Vẫn Nhớ Thầy Cô

Vẫn Nhớ Thầy Cô

Tôi vào Khoa Học Sài Gòn năm 1973, buổi học đầu tiên là giờ lý thuyết môn Động Vật với cô Bùi Thị Lạng. Hôm đó cô giảng rằng khi một sự kiện khoa học được áp dụng thực tiễn phải trải qua tất cả năm giai đoạn: đưa ra giả thuyết, giải thích, thí nghiệm thành công, phải kiểm chứng lại, rồi mới áp dụng. Cô còn khuyên rằng một khi đã chọn cho mình một ngành học thì phải để hết công sức và vững tin vào công việc ấy, đừng bao giờ nản chí và chùn bước. Cô còn dặn dò thật kỹ lưỡng là khi vào lớp học phải để hết tâm trí vào bài vở, ghi nhớ những điều cô giảng dạy vì tất cả sẽ nằm trọn trong đề thi. Nay cô đang cư ngụ tại Sài Gòn.

Thầy Đinh Văn Hoàng dạy môn Sinh Hoá, tánh tình vui vẻ và rất thương sinh viên. Thầy hay đi sâu vào chi tiết công nghệ chế biến thực phẩm. Điều này rất thực tiễn trong đời sống. Nơi tôi đang cư ngụ tràn ngập thực phẩm chế biến từ khắp nơi trên thế giới. Dù ở đâu hay ở thời nào thì nhu cầu ăn uống vẫn là vấn đề thiết thực hàng đầu của mọi người. Nhờ xem tin tức trên trang web www.khoahocsaigon.com nên tôi mới hay thầy đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 26/2/2011 tại nước Pháp.

Người thầy nghiêm khắc mà tôi nhớ mãi là thầy Lê Văn Thới, chuyên khoa Hóa Hữu Cơ Cơ Cấu. Có một điều mà các sinh viên học với thầy đều biết là phải vào lớp đúng giờ, nếu đến trễ thì bạn phải ra về vì thầy khóa chặt cửa giảng đường ngay sau khi vào dạy. Tôi còn nhớ có một lần thầy áp kỷ luật thật nghiêm minh với đôi tình nhân đang rù rì bên nhau trong lúc thầy giảng bài. Thầy ngưng giảng bài, quát to “Ngồi dang ra, dang ra, dang ra nữa, dang ra nữa” khiến cho đôi nam nữ “sượng sùng” trước mặt mọi người. Buổi dạy đầu tiên thầy dặn dò rất kỹ chi tiết phải học rồi hiểu cho tỏ tường. Thầy giải thích tầm quan trọng của ngành học áp dụng thực tiễn trong đời sống. Tôi vẫn còn nhớ thầy dạy rằng hợp chất hữu cơ acide salicylique trị hết bệnh mụt cóc trên da. Thầy đã thất lộc năm 1983 tại Việt Nam.

Người thầy bình dị vui vẻ là thầy Nguyễn Thanh Khuyến, dạy môn Hoá Vô Cơ. Thầy hay kèm một vài chuyện vui để giảm bớt cái khô khan của môn học này. Khi giảng dạy về khí đá (CaC2), thầy pha trò rằng có một thanh niên trong lúc đang đi ngoài bùng binh chợ Sài Gòn anh ta bất chợt phải cởi bỏ quần một cách khẩn cấp vì anh ta để cục khí đá trong túi quần. Anh ta không biết rằng khí đá phản ứng với mồ hôi (H2O), toả nhiệt nhiều cộng thêm mùi thúi của C2H2 và CaO. Thầy còn ca ngợi kỹ nghệ hóa học tân tiến của nước Đức qua việc chế tạo acide sulfurique (H2SO4) có độ tinh chất cao nhất. Cách nay 20 năm, tôi có đến thăm thầy ở tư gia của thầy ở gần chợ Bến Thành. Khi ấy thầy tâm sự là rất cảm kích.

Theo học năm đầu ban Sinh Lý Sinh Hoá nhóm B, sau đó tôi hoàn tất 6 chứng chỉ Hoá Học để tốt nghiệp đại học vào năm 1978. Tất cả thầy cô giảng dạy ở giảng đường và phòng thí nghiệm dưới mái trường Khoa Học Sài Gòn thuở xưa “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”. Nay tuổi đời đang độ xế chiều trong lòng tôi vẫn còn ghi nhớ quý thầy cô khả kính ấy.

Ngày 22/10/2011

Trần Văn Diên Khoa Hoá 73-78