Người Chị Học Bàn

Người Chị Hộc Bàn

Kỳ tựu trường năm nay đến rất bình thường với Tâm Đan, mặc dầu cô bé đã đặt thật nhiều hy vọng mong mẹ sẽ giữ lời hứa ít ra trong lần này. Tối qua, Tâm Đan thập thò ngay cửa phòng của mẹ rất lâu và vừa thấy mẹ buông điện thoại lên bàn thì lập tức bước ngay vào - nhớ lại điều này Tâm Đan còn thấy nhói đau trong tim, một chút nghẹn ngào dâng lên khiến cô bé không cách nào nuốt trôi hết bát cơm mà bà vú cố công mời dỗ. Nước mắt lại chợt rơi xuống một cách không cầm nén được - đêm qua mẹ đã hứa như thật rằng: " Mặc dầu mẹ có một cuộc hẹn làm ăn rất quan trọng; nhưng đối với mẹ thì không có gì quan trọng bằng ngày mai - con gái yêu dấu của mẹ bắt đầu bước vào ngưỡng cửa trung học. "

Mẹ đã tự tay mua sắm cho Tâm Đan không thiếu gì từ những đôi giầy da xinh xắn, cặp, vở và nhất là những bộ áo dài lụa trắng được may bằng tay thợ khéo nhất Sài Gòn! Ngoài những chuyện đó với Tâm Đan, mẹ không đáng tin cậy.

Mẹ có vô số thì giờ để đi mua sắm, hội họp với vô số người bên ngoài - thậm chí thời gian sửa soạn để ra đường vẫn còn nhiều hơn thời gian mẹ dành cho Tâm Đan. Trong nhà hình như ai cũng có nhiều việc riêng bên ngoài để có cớ không ở nhà, ngoại trừ Tâm Đan - và dù rằng cô bé cũng có đầy đủ tất cả mọi thứ nhưng lại chưa bao giờ có thể gom lại được ở một chỗ hay một lúc. Lúc nào Tâm Đan có bố thì không có mẹ, có anh chị thì vừa tốt nghiệp trung học xong là họ thu xếp hành lý đi ngoại quốc học ngay! Khi chia tay, họ ôm Tâm Đan thủ thỉ qua làn nước mắt nhòe nhoẹt, bảo rằng họ sẽ không bao giờ quên cô em gái út, nhưng rồi lạ thay; sau đó họ như biến mất khỏi thế giới mà không để lại một dấu tích gì ngoài những thứ vật dụng mà họ không thể hay không muốn đem theo, vất bừa bãi trong phòng cho đến khi chị người làm lên quét dọn. Năm thì mười họa vào dịp lễ tết, Tâm Đan mới thấy những cánh thiệp thật đẹp gửi về từ đâu đó trên mặt đất này viết vài ba chữ một cách rất cẩu thả vì vội vàng. Kỳ vừa rồi, chỉ vì Tâm Đan nhất định thi vào đệ thất trường Việt với lý do duy nhất là được mặc áo dài đi học - mẹ đã gọi điện thoại cho các anh chị kể lể với một giọng nói chua chát và đôi mắt long lanh - báo tin em nó không chịu theo nề nếp gia đình học trường Tây. Sau đó Tâm Đan mới nhận được vài lá thư dài chừng gang bàn tay em bé của anh chị gửi về khuyên không nên học trường Việt, nhưng đó là chuyện đã trễ, vì lúc mấy lá thư này bò về đến nhà thì Tâm Đan đã nhập học hơn nửa năm rồi!

Thời gian đến trường là thời gian thích thú nhất trong ngày của Tâm Đan! Trong chiếc áo dài trắng, cô bé cảm thấy như mình lớn hẳn lên. Ngày đầu tiên đi học, Tâm Đan được xếp ngồi bàn thứ ba vì đôi chân dài bắt đầu trổ mã khiến thân thể mảnh mai của cô bé như cao hẳn hơn bạn bè trong lớp! Không bao lâu thì hầu như Tâm Đan quen được hết những đứa bạn ngồi xung quanh, nhờ tài ăn nói lúc nào cũng pha trò vui vẻ. Mặc dầu là một đứa trẻ lẻ loi, Tâm Đan vẫn cố gắng đè nén những bực bội trong lòng không trút vào những người vô can khác và tự nhủ quyết sẽ không xem trọng những lời mẹ hứa hẹn. Cuối cùng thì Tâm Đan cũng phát giác ra một cách sâu sắc rằng mẹ vẫn rất yêu cô con gái út, nếu không như thế thì mẹ đã không đặt tên là Tâm Đan - trái tim đỏ nồng nàn nhiệt huyết của mẹ - nhưng không trọn vẹn. Mẹ bao giờ cũng đau khổ vì trái tim nhân hậu của mình, một trái tim tràn trề nhiệt tình, thứ nhiệt tình lửa rơm. Bà chỉ nghĩ lầm rằng mọi chuyện bà có thể xếp đặt với một thời gian kỷ lục mà không ai có thể thông minh hơn, làm được hơn bà nhưng rồi bị đình trệ hay hủy bỏ vì những người ngu xuẩn khác, trong khi lửa nhiệt tình của bà hoàn toàn chân thực - thì cuối cùng bao giờ nó cũng tắt ngúm, để rồi bà lại hướng cả tâm hồn của mình vào một cái gì mới mẻ khác. So sánh thời gian mẹ dành cho người ngoài - những dạ tiệc xa hoa mà mẹ bảo rằng nhờ đó mà những vụ làm ăn được tiến hành thuận lợi tăng ngân sách kinh tế gia đình lên tới một mức khiến mẹ bị mất đi rất nhiều bạn cũ, vì họ không còn rượt kịp mẹ với đôi bánh xe cọc cạch nữa! Những lần mẹ hãnh diện nói vòng vo như thế để phủi sạch mọi chuyện mà bà đã hứa hẹn cùng một lúc nhưng không thực hiện được, bố và Tâm Đan ngồi yên nhìn mẹ rồi nhìn nhau với ánh mắt thông cảm của những người đồng cảnh ngộ! Dần dần Tâm Đan tự học cách làm cho mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng, học cách gắn si lên những niềm hy vọng của bản thân, rồi tự nhủ rằng dù sao thì cũng chẳng có gì đáng kể với những niềm hy vọng ấy.

Một cái modern thời thượng xuất hiện trong lớp làm Tâm Đan chú ý khi đứa bạn ngồi bàn trước mặt vô tình tìm thấy một mảnh giấy xếp làm tư trong hộc bàn. Giờ ra chơi, với bộ mặt hí hửng làm ra vẻ quan trọng, nó từ chối theo đám bạn xuống câu lạc bộ để ăn hàng mặc dầu nó là một đứa nổi tiếng rất ham ăn, ham uống. Không buồn chú ý đến Tâm Đan đang hiếu kỳ nhìn nó bằng đôi mắt ngưỡng mộ, nó hí hoáy viết thư mà nó bảo là trả lời cho người chị mới quen học buổi sáng - ngồi cùng chỗ với nó và trước khi ra về, nó không quên gấp lá thư làm tư rồi nhét vào đúng ngay góc kẹt trong hộc bàn, sau khi đã đưa mắt kiểm soát xung quanh rằng nó là người cuối cùng rời lớp học. Trò chơi của nó tiếp tục được một tuần thì Tâm Đan cũng bị cuốn hút theo, mỗi ngày khi vừa ngồi vào bàn là lập tức len lén tìm xem có phép lạ nào xảy ra trong ngăn để cặp của mình hay không? Cuối cùng Tâm Đan đành phải thuyết phục mình là hãy quên đi chuyện này, không phải đứa nào cũng may mắn có được một người chị hộc bàn - Nếu tối hôm đó không xảy ra một chuyện khi Tâm Đan đang làm bài trong phòng, chợt nghe mẹ lớn tiếng mắng cô thư ký của mẹ là một người không có đầu óc - việc nhỏ như mắt muỗi thế mà cũng không chủ động quyết định làm hao phí thì giờ của mẹ. Tâm Đan mới xực nhớ ra mình là con gái của một người đàn bà thông minh xuất chúng, luôn xử dụng đầu óc tối đa như mẹ thì có thể nào không thử thách bản thân mình một chút. Trước khi đi học, Tâm Đan viết sẵn một lá thư thật nắn nót với những lời hoa mỹ mà cô bé đã lượm lặt được từ trong quyển sách danh ngôn, lời hay ý đẹp gối đầu giường của mẹ. Cẩn thận hơn nữa, Tâm Đan cố tình kẹp bức thư ngay cửa hộc bàn trước khi ra về, để người chị buổi sáng trông thấy ngay khi ngồi xuống ghế. Những ngày tiếp sau đó thật là một chuỗi thời gian chờ đợi thật dài và nặng nề trôi qua tưởng như không bao giờ chấm dứt; cho đến lúc Tâm Đan tính gắn si lên niềm hy vọng mỏng manh này thì phép mầu xuất hiện! Một con cò giấy trắng tinh được xếp thật khéo léo rơi ra khỏi ngăn bàn trong khi Tâm Đan hoàn toàn không nghĩ gì đến trò chơi này nữa. Cô bé cúi xuống nhặt lấy bằng một nhịp tim đập nảy lên hụt hẫng! Với bản tính che dấu xúc động tự nhiên, Tâm Đan nhè nhẹ úp bàn tay đựng con cò giấy dưới tà áo - kín đáo nhìn cô bạn ngồi bên cạnh đang chăm chú nhìn chương trình trên bảng, cho đến khi chắc chắn rằng không ai trông thấy - Tâm Đan vẫn giả vờ lấy sách trong cặp ra để ép nhanh lá thư tuyệt diệu ấy vào trong vở. Bầu trời bên ngoài đang trở nên u ám vì bắt đầu chuyển mưa, những cơn gió lốc qua cửa sổ làm tung bay sách vở trên bàn khiến cô giáo phải sai các trưởng, phó lớp đứng ra đóng hết cửa sổ của lớp học lại. Cơn mưa cuối Hạ còn rơi rớt bất chợt sang đầu mùa Thu làm tươi mát tâm hồn, tiếng sấm chớp rền rĩ bên ngoài không những không làm Tâm Đan sợ hãi - mà cô bé còn tưởng tượng như các thiên thần trên cao đang vỗ tay hân hoan chúc mừng cho niềm vui mới vừa đến thật bật ngờ.

Những lá thư của người chị hộc bàn luôn luôn là những công trình nghệ thuật tỉ mỉ! Điều này khiến cho bữa ăn trưa trước khi đi học của Tâm Đan trở nên thất thường và trong đôi mắt của cô bé thường ánh ra những tia lửa mừng vui bí mật. Theo lời khuyên của chị hộc bàn, Tâm Đan rất chăm học và đem về những số điểm trong học bạ mà bất cứ một người học sinh nào cũng mơ ước! Đôi khi Tâm Đan có những thắc mắc về bài vở đem hỏi chị thì sáng hôm sau đều được giải đáp rất cặn kẽ, không những thế chị còn có một thủ bút rất bay bướm và lối viết thư như đem người đối diện vào một thế giới rất an bình. Mỗi ngày, việc đầu tiên mà Tâm Đan đã tạo thành thói quen cho mình khi ngồi vào bàn học trong lớp là tìm cất ngay lá thư xinh xắn của chị vào cặp mà không cho ai nhìn thấy, lá thư ấy như một thứ bùa đầy quyền lực làm hưng phấn tâm hồn của Tâm Đan trong suốt khoảng thời gian giữa hai buổi đến trường. Khoảng không gian Tâm Đan dành riêng cho chị - là lúc ngồi yên tĩnh một mình trên băng ghế sau của chiếc xe hơi đen bóng lộn được che màn ren trắng kín mít trên đường từ trường về nhà. Vào những lúc ấy, Tâm Đan thường không muốn bất cứ một tiếng động nào của thế giới xung quanh làm giao động sự giao hòa nhịp tim của Tâm Đan và chị. Ban đầu, bác tài xế tỏ vẻ rất ngạc nhiên với chút bất bình khi Tâm Đan yêu cầu bác tắt ngay chương trình ca kịch trên radio mà bác rất ưa thích! Bác thường liếc trộm nhìn Tâm Đan trong kiếng chiếu hậu, cho đến lúc cô bé không chịu được nhìn lại bác với cặp mắt long lanh giận dữ thì bác vội vàng trả lời chua chát:

-- "Thôi mà cô chủ - tui biết rồi, con nhà giầu đứt tay bằng con nhà nghèo đổ ruột ... cô chủ mà giận thì con tui không có cao lương mỹ vị để ăn!"

Tâm Đan phì cười khi nhớ lại phần cơm trưa của mình thường được cô tự tay lén gói cất cẩn thận để đưa cho bác mỗi ngày, bác tài thấy cô bé vui vẻ trở lại cũng cảm động yên lặng lái xe trên suốt quãng đường về nhà. Tâm Đan lấy lá thư của chị hộc bàn gửi cho mình ra đọc một cách trìu mến, ban đầu cô bé cũng thắc mắc vì chị không chịu gửi hình cho biết mặt; thậm chí chị cũng không muốn cho biết tên của chị - Tâm Đan đã nhiều đêm thức rất khuya để tra cứu về nét chử ký thanh tao như một cành hoa nằm ngang của chị mà vẫn không thể nào đọc được ra tên chị là gì! Ngoài chuyện đó ra thì chị giống như là một nàng tiên hoàn mỹ trong những câu chuyện cổ tích - khi nhân vật chính bị bạc đãi ôm mặt khóc nức nở thì bà tiên hiện ra đem những ước mơ biến thành hiện thực! Nỗi khao khát được gặp chị càng ngày càng trở nên là một nhu cầu cấp bách trong tâm tư của Tâm Đan khiến vẻ buồn bã, cô đơn bị mẹ phát hiện như một căn bịnh trầm trọng. Mẹ thường làm Tâm Đan giật mình khi bất chợt trờ đến trước mặt; nhìn cô bé bằng đôi mắt sắc bén như muốn soi thấu được những điều bí ẩn đang dấu trong những ngăn tim mà mẹ cho rằng còn quá sớm để trưởng thành. Mẹ như một cái bóng không lúc nào rời sau lưng Tâm Đan bằng đôi mắt của những người được mẹ trả tiền - để báo cáo cho mẹ mọi hành động của Tâm Đan ngay cả mỗi giấc ngủ, hoặc khi Tâm Đan thơ thẩn bên hồ bơi, hay lúc cô bé uể oải buông những nốt dương cầm rời rạc... Thời giờ của Tâm Đan bị mẹ kiểm soát chặt chẽ một cách lơ đãng giả tạo khiến Tâm Đan cảm thấy tổn thương vì bị xúc phạm đến tận tâm hồn - khi bác tài giải thích lý do bác không thể đưa Tâm Đan đi học sớm hơn giờ đã ấn định. Chỉ còn hai giờ cấm túc! Làm cách nào Tâm Đan có được hai giờ cấm túc để thực hiện ước mộng biết mặt người chị hộc bàn? Thôi đành hy sinh chiếc áo dài trắng của con nhỏ đanh đá nhất trong lớp, bằng cách giả vờ đánh rớt nguyên một chai sơn dầu đỏ ké trong giờ học vẽ mà không xin lỗi - khiến nó la khóc bù lu, bù loa làm kinh động ngay đến cả những lớp bên cạnh. Sự thành công làm Tâm Đan sung sướng điên lên, quên cả phòng bị che dấu vẻ hớn hở khi đứng trước mặt mẹ - bày tỏ lòng hối cãi về sự việc đáng tiếc xảy ra trong lớp. Trong một khoảng khắc giữa cái nhíu của đôi lông mày cong hình bán nguyệt, mẹ dịu dàng an ủi Tâm Đan bằng một giọng êm đềm thông cảm khiến cô bé cảm thấy bất ngờ ngoài dự liệu - và nghe như có tiếng nhạc reo vui khi thấy mẹ chậm rãi nhấc điện thoại gọi bác tài xế đem xe đến sớm...

Giờ cấm túc của lớp buổi chiều bắt đầu sau giờ tan học của lớp sáng, Tâm Đan đến sớm trình diện cô giám thị - nhưng không được phép lên lớp cho đến khi hành lang mọi lớp học trở lại sự yên vắng sau buổi tan trường. Ngồi một lúc trong phòng họp, Tâm Đan xin phép ra ngoài và lẻn trở về lớp học. Đứng lấp ló ngoài cửa cái và thu hết can đảm nhìn vào dẫy ghế quen thuộc ngay chỗ mà Tâm Đan thường ngồi mỗi ngày, cô bé đã nhìn thấy được hình dáng của người chị hộc bàn. Một chút thất vọng len vào hồn khi thấy mái tóc quăn dài cột nơ xanh da trời dỏm dáng úp trên khuôn mặt búp bê xinh tươi của chị! Người thiếu nữ trong mơ mà Tâm Đan vẫn thường tưởng tượng là một người chị dịu dàng hoàn toàn khác xa với vẻ kiêu kỳ lộng lẫy và ngây thơ tương tự như người chị ruột thịt đang ở ngoại quốc của mình...Tâm Đan bàng hoàng lùi lại tựa lưng vào tường cho đến khi hồi chuông báo hiệu vang lên lanh lảnh. Mọi âm thanh quen thuộc của giờ tan học đều giống nhau dù là lớp buổi sáng, vẫn tiếng giầy guốc khua vang và tiếng cười nói ồn ào! Nhưng khi chị ôm cặp bước ra cùng với một nhóm bạn, Tâm Đan như vừa được kéo ra khỏi giấc mơ những con cò giấy trắng tinh, những giòng chữ nghiêng nghiêng mảnh mai đầy quyến rũ, nét ký tên thanh tao như một cành hoa ban sớm....Tâm Đan chạy theo kịp níu lấy cánh tay chị quên cả vô tình làm rơi cặp của chị xuống đất:

-- Chị ơi! Em là Tâm Đan đây!... Nỗi ngạc nhiên của chị làm Tâm Đan hoảng hốt, hình như không có chút gì thân quen. Chị lẳng lặng cúi xuống nhặt cặp táp lên, nhìn Tâm Đan như đang dội vào mặt cô bé một gáo nước lạnh - và cách nói này là điều mà Tâm Đan học được từ mẹ khi cùng mẹ dạo chơi trên phố, bất ngờ gặp phải một người đàn bà ăn mặc đơn sơ nào đó chặn lại giữa đường nhận là bạn cũ - Xin lỗi hình như chúng ta chưa từng giao tiếp!... - Cô bạn đang đứng bên cạnh chị ái ngại an ủi trong khi Tâm Đan vẫn còn chưa hết kinh hoàng

--Em học lớp chiều phải không?... Chắc em nhận lầm chị hộc bàn của em rồi... em không biết là ai hay sao?

Đột nhiên Tâm Đan mất liên lạc với chị ngay sau ngày hôm đó! Những buổi học tiếp nối xảy ra trong tẻ nhạt và nghẹn ngào trước cái hộc bàn trống trải. Sự đa nghi lẫn lộn với thương nhớ làm cô bé phát sốt mê man và phải nghỉ học hết hơn một tuần lễ. Không biết trong cơn mơ sốt li bì đã hé mở điều gì cho mẹ nhìn thấy và kết luận với bố rằng đấy là căn bịnh tương tư hay là một triệu chứng gì tương tự như vậy - Khi bố ngồi một mình với Tâm Đan trong phòng vắng, ông đắp khăn ẩm nước lạnh lên trán cô bé và thì thầm - " Bố sẽ đứng về phe con gái của bố, hy vọng con nghe được những lời này phải lập tức khỏe lại để đi học nếu không muốn bị mẹ bắt buộc đổi đi trường khác"... Phương cách này của ông thật hữu hiệu giúp Tâm Đan ngồi dậy với những dòng lệ tuôn tràn như suối.

Bây giờ thì Tâm Đan muốn quên thật sự và muốn gắn si lên niềm hy vọng riêng tư đầy hương vị nhân bản nhưng bí ẩn này. Có phải mỗi lần bị thương thì trái tim sẽ trở nên kiên cường hơn như lời ai thường nói? Tâm Đan lại cảm thấy hụt hẫng khi kịp nhớ ra đó là câu của chị khuyên bảo trong những con cò giấy hôm nào. Không có những sự si mê nào mà không chứa đựng ít nhiều dại dột! Cái hộp gỗ sơn mài có in hình đôi chim đậu trên một cành mai trên nắp hộp là nơi cất dấu tất cả những lá thư của chị - vẫn được Tâm Đan để ngay trên mặt tủ đối diện với đầu giường. Nhưng sau ngày ốm dậy, Tâm Đan không còn muốn mở ra nữa! Có nhiều đêm mệt mỏi sau khi ôn học bài vở, nằm trằn trọc dỗ giấc ngủ trên giường, cô bé cũng thường đưa mắt nhìn chăm chăm vào cái hộp và suy nghĩ đến chị. Trái tim không nghe lời của Tâm Đan vẫn thường nhói lên - làm tuôn tràn những giòng nước mắt mặn nóng lăn tròn xuống gối. Khi muốn quên thì quên không dễ, hay như trong bài hát nào vẫn thường cất lên từ bên kia bức tường ngăn cách nhà ai - Khi cố quên là khi lòng nhớ thêm... không biết chị có như Tâm Đan hay là chị đã quên được thật rồi?

Trò chơi chị em hộc bàn dường như đã trôi đi xa và chìm trong ký ức. Tâm Đan vẫn chăm chỉ học giỏi và thường đùa giỡn với bạn bè trong lớp; nhưng đôi khi đang nói một câu gì thì chợt ngừng lại, nét mặt đột ngột tái đi - Thỉnh thoảng Tâm Đan ngồi lặng lẽ tại chỗ trong giờ ra chơi cúi đầu nhìn chăm chú vào hộc bàn suy nghĩ. Người chị ngồi cùng trên ghế này ở buổi sáng, với một dáng vẻ rất kiêu kỳ như bản tánh của mẹ - có thể nào là tác giả của những lá thư dịu dàng như suối nước! Nếu không phải chị ấy, thì người chị thật sự kia là ai... và từ đây đến cuối niên học mà Tâm Đan chưa tìm được câu giải đáp; thì kể như cô bé sẽ mất chị vĩnh viễn vì đây là năm học cuối cùng của chị trong trường.

Một buổi chiều tan học, khi vừa bước xuống thang lầu thì Tâm Đan xực nhớ đã bỏ quên cuốn sách vừa mượn được nên vội vàng quay trở lại lớp. Tất cả các cánh cửa của lớp học trên cùng dãy hành lang đều được khép kín, chỉ trừ lớp của cô bé. Đứng bên ngoài, Tâm Đan có thể nhìn thấy hai cô giám thị đang lục soát bàn học của mình và các dãy bàn bên cạnh. Lời đối thoại của họ làm Tâm Đan cảm thấy choáng váng như muôn ngàn cái bong bóng đen vừa úp chụp xuống mắt, cô bé vội lùi lại áp mình vào sau cửa để họ không nhìn thấy và tiếp tục trò chuyện với nhau:

-- Tội nghiệp quá, mỗi lần trông thấy chúng nó tôi thật không cầm được nước mắt...

-- Cũng phải dằn lòng chị ạ! Mẹ con bé Tâm Đan khó chịu lắm đấy, tôi nghe nói bà ta la mắng Phương Tần quá đáng và còn đòi đưa nó ra hội đồng kỷ luật nữa đấy.

-- Tôi thấy con bé Phương Tần mà thương đứt ruột, vừa ngoan lại học giỏi nhưng hoàn cảnh thật buồn... Mẹ mất sớm, bố lại lập gia đình khác! Tôi nghe bà giám học nói sau khi nó thi tú tài thì sẽ vào nhà dòng tu đấy...

-- Lạy Chúa tôi, thật vậy hả chị?

-- Tôi thì đạo Phật nên cứ cầu đức Quan Thế Âm cho nó mỗi ngày...

-- Thôi không có gì nữa đâu chị ạ! Mình đi về nhé - tôi còn phải ghé tạt qua chợ mua ít thức ăn ...

Cuốn sách cầm trên tay cô giám thị như chực rơi xuống sàn; khi hai cô đứng khựng lại trợn tròn mắt nhìn Tâm Đan đang sững sờ ngoài hàng lang lớp học.

-- Chị có tin rằng những người có duyên với nhau thì sớm muộn gì họ cũng gặp gỡ không?... Chị không nói thì tôi nói nhé!

-- Chúa ơi!...Nào tôi có thề thốt gì với ai mà phải giữ mồm giữ miệng chứ... nhưng con phải hứa với chúng ta là đừng làm lớn chuyện, được không con?

Nếu sau này... Tâm Đan ở trong hoàn cảnh của mẹ, chắc chắn Tâm Đan sẽ không viện cớ vì bảo vệ cho con - mà mẹ phải dùng tất cả phương cách để cắt ly con với mọi thế giới bên ngoài! Mẹ có biết rằng trong lòng Tâm Đan của mẹ, vẫn còn có một vết thương đang tiếp tục rỉ máu vì đau khổ? Những con cò, những cái lồng đèn giấy xếp trắng tinh bị xáo trộn thứ tự trong cái hộp sơn mài; cũng đã là một bằng chứng hiển nhiên - mà Tâm Đan không bao giờ ngờ đến rằng: Chính mẹ đã nhúng tay vào câu chuyện thơ mộng này bằng trận cuồng phong của thịnh nộ! Nhưng mẹ sẽ không bao giờ kiểm soát được bí mật trong đời con - Tâm Đan sẽ dấu mẹ vĩnh viễn về câu chuyện người chị hộc bàn ngồi dãy bàn sau trong lớp học - Về những giờ ra chơi, Tâm Đan đã được ôm người chị thật sự của mình với vòng tay thân ái, trong căn phòng yên tĩnh của các cô giám thị - Và mẹ ơi! Khi chiếc xe hơi đen bóng, lộng lẫy của mẹ lăn bánh đưa Tâm Đan rời xa cổng trường, mẹ vẫn không bao giờ biết được: Tâm Đan của mẹ đã vén chiếc rèm ren trắng - để thâu hết hình ảnh người con gái mảnh mai với tà áo trắng trinh nguyên, đứng bơ vơ bên lề đường, dưới hàng cây sao cao vút... Không bao giờ, mẹ ơi!!!!...

Lan Hoa