Thiền & Ngủ
Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc - Lê Thi Kiểm ST
Có người nói ngủ
chiếm một phần ba cuộc đời, uổng phí quá! Đừng ngủ thì lợi hơn! Nhưng lợi đâu
không thấy chỉ thấy mất ngủ vài ba đêm thì đầu óc không sảng khoái để làm việc,
năng suất thấp, mất ngủ lâu dài hơn thì dẫn tới bệnh tâm thần và cuối cùng thì
thay vì cuôc sống dài ra lại bị rút ngắn đi một cách đáng tiếc!
Không biết tại sao ngày càng có nhiều người mất
ngủ trên thế giới phẳng này! Thuốc ngủ là một trong những thứ thuốc bán chạy nhất
hiện nay trên thế giới. Hình như đời sống ngày càng bận rộn, ngày càng náo động,
ngày càng bất an, đầy “điên đảo mộng tưởng” thì con người ngày càng mất ngủ. Và
đó cũng là lý do tại sao ngày người ta càng cần tới… Thiền.
Phải, chỉ có thiền mới có thể “cứu rỗi” một thế
giới đầy náo lọan như vậy! Thiền cũng có thể thay cho… ngủ, dù thiền không phải
là ngủ, trái lại thiền là tỉnh giác. Thế nhưng, về mặt sinh học, thiền tiêu hao
năng lượng rất ít, ít hơn cả giấc ngủ, nhờ đó tiết kiệm đựơc năng lượng, không
phải tiêu hao cho cái tâm náo động. Khi tâm được an, “an tịnh tâm hành” thực sự
thì năng lượng tiêu hao giảm hơn một nửa. Nhưng không phải ai cũng thành công với
thiền nên “một nghệ thuật ngủ” là cần thiết để giảm bớt… thuốc ngủ!
Có một “nghệ thuật… ngủ” như sau: Khi nào buồn
ngủ thì đi ngủ ngay.
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên.
Cơ
tắc san hề khốn tắc miên!
Đừng ráng. Ráng thì khó mà dỗ lại giấc ngủ! Chưa
buồn ngủ thì kệ nó, việc gì phải ngủ! Cơ thể sẽ biết cách tự điều chỉnh, nghĩa
là biết cách ngủ bù!
Tiếng Việt ta thiệt hay. Không nói mắc ngủ mà
nói “buồn ngủ”? Vì buồn mới dễ ngủ. Vui khó ngủ. Vui là kích thích, là hào hứng,
là rộn rã. Thở gấp, tim đập nhanh, huyết áp tăng. Buồn, mọi thứ xìu xuống. Giảm
kích thích. Thở chậm, tim đập chậm và huyết áp cũng giảm.
Cho nên cách dỗ giấc ngủ tốt nhất là làm cho cơ
thể rơi vào trạng thái “buồn”. Đó là cách tách “thân xác” ra khỏi “thân hơi”.
Buông xả toàn bộ thân xác, như rã nó ra, xì nó xuống, làm cho nó xẹp lép, hết
căng. Đặt tay chân trong tư thế tự nhiên không gò ép, miễn dễ chịu. Khi “thân
xác” đã xẹp lép, lửng lơ như vậy rồi thì tập trung chú ý tới “thân hơi”, tức là
hơi thở của ta. Không cần phải cố gắng điều khiển hơi thở, ráng sức điều hoà
hơi thở chi cả. Bởi còn ráng, còn cố gắng thì còn căng, không gọi là buông xả đựơc!
Cứ để “thân hơi” tự nhiên, nó sẽ biết lúc nào vào lúc nào ra, lúc nào nhiều lúc
nào ít. Nó có cơ chế điều chỉnh tự động tùy nồng độ dưỡng khí (O2) và thán khí
(CO2) tác động lên trung khu hô hấp ở hành tủy. Vậy là ta rơi vào… giấc ngủ lúc
nào không hay!
Cái khó lúc mới tập là ta thường dễ bị tràn ngập
bởi những ý tưởng này nọ, những tính toán, những giận hờn, những âu lo… làm ta
sôi lên. Mà đã sôi lên thì có trời mới ngủ đựơc! Lúc đó nếu ta biết cách dùng
thân hơi “dụ” thân xác, bằng cách tập trung theo dõi xem thân hơi đang dở trò
gì, xì xọp ra sao, nhanh chậm, nhiều ít ra sao một lúc ta sẽ cắt đứt được dòng
nghĩ tưởng. Thần kinh của ta trong cùng một lúc không thể nghĩ đến hai việc. Đã
nghĩ việc này thì quên việc kia. Khi ta nghĩ đến thân hơi, tập trung quan sát
nó, thì ta đã đánh lạc hướng những cái nghĩ tưởng khác. Đã có người khuyên nên
dỗ giấc ngủ bằng cách đếm sao trên trời hoặc nghĩ đến một dòng sông tuổi thơ, một
bãi biển vắng người…! Thật ra đếm sao cũng còn căng thẳng, mất công nhớ số;
nghĩ đến dòng sông tuổi thơ thì nhớ chuyện tắm ở truồng… Cứ chuyện này dắt chuyện
kia mãi không ngớt.
Chỉ có cách tìm một cái gì đó thật trung tính,
không tạo kích thích thì đó là cách quan sát thân hơi. Thân hơi sẵn có, không
phải tìm kiếm đâu xa, ngay trước mũi mình, cũng không đòi nghĩ tưởng gì cả. Bởi
ta phải thở bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Thở ở trong ta mà như ở ngoài ta, chẳng
cần ta, chẳng có ta. Thử hít một hơi thiệt dài, thiệt mạnh, thiệt sâu xem sao?
Chỉ một lúc là đầu váng mắt hoa, phải tự động thở ra ngay, không muốn không được.
Thử thở ra một hơi thiệt dài, thiệt mạnh, thiệt lâu xem sao! Chỉ một lúc là nó
tự động thở vào, không muốn không đựơc! Nói cách khác, cái “thân hơi” đó
nó tự ý, tự động. Do đó, ta có thể dùng thân hơi như một công cụ để… dụ thân thể
quên đi tất cả những chuyện khác. Mà đã quên thì hết căng, hết căng thì xìu,
xìu thì… buồn, buồn thì… ngủ vậy!
|