Nỗi Niềm

Nỗi Niềm

Cứ đều đặn ngày nào cũng giống nhau, trời chưa sáng để nhìn rõ mặt người, người ta đã thấy bà cụ đã dọn hàng quà sáng ra bán. Bà bày hàng trên một khoảng đất trống được tráng xi-măng, nằm lệch một bên hai cạnh cửa sắt lớn của một ngôi nhà khang trang. Hai cánh cửa này rất ít khi được mở ra, những người trong ngôi nhà này thường ra vào bằng cánh cửa nhỏ bên cạnh, và họ đã tốt bụng cho bà ngồi đó.

Hàng quà sáng của bà bình dân, bản thân của bà bình dân, nên khách hàng cúa bà cũng rất bình dân, giản dị. Họ là những anh chị công nhân, những em học sinh, những người làm thuê, những anh đạp xe ba-gác, xích lô v.v. đủ mọi lứa tuổi.

Trong xóm tôi không ai biết bà từ đâu tới, ban đầu người ta thấy bà gánh hàng đến bán, một hồi lâu bà lại gánh đi, cứ đều đặn như thế cho đến một thời gian người ta không thấy bà đi đi, về về nữa. Sáng ra đã thấy bà có mặt và khi bán xong thì bà thu dọn vào một chổ cư trú nào gần đó. Vào xế chiều khi tiếng kẻng của ngôi Nhà Thờ nhỏ trong xóm tôi vang lên thì người ta thấy bà chậm rãi, bước lom khom với chiếc lưng hơi còng trong chiếc áo dài đã cũ nhưng rất tươm tất đi đến Nhà thờ xem lễ. Người ta không biết bà tên gì, thứ mấy để gọi, nên họ chỉ gọi đơn giản là "bà cụ Cháo Lòng". Họ gọi thế có lẽ vì bà nấu cháo rất ngon mà lại rẻ. Khách đến ăn thường xuýt xoa vì mùi thơm của nồi cháo nóng bốc lên mỗi khi bà mở nắp vung ra để múc cháo vào tộ . Những miếng thịt lòng đủ loại được xắt mõng bởi bàn tay khéo léo của bà được bày trên mặt cháo và phủ lên trên là một ít hành xanh, tiêu, ớt ... Từng ngụm cháo nóng, thơm lừng được thổi phù phù trôi qua cổ họng. Những miếng thịt ngọt ngào, béo ngậy cộng với hương vị tiêu, ớt cay nóng của cháo đã làm cho người ta vẫn còn thòm thèm muốn được ăn thêm nữa. Khách hàng của bà ngày càng nhiều bởi tài nấu cháo của bà.

Về trưa vắng khách, người ta thường thấy bà ngồi im lặng, tay chống cằm, mắt bà nhìn tận đâu đâu... Nếu để ý sẽ thấy hình như bà thầm thì nói chuyện một mình. Bà cụ rất vui vẻ với mọi người nhưng cũng không che dấu được nét trầm ngâm toát ra trên đôi mắt, trên vẻ mặt của bà. Nhìn những nếp nhăn trên gương mặt, những đường gân xanh nổi rõ trên hai bàn tay của bà, tôi nghĩ bà phải có đến cháu gọi bàng bà Cố, chứ chẳng chơi!

Cách nơi bà ngồi bán một đoạn ngắn là trường Mẫu Giáọ. Bà thường cười nói với những đứa bé di ngang qua để đến trường. Lâu dần những đứa bé này đều quen thuộc với bà và ngược lạị. Cha mẹ chúng dạy chúng chào trả lại mỗi khi gặp bà. Nghe tiếng nói xuất phát từ miệng của trẻ nhỏ, lòng bà ấm áp biết chừng nào. Bà cười tươi khi thấy bóng dáng của chúng... Tất cả những điều này tôi đều nhận thấy đã làm cho tôi tò mò muốn biết nhiều ít về bà.

Trong công việc mưu sinh hàng ngày, một mình bà làm tất cả: bà sửa soạn, nấu nướng, bày biện, dọn dẹp... Bà làm bằng hai bàn tay, bằng đôi vai để tự nuôi sống mình sau khi bà đã bán đi gần hết những gì bà đã tậu được hầu tìm mọi cách cho người em trai của bà được ra nước ngoài. Giờ đây chỉ còn lại bà lẻ loi trong cuộc đời, cô độc trong cuộc sống, cô đơn trong tâm hồn vì đã lâu, rất lâu rồi bà không còn biết tin tức gì về người em của bà nữa. Bà nói với tôi nhưng đôi mắt của bà nhìn ra xa lắm, dường như bà thấy lại rất rõ hình ảnh của bà lúc mười chín tuổi, tay dắt đứa em trai mười ba tuổi, tay kia là một chiếc va-li nhỏ. Hai chị em chạy vội vàng, vấp ngã, chen lấn, xô đẩy với đám đông để kịp bước xuống chiếc tàu thủy lớn đi vào miền Nam vào những năm xưa ấy. Ông bà cụ thân sinh đã mất khi bà mười sáu tuổi. Bà đã phải làm thuê, làm mướn, chịu cực khổ để nuôi hai chi em. Bà thương em vì sớm mồ côi cha mẹ chỉ còn biết nương nhờ vào bà là người chị duy nhất mà thôi.

Vào đến miền Nam, bà làm tất cả những công việc gì có thể làm: làm thuê, làm mướn, phụ hồ, buôn bán ngược xuôi, bà không quản ngại nhọc nhằn, miễn sao có thể nuôi sống được hai chị em, và nhất là bà cố gắng cho em bà được đến trường học ...!

Tôi nhìn vào gương mặt bà để thử hình dung nét mặt của bà khi còn trẻ ra sao. Tôi có cảm tưởng bà là một người mẹ đúng hơn là một người chi.. Giọng nói chậm rãi, lời nói mộc mạc hiền từ của bà khiến người nghe cảm nhận được niềm hạnh phúc, vui sướng của bà khi thấy đứa em trai nhỏ ngày nào mỗi ngày học càng tiến tới. Em bà học càng cao thì đôi vai của bà càng nặng. Nhưng bà không ngại gì cả vì tình thương của bà chan hòa lên hết mọi sự. Bà sẵn sàng hy sinh những gì có được để cho tương lai người em không phải chịu gian nan, khổ cực như bà.

Hàng quà của bà lúc nào cũng hết sớm. Bà thu dọn mọi thứ rồi để vào một góc nhà. Gọi là nhà chứ thực sự đó chỉ là một chái nhỏ được xây thêm bên hông của một căn nhà lớn. Căn chái này có diện tích vừa đủ để kê một cái giường nhỏ, một tủ đựng quần áo, một cái bàn con, thấp. Trên vách tường người ta thấy có bức hình Đức Chúa Jesus, và bên cạnh đó có treo một xâu chuỗi hạt. Đó là nhà của bà. Bà đã có một nơi ở cố định và yên ổn sau một thời gian dài ở tạm rày đây, mai đó. Sự tử tế, tốt bụng vẫn có trong cuộc đời này, nên bà đã được người ta để cho bà cư ngụ trong căn chái nhỏ này mà không đòi hỏi một điều kiện nào. Từ lúc ấy bà không còn phải gánh gồng đi về xa xôi nữa.

... Xa xôi, phải! xa lắm rồi bà không còn nhớ rằng tuổi xuân thì của mình đã đi qua hồi nào không hay biết. Bà không hề biết có người đàn ông nào yêu thương bà không, cũng như bà không có thì giờ để trái tim rung động trước ánh mắt của ai đó khi mà hoàn cảnh bơ vơ, nghèo khó của chị em bà nơi miền đất mới xa lạ này vẫn còn là gánh nặng trên vai. Bà vừa hỏi chuyện tôi những câu thăm hỏi thông thường, vừa đưa hai bàn tay lên sửa lại cái khăn quấn trên đầu. Tóc bà bạc gần hết nhưng còn rất dày. Mái tóc này - tôi nghĩ - cho đến nay chưa có một bàn tay trìu mến nào vuốt ve lên nó. Mái tóc này, vẫn còn nguyên vẹn sự trinh trắng, trong sáng của một người "con gái" đã già. Từng sợi tóc già nua ấy đã được nuôi nấng bởi một tình thương bao la, một trái tim hiền hậu của bà.

Rồi người chị mười chín tuổi ngày xưa đó bây giờ đã đến lúc thay thế mẹ cha để cưới vợ cho người em trai ngày nào. Bà rất sung sướng khi em của bà thành gia thất. Bà xem đó là sự đền đáp công lao của mẹ cha. Bà đã dành dụm chắt chiu để cho em bà có được ngày nay: học thành tài và lập gia đình. Bà cũng chẳng bận tâm để nghĩ rằng hai chi em bà đã bắt đầu xa cách một chút rồi. Bà chẳng cần nghĩ suy xa xôi. Bà bằng lòng với tất cả những gì đã làm được cho đến lúc này.

"Bà Cụ Cháo Lòng" đã cư ngụ ở xóm tôi khá lâu, nhưng hình như chưa ai thấy có người nào đến thăm bà. Buổi sáng bà dọn hàng ra bán, buổi chiều thì bà đi xem lễ ở nhà thờ. Cứ như thế đều đặn ngày qua ngày. Bà đọc kinh trong nhà thờ, và cầu nguyện với các đấng thiêng liêng mỗi ngày cho người em của bà được bình an, mạnh khoẻ ở nơi chốn xa xôi ấy, mặc dù bà không biết người em của bà bây giờ ra sao, và có còn nhớ gì về người chị này không. Bà kể lại sự vui mừng xiết bao khi biết tin người em đã đi đến nơi yên ổn. Bà tạ ơn đến các Thánh, Thần đã phù hộ cho hai chi em bà. Bà vui sướng nhiều đến nỗi không nghĩ đến rằng hai chi em từ nay đã cách xa muôn trùng diệu vợi...

Tôi cố tìm trong giọng nói, trong ánh mắt của bà sự trách móc, than oán về người em... nhưng không! Bà kể chuyện của mình giống như đang thuật lại một câu chuyện nào đó của ai kia - giọng nói của bà chậm rãi, đều đều, không có niềm vui cũng không pha lẫn sự buồn phiền. Bà đã hiểu và mặc nhiên chấp nhận số phận của cuộc đời bà là như thế khi người em trai chỉ gửi về cho bà trước sau chỉ có ba lần thư thăm hỏi... rồi biệt tăm, biêt tích!! Tình thương của bà đã thôi thúc bà tìm đủ mọi cách để thăm hỏi tin tức của em mình: bệnh tật, còn sống hay đã chết! Dường như có nước mắt vừa ứa ra trong đôi mắt của bà khi kể cho tôi về lời nhắn gửi qua người quen của em trai bà rằng : Bà hãy tự lo cho bản thân bà đi ... đừng chờ trông gì nơi ông ấy. Ông ấy bận rộn lắm, không có thì giờ để biên thư cho bà nữa đâu...

Tôi sợ mình sẽ khóc nên vội nhìn sang hướng khác. Tôi bồi hồi, có cảm giác như có vật gì chấn ngang cổ họng mình... , nhưng bà thì không, không có giọt lệ nào rơi xuống đôi má già nua ấy...! Bà quen rồi, bà không trông chờ tin thơ của em bà nữa sau vài lần gửi thư đi mà không bao giờ được hồi đáp. Bà chấp nhận sự chối bỏ tình thương ruột thịt của người em, một sự thực bất hạnh không thể biện hộ được sau một thời gian rất dài đã cho bà sự khẳng định này.

"Bà Cụ Cháo Lòng" vẫn bày hàng, dọn hàng thui thủi một mình, vẫn có lúc ngồi yên lặng nhìn về đâu đó trên ngọn lá, trên khoảng không, thì thầm một mình. Vẫn như thế... chỉ có một mình.

Những tô cháo lòng nóng hổi, thơm ngon của bà đã làm những khách hàng nhớ tiếc vì từ nay đã vắng bóng hàng quà sáng của bà trên khoảng đất trống tráng xi-măng quen thuộc ấy vì một sớm mai kia bà đã yên bình đi về miền vĩnh cữu. Bà ngủ giấc ngàn thu rất thư thái, trên tay bà vẫn còn cầm xâu chuỗi hạt. Tôi có cảm tưởng như bà đã biết trước sự ra đi của mình vậy!

Đưa tiễn bà có rất nhiều tấm lòng tử tế trong xóm. Bà được đưa vào Nhà thờ lần cuối cùng. Không có một vành khăn tang nào đi sau bà!! Thân xác bà đã yên nghỉ. Tâm hồn bà cũng đã yên nghỉ. Nơi bà tất cả đều là sự bình an vì trái tim của bà chứa chan tình thương yêu, lòng tha thứ, không hề oán trách, buồn phiền.

"Nước mắt bao giờ cũng chảy xuống !!"

Tôi cầu nguyện cho linh hồn bà - một "người mẹ" trong một người chị - mãi mãi bình yên.