Xóm Nhỏ

Xóm Nhỏ

Trời đang nắng, bỗng mây đen ở đâu kéo về, bầu trời xám, sắp mưa rồi.

Cơn mưa rào sau những ngày xuân, đổ xuống thật bất ngờ. Tháng này mà đã mưa, bà con lối xóm í ới gọi nhau:

''Mưa rồi, cất áo quần đi, chưa khô gì cả!''

Nước đổ ào ào xuống con hẻm nhỏ, nước chảy tràn ngập khắp nơi.

"Thảo nào, mấy hôm nay trời nóng quá, mới cuối tháng Hai mà mưa, lạ nhỉ!"

Vừa chạy mưa chị Ba vừa nói chuyện," Ôi dào, mưa cho mát, hứng nước mà xài cũng được, tháng nào mưa cũng tốt..."

Ở đây, một xóm dân lao động, xa đường lộ lớn, nước máy không đến được nên thường phải dùng nước giếng khoan. Chị Ba nói:

"Cô biết không khoan mấy chục mét sâu mới có nước, có khi trúng nơi nước phèn chua, vàng khè thì bó tay! Biết chừng nào nước máy mới dzô cho bớt khổ đây cô!"

Mọi người mang xô, chậu, thùng nhựa ra hứng nước mưa, nhìn cảnh này thật là vui mắt, thôi thì hứng nước mọi nơi, cầu cho được nhiều "để dành uống, ngọt hơn nước giếng". Chị Ba nói:

"Mấy lần họp tổ kêu đóng tiền nước máy nhiều quá nên bà con chưa chịu, nước máy gì mà đóng bốn, năm triệu, ai đóng cho nổi!"

Những khu xóm mới như thế này, thường nhà nào cũng thấp hơn mặt đường bốn năm tấc, mỗi khi mưa xuống, nước ngập đầy đường, đầy nhà, nước từ cống trào lên vì khối nước quá lớn,không thoát đi đâu cho hết, (đúng là nước sạch thì khát mà nước cống, nước sình thì dư!) Trời cứ mưa khoảng vài giờ đồng hồ, mọi người có việc tát nước cả buổi! Chị Năm kể lại,"Nhiều đêm mưa, sáng dậy thấy nằm trên một nhà nước, ít ra cũng phải tấc hơn, có nơi, hai, ba tấc nước ngập! Cô biết không, nhà nào cũng cố gắng dành tiền mua một cái bơm nhỏ để bơm nước ra, còn không thì ráng múc, đổ ra ngoài khi mưa dứt hẳn, đau lưng lắm cô à." Những ngày mưa nhiều, tháng Năm hay tháng Sáu, khổ lắm!!!

Trong khu lao động, chiều tối, mọi người, sau một ngày làm việc mệt mỏi về đến căn phòng trọ chật chội, hình như chưa muốn vào, trẻ con, người lớn ai cũng muốn đứng ngoài ngõ chuyện vãn, hứng chút gió trời. Căn phòng ở nhà thuê chỉ kê được một cái giường và một cái bàn... Trẻ con còn có chỗ nào mà chơi, nên đành phải ra đường, vừa mát lại vừa có nhiều bạn. Đường hẻm là sân chơi lý tưởng của chúng, thế là, đủ mọi trò chơi được diễn ra nào lò cò, rượt bắt, trốn tìm, chúng vô tư đùa giỡn với nhau inh ỏi vang vang cả xóm.

Trong khu phố này, biết bao cảnh đời cơ cực, nhiều người sống chỉ biết ngày hôm nay có tiền mua gạo, mua rau là mừng lắm rồi, ngày nào lo ngày ấy, rau muối là chính, thịt cá chỉ như thứ gia vị thêm vào cho ấm áp.

"Tương lai ư, cần gì, học đến đâu mà nghĩ đến tương lai. ", nghe các công nhân nam nữ nói chuyện với nhau thật là vô tư. Em Thuận kể với tôi:

- Quê em cực lắm, làm lúa chẳng đủ ăn, đủ xài, tội ông bà già nhà em đã gần sáu mươi. Lớn tuổi quá không còn dầm mưa dãi nắng được nữa, giờ chỉ trồng ít vạt rau bán được đồng nào thì đắp đổi qua ngày. Tôi hỏi:

- Các em lên đây đã lâu chưa?- Thuận nói:

- Dạ, gần một năm cô ạ. Tụi em ráng kiếm ít tiền, tự lo cho mình, cố gắng tiêu xài dè xẻn, cuối năm đưa ông bà già chút ít là mừng rồi cô.

- Em đang làm nghề gì vậy?

- Có việc gì làm việc nấy cô à. Hai đứa em đang làm phụ hồ, trước đây mấy tháng làm bốc vác, cực quá nên chạy sang làm cùng anh thợ xây, ảnh thấy tụi em khổ quá nên kêu qua, cũng tội ảnh, nhờ ảnh mà tụi em đỡ chút.

Nhìn khuôn mặt non nớt, xanh xanh của hai em mà thấy tội cho chúng quá, mới mười bốn, mười lăm đã phải bươn chải, lao động nặng nhọc.

- Em ráng lắm mới để dành được, cô tính đi, mỗi ngày làm được hơn một trăm, ăn uống, chi mọi thứ cũng vừa đủ, chỉ dư chút đỉnh. Mỗi năm cố dành dụm để đưa về nhà khoảng một triệu là má em mừng rồi.

Cậu anh nói thêm:

- Cô ơi, tiền nhà, điện, nước, có tháng kẹt quá, còn thiếu lại họ, tháng sau nín nhịn bớt, mới trả được.

Tôi hỏi:

-Mấy hôm nay không thấy Diễm, nó đi đâu rồi em?

- Nó về quê, ông già nhà nó đau cô ơi. Nhà nó gần nhà em, nghèo lắm. Con Diễm bán bột chiên ở xóm trên đó cô.

Thương tâm quá, dân mình còn cơ cực nghèo nàn, những cảnh đời long đong, khó nhọc biết bao giờ mới khấm khá hơn? Tôi hỏi thêm:

- Lâu nay, có gì vui không mấy em?

- Cô ơi, tụi em còn đi làm không dám nghỉ, có gì mà vui cô, đi làm mới có trăm hai chứ cô, nói rồi cười hì hì, thật vô tư. Mấy đứa bạn hỏi thăm nhau," mày trả tiền thuê nhà chưa, hôm qua chủ nhà đòi tiền nhà đó, đóng chậm chút là hăm dọa, lấy lại phòng!", đứa kia trả lời "...thì kẹt quá, nợ ổng ít bữa, tao mới gởi về cho bà già bảy trăm ngàn rồi, qua tuần xin ứng lương trước mới trả được!" Chị bán đậu hũ chén than thở, tính toán với bạn: " Bán đậu chén buổi sáng, kiếm được ba bốn chục là cao, buổi chiều lấy bánh cam bán thêm chợ chiều được vài chục nữa, mãi gần tối về nhà mệt nhừ. Chỉ lo đau, bịnh nằm xuống, ai nuôi con, nuôi chồng đây!" Chị Ba nói chồng chị này là thương binh, không lao động được nên mọi chi tiêu nhờ cậy vào hai bàn tay tần tảo của chị, " Cô tính, tiền nhà, điện nước ngốn hết hơn một triệu. Thuê nhà cực quá, cũng phải chịu đựng thôi chứ, tụi em tiền có đâu, mà mơ nhà riêng cô ơi!"

Xóm nhỏ này là thế, nhiều hoàn cảnh thật đáng thương. Bỏ xứ, xa cha mẹ già, đi kiếm việc tự nuôi mình, cố để dành chút ít phụ giúp gia đình, không nề hà công việc nặng nhọc, cực khổ ngoài sức mình...

Những ngày không có việc, hay Chủ Nhật các cô cậu tập trung ở quán cóc trước hẻm, đánh bài, cờ tướng cả ngày, cười nói, đùa giỡn, thật là vô tư, chẳng hề suy nghĩ đến tương lai, còn nói gì đến việc học hành. Học tới lớp Bốn, lớp Năm biết đọc chút ít là tốt rồi!

Tuy là một xóm nhỏ, trong hẻm nhưng nhà lầu, hai, ba tầng cứ mọc san sát. Xây xong, đóng cửa để đấy, chẳng biết chủ nhân là ai, của đại gia nào, tướng tá nào!

Những căn nhà trệt thấp, bé, ngăn phòng cho thuê cũng nhiều, trong đó, không biết bao nhiêu cảnh đời cơ cực, kiếm ăn từng bữa, còng lưng lao động chắt bóp từng đồng bạc, mồ hôi nước mắt, chen chúc nhau ở nhà thuê.

Trời vẫn mưa nhỏ hạt, con đường đất bê bết nước và bùn nhão. Trên đường về, tự dưng tôi thấy lòng mình man mác buồn. Tự hỏi khi đêm đến, trong căn phòng trọ hẹp, mười hai mét vuông đó, họ có xót xa, có nhớ nhà, có thầm thương cho thân phận bọt bèo! Vì đâu!?

Mong sao, những cảnh đời cùng cực, cơ khổ sẽ gặp may, có một việc làm ổn định để cuộc sống của họ đỡ phần chật vật, nghèo túng vì... Cái Tội Nghèo là cái tội số một trên đời...

Phạm thị Minh-Hưng