Giáo sư Phùng Trung
Ngân
Thân phụ thầy Ngân gốc miền Bắc, di
cư vào Nam
trước năm 1910.
Thầy Ngân sinh ngày 19 tháng 12 năm 1929
tại Saigon, học Trung Học Pétrus Ký và sau đó:
Kỹ Sư Canh Nông ( Pháp)
Tiến Sĩ Khoa Học ( Hoa Kỳ)
Giáo Sư Thỉnh Giảng các trường Trung
Học Gia Long, Đại Học Nông Lâm Súc, Dược Khoa Saigon và Đại Học
Sư Phạm Saigon, Huế, Cần Thơ.
Giáo Sư Thực Thụ Đại Học Khoa
Học Saigon.
Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học Saigon.
Trước năm 1975, khi đi dạy trung học, Gs
Phùng Trung Ngân có xuất bản các sách về Vạn Vật cho bậc Trung Học
nên Thầy được rất nhiều học sinh Sư Phạm và Trung Học
biết đến.
Năm 1958, với chính sách đem tiếng Việt vào
bậc Trung Học của Bộ Giáo Dục, cùng với giáo sư Nguyễn Thanh
Khuyến ở trường Trung Học Gia Long, thầy Ngân là một trong
những người đầu tiên bắt đầu chương trình dạy Vạn Vật bằng tiếng Việt.
Ở Đại Học Khoa Học, thầy Ngân giảng dạy về
môn Sinh Môi Học cho chứng chỉ Thực Vật và làm nghiên cứu về Môi Trường, Thầy
cũng là người đã sáng lập ra Bộ Môn Sinh Môi Học ở Trường Đại Học Khoa Học
Saigon.
Khi nhắc đến giáo sư Phùng Trung
Ngân, trong chúng ta ai có biết Thầy cũng phải nhớ đến người
vợ hiền, đẹp, giỏi và đảm đang của Thầy
là cô Lê Tuệ Quang, cũng là Tiến Sĩ Khoa Học.
Cô Ngân dạy chứng chỉ Thực Vật
về môn Hình Thể Học, môn Nấm Học và sau đó là môn Cấy Mô cho sinh
viên Hậu Đại Học.
Cô đặc biệt dễ thương nhưng
không may đã mất sớm vào năm 1982, lúc đó hai em Hiếu và Nghĩa mới
lên 10, vậy mà Thầy vẫn một mình lo cho các em đến ngày thành đạt, hiện nay
Thầy định cư tại California.
Để Mừng Thọ cho thầy Ngân, các học trò cũ
trong ban Thực Vật Đại, Học Khoa Học Saigon đã tặng Thầy hai bức tranh vẽ
chân dung: một hình của Thầy Cô khi còn trẻ và một hình của Thầy chụp gần
đây. Lễ được tổ chức tại tư gia của Thầy, nhân dịp con gái lớn của Thầy là
Phùng Thúy Phượng từ Việt Nam
sang để mừng sinh nhật cho Bố, nên hai bên học trò và gia đình phối hợp cùng
lúc cho tiện. Lý xuân
Thành, Tạ Trần Tấn, Nguyễn Thị Thu Đồng, thầy Ngân, Phùng Thúy
Phượng.
Buổi lễ được làm đúng ngày sanh
của Thầy, phổ biến rất hạn chế vì Thầy không muốn
tổ chức rình rang, đại diện anh em có vợ chồng thầy
Tạ Trần Tấn- Nguyễn Thị Thu Đồng và anh Lý Xuân Thành.
Tôi xin được chia sẽ với mọi người
diễn văn thầy Tấn thay chúng ta đọc ngày hôm đó, cảm động lắm.
Kính thưa Thầy,
Trước hết phải nói là chúng em rất
cảm mến cái Tình của Thầy đã tận tâm hết lòng giúp đỡ học
trò dưới mái trường cũ, mà chúng em còn rất cảm phục cái Tình cái
Nghĩa của Thầy như một người chồng, một người cha trong gia đình,
ngoài đời suối 80 năm cuộc đời đã chịu khó chịu cực hết 30
chục mùa thu lá rụng làm thân “gà trống nuôi con” cho
đến ngày thành đạt hôm nay. Quả thật Thầy là một “loài cây
quí hiếm” trong cảnh vườn Thực Vật!
Kính thưa Thầy,
Cảm nhận ngày tháng trôi xuôi,
quá khứ xa dần, ngoảnh mặt lại trong gia đình Thực Vật bây
giờ ai còn ai mất?! Thầy đã bát tuần mà học trò cũ nay cũng hơn sáu bảy
chục tuổi rồi. Ngày đau thương mất quê hương, phải rời bỏ chốn bảng đen phấn
trắng của Giảng Đường Khoa Học, chúng ta bình thản dấn thân vào cuộc sống mới
ở xứ lạ quê người, khanh tướng công hầu, thăng trầm vinh nhục, xem chừng cũng
như là phù vân. Mấy mươi năm vùn vụt trôi qua, đời rất thực mà đời cũng như ảo
mộng! Thầy cùng chúng em mới ngày nào đó, làm chuyến viễn trình gắn bó với cỏ
cây, đem lòng say mê của thời non trẻ để nghiên cứu khoa học, khi lên núi khi
băng rừng ở Lang Biang Dalat, lúc xuống biển lặn lội ở Phú Quốc ngoài vịnh
Thái Lan, hoặc có lần “sợ quá” suýt bị “người đồng bào VC” bắt giam ở bưng
biền vì lạc đường vào “mật khu” của họ ngoài bán đảo Thị Nại…vinh nhục buồn
vui của một thời để nhớ, chưa quên…, còn lại đó, rõ ràng trong ký ức.
Hôm nay nhân ngày sinh nhật này, chúng
em trong gia đình Thực Vật, chỉ còn chút kỷ niệm này để kính
mừng Thày tuổi thượng thọ.
Tạ Trần Tấn & Nguyễn Thị Thu Đồng.
Quà tặng Thầy, ngoài hai bức tranh,
còn có một laptop và một phong bì của một số thầy cô bên Pháp và gia đình
Thực Vật, mọi người cũng muốn mua quà biếu Thầy, nhưng suy đi nghĩ lại, có thể
không đúng nhu cầu của Thầy thành phí phạm, nên quyết định giữ lại một ít để
Thầy chi xài khi cần, nhưng khi món quà đến tay Thầy, Thầy đã tặng hết số tiền
này cho bên Việt Nam, một nửa cho các thầy cô gặp khó khăn, một nửa giúp các
sinh viên nghèo hiếu học.
Thầy ơi, Thầy lúc nào cũng lo lắng
và thương yêu người khác hơn bản thân Thầy, đúng như thầy Tấn
và cô Thu Đồng đã nêu: Thầy là loài cây quí hiếm
trong cảnh vườn Thực Vật, một Người Chồng Chung Thủy, một Ông Cha Gương
Mẫu và một Người Thầy tân tụy, hết lòng thương yêu, nâng đỡ học
sinh.
Chúng em cầu mong cho Thầy được sức
khoẻ như con cái cầu mong sức khoẻ cho cha mẹ của mình
vậy ( Nguyễn Văn Út)
Kính mến, Nguyễn Thị Hờn
Dâu bể, bể dâu, Ban Thực Vật
giờ đã đổi tên, góc vườn nhỏ thơ mộng đưa lối vào nơi
làm việc của hai Ông Thầy thương mến, đáng kính trọng nhất của chúng ta cũng
đã biến mất, nhường chỗ cho một sự ngổn ngang khó tả, mà mỗi người một cảm
nhận.
Chúng ta chỉ cầu mong cho gương đạo
đức sáng ngời và tinh thần say mê khoa học, phục vụ học sinh, sinh viên
cùng với lòng yêu nước thiết tha của Thầy ta còn được lưu truyền mãi mãi trên
mãnh đất Việt Nam thân yêu.
Montréal, xuân
Canh Dần 2010-03-03
|