Ly Rượu Mừng

“Ly Rượu Mừng”

Bài hát “Ly Rượu Mừng” như một mối duyên gắn liền với cái gọi là “sự nghiệp ca hát” của My từ thuở My bước chân vào ngưỡng cửa trung học cho đến nay, dù đã hơn 40 năm trôi qua!

Thi rớt lớp đệ Thất trường Lê Văn Duyệt, Gia Định, My ngậm ngùi từ bỏ mơ ước được đi học ở một trong những trường nữ trung học công lập nổi tiếng thời ấy. Từ thuở nhỏ, My đã ngưỡng mộ hai chị hàng xóm, vốn là nữ sinh trường Lê văn Duyệt, như là thần tượng của mình. Chiều chiều, My thích ra đứng trước sân nhà để được nhìn hai chị, rạng rỡ trong chiếc áo dài trắng tinh khôi với cái huy hiệu đính trên bâu áo, được ông bố đón về nhà từ bến xem lam Thủ Đức. Sau khi My học hết lớp Năm, vào mùa hè năm 1967, nhà My dọn lên Sài Gòn.

Không được vào trường công thì My đành phải học ở một trường tư thục gần nhà. Ba đã nộp đơn cho My được vào học trường Đồng Tiến, một trường tư thục Công Giáo của quân đội. Nếu đi xe gắn máy thì chỉ mất khoảng hơn năm phút, nhưng My thì phải lội bộ đi học. Tóc vàng hoe, da nâu hồng rám nắng vì My để đầu trần đi học mỗi ngày. Nhiều khi trên đường đi đến trường, My tự an ủi “Cũng may là mình thi rớt, nếu không học trường xa thì không biết ai sẽ chở mình đi học đây!”

Năm đầu tiên ở trường trung học này, My được cô giáo chọn vào đội hợp ca của lớp để tập hát bài “Ly Rượu Mừng”. Bài hát này sẽ được trình diễn trong dịp liên hoan mừng Xuân Mậu Thân của trường. Không làm sao diễn tả cho hết niềm vui của My khi My được chọn vào đội văn nghệ của trường. My chỉ mong tan học sớm để được về nhà khoe với Ba Mạ.

Ngày nào cũng vậy, học bài xong là My cứ lẩm nhẩm trong miệng bài hát “Ly Rượu Mừng” đến thuộc lòng như cháo. Ngày trước, cứ mỗi độ Xuân về, đài phát thanh ra rả suốt ngày những bài hát nói về mùa Xuân, đến nỗi con nít chưa biết chữ cũng thuộc lời của những bài hát này và cũng có thể nghêu ngao hát theo, huống chi là My, đã học tới lớp Sáu rồi! Nhất là bài hát này My đã được nghe không biết bao nhiêu lần rồi. Thế nhưng My cũng phải tập dợt cho chắc ăn kẻo lên sân khấu bị khớp, quên mất bài là dị lắm.

Sau những ngày hồi hộp và lo lắng, buổi văn nghệ tất niên cũng đã đến. Mái tóc của My, mái tóc hoe hoe vàng dài chấm vai vì dan nắng đi học, được Mạ chải gỡ kỹ càng. Mạ lấy cây lược rẽ tóc My sang hai bên. Rồi Mạ lấy hai cọng dây thun cột tóc My cho chặt. Mạ lấy dây ruy băng màu hồng cột phủ lên hai cọng dây thun và thắt thành hai cái nơ thật dễ thương.

Hồi hộp không thể tưởng, My nghe rõ tiếng đập bình bịch trong ngực của mình. Thế là cái bụng của My nó quắn lại, đau thật là đau, giống như là My ăn trúng phải đồ ăn thiu. My được đứng ở hàng phía trước, ở chính giữa, vì My là người thấp bé nhất trong ban hợp ca. Nhìn xuống hàng ghế phía dưới, My thấy sao mà nguời ta đông ơi là đông! Hít vào một cái thật sâu, My cảm thấy đỡ căng thẳng hơn. Khi cô giáo đưa tay ra hiệu, My và các bạn cất tiếng hát “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi…”

Và cũng từ ngày ấy, cứ mỗi năm vào dịp tất niên ở trường của My, My đều được hát hợp ca bài “Ly Rượu Mừng”. My cũng từng ao ước được có một lần đứng trên sân khấu hát bài hát Xuân. Nhưng mà xui cho My vì trong lớp của My có bạn Kim Tiến, một cây văn nghệ của trường. Kim Tiến không những xinh xắn mà còn hát hay múa đẹp nữa. Kim Tiến tham gia văn nghệ của trường rất tích cực. Bạn trình diễn rất tự nhiên vì bạn vốn là học trò trong lớp nhạc kịch của nhạc sĩ Bắc Sơn, tác giả bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè”.

Cứ đi chơi với Kim Tiến, vì là bạn thân của nhau, sự nghiệp ca hát của My có chiều hướng dậm chân tại chỗ dù là My biết giọng hát của mình nghe cũng tàm tạm chứ có dở đâu! Vậy mà bao nhiêu năm cứ hát hoài một bài hát! Nhớ lần cô giáo thử giọng từng đứa để chọn bài hát, không biết sao tự nhiên My bị lạc giọng và gương mặt thì cứ sượng sùng, còn tay chân thì lại luống ca luống cuống. Vẻ lanh lẹ thường ngày của My biến đâu mất tiêu, chỉ còn lại một cô bé con thật tội nghiệp…

Dịp may lại đến với My một lần nữa khi cô giáo Khánh Thịnh, dạy Việt Văn và Vạn Vật lớp của My, muốn thành lập một đội múa để vũ sư Ánh Tuyết dạy một bài múa về mùa xuân. Tin này đã làm cho bao cô bé nô nức vì được có dịp học múa với người nữ vũ sư nổi danh ở Sài Gòn lúc ấy. Tiêu chuẩn chọn lựa đầu tiên của cô giáo Khánh Thịnh là các “vũ nữ” phải có mái tóc dài. Tóc dài? À, cái điều kiện này thì My có sẵn không phải lo. Thế nào My cũng được cô giáo chọn vào đội múa cho mà coi vì My biết cô giáo vốn thương My mà.

Quả như dự đoán của My. Người đầu tiên cô giáo Khánh Thịnh chọn vào đội múa là My. Cô nhìn My, đưa tay chỉ vào My và gọi My đứng lên. Cô tiếp tục gọi thêm nhiều bạn nữa. My quay đầu nhìn lại phía sau, vì My ngồi ở bàn đầu, thấy cô chọn cũng hơn một chục bạn trong lớp của mình. My sung sướng mĩm cười với các ứng cử viên trong đội múa tương lai. Các bạn cũng cười với My bằng những nụ cười tuy ngượng ngập, nhưng lại pha một tí gì đó hãnh diện vì biết mình sắp được nổi tiếng ở trong lớp cũng như ở trong trường.

Sau khi chọn đủ số học sinh cho màn múa sắp tới, cô giáo bảo My và các bạn lên đứng trước lớp, sắp thành một hàng dài. Cô chợt khựng lại, tần ngần một chút rồi nói với My “Tiếc thật! Em thấp hơn các bạn nhiều quá. Cô muốn chọn các em cùng cỡ với nhau để múa cho đẹp. Chắc cô không chọn em nữa. Cám ơn em. Em về chỗ ngồi nhen.”

Tiu nghỉu đi về chỗ ngồi, My ước ao phải chi mình được cao lên vài phân. Trong nhà, chị và em của My đều cao hơn My. Chỉ có My là đẹt nhất nhà, lớn không nổi. Lỗi này cũng tại mình, My nghĩ trong lòng. Ai bảo ngày xưa cứ thích ăn cơm với nước tương Lá Bồ Đề thì làm sao có đủ chất bổ để mà lớn, để mà cao như chị Hồng và em Hương của mình. Nhớ lúc trước, cả một thời gian dài My không ăn thịt cá gì hết, chỉ thích ăn cơm với xì dầu mà thôi. Mỗi lần tới bữa ăn My đơm một chén cơm, lấy chai nước tương xịt vào chén cơm rồi bưng chén cơm ra ngoài mái hiên ngồi nhâm nhi một mình. Ăn vậy mà lại thấy ngon miệng. Không biết My sẽ ăn “chay” như vậy đến bao giờ nếu như Ba của My không khám phá ra là My chỉ thích và chỉ ăn cơm với xì dầu!

Thế là Ba tịch thu chai xì dầu lại và cấm không cho My được ngồi ăn riêng ở ngoài sân nữa. Mỗi bữa ăn, My phải vào ngồi trên bàn cùng với cả nhà và phải gắp thức ăn bỏ vào chén cơm với sự giám sát của Ba.

Lúc đó My thắc mắc trong lòng “Không biết tại sao Ba lại không cho My ăn cơm với nước tương mà bắt My phải ăn cơm với thịt cá?”. Đến khi lớn lên, có một chút trí khôn, My đọc được những bản tin về sức khỏe và biết là trẻ nhỏ cần ăn những chất protein để tăng trưỏng và phát triển cơ thể, thì My mới hiểu ra và không còn thắc mắc chi nữa. Vì nhỏ bé nhất lớp nên suốt bao năm liền My luôn được đứng hàng đầu khi sắp hàng chào cờ cũng như My luôn được ngồi bàn đầu trong lớp.

Buồn vì không được cô giáo chọn vào đội múa, My nghĩ, phải chi mình ăn gian, mang một đôi giày cao gót khoảng năm phân thì chắc là cô giáo không biết. Biết đâu mình lại được chọn vào đội múa thì sao? Phải chi mình đứng nhón gót, ưỡn ngực lên, ngẩn đầu cho cao thì chắc sẽ đỡ một chút. Nhưng khi đến xem các bạn tập múa, My mới biết là các bạn phải bỏ hết giày dép ra, đi chân không để múa. À, thì ra vậy nên cô Thịnh không chọn My, chứ My biết cô thích My lắm mà. Không được làm “vũ nữ” trong bài múa mùa xuân, My chỉ còn có một con đường là trở lại với ban hợp ca “Ly Rượu Mừng” mà thôi.

Suốt từ năm đệ Thất cho tới đệ Tam, trong dịp liên hoan mừng xuân của trường mình, năm nào My cũng hát bài hát này cùng với các bạn cùng lớp, cho đến khi My chuyển sang trường khác. My hát mãi, hát hoài ca khúc này đến nỗi Hương, em kế của My, phải lên tiếng: “Sao năm nào em cũng nghe My trình diễn có một bài này vậy?” Biết trả lời sao đây? My đành cười trừ cho qua chuyện!

Những năm sau này, khi đã ra nước ngoài sống, My vẫn còn có duyên với ca khúc “Ly Rượu Mừng”. Dạy tiếng Việt cho một trường học của một nhà thờ Công Giáo gần nhà, My vẫn còn có dịp trình diễn, cũng vẫn là hợp ca như thuở nào, trong những dịp Tết cùng với các em ca đoàn và các em cùng dạy Việt Ngữ với My. Và có một điều không thay đổi là My vẫn được đứng ở hàng đầu và ở chính giữa, vì các em luôn luôn nhớ nằm lòng câu “kính lão đắc thọ” nên luôn nhường vị trí đặc biệt cho người chị có vóc dáng bé nhỏ này.

Gần đây nhất, trong dịp vui chơi mừng Noel và Tết tây năm 2010, màn hợp ca của ca đoàn và các thầy cô dạy tiếng Việt lại vang lên: “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi…”. Và cho dù đã chuẩn bị mang một đôi giày cao gót, My vẫn được các em ưu ái dành cho vi trí tốt nhất: đứng ở hàng phía trước và được đứng cạnh cái màn hình computer để nhìn những dòng chữ của bài hát này. My hát say sưa vì đây là bài “tủ” của My, mà cũng là một bài ca duyên nợ trong cuộc đời của My, lòng bồi hồi nhớ lại tuổi thơ của mình, khi My còn là một cô nữ sinh bé nhỏ, da ngăm đen với mái tóc hoe vàng vì dan nắng, cách đây hơn 40 năm.

MN