 Câu Chuyện Thầy Lang: …Cái Tóc Là Gốc Con Người Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Mái
tóc là nguồn cảm hứng của thi nhân, họa sĩ hàng bao nhiêu thế kỷ. Nó
đã làm ngây ngất người trai học sinh mười tám, ngồi sau, nhìn lên mớ
tóc thề người yêu bàn trước; đã làm ngẩn ngơ lòng anh nông phu chất
phác trước cảnh chị Lụa hong tóc thoảng hương bồ kết nơi đầu hiên giữa
trưa hè.
Đã thấy trong ca dao có lả lơi, cợt nhả: “Chị kia bới tóc đuôi gà, Nắm đuôi tóc lại hỏi nhà chị đâu”, hoặc đứng đắn, trang nghiêm: “Cá tươi thì xem lấy mang. Người khôn xem lấy hai hàng tóc mai”.
Con
người đã bỏ thì giờ chăm sóc, nghĩ tới và tốn tiền cho mái tóc nhiều
hơn là bất cứ bộ phận nào trong cơ thể. Vì cái tóc cùng với cái răng,
là cả một góc con người.
Ta chải tóc, búi tóc, uốn tóc, nhuộm tóc, cấy tóc, cắt tóc, gội tóc,
bôi dầu, xức thuốc thơm lên tóc. Tóc là món trang trí tăng nét duyên
dáng cho con người. Cho nên khi nó ngả mầu tro thì ta hốt hoảng như
thấy hoa sắp tàn. Mà khi nó rụng thì nghĩ tới cuộc đời sóng gió thuở
trung niên.
Vài điều về tóc
Tóc có trên khắp cơ thể trừ ở lòng bàn tay, bàn chân. Không kể ở trên đầu, các nơi khác tóc được gọi là lông. Theo
các nhà khoa học, tóc có nhiệm vụ che chở cho đầu khỏi sức nóng của
nắng rọi vào huyệt thiên hội, lông mi mắt để ngăn vật lạ bay vô. Nhưng
với dân gian thì lại cho là “quân tử lông chân, tiểu nhân lông bụng”.
Mà một thanh niên cường tráng đầy lông ngực coi bộ lại kích thích, gợi
tình hơn.
Với vẻ dáng mượt như vậy mà tóc chỉ là nhóm tế bào chết từ một chân tóc
dưới da nhô lên. Về cấu tạo, tóc có 95% chất keratin, một loại chất
đạm cứng như nhôm. Nhìn
dưới kính hiển vi, sợi tóc cắt ngang có ba lớp: lớp ngoài tế bào xếp
chồng lên nhau như mái ngói; lớp giữa là những sợi tế bào dài nhỏ có
chất phẩm làm tóc có mầu; lớp trong cùng gồm những tế bào khá chắc làm
cho tóc bền bỉ.
Dưới chân tóc có mạch máu nhỏ để nuôi dưỡng tóc và nhiều tuyến nhờn
tiết ra một lớp chất dầu, mỡ béo và muối với độ acid pH 4.5-5.5 để che
chở tóc và làm tóc óng mướt. Từ
chân tóc có vài thớ cơ thịt mà khi co vì lạnh, vì cảm giác sợ hãi, làm
tóc dựng đứng lên (ma nó đè làm tôi sợ dựng tóc gáy lên).
Tùy theo hình dạng của phần chân mà tóc thẳng (chân tóc tròn) hay quăn (chân tóc bầu dục hay dẹp). Trung bình, mỗi người có khoảng 115.000 sợi tóc. Anh nào tóc đỏ thì ít, còn chị tóc hung nhiều hơn. Tóc
đã được sắp xếp để thay phiên nhau tăng trưởng và rụng rơi: khoảng 85%
tóc phát triển, dài ra; 15% tóc ngưng dài khoảng ba bốn tháng rồi rụng.
Mỗi tháng tóc dài ra khoảng hơn nửa phân, mau dài vào mùa hè hơn là vào mùa đông, ban ngày ngày hơn đêm. Tóc
tồn tại được 2 tới 6 năm rồi rụng. Mỗi tháng, theo nhịp độ sinh học
bình thường, chừng trên một trăm sợi tóc liên tục từ giã maai1 đầu ra
đi nhưng đều được thay thế.
Thăng trầm của tóc Trải qua thời
gian, niên tuế, tóc thay đổi và báo hiệu sự chuyển tiếp từ tuổi ngọc,
tuổi trung tráng niên sang tuổi vàng tuổi hạc của con người. Tóc sẽ
khô, nhỏ sợi đi, đổi sang mầu bạc, sẽ rụng nhiều hơn. Đôi khi ngược
đời tóc lại mọc nhiều ở những nơi bình thường có ít như lỗ mũi, vành
tai, mày ngài.
Những tuyến nhờn dưới chân tóc kém hoạt động, tóc thành khô, cứng, dễ gẫy hoặc chẻ đôi. Với
tuổi cao, sự nuôi dưỡng, nhất là đạm chất, giảm bớt khiến tóc cũng chịu
chung số phận thiếu dinh dưỡng. Sợi tóc nhỏ, kém vẻ mầu mỡ tươi tốt.
Tóc một lão nhân 70 tuổi sẽ trở về vẻ mảnh mai như khi mới sanh.
1-Tóc bạc Khi tế bào mầu trong tóc giảm, tóc thành không mầu mà ta gọi là tóc bạc. Càng ít mầu, tóc càng bạc hơn. Sự bạc tóc là chuyện bình thường, sớm muộn gì cũng xảy ra ở con người. Tóc khởi sự bạc ở hai bên thái dương bạc lên.
Khoa học chưa giải thích được tại sao tóc bạc mà chỉ đoán là vì thiếu
chất dinh dưỡng, sinh tố B hoặc là do căng thẳng tâm trí, do gene xấu.
Ngũ Tử Tư qua một đêm suy nghĩ trầm kha, sáng ra tóc bạc phơ. Anh em
cựu tù nhân cải tạo mình thiếu gì người bạc tóc chỉ sau vài tháng, vài
năm nhập trại, xa gia đình, vợ con. Và nàng Kiều bạc mệnh, lận đận vất
vả cho nên “ Đầu xanh mấy nỗi pha mầu tóc sương.”
Chưa có cách nào để lật ngược hiện tượng bạc tóc. Tuy nhiên vì nhiều
người quá quan tâm, âu lo tới nó nên đã làm giầu cho giới con buôn cả
tỷ bạc mỗi năm với những mỹ phẩm, thuốc nhuộm.
Ta
có thể để tóc bạc tự nhiên nom cũng hấp dẫn và có uy tín lắm. Hoặc
nhuộm với các loại thuốc nặng nhẹ khác nhau, nhưng cứ dăm bẩy tuần lại
phải nhuộm lại. Chứ mà để tóc chân trắng mình đen coi cũng hơi kỳ.
Thuốc nhuộm tóc thường có ba loại: loại chỉ phủ qua trên sợi tóc rồi
hết ngay sau khi gội nước; loại hơi ngấm vào tóc và loại ngấm lâu hơn.
Loại thứ ba là hợp chất Hydrogen peroxide và phẩm mầu đen. Thuốc nhuộm tóc thường ăn da, do đó ta cần cẩn thận, nhất là tránh thuốc vào mắt.
2-Rụng tóc. Ngoài cái lo tóc bạc lại đến ưu tư về tóc rụng. Có nhiều nguyên nhân làm rụng tóc như:
a-Dùng mỹ phẩm nhuộm, uốn tóc không đúng chỉ dẫn, dùng quá nhiều, quá thông thường hoặc nhiều thứ cùng một lúc;
b-Búi kéo tóc quá căng; chải tóc với lược có răng liền nhau, nhất là lại chải mạnh tay;
c-Phụ nữ sau khi sanh, tóc rụng vài tháng nửa năm mới hết; đ-Một vài dược phẩm chữa cao huyết áp, phong thấp, bệnh tim hoặc thuốc viên ngừa thai;
e-Dinh dưỡng thiếu chất đạm, sắt hoặc uống nhiều sinh tố A;
g-Ảnh hưởng của hóa chất hoặc tia phóng xạ khi trị ung thư;
h-Căng thẳng tâm thần;
i-Trong bệnh rụng tóc Alopecia Areata.
3- Hói đầu. Khi
tóc rụng nhiều hơn thường lệ và không được thay thế, ta có thể thành
hói đầu, một hiện tượng chung và bình thường cho cả nam (43%) lẫn nữ
(8%). Chẳng ai biết tự nhiên tại sao ta hói. Xưa kia, người ta
bảo hói là vì những chất độc đó đây ảnh hưởng vào tóc. Có một thời kỳ,
sinh viên y khoa được giảng dạy là não bộ nở ra do trí thông minh cao
khiến cho tóc rụng nhiều, chứng cớ là đàn bà và người nô lệ ít hói!!!
Có người lại bảo đội mũ nhiều, gội tóc quá thường, đầu nhiều gầu, làm ta hói. Rồi lại cho hói là dấu hiệu của kém khả năng đàn ông. Ngày
nay theo khoa học, bình thường hói là do di truyền. Thành ra cứ nhìn
vào tấm hình chụp của tiền nhân ta có thể ước đoán được tương lai, số
phận mái tóc của ta.
Hói có nhiều kiểu, nhất là ở đàn ông. Từ
năm 1950, mẫu Hamilton với 8 kiểu hói đã được dùng để phân loại. Mẫu
thông thường là hói từ trán lên đỉnh đầu, ra phía sau chừa một vành tóc
hình móng ngựa trên gáy. Nữ giới thì tóc rụng từng chỗ trên khắp đầu. Quan sát cho hay dân Châu Phi rất ít hói, người Á Châu lại càng ít hơn.
Hói
đã làm nhiều người lo âu, rầu rĩ. Các bác sĩ cho rằng tâm trạng sợ hói
nguy hại hơn chính hiện trạng hói. Vì ngoại trừ khi do các nguyên nhân
kể trên gây ra, hói di truyền chẳng có hại gì cho sức khỏe.
Tuy vậy, từ thuở xa xưa, con người đã tìm đủ mọi phương cách để trị hói.
Nữ Hoàng Ai Cập những thế kỷ trước dùng chất sáp chế từ vỏ trái chà là và chân chó. Vài người khuyên muốn khỏi hói thì đàn ông thiến quách nó đi vì họ nghĩ rằng nhiều kích thích tố Testosterone đưa tới hói.
Nhiều anh chị lang băm đã rùm beng quảng cáo đủ loại thuốc mọc tóc, mọc lông và bợ được khối tiền của khách dễ tin.
Cách
đây không lâu, một hãng bào chế dược phẩm Hoa Kỳ tung ra thị trường
thuốc Rogaine, giúp tóc mọc lại khi thoa lên da đầu. Thuốc khá công
hiệu, nhất là ở người trẻ. Nhưng không phải ai cũng có kết quả tốt. Nếu
tốt thì cả năm sau mới trông thấy và muốn có tóc mọc dài lâu thì phải
dùng liên tục vì ngưng thuốc thì sợi tóc mới mọc sẽ rụng đi. Một tháng
tốn cả 100 mỹ kim mà bảo hiểm thường không trả tiền thuốc.
Lại còn thuốc viên Propecia uống mỗi ngày, một tháng cũng tốn đến trên
dưới 50 mỹ kim. Cũng như Rogaine, khi ngưng Propecia, tóc không mọc
nữa. Phụ nữ, nhất là khi có thai, không được dùng thuốc này. Ngoài ra thuốc loại corticosteroid, Anthralin cũng được nhiều bác sĩ chỉ định dùng.
Ta cũng có thể cấy tóc. Khoa
cấy tóc, khởi thủy từ bên Nhật vào thập niên 1930, ngày nay khá hiện
đại và rất phổ biến vì hiệu nghiệm. Bác sĩ sẽ cấy vào da chỗ hói một
dúm chừng 10 sợi tóc lấy từ phần sau hay bên cạnh đầu mình. Vài tuần
sau thì tóc cấy này rụng nhưng chân tóc đã vững và tóc mới mọc ra.
Thường thường ta cần 4 lần cấy cách nhau 4 tháng. Phương pháp này cũng
khá tốn kém, mươi ngàn mỹ kim trở lên là ít.
Rẻ tiền hơn có lẽ là chỉ việc phủ lên đầu một mái tóc giả làm bằng hóa
chất hoặc tóc thật của tha nhân, vừa mau chóng, lúc nào cũng có và lại
đủ mầu sắc, kiểu cọ rất vui mắt. Nếu không thì có sao để vậy. Người đẹp đâu có chê đầu hói không gợi tình mà ta phải lo. Mà cũng già đời rồi, đâu còn sợ chế riễu
“Đầu trọc long lóc bình vôi, Cậu ngồi cậu ị, cậu bôi lên đầu” như thuở thò lò mũi xanh, ăn miếng bánh đúc chạy quanh sân trường.
Chăm sóc tóc. Ngày
xưa, thiếu nữ quê ta giản dị chỉ gội tóc bằng nước bồ kết, vừa thơm vừa
vô hại. Rồi xức dầu thảo mộc cho óng, cho mịn, lại chẳng tốn kém bao
nhiêu. Vậy mà gặp phải anh chồng keo kiệt còn bị than phiền rằng “tóc
dài thì tốn tiền dầu”. Chẳng bù với bây giờ, nam nữ tân thời người ta tiêu cả nhiều triệu mỹ
kim mỗi năm mua mỹ phẩm cũng như trả công săn sóc để “có mái tóc đẹp,
cho người tình khen”.
Có điều ta cũng nên nhớ vài căn bản sinh hóa học về tóc để mỹ phẩm khỏi làm hư tóc:
a-Sợi tóc là tập hợp của những tế bào đã chết nên không nuôi tóc được
bằng mỹ phẩm bôi, xức, mà phải bồi dưỡng bằng khẩu phần ăn cân bằng cho
cơ thể.
b-Mức độ pH bình thường của tóc là 4.5 - 5.5. Mỹ phẩm có độ kiềm với pH trên 7 đều làm tóc khô, hư, chẻ và rụng.
c-Tia tử ngoại của nắng là kẻ thù gây tóc khô ở thân tóc và chẻ ở đầu
sợi tóc. Sấy tóc cho khô bằng hơi quá nóng không những hư sợi tóc mà
còn làm chết chân tóc.
đ-Đa
số mỹ phẩm nhuộm tóc, uốn ép tóc, shampoo đều không tốt cho tóc.
Shampoo bán ngoài siêu thị thường có hóa chất surfactants để làm sạch
và làm đẹp tóc. Ngoài ra những chất pha thêm như lanonin, thảo mộc,
trứng, tinh chế dạ con, la de không ích lợi gì cho tóc mà chỉ làm lợi
tài chánh cho nhà sản xuất.
Thuốc nhuộm gốc thảo mộc được dùng qua nhiều thế kỷ, ít hại cho tóc vì nó ngấm vào tóc tùy theo thuốc pha đặc, loãng. Thuốc
nhuộm hóa học có nhiều hợp chất kiềm, không những có hại cho tóc mà còn
gây dị ứng cho da, nên ta cần cẩn thận. Vì thế nên nhiều nhà sản xuất
đều nhắn nhủ ta nên bôi thử trên da coi có phản ứng không trước khi
nhuộm. Và khi ta không thích mầu nào thì không nên dùng hóa chất khác
để rửa mà đợi khi tóc dài ra thì cắt ngọn tóc đi.
Cần tránh dùng quá nhiều hóa chất khác nhau trên tóc. Săn sóc tóc hàng ngày cũng là một nghệ thuật, tốn thì giờ vì tóc nói vậy mà cũng mỏng manh. Chải tóc nhẹ từ chân tóc lên để phân tán chất nhờn đều lên thân tóc.
Dùng lược thưa răng để tránh tổn thương sợi tóc và không nên chải tóc
khi còn ướt vì lược sẽ kéo dài tóc ướt còn dính vào nhau. Có thể dùng
khe ngón tay để gỡ dần tóc ướt. Được ngón tay người tình rẽ tóc thì tốt
hơn nữa.
Khi gội đầu, làm tóc ướt với nước ấm, đổ shampoo vào lòng bàn tay, bôi
lên tóc. Lấy đầu ngón tay (không phải móng tay) thoa cho đều vào tóc và
chân tóc rồi xả nước cho sạch hết shampoo. Bình thường ta có thể gội
tóc với cục xà bông tắm là quá đủ để làm sạch bụi bậm, hóa chất trong
không khí dính vào tóc.
Lau khô tóc rất nhẹ nhàng bằng khăn tắm. Tốt hơn cả là hong tóc khô tự
nhiên trong không khí. Nếu cần sấy cho khô, nên dùng hơi nóng vừa phải
và giữ máy sấy xa da đầu một chút. Khi búi tóc, chải kiểu, tránh kéo tóc quá căng. Nếu cần cuốn tóc, nên quấn nhẹ vào cuộn rồi để qua đêm, sáng hôm sau gỡ.
Vài hàng về râu.
Nhân
thể nói tóc trên đầu, tưởng cũng nên nhắc qua tới anh lông tóc ở cằm, ở
quanh mép mà ta gọi là râu. Kẻo anh ta buồn, nhất bên trọng, nhất bên
khinh, vì cũng tình hàng xóm lân bang với nhau cả.
Râu có nhiều anh em bà con lắm. Nào
râu ba chòm mọc dưới cầm và hai bên mép; râu cá chốt mọc trên mép, dài
và cong lên; râu cứt mũi như hề Charlot; râu dê, râu xồm một chòm dưới
cằm; râu quai nón mọc theo hàm lên tận thái dương; râu quặp mọc trên
mép dài mà quặp xuống như không dám nhìn mặt bà chủ, nhất là sau khi
ông chủ ăn vụng.
Có anh lơ thơ ba sợi cũng bầy đặt để râu. Chú kia mặt non choẹt mà
cũng lún phún vài sợi ria mép. Còn ông phú hộ mới giầu có thì vênh vênh
cái mặt với chiếc râu tài mọc gần miệng, dưới tai. Bộ
râu là phụ tùng trang trí trên mặt, luôn luôn làm tăng sức hấp dẫn cho
chàng trai mà lại tăng vẻ điêu luyện, già giặn cho người bạc tóc.
Chăm sóc cho bộ râu cũng tốn nhiều công phu, tỉ mỉ như chơi cây lan
cảnh. Tỉa sao cho đều. Chải sao cho mượt. Một chút dầu thơm cho nụ hôn
của nàng thêm khắng khít. Khi
cạo thì nên làm râu ướt trước cho khỏi cạo quá sâu vào da gây rát. Cạo
tự nhiên theo chiều râu mọc, đừng căng da giữa hai ngón tay. Nước hoa
bôi sau khi cạo chỉ làm tăng hương thơm chứ không có công dụng khử
trùng hay ngừa nhiễm độc ngoài da. Dao cạo điện tiện lợi cho người có râu vừa phải chứ râu xồm xề, rậm rịt thì lại phải nhờ đến ông già Gillettes.
Trong lịch sử nhân loại, bộ râu đã tiêu biểu cho nhiều nhân vật thời danh. Ít
ai mà có được bộ râu đẹp bọc trong túi gấm như râu Quan Công. Râu đào
hoa thì phải kể râu Clark Gable. Râu mũi của danh tài Charlot hay nhà
độc tài Hitler thì hầu như đã trình tòa. Một cựu sĩ quan cao cấp của ta
cũng lừng danh với cằm râu dê, còn ông tướng được biết nhiều hơn qua
biệt danh râu kẽm.
Mình chẳng có râu, chẳng ai biết tới nên đành quanh quẩn ở nhà, cùng vợ làm bát cơm nguội, chan canh “Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon”. Và lai rai viết bài về sức khỏe, y học cho bà con đọc chơi...
Bác sĩ Nguyễn Ý Đức M.D. Texas-Hoa Kỳ
|