Thầy Hoàng... Lê Bình Phương

Thầy Hoàng

Bạn ta,

Giáo Sư Đinh Văn Hoàng không phải là một tên tuổi xa lạ trong hàng ngũ trí thức miền Nam trước 1975, nhất là ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn. Cùng với Giáo Sư Mai Trần Ngọc Tiếng, Giáo Sư Đinh Văn Hoàng chịu trách nhiệm khoa "Sinh Lý Sinh Hóa ". Lý là Cô Mai (Cô Tiếng), Hóa là Thầy Hoàng. Một bên Diệt Tuyệt Ỷ Thiên, một bên Đồ Long Tạ Tốn.

Ngày xưa, nói đến Đại Học Khoa Học là người ta hình dung một ngôi trường giống trường "thiếu sinh quân Pétrus Ký" láng giềng ! Bởi vì thỉnh thoảng mới thấy thấp thoáng đôi tà áo lụa. Cho nên, dư luận "trẻ" cứ cho rằng sinh viên Khoa Học là sinh viên ... khô khan, khô hỏi ( khổ ) nhất Sài Gòn ! Mặc dầu Khoa Học không chỉ có Toán, Lý (mà còn Hóa, còn Sinh, còn Địa Chất). Mặc dầu Toán, Lý thì chả khô tí nào, mà trái lại, lũ lụt tưng bừng, "bơi" mệt nghỉ ! Mặc dầu ở SPCN không phải là không có "kiêu sa, những bàn tay năm ngón".

Nhưng, phải công nhận rằng, từ khi Sinh Lý Sinh Hóa ra đời, nhất là Sinh Hóa, thì Đại Học Khoa Học không còn "mang tiếng" nữa. Cứ sáng sáng gếch xe ở đường Cộng Hòa thì thấy, hai ba chiếc bus chở một đám nam thanh nữ tú, tóc dài, jupe ngắn, không phải đi "bùm" mà đi lên Thủ Đức "thụ huấn". Với chưởng môn nhân Sinh Hóa : GS. Đinh Văn Hoàng

Đây là vị chưởng môn "chịu chơi" nhất Khoa Học. Vì có đám môn sinh "à la mode" quá nên sư phụ cũng "à la mode" theo, lễ lộc gì cũng có nhảy đầm trong đó. Y như bùm "Cút" (Marie Curie), bùm "Xô" (J.J Rousseau / Lê Quý Đôn)! Tôi đã từng được Thầy Hoàng chiếu film cho xem các màn "đi chợ" (paso) trong đêm tất niên Thủ Đức.

Tôi không có cơ duyên học với GS. Hoàng. Trong lúc "đám-Thủ-Đức" đang tưng bừng "năm canh... thức đủ" thì dân MPC chúng tôi vật lộn với các tụ điện, dung dịch, các tích phân công, các phương trình vi phân, giới hạn, v.v... đến phờ râu, rụng tóc mà vẫn … không hiểu!!! Tuy không học GS. Hoàng nhưng tôi gọi Thầy là Thầy, gọi theo nhà tôi. Bạn bè tôi hầu hết là dân Sinh Hóa. Không nói đến một vài bạn ta ở đây, từ bạn nối khố Ngô P.H. đến bạn hiền Phạm V., bạn nhạc Lê Nh.K qua bạn domino Trần Q. Nh, Hồ S. P. H., v.v...

Khoảng giữa thập niên 80 đến giữa thập niên 90, Thầy Cô thỉnh thoảng kêu đám học trò (mười mấy, hai mươi đứa) ghé nhà chơi (Bắc Paris). Những chiều Chúa Nhật trên căn "gác" pharmacie của Cô là những chiều không đìu hiu chút nào. Vui nhất là lần đầu. Khi Lê Như Kh. còn . Giọng "bè " của Kh quyến giọng của Cẩm H. ngọt lịm (Bây giờ H. ở đâu, H. ?). Rồi chúng tôi bắt thăm để Rumba, Tango … với nhau. Tôi " bắt trúng " chị Đ. (một giảng nghiệm viên " phe ta " sang Pháp tu nghiệp). Nhà tôi gieo cầu trúng... Thầy.

Những lúc đó thấy Thầy vui lắm. Mắt sáng, tay khoa, Thầy kể chúng tôi nghe dăm câu chuyện cười. Chuyện lúc nhỏ đi học trường làng, Thầy cứ bị thằng bạn chung bàn cú đầu mỗi khi Thầy nghỉ bệnh trở lại lớp. " Mày nghỉ hoài sao tao... copier mày được, mậy ?! ".

Trông Thầy sôi nổi, hào hứng, tôi biết tại sao đã có cuộc "cách mạng" Sinh Hóa ở Đại Học Khoa Học Sài Gòn mà từ đó một kỷ nguyên mới đã mở ra, một "tư duy" mới đã ra đời. Rằng Đại Học Khoa Học chúng tôi, với Thầy Hoàng "Thủ Đức", không còn... Sahara chút nào cả. Không những Thầy đã "rửa mặt" cho chúng tôi rất nhiều mà cái cảnh "bụt nhà không thiêng" cũng bớt đi không ít. Lửa anh hùng gần rơm giai nhân lâu ngày thì thế nào mà chả... phựt?

Tối thứ Ba tôi được tin Thầy Hoàng "ra đi", hôm 26 tháng Hai, ở tuổi 86. Cuộc đời có Sinh, có Hóa. Là chưởng môn nhân phái này, Thầy là người hiểu Hóa Sinh hơn ai hết. Nếu tôi không lầm thì tháng Giêng năm qua là Cô Mai, tháng Hai năm nay là Thầy Hoàng. Thêm một cánh cửa đóng lại trong lâu đài kỷ niệm của chúng tôi! Trong vòng một năm trường chúng tôi mất hai vị GS. đáng kính (cùng tốt nghiệp tại Pháp).

Trưa nay, 4-Mars, ông Thầy Phan-Thiết của Khoa Học sẽ được an táng ở nghĩa trang Nam Paris. Tiếc rằng chúng tôi không thể có mặt để tiễn Thầy, lần cuối!

Nhớ một trưa hè Chúa Nhật năm1989, đến thăm Thầy Cô, tôi có viết bài thơ "Mốt mai trở lại.." (Việt Nam) tặng thầy. Chiều qua, trên đường về, nghĩ đến Thầy, ôn lại kỷ niệm với Thầy, với những người bạn đã không còn, nhớ đến bài thơ, tôi viết lại đoạn cuối và đổi "titre". Như một nén hương lòng thắp gởi ông Thầy "hiện đại" nhất trường tôi.

Tụi em kính chúc Thầy sớm về cõi Vĩnh Hằng, thưa Thầy.

H & BP

Mốt mai gió cắt, đường chia …

Kính tặng Thầy Đinh Văn Hoàng

Mốt mai trở lại bên người

Xin làm chim nhỏ gọi trời vào xuân

Lá xanh cả một khu rừng

Và hoa mai nở trên từng nhánh cây

Mốt mai, trở lại làm thầy

Học trò trong lớp khoanh tay cúi chào

Sân trường, sách vở xôn xao

Mưa xuôi Thủ Đức, nắng cao Sài Gòn

Mốt mai, ngã bóng tà dương

Trái tim đồng vọng, ngày thương nhớ ngày

Ngày quá khứ, ngày tương lai

Con sông kỷ niệm bên này, bên kia

Mốt mai gió cắt, đường chia

Làm sao Phan Thiết cận kề Phan Rang?

Chiều nay, biển khóc mây ngàn

Lầu Ông Hoàng đó: Chim Hoàng Hạc rơi!

1989

Bình Phương 04/03/2011