Cha, Má

Cha, Má

Những năm đầu 1950, khi Việt Nam chưa bị chia hai, lúc đó xóm ông bà ngoại tôi, gần khu xóm Chợ Thiếc, còn thưa thớt. Hồi đó cha, má tôi đã có hai người con trai, anh Hai và anh Ba. Hai anh của tôi lúc đó chừng 7 và 2 tuổi. Mỗi ngày cha tôi lái xe taxi quanh vùng Sài Gòn - Chợ Lớn. Còn trại đóng móng ngựa của ngoại thì có mấy ông cậu từ trên Bà Quẹo xuống giúp. Vài năm sau, cậu Sáu tôi cũng theo cha tôi lái taxi.

Cha tôi lúc nào cũng vui, lạc quan, và hình như cha có số đào hoa, theo lời má và dì Năm kể lại. Dì Năm là nhân vật mà tôi kể trong chuyện này.

Dì Năm, nhỏ hơn má tôi vài ba tuổi, lưu lạc từ ngoài Trung vào tới xóm tôi. Dì chuyên đi mua hàng từ Sài Gòn - Chợ Lớn như vải, tơ lụa, và những món hàng linh tinh dành cho phụ nữ, đi tới những nơi xa xôi bán kiếm lời. Má tôi nói lúc đó dì có hai người con trai khoảng tuổi hai ông anh của tôi, dì còn đẹp lắm, nhưng chồng thì không biết bỏ đi dâu.

Không biết cha tôi và dì Năm quen biết nhau bao lâu, đầu năm 1953, má tôi sinh người con trai thứ ba, thì vài tháng sau dì Năm sinh cô con gái đầu lòng. Ngày dì Năm đi sinh, cha tôi cho má tôi biết đó là con của cha tôi. Không ai kể lại chi tiết, tình hình lúc đó ra làm sao, chỉ biết là ông bà ngoại tôi theo lời dặn của má tôi, mang sữa, trái cây tới nhà bảo sanh thăm dì Năm, cháu bé, và lo giúp dì xuất viện.

Sau “tai nạn” đó, cha tôi chắc không còn gần với dì Năm nữa, nhưng đứa con gái trở thành báu vật của ông bà ngoại tôi và cả má tôi. Khi dì Năm trở lại việc buôn bán, má tôi giúp dì trông coi cháu bé, cùng với ông anh thứ Năm của tôi. Cả hai đều có tên bắt đầu với chữ T, cả hai đều có đôi chân mày giống hệt ông nội tôi.

Khi người chị cùng cha khác mẹ của tôi dứt sữa thì dì Năm bồng chị đi không lời từ giã. Má tôi kể lại, ngày dì Năm và con gái biến mất, ông bà ngoại tôi, cha, má tôi, và ông anh tôi là những người buồn nhất. Má tôi buồn vì mất một người bạn, mất một đứa con gái nuôi.

Một buổi trưa, khoảng năm 1967- trước biến cố Mậu Thân, khi đó ông ngoại tôi không còn, đi học về, tôi thấy má và bà ngoại ngồi nói chuyện với một người đàn bà. Má tôi bảo đó là dì Năm. Chỉ biết vậy thôi, chứ không biết dì là ai, quan hệ như thế nào. Lúc đó tôi chỉ thắc mắt tại sao dì không là người miền Nam như những người trong họ.

Bắt đầu từ đó, dì Năm ghé nhà tôi thường hơn. Má tôi và dì Năm vui mừng khi gặp nhau, như những người bạn lâu ngày. Và tôi bắt đầu biết thêm về câu chuyện ngày xưa. Năm nào giỗ ông ngoại tôi cũng có mặt dì, và dì luôn dành để được nấu món ăn chính thay cho má tôi. Nhưng tôi chưa một lần gặp mặt chị T., dầu biết rằng gia đình dì Năm cách nhà tôi không xa, và chị T. mỗi ngày đều chạy xe ngang nhà trên đường đến sở làm.

Sau năm 1975, đời sống khó khăn hơn, má tôi và dì Năm càng gần nhau hơn, giúp nhau lúc khó khăn. Có lúc chính dì Năm là người giúp má tôi đi cầm nữ trang lấy tiền chợ, vì má tôi không giỏi chuyện mua bán. Có lúc dì là người lo phần mua sắm cho má tôi, từ cái quần cái áo, hay đồ dùng trong nhà. Dì Năm nói với tụi tôi rằng trên đời này khó gặp một người như má tôi, có lòng nhân hậu, nhất là với những người phụ nữ không may như dì.

Dì Năm, chị T., và gia đình sang Úc định cư sau khi tôi rời Việt Nam, và tôi vẫn chưa có dịp gặp mặt chị T.

Năm 2000, được tin cha tôi bị ung thư phổi giai đoạn IV, tôi có về lại Sài Gòn thăm cha, má, và gia đình còn lại. Một buổi tối, cả nhà ngồi quay quần trong phòng khách, lúc đó cha tôi đứng sau lưng má tôi, ông đặt hai bàn tay lên vai má tôi, lúc đó đang ngồi trên ghế: “Cha năm nay 79, sống cũng đủ lắm rồi, chỉ thương Má tụi bay còn ở lại một mình”.

TrungSD

San Diego, 12 tháng 5, 2010

Một tháng trước ngày giỗ của Má