Số Mệnh Đã An Bài

Số Mệnh Đã An Bài

Nhiều hôm cứ vào những ngày cuối tuần, nằm co trong phòng khách bụng đói meo lòng ngậm ngùi về cuộc đời kém may mắn trên phương diện ăn uống của mình tôi lại ước mơ có được một người vợ chăm giỏi việc nội trợ bếp nước như chị Xinh bạn tôi chuyên gia tiết mục gia chánh trên radio, hay ít ra cũng được tương tự như chị Kim trong nhóm thân hữu tennis nổi tiếng với món bún bò Huế cay sè độc đáo. Nhưng, hình như số mệnh tôi đã an bài. Vì vào năm 1978, một chuyện run rủi suýt nữa đã làm cuộc đời ẩm thực của tôi trở thành sung sướng no đủ và thỏa mãn gấp trăm ngàn lần hiện tại. Suýt nữa, người bạn trăm năm của tôi không phải là Cao Ly mà đã là một người đàn bà công dung ngôn hạnh hoàn toàn khác hẳn, nhất là công dung !

Chú Trường là người quen thân lâu năm của gia đình tôi từ ngày vào Nam . Chú làm nghề gì chẳng ai rõ nhưng xem ra luôn luôn phong lưu dư giả mặc dù chú có tật ở chân làm bước đi hơi khập khiễng; hình như đó là chiến tích thời chú đi theo một cái đảng phái nào đó để chống ông Diệm thì phải. Ở đầu ngõ khu Từ Châu, chú là người duy nhất trong xóm tậu được cái xe hơi, năm 1968 là lần đầu tiên tôi biết đến nhãn hiệu Toyota Nhật Bổn.

Ngày còn bé tôi hay sang nhà chú thím Trường để nghe chú kể đủ chuyện trên đời vì chú là người có khẩu tài. Chuyện gì lọt vào cái miệng hay cười tuy đẹp giai nhưng cặp môi thâm sì do nghiện thuốc lá kinh niên của chú cũng trở thành thú vị. Nhiều khi tôi nhớ lại; các câu chuyện của chú chẳng có chi ly kỳ cho lắm nhưng với cách tường thuật duyên dáng của chú gồm các thành ngữ Bắc kỳ rặt, lối văng tục dòn tan như súng liên thanh nghe rất sướng tai cộng thêm giọng cười khanh khách cùng với kiểu nheo nheo hai con mắt; ngần ấy thứ làm cho những buổi sang chơi nhà chú đối với tôi trở thành những quãng thời gian rất đã đời thỏa thích. Chú lại còn rất hào phóng với trẻ con, nhất là với tôi. Có một lần chú thuê tôi vẽ cái nhãn hiệu chai nước mắm đem nhà in làm bản kẽm (phải chăng hồi đó chú Trường có phần hùn trong hãng nước mắm ?). Vì in offset nên phải vẽ làm bốn bản mỗi bản một mầu; và phải vẽ sao cho tất cả ăn khớp với nhau để khi ấn loát mầu nọ sẽ không lan sang mầu kia. Cái “yêu cầu” này đã khó ngay với họa sĩ chuyên nghiệp, nhưng không biết vì sao chú Trường lại đặt niềm tin vào khả năng hội họa của một thằng bé mười mấy tuổi như tôi. Kết quả là khi mang bốn bản lên để in thử thì cái nhãn hiệu nước mắm nom thật lộn xộn chả ra gì ráo : hình con cá nằm ngang trông méo xẹo, chữ nọ chồng lên chữ kia - và cuối cùng chú phải thuê nhà in vẽ lại. Nhưng chú vẫn trả công cho tôi như đã hứa, vì chú bảo “để khuyến khích cho năng khiếu thằng Quân, vả lại nó cũng đã bỏ nguyên cả buổi sáng hôm Chủ Nhật ngồi vẽ khòm cả lưng cong cả đít !”.

Vợ chú, thím Trường, một người hay bị đau mắt lúc nào hai vành mắt cũng đỏ ửng. Thím đã có đời chồng trước là một ông Tây già về hưu để lại cho thím hai đứa con gái, Hương và đứa em tên Nhung bằng tuổi tôi. Sau khi ông Tây về nước, thím lại có thêm một đứa con là thằng Phong với một người nào đó rồi mới gá nghĩa với chú Trường. Cuộc hôn nhân của chú mười năm trước do đấy là một vụ trai tân đi lấy gái thừa nên dĩ nhiên cả họ nhà chú phản đối. Ông Chánh Tổng bố chú khi biết chuyện bèn thẳng tay từ con, người con trai duy nhất của ông cụ. Ngày cụ Chánh mất, dù nằm trên giường bệnh vẫn run run thều thào quát mắng giữa cơn hen suyễn ho lao đờm lên đầy trong cổ họng :”Ối Trường ơi ! Con giòng cháu giống như mày mà đâm đầu đi lấy con Lâm toét tức là bôi gio trát trấu vào mặt tao, vào mặt gia tộc nhà họ Phạm của mày đấy con ô...ô...ô...ôi !”

Rồi cụ Chánh lịm dần đi, trong cơn mê sảng chắc hẳn cụ nom thấy mình bị quỷ sứ túm tay lôi về hỏa ngục nơi giam cầm những người bố không khéo dạy dỗ quý tử, để nó lấy phải một bà me Tây đã một nách ba con lại vừa già vừa xấu !

Trong mắt tôi lúc ấy, thím Trường không có vẻ gì giống với hình ảnh của một mụ me Tây về chiều như vẫn thường được diễn tả một cách đầy ác ý trong các quyển tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng hay Nguyễn Công Hoan mà tôi đã đọc. Thím chẳng phấn son lòe loẹt hay ăn mặc diêm dúa, mà cũng không chỏng lỏn đanh đá "động tí là vén váy lên chửi vắt nóc cả làng người ta" một tẹo nào. Thím nom bình thường, còn có vẻ hiền lành nữa là khác, cả ngày chỉ biết chợ búa cơm nước giặt giũ. Tôi thắc mắc, sao các ông nhà văn mang nhiều thành kiến với tầng lớp phụ nữ lấy Tây thế nhỉ ? Người ta lấy ai thì lấy, sao lại cứ hẹp hòi. Nhưng mà biết đâu trường hợp thím lại chẳng là trường hợp đặc biệt mà tỷ lệ chỉ có một phần trăm trong số các me Tây, còn nhỡ các ông nhà văn đã mục kích tận mắt dung nhan hành vi ngôn từ của chín mươi chín bà kia thì sao ? Tôi cũng không biết chắc ...

Chỉ biết rằng - nếu chú Trường mà "như người ta" thì đời nào chú chịu lấy bà Lâm toét, mẹ tôi bảo thế. Vì thời trước chú hào hoa lắm. Theo mẹ tôi kể, ngày mới vào Nam chú có ăn học lại rất kẻng nên làm cho nhiều hoa khôi vùng này đã phải lòng. Các cô Quý tiệm Đông Lai, cô Thu Hương tiệm thuốc tây, cô Mùi bán vải trong chợ, toàn những người đẹp giỏi giang của đất Xóm Mới cô nào cũng chỉ mong chờ sẽ có một hôm chàng Phạm Xuân Trường con giai ông cựu Chánh Tổng ngỏ lời cầu hôn. Thế nhưng sau nhiều cuộc hẹn hò, sau bao nhiêu lá thư ong bướm cái ngày thần tiên ấy vẫn chẳng bao giờ xảy đến. Các cô chờ đợi mãi nhưng gót giầy giang hồ của chú vẫn còn thèm đi hoang chưa muốn vướng vấp chuyện nhi nữ thường tình; con thuyền hồn của chàng phiêu lãng chưa muốn bị buộc chặt vào bến đục bến trong nào cả. Hay là, lớp thanh niên thế hệ chú hay có khuynh hướng tìm đến những lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ chẳng hạn như cuộc kháng chiến chống Pháp, hoặc một cuộc cách mạng làm thay đổi nền đệ nhất Cộng Hòa, lật đổ chế độ nhà Ngô ? Điều này khó hiểu. Tôi thường tự hỏi, ông Ngô Đình Diệm đã mang cả triệu dân di cư vào Nam tại sao chú và mấy nhóm đảng phái của chú còn cứ nhất định đòi chống ông Diệm ? Cái lý tưởng cách mạng ấy nó cao cả đến như thế nào mà đã làm chú từ bỏ những mối chân tình của bao nhiêu người thiếu nữ hoa mộng, quyết đi vào con đường hoạt động chính trị rồi để đến nỗi thân bại danh liệt, vào tù, bị trúng viên đạn chết hụt thọt cả chân lẫn cẳng như thế ?

Ra tù, gã giang hồ chôn chặt giấc mộng chính trị không thành. Lý tưởng cùng tuổi thanh niên tàn lụi, chú Trường quay về Xóm Mới lấy bừa một bà nạ dòng rồi làm nghề ký giả cho nhật báo Chính Luận, xây một căn nhà nho nhỏ ở ngõ Từ Châu trong khu vườn cây râm mát và sống ẩn dật như một kẻ bất đắc chí.

Những năm tôi hay sang nhà chú chơi với thằng Phong thì chị Hương vừa đi lấy chồng - một ông lính Mỹ nào đó đóng ở căn cứ Long Bình - xóm láng người ta bảo Tây lai mà lấy Mỹ như vậy là hợp lẽ. Còn cái Nhung mười lăm mười sáu tuổi vẫn ở nhà giúp mẹ trông nom hai đứa em khác cha, thằng Chính lên sáu và cái Yến lên bốn. Nhung khéo tay hay làm, nấu nướng rất giỏi, mỗi lần sang chơi tôi thường ngửi thấy mùi thơm tho nức mũi của các món ăn dưới bếp bay lên. Bố mẹ vắng nhà, cơm trưa không có món gì cầu kỳ lạ lẫm nhưng các nồi cá nục kho tiêu, bát canh thịt bò rau răm, tô riêu cua mầu mỡ hay đĩa dưa muối vàng lườm của nó cũng đủ làm lũ em mỗi khi nghe tiếng chị gọi về ăn trưa là bỏ chơi chạy vội ngay về nhà, mấy chị em quây quần quanh mâm cơm bốc khói ngon lành nóng hổi.

Dù đảm đang là vậy, nhưng xóm tôi người ta ai cũng chắc lưỡi cho rằng đường chồng con của cái Nhung sau này không mấy chi sáng sủa. Vì khác với chị Hương dáng dấp thanh lịch, Nhung cũng tây lai nhưng không hiểu vì sao lại nom khác hẳn. Vóc người nó béo tốt phàm phũ, nói rõ ra là y như một gã đàn ông to lớn cục mịch (sau này tôi nghi ngờ rằng bố nó không phải giòng máu Pháp, mà thuộc chủng tộc Nga giống người Slavic vĩ đại). Mái tóc màu vàng hoe của nó cắt ngắn như con trai. Rất ít khi mở miệng, khuôn mặt nhiều tàn nhang lúc nào cũng lầm lì như đang giận hờn ai. Nhìn hai cánh tay lực điền của nó người xóm tôi cho rằng nhà chú Trường phải là căn nhà an toàn hạng nhất trong vùng, vì nếu thằng ăn trộm nào dại dột có đột nhập được vào nhà chú thì cũng sẽ ăn một trận đòn ra trò của cái Nhung. Nó sẽ chẳng cần phải đấm đá gì cả, chỉ việc đè cái tạ gạo của nó lên thân hình còm cõi của thằng trộm đến khi con nhà này hết thở vì bẹp ruột; nếu may phúc không chết thì sau keo đó cũng bảo đảm chừa đến già cái thói đạo tặc trèo tường ...

Tuy sức vóc nó rất đáng nể, tôi chưa hề nghe cái Nhung to tiếng bao giờ mặc dù lũ em ba đứa rất quấy nghịch; chưa kể thêm tôi lúc đó tuy đã lớn cũng thỉnh thoảng nhẩy sang phá phách. Một bận, tôi bàn với thằng Phong đặt cái bẫy chuột ở vườn sau nhà nó, Phong chịu ngay. Miếng mồi là cục mỡ móc vào; cửa bẫy giương lên chờ đợi trong lúc hai đứa chúng tôi nấp sau bức tường bếp. Thế nhưng một lúc sau, khi chưa có con chuột nào kịp chui vào thì chú mèo tam thể của cái Nhung đã đánh hơi thấy mùi mỡ, vừa dại dột thò đầu là bị cánh cửa chuồng sập ngay xuống chắn ngang cần cổ. Nghe tiếng ngao rít lên như xé lụa, Nhung chạy vội ra vườn sau mở bẫy cứu chú mèo thân yêu. Bị đau, con vật hoảng sợ giãy dụa cào vào cổ tay Nhung xước da chảy máu ba bốn vệt trước khi Nhung mang được nó thoát ra khỏi bẫy. Trước cơ sự, thằng Phong lấm lét nhìn chị nhưng cái Nhung chỉ lẳng lặng lấy thuốc đỏ chấm vào vết thương cho mình và cho con mèo tam thể. Còn tôi ngượng ngùng khôn bề mở miệng, nên chỉ lí nhí trong cuống họng :"Cho tớ... xin lỗi. Đằng ấy có đau không ?"

Cái Nhung không nói gì. Cặp mắt nâu của nó chỉ liếc sang tôi một cái thật nhanh như nhìn một của nợ thật khó thương và ngứa mắt, rồi khuôn mặt lấm tấm tàn nhang kia lại cúi xuống cánh tay phơn phớt lông vàng rướm máu những vết mèo cào. Chắc là nó ghét tôi lắm.

Thời gian cứ vùn vụt thoi đưa. Mãi cho đến năm tôi sắp thi tú tài cái Nhung vẫn còn ở nhà chưa có ai đến rước. Mà rước làm sao được cơ chứ ? Trong xã hội miền Nam thời chinh chiến nên trai thiếu gái thừa, tỉ lệ hai thiếu nữ mới có một thanh nam thành thử đối với các cô con gái vào lúc đó thị trường hôn nhân rất ư là cạnh tranh, y như hoa thược dược trúng mùa cả trăm chủ vườn đem bày bán đầy chợ mà ngày tết khách chỉ ngắm qua nhưng chẳng ai thèm tậu hộ ! Chín mươi phần trăm các bậc cha mẹ đều lo lắng cơ nguy con mình khó lấy chồng. Ngay như bà chị của tôi, tuy mọi người trong họ đều khen là xinh người đẹp nết (giá mà đưa được sang Mỹ thì các đấng mày râu bên đây – điển hình như Sonny Sơn, Phillips Phú và Danny Định ba anh bạn già tôi ở Houston - dám giành giật đánh nhau vỡ đầu vì hiện giờ cả ba đều đang mòn mỏi đi tìm đối tượng trong vô vọng); vậy mà những năm ấy ở Viêt Nam bố mẹ tôi chỉ canh cánh lo rằng cô ái nữ nhà mình sẽ không ai thèm mó đến. Được người được nết mà còn bi đát thế, huống hồ như cái Nhung thì kể như xong boong-phi-nan : người xóm tôi cho rằng ngoại trừ tài bếp núc, nguyên nội vóc dáng của nó cũng đã đủ yếu tố để "được" yên tâm ở nhà với mẹ mãi mãi.

Dạo sau, tôi cũng ít sang chơi bên chú Trường vì thằng Phong đã đăng lính. Nó chưa đến tuổi, nhưng không hiểu vì sao lại xin gia nhập vào sư đoàn 25 bộ binh. Hôm nó mang cái đầu húi gần trọc từ quân trường về thăm nhà, thím Trường và cái Nhung òa khóc nức nở bởi khu xóm Từ Châu của tôi từ đầu năm đến nay đã có mấy người thanh niên tử trận. Chiến cuộc ngày càng khốc liệt, thỉnh thoảng lại thấy lá quốc kỳ phủ lên những cỗ xe áo quan lăn dọc con lộ Thống Nhất qua Xóm Mới trên đường đến nghĩa trang Thanh Minh Tương Tế, theo sau là tiếng kèn bép nỉ non và tiếng nhị kéo lê thê, cùng với tiếng kêu gào rũ rượi từ những mấn khăn sô trắng toát ghê người.

Rồi bỗng một ngày cuối đông, chú Trường dọn nhà. Tôi bỡ ngỡ nhìn chú chất đồ đạc lên chiếc xe cam-nhông, lau mồ hôi, hút thuốc lá và đứng nói chuyện với bố tôi, trong lúc cái Nhung đứng trên xe thỉnh thoảng lại liếc nhìn tôi, chắc nó đang mừng thầm vì sắp được thoát khỏi những trò tinh nghịch của đứa con trai hàng xóm. Sau đó bố tôi kể lại, lý do chú Trường phải dọn lên quận tư Khánh Hội vì gia đình sau này kinh tế cứ dần sa sút. Hãng nước mắm thua lỗ, nghề làm ký giả báo chí của chú cũng hết thời; và cái chân khập khiễng ngày càng trở nên khập khiễng hơn. Đang hút thuốc lá thơm hiệu Craven A chuyển sang thuốc đen Bastos, chú phải bán căn nhà với miếng đất vườn sau rộng rãi để tìm mua một căn vách ván ọp ẹp trong con hẻm tồi tàn của vùng kinh nước đen Phạm Thế Hiển. Chú bán luôn chiếc xe hơi Toyota , bây giờ chỉ còn chạy cái xe máy Honda 50 cc rũ rích tiếng nổ oành oạch lúc nào cũng phun khói phì phì.

Tháng mười, năm 1978.

Sân trường Khoa Học mùa thu đã bắt đầu lác đác lá rụng vàng trên lối sỏi dẫn vào giảng đường hai cạnh khuôn viên Sư Phạm. Sinh viên đã vào khóa, buổi sáng tụ tập đầy ngoài sân. Những bộ quần áo đơn giản của một Sài Gòn thời kỳ nghèo nàn thiếu thốn, những khuôn mặt trẻ măng nhưng đã hằn nét lo âu. Lo đủ thứ, từ học hành thi cử lẫn cuộc sống hàng ngày. Giấy mực bảng đen phấn trắng không còn là các thứ xác định được tương lai trong thực tế. Cuộc sống bây giờ quá khó khăn, cả xã hội chìm vào kiệt quệ. Xã hội đại học cũng thế. Các phòng thí nghiệm cũ kỹ với tường vôi loang lổ, cánh cửa hễ mở ra là kêu kèn kẹt, bóng đèn điện chiếu những tia vàng vọt lên trần. Các ống nghiệm chai lọ thủy tinh từ mấy đời vẫn chưa thay đợt mới, chai sứt miệng chai mất nắp. Một lần tôi suýt là nạn nhân của cái bình acid sulfuric đậm đặc mất nắp, miệng chai bịt miếng nylon được cột bằng dây thung : vừa chạm tay vào sợi dây thung ướt acid nhơm nhớp là nó đứt phựt, bắn ngay một giọt vào mắt tôi cay xé. May mà giọt acid này đã hấp thu nhiều hơi nước từ không khí thành loãng bớt, và cũng may là vòi nước sẵn ngay bên vì nếu không rửa kịp thì đã nguy to. Dụng cụ đồ đạc trong trường hầu hết thiếu hụt vì nhà trường lúc đó thiếu ngân quỹ tái bổ sung, chưa kể ngân sách thành phố năm ấy dành rất ít cho các đại học. Và lũ sinh viên chúng tôi cũng không thấy có ngày mai - khi ra trường đa số các cô cậu cử thường chỉ đi dạy các trường trung học tỉnh lỵ - các khóa trước tôi đều như thế. Nhiều khi tôi cũng không biết học hành để làm gì, nhìn về tương lai sáng sủa y như bầu trời Nam Dương vào ngày núi lửa phun lên mấy ngàn tấn khói. Ai cũng nhấp nhổm ý định vượt biên. Bạn bè cứ thỉnh thoảng thấy biến mất một vài đứa, ít lâu sau lại nghe tin đứa đến đảo đứa ở tù.

Gia đình tôi cũng đã dọn lên Sài Gòn từ mấy năm nay. Thỉnh thoảng nhận được thư và quà của thằng Mai Đình Hảo, bạn thân từ hồi lớp Sinh Hóa vượt biên năm ngoái sang Mỹ sau khi ở Hongkong ba tháng. Thùng đồ đầu tiên là trái banh Mikasa, vì chắc nó còn nhớ những buổi bóng chuyền chúng tôi chơi sau mỗi giờ học. Thư nó có đoạn "Bao giờ mày sang chơi nhà cô Lan hay thầy Lai thì viết thư cho tao, tao gửi cho ít quần áo cũ....". Lối viết "ám hiệu" của nó làm tôi mỉm cười nhủ thầm, ông mà sang được Thái Lan hay Mã Lai thì đời ông đã sáng, lo gì mày phải gửi hở con nhà Hảo kia... Lúc này phong trào vượt biên đang lên, nhưng hầu hết những người có khả năng chỉ toàn Hoa kiều nên tuy ôm mộng được "đi thăm cậu Thái mợ Lan hay chú Mã" tôi vẫn biết đó chỉ là giấc mơ sẽ không bao giờ hiện thực.

Một buổi sáng Chủ Nhật, chú Trường tìm đến nhà tôi. Trông chú loay hoay chống nạng bước xuống chiếc xe xích lô đạp, tôi nghe lòng dâng lên niềm ái ngại. Thì ra cái chân khập khiễng đau kinh niên của chú bây giờ đã bị cưa mất, ống quần phất phơ thụng gió. Vừa thấy tôi, chú chưa xếp nạng ngồi xuống ghế đã cười rổn rảng :

- Tao hỏi mãi mới tìm ra địa chỉ này. Bố con nhà mày dọn lên Sài Gòn từ bao lâu rồi. Cả mấy năm nay chú cháu mình mới gặp nhau đấy nhỉ... Bố có nhà không con ? Sao giờ này mà còn ở đây, chưa đi hả thằng kia ?

Tôi cũng thấy vui vui khi được nghe lại tràng liên thanh giòn giã quen thuộc của chú. Rót ấm nước trà, tôi hạ giọng nhìn ra cửa sổ như sợ có ai nghe thấy :

- Vàng ở đâu ra mà đi được, chú.

Chú phà một hơi khói thuốc Vàm Cỏ, nheo mắt nụ cười ra chiều bí mật :

- Giả sử được đi vừa an toàn vừa miễn phí thì mày có đi không ?

Và chú cho tôi biết, từ đầu năm tòa lãnh sự Pháp đã bắt đầu cho nhận đơn xuất ngoại của dân Tây và dân lai Pháp. Cái Nhung thuộc "diện" này nên sẽ nộp đơn nay mai. Chú bảo tôi nếu muốn đi Tây thì cưới Nhung; đám cưới đơn giản, hồ sơ chỉ việc nộp thêm cái giấy giá thú là xong. Rồi chú nhìn vào mắt tôi :

- Mà mày chịu lấy nó không chứ ?

Chú Trường vẫn cái tính sỗ sàng cố hữu. Bị hỏi một câu thảng thốt, phản ứng đầu tiên hiện ra trong đầu tôi là một chữ Không to tướng. Thế nhưng sau vài giây, tôi chợt nhớ ra niềm ước vọng vượt biên của mình từ mấy năm nay bằng mọi cách phải ra đi. Bây giờ người ta hay làm đám cưới để xuất ngoại; ra đến nước ngoài sẽ xé hôn thú, tại sao mình lại không dám làm ? Thế nhưng tuy-ô này đến đột ngột quá. Đâu dễ quyết định cuộc đời mình trong phút chốc ... Tôi suy nghĩ một lúc rồi ngập ngừng :

- Lấy thật ... hay lấy giả ?

Chú Trường trợn mắt :

- Thật chứ giả cái gì mà giả ? Tao là tao muốn cho chúng mày có tương lai nên mới xuống đây bàn kế hoạch với bố mày. Con Nhung ở với tao từ nhỏ nên tao xem như con ruột. Bây giờ nó được đi, thiếu gì chỗ năn nỉ tao nhưng tao ưu tiên cho mày vì mày là thằng cháu cưng, thêm nữa hai đứa chúng mày đã biết nhau từ tấm bé. Nếu mày ưng nó thì mọi việc ổn thỏa. Này nhé : nó sẽ có tấm chồng; khi sang bên Tây đỡ phải lo việc tìm kiếm, hộ pháp như nó ở bên ấy có khi cũng kẹt.... Còn mày, tuy mày tướng tá nhỏ hơn nó nhưng vụ đó ăn nhằm gì nào ? Trên đời này thiếu chi người lấy vợ béo vợ to ? Vừa được sang Pháp, mày vừa có con vợ đảm đang nấu ăn giỏi số dách, hàng ngày chỉ việc nằm ườn là cơm ngon canh ngọt cà phê thơm dâng lên tận miệng như ông hoàng, cái Nhung nó lại tây lai, lũ con chúng mày đẻ ra bảo đảm da dẻ trắng trẻo xinh đẹp. Còn đòi hỏi gì hơn nữa ?

Tôi bỗng thấy nhột nhạt.

- Không được đâu.... Nó sinh trước cháu mấy tháng. Hồi xưa cháu thỉnh thoảng còn gọi nó bằng chị ....

Chú lại quát :

- Thì đã sao ? Bên Tây vợ chồng người ta gọi nhau là toa với moa, có dùng tiếng Việt đâu mà mày cứ lo phải xưng em với nó ?

Thực ra, với tôi vấn đề sinh trước sinh sau mấy tháng hay mấy năm cũng không quan trọng. Điều quan trọng nhất chính là kích thước thân hình của cái Nhung. Tôi mà lấy nó thì lời các cụ ngày xưa bảo "nhái bén ôm chum" sẽ kể như ứng nghiệm. Tôi rụt rè thổ lộ mối ưu tư nhưng có lẽ chú Trường không cảm thấy sự chênh lệch về trọng lượng cơ thể là rào cản cho cuộc hôn nhân "hai màu da" này, nên cứ hăng hái gạt phắt đi những lo âu của tôi :

- Dân Việt Nam mình vốn bé choắt; hễ ra đến nước ngoài là đứng chẳng ngang bằng với người ta. Mày lấy cái Nhung thì lo chi mai sau lũ con không cao ráo như giòng máu bên mẹ nó ?

Tôi lắc đầu nghĩ thầm, lũ con tôi sau này có lùn tịt hay gầy nhom thì cũng mặc kệ chúng. Muốn lo thì hãy lo cho ông bố chúng nó ngay đây này ! Vì chỉ nghĩ tới lúc bố chúng nó phải quàng cánh tay lên một bờ vai rộng bản, hay phải cố gắng dang rộng đôi tay để ôm vào một cái eo bề thế, là tôi lập tức quyết định ngay rằng số mình nên ở lại chốn quê hương cho yên bề gia thất, cho khỏi rắc rối cuộc đời !

Vừa lúc ấy bố tôi đi đâu về đến nhà. Hai ông bạn già cố cựu tay bắt mặt mừng, chuyện trò râm ran, cái điếu thuốc lào hút dòn tan kêu xoành xoạch, tuy-ô vụ đi Pháp chú Trường lại đem ra bàn bạc với bố tôi. Chỉ thấy bố tôi đăm chiêu suy nghĩ, thở ra một hơi khói dài rồi gật gù, gật xong lại lắc đầu, dường như bố tôi thông cảm cho tình hình oan trái của thằng con đứng giữa niềm khát vọng được đi xuất ngoại và viễn ảnh có thể sẽ bị đè bẹp ruột bất cứ lúc nào.

Mùa đông 2010.

Trời lạnh quá, hôm nay đi làm về vừa mở cửa garage đã nghe cơn gió run người. Bước đến thùng thư tôi rút ra một đống mails mang vào nhà. Căn nhà vắng ngắt lặng yên, Cao Ly còn lang thang trong mall chưa về. Tôi bật TV ngả người trên ghế nhìn lên trần, tiếng gió rít bên ngoài thổi vào những cành cây kẽ lá vọng vào nghe phần phật.

Mới hơn sáu giờ nhưng nằm một lúc tôi đã nghe bụng mình đói meo. Theo phản ứng tự nhiên tôi nhìn quanh, nhưng tôi biết trong nhà chả mấy khi có đồ ăn thức uống trừ đống đồ hộp. Tủ lạnh luôn trống trơn, bếp núc luôn luôn hương tàn khói lạnh vì Cao Ly vợ tôi vốn là chưởng môn cả hai phái Đại Lãn và Hậu Đậu (nghĩa là, thông thường cứ cho chồng chết lả vì đói nhưng hôm nào sấm sét trời mưa nàng nổi hứng nhẩy xuống bếp thì hôm đó đức lang quân kể như được thưởng thức một bữa cơm tù). Tôi lắc đầu vuốt bụng uể oải thở dài. Chợt nghe thèm một tô canh thịt bò rau răm bốc khói nghi ngút, hoặc một đĩa đậu phụ rán nóng hổi chấm nước mắm chanh, hay một con cá trê ướp nghệ nướng sả thơm lừng. Nước bọt tôi ứa ra và từ trong tiềm thức cũ kỹ bỗng tôi chợt nhớ lại, những món này tôi đã gặp đã ngửi đã nếm ở bên nhà chú Trường từ thuở xa xưa do cái Nhung thường nấu cho lũ em; nó cứ lầm lì cái khuôn mặt tàn nhang từ dưới bếp bưng lên các thức thơm tho tỏa hương ngào ngạt. Hình ảnh những món ngon cơ hồ đã chìm vào dĩ vãng nay bỗng quay trở về. Khi đói, ký ức và óc tưởng tượng của con người ta vùng lên hoạt động rất hữu hiệu .... Không biết bây giờ cái Nhung ở đâu, chắc là đã đi Tây từ 78-79, hẳn là đã se duyên với một anh mũi lõ nào đó, chắc đã quên hết thời mới lớn ở cái xó làng Từ Châu nghèo nàn vắng vẻ. Mấy mươi năm sang Pháp, hẳn nó đã học được bao nhiêu món Tây, hẳn đã quên hết các món Việt không chừng, vì con nhà mũi lõ kia dễ gì làm quen được các thức có mùi mắm tôm mắm cá. Tôi lại nuốt nước bọt, hình ảnh những bữa cơm trưa ăn ké ngon lành ở nhà chú Trường lại hiện ra rõ ràng trong trí lự.

Nghĩ đến đây tôi mỉm cười một mình tự hỏi, một kẻ tham ăn cái bụng hay cồn cào như mình sao hồi đó không kiếm mụ vợ nấu bếp chuyên nghiệp cho tiện việc sổ sách ? Hay là, ừ nhỉ, hồi đó sao mình không ưng ngay cái Nhung, để bây giờ khỏi phải thắc mắc ao ước những điều không có ? Nó to nó béo thì đã sao nào ?! Càng ít đau ốm, càng đỡ tốn thuốc thang, nhà cửa được bảo vệ an ninh khỏi lo trộm cắp ....

Bỗng nhiên, mắt tôi ngừng lại trên đống thư từ lộn xộn mới mang vào hồi nãy còn để trên bàn. Một cái phong bì đến từ Việt Nam màu xanh nhạt, mép phong bì in màu đỏ đậm. Xé ra, giòng chữ nghiêng nghiêng chừng xa lạ nhưng lời thư quen quen, những hàng chữ mông lung kể lể chuyện đời mình.

..... Mình là Nhung chị thằng Phong con ông Trường đây Quân còn nhớ không ? Tình cờ tháng trước mình gặp lại mấy người Từ Châu, người ta cho mình địa chỉ của Quân ở bên Mỹ. Bố mẹ Quân còn sống và vẫn mạnh khỏe chứ ? Bố mẹ mình mất cả rồi. Mình vẫn ở Khánh Hội. Mở tiệm phở Hồng Nhung ngay đầu ngõ trông ra cầu Phạm Thế Hiển quận tư mười mấy năm nay, bán vừa phở vừa hủ tíu xào, tiệm đông khách lắm hôm nào Quân có về Việt Nam ghé mà ăn thử....

.... Đến đây chắc Quân đang thắc mắc về đường gia đạo của mình. Quân ơi, mình vẫn ở vậy. Không tìm ra người tri kỷ tri âm, mình chẳng muốn lấy chồng. Hôm nay ngồi viết thư này cho Quân, chỉ vì muốn nói ra một điều bao nhiêu năm nay chưa hề nói với ai. Quân có biết tại sao hồi đó mình không nộp đơn đi Pháp, mà giờ vẫn còn ở lại nơi đây không ? Vì lúc ấy mình không muốn thân gái dặm trường sang xứ lạ. Bao nhiêu kẻ xin theo, nhưng mình không muốn sang Pháp với bất cứ ai ngoài một người mình thương từ thuở nhỏ. Nhưng người ấy lại từ chối. Hôm bố mình về lắc đầu bảo "Nó không chịu đi với mày", mình chẳng còn thấy thiết tha gì nữa chuyện đi Pháp với đi Tây ....

Nguyên Cương Andy