Mẹ, Bạn Và Những Người Tình

Mẹ, Bạn Và Những Người Tình

(Thân tặng các anh chị em cựu SV ĐH Khoa Học SG và những người bạn cựu SVSQ Khóa 10B/72)

Năm 1971, sau khi đậu Tú Tài phần hai tại Trường Thoại Ngọc Hầu, An Giang, Long Xuyên, tôi lên Sài Gòn ghi danh vào học chứng chỉ SPCN ở Trường Đại Học Khoa Học. Lúc ấy Giáo Sư Trần Kim Thạch làm trưởng Chứng Chỉ và Giáo Sư Nguyễn Chung Tú làm Khoa Trưởng. Vì trường nằm đối diện với Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia nên lúc nào cũng mịt mù khói lửa và lựu đạn cay bởi những tay sinh viên phản chiến luôn tụ họp nơi nầy để kích động sinh viên. Do đó học chẳng được bao nhiêu mà đi biểu tình thì nhiều. Được vào đại học thời ấy là cả một ước mơ. Đối với anh em may mắn ở Sài Gòn thì rất thuận tiện cho việc học hành, nhưng đối với anh em ở tỉnh thì thật sự khó khăn. Ngoài việc tìm nơi ăn chốn ở, tinh thần của họ căng thẳng vì vừa học vừa lo, lo học sao cho mỗi năm đều phải thi đậu, vì nếu rớt thì phải vào lính.

Năm 1972 luật Tổng Động Viên ban hành. Trường tạm thời đóng cửa. Phần lớn học sinh và sinh viên phải lên đường nhập ngũ. Tháng Sáu năm 1972 tôi đến Trung Tâm 3 Tuyển Mộ Nhập Ngũ để trình diện. Cùng đi với tôi là người bạn gái đang học lớp 12 của Trường Trung Học Gia Long. Chọn một quán cà phê trước cửa Trung Tâm chúng tôi nói những lời chia tay trong nước mắt, tiếc nuối cho những kỷ niệm êm đềm, lãng mạn của tuổi học trò. Sau đó tôi vào Trung Tâm 3 trình diện. Sau khi trình mọi giấy tờ bằng cấp tôi được xếp vào tài nguyên Sĩ Quan và được cấp phép một tháng. Hết phép tôi lại đến trình diện. Lần nào đi cũng được người bạn gái đi theo và ngồi đợi tôi ở quán cà phê. Rồi tôi lại được cấp phép về và tiếp tục hẹn hò... Cho đến ngày 10 tháng 10 năm 1972, cũng như những lần trước, tôi để người bạn gái ngồi uống nước tại quán cà phê với lời từ giã "Em ngồi đây uống hết ly sinh tố, anh vào đổi giấy phép rồi trở ra mời em đi xem phim. Hôm nay rạp Đại Nam có phim mới”. Nhưng lần trình diện nầy thì khác hẳn vì viên Hạ Sĩ Quan nói những câu như ra lịnh, không còn mềm mỏng như những lần trước. Và ngay lập tức, tôi được chở thẳng đến nơi tiếp nhận của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và được xếp theo học khóa 10B/72 Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị. Tội nghiệp cho em tôi, sau hai giờ chờ đợi mỏi mòn, đã ra về với bao nỗi chán chường! Hôm đó rạp Đại Nam thiếu vắng hai người và cuộc đời của tôi cũng bắt đầu lao đao, lận đận từ đấy. Riêng em thì sau khi tốt nghiệp Trung Cấp Dược, em về tỉnh Quảng Đức - miền Cao Nguyên xa xôi hẻo lánh - và sau cuộc chạy loạn vào tháng 3 năm 1975, cuộc đời em cũng lận đận gian truân như mối tình đầu.

Khóa 10B/72 có khoảng 1080 Sinh Viên Sĩ Quan. Một số là các sinh viên tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Cần Thơ được gởi đi thụ huấn quân sự, sau đó được biệt phái về dạy lại. Số còn lại hầu hết là các anh em cư ngụ tại Quân Khu 3. Việc huấn luyện chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1 tại Quang Trung. Trong giai đoạn nầy có một lần đi ứng chiến và một lần tạm thời gắn An Pha để đi chiến dịch.

- Giai đoạn hai tại Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế - Nha Trang. Đây là giai đoạn đào tạo sinh viên để trở thành Sĩ Quan và khi tốt nghiệp được phân bổ đi các đơn vị khắp các Quân Khu. Sáu tháng huấn luyện nơi đây với bao kỷ niệm vui buồn trong đời lính.

Thời gian đi chiến dịch tôi được phân công về phường Chợ Quán, Đô Thành Sài Gòn nơi mà sau nầy Thủ Khoa khóa 10B/72 Huỳnh Văn H. về làm Phân Chi Khu Phó. Đây là một trong những phường giàu có và trù phú nhất tại thủ đô. Hằng đêm tôi đi theo vị Đại Úy Phường Trưởng vào những nơi ăn chơi mà đời sinh viên chưa bao giờ bước tới. Đặc biệt tôi được quen với cô Hồng, thư ký, và chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm vui buồn với nhau.

Tháng 10 năm 1973, ra trường tôi chọn về Tiểu Khu Phong Dinh, một thành phố đẹp, thủ đô của miền Tây mà tôi rất thích khi còn đi học. Nhưng tôi đã lầm vì nơi đây là biển lửa, chung quanh thành phố thơ mộng nầy là cuộc chiến tranh khốc liệt. Đơn vị phải chiến đấu mỗi ngày. Tôi làm Trung Đội Trưởng Trung Đội 4 với quân số 11 người và 30 "Loài Chim Đi Biển". Đặc biệt trung đội của tôi có anh Phước, Trung Sĩ Nhảy Dù, đào ngũ về đăng vào binh nhì Địa Phương Quân. Bình thường nhìn anh rất hiền hậu dễ thương, nhưng khi uống rượu vào thì không những anh chửi từ lính cho tới vị Tổng Thống mà còn dùng súng M16 quay vòng 180 độ và xả đạn. Hết rượu rồi thì anh lại hiền như pho tượng. Cho đến một hôm đại đội ra lộ lãnh lương, để anh ở lại giữ đồn vì sợ anh ra ngoài quậy phá. Tại đồn anh gom hết những canh rượu của một số vợ lính - những người vợ đi theo chồng và mở tiệm bán vài thứ cần dùng. Lên cơn say anh bắt những người vợ lính làm con tin và bắn xối xả ra ngoài. Đơn vị phải dùng loa để kêu gọi anh đầu hàng. Hơn một ngày tử thủ, đơn vị mới giải tỏa được đồn và giải giao anh cho An Ninh. Từ đó tôi không gặp lại anh nữa.

Lần đơn vị tôi bị bao vây ở vùng Thuận Nhơn, một đêm tôi nằm mơ thấy Mẹ tôi đến thăm. Bà nhìn quần áo tôi dính đầy phèn, tóc tai bù xù, giường ngủ là tấm poncho trải trên thảm cỏ, nửa sình nửa nước, lẹp nhẹp, bà ôm tôi vào lòng và khóc. Trong số những anh em, Mẹ thương tôi nhất. Tôi giấu Mẹ khi tôi vào lính và Mẹ tôi lo cặm cụi làm ăn nên cứ tưởng tôi vẫn còn đi học ở Sài Gòn. Bà ít học nhưng có trí nhớ thật tốt. Thời đó gia đình tôi sống nhờ vào tiệm tạp hóa do một tay Mẹ quán xuyến hết mọi việc. Khách hàng hầu hết là lính. Bán cho lính phải bán chịu, tới tháng lính lãnh lương mới trả tiền. Bán cho ai Mẹ nhớ hết và tối đến Mẹ đọc lại rồi nhờ con cái ghi vào sổ. Người nhận nhiêm vụ nầy thường là tôi, vì các anh tôi lanh lợi hơn, hoạt bát hơn, có nhiều bạn bè nên thường đi ra ngoài chơi.

Mấy anh em tôi đi học xa, chỉ về thăm nhà vào ngày lễ Tết. Mẹ cho chúng tôi tiền khi chúng tôi trở lại trường. Mỗi lần như vậy Mẹ thường giấu các anh, nhét thêm vào túi tôi một ít tiền vì Mẹ tôi biết những ngày ngắn ngủi tại nhà các anh tôi lanh lợi hơn nên lấy được chút ít riêng để tiêu xài. Riêng tôi với bản chất thiệt thà, cố hữu là phải chịu thiệt thòi, nên Mẹ cho thêm.

Đêm nay nằm ở tiền đồn, nơi hoang vắng và hiểm nguy nầy, trong giấc mơ tôi nhận ra Mẹ đã biết mình là người lính, một điều mà Mẹ sợ nhất, vì trong đời bà đã chứng kiến hai lần tiễn biệt hai người anh rể đã hy sinh trong cuộc chiến. Với Mẹ, sự bình yên cho con cái, cho gia đình và cho đất nước là trên hết. Mẹ không cần biết một chủ thuyết nào, chỉ đơn giản thế thôi.

Qua cơn mơ "thấy Mẹ về", lòng tôi buồn vì hối hận vì mình đã lầm lỗi, giấu Mẹ khi đi nhập ngũ. Khi lương tâm còn phán xét tội lỗi thì anh lính Truyền Tin đến báo hung tin “Mẹ của Chuẩn Úy đã qua đời.” Tôi ngã quỵ. Một nửa người nằm dưới nước, một nửa trên vũng sình lầy. Tỉnh lại, tôi gọi điện và nhờ tiểu đoàn mở đường cho tôi về Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn lấy phép. Nhưng tiểu đoàn cho hay phải chờ tới chuyến supplies khoảng một tuần nữa. Thương mẹ, tôi liều lĩnh mặc nguyên đồ trận, đón vỏ lãi và vượt qua đoạn đường mất an ninh gần 10 cây số. May mắn về đến Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn an toàn và khi về đến nhà thì không kịp nhìn mặt Mẹ lần cuối. Niềm đau khôn cùng đã theo tôi trong những năm tháng lây lất của cuộc đời.

Khoảng đầu tháng Giêng năm 1974, tôi được đi học khóa 2 Phân Chi Khu hai tuần lễ tại Trung Tâm Huấn Luyện Chi Lăng. Đơn vị thuộc quận Châu Thành, Tiểu Khu Phong Dinh, Cần Thơ. Tưởng về đây được an nhàn hơn, nào ngờ cũng phải đi tăng viện cho các đơn vị bạn mỗi ngày. Về đây gặp bạn V.Q., chuyên viên tử thủ, vì các đồn thuộc phạm vi xã của bạn thường bị bao vây. Có lần tôi suýt chết khi đi giải tỏa một đồn cho bạn ở vùng sâu trên cầu Đất Sét đi vào. Khi gặp lại bạn V.Q. trên đất Mỹ, chúng tôi đều ngậm ngùi nhớ về một thời đã qua mà cảm thấy rùng mình! Thời gian tham gia cuộc chiến tuy ngắn ngủi nhưng cả hai chúng tôi đã biết bao lần vào sanh ra tử, và chua cay hơn hết là mỗi người đều nhận lãnh hơn năm năm tù cải tạo.

Nhận đơn vị tại Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn đóng tại Long Thạnh, Cần Thơ. Phía trước Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn có một quán cà phê. Tình cờ tôi quen với cô Mai. Gia đình cô ở Vũng Tàu nhưng không biết buồn chuyện gì mà về đây sống cùng bà ngoại. Ở vùng quê nầy có lẽ cô không tâm sự được với ai nên trút hết tâm tình cho tôi nghe.Trung bình cứ hai ngày tôi nhận được một lá thơ. Cô kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện trên đời. Tôi cũng thả hồn mình theo mộng để vơi đi những ngày dài gian khổ vì đối diện với bao hiểm nguy ở chiến trường.

Khi được định cư tại Hoa Kỳ, tôi gặp lại bạn 10B72 Trần Anh T. và bạn Th. khóa 11 Quang Trung Đồng Đế. Tiểu Đoàn của hai người bạn nầy đã về thế chỗ cho đơn vị tôi tại cầu Long Thạnh. Và từ đó, một trong hai anh chàng nầy đã thay chỗ của tôi trong câu chuyện tình cảm của người em gái đầy mơ mộng nầy.

Vào trại cải tạo tôi gặp lại hai người bạn thuộc khóa 10B/72. Đó là bạn Trịnh Như Kha và bạn Phạm Sắc. Cả hai đều thuộc Đại Đội 767. Đặc biệt bạn Phạm Sắc quê ở vùng Kinh B, Cái Sắn thuộc tỉnh Kiên Giang. Phạm Sắc lao động rất giỏi và thường tiếp sức cho tôi để đạt chỉ tiêu trong trại lao động đưa ra. Đêm nào bạn cũng được nêu tên thuộc thành phần xuất sắc. Nhưng lạ thay, lúc phần đông anh em được thả thì Phạm Sắc vẫn còn ở lại trong tù, cho đến năm thứ sáu anh mới được về. Khi về địa phương, đến xã trình diện thì giấy ra trại của anh bị giữ lại. Khi chương trình HO ra đời thì anh bôn ba đi tìm lại tờ giấy "định mệnh" đó. Cuối cùng thì anh bị tai nạn giao thông chết. Anh đã qua đời và mãi mãi không tìm được “Tờ Giấy Ra Trại”!!!

Về Phân Chi Khu được hơn một tháng thì tôi phải lòng với cô nữ sinh Đoàn Thị Điểm, Cần Thơ. Một lần nữa lại vương vấn sự đời, để lại bao nhiêu buồn đau cho người khác. Tuyệt vọng trong nhà tù cải tạo vì biết khó có ngày về, trong khi gia đình người yêu đang kiệt quệ về kinh tế. Có lúc em phải lội bộ một đoạn đường gần 6 cây số để mang một chút quà đến gặp mặt người tù chỉ một vài phút! Không muốn nhìn thấy một người còn quá trẻ phải hy sinh cho mình với một tương lai vô vọng, tôi viết cho em một lá thư nói “tôi không còn yêu em nữa” và khuyên em nên lập gia đình, đừng chờ đợi tôi nữa. Nhưng thật sự trong sâu thẳm tận đáy lòng, tôi vô cùng đau đớn! Nhận được thư - có lẽ một phần giận tôi, một phần vì khó khăn về đời sống - em không còn đi thăm tôi nữa. Năm năm sau được thả về, tôi định ghé nhà em để có vài lời giải bày với hy vọng là nàng chưa lập gia đình. Nhưng khi đến nơi, tôi lại có quyết định không vào. Một phần vì mặc cảm, một phần vì tôi không muốn phá vỡ hạnh phúc của nàng nếu như nàng đã có gia đình.

- Xin tạ lỗi những người tình đã đi qua trong cuộc đời tôi. Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, ít nhiều tôi cũng gây ra những hệ lụy làm buồn phiền, có khi gây đau khổ.

- Cảm ơn các chị, vợ của anh em khóa 10B/72. Đặc biệt là những chị đã gắn bó với chồng từ trước năm 1975 và trải qua gian khổ của những năm tháng đổi đời, chịu đựng bao nhiêu sự cám dỗ của những kẻ có tiền và nhiều quyền thế. Như chị M. vợ của 10B/72 Trần Ải Minh đã vào tận nhà tù để cõng chồng ra khỏi trại, khi chồng được tạm tha về, vì thân tàn sức kiệt.

Có chị đã hi sinh đời mình để kết hôn với người mình yêu, cho dù người đó lúc bấy giờ đang bị loại ra bên lề xã hội, ngay chính trên quê hương mình. Đặc biệt có chị Q., vào năm 14 tuổi đã yêu thầm chàng Sinh Viên Sĩ Quan Đồng Đế và mở lòng mình, chờ đợi anh cho đến lúc ra tù mới làm lễ thành hôn. Một bông hồng cho các chị.

- Cảm ơn các bạn bè đã cho tôi những vui buồn trong cuộc sống. Những người bạn, những ngày đầu đã đi tìm lại những thành viên của khóa 10B/72 dù phải chịu đựng những lời khen tiếng chê, vẫn không nản lòng bỏ cuộc.

Và sau cùng,

- Cảm ơn Mẹ đã cho con HƠI THỞ và TRÁI TIM NHÂN ÁI để làm người.

California mùa Thu 2011

Trần Quang Lang