Vòng Tay Cho Khoa Học

Vòng Tay Cho Khoa Học

Hỏi như để mà hỏi. Khi TCS hỏi "Em còn nhớ hay em đã quên? " là ông đã biết người ông hỏi đã không làm sao quên được. Quên làm sao được một "Sài Gòn mưa rồi chợt nắng" trong những ngày tháng 5, tháng 6 mùa thi? Quên làm sao được những "phố năm xưa quen dấu chân người" khi mỗi một ngày qua là một ngày chân in phố nhỏ?" Quên làm sao được những ngọn "đèn đường từng đêm thao thức", thức học bài với người tuổi trẻ: môi rất tươi và má rất hồng?

Viết như để mà viết. Khi Duy Khánh viết trong Trường Cũ Tình Xưa: "Bạn cũ xa rồi/Có người về đất buông xuôi/Dăm ba đứa bạt phương trời…", là lòng ông đã chùng, là tay ông đã mỏi, văn chương gì khi bạn bè đã như một đàn chim vỡ tổ: kẻ lưu lạc phương xa, người vào lòng đất lạnh! Viết hay không thì cũng thế nhưng cầm bút trải lòng lên giấy vẫn là hơn, bởi vì đó là một giải tỏa, là một xoa dịu, là một phương cách tránh cho rưng rưng mắt, cho xót xa lòng.

Có ai nghe hai tiếng "cố nhân" mà không thoáng một chút bùi ngùi? Mà không tự hỏi đã về đâu những khuôn mặt, những tiếng nói, những giọng cười: ngần ấy âm thanh vang từ Giảng Đường 1 sang Giảng Đường 2, từ quán cà phê ông Năm bay ra quán cô Bính, từ những phòng TP hắt ra dãy hành lang im vắng hay từ một góc sân trường: tiếng guitare dịu dàng ôm tiếng hát bay cao?

Người ta đã tốn rất nhiều thời giờ để ca tụng một "con đường Duy Tân cây dài bóng mát" mà không có một chữ nào cho đại lộ Cộng Hòa, cái đại lộ mát rượi những trưa nắng gắt, cái con đường xanh cây đã từng chở che cho tóc xuân bớt úa nắng hè, cho má hồng kia bớt đỏ, cho tóc mây này bớt rịn giọt mồ hôi. Người ta cũng chịu khó gọi tới gọi lui "hỡi người tình Văn Khoa", mà không có một lời nào cho người tình Khoa Học, những người đã dạy cho ống nghiệm biết yêu, cho cây lá biết tỏ tình, cho đất đá biết tương tư, cho những tích phân cong biết quấn quýt chân người. Đã đi hết chưa con đường năm cũ? Đã trả lại người chưa những ngày tháng thiên đường, tuổi hồng tháp trên cánh nhỏ? Ôi giòng đời trôi như giòng nước, chảy ra sông xuôi ra biển, rồi sóng sẽ tấp vào đâu? Dòng sẽ đưa về đâu? Hay lại bốc thành hơi nước cho gió đại dương mang mưa vào, ướt xuống ngói tình Khoa Học?

Người là người Địa Chất, Vật Lý, người Sinh, người Toán, Hóa: người khác khoa nhưng chung một trường, chung một tên kêu. Tên trường là Khoa Học, tên người là Khoa Học, và, có những tên tình, cũng là Khoa Học. Người đã cùng chia với người những ngày lo lắng, vui, buồn của đời sinh viên, đã cùng "khóc cười theo mệnh nước nổi trôi", đã cùng ngồi nhìn lên bục giảng đường nghe Thầy Cô dạy dỗ. Bây giờ, người Châu Âu, Châu Mỹ, người Châu Úc, Châu Á. Người trôi như rong, người bay như mây, từ một khởi đầu không định hướng. Người ơi, có bao giờ người đã mơ xa trong một chiều nắng tơ vàng, hiền hòa, óng ả như lời ca Cung Tiến? Nói mơ là không đúng, mà phải là nhớ về, phải là một quay đầu, một ngoái nhìn quá khứ, ở đó có gia đình, bè bạn thân thương, ở đó, có tình lớn tình nhỏ và, ở đó, đã có một lần cổng trường Khoa Học mở ra, đón những cô, những cậu Tú Tài bước vào với trái tim chất đầy mộng ước.

Sao vòng đời không quay như vòng xe, không lăn như vòng bánh, cho, ít nhất một lần, người gặp lại người: người bạn cũ chung trường, chung lớp? Nhớ không ngôi trường ta? Nơi đã một thời nhộn nhịp giai nhân, tài tử, nơi mà âm nhạc đã bám trên cây, bay qua tóc, nơi mà từng đợt thủy triều thơ ve vuốt cát tình người. Chỉ cần một buổi sáng đi xa là đã thấy Thủ Đức không phải chỉ nổi tiếng về nem, vì Liên Trường Võ Khoa, mà ở đó, dung nhan kia lẫn lụa là này đã rộn ràng một góc trời Khoa Học.

Cỏ cây có linh hồn không? Bàn ghế có trái tim không? Tường vôi có trí nhớ không? Nếu không thì những tiếng đàn, câu hát trong những sinh hoạt văn nghệ ngày xưa được ghi lại ở nơi nào? Nếu có, thì chúng: có như chàng trung niên hôm nay, thỉnh thoảng nghe vọng về bên tai câu mở đầu trong hợp ca valse của người bạn thân: "Ngày xuân bừng sáng / trời trong xanh huy hoàng"? Âm thanh vọng về, kỷ niệm kéo về. Không cần đợi đến chiều, buồn mới len lén tâm tư. Buồn đã chất ngất, sầu đã vời vợi cả một tâm tư " Hoài Cảm ", khởi từ những ngày khi ĐHKH không chỉ giảng dạy thuần về Khoa Học, khi Thầy Cô và lũ học trò không chỉ vỏn vẹn cầm phấn trắng, bút đen!

Cũng may là còn có những cuộc tình Khoa Học! Không cứ gì ở Khoa Học, những cuộc tình sinh viên là những cuộc tình có một nhan sắc đẹp nửa vời, chưa nói đến những nhan sắc nửa vời thì bao giờ cũng …đẹp. Đó là thời kỳ chuyển tiếp từ hoa ra trái. Như một lần Tôn Nữ Thu Hồng đã viết: "Hãy là hoa xin chớ khoan là trái. Hoa nồng hương mà trái lắm khi chua".

Cuộc tình "hoa" là tình thơ, tình dại. Cuộc tình "trái" là tình đã trưởng thành, đã biết đời không chỉ toàn đẹp như mơ. Tình từ hoa ra trái là tình từ e ấp, dại khờ đang biến thành duyên nợ. Đừng nói gì về trái ngọt hay chua. Hãy nói về những lần hẹn hò, những lúc tan trường, chở nhau trên xe gắn máy, đưa qua những đoạn đường dài, vòng tay ôm là vòng đời khép lại, đóng lại một vòng tròn chỉ hai kẻ đang yêu. Hãy nói về những ngày học thi, tên người viết đầy trên mặt giấy, không gặp nhau vài ngày đã như là một cách xa hàng thế kỷ. Hãy nói về những nhớ nhung đã làm ứa ra thơ, trào ra nhạc:

" Mùa thi, mùa của tàn phai

Của son phấn nhạt, của say đắm nhòa

Của hai lá phổi vàng khô

Của đôi con mắt lên bờ quầng thâm

Quen đêm vắng của cung tần

Như quen vớI nỗi xa gần quân vương

Mùa thi mùa tập cô đơn

Đèn chưa đủ sáng những chương sách đầy

Dẫu rằng hứa hẹn chia tay

Hai người yêu vẫn học bài (mà) nhớ nhau! "

Trong vườn cây tình aí, trái ngọt được mang về, nuôi dưỡng, ấp yêu, trân trọng. Ở lại cùng vườn là trái chua, trái đắng chờ mục rã với thời gian. Đời sống ngoài kia: chua, đắng quá dư thừa!

Dường như ở mỗi một tuổi đời là một nguồn âm nhạc khác, mỗi một tuổi trời là một dòng văn chương lạ. Không như tình yêu, tuổi nửa vời là tuổi bắt đầu quay về, bởi vách đời đã vượt qua, bởi dốc tình đã lặn lội, quay về là quay về với kỷ niệm đẹp. Trong một sáng mưa rơi, trong một chiều nhạt nắng hay trong nửa đêm Y Vân "buồn như ly rượu đầy không có ai cùng cạn", người ở tuổi nửa vời bỗng ao ước được đi ngược lại thời gian, trở về quá khứ. Có thể để tìm những gì đã có mà hiện tại không cho và tương lai chưa chắc sẽ. Có thể như xem lại một đoạn phim hay. Có thể là một đổi thay không khí "trong cuộc sống đều đều của cuộn thoi tơ. Gì thì gì, tuổi nửa vời, là một giao mùa giữa hạ và thu. Nói gì về Hạ, nói gì về Thu? Hạ có là mùa chỉ đến môt lần như Phạm Duy đã viết : "Đôi ta chỉ có một mùa hè thôi"? Và Thu có phải : "Thu là chiều của năm. Chiều là thu của ngày" trong một câu thơ ai đó ? Những ngày trôi qua dưới mái trường Khoa Học là xuân hồng, cái thứ xuân, hồng đến độ Xuân Diệu đã phải thốt lên "Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi". Chúng ta đã cắn vào xuân, chúng ta đã là xuân, chúng ta đã rất hồng, dưới cùng một mái trường, trong cùng một tên chung: Đại Học Khoa Học Sài Gòn.

Xin rừng núi hãy dang tay nối lại những biển xa bè bạn. Nối như trong một ca khúc. Nối khắp năm châu, nối cùng lục địa. Cho vòng tay khởi đi từ đại học Khoa Học Sài Gòn năm xưa, mãi mãi là một vòng tay bát ngát thân tình.

Lê Bình Phương