Chứng loãng và thoái hóa xương ... Trương Ngọc Thanh
Code: Sa 186.51
Chứng loãng và thoái hóa xương
(Osteoporose)
Trong một chuyến bay công tác thiện nguyện với hãng hàng không Etihad đi Thái Lan, để đưa một bệnh nhân trở lại Đức, chúng tôi được dừng chân ở trạm chuyển tiếp – Phi trường quốc tế Abu Dhabi. Hình ảnh của những người phụ nữ Hồi giáo chính thống của Vương quốc Ả Rập và các xứ Châu Phi ở đây với bộ quốc phục đen tuyền, đầu tóc, mặt mũi của họ hoàn toàn được che kín, đã làm chạnh nhớ đến các cô gái Việt Nam của Sàigòn hôm nay. Để có được làn da trắng họ đã có những "trang phục thích nghi" bịt mặt, che tay trong cái nắng gay gắt, ngột ngạt bụi bặm và đầy ô nhiễm. "Có đến hơn 80% người Sàigòn đã theo đạo Hồi qua y phục" như lời một bình luận gia đã mô tả.
Khó mấy ai trong họ đã biết hoặc nghĩ đến ánh nắng mặt trời với những tia cực tím – Ultraviolet B (UVB) là yếu tố cần thiết để chuyển hóa sinh học chất 7 – 04 – Cholecalciferol có dưới da thành Vitamin D – Cholecalciferol - một tác tố cần thiết để chống lại sự suy, thoái hóa xương ở người lớn, nhất là ở các phụ nữ sau thời mãn kinh.
Osteoporose gây ra do biến dạng, thoái hóa về cấu trúc và thành phần cấu tạo của xương, khối lượng xương bị giảm thiểu và gây rối loạn về cấu trúc của mô xương dẫn đến nguy cơ dễ gây gãy xương.
Có đến 80% phụ nữ ở vào lứa tuổi 50, sau thời mãn kinh bị bệnh loãng và suy yếu xương.
Ở Cộng Hòa Liên Bang Đức, theo thống kê của Viện khảo cứu về Y tế và Xã hội, có đến hơn 7,8 triệu người bị loãng xương. Trong số này, hàng năm có hơn 300.000 bị gãy xương do loãng xương.
Xương của họ thường bị gẫy ở đốt xương sống lưng, vùng cổ xương của xương đùi trên.
I. Nguyên nhân gây loãng xương, được kể đến:
1/ Loãng xương với nguyên nhân sơ cấp, chiếm đến 95% thường gặp ở phụ nữ sau thời mãn kinh do thiếu các kích thích tố sinh dục như Östrogen và các lão niên.
2/ Loãng xương với nguyên nhân thứ cấp, gây ra gián tiếp do các tác nhân bên ngoài với tỷ lệ 5% như:
- Rối loạn biến dưỡng nội tiết: Cushing – Syndrom (lượng Kortikoide cao), cường giáp trạng, cường tuyến cận giáp trạng, bệnh tiểu đường.
- Các dược phẩm như Glucocorticoide "Cortisol", Heparine, H2 – Hemmer (thuốc làm ức chế tổng hợp acid dạ dầy như Omeprazol, Pantoprazol...), Lithium, thuốc lợi tiểu.
- Các bệnh ung thư gây biến đổi cấu trúc của xương: Plasmozytom, ung thư tủy xương.
- Các biến đổi xương do ít hoạt động, bất động ở những bệnh nhân nằm liệt giường, bán thân bất toại.
- Các rối loạn về hấp thụ tiêu hóa (Malnutrion), Anorexia nervosa (gầy ốm do rối loạn tâm sinh lý).
- Các bệnh phong thấp.
II. Phương pháp định bệnh
* Hiện nay DXA (Dual-X-Ray – absorptiometry) là phương pháp tiêu chuẩn để xác định T-Score và đo độ dầy và tỷ trọng của xương (Knochendichtemessung) ở xương cột sống vùng chậu và vùng cổ xuông của xương đùi. Dựa vào đó để suy đoán nguy cơ dẫn đến gãy xương. Khi T-Score <-2,5 thì các biện pháp ngừa gãy xương phải được thực hiện.
* Các xét nghiệm máu với các thành phần như: Sinh tố D, Calcium, Phosphat, Osteocalcium, PTH, Homocystin, Alkalische Phosphatase, TSH, Kreatinin cũng là phương pháp chẩn đoán bổ túc bệnh loãng xương và nguy cơ gãy xương.
* Các triệu chứng như: đau lưng, giảm chiều cao đột ngột nhiều hơn 2 cm, suy thoái cơ là dấu hiệu gãy xương và biến thoái xương do loãng xương ở người cao niên.
* Ngoài ra các xét nghiệm bổ túc như xét nghiệm quang tuyến thông thường, CT (chụp cắt lớp điện toán) cũng thường được ứng dụng.
III. Biện pháp ngăn ngừa bệnh loãng xương
Ở vào lứa tuổi trên 50, đặc biệt là phụ nữ do những biến đổi thoái hóa, suy giảm các kích thích tố sinh dục trong thời kỳ mãn kinh thì các phương thức đơn giản cũng làm giảm nguy cơ thoái hóa và loãng xương:
1) Thể dục thể thao vận động cơ thể, bơi lội, đi bộ giúp tăng hoạt động của cơ thể và các kích thích tố tái tạo xương.
2) Tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, tác nhân xúc tác tạo sinh tố D cần thiết cho sự tái tạo xương.
3) Dùng thực phẩm giàu Calcium có trong sữa, bơ, rau xanh.
4) Uống bổ túc Vitamin D và Calcium vào mùa đông, uống nước suối khoáng.
5) Tránh uống nhiều rượu và hút thuốc lá.
IV. Phương thức điều trị bằng dược phẩm
Cách đây hơn 15 năm nhờ các phương pháp di truyền học. Phân tử người ta đã giải mã được sự hoạt động tổng hợp và biến thoái của mô xương. Nhờ đó mà các dược chất đã được tổng hợp và đưa vào điều trị. Các dược chất chỉ có hiệu quả điều trị khi mô xương được cung cấp đầy đủ các thành phần cho cấu trúc của xương. Được kể đến:
1. Sinh tố D: Đã được biết đến từ những năm 1900. Ở trẻ sơ sinh khi thiếu sinh tố này sẽ dẫn đến bệnh còi xương (Rachitis). Ở lứa tuổi trung và cao niên sinh tố D được xem là „sinh tố bổ xương“ và cần thiết cho hoạt động và sự hoạt hóa của bắp thịt. Sinh tố D có ở 2 dạng:
a)Vitamin D3 (Cholecaloiferol, Calciol) có nguồn gốc tổng hợp từ Cholesterol, dưới tác dụng của tia cực tím UVB (ánh nắng mặt trời). Sinh tố này có ở dưới da, cung cấp đến 90% lượng sinh tố D cần thiết cho cơ thể. Trong thiên nhiên hầu như không bao giờ dẫn đến sự tổng hợp dư thừa và quá liều. Sinh tố D dễ bị hủy hoại ở nhiệt độ cao. Melanin (sắc tố đen) ở da sẽ chọn lọc không cho tia UVB tác dụng khi lượng sinh tố này thặng dư. Vào những tháng mùa đông, do thiếu ánh sáng mặt trời việc tổng hợp sinh tố này bị giới hạn. Sinh tố D cũng có tác dụng thuận lợi chống lại bệnh tiểu đường và huyết áp cao.
Trong những tháng mùa đông, do thiếu ánh sáng mặt trời đó là nguyên nhân dễ dẫn đến bệnh trầm cảm buồn nản (seasonal affective disorder). Ở đây có sự tương quan giữa ánh sáng mặt trời, sinh tố D và bệnh trầm cảm buồn nản. Ở xứ lạnh và có ẩm độ cao dễ đến các bệnh thấp khớp do hàm lượng tổng hợp sinh tố D giảm thiểu.
Nhu cầu hàng ngay dao động từ 800 – 2000 I.E.
b)Sinh tố D2 (Egocalciferol, calciferol) là sinh tố D có nguồn gốc thực vật, tan trong dầu. Có nhiều trong mỡ, gan cá thu, cá hồi, cá mòi, lòng đỏ trứng, nấm, rau bắp cải, sữa và các sản phẩm từ sữa như bơ, käse, Yogurt.
2. Calcium (chất vôi): Nhu cầu dành cho tuổi cao niên từ 1000-1500 mg/mỗi ngày. Calcium là khoáng chất cơ bản của xương và răng. Calcium cần thiết cho các phản ứng sinh hóa học trong cơ thể, của cơ,thần kinh và là thành phần của các yếu tố đông máu. Ở phụ nữ trong thời kỳ thai nghén và ở sản phụ cho con bú lượng calcium cần thiết trong cơ thể cao gấp nhiều lần bình thường.
Calcium có trong sữa, sản phẩm từ sữa, rau xanh và nước suối khoáng.
3. Biphosphonate: Các dược phẩm này được hoạt hóa khi cơ thể được cung ứng đầy đủ calcium và sinh tố D. Tùy theo nguyên do dạng thể và giới tính của bệnh nhân thuốc được đưa vào sử dụng. Alendronsäure (Fosamax ®), Risedonat (Actonel ®).
Đối với phụ nữ trong thời hậu mãn kinh, và người xử dụng nhiều hơn 7,5 mg Glucocorticoid (Cortisol) một ngày thì các dược chất như Alendronsäure Risedonat, Tepiparatid, Zoledronat có tác dụng hiệu quả cao.
Biphosphonate có tác dụng chống loãng xương và tăng cường tái tạo Matrix xương.
- Trong thời tiền mãn kinh ở phụ nữ thì Teriparatid (Parathormon) có tác dụng điều trị cao, giúp tăng sự tổng hợp các tế bào tạo xương, điều hòa sự hấp thụ muối khoáng, tăng sự bền vững cấu trúc xương.
Được kể vào nhóm này các dược phẩm như Preotact (PTH 1-84), Forsten®.
* Alendronat 70 mg, uống 1 viên mỗi tuần, vào buổi sáng trước lúc ăn điểm tâm, với nước lạnh và không được nằm khi uống thuốc trong vòng nửa tiếng. Thuốc không được dùng cho những người bị suy thận; phản ứng phụ nguy hiểm là gây hủy hoại xương hàm mặt ở những bệnh nhân có tiền sử ung thư.
* Bonviva ®: Chích tĩnh mạch, cứ 3 tháng 1 lần, dành cho các bệnh nhân không nuốt được thuốc, và bị bệnh dạ dầy.
4. Prolia ®: Một phương thuốc nhiệm mầu chống lại bệnh loãng xương?
Dược chất Denosumab đã được đưa vào điều trị từ tháng 6 năm 2010 tại Đức, dùng cho phụ nữ sau thời mãn kinh và nam giới bị ung thư tiền liệt tuyến (Prostatakarzinom) sau khi điều trị bằng kích thích tố.
Kháng thể Denosumab ức chế hoạt động của yếu tố gây hủy hoại khối u RANK và các tế bào phân hủy mô xương (Osteoklasten) có ở tủy xương. RANK (Receptor Activator of Nucclear factor-kappa B) là chất trung chuyển sơ khởi của hoạt động các tế bào phân hủy xương. Toàn cầu đã có hơn 100.000 bệnh nhân được điều trị với Prolia R. Bệnh nhân được uống bổ túc sinh tố D và Calcium. Các kiểu nghiệm cho thấy độ dầy và tỷ trọng xương gia tăng rõ rệt ở ngoại vi và trung tâm, tỷ lệ gãy xương cũng giảm thiểu.
Thuốc được chích 6 tháng 1 lần. Phản ứng phụ của thuốc dễ dẫn nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phế quản, đục thủy tinh thể của mắt; phản ứng dị ứng da và đau nhức khớp xương.
5. Dùng kích thích tố như Estradiol, Serm (Bazedoxifen = Evistar®), Calcitonin, Teriparatid được xem như điều trị bổ túc khi bệnh nhân không được điều trị với Biphosplonate do các phản ứng phụ gây ra. Các kích thích tố này làm nóng bừng mặt, gây co cứng cơ, đông máu tĩnh mạch và dễ gây ung thư vú.
6. Điều trị phụ trợ, giảm đau: Thường những bệnh nhân loãng xương và gãy xương hay bị đau đớn. Họ thường tránh cử động vì lầm tưởng đó là nguyên nhân gây đau nhức. Họ phải được điều trị bằng các loại thuốc làm giảm đau, bằng phương pháp vật lý trị liệu. Một số họ được mang các Orthese (Bandage) để giữ cho cột xương sống bền vững hơn.
V. Phương thức phẫu thuật: Khi bệnh nhân bị đau đớn và vùng đốt xương sống bị gẫy là nguyên nhân đớn đau thì các phương thức sau được đưa vào điều trị:
a) Kyphoplastie: Đưa 1 bong bóng vào vùng xương bị gãy, bong bóng được bơm lên để đạt được độ cao tương ứng nơi đốt xương sống bị gãy, sụp.
b) Vertebroplastie: Đưa hợp chất có tác dụng như xi-măng vào vùng của đốt xương sống bị gãy
***
Hình ảnh những cụ già, lưng còng, tóc bạc, da mồi của một vùng quê nghèo miền Bắc xa xăm nào đó vào những ngày mưa phùn đông giá đã làm chạnh nghĩ tới số phận thiên nhiên nghiệt ngã dành cho họ, những bệnh nhân của bệnh loãng xương. Những yếu tố thiên nhiên, môi sinh, dinh dưỡng là tác nhân đưa đến số phần hẫm hiu đó của họ.
Nếu ý thức và được ngừa chống hữu hiệu thì căn bệnh loãng và thoái hóa xương không còn là mối suy tư nan giải cho những người cao niên của chúng ta.
* Bác sĩ Trương, Ngọc Thanh
* Dược Sĩ Trương, Thị Mỹ Hà
( Báo Viên Giác số Đặc biệt 186 - Xuân 2012)