Danh Nhân Khoa Học - Charles Darwin

Danh Nhân Khoa Học

Charles Darwin

(1809 - 1882)

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Charles Darwin (1809-2009) và 150 năm ngày ấn hành quyển On The Origin of Species - Về Nguồn Gốc Chủng Loài (1859-2009).

. Sơ lược Tiểu sử Charles Darwin

. Niềm say mê về Tự Nhiên Học

. Chuyến hải hành của Charles Darwin trên tàu HMS Beagle

. Học Thuyết Tiến Hóa (Theory of Evolution)

. Một số lập luận chỉ trích Học Thuyết Tiến Hóa

. Quyển On The Origin of Species (Về Nguồn Gốc Chủng Loài)

. Những công trình nghiên cứu của Charles Darwin

. Thành Phố Darwin, Bắc Úc

. Năm 2009 – Kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Charles Darwin

và 150 năm ngày ấn hành quyển On The Origin of Species (Về Nguồn gốc Chủng Loài)

. Darwin Symposium 2009 – Hội Nghị Chuyên Đề về Charles Darwin

. Khu Bảo Tàng Di Tích Darwin: “Down House”, Downe, Bromley, Anh Quốc

. Lời kết luận

. Tài liệu tham khảo

Khoa Sinh, ai cũng biết Charles Darwin là nhà Tự Nhiên Học đã đưa ra Học Thuyết Tiến Hóa (Theory of Evolution). Học Thuyết Tiến Hóa đã thay đổi cái nhìn về nguồn gốc loài người, về vị trí của loài người trong thế giới sinh vật và là nền tảng của tất cả các ngành khoa học, nhất là Sinh Vật Học và những ngành Sinh Học hiện đại.

Bước qua năm 2010, xin nhìn lại năm 2009 vừa qua để tưởng nhớ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Charles Darwin, “Ông Tổ” ngành Sinh Vật Học và 150 năm ngày ấn hành đầu tiên quyển On The Origin of Species (Về Nguồn Gốc Chủng Loài).

Sơ lược Tiểu sử Charles Darwin

Charles Robert Darwin sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809 tại Shrewsbury, Anh Quốc. Ông qua đời ngày 19 tháng 4 năm 1882 tại Kent, Anh Quốc, hưởng thọ 73 tuổi.

Một sự trùng hợp trong lịch sử các vĩ nhân: Charles Darwin sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với Tổng Thống Abraham Lincoln (1809 - 1865), vị Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ đã có công to lớn trong việc giải phóng người nô lệ và xóa bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ tại Mỹ.

Charles Darwin

(1809 - 1882)

Charles Darwin sinh ra trong một gia đình quyền quý. Ông nội của ông, Erasmus Darwin (1731 - 1802) là một vị bác sĩ nổi tiếng và giàu có thời bấy giờ; ông cũng là một nhà thơ và là một triết gia. Hầu hết thân chủ của vị bác sĩ này đều giàu có. Tuy nhiên ông nội của Charles Darwin khi chữa bệnh cho những bệnh nhân nghèo thì thường chẳng những không lấy tiền của họ mà còn cho họ tiền bạc và thực phẩm. Cha của Charles Darwin, Robert Waring Darwin (1766 - 1848), cũng là một vị bác sĩ rất được mọi người kính trọng. Đặc biệt, cha của Charles Darwin là một người rất to lớn, ông nặng đến 300 pounds (136kg), cao đến 6 feet (gần 1,90m).

Mẹ của Charles Darwin là bà Susannah Wedgwood (1764 - 1817), con gái của người bạn thân của ông nội ông là Josiah Wedgwood (1730 - 1795). Charles Darwin là người con thứ năm trong gia đình, ông có 3 người chị, 1 anh trai và 1 em gái.

Hai gia đình Darwin và Wedgwood có quan hệ rất mật thiết và cả hai đều tham gia phong trào chống chế độ nô lệ thời bấy giờ. Lúc ấy là thời gian trị vì của vua King George III (1738 - 1820) tại Anh quốc.

Ngày 29 tháng 1 năm 1839, tại thánh đường St. Peter ở Maer, Anh Quốc, Charles Darwin làm lễ thành hôn với Emma Wedgwood (1808 - 1896), con gái út của người cậu ruột của ông, “Cậu Jos” (Uncle Jos), cũng tên là Josiah Wedgwood (1769 - 1843). Lúc ấy Emma 30 tuổi còn ông mới 29. Từ thuở còn ấu thơ, Charles thường chơi thân với Emma. Emma là một tín đồ Anh Quốc Giáo thuộc Giáo Phái Nhất Thể (Anglican – Unitarian) rất ngoan đạo, do đó những tư tưởng và ý niệm về nguồn gốc chủng loài và sự tiến hóa của Charles Darwin có nhiều ảnh hưởng rất lớn đối với niềm tin tôn giáo của bà.

Charles và Emma có 10 người con, 6 trai và 4 gái. Khi Emma có thai người con thứ ba thì gia đình Darwin dọn về khu nhà Down House thuộc làng Downe ở Kent, cách London khoảng 16 dặm (khoảng gần 26km) về phía nam. Người con thứ ba Mary Eleanor sinh ngày 23 tháng 9 năm 1842 đã chết non khi chỉ mới được 23 ngày (ngày 16 tháng 10 năm 1842). Do đó những tháng ngày đầu tiên khi dọn về Down House là những tháng ngày buồn bã. Ngày 23 tháng 4 năm 1851, người con thứ hai của ông, Anne Elizabeth (sinh tháng 3 năm 1841) từ trần vì bệnh lao phổi lúc chỉ mới 10 tuổi. Sự kiện này có ảnh hưởng rất lớn đến việc Charles Darwin từ bỏ niềm tin tôn giáo của ông. Ông rất thương cô con gái lớn này, ông không thể tưởng tượng nổi vì sao “Một Đấng Tối Cao” luôn yêu thương và tha thứ mà có thể để cho một bé gái dễ mến, vô tội bị đau đớn bởi cơn bệnh và chết đi khi chỉ mới 10 tuổi.

Tại Down House, Charles Darwin đã tiến hành những công trình nghiên cứu về Sinh Vật Học và Tự Nhiên Học trong suốt 40 năm, từ năm 1842 đến khi ông mất năm 1882.

Charles Darwin qua đời vào khoảng 4 giờ chiều ngày 19 tháng 4 năm 1882 tại ngôi nhà Down House của ông sau một cơn suy tim (Heart attack), hưởng thọ 73 tuổi. Ngày 29 tháng 4 năm 1882 ông được an táng tại nghĩa trang Westminster Abbey, cùng nơi an nghỉ của nhà Vật Lý Học nổi tiếng Isaac Newton (1643 - 1727) và nhà Địa Chất Học Charles Lyell (1797 - 1875). Đám tang của ông rất trọng thể, có sự tham dự của nhiều nhà khoa học, nhiều nhân sĩ nổi tiếng thời bấy giờ và những đại diện của nhiều quốc gia: Mỹ, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Nga, ... cùng tất cả tang quyến; tuy nhiên vợ ông, bà Emma không tham dự buổi lễ an táng của ông.

Niềm say mê về Tự Nhiên Học

Từ trước, ông nội của Charles Darwin đã tìm hiểu về thiên nhiên và đã có những ý tưởng giải thích nguồn gốc và sự phát triển của sự sống. Năm 1794, trong quyển Zoonomia, ông đã bàn về hướng tăng trưởng của những loài cây có thân leo, sự thụ phấn chéo trong các loài thực vật và việc thuần hóa những loài thú hoang dã. Trong một số nghiên cứu khác, ông cũng đã đưa ra một số nhận định về di truyền qua sự sinh sản hữu tính trong sinh vật. Điều này có tầm ảnh hưởng rất lớn cho những ý tưởng về Tự Nhiên Học của Charles Darwin.

Thuở nhỏ, Charles Darwin sống tại ngôi nhà “The Mount” ở Shrewsbury. Ông thường đến chơi với gia đình người cậu ruột, “Cậu Jos” (Uncle Jos), Josiah Wedgwood, sau này là cha vợ của ông.

Sau khi mẹ của ông, bà Susannah, qua đời lúc ông chỉ mới 8 tuổi, ông được theo học trường nội trú tại Shrewsbury. Ngôi trường này chỉ cách nhà ông khoảng một dặm đường (khoảng hơn 1,5km), nên những ngày cuối tuần hoặc những buổi chiều ông thường đi bộ về. Những khi về, ông thường bắt những con bọ cánh cứng để sưu tập hoặc tham gia những thí nghiệm hóa học cùng với người anh là ông Erasmus Alvery Darwin (1804 - 1881) tại nhà kho trong vườn nhà. Charles không thích những môn học về ngôn ngữ Latin và Greek cùng những môn Sử Địa ở trường Shrewsbury, do đó ông không phải là một học sinh giỏi. Điều này làm cho cha của ông không mấy hài lòng. Đến khoảng 15 tuổi thì Charles lại chán môn Hóa Học và lại thích săn bắn. Cha ông cho ông nghỉ học và bắt ông phụ việc trong phòng mạch. Tại đây, Charles có nhiệm vụ ghi chép bệnh sử của những bệnh nhân và học hỏi về Y Học để chuẩn bị vào Đại Học Y Khoa. Năm 1825, ông vào học Y Khoa tại Viện Đại Học Edinburgh University, cùng với người anh trước đó đã theo học ở đây.

Tuy ông nội và cha đều là những bác sĩ nổi tiếng, Charles Darwin không thích ngành Y Khoa cho lắm. Ông cảm thấy nhàm chán khi phải dự những buổi giảng về Y Học và nhận thấy những ca mổ mà thời bấy giờ bệnh nhân không được gây mê thật là rùng rợn. Sở thích của ông là thiên nhiên, do đó đến năm thứ Hai tại Đại Học Edinburgh ông lơi dần những buổi học về Y Học và chú tâm tìm hiểu về Vạn Vật Học. Ông la cà đến những làng đánh cá để phân loại các loài cá mà các ngư dân đánh bắt được. Ông rất say mê những nghiên cứu về hải miên (sponge) của nhà Động Vật Học Robert Edmond Grant (1793 - 1874). Nhờ đó ông trở nên thích thú trong việc tìm hiểu những loài động vật không xương sống ở biển. Ông tham gia nhiều chuyến du khảo và nhiều buổi thuyết trình về khoa học. Ông cũng tham gia nhiều buổi thuyết trình của nhà Điểu Học (Ornithologist) và cũng là một họa sĩ người Mỹ John James Audubon (1785 - 1851). Từ đó ông đã học được cách bảo quản các loài chim và thích khoa nhồi bông thú (Taxidermy).

Khi biết Charles Darwin không thích ngành Y và không thể trở thành bác sĩ Y Khoa, cha của ông muốn ông trở thành một Mục Sư trong Giáo Hội Anh Quốc. Do đó năm 1828, ông được theo học Thần Học tại Viện Đại Học Cambridge University, nhưng càng tìm hiểu về Tự Nhiên Học, ông càng thấy khó có thể chấp nhận những điều đã được ghi trong Thánh Kinh.

Thay vì tập trung học về Thần Học, ông lại cùng nhiều bạn khác có cùng sở thích, trong đó có người anh họ là William Darwin Fox (1805 - 1880), tham gia đi bắt các loài bọ cánh cứng và sưu tập nhiều loại cây cỏ.

Về sau, cũng tại Cambridge University, Charles may mắn được gặp nhà Thực Vật Học John Stevens Henslow (1796 - 1861). Ông được tham gia nhiều chuyến du khảo cùng với nhà Thực Vật Học này và rất say mê những bài giảng về Tự Nhiên Học. Giáo Sư Henslow cũng khuyến khích Charles đọc nhiều sách về Vạn Vật Học và còn giới thiệu Charles cho nhà Địa Chất Học Adam Sedgwick (1785 -1873). Từ đó Charles theo học ngành Địa Chất, cùng tham gia những chuyến du khảo để nghiên cứu địa chất ở vùng North Wales và đã học được cách sử dụng những dụng cụ đo đạc và nghiên cứu về Địa Chất Học. Ông tốt nghiệp Đại Học ngày 26 tháng 4 năm 1831, đứng hàng thứ 10 trong lớp có 178 sinh viên.

Sau khi tốt nghiệp, ông được Giáo Sư George Peacock (1791 - 1858), một nhà Thiên Văn Học tại Viện Đại Học Cambridge University, mời tham gia những chuyến du hành vòng quanh thế giới.

Chuyến hải hành của Charles Darwin trên tàu HMS Beagle

Tàu HMS Beagle (HMS: His Majesty's Ship) đã tiến hành những chuyến thám hiểm và khảo sát vùng bờ biển Nam Mỹ lần thứ nhất từ năm 1826 đến 1830.

Để chuẩn bị cho chuyến thám hiểm và khảo sát lần thứ nhì của tàu này, Thuyền Trưởng Robert FitzRoy (1805 - 1865) cần sự tham gia của một nhà Tự Nhiên Học. Do đó Charles Darwin đã được Giáo Sư Henslow giới thiệu để tham gia chuyến hải hành này. Nhưng lúc đầu cha của Charles không cho ông tham gia vì nhiều lý do, trong đó có lý do là chiếc tàu này nặng đến 242 tấn mà chiều dài chỉ có 90 feet (khoảng 2,7m), được giới hàng hải gọi đùa là “cái hòm” (“coffin”) vì tàu có thể dễ dàng bị chìm khi biển động mạnh. Như nhiều lần trước, Charles phản đối ý định của người cha và đi tìm ông cậu Jos (Uncle Jos) ở cách xa hơn 20 dặm (khoảng hơn 32km) để nhờ ông cậu thuyết phục cha của mình. Nhờ người cậu Jos – sau này là cha vợ – mà Charles Darwin mới có cơ hội tham gia chuyến hải hành lần thứ nhì của tàu HMS Beagle, “chuyến hải hành lịch sử”. Lúc ấy, Charles Darwin mới 22 tuổi, còn Thuyền Trưởng FitzRoy 26 tuổi.

Charles được bố trí một phòng trên tàu. Ông mang theo nhiều dụng cụ khoa học như kính hiển vi, chai lọ dùng đựng các mẫu vật, sách vở, tài liệu, ...

Ngày 27 tháng 12 năm 1831, tàu HMS Beagle khởi hành từ cảng Plymouth và trở về Anh Quốc ngày 2 tháng 10 năm 1836 sau một chuyến hải hành kéo dài tổng cộng 1.737 ngày.

Trong chuyến thám hiểm và khảo sát lần thứ nhì này, tàu HMS Beagle đã ghé qua nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Úc Châu, Nam Phi, nhiều nước dọc theo bờ biển Nam Mỹ như Chí Lợi (Chile), Ba Tây (Brazil), ghé qua nhiều hải cảng như Montevideo ở Uruguay, Rio de la Plata và Buenos Aires ở Á-Căn-Đình (Argentina), Valparaíso ở Chí Lợi, … và nhiều hải đảo khác như quần đảo Falkland Islands. Trải qua chuyến hải hành dài 5 năm này, Charles Darwin đã khảo sát và ghi nhận nhiều hiện tượng địa chất của những vùng đã viếng qua. Ông còn thu thập nhiều mẫu đất đá, san hô, xương động vật, vật hóa thạch, vỏ ốc, cây cỏ, chim thú, cùng nhiều loài sinh vật khác. Charles Darwin đã ghi lại tất cả những nhận xét về môi trường, sinh hoạt, đời sống, … của những cây cỏ, chim muông và nhiều động vật trong quyển nhật ký của ông để sau này viết quyển The Voyage of the Beagle.

Ngoài việc khảo sát dọc theo bờ biển các nước, Charles Darwin còn đi thám hiểm sâu vào trong đất liền. Ông đã trải qua nhiều cuộc phiêu lưu mạo hiểm trong những rừng mưa nhiệt đới ở Ba Tây, những cánh đồng cỏ khô cằn của xứ Á-Căn-Đình, những vùng núi non hiểm trở của dãy Andes, ...

Tháng 9 năm 1832, khi đến một vùng vách đá cách cảng Buenos Aires, Á-Căn-Đình khoảng 400 miles (644km) về phía nam, Charles Darwin khám phá nhiều mảnh xương động vật và vỏ sò ốc. Tại đây ông đào được một bộ xương đã hóa thạch có xương hàm to lớn của một loài động vật hữu nhũ có tên là Megatherium (tiếng Anh gọi là “sloth”). Lúc ấy người ta được biết chỉ có một mẫu vật duy nhất còn tương đối nguyên vẹn của loài động vật này được lưu giữ tại Âu Châu. Từ đó, Charles Darwin bắt đầu có ý niệm về sự tuyệt chủng. Đây là một trong những khám phá kỳ diệu của ông.

Charles cũng đã được chứng kiến hoạt động của ngọn núi lửa Mt. Osorno ở Chí Lợi ngày 26 tháng 11 năm 1834. Ông cũng đã thoát hiểm và sống sót trong cơn động đất tại Valdivia, Chí Lợi đã phá hủy toàn bộ Thành Phố Concepción ngày 20 tháng 2 năm 1835. Đó là những kinh nghiệm thực tế kiểm chứng cho những lý thuyết về Địa Chất Học ông đã đọc qua trong quyển Principles of Geology (Những Nguyên Lý về Địa Chất Học) của nhà Địa Chất Học Charles Lyell (1797 - 1875).

Vào năm 1834, trong một chuyến thám hiểm từ Valparaíso đến những ngọn núi cao của dãy Andes, Charles tìm thấy những trầm tích có nguồn gốc từ biển cùng với di tích một khu rừng đã bị hóa thạch. Điều này chứng tỏ rằng khi xưa lục địa Nam Mỹ nằm sâu dưới lòng đại dương, lần lần lục địa này mới trồi lên cao đến hơn 7.000 feet (hơn 2,000 mét) như ngày nay.

Tháng 3 năm 1835, trong khi thám hiểm vùng núi Andes, Charles ngã bệnh nặng, ông bị nóng sốt, nhiệt độ cơ thể rất cao. Sau này người ta nghi rằng ông đã bị nhiễm ký sinh trùng Trypanosoma cruzi. Đây là một loài nguyên sinh động vật được lây truyền qua một loài côn trùng có tên là Triatoma infestans (tiếng Anh gọi là "benchuga bug"). Khi bị loài côn trùng này chích, ký sinh trùng Trypanosoma cruzi nhiễm vào máu sẽ tấn công mô cơ tim và phá hủy các dây thần kinh trong đường ruột làm rối loạn hoạt động của tim mạch và rối loạn tiêu hóa. Chứng bệnh này, gọi là “Chagas’s disease”, hằng năm đã gây tử vong cho khoảng 50 ngàn người (từ 10% đến 20% người bị nhiễm bệnh) tại Châu Mỹ La Tinh.

Tháng 9 năm 1835, tàu HMS Beagle ghé qua một quần đảo có tên là Galápagos Islands, cách bờ biển phía tây lục địa Nam Mỹ khoảng 600 dặm (1,000km). Quần đảo này được đặt tên theo tên của một giống rùa khổng lồ sống trên quần đảo có tên khoa học là Geochelone elephantopus. Dân trên đảo cho biết họ có thể nhận biết được một con rùa thuộc một đảo nào trong quần đảo nhờ hình dạng và đặc tính của mai rùa. Tàu Beagle lưu lại quần đảo này khoảng 5 tuần. Trong thời gian này, Charles Darwin đã thám hiểm tất cả 4 đảo chính trong số 16 đảo thuộc quần đảo. Ông đã ghi nhận những đặc tính khác biệt của 4 loài chim thuộc giống Nesomimus (mockingbirds). Ông cũng đã sưu tập nhiều loài chim thuộc bộ chim sẻ (finches) mà sau này nhà Điểu Học John Gould (1804 - 1881) nghiên cứu và xác định những đặc tính của các loài chim này khác biệt nhau ở từng đảo trong cùng một quần đảo.

Tàu HMS Beagle đến lục địa Úc Châu ngày 12 tháng 1 năm 1836, đã ghé qua Sydney, Hobart thuộc Tasmania và vùng Georges Sound thuộc Tây Úc. Tại Úc, Charles Darwin đã dùng ngựa để đi thám hiểm sâu trong nội địa, xuyên qua dãy núi Blue Mountain đến tận vùng Bathurst. Ông đã nhìn thấy tận mắt con kangaroo và nhiều loài sinh vật khác của lục địa Úc Châu. Đặc biệt, ông là nhà Tự Nhiên Học người Anh đầu tiên đã quan sát loài thú mỏ vịt Platypus trong môi trường sống tự nhiên của nó tại một dòng suối gần vùng Bathurst. Platypus là một loài động vật hữu nhũ có tên khoa học là Ornithorhynchus anatinus, có thể sống được trên cạn và dưới nước, được tìm thấy ở miền đông lục địa Úc Châu và Tasmania.

Khi viếng quần đảo san hô Cocos (Keeling) Islands cách Perth khoảng 1,700 miles (2.800km) về phía tây bắc, Charles đã nhận xét và đưa ra giả thuyết về sự hình thành những rặng san hô. Ông cho rằng những rặng san hô được phát triển trên nham thạch núi lửa, sau đó các đảo chìm dần xuống lòng biển do sức nặng của chính những đảo đó cộng với sức nặng tăng dần của san hô đang tăng trưởng. Dần dần những dãy san hô dọc theo vùng biên của đảo bị đẩy trồi lên tạo thành những rặng san hô. Sau này giả thuyết của ông đã được kiểm chứng khi người ta khoan lớp san hô tại vùng Eniwetok Atoll sâu đến hơn 1.000 mét (3,281 feet) mới đến lớp nham thạch núi lửa nằm sâu trong lòng đại dương.

Sau chuyến hải hành dài 5 năm này, Charles Darwin đã đem về Anh Quốc 1.529 mẫu vật được bảo quản trong những chai lọ chứa rượu cồn (alcohol) và 3.907 mẫu vật đã được phơi khô. Ông đã giao những bộ sưu tập về cá, các loài bò sát, chim, thú, vật hóa thạch, v.v... cho các nhà chuyên môn về Phân Loại Học. Ông giữ lại các mẫu đất đá, các loài động vật không xương sống và các mẫu cây cỏ để ông tự nghiên cứu, mô tả và phân loại.

Tóm lại Charles Darwin đã nhìn nhận rằng ông đã thật sự học hỏi rất nhiều về Vạn Vật Học và Tự Nhiên Học qua chuyến hải hành lần thứ nhì của tàu HMS Beagle. Sự đa dạng của các loài sinh vật và những kinh nghiệm đã trải qua giúp ông hình thành khái niệm về sự tiến hóa của các loài sinh vật.

Học Thuyết Tiến Hóa (Theory of Evolution)

Charles Darwin giải thích về sự đa dạng của các loài sinh vật. Loài người cũng đã được xếp chung với những loài động vật khác vì cũng có những đặc tính tương tự.

Ông đã đưa ra những bằng chứng khoa học để chứng minh rằng tất cả mọi loài sinh vật, kể cả loài người, đều có chung một nguồn gốc tổ tiên, cùng phát sinh hay phát triển tuần tự từ một tổ tiên chung trải qua quá trình “Chọn Lọc Tự Nhiên” (Natural Selection) kéo dài hàng triệu năm. Tất cả mọi loài sinh vật đều được tuần tự phát sinh hay phát triển từ những dạng sinh vật đơn giản hay cấp thấp cho đến những dạng phức tạp hơn hay cấp cao hơn.

Trong tự nhiên, có rất nhiều “biến thể”, và trong sự “đấu tranh sinh tồn” (struggle for survival), những “biến thể thuận lợi” cho một loài sinh vật sẽ được bảo tồn cho những thế hệ sau, còn những “biến thể không thuận lợi” sẽ bị loại trừ. Đây là quá trình tiến hóa đưa đến sự hình thành các loài sinh vật mới thích ứng nhất với môi trường sống. Chính môi trường sống đã chọn lọc và bảo tồn những loài sinh vật có những đặc tính tối ưu, có thể thích ứng với môi trường sống này.

Quyển sách On The Origin of Species (Về Nguồn Gốc Chủng Loài) của ông đã làm “chấn động” những tư tưởng hay quan điểm tôn giáo thời bấy giờ, nhất là niềm tin vào một “Đấng Sáng Tạo” đầy quyền năng đã sáng tạo ra vũ trụ, sáng tạo ra loài người cùng tất cả các loài sinh vật khác. Rất nhiều người thời bấy giờ đã sửng sốt về khái niệm con người đã được hình thành qua quá trình tiến hóa từ những sinh vật cấp thấp.

Học thuyết Tiến Hóa đã làm thay đổi cái nhìn về vị trí của loài người trong thế giới sinh vật và cái nhìn về vũ trụ.

Vào thời Darwin, Học Thuyết Tiến Hóa là một đề tài được tranh luận sôi nổi. Có nhiều phe phái chỉ trích Charles Darwin và Học Thuyết này, như có bức tranh biếm họa vẽ hình Charles Darwin có thân hình là con khỉ đột với một cái đuôi dài và mình đầy lông lá.

Một số lập luận chỉ trích Học Thuyết Tiến Hóa

Hiện nay vẫn còn nhiều tranh luận giữa hai quan điểm: quan điểm “Sáng Tạo” (“Creation”) và quan điểm “Tiến Hóa” (“Evolution”). Quan điểm “Sáng Tạo” hay quan điểm tôn giáo tin rằng loài người được một “Đấng Tối Cao” sáng tạo ra cùng với tất cả các loài sinh vật khác. Còn quan điểm “Tiến Hóa” hay “Darwinism” giải thích rằng loài người được phát triển từ các dạng tổ tiên thuộc Bộ Linh Trưởng (Order Primates) qua quá trình tiến hóa hàng triệu năm.

Một trong nhiều lý lẽ mà Học Thuyết Tiến Hóa bị chỉ trích là hiện nay vẫn còn thiếu những bằng cớ chứng minh loài người đã được hình thành qua quá trình tiến hóa từ những dạng tổ tiên thuộc Bộ Linh Trưởng. Trong số những bộ xương sọ được tìm thấy trên khắp thế giới, hãy còn thiếu rất nhiều những bộ xương sọ của những dạng chuyển tiếp từ những dạng Linh Trưởng sơ khai nhất cho đến loài người hiện đại.

Ngoài ra, hiện nay cũng còn thiếu rất nhiều vật hóa thạch của những loài sinh vật trung gian từ những sinh vật đơn bào đơn giản nhất cho đến những loài sinh vật có cấu trúc phức tạp hơn, nhằm chứng minh sự phát sinh hay phát triển tuần tự của những loài sinh vật bậc cao, có cấu trúc phức tạp từ những loài sinh vật cấp thấp, có cấu trúc đơn giản.

Quan điểm chỉ trích Học Thuyết Tiến Hóa của Darwin cũng cho rằng đây mới chỉ là một “Học Thuyết” (Theory) chớ chưa phải là một “Nguyên Lý” (Principle) hay một “Định Luật” hay “Quy Luật” (Law), như những “Định Luật” hay “Quy Luật” Khoa Học.

Quan điểm chỉ trích cũng cho rằng Học Thuyết Tiến Hóa cũng không “đúng hẳn” vì ngày nay người ta cũng đã khẳng định rằng ngay cả những sinh vật đơn bào, như vi trùng chẳng hạn, được coi như là những sinh vật thuộc dạng đơn giản nhất trong các giới sinh vật, cũng đã có cấu trúc tế bào phức tạp và mỗi thành phần trong tế bào cũng có những vai trò nhất định.

Quyển On The Origin of Species (Về Nguồn Gốc Chủng Loài)

Lần đầu tiên khi được xuất bản, tựa quyển sách này là “On the Origin of Species by Means of Natural Selection, or the Preservation of Favoured Races in the Struggle for Life” (xin tạm dịch: Về Nguồn Gốc Chủng Loài Thông Qua Sự Chọn Lọc Tự Nhiên, hay Sự Bảo Tồn Giống Ưu Thế trong Sự Đấu Tranh cho Sự Sống). Sách gồm 502 trang, do nhà xuất bản John Murray, London phát hành ngày 24 tháng 11 năm 1859, đến năm 2009 vừa qua là đúng 150 năm.

Tất cả 1.250 bản đã được bán sạch ngay ngày đầu tiên sách được phát hành.

Sau đó, vào thời Darwin, quyển sách này đã được tái bản nhiều lần: lần thứ nhì, 3.000 bản ngày 7 tháng 1 năm 1860; lần thứ ba, 2.000 bản vào tháng 4 năm 1861; lần thứ tư, 1.250 bản ngày 15 tháng 12 năm 1866; lần thứ năm, 2.000 bản ngày 7 tháng 8 năm 1869; lần thứ sáu, 3.000 bản ngày 19 tháng 2 năm 1872.

Trong lần tái bản sau cùng, sách có thêm một chương mới. Đặc biệt trong lần này, Darwin lần đầu tiên dùng từ ngữ “evolution” (“sự tiến hóa”) thay vì từ ngữ “evolved” (“phát sinh”, “phát triển tuần tự”) như trong những lần xuất bản trước.

Quyển On the Origin of Species by Means of Natural Selection, or the Preservation of Favoured Races in the Struggle for Life của Charles Darwin xuất bản ngày 24 tháng 11 năm 1859 tại London

http://darwin-online.org.uk/

Vào thời Darwin, quyển sách này đã được dịch sang 11 ngôn ngữ Âu Châu, và cho đến ngày nay đã được dịch sang ít nhất là 29 ngôn ngữ khác nhau. Quyển được dịch sang tiếng Nhật đầu tiên xuất bản năm 1896 và quyển được dịch sang Hoa ngữ đầu tiên xuất bản năm 1903. Không rõ quyển này đã được dịch sang Việt ngữ chưa?

Quyển On the Origin of Species (Về Nguồn Gốc Chủng Loài)

Lời Giới Thiệu của Richard Keynes - 2006

Nhà Xuất Bản The Folio Society, London - Tái bản lần thứ 6, năm 2009

Ảnh: TLQuan, Jan.2010

Những công trình nghiên cứu của Charles Darwin

Ngoài quyển On The Origin of Species (Về Nguồn Gốc Chủng Loài), Charles Darwin còn có nhiều công trình nghiên cứu về Tự Nhiên Học, Vạn Vật Học, Thực Vật Học, Sinh vật Học, v.v...

Sau chuyến hải hành trên tàu HMS Beagle (1831 - 1836), Charles Darwin, cùng với nhiều tác giả khác, xuất bản một số sách ghi lại những nhận xét của ông về những hiện tượng địa chất, những động vật, thực vật và nhiều hiện tượng thiên nhiên khác.

(Ghi chú: Những tựa sách bằng tiếng Việt trong dấu ngoặc ( ) dưới đây do người viết tạm dịch)

Thí dụ:

- Quyển The Zoology of the Voyage of H.M.S. Beagle, under the Command of Captain Fitzroy, During the Years 1832 to 1836 (Động Vật Học ghi nhận qua chuyến hải hành của tàu HMS Beagle, dưới sự chỉ huy của Thuyền Trưởng Fitzroy, từ năm 1832 đến 1836), xuất bản năm 1838-1843 – Nhà Xuất Bản Smith Elder, London.

- Bộ sách Narrative of the Surveying Voyages of His Majesty’s Ships Adventure and Beagle, etc. (Tường Thuật về Những Chuyến Khảo Cứu của Đội Thuyền Hoàng Gia và Chiếc Thuyền The Beagle, v.v...), xuất bản năm 1839 – Nhà Xuất Bản Henry Colburn, London. Bộ sách này gồm 3 quyển. Charles Darwin viết quyển thứ ba có tựa là Journal and Remarks, 1832-1836 (Nhật Ký và Nhận Xét, 1832-1836) gồm 615 trang.

Năm 1839, Nhà Xuất Bản Henry Colburn tái bản riêng quyển này với tựa đề là Journal of Researches into the Geology and Natural History of Various Countries Visited by H.M.S. Beagle Round the World Under the Command of Capt. Fitzroy, R. N. (Nhật Ký những Nghiên Cứu về Địa Chất Học và Vạn Vật Học của những Quốc Gia trên thế giới được chuyến tàu H.M.S. Beagle ghé qua, dưới sự chỉ huy của Thuyền Trưởng Fitzroy).

Năm 1905, nhà in Harmsworth Library, London in lại sách này với tựa đề ngắn gọn hơn: The Voyage of the Beagle (Chuyến Hải Hành của Tàu the Beagle).

- Quyển The Structure and Distribution of Coral Reefs: Being the First Part of the Goelogy of the Voyage of the Beagle, under the Command of Capt. Fitzroy, R. N. During the Years 1832-1836 (Cấu trúc và sự phân bố của những Rặng San Hô: phần thứ nhất trong chương Địa Chất Học, ghi nhận qua chuyến hải hành của tàu HMS Beagle, dưới sự chỉ huy của Thuyền Trưởng Fitzroy, từ năm 1832 đến 1836), xuất bản năm 1842 – Nhà Xuất Bản Smith Elder, London.

- Quyển Geological Observations on the Volcanic Islands Visited During the Voyage of H.M.S. Beagle, Together with Some Brief Notices of the Geology of Australia and the Cape of Good Hope: Being the Second Part of the Geology of the Voyage of the Beagle, under the Command of Capt. Fitzroy, R. N. During the Years 1832-1836 (Ghi chú về những khảo sát Địa Chất vùng Volcanic Islands đã ghé qua trong chuyến hải hành của tàu HMS Beagle, cùng với một số nhận xét sơ lược về Địa Chất Học lục địa Úc Châu và vùng Cape of Good Hope: phần thứ nhì trong chương Địa Chất Học, ghi nhận qua chuyến hải hành của tàu HMS Beagle, dưới sự chỉ huy của Thuyền Trưởng Fitzroy, từ năm 1832 đến 1836), xuất bản năm 1844 – Nhà Xuất Bản Smith Elder, London.

- Quyển Geological Observations on South America: Being the Third Part of the Geology of the Voyage of the Beagle, under the Command of Capt. Fitzroy, R. N. During the Years 1832-1836 (Ghi chú về những khảo sát Địa Chất vùng Nam Mỹ: phần thứ ba trong chương Địa Chất Học, ghi nhận qua chuyến hải hành của tàu HMS Beagle, dưới sự chỉ huy của Thuyền Trưởng Fitzroy, từ năm 1832 đến 1836), xuất bản năm 1846 – Nhà Xuất Bản Smith Elder, London.

Một số công trình nghiên cứu khác về Tự Nhiên Học và Sinh Vật Học của Charles Darwin:

- Bộ sách The Descent of Man and Selection in Relation to Sex (Nguồn gốc loài người và sự chọn lọc liên quan đến giới tính), gồm 2 quyển, quyển 1 xuất bản năm 1870, quyển 2 xuất bản năm 1871 – Nhà Xuất Bản John Murray, London. Trong sách này, lần đầu tiên Darwin dùng thuật ngữ “sự tiến hóa” (“evolution”) như chúng ta hiểu ngày nay.

- Quyển The Expression of Emotions in Man and Animals (Những biểu lộ tình cảm ở người và động vật), xuất bản năm 1872 – Nhà Xuất Bản John Murray, London, là quyển sách đầu tiên nghiên cứu về cách hành xử của giới động vật (Animal behaviour).

- Quyển Insectivorous Plants (Những loài thực vật ăn thịt côn trùng), xuất bản năm 1875 – Nhà Xuất Bản John Murray, London, ghi lại những thí nghiệm của Charles Darwin trong 15 năm trên loài cây ăn thịt Drosera. Trong sách này, ông giải thích về sự thích ứng để sinh tồn của loài cây này trong môi trường thiếu chất đạm bằng cách tiêu hóa những loài côn trùng có hàm lượng chất đạm cao trong cơ thể.

- Trong quyển The Effects of Cross- and Seft- Fertilisation in the Vegetable Kingdom (Ảnh hưởng của sự thụ phấn chéo và sự tự thụ phấn trong giới thực vật), xuất bản năm 1876 – Nhà Xuất Bản John Murray, London, Charles Darwin đã chứng minh những thế hệ cây cỏ sản sinh từ sự thụ phấn chéo có những đặc tính ưu thế hơn những thế hệ cây cỏ sản sinh từ sự tự thụ phấn.

- Năm 1877 Charles Darwin xuất bản quyển The Different Forms of Flowers on Plants of the Same Species (Các dạng hoa khác nhau của những thực vật cùng loài) – Nhà Xuất Bản John Murray, London. Đây là công trình nghiên cứu của ông và người con trai ông, Francis Darwin (1848 - 1925), xác định tính ưu thế của sự thụ phấn chéo.

Thành Phố Darwin, Bắc Úc

Darwin, thủ phủ của lãnh thổ Bắc Úc (Northern Territory of Australia), là thành phố mang tên Charles Darwin. Thành Phố Darwin được thành lập từ năm 1869, có diện tích khoảng 112km2 (43.2sq.mi). Darwin được coi là một thành phố “đa văn hóa” với dân số hiện nay khoảng 120.000, bao gồm khoảng 60 quốc tịch và hơn 70 cộng đồng sắc tộc khác nhau, kể cả các cộng đồng người thổ dân Úc (người Việt gọi là “Úc đen”). Cách thủ phủ Darwin khoảng hơn 21km (12miles) về phía nam còn có Thành Phố Palmerston, dân số khoảng 28.000 (khoảng 12% dân số của toàn lãnh thổ Bắc Úc).

Vào tháng 9 năm 1839, tàu HMS Beagle lãnh nhiệm vụ thám hiểm và khảo sát hải phận vùng cực Bắc (Top End) lục địa Úc Châu. Charles Darwin không có tham gia chuyến hải hành lần thứ ba này. Ngày 9 tháng 9 năm 1839, tàu HMS Beagle đến hải cảng vùng cực Bắc Úc Châu. Thuyền Trưởng John Clements Wickham (1798 - 1864) và Đại Úy John Lort Stokes (1812 - 1885) đã đặt tên hải cảng này là “Port Darwin” để tưởng nhớ Charles Darwin, người bạn đồng hành của hai ông trên chuyến hải hành của tàu HMS Beagle lần thứ nhì (1831-1836). Để tưởng niệm sự việc này, Hội Đồng Thành Phố Darwin có làm những mẫu phục chế những cái chuông trên tàu HMS Beagle và dựng tượng Charles Darwin trong khuôn viên của Hội Đồng Thành Phố. Ở Darwin, còn có bến cảng Stokes Hill Wharf mang tên vị Đại Úy John Lort Stokes, người đã vinh danh Charles Darwin khi đặt tên cho hải cảng “Port Darwin”.

Thành Phố Darwin có hai nơi được vinh dự mang tên Charles Darwin là Viện Đại Học “Charles Darwin University” và Lâm Viên Quốc Gia “Charles Darwin National Park”.

Viện Đại Học Charles Darwin University, trước kia là Viện Đại Học Bắc Úc (Northern Territory University), được mang tên “Charles Darwin” từ năm 2004. Charles Darwin University có nhiều cơ sở ở rải rác khắp nơi trên lãnh thổ Bắc Úc: Casuarina, Palmerston, Alice Springs, Katherine, Nhulunbuy, Jabiru, Tennant Creek và Yulara. Cơ sở chính là Casuarina campus rộng 56 ha, cách trung tâm Darwin khoảng 15km (9miles) về phía bắc.

Charles Darwin University – Casuarina campus

Ảnh: TLQuan, 26Jan.2010

Lâm Viên Quốc Gia “Charles Darwin National Park”, mới được thành lập năm 1998, cách trung tâm Darwin khoảng 5km (3miles) về phía đông nam, có diện tích khoảng 13km2 (5sq.mi). Đây là khu di tích quân sự từ thời Đệ Nhị Thế Chiến (từ năm 1944), gồm nhiều căn cứ quân sự, kho chứa vũ khí, đạn dược, ... nằm chìm khuất trong đồi núi.

Lâm Viên Quốc Gia Charles Darwin Một nhà kho thời Đệ Nhị Thế Chiến

Được khánh thành ngày 8 tháng 4 năm 1998 (Lâm Viên Quốc Gia Charles Darwin)

Ảnh: TLQuan, 27Dec.2009

Đứng tại Lâm Viên Quốc Gia Charles Darwin, phóng tầm mắt qua một khu rừng ngập mặn và một eo biển rộng có thể nhìn thấy cả Thành Phố Darwin rất đẹp.

Ngõ vào Lâm Viên Quốc Gia Charles Darwin Thành Phố Darwin

Nhìn từ Lâm Viên Quốc Gia Charles Darwin

Ảnh: TLQuan, 27Dec.2009

Năm 2009 – Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Darwin và 150 năm ngày ấn hành quyển On The Origin of Species (Về Nguồn Gốc Chủng Loài)

Kỷ niệm 200 năm ngày sinh Charles Darwin

Năm 2009 vừa qua là năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Charles Darwin, cũng là kỷ niệm 150 năm ngày ấn hành quyển On The Origin of Species (Về Nguồn Gốc Chủng Loài).

Trong năm 2009, nhiều buổi thuyết trình và hội nghị chuyên đề, cùng nhiều cuộc triển lãm đã được tổ chức trên toàn nước Úc cũng như trên toàn thế giới để kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Charles Darwin. Thí dụ như Viện Bảo Tàng Quốc Gia (National Museum of Australia) tại Canberra đã tổ chức triển lãm về Charles Darwin; buổi hội thảo về Sự Tiến Hóa được tổ chức tại Melbourne từ ngày 8 đến ngày 13 tháng 2 năm 2009; triển lãm về chuyến hải hành của Charles Darwin tại Viện Bảo Tàng Hàng Hải Quốc Gia Úc Châu (Australian National Maritime Museum) tại Darling Harbour, Sydney từ ngày 20/3/2009 đến ngày 23/8/2009; buổi hội thảo “Vatican Conference” tại Thủ đô Vatican, La Mã, từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 3 năm 2009; v.v...

Năm 2009 vừa qua, Hội Đồng Thành Phố Darwin và Viện Đại Học Charles Darwin University ở Bắc Úc cũng đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động, nhiều buổi triển lãm, hội thảo, hội nghị chuyên đề về Charles Darwin để kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông.

Nhân dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Charles Darwin, quyển On The Origin of Species (Về Nguồn Gốc Chủng Loài), một trong những bản chính, rất quý hiếm, xuất bản lần đầu tiên 150 năm trước cũng đã được đem ra trưng bày tại Thư Viện Quốc Gia Thành Phố Darwin.

Đặc biệt, có ông Chris Darwin, là người cháu gọi Charles Darwin là “Ông Sơ” (Darwin’s Great great grandson) cũng đã đến Viện Đại Học Charles Darwin University để thuyết trình về “Ông Sơ” của mình và tham dự Hội Nghị Chuyên Đề về Charles Darwin (Darwin Symposium 2009).

Chris Darwin

Người cháu gọi Charles Darwin bằng “Ông Sơ”

(Darwin’s Great great grandson)

Darwin Symposium 2009 – Hội Nghị Chuyên Đề về Charles Darwin

Hội Nghị Chuyên Đề về Charles Darwin (Charles Darwin Symposium 2009) đã được tổ chức tại Thành Phố Darwin, Bắc Úc trong 3 ngày 22, 23 và 24 tháng 9 năm 2009. Buổi hội nghị chuyên đề này quy tụ khoảng hơn 600 đại biểu đến từ nhiều tiểu bang trên toàn nước Úc và từ nhiều quốc gia khác trên thế giới, trong đó có nhiều nhà khoa học và nhiều nhà nghiên cứu Thần Học nổi tiếng.

Chủ đề chính của 3 ngày hội nghị này là: “Charles Darwin: Shaping our Science, Society and Future” (Xin tạm dịch: Charles Darwin: Định Hướng cho Nền Khoa Học, Xã Hội và Tương Lai của Chúng Ta). Một số đề tài đã được thuyết trình, bàn thảo và tranh luận trong các buổi hội nghị này:

- Cuộc đời và những công trình nghiên cứu của Charles Darwin.

- Khoa Học và Tôn Giáo: Tìm hiểu về những tranh luận giữa Khoa Học theo Thuyết Tiến Hóa của Darwin và Tôn Giáo.

- Ảnh hưởng của Thuyết Tiến Hóa đối với kỹ thuật và Y Học hiện đại. Sự thích ứng của loài người để có thể chống chọi với những “căn bệnh thời đại” (modern-day diseases) hầu có thể được sống còn ...

- Ảnh hưởng của Học Thuyết Tiến Hóa đối với người thổ dân, đặc biệt là những cộng đồng thổ dân Úc Châu (Indigenous Australians).

Websites Charles Darwin Symposium 2009 (22 to 24 September 2009):

http://www.cdu.edu.au/cdss2009

http://www.cdu.edu.au/cdss2009/program.html

http://www.cdu.edu.au/cdss2009/speakers.html

http://www.cdu.edu.au/cdss2009/presentations.html

http://www.cdu.edu.au/cdss2009/links.html

http://www.evolutionbiodiversity2009.org/

http://www.darwin200.org.au/events/event-details/beaglecruise.html

http://www.australiancoralreefsociety.org/2009_conference.htm

http://ext.cdu.edu.au/newsroom/a/2009/Pages/090907-Science-and-religion.aspx

http://ext.cdu.edu.au/newsroom/a/2009/Pages/090916-Chris-Darwin-loss-of-thinking.aspx

Khu Bảo Tàng Di Tích Darwin: “Down House”, Downe, Bromley, Anh Quốc

Ngày nay, khu Down House nơi sinh sống và làm việc ngày xưa của gia đình Charles Darwin thuộc vùng Kent North Downs và những khu lân cận thuộc làng Downe và làng Cudham, vùng Bromley, rộng khoảng 7 cây số vuông (2.7sq.mi), được bảo tồn như là “Khu Bảo Tàng Di Tích Darwin”. Năm 2009 vừa qua, khu bảo tàng này được Chính Phủ Liên Hiệp Anh (United Kingdom’s Goverment 2009 nomination) đề nghị cơ quan UNESCO công nhận như là một Di Sản Quốc Tế – World Heritage Property với tên gọi là “Darwin’s Landscape Laboratory” (có lẽ trong năm 2010 sẽ được cơ quan UNESCO công nhận).

Trong khu “Darwin’s Landscape Laboratory” nhiều nơi Charles Darwin và gia đình sinh sống và làm việc đã được bảo tồn:

- Ngôi nhà “Down House”, nơi Charles Darwin cùng gia đình sinh sống. Tại ngôi nhà này, Darwin đã thực hiện nhiều thí nghiệm và viết hai quyển sách nổi tiếng On the Origin of Species (Về Nguồn Gốc Chủng Loài) và The Descent of Man (Nguồn Gốc Loài Người).

- Greenhouse – Khu Nhà Mát, nơi Darwin tiến hành nhiều thí nghiệm về Thực Vật Học và Sinh Học Thực Vật.

- Keston Common, nơi Darwin nghiên cứu về những loài thực vật ăn thịt và chứng minh sự thích ứng của những loài thực vật này đối với môi trường sống có nhiều acid.

- Orchard and Kitchen Garden – Khu Vườn Ương Cây, nơi Darwin nghiên cứu và thí nghiệm về sự sinh sản của giới thực vật.

- Downe Bank hay Darwin’s “Orchis Bank”, nơi ông sưu tầm và nghiên cứu nhiều loài lan hoang dại (wild orchids).

- Sand-walk hay Darwin’s “thinking path”, một khoảng vườn nơi ông thường thả bộ để “suy tư” về những vấn đề khoa học.

- Great House Meadow, cánh đồng cỏ nơi ông nhận định sự quan hệ về môi sinh giữa nhiều loài sinh vật khác nhau, như sự quan hệ giữa các loài cỏ, các loài ong, các loài chuột bọ và loài mèo.

- v.v...

Khu “Darwin’s Landscape Laboratory” chẳng những là khu bảo tồn di tích của Darwin hay khu bảo tồn thiên nhiên, mà còn dự định là nơi các nhà khoa học tiếp tục sưu tầm và nghiên cứu về Sinh Vật Học, cùng nhiều chương trình hoạt động khoa học cho các trường tiểu học và trung học gọi là “Darwin Day” với nhiều đề tài học hỏi khác nhau như “Darwin – the man and his family”, “Darwin’s scientific work, ideas, theories, methods and impact”, v.v...

Lời kết luận

Một phát biểu của Charles Darwin về sự tiến hóa mà tôi “tâm đắc” nhất là: “It is not the strongest of the species that survives, nor the most intelligent, but the one most responsive to change.” (xin tạm dịch: Không phải những loài sinh vật mạnh nhất hoặc thông minh nhất mới có thể tồn tại, mà chính là những loài sinh vật thích ứng nhất với những biến đổi). Tôi nghĩ điều này có thể được áp dụng trong bất cứ trường hợp nào, bất cứ ở đâu trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Hoàn cảnh, đời sống, của chúng ta chắc chắn có nhiều thay đổi, có thể nhiều thuận lợi hơn hoặc nhiều khó khăn hơn, nhưng nếu chúng ta đáp ứng và thích ứng được với những thay đổi trong cuộc sống thì chúng ta có thể vượt qua mọi khó khăn để sống còn. Những người thông minh nhất hoặc những người có sức khoẻ tốt nhất như những lực sĩ có thể lực mạnh nhất chẳng hạn, nếu không thích ứng được với những thay đổi trong cuộc sống, họ cũng có thể sẽ không cảm thấy vui tươi hạnh phúc?

Tài liệu tham khảo

- Berra, Tim M. (2009) Charles Darwin – The Concise Story of an Extraordinary Man.

The John Hopkins University Press, Baltimore, Maryland.

- Một số tài liệu dùng trong Hội Nghị Chuyên Đề về Charles Darwin (Charles Darwin Symposium 2009) tại Thành Phố Darwin, Bắc Úc.

- Một số Websites về Charles Darwin, những công trình nghiên cứu của Darwin và Học Thuyết Tiến Hóa:

http://en.wikipedia.org/wiki/Charles_Darwin

The Complete Work of Charles Darwin on line:

http://darwin-online.org.uk/

Charles Darwin Honoured in Australia:

http://www.enjoy-darwin.com/charles-darwin.html

http://darwinlibrary.amnh.org

http://www.evolutionbiodiversity2009.org