Hủ Tíu và Phở - Trần Hữu Chí

Hủ Tíu và Phở

Tôi là dân Nam Kỳ, sinh đẻ ở Sài Gòn, mặc dù ông cố tôi là dân “ trôi sông lạc chợ ” từ Thanh Hóa vào Nam từ cuối thế kỷ 19, như bà nội tôi thường nói.

Từ nhỏ đến năm 1954 tôi chẳng nghe ai nói đến món PHỞ trong gia đình mà chỉ nói đến HỦ TÍU và ít khi ăn món hủ tíu nấu trong nhà mà chỉ đợi đến tối khi nghe tiếng gõ "Cắc! Cắc! Cắc!" của chú “ Chệc ” (xin lỗi các bạn gốc Hoa) đẩy xe bán dạo hủ tíu mì thì ra mua hoặc anh em tôi đem “ gà mên ” (gamelles) đến xe mì hủ tíu ở góc phố, ngồi ăn mỗi người một tô tại chỗ và mang hủ tíu về cho ba má trong các “ gà mên ”. Tôi thích ăn hủ tiếu, ngày Chủ Nhật nào tôi cũng đạp xe ra đường Lê Lợi ăn hủ tíu tôm cua của tiệm Phạm Thị Trước, ăn kèm với một bánh “ pâté chaud ”. Quê bà nội tôi ở Mỹ Tho nên món hủ tíu Mỹ tho, khô hay ướt, tôi đều ưa cả và ngay món hủ tíu Nam Vang có tim, gan, lòng heo tôi cũng thích, ăn kèm với bánh “ dàu cháo quảy ” Nhưng dù là loại hủ tíu nào ta đều bỏ giá sống vào tô khi nước lèo còn sôi nóng

Tôi không thích mì vì ăn mì vào là bị nhức đầu, khó chịu Sau nầy khi lớn lên tôi mới hiểu tại sao, khi biết rằng muốn cho mì tươi được dai khi luộc, người Tàu đã đổ nước tro, (potasse KOH, hydroxyde de Potassium), vào khi nhồi bột và chính hóa chất nầy đã gây ra các triệu chứng đó.

***

Món PHỞ tôi chỉ biết sau năm 1954, khi cả triệu bà con miền Bắc “ vô ” Nam. Tôi không thích chữ “ di cư ” vì nó nhắc tôi cái danh từ “ Bắc Kỳ di cư ” mà miền Nam, sau trăm năm Tây đô hộ và cái quái thai “ Nam Kỳ Quốc ” của những năm 1946 - 49, dùng để chỉ đồng bào miền Bắc bỏ nhà cửa tài sản vào Nam sanh sống (và đến phiên một số dân Nam chịu số phận “ di cư ” đó năm 1975).

Tựu trường năm 1954 tôi lên năm thứ Tư Trung học Pétrus Ký. Trường Trung Học Chu Văn An từ ngoài Bắc di chuyển vô Nam được đặt tạm trong một dãy nhà 3 tầng, trước là dãy nội trú của học sinh Pétrus Ký, và học sinh của hai trường đi ra vào ở hai cổng khác nhau (Dãy nhà nầy sau khi trường Chu Văn An dời đi được dùng làm trại lính Công An Xung Phong của nhóm Bình Xuyên và rồi là Trường Đại Học Sư Phạm). Hai trường được ngăn cách bằng các cuộn kẽm gai, như các trại lính. Mỗi ngày khi dẫn xe đạp vào các dãy nhà để xe, sát với dãy lớp học của trường Chu Văn An, chúng tôi nghe tiếng ồn ào đùa giỡn của các học sinh Chu Văn An mà nó xa lạ làm sao và tôi nghe anh bạn ngồi cùng bàn với tôi, tạm gọi là Lân, cũng như một số các bạn tôi nói với nhau tụi “ Bắc Kỳ phở tái ” om sòm quá ! Tôi không hiểu tại sao, vì trong lớp chúng tôi có các bạn gốc miền Bắc, học chung cả mấy năm, sao không có ai dùng danh từ đó để chỉ họ. Vậy thì “ Bắc Kỳ phở tái ” là thế nào? Trước hết tôi phải biết “phở tái” là gì cái đã.

Anh Tâm bạn thân nhất của tôi, dân “Bắc Kỳ cũ”, học cùng lớp ở Pétrus Ký rủ tôi đi ăn phở để cho biết trước đó anh bạn đã nói sơ là nó giống như hủ tíu, nhưng nước lèo nấu với xương bò và thịt cũng là thịt bò, chớ không phải thịt heo.

Tiệm phở là một căn phố khá rộng với bàn ghế sạch sẽ ở trên đường Trần Quí Cáp nối dài. Lần đầu tiên bước vào tiệm phở, mùi mỡ bò, thịt bò xông lên làm tôi hơi khựng lại, nhưng lỡ đâm lao thì phải theo lao, tôi ngồi xuống bàn với anh bạn và một cô gái khoảng 15 tuổi, có lẽ là con gái của ông chủ tiệm, bước đến hỏi chúng tôi với giọng Bắc đặc sệt, khác với giọng Bắc của anh bạn Bắc Kỳ cũ của tôi đã lai quá nhiều giọng Bến Nghé, “Hai anh chọn tái, chín, gân nạm, sụn, nước béo?” Cô ta nói một hơi. Tôi bối rối nhìn anh bạn cầu cứu. Anh ta nhìn tôi. Tôi sực nhớ mục đích khi mình đi ăn phở và chẳng do dự đáp: “Phở tái”, và anh ta thì gọi “Tái nạm”. Nhìn trên bàn tôi thấy có dĩa rau quế, một hũ tương và một dĩa ớt tươi xắt khoanh nhỏ và vài miếng chanh xanh. Khi anh chạy bàn bưng ra hai tô phở mùi vị của nó có vẻ hấp dẫn.

Tôi nhìn tô phở của tôi và giật mình. Các miếng thịt bò còn đỏ tươi màu máu, tôi la lên:

“ Ê ! Tâm ơi ! Thịt sống ! ” Anh bạn bật cười.

“ Thì mầy muốn ăn tái, mầy trộn thịt xuống nước lèo sôi nóng nó sẽ chín”.

Tôi làm như anh ta bảo và nước lèo trở nên màu hồng lạt, như da mặt của cô gái khi nãy. Tôi lại trộn bánh phở lên xuống hai lần nhưng lộ vẻ thất vọng.

“ Mầy tìm cái gì vậy? ” Anh bạn lại hỏi,

“ Giá. Tại sao không có giá? ”. Tôi đáp.

Anh bạn cười ra tiếng:

“ Phở Bắc chứ phải hủ tíu đâu mà có giá. ”

Khi ăn vào, thịt mềm nhai chung với rau quế thơm, húp nước lèo thơm mùi vị hồi, gừng, cộng với vị chua của chanh làm tôi quá thích. Ăn xong tôi dành trả tiền. Khi đi ra ngoài anh bạn hỏi:

“ Thích không?”

“ Ngon ! Nhưng hoàn toàn khác hủ tíu ”. Tôi đáp

“ Tất nhiên rồi ”, anh ta nói

“ Hủ tíu với phở tuy hai mà một, phở với hủ tíu tuy một mà hai ”. Anh ta cười nói tiếp.

Từ đó tôi nảy ra ý kiến kéo đội bóng tròn của lớp tôi đi ăn phở sau trận duợt bóng thay vì đi ăn cơm tấm hay hủ tíu, vì đa số các bạn trong đội bóng, trong đó có anh Lân, đã thường giễu cợt “ Bắc Kỳ phở tái ” để họ thấy “ phở tái ” rất ngon.

Tôi khoe với họ là tôi có đến ăn phở ở một tiệm trong xóm Bàn Cờ, rất ngon và đặc biệt cô gái tiếp khách đẹp lắm, dễ thương lắm. Chỉ cần có thế. Sau trận duợt bóng sáng thứ năm tất cả chúng tôi, 6 đứa con trai ở lứa tuổi 15, 16, kéo đến tiệm phở nói trên và tôi giữ vai hướng dẫn. Mới bước vào, anh chàng Lân, tướng tá cao lớn nhất trong bọn tôi, dán chặt cái nhìn vào cô tiếp khách.

Thủ tục chào khách, mời món ăn được cô lập lại một cách hoàn hảo. Tất nhiên tôi gọi “phở tái” cho toàn đội và tất nhiên những câu “thịt bò còn sống” hay “cho xin giá sống” lại vang lên và tất nhiên tôi lại lên mặt dạy đời:

“ Đây là Phở Bắc chớ phải hủ tíu đâu mà đòi giá sống.”

Trong suốt bửa ăn tôi để ý thấy cái anh chàng Lân mắt không rời cô tiếp khách.

Rồi thời gian trôi nhanh, trường Chu Văn An được chuyển đến cơ sở mới, nhường chỗ cho trại lính Công An Xung Phong Bình Xuyên. Chúng tôi cắm đầu học thi Diplôme, bằng Thành Chung, và thi tuyển lên lớp Seconde, đệ Tam. Số bạn người Bắc ở trong lớp nhiều hơn và đội bóng tròn xưa không còn nữa. Anh Lân và tôi học hai lớp Seconde khác nhau và không nghe ai nói “ Bắc Kỳ phở tái ” nữa.

Sau Tú Tài anh Lân ghi học lớp PCB (Physique Chimie Biologie) ở ĐHKH để soạn thi vào trường Y KHOA và tôi thì học MPC (Math Physique Chimie) để thi bằng Cử Nhân Lý Hóa. Nghề nghiệp, hoàn cảnh đất nước tách rời bạn cũ, mất tin tức.

Rồi một ngày kia, tám năm sau Đại Học, trong đám cưới của cô bạn bác sĩ, tôi thấy một cặp khách mới đi vào, và tôi nhận ra ngay ông chồng là anh bạn Lân, tôi đứng lên đi đến gần và gọi:

“ Lân !”

Anh ta quay lại, nhận ra tôi. Hai đứa mừng rỡ siết tay và Lân giới thiệu:

“ Vợ tao nè ! Bắc Kỳ phở tái. Hi hi hi” , anh ta cười.

Tôi nhận ra đó là cô gái con ông chủ tiệm phở và được biết cô ta tốt nghiệp trường Dược. Lân hỏi tôi

“ Còn mầy thì sao, vẫn ăn hủ tíu hả? ”

Tôi dẫn vợ chồng Lân đến bàn tôi giới thiệu bà xã tôi và tôi trả lời:

“ Tao chọn BÚN BÒ HUẾ. ”

TRẦN HỮU CHÍ

ĐÔNG 2010

Massy France

Xin thân tặng các bạn Pétrus Ký và ĐHKH Sài Gòn cũ