Con Thi Trường Học, Mẹ Thi Trường Đời

Con Thi Trường Học, Mẹ Thi Trường Đời

Trần Ngọc Kim là tên thật của tác giả, hiện sống tại tiểu bang Georgia và là kỹ sư điện tử của U.S Air Force. Tại Việt Nam trước đây, khi còn là một nữ sinh trường Nữ Trung Học Trưng Vương Sài Gòn, Trần Ngọc Kim từng được Phu Nhân Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu trao giải thưởng Danh Dự Văn Chương Phụ Nữ Toàn Quốc nhân dịp lễ Hai Bà Trưng năm 1973. Hiện tác giả thường cộng tác với tạp chí Rạng Đông Atlanta.

Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.

Khó đi mẹ dắt con đi,

Con thi trường học, mẹ thi trường đời.

(Ca dao)

Quỳnh ngồi dưới hàng ghế khán giả, nhìn lên sân khấu của trường Đại Học Duke Univesity, nơi mà chút nữa đây, Thắng, con trai của Quỳnh, sẽ nhận mảnh bằng Tiến sĩ. Quỳnh bỗng đưa tay lên lau vội dòng nước mắt. Năm nay Thắng 25 tuổi, và cũng 26 năm qua Quỳnh trải nhiều nỗi niềm cay đắng. Giang đã không còn nữa. Nếu không vì con, có lẽ Quỳnh đã không sống nổi.

Ngày ấy Quỳnh học trường Nữ Trung Học Trưng Vương Sài Gòn, Giang học trường Chu Văn An. Sau khi thi đậu Tú Tài II, Giang được gia đình lo đi du học nhưng lúc ấy chiến cuộc lên cao, Giang bảo Quỳnh:

-Quỳnh ạ, anh không đi du học đâu, anh vào quân trường Thủ Đức. Làm sao anh an tâm đi du học cho được, anh ruột của anh tử trận, bây giờ anh phải cầm súng đánh lại tụi Việt Cộng để bảo vệ đất nước mình.

Mặc cho gia đình và Quỳnh can ngăn, Giang cũng bước vào quân trường Thủ Đức. Ngày ra trường, Giang tình nguyện đi vào binh chủng Biệt Động Quân và từ đó Quỳnh sống với nỗi niềm nhung nhớ, lo âu. Sau những lần chờ đợi Giang đi phép mới về thăm Quỳnh được, Quỳnh nói với Giang:

- Mình làm đám cưới đi anh, anh đi đâu, em cũng sẽ đi theo anh. Em cứ ở Sài Gòn trông ngóng tin anh, em chịu hết nổi rồi.

- Anh chỉ lo em làm góa phụ thì khổ cho em, Quỳnh ạ.

- Nhưng xa anh, em không chịu được.

Thế là Quỳnh theo Giang sống ở những khu gia binh, ở những vùng xa lạ, đèo heo hút gió. Mồng hai tết năm 75, Quỳnh sanh đứa con trai đầu lòng, Giang mừng lắm, chàng đặt tên con là Khôi:

- Anh mong sau này thằng bé sẽ khôi ngô tuấn tú như bố nó vậy.

Vừa nói Giang vừa cười, rồi Giang quay qua Quỳnh:

- Tội nghiệp em quá Quỳnh ơi. Em mệt lắm phải không?

Theo vận nước nổi trôi, Giang cũng đi học tập như bao chiến hữu khác. Rồi cũng lại những tháng ngày Quỳnh sống cô đơn, đi thăm nuôi Giang. Sao số phận của Giang và Quỳnh cứ mãi sống xa nhau?

Năm 1983, sau khi về nhà được hai tháng, Giang quyết định đi vượt biên cùng với Quỳnh và cu Khôi. Không may thuyền của Quỳnh gặp hải tặc, Giang chống cự lại chúng để bảo vệ mẹ con Quỳnh. Không vũ khí, lại nhịn đói nhịn khát suốt mấy ngày liền, sức Giang yếu đi nhiều, nên cuối cùng Giang bị tụi hải tặc dùng búa đập vào đầu Giang và ném Giang xuống biển. Trước đó, Giang đã căn dặn Quỳnh, dù thế nào đi nữa, em phải cố gắng nuôi cu Khôi nghe em. Lúc vào trại tỵ nạn, không có Giang bên cạnh, nhiều lần Quỳnh tuyệt vọng muốn chết đi, nhưng nhìn cu Khôi và bên tai còn vang lại lời dặn dò của Giang, Quỳnh gắng gượng sống.

Hai tháng sau đó, khi biết được có thai, Quỳnh bị khủng hoảng, không biết như thế nào bây giờ. Cái thai này là của tên hải tặc hôm đó, Quỳnh có nên giữ đứa bé này không? Nếu phá thai, ở trại tỵ nạn với điều kiện y tế thiếu kém không biết Quỳnh có còn được sống để nuôi dạy bé Khôi nên người?

Quỳnh hỏi bé Khôi:

- Khôi nè, con muốn có em bé không?

Giọng Khôi ngây thơ:

- Con muốn có thằng anh. Mẹ đẻ cho con thằng anh đi mẹ.

- Mẹ đâu đẻ ra thằng anh cho con được nữa. Bây giờ con làm anh, con có chịu không? Con sẽ có em bé, con thích không?

- Em trai hay em gái vậy mẹ?

- Con thương em trai hay em gái?

- Nó có thương con không mẹ?

- Anh em thì phải thương nhau chứ. Con thương nó thì nó sẽ thương con.

- Vậy mẹ đẻ cho con em trai đi mẹ.

Quỳnh xoa đầu Khôi, cười buồn, Giang ơi, anh muốn em như thế nào đây? Em giữ đứa bé hay bỏ nó?

Khi phái đoàn Mỹ hỏi Quỳnh muốn định cư nơi nào ở nước Mỹ, Quỳnh đã trả lời là nơi nào có trường Đại học tốt để cho con Quỳnh sau này được học. Vậy là mẹ con Quỳnh được đưa đến thành phố Durham, North Carolina, nơi có trường Đại học Duke nổi tiếng. Duke là trường đại học tư thục không những nổi tiếng về Y khoa mà còn nổi tiếng về môn bóng rổ (basket ball). Có lẽ ông Mỹ phỏng vấn Quỳnh là fan của trường Duke cho nên ông ta đưa Quỳnh về thành phố này.

Quỳnh gọi điện thoại liên lạc với anh chị của Giang đang sống ở Cali, cho biết Quỳnh vừa đến Mỹ. Nhưng khi Quỳnh tỏ thật là Quỳnh đang mang thai đứa bé của cái đêm kinh hoàng đó thì mọi người đã quay lại nguyền rủa Quỳnh không tiếc lời. Họ từ bỏ Quỳnh và cả thằng bé Khôi luôn. Anh chị ruột của Quỳnh cũng không thông cảm:

- Tôi không hiểu sao cô còn giữ lại cái chứng tích đó làm gì? Lớn lên, nó cũng sát nhân như bố nó cô tính sao? Cô liệu có thương nó nổi không?

Đáp lại sự cư xử của anh chị, Quỳnh chỉ biết ôm mặt khóc. Quỳnh biết nếu Giang còn sống, Giang cũng không đồng ý cho Quỳnh phá thai. Dù sao, đứa bé cũng vô tội. Nó cũng là một con người. Nó được quyền sống. Quỳnh tin là "Nhân chi sơ tính bản thiện", nếu đứa bé được sống trong tình thương chắc là nó sẽ hiền lành, ngoan ngoãn. Và lại Quỳnh cũng sợ khi phá thai có sơ sót gì thì bé Khôi sẽ trở thành đứa bé mồ côi, Quỳnh không đành lòng. Sau năm 1975, tụi Việt Cộng khuyến khích việc phá thai nên việc nạo thai đối với một số người là việc bình thường, riêng với Quỳnh, Quỳnh thấy tàn nhẫn quá. Nhà thờ bảo trợ cũng báo cho Quỳnh biết, trường hợp của Quỳnh, nếu Quỳnh muốn phá thai, chính phủ sẽ tài trợ.

Bao nhiêu rối rắm, Quỳnh không biết tính ra sao. Một thân một mình, nuôi hai đứa trẻ, không biết Quỳnh có lo liệu nổi không? Tiếng Anh thì Quỳnh lại không rành. Một lần, sau khi đi nhà thờ với gia đình người bảo trợ, bé Khôi sà vào lòng Quỳnh và khóc:

- Mẹ, mấy đứa kia tụi nó không cho con chơi chung, phải chi con có em bé chơi chung với con?

Từ câu nói của bé Khôi, Quỳnh quyết định giữ lại đứa bé này. Bởi vì Quỳnh biết, Giang mất rồi, trọn cuộc đời Quỳnh sau này, Quỳnh sẽ không thương ai được nữa. Đứa bé này sẽ là em của bé Khôi. Dù sao, chúng cũng cùng một mẹ. cùng mang dòng máu của Quỳnh, Quỳnh tin là chúng sẽ thương yêu nhau.

Tuy được nhà thờ giúp đỡ, nhưng Quỳnh cũng lao vào xin việc làm. Quỳnh vừa đi làm vừa học ESL. Vốn liếng tiếng Anh của Quỳnh ở những ngày học trường trung học vừa đủ cho Quỳnh nói chuyện kèm thêm phụ đề tay chân thì tụi Mỹ mới hiểu. Bé Khôi được học elementary school và sau đó được ở after school, có xe school bus đưa rước. Quỳnh xin được chân thợ nướng bánh ở tiệm Wellspring grocery store. Cũng may bà manager thấy Quỳnh tội nghiệp, nên nhận Quỳnh và còn nhờ cô bạn Mỹ đưa rước Quỳnh đi làm. Quỳnh đi làm từ 5 giờ sáng đến 2 giờ rưỡi chiều thì Quỳnh đi xe bus đi học ESL. Một hôm cô bạn Mỹ lúc đến đón Quỳnh khoe cô ta mới mua được chiếc xe. Tuy used car nhưng cũng còn tốt lắm. Quỳnh muốn khen lấy lòng cô ta mua được xe rẻ, Quỳnh vẫn còn cách giao thiệp của dân Việt Nam, khi bạn bè mua được món gì mới là cứ khen lấy khen để, bác mua rẻ quá, Quỳnh bèn bảo cô ta:

- Wow! You bought a cheap car!

Cô bạn Mỹ sửng sốt, cô ta quay lại hét Quỳnh:

- Did you say I bought a cheap car?

Quỳnh gật đầu công nhận:

- Yes, you bought a cheap car!

Cô ta ngừng xe ngay tức thì:

- Get out of my car!

Quỳnh hỏi:

- Why?

Cô ta không trả lời, nét mặt đanh lại. Quỳnh ngạc nhiên quá đỗi, không hiểu vì sao cô ta lại bỏ mình giữa đường lúc trời hãy còn tối như thế này. Quỳnh đành lê bước đến chỗ làm.

Sau đó, khi vào nhà bếp, nơi Quỳnh nướng bánh, Quỳnh đã thấy là lạ. Thường ngày, mấy người thợ chào hỏi Quỳnh vui vẻ, "Good morning" ỏm củ tỏi, hôm nay chẳng ai thèm ngó tới Quỳnh. Bà xếp kêu Quỳnh lên văn phòng nói chuyện. Mặc dù đang ở đất Mỹ, nhưng mỗi khi nghe xếp gọi lên văn phòng là Quỳnh cứ run. Thời gian ở với Việt Cộng tại Việt Nam cứ hội họp phê bình kiểm điểm, phê và tự phê làm Quỳnh khủng hoảng. Cho nên khi qua Mỹ, nghe xếp kêu là Quỳnh đâm sợ.

Bà xếp bảo Quỳnh:

- Lisa(tên cô bạn Mỹ) bảo tôi là cô nói cô ta mua "cheap car" phải không?

- Dạ, đúng rồi!

- Trời đất, cô ta khóc rồi kìa. Cô có biết "cheap car" là chê hay không?

- Tôi tưởng "cheap car" là "inexpensive" có nghĩa là "good deal".

Khi bà xếp giải thích, mọi người cười ồ và từ đó, mấy người bạn làm chung, gọi Quỳnh là Quỳnh cheap car.

Vì muốn để dành tiền khi nghỉ sanh, Quỳnh đi làm 2 jobs full time. Job thứ hai Quỳnh làm ở nhà hàng Ấn độ. Cũng may Quỳnh làm ở những nơi ăn uống, nên Quỳnh không phải nấu ăn cho bé Khôi. Mỗi ngày Quỳnh đem thức ăn từ tiệm về. Tội nghiệp thằng bé, thức ăn Ấn độ nhiều gia vị nhưng bé Khôi cũng ráng nuốt.

Lúc bé Thắng được sinh ra, Quỳnh cứ tưởng là thằng bé sẽ đen thui và tóc quăn quíu như hình ảnh tên hải tặc lúc đó. Nhưng không phải, da bé chỉ hơi ngâm đen, giống như làn da rám nắng của mấy tụi Mỹ trắng hay đi tanning. Gương mặt bé có nhiều nét giống Quỳnh.

Mỗi khi đi làm về, Quỳnh lui cui dưới bếp nấu thức ăn cho hai đứa con, Khôi ôm bé Thắng vào lòng ở bộ ghế sa lông coi ti vi. Sau này mỗi khi Quỳnh la Thắng cái chuyện coi ti vi là Thắng đổ thừa tại hồi nhỏ anh Khôi ẳm con coi ti vi hoài chi, cho nên con quen tật coi ti vi rồi. Lần lễ Easter, Quỳnh cũng luộc trứng gà và cho Khôi cùng vài đứa bạn của Khôi chơi trò tìm trứng. Sau đó, bọn nhỏ lột trứng gà ra ăn, đã làm Quỳnh hoảng hồn, cứ gạn hỏi hỏi mãi Khôi có đút cho bé Thắng ăn không. Quỳnh sợ bé Thắng nuốt phải trứng gà sẽ ngộp thở.

Có những buổi tối, nhìn hai đứa con nằm ngủ, Quỳnh chợt nghe cô đơn. Quỳnh nhớ Giang ngập lòng. Quỳnh thèm một vòng tay nâng đỡ, thèm nghe những lời chăm sóc, thèm nghe lời nói ngọt ngào "Anh yêu em" của Giang ngày xưa. Giang đã ra đi vĩnh viễn, họ hàng từ bỏ Quỳnh, Quỳnh muốn khóc với một ai đó, nhưng đâu có ai cho Quỳnh mượn một bờ vai.

Ba mẹ con Quỳnh thuê apartment một phòng trong một vùng Mỹ đen cho rẻ. Mấy tụi Mỹ đen hay gõ cửa nhà Quỳnh để bán những món hàng chúng ăn cắp được. Từ quần áo, giày dép, đồ chơi, xe đạp đến thịt cá, món nào cũng có. Mặc dù Duke là trường Đại học nổi tiếng nhưng thành phố Durham lại là crime city. Thành phố này có rất nhiều tội ác xảy ra. Hình như khoảng năm 2003, có rất nhiều vụ giết người xảy ra trong thành phố này, chỉ trong vòng 6 tháng đã thay đổi liên tiếp 5 vị cảnh sát trưởng. Quỳnh lo sợ ở mãi nơi đây, hai đứa con của Quỳnh sẽ bị ảnh hưởng, Quỳnh quyết định đi học lại. Quỳnh ghi tên vào trường North Carolina State University. Khi nhận được giấy báo nhập học kèm thêm được ở nhà housing của trường, lại được grant và loan, Quỳnh đã rơi nước mắt. Quỳnh ôm hai đứa con lại và khóc nức nở. Bé Thắng chỉ vừa tròn một tuổi không hiểu gì, Khôi nắm tay Quỳnh:

- Ai làm mẹ khóc vậy, nói bé Khôi, bé Khôi đánh họ cho?

- Tại mẹ vui quá nên mẹ khóc.

- Buồn mới khóc chứ mẹ!

Quỳnh muốn gọi điện thoại báo tin cho anh chị của Giang cũng như anh chị Quỳnh nhưng lại sợ nghe những lời đay nghiến nên Quỳnh đành thôi.

Khi Thắng được 5 tuổi, một hôm Thắng hỏi Quỳnh:

- Có phải mẹ xin con từ viện mồ côi về mẹ nuôi không mẹ? Mẹ nói thật đi mẹ. Con cho phép mẹ nuôi con nhưng mẹ phải nói thật cho con biết.

- Sao con nói vậy chứ?

- Tại con thấy ở nhà con không giống ai hết. Con không giống mẹ mà cũng không giống anh Khôi. Có phải mẹ tới viện mồ côi, mẹ thấy con đứng khóc tội nghiệp quá nên mẹ xin con về nuôi không?

Quỳnh ôm Thắng vào lòng mà nghe thương con vô vàn. Quả thật, càng lớn, Thắng lại càng có những nét dị biệt, nước da Thắng đen hơn hồi nhỏ. Mắt Thắng to và chân mày rậm. Gương mặt Thắng xương xương, còn gương mặt Khôi và Quỳnh thì tròn. Da Khôi trắng chứ không đen như da Thắng. Hai đứa bé không giống nhau chút nào. Không ai tin chúng là anh em ruột cả. Mỗi khi Quỳnh đi đâu với Thắng, thiên hạ cứ tưởng Quỳnh là bà vú nuôi trẻ, không ai tin Quỳnh là mẹ của bé Thắng cả. Quỳnh lấy giấy khai sinh ra cho Khôi và Thắng cùng xem:

- Hai con là anh em ruột, đều do mẹ sinh ra, cho nên hai con phải luôn thương yêu nhau. Lỡ mẹ chết đi, Khôi phải có trách nhiệm nuôi em Thắng và cho em Thắng đi học nghe không?

Khôi trả lời:

- Con nuôi em được rồi, nhưng nếu mẹ chết, mẹ phải để tiền lại con mới có đủ tiền nuôi em.

Nghe Khôi trả lời, Quỳnh bỗng cảm thấy một nỗi lo sợ mơ hồ, chẳng may Quỳnh chết đi, hai con còn nhỏ quá, ai sẽ thương yêu và lo cho chúng?

Quỳnh vừa đi học full time, vừa đi làm full time, nên một hôm Quỳnh phát hiện là Quỳnh bị ho lao. Mặc dù ho lao không phải là bệnh bất trị như ngày xưa nhưng nó cũng hành Quỳnh đau đớn và mệt mỏi. Bác sĩ nói nếu không nghỉ ngơi và chữa trị đúng cách, Quỳnh cũng có thể bị chết như thường. Cũng trong lúc này tiểu bang có kỳ thi tuyển chọn học sinh xuất sắc, Khôi được trường đề cử đi dự thi. Từ ngày qua Mỹ, lúc nào Khôi cũng là học sinh xuất sắc toàn trường tiểu học cho đến trung học. Mỗi khi nghe trường học của Khôi gọi điện thoại cho Quỳnh, toàn là báo tin nhận giấy khen, nhận phần thưởng, hay là được đi ăn dinner với hiệu trưởng, mayor, governor. Thắng thì trái lại, trường của Thắng gọi đến là để chỉ báo tin Thắng đánh lộn bị phạt hay là phải đi học thêm ngày thứ bảy tại vì trong lớp Thắng hay nói chuyện. Có lần Thắng kể cho Quỳnh:

- Cái thằng Tom dám gọi con là Chinese boy. Nó lại lấy hai ngón tay kéo dài hai con mắt của nó làm như con là mắt hí vậy. Con đục nó liền, con nói nó, tao là Vietnamese boy nghe mậy, không phải là Chinese boy đâu. Nó đâu dám đánh lại con. Nó sợ con rồi. Con đánh đau lắm đó.

Quỳnh lo sợ tính của Thắng bạo động giống bố của nó chăng. Hai đứa con cùng do Quỳnh nuôi dạy mà tính tình chúng chẳng giống nhau chút nào. Trái với bé Thắng, mỗi lần đi học, bị bạn chọc là bé Khôi chỉ về nhà khóc với mẹ. Từ lúc học lớp 6, bé Khôi đã rất giỏi về computer. Thời điểm này, computer rất mắc, Quỳnh mua trả góp đến trên sáu ngàn đồng cho Khôi chiếc computer đầu tiên. Cũng từ đó, Khôi táy máy, quậy phá chiếc computer. Một hôm, Khôi về đưa cho Quỳnh 3 đô:

- Con làm ra tiền rồi mẹ.

- Con làm gì mà kiếm được tiền?

- Ông thầy dạy Toán của con bị hư computer, con sửa cho ổng, ổng cho con 3 đô.

- Sao ổng biết con biết sửa computer?

- Hôm trước, con sửa computer cho cô giáo dạy tiếng Anh, cô giáo mua cho con cây kem, rồi cô giáo con nói ổng biết. Hôm nay con đang học giờ tiếng Anh, ổng gọi con qua lớp ổng sửa cho ổng. Me biết không, con sửa có 10 phút hà, con được 3 đô.

-Lỡ nó bị hư nữa thì sao con?

- Con bảo đảm không bị hư nữa đâu. Nhưng nếu hư, con sửa lại hổng ăn tiền.

Kỳ thi xong, Khôi được hạng nhất toàn tiểu bang North Carolina. Hôm tuyên bố kết quả, ông governor của tiểu bang tham dự, có báo chí và ti vi phỏng vấn. Khôi được trường MIT, Stanford, Havard, Duke mời học, nhưng những trường này quá xa Raleigh, nơi Quỳnh đang ở. Lúc này Khôi chỉ mới có 16 tuổi, Quỳnh không đành lòng để con đi xa. Quỳnh nói với Khôi:

- Con học ở North Carolina State University đi con. Tuy là trường chính phủ, không nổi tiếng lắm, nhưng cũng là trường tốt, con lại ở gần mẹ.

Quỳnh mong bé Khôi vào trường Đại học sớm để lỡ khi Quỳnh bị bệnh lao chết đi thì Khôi cũng có tương lai. Khôi được vào trường đại học năm 16 tuổi, không phải qua chương trình trung học. Khôi còn được lãnh học bỗng và tiền grant. Quỳnh được nhẹ gánh lo về Khôi, Quỳnh bớt đi làm việc nên bệnh lao cũng giảm bớt.

Hàng ngày khi về đến nhà, cả ba mẹ con Quỳnh đều lo làm homework nên bà bạn Mỹ hàng xóm gọi gia đình Quỳnh là homework family. Khi nghỉ hè, thay vì đưa Thắng đi summer camp tốn tiền, Quỳnh hay dắt Thắng theo Quỳnh vào lớp học. Quỳnh cho Thắng ngồi ở cuối lớp lấy sách ra đọc hay vẽ tranh. Có lẽ do đó mà Thắng ham học hơn ham chơi. Ngày Quỳnh tốt nghiệp Đại học, hai đứa con cùng dự lễ tốt nghiệp của Quỳnh. Cầm mảnh bằng trong tay, Quỳnh đã khóc, cám ơn nước Mỹ, nước Mỹ đã tạo điều kiện cho Quỳnh, một người mẹ đơn thân nuôi hai đứa con nhỏ, được tốt nghiệp đại học. Quỳnh nghĩ đến bố mẹ Quỳnh ngày xưa không biết sao nuôi nổi cả chục đứa con. Quỳnh nhớ đến Giang, Giang ơi, nếu anh ở bên cạnh em chắc là em không vất vả như bây giờ.

Khôi bảo với Quỳnh:

- Bây giờ mẹ tốt nghiệp Đại học, mẹ có good job rồi, mẹ đừng nên cho bé Thắng vào Đại học sớm như con. Mẹ biết không, vào Đại học sớm, bạn con toàn lớn tuổi hơn con, con không có bạn, con không có thời niên thiếu, mẹ à. Nhiều khi con ước gì con quay lại thời Trung học.

Nghe Khôi nói, Quỳnh thấy tội nghiệp cho con vô cùng. Một thân một mình ở nước Mỹ, không người thân, không bạn bè, Quỳnh vừa đi vừa dò dẫm từng bước, lúc nào cũng sợ bị vấp ngã. Nhưng cuộc đời tránh sao những thiếu sót cơ chứ. Quỳnh thường căn dặn hai con:

- Chúng ta là người Việt Nam, không phải Mỹ, chúng ta lại chẳng có thừa hưởng tài sản nào cả. Do đó chúng ta phải làm việc gấp hai gấp ba một người Mỹ bình thường thì ta chỉ mới được đánh giá là người bình thường. Còn nếu muốn là người xuất sắc, các con phải cố gắng gấp mười lần người ta.

Khi Quỳnh nhận việc làm ở tiểu bang Georgia thì bé Khôi được làm giáo sư giảng dạy ở trường Đại Học North Carolina cho nên chỉ có Quỳnh và bé Thắng đi Georgia thôi. Đến khi vào Đại học, Thắng lại về học ở trường Duke North Carolia. Quỳnh sống một mình, nhớ hai con và nhớ Giang quay quắt. Bây giờ Quỳnh đã già đi nhiều, tóc đã bạc thành màu muối tiêu, mắt đã mờ, lưng đã còng xuống.

Quỳnh nhìn lên sân khấu, Thắng đang bắt tay ông thầy chủ nhiệm khoa đang trao cho Thắng tấm bằng Tiến sĩ. Những ngọn đèn lóe sáng từ những chiếc máy chụp hình làm rạng ngời thêm gương mặt của Thắng. Quỳnh mỉm cười, quyết định của Quỳnh ngày xưa giữ lại đứa con này quả thật là một quyết định hoàn toàn đúng.

Khôi nói với Quỳnh:

- Mẹ về hưu đi mẹ. Con và Thắng sẽ lo cho mẹ đi du lịch vòng quanh thế giới.

Khôi nói thêm vào:

- Đúng rồi đó mẹ, con không muốn thấy mẹ đi làm cực khổ nữa đâu.

Quỳnh vòng tay qua ôm hai đứa con mà nghe hạnh phúc ngập tràn. Cả hai đứa đều hét lên:

- Sao hồi xưa con thấy mẹ cao, bây giờ mẹ lùn quá mẹ ơi.

Trần Ngọc Kim