Hai Mươi Năm Sau Trên Quê Hương Thứ Hai

Hai Mươi Năm Sau Trên Quê Hương Thứ Hai

Thời gian trôi nhanh như con vụ. Nhớ hôm nào từng ngày hồi hộp chờ đợi để được phái đoàn Mỹ phỏng vấn cho đi theo diện HO, nhớ ngày nào cô gái út còn học Kinder Garden, lớp học đầu tiên khi vào đời theo văn hóa Mỹ.

Lúc mới đến quê hương thứ hai này , trong khi các con đang học tại nhà trường thì cũng là lúc ba mẹ học ở trường đời. Các con gặp bao nhiêu bài toán khó , thì ba mẹ cũng gặp bấy nhiêu trở ngại về ngôn ngữ. Nhưng vấn đề khó nhất đối với ba mẹ là sự sinh hoạt đa văn hóa ở xứ sở này . Lắm lúc ba tưởng các con đã vụôt khỏi tầm tay yêu thương của ba mẹ. Năm nay đứa con gái út của ba ra trường đại học 4 năm. Ba mẹ biết rằng con đã cố gắng thật nhiều để có được kết quả như ngày hôm nay. Con đã học trong lúc nhà trường thiếu lớp vì bị cắt giảm ngân sách nặng nề.

Ba mẹ cám ơn quý thầy cô và nhân viên Trường Đại Học UCI đã tận tình giảng dạy cho con nên người , và ba mẹ cũng cảm ơn chính phủ Hoa Kỳ đã cấp cho con một học bỗng đi du học bên Y theo dạng trao đổi sinh viên . Đó là cơ hội để con đã có dịp tham quan 9 quốc gia tại khu vực này và mở rộng tầm nhìn ra thế giới bên ngoài , không còn thu hẹp trong khu vực nhà trường như thời ba đi học.

Nhớ lại năm con mười bốn tuổi, một đêm thật khủng khiếp với gia đình mình. Vì không cho con đi dự sinh nhật của người bạn mà con đã lén lấy chiếc Lexus bốn cửa to đùng của ba chạy đi đến nhà bạn. Ba giờ sáng cảnh sát gọi ba, lúc đó cả nhà mình đều khóc. Hai nhân viên cảnh sát cho hay trong lúc họ đi tuần tra trên xa lộ 22 FW , thì thấy một chiếc xe đang chạy với tốc độ cao mà không thấy người, vì lúc đó con còn quá nhỏ ngồi mất hút dưới chiếc volan, nên cảnh sát chạy theo và phát hiện chiếc xe được điều khiển bởi một đứa bé mới mười bốn tuổi.

Lãnh con về nhà mà lòng ba mẹ rối bời vì không biết phải bảo vệ các con như thế nào ở một đất nước có nền văn hóa vô cùng xa lạ này. Đất nước mà trẻ con được đặt lên hàng đầu và quyền giáo dục của cha mẹ bị nhiều giới hạn .

Nhưng rồi cũng cảm tạ thượng đế, những ngày sóng gió đó cũng qua đi , với sự cố gắng vượt bực trong những năm cuối cùng bậc đại học con đã hoàn thành nhiệm vụ mà ba má và tấc cả anh chị em của con đều mong ước.

Dự lễ ra trường của con xong, về đến nhà ba thấy tâm hồn mình thật nhẹ nhàng. Ba cảm nhận rằng một phần trách nhiệm của người cha đã tạm hoàn thành. Cái trách nhiệm mà ba mẹ đã đánh đổi bằng cách phải bỏ một cơ sở kinh doanh vàng bạc nơi quê nhà, cơ sở mà ba mẹ đã tạo dựng trong nhiều năm bằng mồ hôi nước mắt để đi đến xứ sở này, chỉ vì tương lai của các con.

Nhìn lên bầu trời không một áng mây, một vài con chim bay lượn. Đứng tựa vào gốc cây bơ phía trước cửa nhà, tôi chấp tay lạy tạ phật trời và thì thầm nho nhỏ: Chúa Nhật này là ngày Father's Day. Con cảm ơn hai bên cha mẹ, cảm ơn nước Mỹ, cảm ơn trường Đại Học UCI và cảm ơn quí thấy cô.” Rồi mỉm cười thật mãn nguyện vì “Hôm nay là ngày đứa con gái út thân thương của tôi ra trường đại học ......”

Trích trong truyện ngắn “Hai Mươi Năm Trên Đất Mỹ”

Tác giả TQL