Chiếc Áo Lót Bằng Tơ

Chiếc Áo Lót Bằng Tơ

(đã đăng trên web Thư Viện Việt Nam)

(Tôi chọn tựa Chiếc Áo Lót Bằng Tơ cho đề tài Mẹ tôi viết ở đây để tượng trưng cho tính đoan trang, kín đáo của đứa con gái mà người Mẹ Việt Nam nào trên thế gian này cũng lấy đó làm mối quan tâm. Dựa theo câu nói của một người bạn: “Mặc dù Mẹ mình mất sớm nhưng mình tự hào rằng mình vẫn là đứa con gái ngoan”)

Đã nhiều tháng nay, Má tôi “không thèm” nói chuyện nữa. Mỗi ngày ba bữa ăn đều đặn vẫn nuốt trôi, nhắm mắt và mở mắt, nhưng không nói lời nào. Tuổi già đang gặm nhắm người mẹ thân yêu của tôi.

Từ khi Má tôi về ở với chị tôi cho tiện việc săn sóc thì tôi chỉ có thể thăm Má tôi vào mỗi chiều thứ năm là ngày tôi nghỉ việc. Thỉnh thoảng thêm một chiều chủ nhật. Nhìn Má tôi nằm im không nói, tôi thèm được nghe cái giọng nhẹ nhàng quen thuộc đó, nói một lời gì, dù là quở mắng như mỗi khi tôi làm sai.

xxx

Thuở nhỏ, tôi không may mắn như nhiều bạn khác để được cha mẹ ở cận kề. Thiệt là “đói cơm ai biết, lỡ lời ai phân”. Nhà tôi ở quê, tất cả mười anh em chúng tôi đều phải xa nhà đi Sài Gòn lo việc học hành. Tôi đã rời mái ấm gia đình từ khi lên mười tuổi.

Tôi còn nhớ hoài những ngày trước khi đi, thời gian vừa sau Tết, là mùa cá lóc, tôm càng xanh, lại còn có lươn nữa. Má tôi đã cho làm rất nhiều những thức ăn tươi mỗi ngày. Cá lóc kho tộ thật dẽ dặt, bỏ vào miệng nhai nghe bùi bùi, lại và thêm một đũa cơm gạo đầu mùa thơm thơm, dẻo dẻo. Cá lóc để nguyên vẩy, nướng rồi gỡ hết da ra và tưới mỡ hành lên, cuốn bánh tráng, ăn cũng rất bắt. Những con tôm càng xanh tươi rói còn búng soi sỏi, bỏ vào lò than nướng lên thơm phức, cuốn bánh tráng chấm nước mắm cay cay. Thích nhứt là cái càng tôm. Tôi và đứa em gái út thể nào cũng giành nhau cái rổ càng tôm nướng ấy. Đập cái càng dập dập rồi bẻ ra là rút được nguyên khúc thịt tôm bên trong cái càng. Má tôi hay nói:

“Ăn cái gì như cọp ăn bù mắc vậy mà cũng giành”

Ý Má tôi nói cái càng tôm không có bao nhiêu thịt.

Còn đầu tôm thì ôi thôi là mê vì khối gạch vàng lườm của nó, trộn vô tô bún ăn thiệt ngon lành, không cần chan nước mắm.

Tôi còn thích đi theo bà bếp để làm lươn. Sau khi bà đập đầu lươn xong thì tôi vùi nó vô tro bếp, rồi dùng tay tuốt dài theo thân lươn cho xương sống nó dãn ra kêu răng rắc. Cái thú là phải làm lén Má tôi, vì nếu Má tôi thấy được thế nào tôi cũng bị la rầy.

Lươn um nước dừa ăn mau ngán lắm. Tôi thích ăn lươn xào xả ớt hơn. Thân lươn được xắc thành khoanh mỏng luôn cả xương. Khi ăn phải lừa miếng xương ba ngạnh nhả ra, để nghe đầu lưỡi cay cay, mặn mặn, và để nghe Má tôi nhắc luôn miệng:

“Coi chừng mắc xương nghe con! Xương lươn đâm thúi thịt”.

Có ai đó nói với Má tôi như vậy.

Lươn nấu canh chua với bắp chuối thì không còn gì hơn! Chan canh chua vô chén cơm cho nổi nước là món ruột của tôi. Nhứt là hôm nào có con bạn rủ đi đánh đũa là tôi chỉ việc lua vội lua vàng cho xong rồi chạy, không dám ngoái lại để thấy Má tôi lắc đầu: hết ý con này!

Mặc dù cao lớn hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng tôi lại không phải là đứa háo ăn. Cho nên ăn như vậy chừng mươi bữa là tôi đã bắt đầu ngơi. Có hôm, Má tôi nhìn tôi ăn lơ là thì biểu:

“Ăn đi con! Mai mốt đây con ở Sài Gòn không có nhiều thức ăn tươi như ở xứ mình đâu.”

Trời ơi! Má tôi thiệt là không hiểu tôi. Cái háo hức nơi Sài Gòn mà tôi mong đợi là những ánh đèn màu rực rỡ, là con phố xe cộ náo nhiệt. Cái lưu luyến nơi quê nhà mà tôi tiếc nuối là những buổi đi rong với bạn bè, nhảy dây, đánh đũa, chớ tôi có tha thiết gì ăn uống đâu.

Vậy rồi ngày đi cũng tới. Má tôi sắp quần áo vô va li cho tôi. Cái này mặc đi học, cái này mặc ở nhà, cái này mặc đi chơi cuối tuần. Má tôi dịu dàng, thâm trầm, ít nói. Nhưng lần này hình như Má tôi nói hơi nhiều:

“Con đi học Sài Gòn nhớ nghe lời anh chị. Tiền Má cho mỗi tháng, đi học nhớ đem theo, để ra chơi ăn bánh cho khỏi đói. Tắm mau không thôi trúng nước rồi sanh bệnh, không ai săn sóc”.

Mọi khi Má tôi nói chưa dứt câu là tôi đã ù té chạy mất. Nhưng lần này tôi ở lại lắng nghe tường tận. Không biết hai năm về trước, khi chị tôi đi Má tôi đã dặn chị tôi những gì. Nhưng với tôi thì thiệt là y như Má tôi đi guốc trong bụng tôi. Tôi là đứa ương ngạnh, chắc thế nào cũng cãi lời anh chị. Có tiền thì không thích ăn vặt như những đứa con gái khác mà lại thích “mua tầm bậy”, như Má tôi nói. Khi tắm thì vọc nước cho thật lâu. Cái thích nhứt là ở trong nhà tắm hát nghêu ngao, vì hình như cái giọng của tôi chỉ thích hợp hát trong nhà tắm.

Tôi dạ một tiếng thiệt lớn và bắt đầu soạn tập vở. Tôi cẩn thận sắp cái tập Ám Đọc-Bài Hát vô đáy va li. Đó là tài sản quí nhất của tôi mà cho tới bây giờ, hơn mấy mươi năm rồi, tôi vẫn còn giữ.

Khi học Tiểu Học, năm nào cũng có một quyển tập dành cho Ám Đọc-Bài Hát. Thầy Cô cho chép những bài văn vần học thuộc lòng vào phân nửa trước của quyển tập, còn phân nửa sau thì chép bài hát. Tôi rất mê các bài văn vần đó, nên không thể nào bỏ chúng lại.

Còn một món nữa tôi cũng không thể nào quên được, đó là “đồng chàm gắn” của tôi. Các bạn nào chơi nhảy cò cò thiện nghệ thể nào cũng phải biết cách chọn một “đồng chàm gắn”, để khi thải xuống đâu thì nó nằm yên đó chớ không nhảy lốc cốc mà văng ra ô khác.

Đi Sài Gòn là từ giả quê nhà với giòng sông Bassac êm êm mỗi trưa hè, là từ giả nách mẹ âm ấm mỗi tối đông, là từ giả con bạn “xà ní” ( tôi nghĩ đây là tiếng Miên để chỉ bạn thân ) mỗi chiều xuân chơi u khăn, chang cháng.

Nhưng tội nhứt là bỏ lại đứa em gái út của tôi. Nó nhỏ hơn tôi hai tuổi nhưng rất ốm yếu, mong manh. Nó chỉ đứng nhìn người ta chơi thôi mà khi người ta đụng một cái nó cũng té lăn. Đi đâu cũng phải có tôi bảo vệ cho nó. Từ khi chị tôi đi Sài Gòn thì chỉ còn nó với tôi ở nhà. Tôi không còn ăn hiếp, tranh giành đồ đạc với nó nữa. Nó thương tôi lắm và rất hãnh diện về tôi. Tết Trung Thu, tôi bày vẽ xếp cho nó cái lồng đèn xấu hoắc. Vậy mà nó cũng xách đi cùng trời. Thấy mấy đứa kia xách lồng đèn mua ở chợ rất đẹp, tôi cũng thấy “quê”. Đã vậy, nó đi chơi xong còn về nói với tôi:

“Mấy đứa bạn em mê cái lồng đèn này lắm. Tụi nó hỏi em có nhờ chị xếp cho tụi nó được không?”

Mỗi khi bị đứa nào chọc phá, nó đều méc tôi. Tôi chỉ ra nói một tiếng là bọn chúng im re. Chỉ vì tôi chơi rất giỏi, nếu làm phật ý tôi thì khi đánh tù tì bắt bồ, tôi sẽ không cùng phe. Tôi mà vô phe bên kia thì tụi nó thua là cái chắc.

Còn đang nghĩ ngợi không biết tôi đi rồi còn ai binh vực nó thì Má tôi giục:

“Đi ngủ đi con, đặng sáng mai đi sớm”.

Tôi lên giường, nằm trằn trọc hoài, ngổn ngang nỗi ở niềm đi, khi tiếng đồng hồ quả lắc dưới nhà gõ mười một giờ tôi mới ngủ thiếp đi.

Lên đến Sài gòn, việc học hành và ánh sáng đô thị đã làm tôi vơi đi nỗi nhớ nhà. Vã lại, tôi sống chung với đông đúc anh chị nên không cảm thấy cô đơn lắm. Chúng tôi không có cha mẹ bên cạnh, nên anh thay cha, chị thế mẹ chăm nom lẫn nhau. Hơn nữa, bên cạnh còn có người chị kế thân thiết của tôi. Chị lớn hơn tôi ba tuổi nhưng rất “người lớn” hơn tôi. Chị ấy thùy mị như người con gái mà Má tôi mong đợi. Chị thay thế Má tôi săn sóc cho tôi đủ mọi điều. Cho tới bây giờ chị ấy vẫn là người mẹ thứ hai của tôi. Chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên của tôi là do chị tôi chỉ vẽ, thay vì được mẹ săn sóc như các bạn gái khác.

Thường khi, mỗi năm anh chị tôi về quê hai lần: Hè và Tết. Nhưng cái Hè đầu tiên của tôi là cuối lớp nhứt, tôi phải học thêm nên không được về. Kế đến, Tết năm đệ thất là Tết Mậu Thân. Vì những người trong điền ra cho biết trước là Tết sẽ có đánh lớn, nên Ba tôi không cho chúng tôi về quê. Lần đầu tiên tôi ăn Tết Sài Gòn lại là cái Tết loạn lạc. Cho tới Hè cuối năm đệ thất tôi mới được về thì tính ra xa nhà đã gần hai năm. Trong suốt thời gian này, tôi vẫn thường xuyên viết thơ về nhà. Ba tôi thì đi Sài Gòn mỗi tháng để đặt hàng và tiện thể ghé thăm chúng tôi, nhưng Ba tôi nghiêm lắm nên tụi tôi rất sợ, không dám hỏi han. Còn Má tôi đi Sài Gòn thăm chúng tôi chỉ hai lần mỗi năm, có khi dẫn theo cả em gái út của tôi. Mỗi lần Má tôi lên là chúng tôi vui lắm, xúm xít quanh Má tôi nói chuyện huyên thiên. Em gái út của tôi cũng thích thú vì được đông đúc anh chị cưng chìu.

Sau gần hai năm xa nhà, tôi trở về thì mọi người trong nhà quá đỗi kinh ngạc khi thấy tôi cao lên cả tấc. Mấy cô phụ việc nắm tay tôi cười nói:

“Cô Nhỏ viết thơ hay quá. Bà cho coi ai cũng muốn khóc”.

Vì nhà có ba đứa con gái chót nên trong nhà quen kêu chị tôi là cô Lớn, tôi là cô Nhỏ, tới em út của tôi thì không biết làm sao nên kêu là cô Nhỏ Xíu. Nó ghét lắm, nhưng nó nhỏ xíu thiệt.

Má tôi nhìn tôi âu yếm:

“Chỉ được cái viết thơ, còn ăn nói thì chẳng đâu ra đâu”

Mọi người xúm nhau cười xòa. Bà bếp chạy ra vuốt lưng tôi hỏi:

“Cô Nhỏ ăn canh bầu cá trê vàng không? Với cá trê chiên dầm nước mắm gừng nữa hén?”

Về tới đây là tôi vui quá rồi, ăn cái gì cũng được.

Đứa em gái út của tôi vẫn chưa thấy lớn nhiều nhưng lanh lợi hơn. Nó giống tánh hào phóng của Ba tôi nên bạn bè đều ưa thích. Bạn của nó còn nhiều hơn bạn của tôi. Nó không còn cần tôi bảo vệ nữa. Má tôi nói:

“Má không cho xuống sông mà không biết hồi nào nó đi xuống xuồng của người ta chụp hình với mấy đứa bạn”

Em tôi cũng không cần tôi chở xe đạp nữa vì nó đã tự mình tập đạp xe và bây giờ đạp giỏi lắm rồi. Nhưng cái tật “mua tầm bậy” của nó, bây giờ còn lớn hơn cái tật của tôi.

Người trong nhà đều nói tôi đã ra dáng thiếu nữ nhưng thiệt ra tôi vẫn còn là đứa con nít mười hai tuổi. Ăn cơm chiều xong, tôi vội vã đi tìm con bạn “xà ní” của tôi. Nó cũng cao hơn nhưng vẫn thấp hơn tôi một chút. Nó rủ thêm mấy đứa nữa tới chơi nhảy dây. Gần hai năm, nhưng tôi không “lụt nghề”. Tôi nhảy một hơi một trăm cái như không, và khi cần “cứu bồ” thì phải lên tới hai trăm, ba trăm cái. Bởi vậy, lúc đánh tù tì bắt bồ, tụi nó vẫn chọn tôi như xưa. Chơi chưa phỉ sức thì rủi thay, Má tôi thấy được, liền kêu tôi vô nhà và biểu:

“Năm nay con lớn rồi, không chơi mấy trò đó được nữa đâu”

Chưa bao giờ tôi oán hận cái chữ “lớn” này đến như vậy.

Mai sáng Má tôi cho người dẫn tôi đi sắm áo ngực. Lần đầu tiên mặc chiếc áo ngực, nó chật chội khó chịu làm sao. Tôi nhìn mình trong kiếng, hai má thoáng nóng bừng, tôi mới trở thành một cô gái! Má tôi từ ngoài bước vào hỏi:

“Có vừa không con?”

Vừa? Tôi thiệt muốn nhảy dựng lên vì cái của quỉ này. Má tôi nắm hai cánh tay tôi rồi xoay người tôi qua lại ngắm nghía:

“Năm nay con lớn rồi, đi đứng phải chỉnh tề, nói năng phải thùy mị, không thể nô đùa như hồi nhỏ được”.

Má tôi đưa cho hai cái áo lót bằng tơ, vì bấy lâu nay tôi vẫn mặc áo lót vải:

“Con bận soutiens nhưng vẫn phải bận thêm chemise, nhứt là nếu áo ngoài quá mỏng. Mấy cái chemises tơ này bận dễ chịu hơn là cái bằng vải”.

“Trời! Vậy mà nói là dễ chịu!”. Tôi nghĩ trong bụng.

Má tôi ngừng một chút, nhìn sâu vào mắt tôi rồi nói:

“Học chung với bạn trai thì không được giỡn hớt, nhà bạn gái có anh trai thì không nên tới chơi”.

Tôi loáng thoáng hiểu Má tôi muốn dặn dò gì. Nhưng thiệt tình là tôi không muốn nghe tiếp. Tôi lanh lẹ đáp:

“Dạ Má! Con nhớ!”

Rồi đi ra ngoài, chắc con “xà ní” đang chờ chơi đánh đũa. Nếu ngoái đầu lại thế nào cũng bắt gặp Má tôi lắc đầu ngao ngán: không biết chừng nào tôi mới thành người lớn đây?

Mấy năm sau tôi phải học ngoại ngữ liên tục nên chỉ về quê vào dịp Tết. Em gái út của tôi cũng đi Sài Gòn nhập bọn cùng đi học. Tội nghiệp Má tôi ở quê không còn con cái chung quanh, chắc cô đơn lắm, nhứt là khi Ba tôi vắng nhà.

Vài năm sống ở Sài Gòn, tôi đã quen dần nếp sống thành thị, “ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều” nhưng chiếc áo lót tơ bên trong chiếc áo dài mà Má tôi dặn dò vẫn không bao giờ bỏ sót. Do đó, dù học Trung Học Tư Thục, tôi vẫn luôn mặc chiếc áo lót tơ bên trong chiếc áo dài. Một bạn gái nói với tôi:

“Trường đâu có buộc mặc áo lót mà bồ mặc chi cho nóng nực vậy!”

Tôi chỉ mỉm cười:

“Quen rồi!”

Có hôm, một bạn trai trong lớp vẻ thành thật, hỏi tôi:

“Nghe tụi nó nói chị từ trường nữ công lập Gia Long chuyển sang hả?”

Tôi trố mắt ngạc nhiên:

“Tôi mới từ trường khác chuyển sang nhưng không phải Gia Long. Tại sao anh hỏi như vậy?”

Người bạn này ngập ngừng:

“Tại vì … chị mặc áo lót”.

Trời hỡi! Hai tai tôi nóng bừng. Mấy cái đứa con trai này! Dám?

Và chiếc áo lót tơ bên trong chiếc áo dài đã theo tôi luôn như thể hiện sự vâng lời hiếm hoi của một đứa con ương ngạnh như tôi, cho tới ngày tôi mặc chiếc áo dài gấm đỏ lên xe hoa. Chị tôi nói:

“Thôi đi! Thời buổi này cô dâu nào mà bận áo lót bên trong áo dài gấm”.

Má tôi vốn hay theo lời của chị tôi nên cũng cười dễ dãi:

“Ờ! Thì sao cũng được. ”

Thì sao cũng được! Má tôi đã có chỗ để gởi gấm tôi rồi, nên bây giờ thì sao cũng được. Từ ngày đó tôi thôi không mặc áo lót tơ bên trong áo dài nữa, nhưng tôi vẫn còn cất giữ nó cho tới ngày hôm nay, mặc dù camisoles đủ loại được bán đầy ngoài tiệm.

xxx

Hôm nay, thứ năm, sau khi đi chợ, tôi lại ghé thăm Má tôi. Chị tôi vừa tắm cho Má tôi xong. Tôi hỏi chị:

“Mấy bữa nay Má có đỡ hơn không chị?”

Chị lắc đầu, cái lắc đầu kiên trì, bình lặng đã từ nhiều năm:

“Bác sĩ nói Má thọ quá rồi, như cây đèn cạn dầu vậy thôi”.

Tính ra thì Má tôi đã thọ quá rồi, chín mươi bốn tuổi. Nhưng có người một trăm tuổi vẫn còn tỉnh táo thì sao! Có đôi lúc, nhìn Má tôi nằm một chỗ như vậy quá buồn tẻ, như bị hành xác, thiệt thương tâm vô cùng. Nhưng tôi vẫn muốn Má tôi còn đó, để ít ra tôi còn được trông thấy mỗi tuần.

Tắm xong mát mẻ, Má tôi nằm mở mắt. Tôi lại bên giường:

“Con tới thăm Má nè! Má biết con là ai không?”

Má tôi gật đầu, nhìn tôi trân trối. Tôi không chắc Má tôi nhận ra tôi thiệt hay chỉ là phản xạ. Tôi lấy trong bao ra hai cái camisoles vừa mới mua cho con gái:

“Má! Con mua hai cái chemises này cho cháu, Má thấy có được không?”

Má tôi nhìn hai cái camisoles, rồi nhìn tôi, môi mấp máy. Tôi chừng nghe Má tôi nói:

“Bận soutiens nhưng vẫn phải bận thêm chemise”.

Mắt tôi chợt cay và hai dòng lệ từ đâu tuôn trào như suối. Quên đi mình đã ngoại ngũ tuần, tôi bỗng ôm chầm lấy Má tôi và muốn nói một câu như em bé lên năm:

“I want my mamy!”

Tôi muốn Má tôi. Dù ở tuổi nào, người ta cũng vẫn cần có Mẹ.

Mộc Hương

Viết xong ngày 18 tháng 4 năm 2008

Thương kính tặng Má, người Mẹ đang nằm một chỗ của tôi, và tất cả các người Mẹ trên thế gian này. Xin cho bình an.

Kính dâng hương hồn Nhạc Mẫu, và hương hồn tất cả các người Mẹ. Xin cho an nghỉ .

Thân tặng Lệ Chi, Phong Thủy và tất cả những ai không may mắn sớm mất mẹ,với những sẻ chia.

Thân tặng các bạn thời Trung Học, với cảm xúc vô biên về kỷ niệm.

Thương tặng các Anh Chị Em trong gia đình, với yêu dấu ngọt ngào.

Riêng tặng Người Tình Khoa Học cũng là ông xã yêu quí, và tất cả các sinh viên Khoa Học của một thời để yêu.