Bệnh Dịch vi khuẩn đường ruột EHEC - Trương Ngoc Thanh - Khoa Sinh

Code: Sa 183.65 (PV, 4.6.2011)

Dịch vi khuẩn đường ruột EHEC

Nghi vấn về nguồn gốc bệnh

và bế tắc trong điều trị

* Bác Sĩ Trương Ngọc Thanh (Bückeburg-Minden)

Dược Sĩ Trương Thị Mỹ Hà (Hamburg)

Báo Viên Giác(Tây Đức) số tháng 6 năm 2011

Cho đến nay 03.06.2011, tại Cộng Hòa Liên Bang Đức con số tử vong do vi khuẩn EHEC 0104 với biến chứng nguy hiểm HUS đã lên đến 18 người. Đa số nạn nhân là phụ nữ (15 người) ở lứa tuổi cao niên .Số người bị nhiễm bệnh hoặc bị nghi ngờ nhiễm bệnh đã lên đến hơn 2000 người, trong đó hơn 60% với bệnh chứng HUS phải điều trị cấp tính và cấp cứu.

Khởi đầu vào tháng 5.2011 có sự ghi nhận một số đông bệnh nhân vùng Bắc Đức, đặc biệt là Hamburg, Lübeck bị tiêu chảy cấp tính với biện chứng xuất huyết và suy thận HUS. Con số lây nhiễm và biến chứng nguy hiểm gia tăng đáng sợ. Sự lan bệnh trong vùng địa lý rộng lớn khắp CHLB Đức và các quốc gia Âu Châu đã đặt y giới và các nhà khoa học trước một bài toán khó giải. Nguyên nhân, nguồn gốc xuất phát bệnh cho đến nay vẫn chỉ là những phỏng đoán không chính xác.

EHEC là tên gọi tắt của dạng nhóm vi khuẩn gây bệnh thuộc loài E Coli (EnteroHämorrhagisches Escheria Coli).

Escheria Coli hay viết tắt là E Coli – là loài vi khuẩn đường ruột hình đũa, có chiên mao, gram âm, tạo acid.

* Khuẩn E coli được tìm thấy trong ruột già của người và động vật như bò, trừu... Ở đây chúng là cộng khuẩn vô hại (Darmflora). E coli là vi khuẩn được biết đến và khảo cứu nhiều nhất, do chúng có chu kỳ tăng trưởng nhanh và bền vững. Được khám phá vào năm 1917 đến nay người ta đã lợi dụng sự hiểu biết về chu trình phát triển của chúng dùng những ứng dụng kỹ nghệ sinh học phân tử, di truyền,… để tổng hợp Insulin (trị bệnh tiểu đường), Interferon (điều trị ung thư), Acid amin, Hormone (kích thích tố)...

* Ở dạng gây bệnh, các dạng thể như EHEC, ETEC, EPEC, ….đã được đặt tên theo tính gây bệnh của chúng.

Gần đây y giới Hoa Kỳ đã ghi nhận có sự liên đới giữa việc nhiễm khuẩn E Coli và bệnh chứng CROHN (viêm, nhiễm trùng mãn tính đường tiêu hóa).

*

* *

Vi khuẩn EHEC đã được mô tả vào năm 1977 ở dạng E Coli 0157:H7

Vào năm 1982 EHEC đã xuất hiện với biến chứng HUS ở Mỹ.

Sau đó vào những năm 1985, 1987 có sự xuất hiện nhiễm bệnh riêng lẻ EHEC tại CHLB Đức.

Do tính nguy hiểm và lan rộng nhanh bệnh nhiễm vi khuẩn đường ruột EHEC đã được liệt vào danh sách bệnh truyền nhiễm phải thông báo cho Sở Y Tế khi phát hiện,hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh.

I.- BỆNH CHỨNG

Vi khuẩn EHEC gây nhiễm trùng đường ruột cấp tính. Thời gian tiềm bệnh thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày. Bệnh nhân bị tiêu chảy dữ dội, đau bụng, có thể ói mửa hoặc buồn nôn. Ở dạng nặng với biến chứng bệnh nhân bị đi cầu hoặc đi tiểu ra máu.

Khuẩn EHEC có ái lực và bám vào thành ruột gây hủy hoại các tế bào tạo chất nhầy Mucosa. Do mất nhiều nước và hoạt động nhu động của ruột gia tăng, cùng với độc tố làm màng nhầy ruột sưng phình.

EHEC tạo ra độc tố Shigatoxine theo đường máu gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Ở giai đoạn này bệnh nhân ngủ mê man hoặc mê sảng, với các biến chứng thần kinh như động kinh (Epilepsie) hoặc bị tê liệt.

Trong mao quản ở đường hô hấp độc tố Shiga gây suy nhược hô hấp và khó thở.

Trong số đó có đến 15% bệnh nhân bị biến chứng HUS (Hämolytisch Ürämische Syndrom) – Gasser Syndrom.

Biến chứng HUS gây ra do độc tố Shiga làm hủy hoại thành ruột, các vi mao quản của tiểu cầu thận. Việc tiêu thụ các yếu tố đông máu gia tăng, dẫn đến phản ứng gây tiêu chảy và xuất huyết ở ruột và giảm thiểu lượng hồng cầu và tiểu cầu trong máu. Các tiểu vi quản bị tắt nghẽn đưa đến sự bất hoạt động của thận gây bí tiểu, suy thận và tử vong.

Bệnh nhân có thể bị xuất huyết dưới dạng các chấm nhỏ dưới da.

Các biến chứng như viên tụy tạng, tiểu đường có thể kèm theo, khi bệnh nhân qua khỏi thời kỳ bệnh cấp tính.

II.- PHƯƠNG THỨC ĐỊNH BỆNH

Dựa vào các triệu chứng cấp tính, thử nghiệm máu, phân… với phản ứng PCR người ta có thể xác định được vi khuẩn gây bệnh. Bệnh viện Đại học Münster đã thử nghiệm thành công TEST để nhanh chóng tìm ra vi khuẩn EHEC gây bệnh.

Độc tố Shigatoxine cũng tìm thấy trong phân của các bệnh nhân này.

EHEC OI04 có đặt tính vật lý bền vững, tồn tại trong môi trường acid, chúng tạo ra phân hóa tố ß- glucorinidase có khả năng phân hủy đường sorbit.

III.- NGUỒN GỐC GÂY BỆNH DỊCH EHEC

Cho đến nay vẫn chưa rõ. Người ta tìm thấy EHEC trong phân của các động vật nhai lại như bò, trừu, trong đất,nước bẩn và nước thải, rau quả nhiễm khuẩn do đất hoặc phân bón.

Chỉ cần một lượng rất nhỏ từ 10 đến 100 vi khuẩn cũng đủ để gây bệnh.

Trong ruột của động vật nhai lại, EHEC không gây bệnh vì ở đây chúng không có các yếu tố tiếp nhận (Receptor) để vi khuẩn bám vào thành ruột.

Dịch nhiễm khuẩn EHEC bắt nguồn từ vùng Bắc Đức đã lan rộng đến các nước Châu Âu. Đa số bệnh nhân có tiền sử bệnh là có thời gian vãng lai hoặc sống ở Đức thời gian trước đó.

Vi khuẩn EHEC được biết đến trước đây (2001) cũng gây bệnh đường ruột ở dạng thái nhẹ, hằng năm có con số dao động từ 800 – 1200 bệnh nhân, chỉ gây biến chứng nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Vào ngày 26.05.2011, Học viện Robert Koch Institut đã công bố tìm ra nguồn gốc dịch EHEC và đưa ra khuyến cáo không nên ăn xà-lách, dưa leo và cà chua cùng rau không nấu chín. Họ tìm thấy vi khuẩn EHEC ở vỏ dưa leo của Tây Ban Nha, và dựa vào lời khai báo của bệnh nhân.

Công bố này đã dẫn đến thiệt hại hàng trăm triệu Euro cho các nhà nông nghiệp Đức và Tây Ban Nha. Họ đã phải phá hủy toàn bộ nông sản này vì không ai mua.

Lời khuyến cáo vội vã và sai lầm này đã làm thiệt hại đến uy tín của học viện Robert Koch. Đây là cơ quan về dịch họa và phòng chống bệnh truyền nhiễm liên bang.

Khi biết được vi khuẩn EHEC tìm thấy ở vỏ dưa leo nhập cảng từ Tây Ban Nha không phải là dạng nhóm EHEC OI04 gây bệnh với biến chứng HUS hiện nay, chính phủ Đức sẽ phải đối đầu với việc phải bồi thường thiệt hại cho các nông gia và doanh thương.

Tuy thế để chống đỡ sai lầm của mình, học viện Robert-Koch và Bộ Y Tế Liên Bang đến nay vẫn chưa rút lại lời khuyến cáo này.

IV.- PHƯƠNG THỨC ĐIỀU TRỊ

Khi bị các triệu chứng nêu trên, bệnh nhân phải tới ngay Bác sĩ hoặc Bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tại đây nếu bệnh nhân bị nghi ngờ hoặc nhiễm khuẩn EHEC sẽ bị cách ly và điều trị.

1)- Điều trị theo bệnh chứng

* Truyền tĩnh mạch các dung dịch muối khoáng và nước để bù đắp lại việc mất nước do tiêu chảy.

* Ngừa biến chứng suy thận bằng cách cung cấp nước, rửa thận bằng dung dịch muối khoáng. (forcierte diurese)

* Lọc máu (Dialyse) khi có dấu hiệu suy thận để loại bỏ các độc tố.

* Độc tố vi khuẩn EHEC gây hủy hoại thành các mao quản làm kết tủa và đông máu. Do đó các chất chống ngưng tụ tiểu cầu cũng được đưa vào điều trị.

* Thay huyết tương (Plasmapherese) nhằm làm giảm thiểu và loại bỏ các độc tố trong máu.

* Kết hợp Cortisol và các chất chống dị ứng như H1-, H2-Blocker(Fenistil, Omeprazol) để ngăn ngừa các phản ứng Schock do tiểu cầu bị phá hủy.

* Tiếp máu cho bệnh nhân do mất máu.

2)- Vi khuẩn EHEC và thuốc kháng sinh: Chỉ có một số thuốc kháng sinh thuộc nhóm Cotrimoxazol hoặc Gyrase-Hemmer (Ciprofloxacin) có tác dụng diệt khuẩn nhưng bị cấm xử dụng. Trong giai đoạn cấp tính nếu EHEC bị hủy diệt tạo nên một lượng lớn độc tố Shigatoxine làm rối loạn tuần hoàn và gây biến chứng HUS.

3)- Biện pháp trung hòa độc tố Shigatoxin cũng được đưa vào thử nghiệm.

4)- Dùng kháng thể Eculizumab (Soliris ®) đã cho thấy thành công điều trị ở một số bệnh nhân. Nguyên tố này đưa chất bổ túc ức chế vi khuẩn - Complement Blockade – đã được áp dụng ở Bệnh viện Đại học Eppendorf – Hamburg, Münster. Phản ứng phụ do thuốc Soliris ® gây nguy cơ nhiễm khuẩn đau màng óc cao. Chi phí điều trị thử nghiệm với Soliris rất cao, một liều thuốc truyền tĩnh mạch giá đến 6.000 Euro.

5)- Các nhà khảo cứu thuộc Bệnh viện Đại học Eppendorf Hamburg đã phân giải được toàn bộ cấu trúc phân tử DNA của vi khuẩn EHEC.Họ "hy vọng" sẽ tìm được chất kháng sinh để hủy diệt hoặc kết tủa vi khuẩn này.

V.- BIỆN PHÁP VỆ SINH PHÒNG NGỪA

- Nên ăn thịt nấu chín kỹ. Tránh ăn các rau quả không nấu chín hoặc rửa sạch.

- Không nên uống các loại sữa tươi chưa diệt khuẩn.

- Rửa tay trước khi nấu ăn và trước khi ăn bằng xà-phòng và lau tay khô.

- Nên thay đổi giẻ và khăn rửa, lau bát chén thường xuyên.

- Dao, thớt để chuẩn bị làm thức ăn phải được rửa thật sạch phơi khô hoặc rửa bằng máy ở nhiệt độ cao.

- Nên làm vệ sinh tủ lạnh trong vài tuần và giữ tủ lạnh ở nhiệt độ từ 3 đến 5 độ C.

- Tránh tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh tiêu chảy đường ruột cấp tính.

*

Con người với những tiến bộ về y học, sinh học phân tử, di truyền học …đã đạt được những thành quả vượt bực trong y học điều trị, nhưng họ cũng làm biến đổi các gen của các loài vi khuẩn, súc vật, thực vật...một cách đáng quan ngại.

Có thể EHEC OI04 là biến dạng của E Coli thông thường đã bị biến đổi (Maniputation) trong phòng thí nghiệm, gây ra các dạng thức gây bệnh mới không kiểm soát được. Đây là giả thuyết của giới chống đối sự thay đổi, biến hóa gen đưa ra.

Cùng với việc xử dụng bừa bãi các chất kháng sinh, đã tạo ra các dòng vi khuẩn đột biến có sức đề kháng lại các loại thuốc kháng sinh thông dụng.

Chúng ta đang đứng trước một bế tắc trước định luật thiên nhiên và tác nhân của con người để tìm ra nguồn gốc gây bệnh.

04.06.2011