Xa Rồi Tiếng Chim Cu

Xa Rồi Tiếng Chim Cu

Uyên bừng tỉnh giấc. Tiếng hai con chim cu đất đang đua nhau gáy phá tan bầu không khí yên tỉnh của căn lầu, cắt đứt cơn mộng trễ của Uyên. Nàng he hé mắt nhìn qua cửa sổ, trời đã sáng bét.

Uyên ngồi bật dậy: “Không ai kêu mình thức hết trơn hà! Trễ học rồi!” Chợt nhớ ra hôm nay đã bắt đầu bãi trường, không phải đi học, Uyên ngã lăn xuống giường, nằm lơ mơ nhưng không ngủ lại được. Uyên lầm bầm: “Làm người ta giựt mình”. Uyên bực tức vì hai con chim cu đã làm gián đoạn giấc mơ của nàng. Uyên không nhớ được mình nằm chiêm bao thấy gì, nhưng nàng chắc chắn đó là một giấc mơ rất đẹp. Uyên vùng vằng ngồi dậy, khoát cửa chiếc mùng vải, chui ra khỏi giường. Cửa ra sân lầu sau đã mở, mùng của Ba Uyên đã được giắt lên. Vậy là “ông già” đã thức, có lẽ đi uống cà phê rồi. Hai chiếc lồng treo ở sân lầu sau lắc lư vì hai con chim cu đang nhảy nhót.

Phen này Uyên nhứt định trị hai con chim cu cái tội phá giấc ngủ của nàng. Những ngày đi học thì tha thứ được, vì bề nào cũng có công đánh thức Uyên cho khỏi trễ học. Còn hôm nay đã bãi trường rồi, phải để người ta ngủ chớ! Uyên đi ra phía lầu trước, tới cạnh tủ thờ, rút từ sau lưng tủ một cây chổi lông gà. Cây chổi này dùng để quét bụi bàn thờ, nhưng đôi khi Ba Uyên cũng dùng nó để “phủi bụi” trên mông mấy chị em Uyên những khi đứa nào phạm lỗi. Uyên tới sát lồng chim cu, tay cầm cây chổi, nhón chưn cho đủ cao rồi chọt vô khoảng trống giữa các thanh tre của cái lồng. Dù không bị cây chổi chạm tới, nhưng hai con chim cu cũng giựt mình nhảy tưng tưng, quạt cánh loạn xạ.

Như vậy đủ rồi. Uyên đi cất cây chổi lông gà, định xuống nhà kiếm chút gì lót dạ. Bỗng Uyên nghe tiếng chưn dậm mạnh trên những bực thang gỗ, hai con chim cu cũng hòa tiếng gáy nhịp nhàng như hân hoan đón chào:

-Cù cu cu..u..u, cù cu cù.. ù.. ù.

-Chết cha! “Ông già” về tới rồi!”- Uyên nghĩ thầm.

Ba Uyên quen đi những bước rất mạnh, nhứt là khi nện chưn lên thang lầu, tiếng gỗ gõ vọng rền rền bao giờ cũng khiến hai con chim cu biểu lộ mừng vui bằng điệu gáy rộn ràng. Uyên lẩm bẩm: “Cái thứ nịnh thần”. Hai con chim cu này nịnh nọt thiệt lộ liễu. Chúng biết thế nào Ba Uyên cũng cho chúng ăn uống, rồi còn đùa giởn với chúng, tập cho chúng gáy theo hiệu của Ba nữa, nên khi nghe tiếng chưn của Ba Uyên là chúng đua nhau nói: “Chào ông Tư.. ư.. ư, mừng ông về.. ề.. ề”. Uyên tính “chuồn” đi, nhưng chưa kịp ra khỏi phòng thờ thì đã nghe Ba Uyên quát:

-Đứa nào phá mấy con chim mà thóc rớt tùm lum vậy? Con chim còn bị rụng lông nữa”.

Uyên hoảng vía, lui trở vô phòng thờ, nhè nhẹ mở cửa lầu trước, rón rén bước ra balcon, rồi lẹ làng khép cửa lại. Núp ngoài này chắc chắn là “ông già” không ngờ tới. Uyên đứng dựa lan can, nhìn xuống đường. Buổi sáng, chợ búa mua bán thiệt nhộn nhịp. Cửa tiệm hai bên đường tấp nập những khách hàng từ các thôn xã lân cận ra chợ quận mua sắm. Bên dưới balcon nhà Uyên cũng nườm nượp người ra vô, Má Uyên chắc đang bận rộn lắm. Nếu Ba Uyên nổi giận về chuyện Uyên phá mấy con chim cu mà la rầy thì phiền Má lắm. Uyên thoáng chút hối hận. Thiệt ra, Uyên đâu có hận thù mấy con chim cu dữ như vậy. Uyên vẫn coi tụi nó như “người nhà”, chưa bao giờ Uyên thắc mắc những con chim cu đất trong nhà Uyên tới từ đâu và tới tự bao giờ. Uyên chỉ nhớ là mình lớn lên trong tiếng gáy của chim cu, những tiếng gáy đã đánh thức Uyên mỗi sáng và ru Uyên ngủ mỗi trưa, tự nhiên và quen thuộc như hơi thở.

Đứng lâu đã tê chưn. Uyên mở cửa trở vô phòng thờ. Không biết Ba nàng đã đi chưa. Uyên ngồi bệt xuống cạnh tủ thờ chờ thêm một chút nữa. Cái tủ xưa bằng gỗ cẩm lai có cẩn xà cừ rất khéo. Uyên ngắm nghía những điêu khắc trên tủ. Mấy cảnh vật này Uyên thuộc nằm lòng, Ba đã cắt nghĩa và dạy Uyên đọc tên từng cảnh. Chỗ có ông già đội nón lá ngồi câu cá là ngư ông trong hình Ngư Tiều Canh Mục. Chỗ có ba ông già với con nai, con dơi là hình ba ông Phước Lộc Thọ. Chỗ có cây cầu đá cong cong bắc qua dòng sông nho nhỏ cùng vài con chim én đang sải cánh lượn bay quanh cây mai là hình Mai Lan Cúc Trúc. Uyên đưa tay mân mê mấy miếng xà cừ óng ánh. Nó đẹp làm sao! Bất chợt Uyên ngó lên bàn thờ. Tấm hình ông cố của Uyên trên bàn thờ rất lớn. Ông cố mặc áo dài đen, vấn khăn đóng, ngồi oai nghiêm lẫm liệt, hai mắt đang ngó Uyên chăm bẳm. Chắc là ông cố đã thấy hết rồi. Uyên sợ quá. Quên đi mình đang trốn, Uyên vùng ra khỏi phòng thờ và chạy một mạch xuống thang lầu, đi tuốt ra sau bếp.

-Em làm gì mà chạy như ma rượt vậy?- Bà bếp trợn tròn đôi mắt nhìn Uyên.

Chị của Uyên đang phụ bà bếp lặt rau cũng quay lợi ngó Uyên, rồi nói:

-Em phá mấy con chim cu, phải không?

Uyên thở hổn hển, trống ngực đập thình thịch:

-Đâu có! Sao chị biết?

-Chớ còn ai trồng khoai đất này. Lo kiếm mo cau mà bó đít đi. Kỳ này thể nào Ba cũng đét em một trận.

-Ba đâu?- Uyên cảm thấy toàn thân lạnh ngắt.

-Ba mới xuống kêu dì bếp quét thóc đổ, xong đi rồi.

Chị của Uyên vừa nói vừa hốt mớ rau mới lặt bỏ vô thau. Chị chỉ mới mười tuổi nhưng nết na thùy mị. Những lúc không học hành chị thường làm những việc vặt vãnh trong nhà. Còn Uyên thì nhỏ hơn chị ba tuổi nhưng chỉ biết lăng quăng phá phách thôi.

Uyên thở phào nhẹ nhõm. “Ông già” đi khỏi là tạm thời yên thân, tới chiều “ông già” về rồi tính. Uyên lanh miệng nói lãng:

-Em đi ăn sáng.

Rồi chạy ra nhà trước, đi thẳng tới tủ tiền, lôi ngăn kéo ra cái rột, nhón lấy một đồng:

-Má cho con đồng bạc.

Má Uyên đang bận tiếp khách hàng nên chưa kịp trả lời thì Uyên đã vù ra đường.

Chắc chắn hồi sáng sớm trời đã mưa nên đường xá thiệt lầy lội. Con đường ra chợ gồ ghề đá xanh trải không đều. Nhiều chỗ không đủ đá, nước mưa đọng lại thành vũng tròn như ổ gà. Nếu không để ý, sụp “ổ gà” sẽ ướt hết lai quần. Uyên nắm gọn đồng tiền trong lòng bàn tay, bấu chặt các ngón chưn xuống đôi dép nhựt bổn. Đôi dép cao su gặp nước cứ muốn tuột khỏi bàn chưn Uyên. Lỡ trợt là té cái ạch như chụp con ếch. Còn đồng tiền văng xuống sình thì không biết đâu mà lượm. Đồng tiền bằng chì hay kẽm gì đó, một mặt in hình Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một mặt in hình bông lúa. Vậy mà ai cũng quen gọi nó là đồng bạc. Có lẽ đúng như Ba Uyên nói: vì ngày xưa đồng tiền làm bằng bạc.

Uyên ngó hai bên đường để coi có món ăn nào hấp dẫn không. Mặc dù đường xá sình nhẩy, nhưng bạn hàng vẫn nhóm chợ đông đủ. Ngoài những gương mặt quen thuộc ở quận, còn có những dân là lạ từ mấy xã lân cận. Họ bày hàng hai bên lề đường, trước mấy cửa tiệm, chỉ chừa đủ lối ra vô. Kẻ chợ thì bán những món cố định mỗi ngày như bánh tằm, bắp giã, khoai mì…khó mà kể hết. Còn người quê thì có gì bán nấy, vài trái lê ki ma, vài trái điều lộn hột, vài lọn ô môi…cũng thiệt lắm thứ liệt kê không xuể. Không biết mỗi chỗ như vậy lời được mấy đồng mà không ai thoát khỏi chú “Chà Và góp chợ”. Tay cầm cây viết, tay cầm quyển biên nhận, nách kẹp cái cặp đựng tiền, chú Chà Và đen xì đi một vòng và góp tiền chỗ không sót một ai. Ba Uyên nói mấy chú “Chà Và” này thầu thâu thuế huê chi cho nhà nước.

“Thằng mù mặt rỗ” cũng không quản nắng mưa, đi hát rong vòng vòng với đứa em trai để xin ăn. Ba Uyên nói nó bị biến chứng của bịnh trái giống làm nổ con ngươi nên không thấy đường. Nó thuộc về thành phần “cố cựu”, Uyên đã thấy nó đi xin ăn từ khi còn rất nhỏ. Hôm nay còn có “ông cùi”, một nhân vật xin ăn mới. Ba Uyên nói mấy ông cùi này được tập trung ở Cù Lao Rồng, lâu lâu trốn ra ngoài lưu lạc tới đây, xin ăn một vài tuần rồi lại biến mất, có lẽ bị túm trả về Cù Lao Rồng.

Chợ búa huyên náo, người rao bánh bột mặn củ cải, người rao chuối chiên, không biết đường đâu mà mua . Uyên định đi thẳng ra doi để mua cốm chùi, loại cốm làm bằng nếp, rang bong lên rồi vo dính lại thành viên tròn tròn, to bằng nắm tay. Nghĩ tới những hột cốm ngọt, tan phao phao trong miệng, Uyên đã chảy nước miếng. Nhưng khi thấy ông cùi từ ngoài doi đang lết về phía mình, Uyên hoảng quá, quẹo trái qua con đường bên hông nhà lồng chợ. Phân nửa nhà lồng chợ là giang sơn của các sạp vải. Phân nửa còn lại được chiếm bởi các hàng thức ăn như xe mì, xe hủ tíu, xe nem nướng, xe cà phê… toàn là mấy thứ sang, một đồng thì không vô được chỗ này. Nhưng con đường bên hông nhà lồng lại có rất nhiều món cho mình vói tới. Uyên tắp vô gánh xôi. Một đồng xôi nếp than tím rịm trải trên miếng bánh phồng nướng để cách đêm cho mềm, mấy sợi dừa nạo trắng phao phủ lên mảng đậu tán nhuyển vàng tươi, thêm một muổng muối mè đường nâu nâu, kèm theo hai miếng bánh con sùng nắn bằng bột nếp dẻo, tất cả được gói gọn ghẽ trong tấm lá chuối xanh. Người bán đơm xôi thiệt nhịp nhàng, lại còn lịch sự cắm lên một cái muổng làm từ sống lá khóm cắt hình chữ nhựt, um ủm như cái máng xối. Uyên trả tiền rồi cầm gói xôi. Không dám đi đường chợ, vì sợ gặp ông cùi, Uyên đi theo đường bên hông nhà lồng, vòng ngã trong về nhà. Bất chợt Uyên thấy Ba nàng từ ngã mé sông đi tới cùng với một người đàn ông lạ mặt, rất trẻ. Uyên hoảng vía chạy một mạch về nhà.

Uyên đi tuốt xuống bếp, để gói xôi lên bàn ăn, kéo ghế ngồi xuống rồi chúi mũi vô gói xôi chăm chú ăn. Uyên nghe tiếng chưn Ba lên lầu nhưng nàng không dám ngước lên. Một lúc sau, Ba trở xuống và Uyên nghe tiếng Má nàng hỏi:

-Mình đi sao? Người đó là ai? Có phải là dân trong điền không?

Uyên tới núp sau kẹt cửa phòng ăn. Qua khe cửa, Uyên thấy Ba nàng đầu đội nón nỉ rộng vành, cái nón này treo trên chiếc sừng nai ở đầu giường của Ba, rất hiếm khi thấy Ba đội. Một tay Ba xách lồng chim cu, tay kia xách cái bẫy. Làm bằng lưới kẽm, cái bẫy, mà Ba gọi là cái lục, mang hình dạng rất đặc biệt. Nó giống mình con tôm lấy nửa phần đuôi. Chỗ cửa vô thì cao, rộng như mình tôm cắt ngang, rồi kéo dài và dẹp xuống dần như cái đuôi tôm. Cái lục này cũng là vật mà từ khi hiểu biết, dường như Uyên chưa bao giờ thấy Ba rớ tới. Trong nhà Uyên, vật gì của Ba nằm ở đâu thì nằm chết đó, không ai dám dời đổi, nhứt là cái lục này. Ba thường dặn dò chị em Uyên không được chơi nghịch, vì cửa của cái lục có gắn lò xo giống như cái bẫy chuột. Lỡ mà nó sập xuống thì dập tay. Vì vậy cái lục đã nằm trên tường, cạnh cửa ra sân lầu sau bao năm rồi không di chuyển, cho tới hôm nay.

Ba Uyên vừa đi vừa trả lời:

-Nó không phải là tá điền của mình nhưng tôi biết cha nó.

-Vậy mà mình dám đi theo nó sao?- Giọng Má Uyên đầy lo lắng.

-Không có gì đâu mà.

Ba đã ra gần tới cửa ngăn với nhà trước mà Má Uyên còn ráng nói thêm:

-Đã bắt đầu mùa mưa rồi mà mình nghĩ còn chim cu sao?

-Mình biết gì!- Ba hơi gắt rồi đi tuốt ra nhà trước.

Ba Uyên như vậy đó, muốn làm gì thì làm, không ai cản được. Uyên tò mò lẻn theo Ba ra nhà trước. Đang ngồi chờ Ba là một người đàn ông bận quần vải đen với chiếc áo bà ba vải trắng thâm sì, da sạm nắng, gương mặt thỏn khô, lại còn quấn khăn rằn trên cổ nữa. Đúng là dân cù lao Mây rồi. Nhưng trước đây Uyên chưa bao giờ thấy người này trong số những tá điền hay lui tới nhà Uyên. Thấy Ba ra tới, người đàn ông đứng dậy chắp tay chào Má Uyên rồi theo sau Ba đi về phía doi.

Cho tới trời sập tối mà Ba vẫn chưa về ăn cơm. Đóng cửa tiệm xong, Má Uyên lên lầu đốt nhang bàn thờ rồi lùa ba chị em Uyên đi ngủ. Đêm nào, trước khi đi ngủ Uyên cũng uống một ly sữa nên có thói quen “ngồi bô” lúc nửa đêm. Khuya nay, khi ngồi bô, Uyên vẫn còn nghe Má trở mình lăn lộn, cái radio hiệu phillipe hát nho nhỏ. Chắc Má ngủ không được.

Sáng ra, con chim cu lẻ bạn nên tiếng gáy không còn rộn rã. Trưa hè oi ả, thiếu bước chưn Ba dậm trên cầu thang gỗ nên giọng cù cú cũng buồn thiu. Bàn cơm vắng đi một chỗ, Uyên nghe Má lẩm bẩm:

-Trên đời có bốn cái ngu. Tại sao lại đi với một người lạ hoắc như vậy.

Thấy mặt Má đầy âu lo , không ai dám nói lời nào. Ăn cơm trưa xong, Uyên ở lại nhà bếp, đeo theo hỏi chị:

-Má nói bốn cái ngu gì vậy chị?

Chị Uyên vừa phụ bà bếp dọn dẹp chén đũa, vừa nói:

-Trên đời có bốn cái ngu: làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu. Má nói Ba đi gác cu là một trong bốn cái ngu.

Chị Uyên thiệt giỏi, cái gì chị cũng biết. Mà đi gác cu là gì? Thôi kệ ! Chỉ cần biết “ông già” không có ở nhà thì trưa nay tha hồ nói chuyện lớn tiếng mà không sợ phá giấc ngủ trưa của “ông già”, còn cái tội quậy mấy con chim cu cũng không bị xử. Bà bếp thì lại càng hí hửng:

-Bữa nào không có cậu ở nhà là tui thấy nhẹ re, không sợ bị rầy canh mặn, cá lạt.

Nhưng lại một cái tối nữa mà Ba vẫn chưa về khiến cho bầu không khí trong nhà thiệt sự căng thẳng. Má Uyên ngày thường đã ít nói, hôm nay lại càng im lặng, gương mặt lộ rõ nét đăm chiêu.

Uyên theo chị hỏi nhỏ:

-Sao nhiều khi Ba đi chơi đêm rồi ngủ ở ngoài không về mà em đâu có thấy Má lo như kỳ này?

Chị Uyên đang ôm em gái út trong lòng, luồn tay dưới áo xoa xoa lưng em. Chị thì thầm trả lời:

-Ba đi gác cu bên cù lao Mây, Má sợ Ba bị “phía bên kia” bắt. Má nghi cái ông hôm qua do “phía bên kia” gài để dụ Ba.

-“Phía bên kia” là ai vậy chị?

-Suỵt.- Chị lấy tay bịt miệng Uyên lại, không cho nói tiếp.

Uyên lên giường ngủ mà lòng không nguôi thắc mắc cái “phía bên kia”, người lớn hay nói những chữ thiệt khó hiểu. Khuya dậy đi “ngồi bô”, không có tiếng ngáy “như sấm dậy” của Ba, căn lầu bỗng dưng vắng ngắt. Uyên nghe được tiếng Má thở dài thườn thượt. Uyên leo lên giường nằm xuống cạnh chị, kéo cái gối ôm vô lòng, cố dỗ giấc ngủ. Giữa đêm, tiếng chị nghiến răng trèo trẹo nghe mà nổi da gà. Càng sợ thì lại càng khó ngủ. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu trên bàn, Uyên thấy như lởn vởn có rất nhiều bóng người bận quần vải đen áo bà ba trắng, cổ quấn khăn rằn, những người “phía bên kia”. Uyên sợ quá kéo mền trùm kín mít, rồi ngủ thiếp đi.

Con chim cu không thèm gáy nên khi Uyên tỉnh dậy thì đã sắp ngọ. Tàn con nước sớm, chợ thưa dần mà vẫn chưa thấy bóng dáng của Ba. Mãi tới con nước trưa, nhóm chợ chiều, khi mọi người chừng như quá mệt mỏi vì đợi chờ thì Ba thình lình xuất hiện cùng với hai chiếc lồng chim cu phủ vải chung quanh, cái lục còn gắn đầy lá. Tuy Má không nói lời nào nhưng nghe tiếng Má thở hắt ra, Uyên biết Má đã trút được gánh nặng trong lòng. Uyên cũng mừng quá, quên mất cái án treo về tội phá mấy con chim cu nên chạy theo Ba lên lầu.

Đi mới có hai ngày mà mặt của Ba Uyên đen thui và ốm rọp. Nhưng chỉ cần nhìn thấy Ba ngắm hai cái lồng bằng đôi mắt sáng ngời cũng đủ biết Ba vui tới độ nào. Ba Uyên bắt được hai con chim cu. Khi Ba vén màn vải che quanh cái lồng thì con chim cu giựt mình nhảy lung tung. Ba mở cửa lồng rồi nhẹ nhàng bắt con chim cu ra, lấy kéo cắt bớt lông đuôi và lông cánh của nó. Đó là một con chim cu đất, lông màu nâu lợt, quanh cổ có một hàng lông trắng lấm tấm, giống như nó đang đeo một cái vòng cườm. Thoạt nhìn, nó từa tựa một con bồ câu nhưng thon thả, với chiếc lông đuôi đủ dài để tha thướt hơn một chút. Ngó mấy chiếc lông đuôi của nó rơi lả tả, Uyên thấy tiếc vô cùng nên vội hỏi Ba:

-Sao phải cắt đuôi của nó uổng vậy Ba?

Ba Uyên bỏ con chim cu vô lồng, rồi trả lời:

-Đuôi nó dài quá, cắt bớt để nó dễ xoay trở trong lồng.

-Hèn chi mấy con chim cu trong nhà không có đuôi dài như vậy. Tại sao mình không cho nó cái lồng lớn hơn để nó bay thoải mái?

Ba Uyên lắc đầu:

-Phải nuôi nó trong cái lồng nhỏ, chật hẹp thì nó mới “nổi”.

Uyên nhìn Ba với cặp mắt khó hiểu:

-“Nổi” là sao hả Ba?

-Con chim cu ở ngoài trời gáy rất hay, nhưng khi bị bắt vô lồng rồi lại không chịu gáy, mình phải tập cho nó gáy trở lại. Khoảng vài tuần thì nó mới chịu gáy, gọi là “nổi”. Nếu con nào đã được tập năm, sáu tháng rồi mà vẫn chưa “nổi” thì mình đành bỏ nó đi.

Khi Ba vén màn vải của chiếc lồng còn lại thì Uyên không ngăn được tiếng kêu:

-Ồ! Nó có bông trên đầu đẹp quá!

Con chim cu này có mấy cái lông trên đầu dựng đứng như đội vương miện. Ba Uyên cười sung sướng:

-Ờ! Đó là cái chóp. Loài chim cu này rất hiếm và rất khó nuôi. Mình hên lắm mới gặp được loài này. Nó gáy được tiếng ba, tiếng tư.

-Gáy tiếng ba, tiếng tư là sao hả Ba?

Ba cú nhẹ lên đầu Uyên:

-Con hỏi nhiều quá. Như vầy, nếu nó gáy “cù cú cu..u” thì là chim cu lều, nếu nó gáy “cù cú cu..u, cu” thì là chim cu một cốt, nếu nó gáy “cù cú cu..u, cu, cu” thì là chim cu hai, còn chim cu ba gáy “cù cú cu..u, cu, cu, cu”. Anh Hiếu của con đi học bên Mỹ về nói con chim cu Mỹ còn gáy ghê hơn nữa “cù cú cu..u, cu, cu , cu , cu, cu” năm sáu tiếng luôn.

Thấy Ba đang cao hứng, Uyên mới dám rụt rè hỏi tiếp:

-Đi gác cu vui lắm hả Ba?

Ba vừa bỏ thóc vô cái giỏ nhỏ trong lồng, vừa nói:

-Vui lắm chớ con.

Uyên lượm mấy hột thóc rớt dải dưới đất, hỏi:

-Làm sao bắt được con chim cu hả Ba?

-Mình cột con chim cu trống trong cái lục, dùng một cây sào dài có móc để móc cái lục lên cây cao. Cái lục này phải được giắt lá chung quanh ngụy trang để con chim cu không nhận ra. Mình gài cho cửa lục mở rồi vô bụi cây ngồi gác và làm hiệu cho con chim mồi gáy. Con chim mồi này phải gáy hay thì mới dụ được con chim ở ngoài. Cho nên chim mồi phải là chim cu đất, chớ chim cu ngói không biết gáy. Phải nhốt con chim mồi ở phần chật hẹp, chỗ dẹp xuống như đuôi con tôm của cái lục, thì nó mới chịu gáy. Con chim cu ở ngoài nghe tiếng gáy của con chim mồi thì sẽ bay vô đấu đá, trúng cái cò khiến cửa bẫy sập xuống nhốt nó lại.

Hèn chi mỗi ngày Uyên thấy Ba tập cho con chim cu gáy theo dấu hiệu ngón tay trỏ của Ba đưa lên đưa xuống. Có khi nó kêu gù gù như con bồ câu mà Ba gọi là “bo”.

Uyên lượm một miếng lông đuôi rớt dưới đất lên xăm soi, hỏi:

-Tại sao con chim ở ngoài nghe tiếng gáy của con chim trong bẫy thì bay vô vậy Ba?

Ba Uyên cho một chút nước vô cái lon nhỏ trong lồng, trả lời:

-Con chim cu trống dùng tiếng gáy để quyến rũ chim cu mái, đồng thời cũng để biểu dương uy thế của nó với đồng loại. Con nào gáy hay thì được nhiều con mái ưa thích. Con trống nào léng phéng trong “lãnh thổ” của nó thì nó đấu đá để giành độc quyền, mấy con trống yếu hơn phải lánh xa. Khi nghe con chim mồi gáy hay hơn thì nó nhào vô đá, không ngờ đó là cái bẫy. Bởi vậy, nếu con chim mồi gáy dở thì con chim cu ở ngoài không thèm vô tranh, mình không đời nào bắt được nó.

Uyên liếng thoắng hơn lên:

-Chỉ tới Tết mới có chim cu, vậy sao bây giờ hè mà Ba bắt được chim cu?

Ba lắc đầu:

-Không phải như vậy. Người ta nói “cu kêu ba tiếng cu kêu, cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè” là vì Tết nhằm lúc đầu xuân. Khi xuân tới, các loài chim xây tổ, sanh con. Chim cu trống bắt đầu gáy để tranh mái, đấu đá nhau để giành “địa bàn hoạt động”. Thời gian này kéo dài từ đầu xuân tới hết hè. Qua mùa thu và mùa đông thì hết thời kỳ sanh nở, chim con đã lớn, chim cu sẽ nhập thành bầy. Theo sách vở thì ở xứ lạnh chúng sẽ di chuyển về phía nam, còn xứ mình khí hậu ấm quanh năm nên chim cu ở quanh quẩn một chỗ chớ không thiên di.

-Vui như vậy sao người ta nói gác cu là ngu hả Ba?- Uyên tròn xoe mắt ngó Ba.

Ba Uyên cười ha hả:

-Má con nói với con như vậy, phải không? Ngu là vì khi ngồi trong bụi để rình thì phải ngồi im, hoặc nằm rạp sát đất, dù cho kiến cắn, muỗi cắn cũng không được nhúc nhích. Nếu không, con chim cu nghe động sẽ bay mất. Có khi phải mất mấy ngày mới bắt được chim cu, mình vẫn phải nhịn đói, nhịn khát để rình.

-Vậy còn ngu gì nữa mà tới bốn cái lận hả Ba?

Thường ngày Uyên ít khi dám hỏi Ba nhiều như vậy. Nhưng hôm nay Ba vui vẻ, thong thả trả lời:

-Làm mai cho họ cưới nhau, nếu họ không hạnh phúc thì lại trách mình. Bảo lãnh cho họ mượn nợ, nếu họ không trả nổi thì mình phải trả. Coi hát mà cầm chầu thì phải chăm chú, không được thoải mái. Đã vậy, cầm chầu dỡ còn bị chê.

-Cầm chầu là sao hả Ba?

Ba kéo tấm màn vải che lồng chim lại, chậm rãi nói:

-Trống chầu là cái trống to cả ôm tay. Khi đào kép hát hay thì người cầm chầu đánh lên mặt trống nghe thùng thùng. Còn nếu hát dở thì gõ vô thành trống nghe cắc cắc. Nhưng phải đánh, gõ cho ăn nhịp để đào kép còn hát được. Nếu đánh sai nhịp khiến đào kép khó hát thì bị người ta chê là đánh chỏi bản họng.

Uyên rờ nhè nhẹ tấm vải che lồng chim, hỏi:

-Ba che màn cho nó đặng làm chi vậy Ba?

Ba quay qua xoa đầu Uyên:

-Cho nó không nhìn được chung quanh, để nó khỏi sợ mà nhảy lung tung. Chừng nào nó quen rồi thì mới lấy màn đi. Để khi nào bình yên rồi, Ba dẫn con qua cù lao, về quê cha đất tổ thăm mồ mã ông bà, con sẽ được chơi nhiều thứ vui lắm.

Uyên nao nức:

-Còn bây giờ thì sao hả Ba?

Đôi mắt to sâu của Ba Uyên bỗng trở nên rất xa xăm:

-Còn bây giờ Ba chỉ là công tử lỡ vận, điền chủ hết thời. Thôi! Con ở đây chơi, không được phá, Ba đi tắm.

Trời ơi, bốn cái ngu này thiệt là rắc rối, lại còn lỡ vận, hết thời nữa. Uyên chẳng cần biết tới, chỉ biết là nhà Uyên có tất cả bốn con chim cu. Uyên rất thích con chim cu có chóp trên đầu, coi nó sang cả như một hoàng tử. Nhưng nó ủ rủ quá, tiếng gáy nghe thiệt rầu rĩ:

-Cù cu cu..u..u, cù cu cù.. ù.. ù.

Thấy chị đang ngồi xếp quần áo ở phòng trong, Uyên hỏi:

-Sao con chim cu này gáy nghe buồn quá vậy chị?

Chị làm vẻ trang nghiêm:

-Tại vì bị bắt nên nó buồn. Em có nghe nó gáy không? Cù lao Mây.. ây.. ây, giờ xa rồi.. ồi.. ồi. Nó nhớ cù lao đó.

Phải rồi, cù lao thiệt rộng lớn, cây cối um tùm, nó bay đi đâu cũng được, còn chiếc lồng nhỏ xíu, đập cánh một cái là đụng chỗ nọ, chỗ kia.

Ngày hôm sau thì con chim cu có chóp gục đầu không gáy nữa. Ba biểu chị Uyên qua tiệm thuốc Bắc kế bên mua trái bạch đầu khấu để Ba bỏ vô nước cho nó uống. Ba còn kêu chị đi kiếm cỏ bạch đầu ông và cỏ mực về, vò rồi nhét cho nó ăn. Uyên rất thích đi theo chị tìm cỏ. Chị em Uyên đi dọc mé sông cái để tìm trong mấy đám cỏ hoang bên vệ đường. Tìm không có lại phải đi xa hơn nữa xuống xóm lưới. Uyên thích thú với cái cảm giác trên vùng đất lạ mà chị em Uyên hiếm khi được lui tới. Gió sông thổi lồng lộng, át cả tiếng nói của hai chị em Uyên. Xa xa bờ bên kia là cù lao Mây bao phủ bởi những rặng cây xanh rì. Uyên cố mường tượng coi đằng sau những rặng cây um tùm kia là gì mà Ba nói có nhiều trò vui lắm. Chỉ cách một con sông cái mà cù lao đối với Uyên thiệt là bí mật. Uyên chỉ mong cho mau tới ngày “bình yên” để được qua chơi bên cù lao.

Ba săn sóc kỹ lưỡng vậy mà con chim cu “hoàng tử” cũng không sống quá một tháng. Rồi đất nước ngày càng loạn lạc, Ba không bao giờ đi gác cu nữa. Cái lục treo trên tường đã đầy ván nhện, mấy nhánh cây ngụy trang khô héo, lá rụng trụi, chỉ còn cành trơ. Thỉnh thoảng một con chim cu chết. Nhưng khi nào dân cù lao bắt được chim cu khác thì lại mang qua. Ba Uyên rất hào phóng, ai có vật gì dâng tặng, Ba đều thưởng rất hậu. Vì vậy, khi nhà cần món gì bên cù lao thì đều có được dễ dàng.

“Bình yên” ngày càng biệt tăm. Uyên lớn lên phải đi học xa nhà. Mỗi khi về quê nghỉ hè bằng đường thủy, con tàu chạy trên sông cái, đôi khi cặp sát bờ cù lao. Những rặng cây hiện ra thiệt gần, có thể thấy rõ từng chiếc lá, khiến Uyên mang cảm giác rờn rợn lúc nghĩ tới những người của “phía bên kia” đang ẩn núp đâu đó trong lùm, trong bụi. Cù lao vẫn còn bao phủ bởi một bức màn bí mật.

Chờ đợi mỏi mòn, khi ngày “bình yên” tới thì Ba đã ngoại lục tuần. Cái Tết đầu tiên im tiếng súng, Ba dẫn chị em Uyên về cù lao như đã hứa. Nhưng cái nao nức của tuổi thơ không còn nữa, vì Ba không thể nào đưa chị em Uyên tìm lại được ngày xưa trên một nền nhà cũ hoang phế. “Bình yên” đã không giống như Ba mong đợi, khi xóm làng hoàn toàn nằm trong tay của “phía bên kia”.

Rồi Ba bị bắt vô tù. Nhà cửa bị tịch thu. Ngày “bình yên” khác hẳn mơ ước của Ba. Còn Uyên thì hiểu ra rằng, Ba của Uyên dù phong lưu cả đời, nhưng khi gia biến, Ba vẫn là lá chắn trước mọi phong ba, là đôi cánh đại bàng che chở.

Công tử lỡ vận tuổi hạc dần cao nhưng thời vàng son vẫn chưa trở lại, cho Ba còn được “ngu” mà đi gác chim cu.

x

Lần này thì Ba đã thiệt sự về quê cha của mình, vĩnh viễn không bao giờ rời xa nữa. Má đã chôn Ba cạnh mộ ông bà. Lòng đất tổ ôm kín hình hài Ba mãi mãi. Uyên từ ngàn dặm bên kia bờ đại dương về thăm, lạy Ba lần cuối. Trên cành cây dái ngựa, con chim cu cườm gáy điệu buồn thiu:

-Cù cu cu..u..u, cù cu cù.. ù.. ù. Người xưa đâu.. âu.. âu, biệt tăm rồi.. ồi.. ồi.

Con chim cu đậu trên cành cây cao chỉ cách một sào, nhưng trời rộng nên tiếng gáy nghe xa vời quá. Cũng như Ba của Uyên chỉ nằm dưới mộ sâu có ba tấc đất, mà đất lắp kín nên chừng như cách biệt muôn trùng.

Mộc Hương

Viết xong ngày 5 tháng 6 năm 2009.

Viết cho Ngày Lễ Cha.

Kính dâng hương hồn Ba, lá chắn của đời con, và tất cả các người cha quá cố.

Kính tặng Nhạc Phụ và tất cả những người cha còn trên dương thế.

Riêng tặng Chú Sáu Michel, để nhớ về một thời vàng son không bao giờ trở lại.

Thương tặng các anh chị em trong nhà với bao ngày tháng dấu yêu.

Thương tặng các bạn Trung Học với những kỷ niệm êm đềm.

Riêng tặng Người Tình Khoa Học cũng là ông xã yêu quí và tặng tất cả các bạn

KH của một thời để yêu, PKHoang, LTDuong,ĐT Vĩnh, VV Thắng, LHL Vân.