Nhớ Mẹ

Để Tưởng Nhớ

Cụ Bà NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM

Nhũ danh Trần Thị Soi

Pháp danh Diệu Hỷ, hiệu Giác Hỷ

Sinh ngày 9 tháng 11 năm 1915

tại làng Dỵ Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên

Tạ thế ngày 20 tháng 2 năm 2010

nhằm ngày mùng 7 tháng Giêng năm Canh Dần,

tại Fountain Valley, California

Hưởng thọ 96 tuổi

Kính bạch chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni,

Kính thưa quý đạo hữu, quý vị quan khách và thân bằng quyến thuộc,

Đại diện cho tang gia hiếu quyến, chúng tôi xin có lời chân thành cảm tạ quý vị đã có lòng ưu ái đến cầu nguyện, hướng dẫn vong linh, và đưa tiễn mẹ, bà và cụ của chúng tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Để tưởng nhớ đến người đã khuất, chúng tôi xin được phép gợi lại một vài nét về cuộc đời của Cụ Bà Nguyễn Đăng Khiêm, khuê danh Trần Thị Soi, pháp danh Diệu Hỷ.

Sinh quán làng Dỵ Sử, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, Bắc Việt, Cụ suốt đời tận tụy với chồng con và gia đình. Trải qua 3 cuộc chiến tranh và 2 lần di cư lánh nạn Cộng Sản, Cụ đã cùng với Cụ Ông nuôi dưỡng, bao bọc, thương yêu và dạy dỗ cho đàn con 3 trai, 6 gái, tất cả 9 người khôn lớn, nên người.

Ngoài trách nhiệm của một người vợ, người mẹ trong gia đình, ngay từ khi còn ở Việt Nam, Cụ luôn luôn sốt sắng tham gia vào những công tác từ thiện: in kinh, tạo tượng, trùng tu sáng lập chùa chiền, trong đó có chùa Tam Bảo ở Tân Định, chùa Bình Chẩn ở Bình Dương. Kể từ năm 1975, gia đình qua tỵ nạn và định cư tại Orange County, Cụ tiếp tục sát cánh bên Cụ Ông, vừa đi học lớp Anh ngữ cho người lớn, vừa tích cực tham gia các công tác xã hội và tôn giáo nhằm phục vụ cộng đồng người Việt tỵ nạn, như việc sáng lập Hội Cao Niên Việt Nam tại Quận Cam, Hội Nghĩa Trang Việt Nam tại Fullerton, Hội Đồng Hương Hưng Yên hải ngoại, chùa Hương Tích, chùa Bảo Quang, tổ chức lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, yểm trợ và sinh hoạt với các tổ chức văn hóa, xã hội như Trung Tâm Việt Ngữ Hồng Bàng, Trung Tâm Việt Ngữ chùa Bảo Quang, Hội Tương Tế Hành Thiện…

Mẹ ơi,

Đến nay đã hơn 60 năm nhưng con vẫn chưa quên được thời kỳ tản cư hiểm nghèo khi con chưa đầy 5 tuổi. Bố bị quân Pháp bắt, một mình mẹ dẫn dắt một mẹ già và đàn con thơ chạy giặc. Gia tài của mẹ vẻn vẹn chỉ có một đôi quang gánh, con ngồi một bên, cô Mai một bên, Bà ngoại dắt bác Liêm chạy theo bên cạnh. Nhưng dù trong cơn lửa đạn, không bao giờ mẹ để cho chúng con đói khát, vì mẹ đã thủ sẵn khi thì mấy củ khoai luộc, khi thì một nắm cơm với muối vừng. Thời kỳ tản cư về quê, mẹ sinh Cô Nguyệt, nhưng cả nhà đến nay vẫn gọi là Cô Hạnh để ghi nhớ thời kỳ khổ hạnh này. Trong khi mẹ và tá điền ăn ngô ăn khoai thì Bà ngoại và chúng con vẫn được ăn riêng một nồi nhỏ cơm trắng. Hy sinh tất cả cho chồng cho con, mẹ đã tự chọn cho mình một nếp sống như câu mẹ thường ru con:

Miếng nạc thì để phần chồng

Miếng xương mẹ gặm, miếng lòng con ăn.

Trong thời gian sinh sống ở Sài Gòn, nhờ tài buôn bán tháo vát của mẹ mà anh chị em chúng con có phương tiện ăn mặc, tiêu xài và theo học những lớp luyện thi để khỏi thua kém chúng bạn. Cả bố lẫn mẹ đều đặt nặng vấn đề học vấn khiến chúng con không thể sao nhãng. Lần nào khấn nguyện mẹ cũng cầu xin cho con cháu được “thông minh sáng láng, học hành tấn tới, thi đâu đậu đấy”; nhờ vậy mà chúng con mới có ngày nay. Ngay lúc gần nhắm mắt, nằm trên giường bệnh, mẹ còn nói với con: “Mẹ thấy Bố về rồi; không nói gì nhiều; thu xếp xong mọi việc rồi dặn cho mấy đứa nhỏ học hành đến nơi đến chốn.”

Mẹ ơi,

Vời vợi non cao ơn dưỡng dục,

Mênh mông biển rộng đức sinh thành

Công ơn sinh thành dưỡng dục của Bố Mẹ chúng con không bao giờ có thể đền đáp. Không lời nào nói lên được nỗi lòng chúng con thương tiếc mẹ. Biết mẹ thích thơ văn, con xin đọc bài thơ “Khóc Mẹ” sau đây do Cô Nguyệt, con gái của mẹ, cảm tác:

Ới mẹ hiền ơi, ới mẹ hiền!

Tiễn đưa mẹ ngủ giấc cô miên.

Năm canh thổn thức tuôn giòng lệ,

Sáu khắc mơ màng mộng cõi tiên.

Quyết chí tu hành theo chánh pháp,

Hoa khai kiến Phật dứt ưu phiền.

Bến mê vượt khỏi sang bờ giác,

Tịnh độ sen vàng nở trước hiên.

Chúng con cầu xin chư Phật từ bi gia hộ cho mẹ vãng sinh Cực Lạc Quốc để đoàn tụ với bố, như ước nguyện của mẹ. Chúng con chúc mẹ ra đi nhẹ nhõm, nương theo ánh hào quang của chư Phật, thanh thản như đám mây trôi về Tây Phương Cực Lạc.

Kính thưa quý vị,

Nếu quý vị có lòng thương yêu tưởng nhớ tới Cụ Bà Nguyễn Đăng Khiêm, khuê danh Trần Thị Soi, pháp danh Diệu Hỷ, xin quý vị lưu lại hình ảnh của một bà mẹ Việt Nam khiêm nhượng, hy sinh tất cả cho chồng cho con, và một Phật tử dốc lòng mộ đạo.

Toàn thể tang gia xin chân thành cảm tạ quý vị.

Trưởng Nam Nguyễn Đăng Khôi

Fullerton, CA

Ngày 27/02/2010

Nhằm ngày 14 tháng Giêng năm Canh Dần