Nàng Đến Và Đi Như Bóng Mây

Nàng Đến Và Đi Như Bóng Mây

Số là ngày xưa, lại cũng ngày xa xưa, tui có cô bạn cũng xấp xỉ tuổi càng cua, tuổi me chua, tuổi xoài tượng chấm nước mắm đường ấy mà. Nàng lí lắc như chim sơn ca, thông minh ra phết, chỉ số thông minh khoảng 60 (chỉ số của bà nội trợ cựu Tông Tông Bill Clinton là 58) và nàng dễ thương chi lạ chi lùng!

Hai đứa cùng xóm, cùng trường, cùng lớp, mà lại cũng thường qua lại nhà nhau nên đâm ra khá thân thiết và khá ghiền “mùi” ghiền “mẫn” với nhau. Hai gia đình láng giềng gần thành bà con xa cho nên sáng, trưa, chiều, tối tui và nàng thường qua lại nhà để cùng học bài. Nóng nực thì có con sông gần nhà, xuống lội vài sào. Khát thì có trái cây tươi trong vườn. Tui thích trái vú sửa chín cây, còn nàng thì mê mẫn những khúc mía lau vừa lóc vỏ. Mộng là dzớt được cái bằng Đại Học Khoa Học đem về nhà lộng kiếng, treo dàn bếp cho mấy con sâu con bọ lúa mạ nó khiếp chơi. Với vài trăm mẫu ruộng, vài chục ao cá, nào là vườn xoài, vườn mận, vườn ổi xá lị, với trình độ khoa học thu lượm được hai đứa đi làm mà làm gì cho cực tấm thân, để thì giờ hưởng thú hương hoa đồng cỏ nội…

Nhưng, cái quái ác trên đời là cái gì đang trơn dầu trơn mỡ thì sau đó cũng có chữ “nhưng” kèm theo. Để tui nói cho bà con nghe, cái “nhưng” này xảy ra vào lúc cái Tết năm đó...đó...đó… Cái năm mà mọi người vừa ăn Tết vừa ăn “pháo súng Giao Thừa” đó mà. Cái năm mà con trai “thi không cần ăn ớt cũng cay”. Cái năm mà bằng “nhập ngũ” được Nha Động Viên cung cấp vượt chỉ tiêu. Cái năm mà các trường học bị nạn “âm thịnh dương suy”! Cái năm mà...

Rớt tú tài anh đi trung sĩ

Em ở nhà lấy M.. nuôi con

Khi nào xong chuyện nước non

Anh về anh có cái “cỏn con” anh bồng

Tui không có cái may mắn đậu “bằng hoãn dịch” nhưng bù lại dzớt được bằng “bằng nhập ngũ”, được Tổng Thư Ký trường Đại Học Động Viên, Chuẩn Tướng BĐĐ ký tên và đóng đấu. Ngày lên Thủ Đức nhận bằng, cô bạn gần nhà không nói với tui một lời giã biệt mà còn “mách lẻo” với bà già tui là “ảnh” không chịu lo học, bày đặt tò te, bày đặt léng phéng, bày đặt hết nếm bưởi đến thử xoài tượng rồi tới ăn chùm ruột…Tối ngày cứ ở trong vườn vú sữa thì thi rớt là chuyện thấy trước .... Đúng là oan như hoạn! Thà bị thiến để khỏi đi quân dịch, bán vài sào đất qua Thái qua Xiêm họ chỉnh, họ tân trang, họ đổi hệ thì đâu bị đàn bà con gái lên mặt, bị hàm oan là mê chất âm, lơ đểnh học hành. Cái “hàng xóm” thi đậu cho nên thẳng đường lên “quan”. Còn mình cũng đi, đi chân thấp chân cao, đi để xem con tạo nó điên cuồng ra sao? Ông thề là ông mà lượm được cái “Trung Sĩ” thì liệu hồn với ông!

“Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” cho nên tui không còn có thì giờ để nhớ, để mơ cô bạn hàng xóm láng giềng. Thời gian huấn nhục rồi cũng qua đi, mồ hôi càng đổ thì người càng nhuộm đen. Cái dáng thư sinh bên khung cửa hẹp ngày nào đã để lại quê nhà. Giờ đây có chăng là một chàng trai hào hùng đầy phong độ, dáng đẹp như một pho tượng thời Trung Cổ. Cái chất đồng ruộng ngờ nghệch trôi đi, cái tôi luyện của quân trường đã giúp tui trở thành một chàng trai tự tin bên chân trời tím. Từ đó, tui mới thấy rằng ngày xưa sao mình khờ ơi là khờ! Lớn xác to đầu mà ngu ngơ, hàng xóm lim dim mắt chờ trông, chu cái mỏ quạ gợi tình mà mình như ông phổng đá, miệng thì toe toe ba cái chuyện tào lao. Mỗi khi cô nàng hàng xóm chớp chớp cặp “Loan mắt nhung” là mặt tui ngờ nghệch,“thuỗn” ra. Cặp môi mọng đỏ đưa qua đưa lại như mời gọi, thì tui tưởng tượng ra trái mận Vĩnh Long. Biết là nó ngọt lịm nhưng nào có dám ngậm, dám nhai. Cặp môi mà ngay thời điểm này chắc tui nghi là nàng đi “bôm” vì cặp môi nàng mọng đỏ chín như môi nàng Angelina Jolie của Brad Pitt. Ngu ơi là ngu! Mận ngọt mà không thưởng thức, rõ là đồ cù lần!

Ngồi buồn trông ong bướm bay lượn tui lại nhớ cụ Trần Văn Hương:

“Ngồi buồn gải háng d...lăn tăn”

Bạn bè hết người nọ đến người kia đều có em bé hậu phương thăm viếng còn mình thì đang tựa cột Vũ Đình Trường, không bóng ma nào nhớ đến. Ngày thăm nuôi buồn ơi là buồn!

- “ Vắng em rồi, xa em rồi, hoa đã tàn nhụy đã phai, ngày hôm nay trời có nắng ... em không đến rồi ... em đi với ai ...?”

Đứng ngáp ruồi chừng nửa tiếng, tui định vào tán gẫu với đám bạn mồ côi “em gái hậu phương” thì cái cô hàng xóm mặt ngơ mày ngác xuất đầu lộ diện bên cạnh thằng em. Chắc là nhờ thằng em “nai” dùm (lái xe chở dùm) chứ dân ruộng làm gì biết cởi xe cộ. Hàng xóm không thấy cũng không nhận ra tui? Vậy thì hàng xóm thăm ai?

- Thế thôi là hết ai đi đường ai... Tui đi đường tui!

Tui đẹp trai như vầy, tui rực sáng giữa ngàn vì sao như vầy mà không nhận ra tui thì đúng là đi tìm ôn dịch? Tui quay gót vào trong. Tại cái đầu húi cua? Tại cái mặt đen như Chà Và? Hay là tại trời nắng quá nên hai mắt nàng kéo mây?

- Anh Ba Cộng Hoà ơi, Mận của anh đây nè. Mận Vĩnh Long đây nè...

Ha...ha...Hàng xóm thấy tui rồi. Hà…hà…cái dáng dấp tiên phong đạo cốt, cái dáng leo cây hái vú sữa của tui ngày xưa thì làm sao mà nàng không nhận ra tui.

- Em lên lúc nào mà anh chờ cả thiên thu... không thấy?

Tui quên bẳng đi rằng cô hàng xóm thông minh mà lí lắc. Hai chị em cô nàng đóng kịch, chứ cái cặp “mắt nhung” kia mà không thấy anh chàng Steve Mc. Queen dựa hàng rào ngày nào thì còn thấy ai đây? Tui quay một góc 180 độ và chớp chớp đôi “mắt cụt” chạy đến gặp nàng. Tui hết mồ côi rồi. Em gái Dạ Lan của anh trai tiền tuyến đến thăm tui. Cô bạn hàng xóm từ quê lên thăm anh trai “quân trường tuyến”. Hà...hà… Có vậy chứ phải không Mận?

“Anh quân trường, em nơi đồng quê.... tuyến,

Đời lính chiến xui gặp ngay... em...”

Tui ra trường. Cuộc đời lúc nào cũng “bị động” cho nên tui chọn binh chủng “Biệt Động Quân” cho chắc ăn. Lỡ động cho động luôn, bàn chân có nút ruồi nằm ở cung di cho nên di động là phải rồi. Cái “nhưng” nó đeo đuổi tui cho đến ngày “viên đạn đồng đen” bay ngang mắt cá.Tui lại đậu cái bằng mới, bằng “giải ngũ vĩnh viễn”, trở về với liếp tranh xưa, trở lại trường làm đàn em của cô hàng xóm. Nàng bây giờ đóng vai trò kèm trẻ cho tui vì tui phải chập chững gom chất xám trở lại để kiếm mảnh bằng về treo dàn bếp.

Nhưng, biến cố kèm theo biến cố, tui lạc bước qua cái xứ có “động hoa vàng”. Bị dị ứng một phần vì phấn bông, một phần vì phấn các nàng nên tui dzọt về miền Nam Cali. Không liên lạc được với cô hàng xóm nên tình cảm của tui với cô nàng cũng từ từ đi vào vũ trụ. Mà này, để tui nói cho nghe cái cảm giác lạ lùng của tui nha. Tình cờ ngồi uống cà phê ở khu Phúc Lộc Thọ, tui gặp nàng. Nàng mừng rỡ đột ngột vì mới qua xứ người mà đã “tha hương ngộ cố tri”. Nàng chu mỏ ríu ra ríu rít. Nàng hót tía lia, nàng gào, nước miếng văng tùm lum đến nỗi tui lau mặt không kịp:

- Anh qua đây làm gì? Vợ con gì chưa? Biết anh sống ở Cali, thường ngồi thưởng thức cà phê Lú nên em có nhờ vài người bạn theo gia đình đi diện HO chuyển thơ cho anh, nhưng không có trả lời. Sao “không thấy hồi âm” cho nên nghĩ là anh không muốn liên lạc với gia đình em nữa.

“Sao không thấy hồi âm”? Có ma nào chuyển cho tui lá thơ nào đâu? Riêng tui, qua đây đời nó quay không bị “dập dế” là may rồi. Vừa học vừa chùi nhà rửa chén, vừa chạy theo ba cái mối tình “vụn vặt”, vừa đi đấm bóp hai tay, bốn chân cho người để phụ thêm tiền thuốc lá cũng vừa hết ngày hết giờ. Ba cái mối tình dở dở ương ương cũng không đi tới đâu vì lỡ mang nhiều kỷ niệm đẹp với dĩ vãng “hàng xóm” nên tui thờ ơ với lòng mình, thờ ơ cả với phái âm.

Gặp lại cô hàng xóm, kỷ niệm xưa dồn về vây kín hồn tui, che lấp mắt tui. Nàng thì nói, còn tui thì lại trở về tính cố hữu: ngu ngơ, ngờ nghệch, đảo điên, mất trí. Cô hàng xóm hót chừng mươi lăm phút thấy tui nín khe, cô nàng cảm thấy tui xa lạ, có cái gì không ổn nên tắt đài im ru bà rù. Không lời chào nàng vọt đi như sao xẹt. Tui tỉnh hồn nhìn lại thì “giờ nàng đã ra đi”. Ôi “Mận ngọt”, em đâu rồi?

Chia tay không điện thoại, không địa chỉ, đúng là ngố mới về thành! Cho nên liên tiếp ba tháng biệt tăm biệt tích là ba tháng tui dùng tất cả phương tiện thông tin hiện đại để dò tìm cô hàng xóm, nhưng tìm sao ra!

“Tìm em như thể tìm chim

Chim bay biển Bắc, tui tìm biển Đông”

Tui ngu ngơ nghĩ rằng mò tìm kim đáy biển còn dễ, chứ “mò” nàng khó quá đi thôi! Biết “mò nơi mô”, mò sáng hay mò tối hỉ? Càng tìm không ra thì mối tình với cô hàng xóm càng rạt rào, sâu đậm. Nàng chợt đến chợt đi như gió thoảng mây trôi. Còn tui, tui đợi, tui mong, tui tiếc…

“Có yêu mới khổ vì yêu

Có yêu mới... gặp nạn nhiều”

Tui gặp cô hàng xóm lần thứ hai khi nàng đi dự hội chợ Tết. Nhưng trời ơi là trời, làng xã, quận huyện ơi, nàng đi có bảo vệ. Gặp lại cô hàng xóm lần này sao mà nó xót xa, nó buồn tê tái, buồn thúi đất, buồn rách mồng tơi! Trách ai đây? Trách tất cả thế nhân hay trách ta? Lần gặp này, ánh mắt nàng không còn lí lắc như xưa, ánh mắt mang nhiều trách móc, dỗi hờn. Thất cơ, lỡ vận, bị đời dập tơi bời hoa lá cho nên tui hết ngu, tui quán triệt chân lý và nghiệm ra rằng:

- Chắc nàng quen “bảo vệ” chưa lâu đâu. Làm sao chỉ có vài ba tháng mà nàng có thể quên đi cái thời vụng dại ngày xưa. Cái thời “tắm sông” không người lái. Nhất là nàng không giới thiệu “người bảo vệ” với tui.

Sau khi dùng phân tích và tổng hợp hiện đại, cái nào là “hiện tượng”, cái nào là “bản chất”, tui mạnh dạn đi tới gặp nàng để nhận bà con láng giềng và luôn tiện hỏi nhà, hỏi số điện thoại, và hỏi....Hỏi và hỏi đến nỗi “thằng bảo vệ” muốn sừng xộ với tui, nhưng cậu Ba Cộng Hòa mà, chỉ sợ nước mắt đàn bà thôi. Hôm sau tui ghé nhà cô hàng xóm ngày xưa, tay ôm mặt mừng, mận, chôm chôm, mãng cầu, măng cụt, xoài, vú sữa, đu đủ, sầu riêng, táo, nho, lê, cam, quít...Tui ăn ngập mặt ngày hôm ấy.

Tiện đây tui cũng mở dấu ngoặc để nói về một ít trái cây miền Nam:

Phàm ông bà mình nói “ăn gì bổ nấy”. Khoa học hiện đại sau nhiều nghiên cứu đều cho rằng trái cây chứa nhiều vitamin. “Ăn gì bổ nấy” được kiểm chứng bởi những nhà văn miệt vườn Úc Châu: Nhà văn Lộc Dương, Vân Dương, Tiều Phu, Matthew King và Hạnh Phục hay những nhà sưu tầm nghiên cứu, thí dụ như nghiên cứu gia internet Lê Thị Kiểm ở Đức.

Đàn bà vừa sinh không nhiều sữa, ăn trái vú sửa bảo đảm sữa xịt ra có vòi.Tuy nhiên nhiều khi ăn không đúng lúc thì “lợi bất cập hại”. Thí dụ đang bị chảy máu cam mà dộng cam vào thì máu càng chảy. Đang bị hàm oan mà ăn cam thì thêm tiếng oan vì “quít làm cam chịu”. Ăn no rồi mà tráng miệng bằng đu đủ thì có ngày bị trúng thực. Nhà bị trộm cắp mà mua chôm chôm thì đạo tặc sẽ tiếp tục vào nhà chôm chỉa.

Riêng trái sầu riêng, từ ngày xa cậu Ba Cộng Hòa, cái Mận không bao giờ đụng đến trái sầu riêng. Thèm nhỏ dãi mà đi ngang qua hàng sầu riêng phải lấy hai tay che mắt. Nội chỉ nhìn thôi cũng làm cô ta sầu thúi ruột! Ai đang thất tình, ai đang đảo điên về tình trường, không nên ăn sầu riêng vì trong múi sầu riêng có vitamin bổ “sầu”.

Ai không ưa sầu riêng thì nói là nó có mùi mèo chết, mùi rác thải, cá ươn, phó mát quá hạn. Với người sành điệu biết thưởng thức sầu riêng thì đây là loại trái cây chứa nhiều chất bổ. Trái sầu riêng được tôn vinh là vua trái cây. Mã Lai, Thái Lan, Cam Pu Chia và Việt Nam là những xứ sản xuất và tiêu dùng loại trái cây vương giả này. Ăn sầu riêng sẽ có nhiều “hưng phấn” đột ngột vì nó là loại trái cây gây kích thích nhanh và mạnh. Sau buổi ăn tối mà thêm vài múi sầu riêng thì chén bát sẽ không kịp dọn dẹp rửa ráy, lo chạy theo bà Hồ Xuân Hương để đánh cờ người. Ngạn ngữ Mã Lai có câu:

“Ăn trái sầu riêng, lập tức tốc váy lên ngay”

Tục truyền rằng ngày xưa ở Bến Nghé, Đồng Nai, có chàng trai thích lang bạt giang hồ giống như Lệnh Hồ Công Tử tui đây. Chàng trai thích phong trần này bỏ xứ ra đi, đặt chân đến xứ Chùa Tháp, đang dạo mát bên bờ sông tình cờ gặp một cô gái đang lên cơn sốt. Nhờ có biết qua vài ba loại dược thảo, chàng ta vạch cây cỏ xung quanh cô gái bị sốt, lấy vài nắm lá, nhai nát và cho cô gái nuốt. Cô gái hạ ngay cơn sốt (trong sách thuốc của Hoa Đà, Biển Thước có nói rằng khi bị rắn độc cắn, xung quanh chỗ rắn độc nằm sẽ có cây cỏ trị nọc độc của nó. Trong tuyệt tình cốc của Kim Dung, có loại cây hoa tình rất độc, nhưng dưới gốc cây này có loại cỏ trừ được chất độc này).

Cảm cái nghĩa chàng trai cứu mình qua cơn sốt, chàng và nàng kết hôn. Chàng trai từ giã giang hồ để vui thú điền viên với nàng thôn nữ xứ Chùa Tháp. Vườn nhà nàng có trồng loại trái cây mà ăn vào rất hấp dẫn ngon ngọt nhưng nó kích thích quá mạng. Nàng và chàng ăn nhiều, đến thời kỳ quá độ, nàng kiệt sức lìa bỏ cõi trần, bỏ lại người tình không chân dung. Mang mối sầu tuyệt vọng, chàng trở lại quê nhà đem theo vài hột giống trái cây nói trên về quê trồng. Một thời gian sau cây lớn, đơm bông kết trái. Đến mùa trái chín chàng mời bà con láng giềng đến thưởng thức. Ai ăn cũng khen nức nở vì mùi vị độc đáo ngon ngọt, nhưng ăn xong vài chục múi, mọi người đều hấp tấp ra về vì bị chứng “khí tồn tại não” nhập (Tam nhật bất độ khí tồn tại não, nhất nhật tam độ bất đáo dương). Mọi người ra về, nhà vắng như Chùa Bà Đanh! Nỗi đau buồn của chàng trai càng ngày càng tăng theo tỉ lệ lạm phát, chàng lìa trần. Dân làng cảm kích tấm tình của hai vợ chồng nên đặt trái cây này là “trái sầu riêng”. Vua Minh Mạng ăn rất nhiều sầu riêng cho nên Vua Minh Mạng là ông vua có nhều con nhất trong những ông vua của triều Nguyễn.

Tuy nhiên ông bà mình cũng có nói “dĩ độc trừ độc”. Buồn quá mà thêm thuốc buồn vào nhiều khi nó cũng giải được “độc buồn” và thu lượm được niềm vui. Vì thế có anh học trò xứ Lái Thiêu ra Huế học. Mỗi lần ra Kinh anh ta mang theo trái sầu riêng để cùng ăn với người yêu cho nên bị các cậu học trò xứ Quảng làm thơ trêu ghẹo:

Ghe anh nhỏ mũi tráng lườn

Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em

Cùng em ăn trái sầu riêng

Ăn rồi cảm thấy một niềm “vui chung”

Người nào về Việt Nam mình ên muốn ăn phở, hủ tiếu, bún bò thì đừng đụng đến trái sầu riêng. Ăn vào sẽ ôm mối sầu thiên thu đấy. Bà nào muốn giữ ghịt đức lang quân, mỗi lần ổng về Việt Nam, tối tối phải phone về nói chuyện với mấy ổng. Nhắc chừng mấy ổng ăn sầu riêng hàng ngày và qua điện thoại, ngửi xem hơi hám của mấy ổng có mùi sầu riêng hay không? Nhớ nhé, không thì mình bị ghiền sầu riêng đó mấy bà ơi.

Tuần sau, hai gia đình hàng xóm “đồng ruộng” ở Việt Nam, hai gia đình đang được Mỹ trả nợ đời, gặp nhau, pic nic với nhau sau vườn nhà tui. Từ đó tui thay mặt nhà trường Hiệp Chủng Quốc làm người kèm trẻ không lương cho cô hàng xóm, đúng là đời có vay có trả.

Con là nợ, vợ là oan gia, em vợ là tiên nga, hai ông bà già vợ là hai con khỉ già (có gia đình thì đừng học thuộc câu này... đổ nợ đó). Thời gian, thời gian đủ để cô hàng xóm luyện bùa luyện ngải. Rồi tui bị hối lộ không dám từ chối. Rồi cũng tại cái ngu, ngu tới tận cùng bằng số, đời tui đi vào ngõ cụt khi cô hàng xóm ngày “mận ngọt” bỏ bùa cà tha làm “oan gia” của tui. Tại sao phải có “oan gia”. Bà con ơi, ở cái xứ bóc lột này người ta nói rằng:

Hôn nhân là cách chuyển tiền nhanh chóng nhất, nhanh hơn ngân hàng và hợp pháp nhất. Đụng “chiện” thì ít nhất là chuyển nhượng phân nửa tài sản. Tự ái vặt cho hết thì đi cả “chì lẫn chài”. Còn không kiểm soát được cái tay cái chân thì cái “911” nó gởi mình đi “gở lịch”. Đàn ông ở cái xứ cực kỳ văn minh này còn thua xa con chó Trouble Hemsley của bà tỉ phú Leona Hemsley. Khi bà ta chết, bà đã để lại gia tài là 12 triệu USD, mỗi năm phải chi 100000 USD, cho “nàng chó”. Hay là Jerszon Senador ở Laguna Philippines, tắm chó đem phơi khô bằng cách treo lên dây phơi quần áo với 5 cái kẹp, có thể bị 2 năm tù giam và đóng phạt 1000 Pê-Sô (23 USD)”.

“Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, vì tui khờ cho nên thánh nhân đãi tui được độc lập, tự do, hạnh phúc, được tiến lên đời sống “tư hữu” một thời gian. Đó là giai đoạn phê nhất của những thằng khờ, à mà quên, còn lúc phủi tay nữa chứ lị:

“Đời người đàn ông có hai lần vui, lần lấy vợ và lần vợ bỏ”

Qua được cái xứ cực kỳ vĩ đại văn minh hoành tráng, được tự do độc lập hạnh phúc học hành, tiến lên học vị: thủ trưởng tiến sĩ, phó tiến sĩ, bí thư tiến sĩ, tỉnh ủy sĩ, huyện ủy sĩ, thạc sĩ Vàm Cỏ Đông, cử nhân Trường Sơn Tây... Bằng nào cũng vài tháng là có khung lộng kiếng. Nhờ học không cần lý lịch, cái chất phèn của đồng quê nó trôi đi mau chóng. Không còn ngồi gác chân trên ghế, ngồi kiểu nước lụt nữa, cái khù khờ ngày xưa nhờ xà phòng hải ngoại, xà phòng “đô la” nó massage dùm nên tui đâm ra khôn vặt.

Khôn! Thánh nhân không giúp người khôn, thánh nhân hại kẻ khôn, thánh nhân bắt tui bỏ đời sống “cá thể” để chuyển qua đời sống “tập thể”. Tui có “dám đốc” mỗi ngày, có lịnh nộp “vòng kim tiền” mỗi tháng, và không thất nghiệp bao giờ từ lúc bước vào nhà cho đến lúc lên giường. Đáng đời, đáng kiếp! “Khôn”... Oan gia ơi! ...Bởi vì ai?

Tui đã lầm khi... gặp lại “en”... bên ... ni! Ha…ha...ha…

TSN 14-06-2011

- Viết thay người Vĩnh Long

- Thời gian và không gian có sai lệch, xin miễn bàn, miễn thắc mắc

- Thân tặng các bạn “Có yêu mới khổ vì yêu”