Năm Mười Bốn Tuổi

Năm Mười Bốn Tuổi

Ôi, thế mà thoắt đã sang thu.

Mùa thu ở xứ người, bên ngoài cảnh vật đất trời tuy có u sầu ảm đạm nhưng sánh thế nào được với mùa thu trong lòng một lữ khách giòng đời hoang mang nhịp sầu lỡ bước…

Đời tôi là một chuỗi dài lỡ bước, triền miên thất bại. Từ tấm bé đã thất bại trong tình trường. Lớn lên, thất bại trong học vấn. Đến trưởng thành thì thất bại trong cả công việc lẫn hôn nhân. Vấp ngã cả chục lần, lần nào lần ấy sứt trán. Con người ta, thông thường trong các chặng đường thế gian mỗi khi vấp xong sẽ đứng dậy, suy nghĩ rút tỉa kinh nghiệm để tránh. Rồi nếu lần sau cũng lại bươu đầu bởi cùng một nguyên do thì ắt sẽ suy nghĩ lâu hơn để tự hỏi sao mình đã bị bài học mà vẫn còn lỡ lầm. Và đến lần thứ ba, thì có lẽ kẻ ấy phải là một trong những kẻ ngu ngốc nhất cõi trần bởi nhân loại 99% lúc này đã biết thân, đã sáng mắt ra bởi hai cú ngã đau lần trước.

Tôi thì lại khác. Rất ít khi biết rút kinh nghiệm. Chẳng bao giờ biết thân, lại kiên cường trong sự dại dột nhất là hồi còn niên thiếu. Khi yêu đương có mấy ai không u mê tăm tối ? Trong việc theo gái, danh từ Hán Việt gọi là "tầm nữ" có mấy ai đã dám tự nhận khôn ngoan ? Nhị kỳ thảm bại vào năm 11 và 12 tuổi không hề làm nản chí gã tiểu tử ôm nhiều khát vọng. Hai sự cố ấy, tôi chỉ xem như những lần mình "rèn luyện kỹ năng": Năm lớp nhất tiểu học, đem lòng tương tư một con bé con ngồi cùng dãy ghế cả mấy tháng không dám mở miệng để rồi gia đình nó dọn đi miền Trung không nửa lời từ giã. Ôm mối hận lòng suốt cả một mùa hè. Lên đệ thất, lại yêu một con bé khác ngồi bàn thứ ba; mình gửi lá thư nó đọc xong vác lên trình cha hiệu trưởng để cha bắt quỳ suốt buổi trưa trong phòng giám thị làm cả trường đều biết. Đau ở chỗ là, chính con bé này chủ động biên thư cho tôi trước khi tôi biên cho nó ! Quân phản bội đến thế là cùng.... (Thuở ấy một kẹp tóc chỉ cần đứng nói chuyện riêng với một húi cua là đã được xem như hạng bạo gan lắm, vậy mà y thị dám nhét thư vào sách đưa tận tay cho tôi lại còn tẩm tí nước hoa vào trang giấy pơ-luya làm gã thiếu nhi ngây ngất cõi lòng, cắn bút hồi âm lại vài hàng chữ trên tờ hoa tiên định mệnh. Cái định mệnh đã làm kẻ si tình phải quỳ hai tiếng đồng hồ trong văn phòng ông giám thị khiến tên tuổi Nguyên Cương vang lừng một thời trung học, và cũng làm cho phụ thân nổi trận lôi đình phết cho thằng trẻ ranh quỉ quái mười mấy cây kê mao phất trần sưng vù hai bàn tọa).

Lên đến đệ ngũ, tôi nghiệm ra một điều. Mình cứ học hành lem nhem thì khi ra quân tầm nữ ắt cầm bằng thất bại ê chề. Tụi chúng nó chỉ ái mộ những đứa con giai học giỏi. Cứ xem bọn Thu Lan, cái Tuyết, cái Dịu quây quần xung quanh thằng Vinh còm, một thằng học rất "mả", để nghe nó chỉ cách giải phương trình bậc nhất chứa hai ẩn số. Hay cứ nhìn bọn cái Doãn, Chi Mai nghển cổ chăm chú nghe thầy Sản suýt soa khen ngợi thằng Tiến Noir (vì nó da trắng như bánh mật) xếp hạng đầu lớp ba tháng liền. Thì ra, từ ngàn xưa đến nay trong mỗi gia đình Việt Nam con cái đều được bố mẹ dạy dỗ là phải biết quý sự học và trọng kẻ sĩ, những người khoa bảng mai sau. Nhất là bọn con gái, câu "Võng anh đi trước" đứa nào cũng thuộc nắm lòng. Thằng Vinh thằng Tiến tuy nom rất chán, một đứa gầy nhom một đứa đen nhẻm – chưa kể con nhà Vinh còn bị ghẻ tầu - nhưng lại học giỏi nên vẫn được xem là hiền sĩ trong tương lai. Chúng nó không là tấm gương của sự thành công, thì còn là gì nữa bây giờ ...

Vì thế tôi bắt đầu tái hoạch định hướng đi. Quyết tâm cải tà quy chánh. Ngừng thuê truyện tiểu thuyết của Nghiêm Lệ Quân, Người Khăn Trắng. Thôi đón xe lam lên tận rạp Cao Đồng Hưng ở Bà Chiểu xem xi nê cao bồi. Cố không để lòng vướng vào những mối tơ tình nhi nữ. Sẽ coi bọn con gái như pha (kể cả cái Dịu đứa nom kháu nhất lớp), và chuyên tâm vào việc lấy lại căn bản. "Ông" tính cả rồi. "Ông" không đen thui gầy nhom hay ghẻ tầu như hai thằng Vinh thằng Tiến. Cứ luyện bài vở cho đàng hoàng tử tế là "ông" chỉ việc lấy ăn. Trong lớp sẽ có thêm một nhân tài. Hai thằng kia sẽ có đối thủ. Cái Dịu sẽ lác mắt.

Nhờ ơn trên soi sáng, năm đệ ngũ tôi khôi phục chuyện sách đèn. Dần dần các môn đều được điểm tốt. Thầy Định Anh-Văn thỉnh thoảng lại khen. Thầy Thuyên Đại-Số thường gọi lên bảng sửa toán chép bài. Thầy Sản Việt-Văn lúc chấm luận thường gật gù phê khá. Cô Hương Vạn-Vật hay nhờ tôi lên bảng vẽ những con châu chấu bộ tiết túc, hay con thằn lằn bộ bò sát cho cả lớp vẽ theo. Tuy chưa qua mặt được thằng Vinh thằng Tiến, nhưng tháng nào tôi cũng có bảng danh dự đem về nhà. Bố tôi bắt đầu hãnh diện về thằng con trai siêng học :

- Cháu Cương nó tu tỉnh, bớt nghịch bớt lười rồi các bác ạ. Sáng dạ lắm, học đâu nhớ đấy. Chắc tại còn bé mẹ nó hay mua óc lợn ngoài chợ về luộc cho nó ăn luôn. Các cụ ta vẫn bảo ăn gì bổ nấy...

Chẳng biết có tin vào giả thuyết óc lợn hay không, nhưng các ông trùm Tuyết, ông Khả, ông giáo Ban hay mang tôi ra làm gương mỗi lúc răn đe con cái lười học. Các ông tuy ngoan đạo, tối nào cũng đọc kinh lần hạt ầm ầm nhưng khi chửi mắng con thì rất tàn bạo : "Mở mắt ra mà xem thằng Cương con ông Ba Liên. Học dốt như chúng mày thì cứ việc sang nhà ông ấy mà ăn kít cho nó, nhé ! Ăn vào may ra bớt ngu phần nào chăng, nhé !"

Nghe thế, tôi càng yên chí rằng nhờ các bộ óc lợn kia, con đường tương lai của mình sẽ rộng mở và ngời sáng như ánh hỏa châu soi trên bầu trời vùng ngoại ô trong những năm miền Nam chinh chiến, đâu biết rằng một mai kia đời mình sẽ xuôi theo những ngã rẽ gập ghềnh.

Mùa hè trôi qua chậm chạp, cơ hồ cơn gió lười biếng buổi chiều thổi qua tàn cây tu-ma rợp lá. Như giòng nước lờ lững trôi ngang chân cầu Tứ-Quý bên kia xứ Tử-Đình, mang theo những cánh lục bình tấp vào bờ cỏ dặm thêm mầu xanh ngắt cho dải đất hai bên bờ ruộng. Tiếng ve sầu kêu rỉ rả trên cành phượng khô lác đác vài nụ hoa đỏ tươi ngoài cánh cổng trường khóa chặt, cơ hồ lũ ve cũng biết nhớ nhung tiếng cười đùa của đám học sinh chơi trong sân hồi niên khóa trước.

Đầu xóm tôi là nhà bác Lý người làng Ninh Chử. Mấy tuần nay, nhà bác rộn rã hẳn lên. Cô con gái lớn của bác, chị Cúc Phương học trường dòng nghỉ hè về chơi. Chị nội trú ở chủng viện Mân Côi trên Đà Lạt. Thành phố sương mù mát rượi ấy làm đôi má làn môi chị Cúc Phương cứ thắm hồng lên như thoa son mỗi lần về làm quen lại với mùa hè Xóm Mới. Thỉnh thoảng sang nhà chơi với thằng Khoa em chị, tôi hay được xem những tấm hình chụp từ thành phố thơ mộng. Đà Lạt với thác biếc, hồ xanh, rừng thông nom đẹp như tranh thần thoại. Trong hình, các nữ tu nhà dòng tuy chỉ với y phục giản dị vẫn tươi tắn thanh thoát như những cánh đào đóa huệ của vùng đất cao nguyên. Chủng viện Mân Côi nhận nữ học sinh từ năm đệ thất. Đến tú tài thì nhà dòng mới bắt đầu duyệt "ơn kêu gọi" để tuyển lựa nữ tu dâng hiến trọn đời. Năm nay sắp lên đệ Nhị, chị Cúc Phương vẫn còn thời gian để suy nghĩ về sự lựa chọn hướng đi cho mình, đi "đời" hay đi "đạo". Hai bác Lý cũng chẳng hối thúc, và cứ để tùy chị. Nhưng người xóm tôi rất mong chị trở thành bà sơ, vì anh Khiết con ông giáo Ban đã xuất khỏi tu viện và đăng lính. Anh Khiết – niềm hãnh diện của khu Từ Châu chúng tôi vì ai cũng tưởng sẽ thành cha xứ trong tương lai – đã phụ lòng mọi người trong xóm. Anh quyết định không tu học trở thành Linh Mục nữa, và tình nguyện vào quân trường Thủ Đức. Không ai rõ lý do, nhưng ông bà giáo Ban từ đấy nom suy sụp thấy rõ. Ước mộng trở thành ông bà "cố Ban" của hai người đã trôi theo tiếng gọi sa trường của thằng con mang niềm khát vọng hải hồ. Anh Khiết dáng dấp đạo mạo, cặp kính cận trên khuôn mặt kẻng trai làm anh nom như một nhà hiền triết. Anh không thành cha thì còn ai thành cha nữa ? Cuộc đời thế gian có những cám dỗ gì mà anh lại bỏ sau lưng cả một tương lai linh mục sáng rực rỡ như ánh trăng rằm ?

Vì thế, tất cả niềm hy vọng của xứ đạo tôi bây giờ bây giờ đổ dồn vào một chị Cúc Phương. "Xóm mình không có Cha Xứ thì có Sơ Bề Trên cũng được", người ta an ủi nhau thế.

Riêng tôi, tôi không muốn chị Cúc Phương đi tu thành bà sơ bà siếc hay hiến dâng hiến diếc gì cả. Tôi còn cầu mong Chúa đừng có "xuống ơn kêu gọi" mà làm gì. Tôi chỉ mong chị cứ hàng năm về chơi vài tháng (hay về luôn thì càng tốt), để tôi được dịp sang nhà bác Lý cho chị sai vặt. Chị hay nhờ tôi vẽ hộ mấy con gà con thỏ vào những tấm giấy bìa để chị dạy lớp mẫu giáo ngoài nhà dòng; hay nhờ tôi chép hộ quyển sách mượn của bạn vì "chữ Cương viết có nét". Lười việc nhà nhưng thảo việc người, tôi rất sốt sắng làm hộ bất cứ việc gì chị bảo. Có đôi lúc chị dạy tôi hát thánh ca. Khi hát, trông chị hiền lành và đẹp đẽ như bức tượng thánh nữ Tê-Rê-Sa dựng trong đền nhà thờ Trung Bắc, với nụ cười có hàm răng trắng đều và đôi mắt sâu thăm thẳm như đang mơ mộng, khóe miệng như nở hoa thánh thót ngân lên những cung bậc trầm bổng. Tôi khe khẽ hát theo những lời ca tụng Thiên Chúa, lời ca bài hát tôi chỉ hiểu mơ hồ vì ý nghĩa xa xôi qua những câu văn cổ kính. Hay là tại tôi còn mải ngắm khuôn mặt chị Cúc Phương mà không biết mình đang hát gì chăng ?

Những khi ấy, tôi phân vân lắm. Chẳng lẽ tâm hồn mới lớn của mình vừa chớm thay đổi ? Tôi lờ mờ nhận ra mình không còn bé bỏng như xưa. Không còn thích đánh khăng, đánh đáo trong xóm cả ngày như hồi thơ ấu. Những năm trước, tôi và thằng Khoa chơi đủ trò từ gẩy hình, tạt lon, đến đánh quay, bắn ná, thỉnh thoảng chúng tôi còn trèo cây me keo hái từng rổ quả chín mọng. Và rất say mê cá xiêm cá phướn, hai đứa hay rủ nhau vào những khu làng xa mua cá về nuôi trong chậu sành thả lăng quăng với bèo tấm. Những con cá xiêm mình đen thẫm vây xanh biếc chỉ cần bỏ vào chậu nước là lập tức phùng mang xòe đuôi xông vào nhau chiến đấu; những con cá phướn mình vàng nhạt vẩy lóng lánh đuôi dài thậm thượt màu đỏ sậm ung dung bơi lờ lững trông nhàn nhã và thướt tha như một tiểu thư con quan trong một buổi tuần du dã ngoại. Chiều nào thằng Khoa cũng rủ tôi chọi cá; hoặc sang nhà nó nằm võng vườn sau đọc truyện ma, truyện kiếm hiệp thuê từ tiệm sách Đức Tiến gần ngã tư chợ.

Nhưng năm nay tôi lên mười bốn. Đã bớt thích chơi cá phướn cá xiêm; cả đàn chỉ còn lại một con thả trong chum nước mưa sau nhà. Đã bớt mê những trò trẻ con như bắn ná hay thả diều ngoài cánh đồng gần sông Tứ Quý. Đã biết cảm thấy lòng man mác khi đọc những vần thơ lãng mạn hay lúc nghe những bài hát quê hương hoặc tình ca đôi lứa. Và nhất là những khi trông thấy khóe mắt dịu dàng nghe giọng cười dòn tan của chị Cúc Phương, thì tâm tư tôi cứ lâng lâng một niềm khó tả....

- Cương ơi ! Đàn dế lửa của tao nó chui ra mất hết rồi !

Tiếng thằng Khoa ơi ới ngoài hiên. Tôi dụi mắt, giấc ngủ trưa hè uể oải trên chiếc võng. Nắng lung linh chiếu qua kẽ lá vườn tu-ma. Vài tiếng chim líu lo trên ngọn cây chĩu cành ngọt trái.

Tôi không lên tiếng trả lời. Giấc mơ ngắn ngủi buổi trưa nằm võng hãy còn miên man trong tâm thức. Trong giấc mơ, tôi thấy mình lên Đà Lạt đứng nhìn ra bờ hồ Xuân Hương. Chợt nghe tiếng ai léo nhéo. Mơ hồ trông thấy thằng Tiến Noir đang hãnh diện ngồi giữa đám con gái ngưỡng mộ. Sao hôm nay bản mặt nó nom ghét thế. Cái Chi Mai đang dựa lưng vào gốc thông tay cầm quyển vở, đôi mắt say đắm nhìn con nhà Tiến. Cái Tuyết cũng ghi ghi chép chép. Còn Tiến Noir, cặp môi mỏng cứ cong tớn lên mấp máy giảng giải những gì không rõ. Lại thấy trong nhà Thủy Tạ giữa mặt hồ Xuân Hương, cái Dịu con bé xinh nhất lớp đang ngồi ăn kem cạnh thằng Vinh còm. Con nhà hậu duệ Mã Viện này vừa chuyện trò với cái Dịu vừa thò tay gãi các nốt ghẻ trên chân nghe sồn sột.

Chợt dưới bóng rặng liễu phủ bờ hồ, từ từ hiện ra dáng tha thướt của các chị nữ tu dòng Mân Côi áo trắng. Các chị cười đùa với nhau, chỉ trỏ về phía nhà thờ con gà Đà Lạt, có chị tay cầm bông hoa, có chị cầm tràng hạt. Và trong đám đó một người nữ tu, không, một người con gái, khuôn mặt thiên thần từa tựa chị Cúc Phương với đôi má hồng thắm tươi, hàm răng đều đặn trắng muốt đang nhìn về phía tôi. Tôi cũng định bước về phía chị nhưng đôi chân cứ dính chặt với nhau, càng cố sức bao nhiêu thì chúng nó lại càng ỳ ra bấy nhiêu. Chị Cúc Phương mỉm cười bá vai các nữ tu kia và từ từ bước lên triền dốc đi về phía nhà thờ con gà. Tôi định lên tiếng, nhưng không mở miệng ra được. Và hình như còn nghe giọng cái Dịu văng vẳng từ phía đàng kia vọng lại "Cương hãy còn thua thằng Vinh thằng Tiến xa. Dịu không thèm chơi với con giai mà học dốt..."

Thằng Khoa chạy xộc vào, miệng lắp bắp làm tôi tỉnh hẳn :

- Tao ... tao mất cả hộp dế mười con. Để nắp hở, đêm hôm qua chúng nó chui ra sạch !

Thấy tôi không trả lời, nó ngồi xuống chiếc ghế đẩu nói bâng quơ :

- Chị Phương nhà tao lần này về luôn, không lên trường dòng nữa đâu.

Tôi nhỏm dậy ngay :

- Sao vậy ?

- Bố tao bảo thôi không tu nữa. Tao cũng chẳng biết tại làm sao.

Tôi không tin vào tai mình. Thực vậy ư ? Chị Cúc Phương của tôi sẽ không bao giờ khoác áo bà sơ, sẽ không bao giờ trở thành người dâng trọn cuộc đời cho Chúa ? Ôi Chúa ơi, con sung sướng quá ! Chúa đã lắng nghe lời con khấn nguyện ! Cảm ơn Chúa vô cùng vì đã không "xuống ơn kêu gọi" chị Phương vào kiếp tu hành. Mà kêu gọi làm gì, Chúa nhỉ. Nhà dòng còn thiếu gì nữ tu, bên ngoài còn thiếu gì người để thành bà sơ, cần chi đến chị Cúc Phương của con. Những thiếu nữ xinh tươi mà Chúa lại bắt đi tu, thì tội nghiệp cho họ lắm. Chị ấy nom yêu kiều như thế, vào nhà dòng chẳng nhẽ cứ khóa chặt cửa cả đời không cho bước ra. Vì hễ bước ra là sẽ có người nom thấy. Mà người ta nom thấy là thể nào cũng sinh rắc rối vô vàn. Nên con trộm nghĩ, cứ để chị ấy bỏ dòng về nhà luôn là yên chuyện. Về nhà để con còn có dịp sang bên bác Lý, lảng vảng trong vườn bác, giả vờ chơi với thằng Khoa nhưng thực ra là để chờ chị sai việc và được ngửi mùi bồ kết thơm tho nhẹ thoảng trên làn tóc nhung gội chanh của chị. Chưa kể là được nghe chị dạy hát những bài thánh ca réo rắt. Và cháu cũng xin rất hoan hô ủng hộ bác Lý. Quyết định của bác rất là hợp tình hợp cảnh. Con gái lớn phải ở nhà với bố mẹ, bác Lý ạ. Cứ nhìn bác gái phải đi chợ thổi cơm một mình, cháu thương lắm. Chị Phương về chị ấy đỡ đần khối việc cho bác gái đấy ...

Ngày hôm ấy lòng tôi vui quá, mặc cho khu xóm xôn xao với cái tin sét đánh. Ai cũng chép miệng thở than, cho là xứ mình không có đất đi tu. Mới năm ngoái xảy ra vụ anh Khiết, năm nay lại thêm chị Cúc Phương. Hay là ma quỷ nó "cám rỗ" bọn thanh niên thiếu nữ xứ này cả rồi, người ta bảo nhau như vậy. Tôi thì dứt khoát phản đối và bất tín nhiệm cái niềm tin "có đất đi tu". Đất với cát.... Tôi nghĩ thầm. Chẳng có đất đi tu thì đã làm sao nào ? Trong xóm nếu không người nào thành cha thành sơ, dễ thường cả xóm phải xuống hỏa ngục ngay đấy ư ? Vẽ chuyện... Cứ phải khéo lo !

Ngày khai trường sắp đến, tôi sắp lên đệ tứ. Lớp này quan trọng, thầy nào cũng bảo. Toàn những môn căn bản cho đệ nhị cấp. Giỏi năm đệ tứ thì lên các lớp tú tài sẽ vững.

Thế nhưng, tôi nôn nao chờ đến ngày khai giảng thì ít mà thấp thỏm chờ một sự thay đổi nơi chị Cúc Phương thì nhiều. Tôi đoán chị sẽ nom khác đi. Ai tu xuất mà chẳng thế. Chắc chiếc áo bà ba giản dị của nhà dòng sẽ biến mất để nhường chỗ cho bộ áo thun cho hợp thời, hay chí ít cũng phải là chiếc áo sơ mi cổ bẻ hoặc tà áo dài nhung có eo có ót. Chắc làn da xưa mộc mạc nay sẽ thoảng nhẹ lên một chút phấn hồng; mái tóc đang ngắn sẽ dài ra để uốn lên phơn phớt. Nhưng, tôi cũng không biết rõ là chính mình mong muốn điều gì nơi chị Cúc Phương. Một đàng tôi muốn chị trở thành người đẹp xứ Hoàng Mai trong lụa là hoa phấn; nhưng nửa tôi lại tiêng tiếc nét thơ ngây thanh khiết quen thuộc. Tôi hơi lo, vì biết đâu chị sẽ đi quá trớn. Ở Xóm Mới này chẳng đã bao nhiêu anh vừa ra khỏi nhà dòng là quậy phá tung trời, bao nhiêu cô vừa thoát áo nữ tu đã như chim sổ lồng như hùm sổng cũi ? Ôi chao, chị Cúc Phương thánh thiện của tôi rồi có bắt chước các chị Anh Đào, chị Nguyệt bên họ nội tôi cứ buổi chiều diện đẹp lên xong bá cổ nhau ra phố cười cợt ngả ngớn cho bọn thanh niên huýt sáo trêu chọc hay không ? Chị Phương đơn sơ của tôi, vừa bỏ dòng ra rồi sẽ đi guốc cao gót, bới tóc vẽ mắt đen ngòm, mặc áo dài hở cổ kiểu bà Ngô Đình Nhu hay sao ? Không, chắc không thế được ! Chị Phương thùy mị hiền hậu lắm chứ đâu quạ mổ như bọn chị Đào chị Nguyệt ....

Mặc cho tôi lo ngại, ngày tháng cứ chầm chậm đi qua. Thấm thoát đã đến hôm khai giảng. Cổng trường hoa phượng đỏ chót mấy tháng trước nay đã tàn gần hết. Chỉ còn vài xác hoa úa héo nằm vương vãi trên hè phố. Tiếng ve sầu đã thôi vang vang day dứt, nhường cho tiếng cười tiếng nói xôn xao trở lại của lũ học sinh trung học. Màu áo trắng tung tăng phủ ngập sân trường. Tôi tìm ra ngay lớp mới của mình, bước vào chọn chỗ. Bàn thứ tư còn trống, chỉ có mình tôi. Tụi nghịch ngợm như thằng Minh Cỗi, thằng Phách, thằng Việt Bễ đã đóng đô hai bàn cuối lớp. Lũ lười học như thằng Nhu, Lý Văn Anh, hay Diệp Ngọng đã tụ tập ở góc gần cửa sổ cho thầy khỏi chú ý. Nhóm con gái hay ăn quà và sợ lên bảng như bọn con Nga, cái Phúc thì đã chụm vào bàn trong, chỗ thừa bóng tối thiếu ánh sáng. Tôi nhìn quanh. Con nhà Vinh còm đã chọn ngồi bàn đầu, quay ngang quay ngửa cười cười điệu bộ tự tin như ngầm bảo cả lớp "Đứa nào không hiểu gì cứ lên đây nhờ ông. Ông sẽ giảng dạy miễn phí. Ưu tiên cho con gái".

Từ ngoài cửa lớp bước vào, cái Dịu nom xinh tựa như cô bé trong truyện Công Chúa Ngủ Trong Rừng. Hôm nay ngày đầu niên học, nó mặc chiếc áo dài tơ bóng, hai bím tóc kết nơ đỏ, tay cầm cặp da đen. Khóe miệng tươi có chiếc răng khểnh, mới vào nó đã liến thoắng với lũ bạn, ríu rít như bầy chim khuyên. Nhớ lại giấc mơ hôm trước, tôi ngồi thu mình trong ghế. Sau khi đã khoe nhau kẹp tóc thắt nơ và chia nhau cóc ổi xoài mận với lũ bạn xong, Dịu mới đi tìm chỗ. Nó đã định ngồi xuống gần bàn thứ tư của tôi nhưng khi trông lên ánh mắt nó chạm phải tia mắt ti hí của thằng Vinh còm đang nhìn xuống. Thế là con bé đổi ý, không ngồi dẫy thứ tư nữa. Rồi làm như vô tình, Dịu hờ hững giả đò quay qua quay lại một lúc như vẫn đang tìm kiếm. Nhưng tất cả đều không qua khỏi tầm mắt tôi. Tôi đoán nó chỉ vờ vĩnh thế thôi, chứ vẫn sẽ chủ tâm bước về phía bàn thằng Vinh. Và nỗi lo của tôi biến thành sự thực : Dịu ôm cặp bước lên rồi ngừng lại ở bàn đầu bên phía con gái, cách chỗ con nhà Vinh chỉ chừng hai thước ngồi xuống bỏ cặp vào ngăn bàn. Tôi sịu mặt buồn bã thở dài. Thế ra giấc mơ của mình quả là ứng nghiệm. Thằng Vinh gốc Mã Viện, mà cái Dịu cứ tìm cách xán đến gần chỉ vì nó học giỏi. Còn tôi, cũng đâu đến nỗi mà sao nó lờ tịt đi như không trông thấy ? Hóa ra công lao mình chăm chỉ nguyên một năm ngoái biến thành công cốc ru ? Tôi bỗng đâm nghi ngờ câu chuyện về những bộ óc lợn của bố tôi .... Hay là bố mình đã nhầm lẫn về lý thuyết đông-y "ăn gì bổ nấy" ? Nếu không, thì món óc ấy con nhà Vinh kia cả đời chưa chắc nếm qua tại sao nó vẫn học "mả" hơn, được hoa khôi Dịu ái mộ thế kia ? Hay là mình mới chỉ học hành tàm tạm, khá hơn vài đứa trong khu xóm Từ Châu toàn những hạng đầu đất mà bố đã vội khoe khoang, nhưng khi đem so sánh với thằng Tiến hay thằng Vinh thì lại thua vãi kít ?

Chuông vào học reo vang. Giờ đầu tiên là giờ đại số của thầy Thuyên. Ông thầy có khuôn mặt và giọng nói toát ra vẻ quyền uy, đứng trên bục nhìn xuống lớp mới và nhận ra các khuôn mặt học trò quen. Thầy bảo :

- Năm đệ tứ rất ư là quan trọng. Các em học lơ mơ năm nay thì sẽ "bơi" các năm sau. Nhất là môn toán. Thầy sẽ xếp lại chỗ ngồi cho một số em để các em học tập có kết quả hơn.

Rồi gật gù như tìm ra cách giải quyết, thầy đưa cây roi mây chỉ thằng Minh Cỗi tên nghịch phá siêu hạng :

- Sang ngồi một mình ở cái bàn trống sau dãy con gái, mau lên. Phải biệt lập thằng này ra cho bớt phá. Đứng lên ngay !

Minh Cỗi riu ríu cất bước. Thầy Thuyên chỉ vào thằng Việt Bễ :

- Việt, đổi chỗ lên cạnh trò Nguyễn Cương. Em Cương năm ngoái đã có tiến bộ. Em lấy kinh nghiệm của mình để giúp trò Việt lấy lại căn bản.

Tôi chưa kịp nhăn mặt phản đối, đã thấy thầy chỉ vào Lý văn Anh :

- Sang ngồi ngay bên cạnh Bùi Văn Tiến. Tiến, em chịu khó kèm Lý văn Anh hộ thầy. Bố nó hôm qua mếu máo đến gặp thầy tận nhà. Mẹ nó mất năm ngoái. Nó học kém quá cần phải giúp.

Rồi cất giọng sang sảng :

- Một mình thầy không thể nào theo dõi bài vở cho cả lớp và hướng dẫn từng trò được. Những em học sinh xuất sắc như Tiến, nhất là như Vinh phải giúp thầy làm tăng tinh thần thi đua học tập của lớp mình. Em Lê Xuân Vinh đứng lên.

Vinh còm nhỏm dậy quay xuống mỉm cười, khuôn mặt rạng rỡ đầy vẻ hãnh diện nom phát bực. Tôi chỉ mong sao nó đột nhiên lên cơn ngứa phải cúi xuống gãi, nhưng tôi đã thất vọng vì con nhà Mã Viện vẫn đứng yên tươi tỉnh – chắc lời khen tặng của thầy Thuyên có nhiều mãnh lực xoa dịu những bứt rứt ngoài da...

Ngừng một giây, thầy nhìn quanh và nói tiếp :

- Ngồi gần bạn giỏi mình sẽ có dịp học hỏi và bắt chước bạn. Gần đèn thì sáng, phải không ? Em nào muốn có cái hân hạnh được đổi chỗ sang ngồi bên em Lê Xuân Vinh ? Giai hay gái đều được. Con giai ngồi cạnh, con gái thì ngồi đầu bàn cách lối đi.

Cả lớp yên lặng không đáp. Có lẽ tự ái không cho phép đứa nào công khai tự thú mình học kém. Nhưng, bỗng có một giọng rụt rè nho nhỏ vang lên từ phía bọn nữ sinh :

- Thưa thày, em ...

Tôi quay lại. Cái Dịu ngượng ngùng đứng dậy, ngón tay trỏ giơ lên nửa chừng như còn e thẹn, mắt hết nhìn thầy Thuyên lại nhìn những đứa bạn, hai bím tóc nơ đỏ khe khẽ đong đưa. Tôi nghe như cả cõi lòng mình chìm xuống. Thế là xong. Còn gì nữa đâu mà khóc với sầu. Còn gì nữa đâu mà buồn với nhớ. Đã chỉ cách thằng Vinh có một bàn mà nó vẫn còn chửa bằng lòng, vẫn muốn phải ngồi cạnh mới được ! Thế có nghĩa là con bé xinh xắn ấy năm nay đã quyết tâm học hỏi; sẵn sàng xin được gần gũi những mụn ghẻ tầu lốm đốm trên hai ống cẳng xì đồng kia. Hay là nó đã phải lòng thằng Mã Viện ? Nếu thế thì than ôi, con nhà Vinh tuy gầy nhom nhưng sao lại tốt phước được lô độc đắc chiếu cố còn vận mình sao lại quá đen, tôi tự nhủ. Trúng ai chẳng trúng lại vướng ngay phải thằng Việt Bễ, một thằng vừa ở bẩn vừa lười vừa có chỉ-số thông minh của một con bò đực.

Buổi khai giảng năm ấy là một ngày đất trời ủ dột. Mưa tầm tã, sân trường ẩm ướt vương vãi xác lá cành cây. Tan học tôi về nhà, lòng mênh mang trống trải như bãi tha ma ngoài đồng vắng. Tôi nằm võng nghe tim mình rạn ra trăm mảnh. Nhắm mắt mãi nhưng giấc trưa không tìm đến, và buổi chiều trôi qua thật chậm. Đến bữa cơm, chưa và được miếng nào đã nghe bố tôi hắng giọng giáo dục cơ bản :

- Năm nay con đã lên đệ Tứ rồi. Không còn bé dại nữa đâu. Mày bắt đầu phải lo đến tương lai đi là vừa... Cứ xem gương chú Hưng chú Hùng con ông giáo Chất đi học bên Pháp bên Bỉ mà bắt chước. Các chú ấy cũng con nhà nghèo, chăm chỉ dùi mài đèn sách tú tài đậu cao nên được chính phủ họ cho "buộc" du học đấy !

Huyền thoại về hai anh em ông chú học giỏi đi Âu Châu từ thời ông Diệm đã được cả giòng họ tôi nhắc đi nhắc lại hàng vạn lần, nghe mãi đâm rất chán. (Bữa cơm hay được bố tôi dùng làm thời điểm tuyên huấn, có lẽ vì trong lúc ấy lũ con mồm còn bận nhai nên không thể trả lời hoặc giả đứa nào bị mắng mà bỏ đũa xuống càng đỡ tốn gạo). Thế nhưng, tâm tư đang sầu úa vì vụ hồi sáng trong lớp thì tôi còn lòng nào mà nghiền ngẫm "gương hiếu học của người xưa" ?

Tôi ậm ừ vâng dạ. Món cá thu kho gừng của mẹ tôi thường khi hương vị rất đậm đà, sao hôm nay nằm trơ trẽn trên chiếc đĩa sành. Tôi húp vội bát canh bí, buông đũa bước ra ngoài vườn tu ma. Gió đã bớt thổi, lá tu ma xào xạc nhè nhẹ trên cao hất xuống những giọt mưa còn đọng lại trên cành.

Mấy mươi năm thấm thoát trôi qua từ ngày tôi lên đệ tứ buổi khai trường Vinh Sơn Liêm thuở ấy. Gã thiếu niên nhanh nhảu vui tươi tinh nghịch ngày xưa hôm nay đã trở thành một người hay tư lự đăm chiêu, già nhiều đi trước tuổi. Vì từ dạo tôi sang xứ Mỹ, đôi chân đã lang thang lê mòn gót mỏi khắp nơi mà giờ đây vẫn chưa nhìn thấy một tương lai. Vùng đất tạm dung là cho ai kia, chứ không phải đất dụng võ quen thuộc cho đứa học trò năm nao của vùng di cư Xóm Mới. Sang đây, tôi như thể tôm cá dạt bờ. Thiếu sức khỏe, kém hội nhập, ít kỹ năng, không bằng cấp, làm gì hỏng nấy. Nói cho cùng, cũng tại mình dở thầy dở thợ nên cả việc trí óc lẫn lao động đều không hợp. Mà tôi cũng chả biết tôi "hợp" việc gì. Bị sa thải mười một lần từ ngày định cư ở Texas đến nỗi tên thư ký‎ Mỹ đen ở sở thất nghiệp quen nhẵn mặt, vừa gặp nó đã kêu tên tôi vanh vách. Ít ăn ít nói, lại thêm mớ tiếng Anh táp nham làm mình ít khi hiểu ai và ít khi ai hiểu mình thành cứ mãi long đong. Sau khi thử tất cả mọi nghề chân tay kể cả nghề đi biển đều thất bại, cuối cùng tôi làm chân hớt tóc, một nghiệp bất đắc dĩ phải ôm để kiếm cơm nuôi thằng con trai nhỏ từ ngày mẹ nó ra đi vì không muốn chung gánh trong quãng đường đời gập ghềnh với anh chồng kém cỏi.

Sáng nay Chủ nhật mùa thu đến sớm. Ngoài sân khu apartment đã có lá vàng rụng trên lối đi. Tôi ra xe mang thùng đồ nghề hớt tóc vào nhà để sắp xếp lại sửa soạn đi làm buổi trưa như thường nhật. Vươn vai tôi nghe lưng mình nhừ đau ê ẩm. Làm phó cạo đứng cả ngày quả không dễ ăn khi tuổi mình đã ngoài nửa thế kỷ ưu phiền. Chiếc xe Camaro cũ kỹ vang lên tiếng rít kẽo kẹt lúc tôi mở cửa. Nhớ đến sở làm, lòng tôi lo ngại. Gã chủ tiệm Hector Ambriz béo tròn cả tuần qua cứ liên tục dọa dẫm sẽ cho thợ nghỉ việc vì kinh tế Houston xuống dốc làm các tiệm đâm ế ẩm từ đầu năm. Nếu lại mất job thì sẽ ra sao ? Tôi không dám nghĩ tiếp. Ở xứ này đâu dễ đi hớt tóc dạo như bên Việt Nam. Rồi lấy đâu ra tiền mà trả bill hàng tháng ? Chỉ còn xoay sang học làm móng tay, hay xuống Port Arthur kiếm tụi thằng Ngọc Em quay về nghề đi biển...

Bỗng có tiếng chuông điện thoại trên bàn reo vang. Con trai tôi mười ba tuổi, chạy đến nhấc vội chiếc phone. Lắng nghe xong vài giây, nó giơ cái phone trước mặt bố:

- Must be yours, Dad.

Tôi cầm lấy đưa lên tai. Đầu line bên kia là tiếng một người đàn bà chưa từng gặp.

- Có phải nhà ông Cương không ?

- Vâng tôi đây. Xin lỗi, ai gọi đấy ?

Bên kia im lặng một lúc. Tôi nhíu mày, hỏi lại lần nữa. Tiếng người đàn bà hơi lạc đi, cùng với đường dây đột nhiên nhiễu sóng rè rè làm tôi không nghe bà ta nói gì. Nhưng tôi biết cú gọi phải đến từ Sài Gòn vì trên caller ID đã hiện ra xuất xứ. Rồi âm thanh rõ ràng trở lại.

- Dịu đây anh Cương ạ.

Người đàn bà mang cái tên nửa lạ nửa quen bắt đầu thuật chuyện, như trong thần tiên cổ tích. Chuyện rằng ngày xưa ở một nước nọ xa xôi có một gia đình trong khu di cư Xóm Mới đẻ ra bé gái xinh đặt tên Thị Dịu. Lớn lên nàng thụ giáo chữ thánh hiền cùng lớp với một gã thư sinh tên gọi Nguyễn Cương. Khi còn niên thiếu vì có đôi chút nhan sắc nên ngoài trường trong lớp đã khối người theo đuổi, nhưng Thị Dịu thuộc lòng câu Võng Anh Đi Trước nên chỉ rắp ranh tuyển phu trong giới sĩ tử có tương lai khoa bảng. Vô tâm vô tánh, nên chi đã làm cho bao kẻ thất tình; có kẻ sau này nghe nói khi sang tận Houston vẫn chưa quên chuyện cũ. Ai ngờ khi nàng đến tuổi đôi mươi thì giông tố đao binh lan tràn về cố quận làm ly tán mối duyên đầu. Người nàng yêu, một chàng sinh viên Luật khoa, đã ra đi biền biệt lúc kinh đô quan quân kinh hoàng nhốn nháo. Khi hết cơn phong ba, nàng ở lại lấy chồng yên phận và mở cà-phê Trung Nguyên quán trên Nguyễn Trung Trực tiểu lộ gần Vinh Sơn Liêm tư thục ngôi trường thuở nhỏ. Cũng tạm sống đủ qua ngày. Mới đây nàng gặp lại vài cố cựu bằng hữu hồi hương nên tìm được tin tức của Nguyên Cương, đứa bạn học si dại ngày xưa.

- Mấy mươi năm mà chẳng chịu về quê thăm xóm, anh Cương này lạ thật ! Những người mãi đâu đâu còn về, anh ngày xưa ai cũng biết mặt biết tên thì chẳng thấy tăm hơi. Xứ Hoàng Mai mình bây giờ trông khác lắm, anh chẳng nhận ra đâu. Nhà thờ xây lại rồi. Các sơ các cha có khu riêng; phòng ốc ngăn nắp. Nhưng toàn sơ với cha ở tứ xứ đến thôi, chẳng có ai người Xóm Mới đâu anh Cương ạ ! Ai cũng bảo xứ mình không có đất đi tu.... Anh còn nhớ anh Khiết với chị Cúc Phương, hai người đang tu bỏ dòng ra ngoài không ? Không biết ý Chúa thế nào mà sau này hai người lại quen nhau rồi lấy nhau cơ đấy ! Xóm láng đều phải ngạc nhiên. Đúng là duyên số, bà vãi lại lấy ông sư. Anh chị ấy hạnh phúc ra phết, chỉ tội đẻ hơi nhiều. Một bầy con sáu đứa, mà lớn lên đứa nào cũng hư hỏng. Toàn chuyên ăn trộm của nhà rồi đi chích hút. Làm ăn lại thất bại mãi, anh chị nghèo lắm phải bán mất căn nhà ông giáo Ban cho người ta. Bây giờ dọn về mãi Hóc-Môn làm thuê dưới ấy, cả năm nay Dịu cũng không gặp. Năm ngoái gặp chị Cúc Phương ngoài đường, cuộc sống vất vả nom chị tàn tạ quá Dịu nhận không ra. Gặp Dịu chị ấy khóc, bảo là Chúa phạt vợ chồng chị ấy cái tội tu xuất. Chị Phương nhắc đến tên anh, hỏi là dạo ấy anh phải lòng Dịu thế sao hai đứa không nên duyên nợ. Dịu bảo nên duyên thế nào được, anh Cương nhỉ. Chúng mình ngày xưa chỉ xem nhau như bạn cùng lớp...

Ngừng một giây như để ôn lại quá khứ, tiếng người đàn bà tiếp tục :

- Con người ta số mạng sau này chả biết đâu mà lần, anh Cương ạ. Thằng Tiến lớp mình ngày xưa học giỏi là thế, mà không hiểu sao được mấy năm đâm ra loạn trí cứ suốt ngày cầm quyển sách nói năng lảm nhảm, bây giờ phải đưa vào Chợ Quán. Cha xứ bảo tại nó học nhiều quá đâm ra cuồng chữ, chẳng biết có đúng không. Còn thằng Vinh cũng thần đồng một thuở, mà sau 75 có hôm Dịu thấy nó đạp xe hớt tóc dạo ngay cổng nhà thờ. Trông nó tang thương lắm. Hỏi sao không đi học tiếp, nó bảo bố mẹ mất sớm phải bỏ học nuôi bốn đứa em. Hết ghẻ lâu rồi, nhưng nó vẫn còm. Có khi còn còm hơn hồi trước cơ ấy. Đi hớt tóc dạo thì kiếm chác được bao nhiêu... Còn anh Cương bây giờ ra làm sao ? Hồi ấy anh nổi tiếng thông minh, xóm người ta cứ đồn anh ăn hàng rổ óc lợn. Dịu cứ phục anh mãi. Cả lớp chỉ có mình anh vừa nom sáng sủa vừa có chí chuyên cần, đến thầy Thuyên còn phải khen. Ai cũng bảo chắc sang bên ấy ít nhất anh cũng phải thành nhà bác học. Hôm Dịu xem đĩa Thúy Nga, thấy người ta giới thiệu cô Dương Nguyệt Ánh bên Mỹ chế bom tinh khôn đánh bọn khủng bố. Đàn bà mà còn làm nhà nghiên cứu, thì anh phải làm đến gì nữa ấy chứ ! Anh nộp thành công được bao nhiêu cái bằng sáng chế rồi, nói cho Dịu nghe đi Dịu chúc mừng cho. Thôi đừng dấu nữa. Tết này về Xóm Mới đi, Dịu thết mừng cho anh một bữa tiệc vinh quy bái tổ ...

Hoang mang buông máy điện thoại trên bàn, tôi chống cằm nhìn cái "bằng sáng chế" của tôi : Cái hộp đựng đồ nghề phó cạo trước mặt lổn ngổn chiếc tông đơ bẩn thỉu bám đầy tóc vụn, chiếc kéo rỉ sét sáu năm chưa thay, chiếc blow dryer sứt miệng. Thằng con tôi đứng ngơ ngác nhìn, không hiểu sao gần đến giờ đi làm mà bố nó còn ngồi đây. Trong trí tôi chợt khuôn mặt hắc ám của gã Hector Ambriz chủ tiệm người Mễ bụng to hiện ra với bộ râu rậm vô trật tự bao quanh cái mồm nồng nặc mùi chili lẫn jalapenos với hàm răng cần đi nha sĩ lúc nào cũng chực nhe ra để hăm dọa đuổi việc hai thằng thợ hớt tóc người Việt ốm yếu. Tiếng Dịu vẫn còn vang lên nho nhỏ trong máy, nhưng tôi không nghe gì cả vì tâm trí bỗng dưng mơ hồ thảng thốt trôi về những tháng ngày xa xưa khi mình vừa mười bốn tuổi.

Nguyên Cương Andy