt loắt choắt với đôi môi mỏng, cong vênh. Mỗi khi thấy bọn thanh niên tùm nhúm ở quán, cười nói nhí nhố, nếu H. nghi là họ nói xấu chị mình là cô bé tỏ thái độ ngay lập tức, trước nhất là không thèm châm bình trà, tắt cây nhan dùng mồi lửa điếu thuốc. Ở đây người ta ít có chuyện gì để nói.

Chúng tôi hái hơn nửa rẫy bắp thì mặt trời vừa đứng bóng, phải nghĩ, trở lại căn chòi ăn trưa. Chú Tư lôi gói lá chuối từ trong đám tro giữa cái bếp kê bằng mấy cục đá. Chú mở dần những lớp lá chuối cho tới khi những hạt cơm trắng trộn những hạt bắp to tròn mầu vàng nhạt, bốc khói. Hai chúng tôi ăn cơm với cá khô, uống nước trà nóng rót từ cái bình bằng nhôm móp méo đen đúa trên bếp than. Chú cho tôi biết là rất ngạc nhiên, tưởng con trai thành phố không biết làm việc ruộng rẫy. Chú đâu biết tôi quen làm việc từ lúc học Trung Học. Nhìn về hướng ruộng lúa xa xa dưới chân núi, tôi hỏi chú là khi nào đập lúa cho tôi biết, tôi có thể giúp nếu tôi còn ở Xuân Sơn. Cũng là một cách gián tiếp cho chú biết đây là nơi tôi tạm trú, những ân tình, chấp chứa của người dân Xuân Sơn là những gì tôi trân quí nhất, và ở đây tôi tìm được một chút yên bình.

Chú Tư kể tôi nghe về cái miếu thờ cô Út chót vót trên núi, đi về hướng ruộng lúa, vòng qua phía bên kia dốc núi thoai thoải hơn mới leo lên được. Hồi đó cô Út yêu một thanh niên, anh chàng âm thầm rời bỏ Xuân Sơn. Khi được tin, cô Út một mình leo lên tận đỉnh núi, tìm nhánh cây to, treo cổ tự tử, lúc đó cô cở tuổi như D., 17, 18 gì đó, và vợ của chú Tư lúc đó đang có mang D. Dân ở đây nói cô Út chết vào giờ linh, xây cái miếu thờ trên đó, ai có chuyện tình duyên trắc trở thì lên đó cầu xin.

Chú Tư không phải cầu xin tình duyên cho ông, nhưng mảnh đất mà ông ra sức phá dưới chân núi, năm nào cũng thu họach tốt, chắc cũng nhờ cô Út phù hộ. Ông mong hai cô con gái của ông gặp nhiều may mắn, không như cô Út. Xuân Sơn thưa thớt, một cái miếu thờ là đủ lắm rồi.

Sáng hôm sau, Chúa Nhật, tôi bàn với bốn ông chú là leo lên núi chơi. Tôi không ngờ là cả bốn chú đều hưởng ứng. Có chú cho tôi biết là muốn xin phép lên đó từ lâu rồi, nhưng sợ tôi không bằng lòng. Thì ra các chú biết chuyện cô Út còn rành hơn tôi.

Tụi tôi có sáu người, tất cả là đàn ông. S. nhỏ hơn tôi vài tuổi, là bộ đội được biệt phái về Bộ Nội Vụ Bến Tre, lên rừng sản xuất … và gác tù, bốn ông chú, và tôi. Dưới mắt năm người đàn ông thì tôi là nhân viên Bộ Nội Vụ, có nhiệm vụ quản lý cơ sở, không ai biết vì chuyến vượt biển không thành, từ giã Sài Gòn trong khi chờ đợi một sự cố khác mà chính tôi cũng chưa biết.

Bốn chú gói ghém thức ăn, nước uống, S. vác cây AK, tụi tôi đi vòng từ phía cánh rừng sau nhà, vòng qua rừng bên kia, đi như vậy ít ai để ý. Quá trưa tụi tôi mới lên tới đỉnh núi, mới biết ngày xưa cô Út quyết chí đi tìm cái chết.

Trên đỉnh núi, có vài cây rất to, nhưng cây to nhất mà cô Út chọn là cây đa, gốc to, rể buông từ trên cao xuống, choáng cả một mặt đá lớn bằng phẳng. Dưới gốc cây là miếu thờ xây bằng gạch cao chừng 1 mét, sơn trắng ngà ngà, mái ngói đỏ. Bên trong là tấm bài vị mầu đỏ có chữ Tầu mầu đen nét đực nét cái mà tôi không hiểu, cái đĩa nhỏ, và hai cây đèn cầy bằng nhựa.

Bốn ông chú mang đâu ra trái ổi, trái bắp, trái mít non. Nhìn các chú khấn nguyện, tôi biết các chú ước nguyện ngày về gặp lại vợ con, gia đình. S. đợi các chú bước đi, nó mới khoác súng lên vai, một mình bước tới trước ngồi xuống trước miếu. Nó ngồi như vậy lâu lắm.

Từ trên cao nhìn xuống, giữa tấm thảm xanh biếc, chạy một con đường nhỏ ngoằn ngoèo màu nâu đỏ, không thấy bóng dáng một chiếc xe. Trời bắt đầu kéo mây, tụi tôi bắt đầu xuống núi. Xuống tới chân núi thì trời bắt đầu mưa, S. nói với tôi là muốn đi nhậu, cứ để bốn ông đi về nhà. Tôi hứa là lần sau sẽ kiếm cho mấy chú lon sơn, và để các chú có thời giờ nhiều hơn. Tôi biết là S. nhớ vợ con của nó ở Bến Tre, ở đó có trại giam mà bốn ông chú đã ở.

Mưa ập xuống thật nhanh và to, con đường đất đỏ cao hơn mặt đất chung quanh nên không ngập nước, nhưng lầy lội. Đất ở đây là đất sét rút nước chậm, gặp nước là nhoét ra, bám vào giầy dép, muốn bước chỉ có nước đi chân không, mấy ngón chân xòe ra như rau muống chẻ ngâm nước thì mới bám vào đất được. S. lại muốn đi nhậu thịt rừng ở quán khá xa nhà, thì cứ đi chớ về nhà buồn chết.

Trời mưa mà quán vẫn đông, lý do là phó chủ tịch xã săn được con nai khá to mang giao cho chủ quán nhậu. Ông phó chủ tịch được ăn nhậu miễn phí, tha hồ mời khách - mà ở đây thì khách đếm không đầy ngón tay, còn chủ quán được một phần thịt đáng kể. S. quen ông phó, thành ra tôi cũng là khách được mời. Rượu ở đây không ngon, làm từ bắp và khoai mì, nhưng là rượu thật, dân nhậu ở đây hào phóng, ồn ào, và hay cãi cọ nhau, xích mích hơn thua trong bàn nhậu. Ở đây đất rộng, người ít, người ta không dại gì mà giận nhau lâu, hôm nay hò hét cãi nhau, ngày mai lại ới ơi gọi nhau đi nhậu và cãi nhau tiếp. Có ai thích lên rừng một mình đâu, nhậu thì chắc chắn là không được rồi!

Đêm đó tôi được giới thiệu với nhiều bạn mới, đặc biệt nhất là hai anh em cột chèo có biệt danh Song Cầm, tôi và S. say bí tỉ, lê lết trên con đường lầy lội, sau mấy lần ngã lăn, có lẽ trăng sáng sau cơn mưa và âm hưởng tiếng đàn còn vọng lại đã đủ sức đưa hai đứa tôi về đến nhà, lúc đó cũng tỉnh rượu một phần nào. Có ông chú vẫn còn thức, bóng của chiếc võng đong đưa bên vách, lên mái tôn, dưới ánh sáng lờ mờ ấm áp tỏa ra từ góc bếp. Tôi leo lên căn gác, cũng là nóc của nhà kho, trong đó là mấy thùng dầu cặn, xăng, máy cưa, máy móc linh tinh. Giấc ngủ tự dưng khó đến, bên tai nghe ông chú lẩm nhẩm ngâm nga câu hát gì đó, cùng với tiếng ngáy đều đều trong đêm khuya, còn lâu lắm mới sáng!

Ở đây, nhạc bị gọi là nhạc vàng, nhạc Ngụy tha hồ được hát, từ băng cassette trong những quán cà phê, quán nhậu cho đến những buổi họp mặt văn nghệ. Ở đây, người ta không hát nhạc gì khác ngoài nhạc miền Nam trước 1975. Ở đây Thanh Tuyền, Chế Linh, Duy Khánh, Hùng Cường v.v… vẫn muôn đời là thần tượng. Trước khi giã từ Xuân Sơn, vốn liếng nhạc Việt của tôi rất ư là hạn chế, đúng ra là trước năm 1975, tôi hiếm khi nghe nhạc Việt, ngọai trừ một vài bài của PD, TCS. Sau năm 75, có dịp đi xa Sài Gòn nhiều hơn, có dịp nghe nhạc Việt nhiều hơn, và nhất là không còn được nghe nhạc rock ồn ào ở tại nhà của mình, kiến thức nhạc Việt của tôi bắt đầu thay đổi, nhưng mạnh nhất là những ngày tháng ngắn ngủi ở Xuân Sơn.

Sau lần nhậu say bí tỉ với S. ở quán thịt rừng, có anh em Song Cầm đi làm đi chơi với nhau nhiều hơn thời gian với vợ, có ông phó thích nghe Chế Linh, có những thanh niên thiếu nữ chưa bao giờ đặt chân lên Sài Gòn, tôi và S. bắt đầu thân nhau hơn. Đương nhiên là không thể nào so được với anh em Song Cầm, nhưng S. bắt đầu cho tôi biết nhiều hơn về nó - chẳng hạn chuyện súng AK của nó có 2 băng đạn cột vào nhau, một băng có đạn, còn băng gắn vào ổ đạn thì hoàn toàn trống không.

S. có cây đàn guitar, mò mẫm học. Một chiều nọ sau giờ cơm, trời bắt đầu nhá nhem, bốn ông chú thả bộ ra bìa rừng, muỗi rừng bắt đầu kêu vo ve, tôi và nó ngồi trên nóc nhà kho uống cà phê. Muỗi ở đây không thích bay lên cao quá mặt đất 2, 3 mét, chỉ cần ở trên cao là không bị đốt. S. lại mò mẫm với cây đàn, lần này nó có bản nhạc in trên giấy với đầy đủ nốt nhạc, hợp âm và lời, nó đề nghị tôi tập với nó. Đó là bài "Người Em Xóm Đạo". Lần đầu tiên trong đời tôi tập một bài hát Việt Nam một cách nhiệt tình dẫu rằng vẫn không thích. Khuya hôm đó, tôi hát cho S. nghe bài nhạc này, nó đệm đàn theo, khi tôi vừa dứt, nhìn mặt S. với giọt nước mắt lăn dài trên má, nó khóc thật tình. Đêm đó lần đầu tiên S. cho tôi biết là hơn hai năm nó không về Bến Tre thăm vợ, và đứa con mà nó chưa hề gặp mặt, bài hát làm nó càng thêm nhớ vợ, nhớ con. Bài hát tôi hát gần 30 năm trước cho S. nghe, không bao giờ tôi quên.

S. bắt đầu rủ tôi tham dự những đêm văn nghệ với anh em Song Cầm, hai anh chàng thợ rừng bằng tuổi tôi, vừa quá tuổi 20, cưới hai chị em ruột. Hai tay này lúc nào cũng đi cặp với nhau, vào rừng đốn cây, cà phê, quán nhậu, văn nghệ ... Cả hai học đủ để biết đọc, viết, tự học đàn bằng cách nghe nhạc từ cassette. Với hai cây đàn guitar, hai anh em lê la khắp rừng Xuân Sơn, mưa hay nắng. Hai em em không hát, nhưng ngón đàn của họ thật tuyệt vời. Không phải họ có kỹ thuật giỏi, nhưng họ chăm chút từ bài nhạc, theo đuổi từng giọng hát lời ca, luyến láy. Người đàn bè cao, người họa bè thấp, nâng đỡ cho từng giọng ca, qua những giai điệu bình dân Bolero, Habanera. Rừng đêm như lặng im dưới tiếng đàn của hai anh em này, họ làm tôi nhớ đến hai anh em Tabajaras của xứ Ba Tây ngày xưa.

Nghe hai anh em Song Cầm, nhìn bè bạn ngồi quanh chia nhau từng bài hát, ly trà, miếng kẹo, nét xúc động trên những khuôn mặt đầy ắp những ước mơ, mới thấy đôi khi những ước mơ của con người thật là bình dị. Những lời hát không trau chuốt trong bài "Phố Đêm" cũng đủ phát họa hình ảnh đô thị cao sang với ánh đèn điện, hình ảnh mà các thanh thiếu niên ở đây chỉ biết tìm trong mơ. Những lời trong bài "Thành Phố Buồn" nói lên vạn lần những khao khát một tình yêu, như một huyền thọai về một vùng đất, và đôi tình nhân ở một nơi không có thật.

Anh em Song Cầm, S., và người dân trong làng này đã dạy cho tôi hát nhạc Việt.

(NCT, San Diego, Mar 08 - Còn tiếp)

Trang chính Trở về đầu trang Trang kế tiếp