Bắc Mỹ Thuận

Bắc Mỹ Thuận

Chẻ tre bện sáo cho dầy

Ngăn ngang sông Mỹ, có ngày gặp em”

Ca dao

Sau Tết 1981 tôi trở lại Cà Mau, tiếp tục lần mò tìm đường vượt biển của mình, không biết đó là lần cuối, gặp may. Cũng như mọi lần, về Cà Mau – Bạc Liêu là đi qua bắc Mỹ Thuận (sông Tiền), Vĩnh Long, phà Cần Thơ (sông Hậu), sau đó mới tiếp tục theo quốc lộ 4 (giờ là quốc lộ 1A) về Cà Mau. Trước hè 2000 chưa có cầu Mỹ Thuận, phà (ferry) Mỹ Thuận là phương tiện gần như duy nhất để qua sông Tiền Giang, nối liền Cái Bè - Vĩnh Long.

Ai ngược xuôi trên đoạn đường này đều nhớ bến bắc Mỹ Thuận lúc nào cũng đông, khi xe đò bắt đầu vào con đường xuống bến bắc, từ cả hai phía bờ sông, từ Cần Thơ, Vĩnh Long đi lên, hay Sài Gòn, Cái Bè đi xuống, hành khách có thể xuống xe, thả bộ theo con đường nhựa, nằm giữa hai mặt lộ chen chúc hàng quán, cứ hình tượng là cái văn hóa ẩm thực đồng bằng sông Cửu Long đang diễn hành, không thiếu một món ăn nào của miền tây Nam bộ: các món ăn chơi, ăn thiệt, chay, khô, mặn, ngọt, chua, cay, trái cây, kẹo, bánh, nước dừa tươi, v.v... Hành khách có thể ngồi lại trên xe đò, xe hơi, gọi một tô bún tôm nướng, hay tô hủ tíu Mỹ Tho, dĩa cơm sườn, ly cà phê sữa đá … Món ăn sẽ được mang đến tận … cửa sổ, đặt trên cái mâm, khách bỏ tiền vào mâm, bê lên tô hủ tíu … Vừa đúng lúc đó, phà hú còi chuẩn bị rời bến, em nhỏ giao đồ ăn đành phải theo phà sang bờ bên kia, để nhận lại cái tô không, đôi đũa, chờ chuyến phà trở lại bến sông bên này. Mất vài ba giờ đồng hồ để đi từ bờ này sang bờ bên kia là thường, những ngày cận Tết còn chậm hơn nhiều.

Để ý, sẽ thấy chiếc phà cũ kỷ là một thành phố nhỏ, ồn ào, sinh động, với tất cả hỉ nộ ái ố của một đời thường, từ sáng sớm đến chiều tối, có những mảnh đời trôi dạt như lục bình, hết bến bên này sang bến bên kia, và trong đó có nhiều trẻ em, người già, hành khất tật nguyền. Chiếc phà nào cũng có ít nhất một người hành khất mù lòa, áo nhà binh sờn vai, với cây đàn guitar, và những bài ca tân cổ không trọn vẹn như hình hài, buồn như mảnh đời của ông. Đôi khi ông ca những bài hát vui, nhưng nét mặt thì không thay đổi, những vết hằn của cuộc đời quá đậm, chai lì. Đôi mắt mù lòa, không che đậy, tròng mắt trắng, ngước lên cho đời biết cái nhìn vào hư không, thì bài hát vui càng trở nên ray rức.

Hành khách qua sông thì nhiều, những mảnh đời cơ cực của các em cũng không ít, có những em nhanh nhẹn, tinh ranh, thì cũng có em hiền lành, nhút nhát. Có những em bé bán trái cây, kẹo bánh, ốm o, gầy guộc, nhưng nhìn mặt các em sẽ biết rằng các em không dưới 14, 15 tuổi. Những bọc kẹo chuối, kẹo dừa, trái mận, ổi trong cái rổ nhỏ, cũng héo hon vàng úa, đục lờ như dòng đời của các em. Các em không được bán dọc hai bên đường xuống bến, vì ở đó dành cho chủ quán, có giấy phép, và có quyền. Mà nếu lảng vảng trước cửa quán lúc sáng sớm còn thưa khách thì ăn đòn là cái chắc. Các em nghe lời cha mẹ, ngày ngày trôi nổi trên những chiếc phà, nắng hay mưa, hy vọng bán được vài trái ổi, chùm mận, mang số bạc lẻ ít oi về cho gia đình, đâu đó dọc hai bên bờ sông Mỹ Thuận, mảnh đất nổi tiếng là phì nhiêu.

Lần đi nào cũng ngang sông Mỹ, bận đi cẩn trọng, mang nhiều hy vọng, bận về hơi buồn, thấy phà đi chậm quá, nhưng ít lo bị bắt hơn, mới dám tự cho phép mình mua vài điếu thuốc, hồi đó tôi còn hút thuốc, và thói quen của người hút thuốc là thích mua từ người bán thuốc quen – người tôi quen là em gái nhỏ bán thuốc dạo trên phà. Lần đầu khi em mời tôi mua thuốc, khi tôi trả lời em mừng lắm, cho đến khi nghe tôi hỏi đến thuốc con Mèo (Craven-A) thì đôi mắt em trĩu xuống vì hộp thuốc của em ít ỏi quá, không có thuốc con Mèo. Khi đó phà chưa rời bến, tôi chờ, em chạy đi, năm mười phút sau mới trở lại với hộp thuốc nhỏ, còn vài điếu trong đó. Từ đó, tôi chờ mua những điếu thuốc của em trên đường về lại Sài Gòn, khi chuyến đi không thành, và không cần phải là thuốc con Mèo.

Nhiều lần trên chuyến phà qua bắc Mỹ Thuận, thật xót xa khi nhớ là mình đang tìm đường thoát khỏi quê hương, trong khi bao người, bao nhiêu em bé vẫn còn đang vất vưởng tìm kiếm hạnh phúc nhỏ nhoi, mong manh, trên mảnh đất mà các em được sinh ra.

Những năm 90, khi chánh quyền bắt đầu kiểm soát những chuyến phà chặt chẽ hơn, các em bé không còn được phép mang hàng lên phà để bán. Một số em, thường là em trai, phải bơi dưới nước như đám lục bình trôi, đợi khi phà rời bến thì các em sẽ bơi theo, bám và leo lên phà. Hàng của các em thường là thuốc lá, kẹo bánh, được cho vào túi nylon nhỏ, cột túm vào cái khăn nylon lớn hơn được cột chặt trên đầu các em. Các em lúc nào cũng phải cố ngoi đầu lên để không làm ướt hàng hóa đội trên đầu, vốn liếng nhỏ nhoi của các em. Các em còn phải để ý đến công an, bị bắt là mất vốn. Có tiếng ai báo động hay gần tới bờ là các em lại nhảy ùm xuống sông, chờ phà rời bến. Ngày xưa có anh hùng Yết Kiêu quên mình vì nước, còn các em ...

Một lần từ Cà Mau trở về Sài Gòn, rời bến bắc trong khi chiếc xe đò vẫn còn ở bờ bên kia, tôi thả bộ trên con đường đông người, đầy hàng quán, thì có tiếng trẻ em mời mua trái cây, một em bé gái gầy gò chừng 10 tuổi, lem luốc trong chiếc áo cánh ngắn màu xám xịt, trên hai tay là cái rổ to so với khổ người, trong đó có chừng hơn một chục ổi xá lị không còn tươi, hỏi ra mới biết là em rao bán cả ngày mà không bán được. Tôi cho em một số tiền không nhớ là bao nhiêu nhưng chắc là hơn số tiền mua rổ ổi héo của em, và bảo em cứ giữ những trái ổi, rồi vội bước đi, còn em thì trố mắt nhìn tôi, đôi mắt thơ ngây pha lẫn nghi ngờ, vẫn còn theo tôi cho đến bây giờ. Ngày sang Hoa Kỳ tôi có vẽ tấm tranh em bé gái, có đôi mắt to đen, trên tay bê cái rổ với những trái ổi cũng vàng úa như em, một người bạn xin tấm tranh này, nhưng hình ảnh của em vẫn còn trong tôi, những em bé nghèo bất hạnh ở quê nhà.

Cầu Mỹ Thuận có vị trí rất quan trọng về các mặt kinh tế, quân sự, văn hóa, chính trị, đời sống, v.v... tuy nhiên những gì nó mang lại cho mọi người thì rất khác nhau, một phần vì sự phát triển không đồng bộ dọc theo sông Cửu Long. Những chiếc cầu có nối liền đôi bờ, vẫn không nối liền được hết những cuộc đời. Vẫn còn biết bao nhiêu em bé, đêm đêm nhìn về ánh đèn rực sáng giăng trên những chiếc cầu cao bắc ngang sông, để mà mơ, không biết bao giờ bàn chân nhỏ bé của các em được bước lên chiếc cầu cao, rộng thênh thang, cổng thiên đàn.

Từ lúc chiếc cầu bắc ngang sông Mỹ Thuận khánh thành, hình ảnh chiếc phà trên sông chỉ còn thấy ở các bến phà nhỏ hơn như phà Cần Thơ, Vàm Cống, Rạch Miễu ... Những chiếc phà này rồi sẽ biến mất trong nay mai. Không còn chiếc phà để bám vào, những thế hệ con em của các em từng sống bên dòng sông Tiền sông Hậu, có còn gì để bám vào không? Hay là có một số trôi ngược về thượng lưu, qua vùng biên giới, ở đó các em không chào mời người lớn chục ổi, chục xoài, điếu thuốc, mà ở nơi xa xôi đó các em chỉ còn chính các em để rao bán. Không biết những khách hàng đó có nhìn thẳng vào mắt các em không?

NCT